Sự phát triển của Hindu giáo ở Campuchia thời kỳ Angkor (802 – 1432) dưới hình thức Shiva giáo và Vishnu giáo
THE EXPANSION OF HINDUISM IN CAMBODIA THROUGH THE CULT
OF SHIVA AND VISHNU THE PERIOD OF ANGKOR (802 – 1432)
Tác giả bài viết: Thạc sĩ DƯƠNG THỊ NGỌC MINH
(Khoa Văn hóa – Du lịch, Trường Đại học Đồng Tháp)
TÓM TẮT
Hindu giáo là tôn giáo lớn nhất, cổ xưa nhất và cũng đặc biệt nhất của Ấn Độ truyền thống, có số lượng tín đồ đông đảo. Ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên, cùng với Phật giáo, Hindu giáo là một trong hai tôn giáo lớn của Ấn Độ được truyền bá rộng rãi đến Đông Nam Á thông qua hoạt động thương mại và truyền giáo. Mặc dù việc sùng kính Shiva và Vishnu đều song song tồn tại trong đời sống tôn giáo của cư dân ở đây, nhưng tùy từng nơi và tùy từng giai đoạn lịch sử, việc sùng kính Shiva hay Vishnu sẽ chiếm ưu thế riêng hoặc song song tồn tại. Tình hình này diễn ra khá điển hình trong lịch sử tôn giáo của Campuchia, đặc biệt là thời kỳ Angkor (802 – 1432).
Từ khóa: Angkor, Campuchia, Shiva giáo, Vishnu giáo.
ABSTRACT
Hinduism is the most ancient and special religion in Indian tradition, and it is also the largest religion with numerous believers. From the early centuries AD, along with Buddhism, Hinduism was one of the largest Indian religions which was introduced largely in South East Asia through commercial activities and propagation. Despite the cult of Shiva and the cult of Vishnu co-existed in the religious life of residents in this area, but depending on each region and each historical period, the cult of Shiva or the cult of Vishnu dominated or co-existed. This situation was typical of Cambodian religious history, especially, in the Angkor period (802 – 1432).
Keywords: Angkor, Cambodia, cult of Shiva, cult of Vishnu.
x
x x
1. Giai đoạn Shiva giáo chiếm ưu thế (đầu thế kỷ IX đến cuối thế kỷ XI)
Sau gần một thế kỷ bị chia rẽ và phụ thuộc vào vương triều Sailendra của Java, từ đầu thế kỷ IX, người Khmer bắt tay xây dựng lại cơ sở vật chất và tinh thần cho vương quốc thống nhất của mình ở trình độ cao hơn giai đoạn trước. Về mặt lịch sử, đây là giai đoạn mở đầu cho một thời kỳ huy hoàng của vương quốc Campuchia mà các nhà sử học thường gọi là “thời kỳ Angkor”. Đồng thời đây cũng là giai đoạn tạo dựng lại vương quốc Campuchia về mọi phương diện: thống nhất lãnh thổ, xây dựng bộ máy nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, tổ chức lại phương thức sản xuất kinh tế, xác lập hệ tư tưởng chính thống. Về mặt tôn giáo, đây là thời kỳ việc thờ Shiva chiếm ưu thế trở lại, tuy nhiên, việc tôn thờ Vishnu vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trong các triều vua Khmer.
Năm 802, vua Jayavarman II (802 – 854) lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho Chân Lạp, thoát khỏi sự chiếm đóng của người Java. Sau đó, ông tiếp tục công việc bình định, chinh phục các vùng đất xung quanh và đánh lui cuộc tiến công xâm chiếm của quân Champa vào khoảng năm 809. Đi liền với công cuộc bình định, nhà vua còn bền bỉ trong việc tìm kiếm địa điểm xây dựng kinh đô. Sau nhiều lần dời đô, cuối cùng ông quyết định định đô ở Mahendraparvat thuộc khu vực Phnom Kulen, cách Angkor 50km về phía Bắc. “Đây là tiền thân của Angkor và là nơi cung cấp đá để xây dựng Angkor”1. Mặc dù, Jayavarman II không phải là người khởi công xây dựng Angkor, nhưng với tư cách là người sáng lập vương triều và định vị trí có tính chất tiền thân, hoàn toàn có thể coi Jayavarman II là người mở đầu thời đại Angkor. Tuy những thành tựu của ông về phát triển kinh tế, văn hóa cũng như tổ chức bộ máy nhà nước chưa thấy được đề cập nhiều nhưng nguồn tài liệu bia ký cho thấy ông là người xác lập hệ tư tưởng chính thống cho nhà nước quân chủ tập quyền thông qua việc tôn thờ Thần – Vua (Devaraja). Bằng chứng là nhà vua cho tiến hành một nghi lễ rất trang trọng, chọn vị tu sĩ Bàlamôn giỏi pháp thuật tên là Shivakaivalya chủ trì buổi lễ trên đỉnh núi Kulen. Theo đó, đức vua nhận từ tay vị Bàlamôn chủ lễ một linh tượng Linga để đưa vào thờ trong tháp ở chính giữa hoàng cung. Từ đó, linh tượng này tượng trưng cho vương quyền, vua được đồng nhất với thần linh và trở thành đấng toàn năng.
Dưới thời trị vì của Jayavarman II, các tu sĩ Ấn Độ giáo rất được trọng dụng trong triều đình, đặc biệt là tu sĩ Shivakaivalya. Jayavarman II cũng chính là người khởi xướng việc thờ Thần-Vua ở Campuchia, vì vậy, ông được người đương thời tôn sùng như một biểu tượng linh thiêng của thần Shiva. Khi dời đô từ Mahendraparvata về Hariharalaya, nhà vua mang theo tượng Linga cùng rất nhiều tu sĩ Ấn Độ giáo tin cẩn. Ông cho lập đền thờ Linga trong nội cung, xây dựng thư viện và phổ biến kinh Veda. Từ những ghi nhận trên, hầu hết các nhà nghiên cứu đều nhận định vị vua này tôn sùng thần Shiva và dưới thời trị vì của ông Shiva giáo rất được sùng bái2. Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ học, đặc biệt là bia ký và những hiện vật điêu khắc về Vishnu có niên đại vào nửa đầu thế kỷ IX, cho thấy rằng dưới thời Jayavarman II, thần Vishnu vẫn rất được tôn kính và tồn tại song song với Shiva giáo. Rất nhiều tượng Vishnu có niên đại nửa đầu thế kỷ IX được tìm thấy tại quần thể di tích Roluos và núi Kulen – nơi đặt kinh đô Hariharalaya của đế chế Khmer dưới thời vua Jayavarman II và cả Jayavarman III, Indravarman I sau này. Bia ký Prasat Kok Po bắt đầu với lời cầu khấn thần Vishnu và đề cập đến Jayavarman II như một vị vua giống như Manu và tên ưa thích nhất của ông là Bhagavata Kavi (một danh xưng khác của Vishnu)3. Bia Bansei Cham Krong cũng đã ngợi ca về Jayavarman II là “… người có cái rực rỡ của vị thần có con mắt bông sen (tức Vishnu)”4.
Nguồn cảm hứng về Vishnu tiếp tục được duy trì dưới thời vị vua kế nhiệm – Jayavarman III (854 – 877). Kế tục thành tựu của vua cha, Jayavarman III tiếp tục chấn hưng Ấn Độ giáo, lấy các biểu tượng của thần Brahma, Vishnu, Shiva, Indra, Garuda, đặc biệt là các biểu tượng hóa thân của thần Vishnu làm nguồn cảm hứng cho việc xây dựng một số công trình trong vùng Angkor. Đặc biệt, “sau khi mất ông mang tên thụy là Vishnuloka”5.
Đến thời của Indravarman I (877 – 889), “Ấn Độ giáo trở thành quốc giáo và ngày càng có vai trò củng cố thần quyền gắn với vương quyền”6.
Ông cho xây 6 ngôi tháp ở Prah Ko để thờ tiên vương, ông bà ngoại, cha mẹ và hoàng hậu. Họ được thần thánh hóa bằng việc đồng nhất với sự linh thiêng của thần Shiva và nữ thần Devi. Ông cho xây đền thờ cả ba vị thần Brahma, Vishnu và Shiva cùng tháp đá Linga ở hai đỉnh đồi cao. Ngoài ra, một ngôi đền thờ chung cả ba vị thần Shiva, Vishnu và Thích Ca cũng được vua cho xây dựng là dấu chỉ cho thấy có sự đồng hành của Ấn Độ giáo và Phật giáo trong đời sống tôn giáo cung đình.
Sang triều đại kế tiếp, vua Yasovarman I (889 – 900), sự tôn thờ Shiva ngày càng được củng cố hơn trong khi sự tôn thờ Vishnu dường như có phần giảm sút vì ít tìm thấy những hiện vật thờ cúng Vishnu trong thời trị vì của vị vua này. Đây là vị vua chinh chiến và xây dựng vĩ đại đầu tiên của thời kỳ Angkor. Dưới thời ông, cương vực của vương quốc Campuchia được mở rộng thêm. Ông cũng là vị vua đầu tiên dời kinh đô từ vùng núi Kulen về khu vực Angkor ngày nay mà thời ông trị vì thành phố này mang tên Yasodharapura. Yasovarman I thể hiện rõ là một vị vua rất tôn sùng Shiva giáo khi cho xây dựng ngôi đền Phnom Bakheng nổi tiếng để lập đền thờ Linga-Vua7. Mặc dù vậy, đến thời vua Harshavarman I (910 – 922), Vishnu giáo vẫn để lại một chấm sáng rực rỡ với những khu đền tuyệt đẹp. Cả hai ngôi đền thờ Vishnu rất nổi tiếng là Prasat Kravan và Prasat Neang Khmau đều được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ X, dưới triều vua Harshavarman I. Dưới chân một trụ cột của ngôi đền Kravan có ghi ngày dựng tượng thần Vishnu vào năm 9218.
Mặc dù dưới thời ba triều vua: Indravarman I, Yasovarman I và Harshavarman I, Vishnu giáo phát triển yếu ớt nhưng vẫn xuất hiện đây đó tại địa điểm đóng đô của những vị vua này những pho tượng Vishnu tuyệt đẹp như tượng Vishnu Bakong, Vishnu Damei Krap (được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Phnompenh)9. Hay những mảng phù điêu thể hiện đề tài Vishnu cưỡi Garuda quen thuộc, được chạm trổ khéo léo trên cổng ra vào của những ngôi đền Shiva nổi tiếng: đền Prasat Kok Po (Bảo tàng Guimet, Pháp), đền Phnom Bakeng, đền Preah Ko10.
Các triều đại sau Harshavarman I lại chuyển sang tôn thờ Shiva, tạo nên một giai đoạn phát triển rực rỡ của Shiva giáo kéo dài đến cuối thế kỷ XI. Có sáu nhà vua trị vì trong suốt thế kỷ X và thành tích trong thời trị vì của họ chủ yếu là xây dựng các công trình kiến trúc. Có hai thay đổi chính trị lớn, đó là việc Jayavarman IV (928 – 942) tiếm ngôi và chinh phục Yasodharapura (tức Angkor) rồi sau đó phải từ bỏ Angkor, xây dựng kinh đô mới ở Koh Ker cách xa về phía Đông Bắc. Những công trình kiến trúc, nghệ thuật mà ông cho xây dựng để điểm tô cho kinh đô mới không chỉ to lớn đồ sộ như triều đại trước mà còn vô cùng năng động, biểu hiện cho một ý thức đổi mới, muốn thoát khỏi mô hình cũ. Tuy nhiên, do thời gian trị vì không đủ dài nên ông chưa có sự đột phá nổi bật nào trên lĩnh vực tôn giáo.
Sau sự “nổi loạn” của Jayavarman IV trước một vương triều đã đi vào khuôn khổ sau hơn một thế kỷ tạo dựng, chỉ một thời gian sau, vương quốc Campuchia lấy lại thế cân bằng của mình với một sự vững vàng hơn trước và với những sắc thái mới, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực. Rajendravarman II (944 – 968) đã truất ngôi của Harshavarman II, con của kẻ tiếm quyền (tức Jayavarman IV) và chuyển thủ đô về Angkor, nơi trở thành kinh đô của người Khmer cho đến năm 1432. Bên cạnh việc trở lại Angkor, nhà vua này còn có công tái thiết, “khôi phục lại kinh đô thần thánh Yasodharapura lâu ngày bị bỏ hoang, làm cho nó trở thành huy hoàng lộng lẫy…” và mở ra một thời kỳ mới của lịch sử Campuchia. Ông cũng lập đền thờ, đặt tượng chủ Linga Rajendrabhadresvara. Ông cũng là vị vua tiến hành xâm chiếm Champa năm 945 – 946 và lấy đi bức tượng thần Bhagavati bằng vàng ra khỏi đền Po Naga (Nha Trang). Theo Dương Văn Huy: “Đức vua theo đạo thờ Shiva, nhưng các văn khắc của người cho thấy rất nhiều tôn giáo được trọng dụng và đức vua rất khoan dung đối với tôn giáo”11. Bia Baksei Chamkrong, được phát hiện tại khu vực Angkor mà tác giả là vua Rajendravarman II, cung cấp một phổ hệ các đời vua từ khởi thủy đến thời điểm đó. Trong đó, các vua Campuchia được ca ngợi, tôn vinh phẩm hạnh, công đức và các chiến tích sánh ngang với các vị thần trong Hindu giáo từ Brahma, Vishnu, Shiva đến Harihara, Indra, Uma, Laskmi. Đặc biệt sự vẻ vang của các vị vua này luôn được so sánh với sức mạnh và sự vinh quang của Vishnu12.
Năm 968, Rajendravarman II qua đời, Jayavarman V (968 – 1001) kế ngôi. Đây là một triều đại khá dài trong lịch sử Campuchia và được xem là một triều đại có thành tựu cao về mặt học thuật, đặc biệt rất coi trọng các tri thức về Hindu giáo. Những tu sĩ có học thức sâu rộng và những trí thức của thời đại đã tham gia và giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình hoặc có ảnh hưởng lớn đến nhà vua và triều đình. Tu sĩ Yajnavarman là thầy dạy của vua Jayavarman V. Khi nhà vua còn nhỏ, tu sĩ này điều hành công việc của đất nước và được nhà vua hết sức kính trọng. Văn khắc Campuchia ghi lại: “Từ tất cả mọi phương hướng, những người Bàlamôn nổi tiếng về sự uyên bác của họ, những người nắm được bản chất của khoa học Vedanta, trung thành với nhiệm vụ của mình, và rất giỏi về kinh Veda và triết Veda đã chào đón đức vua”13. Thời kỳ này, ngoài những đền đài do nhà vua xây dựng còn có rất nhiều công trình nghệ thuật do các tu sĩ và quý tộc dựng lên. Việc lập tượng cũng phổ biến rộng rãi. Bia ký đền Banteay Srei ghi lại việc tu sĩ Yajnavarman cùng với người em út là Vishnu Kumara đứng ra xây dựng ngôi đền Banteay Srei vào năm 96714. Ngôi đền này được coi là một công trình kiến trúc hấp dẫn và duyên dáng nhất của nghệ thuật kiến trúc Campuchia15. Hoặc tu sĩ Divakarabhatta, anh rể nhà vua, đã xây dựng 6 ngôi tháp và các công trình kiến trúc khác bao quanh ở Prasat Kom Phưs và dựng 3 bức tượng mới, trong đó có một pho là tượng công chúa Indra Laskmi, vợ ông vào năm 972. Con trai ông cũng lập một đền thờ cho mẹ. Năm 960, một quý tộc tên là Bhaktivikrama đã dựng một tượng Aja (danh hiệu dùng để chỉ một số thần khác nhau) và năm 962, ông lại dựng một tượng Upendre (một trong những danh xưng của Vishnu-Krishna). Sau Jayavarman V, vua Udayadityavarman I (1001 – 1002) chắc hẳn cũng tiếp nối những công việc của Rajendravarman II nhưng khá mờ nhạt vì thời gian ở ngôi rất ngắn.
Sang đầu thế kỷ XI, tình hình chính trị trên vùng hạ lưu sông Sê Mun diễn ra khá phức tạp. Một hoàng thân tên là Suryavarman lập nên một triều đình khác, tiến hành cuộc chinh phạt “chiếm được vương quốc từ tay một vị vua trong số những vua khác”, tự xưng vua từ năm 1002, lấy hiệu là Suryavarman I (1002 – 1050). Nhà vua cho phục dựng các kiến trúc bị tàn phá trong chiến tranh, xây dựng mới một số công trình và mở rộng quyền lực của vương quốc về phía Tây, trong đó bao gồm vùng trung và hạ lưu sông Mê Nam hoặc đã thần phục hoặc chịu ảnh hưởng sâu sắc của đế quốc Khmer. Có lẽ vì thế trên lãnh thổ của Thái Lan ngày nay còn lưu lại rất nhiều công trình kiến trúc đền tháp và điêu khắc mang đậm dấu ấn của nghệ thuật Khmer có khung niên đại khoảng thế kỷ XI. Sau khi Suryavarman I qua đời, con là Udayadityavarman II (1050 – 1066) lên nối ngôi. Đây chính là vị vua dựng trên ngọn núi vàng (tượng trưng cho ngọn núi Meru trong thần thoại) ở giữa kinh đô một ngôi đền vàng, bên trong đền đặt một Shivalinga bằng vàng. Đó chính là ngôi đền Baphuon nổi tiếng, hiện vẫn đang tọa lạc ở giữa khuôn viên Angkor Thom. Hai vị vua sau đó là Hasshavarman III (1066 – 1089) và Jayavarman VI (? – 1107) đều tôn thờ Shiva giáo, có công xây dựng những ngôi đền thờ Shiva nổi tiếng ở Phnom Sandak, Preah Vihear, Vat Phu…
Như vậy, sau một giai đoạn dài tập trung vào việc quy đất nước về một mối từ những tiểu quốc và miền đất bị chia cắt, đến thế kỷ X, vương quốc Campuchia đã xây dựng được một chính quyền trung ương tập quyền khá mạnh trên cơ sở một nền kinh tế nông nghiệp khá phát triển. Đây cũng là giai đoạn phát triển cao, rực rỡ về mọi mặt kinh tế, văn hóa cũng như sức mạnh quân sự của vương quốc trong khu vực. Về mặt tôn giáo, trong khoảng ba thế kỷ (IX, X, XI), việc thờ thần Shiva chiếm ưu thế, được khởi đầu từ triều vua Jayavarman II. Sau triều đại của Harshavarman I, các vị vua Khmer cũng chuyển sang tôn thờ Shiva, tạo nên một giai đoạn phát triển rực rỡ của Shiva giáo kéo dài đến cuối thế kỷ XI. Đặc biệt, từ triều đại của vua Rajendravarman II đến Suryavarman I, Udayadityavarman, Jayavarman VI thì Shiva giáo gần như đã trở thành quốc giáo ở Campuchia gắn với việc thờ Thần-Vua thông qua hình thức thờ ngẫu tượng Shivalinga. Do đó, hầu hết các công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng trong giai đoạn này đều là đền tháp thờ Shivalinga (đền Baksey Chamkrong, Baphuon, Ta Keo, Mebon Đông, Phnom Krom, Phnom Bok…). Hầu như không tìm thấy ngôi đền thờ Vishnu nào, ngoại trừ ngôi đền Kravan được xây dựng dưới triều vua Harshavarman I để thờ nữ thần Laskmi và ngôi đền được vua Udayadityavarman II cho xây dựng ở giữa hồ Baray Tây vào giữa thế kỷ XI.
Mặc dù trong suốt thời gian gần ba thế kỷ, Shiva giáo rất được trọng dụng và gần như được xem là quốc giáo của Campuchia nhưng Vishnu giáo không vì thế mà bị lu mờ do tư tưởng khoan dung đối với các tôn giáo của những vị vua Khmer trong thời kỳ này. Vishnu giáo, thậm chí cả Phật giáo, vẫn cùng tồn tại mặc dù không chiếm ưu thế và phát triển rực rỡ như việc thờ Shiva. Thậm chí giai đoạn này cũng diễn ra hiện tượng dung hòa giữa Shiva giáo với Vishnu giáo. Vua Udayadityavarman (1050 – 1066) là người cho dựng trên ngọn núi ở giữa kinh đô ngôi đền Baphuon để thờ Shivalinga, nhưng đồng thời ông còn cho đào thêm một hồ chứa nước hình chữ nhật, dài khoảng 9 km, rộng 2,2 km ở phía Tây Angkor nên được gọi là Baray Tây (để phân biệt với hồ Baray Đông được xây dựng dưới thời vua Yasovarman I). Giữa hồ ông cho đắp một hòn đảo nhỏ, trên xây một ngôi đền và đặt thờ pho tượng Vishnu khổng lồ bằng đồng trong tư thế đang nằm với mong muốn tạo dựng lại câu chuyện thần thoại nổi tiếng về “giấc ngủ sáng tạo” của Vishnu (Vishnu Anantansyn: Vishnu nằm đắm mình trong giấc ngủ vũ trụ, trôi bồng bềnh trên sóng biển đại dương). Ngôi đền bị đổ nát theo thời gian, nhưng bức tượng Vishnu khổng lồ bằng đồng đã được tìm thấy vào năm 1936 trong tình trạng chỉ còn nửa thân trên, hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Quốc gia Campuchia. Ngoài ra, sự dung hợp giữa Vishnu giáo và Shiva giáo giai đoạn này còn được biểu hiện qua một số hình thức thờ cúng như: thờ nữ thần Laskmi – vợ của Vishnu hay thờ Tam vị nhất thể trong những ngôi đền Shiva giáo.
2. Sự hưng thịnh của Vishnu giáo (nửa đầu thế kỷ XII)
Sang đầu thế kỷ XII, Vishnu giáo được tôn sùng trở lại và phát triển cực thịnh dưới thời vua Suryavarman II (1113 – 1150) – một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Campuchia. Ông là một vị vua tiếm quyền, dùng vũ lực để tấn công và tiêu diệt vua Dharanindravarman I (1107 – 1113), em trai vua Jayavarman VI, “chiếm lấy vương quyền, đồng thời hợp nhất lại vương quốc” (bia Vat Phu). Sau khi hợp thức hóa ngai vàng bằng một nghi lễ thần bí do một vị tư tế cao tuổi là Divakarapandita tiến hành, Suryavarman chính thức lên ngôi vào năm 1113. Mặc dù là một vị vua tiếm ngôi nhưng so với những vị vua tiếm ngôi khác trong lịch sử Campuchia, Suryavarman dường như là vị vua có tham vọng lớn hơn cả.
Sau khi lên ngôi, ông chi một lượng của cải lớn cho các đền đài để kỷ niệm đăng quang vượt xa quà tặng của các nhà vua trước đây. Một bia ký không rõ niên đại ở đền Preah Vihear ghi lại một cách sinh động: “Nhà vua tổ chức cúng lễ linh đình và mang cho các vị tu sĩ võng, quạt, phất trần, mũ miện, đồ trang sức, vòng nhẫn, các đồ dùng trong nhà, ruộng đất, nô lệ và súc vật. Ngôi đền Preah Vihear nhận được nhiều đồ đạc nhất. Các đồ trang sức quý phủ kín mặt ngoài ngôi đền thiêng liêng, con đường thiêng… Ngôi đền Vat Phu cũng nhận được rất nhiều quà tặng quý giá”16.
Dưới triều đại Suryavarman II, nhà nước quân chủ Campuchia được củng cố và hoàn thiện hơn các giai đoạn trước. Không còn thấy hiện tượng các tu sĩ tham chính, ảnh hưởng của họ trong cung đình cũng giảm bớt, một số cấp quan lại được đặt thêm. Quyền hành tập trung vào trong tay nhà vua. Về đối ngoại, thừa hưởng một vương quốc ổn định và phồn vinh được tạo dựng từ những triều vua trước, lên ngôi được ít lâu, vị vua nhiều tham vọng này tiến hành những cuộc chiến tranh liên tục cho đến năm ông băng hà để mở rộng cương vực đất nước.
Không những là một nhà quân sự, Suryavarman II còn có thể được xem là một nhà cải cách tôn giáo. Các vị vua Campuchia trước đây dù có ngưỡng mộ Shiva, Vishnu hay Phật giáo nhưng trước hết đều tôn thờ nghi lễ Devaraja, còn vị thần mà Suryavarman II sùng bái là thần Vishnu- vị thần của vương quyền, chinh chiến và trừng phạt17. Vì thế, ông đã cải biến nghi lễ Devaraja cho phù hợp với tôn giáo của mình. Trong suốt thời gian trị vì, Suryavarman II lấy tước hiệu chính thức là Paramavishnuloka như một sự thần thánh hóa, tự ví mình với vị thần Vishnu trong thần thoại, cho thấy đây là vị vua rất sùng bái Vishnu và là người phục hưng Vishnu giáo ở Campuchia. Ông cho xây dựng ngôi đền Angkor Vat nguy nga, lộng lẫy để thờ vị thần này và cũng là để thờ ông.
Tuy nhiên, giai đoạn này, Vishnu giáo ở Campuchia thâu nạp và kết hợp với một số yếu tố của Shiva giáo đã từng phát triển rực rỡ trước đó để tạo nên những ngôi đền nổi tiếng khác như Thommaman, BengMelea, Chausey, Bantay Samre…
Có thể thấy, “chưa bao giờ trong lịch sử Campuchia, vị thần Vishnu lại được ngưỡng mộ như thời của vua Suryavarman II”18. Mặc dù tôn thờ Vishnu, nhưng khác với các giai đoạn trước, hình ảnh của vị thần này trong hình thức tượng thờ dường như không tương xứng với sự tôn thờ đó. Thay vào đó, người ta thường tạc vị thần này và các hóa thân trên khắp các phù điêu tả cảnh chiến trận tại các ngôi đền Angkor Vat, Banteay Samrehay Thommanon. Đó cũng là hình ảnh của nhà vua Suryavarman II – vị vua của chiến trận. Tuy nhiên, mặc dù không kỳ vĩ như kiến trúc và không phong phú như loại hình phù điêu, nhưng hình tượng Vishnu dưới hình thức tượng thờ vẫn chiếm số lượng đáng kể và vẫn mang đầy đủ những đặc tính thẩm mỹ riêng của nó, thể hiện sinh động dấu ấn lịch sử của thời đại, với một phong cách tiêu biểu trong lịch sử nghệ thuật Campuchia – phong cách Angkor Vat. Hầu như không có tư liệu đề cập đến mối quan hệ giữa những tác phẩm điêu khắc trên với vị vua Suryavarman II, nhưng dựa vào niên đại của chúng có thể xác định những bức tượng này được tạo tác dưới thời trị vì của vị vua này (nửa đầu thế kỷ XII). Tại Bảo tàng Quốc gia Phnompenh hiện nay còn lưu giữ rất nhiều tác phẩm điêu khắc về Vishnu và những vị thần liên quan đến Vishnu như Laskmi – vợ của Vishnu hay chim Garuda – vật cưỡi của Vishnu. Trong đó có rất nhiều điêu khắc có niên đại trong khoảng thời gian trị vì của vua Suryavarman II như: tượng Vishnu Vat Khnat(Angkor, Siem Reap), Vishnu Phum Ponhea Lieng (Prey Veng), Harihara Kapilpura (Angkor, Siem Reap, 2 tượng VishnuVasudeva-Narayana (Angkor, Siem Reap), 3 tượng Vishnu cưỡi Garuda (Angkor Vat, Siem Reap), tượng Laskmi Prasat Kak Po (Siem Reap), tượng Garuda Preah Khan (Siem Reap)19…
Nhìn chung, những pho tượng Vishnu hiếm hoi trên đều thể hiện gương mặt ngẩng cao đầy quyền uy, với thân hình vạm vỡ cường tráng cùng mũ miện lộng lẫy không khác gì hình tượng vị hoàng đế Suryavarman II – vị vua của chiến trận, người rất tôn thờ và tự đồng hóa mình với thần Vishnu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển cực thịnh của Vishnu giáo dưới triều đại này. Tuy nhiên, nguyên nhân chính có lẽ do đây là triều đại tiến hành nhiều cuộc chiến tranh quy mô lớn, là thời kỳ mà vương quốc Campuchia kiểm soát và cai trị được nhiều vùng đất ngoài lãnh thổ của mình nên đã khôi phục lại việc tôn thờ Vishnu – một vị thần của vương quyền và chinh chiến.
3. Phật giáo thay thế Hinđu giáo (nửa cuối thế kỷ XII đến cuối thời kỳ Angkor)
Giai đoạn lịch sử này được mở đầu với triều đại của vua Jayavarman VII (1181 – 1201), vị vua vĩ đại nhất và cũng độc đáo nhất trong lịch sử Campuchia. Trong khoảng 20 năm ở ngôi, “Jayavarman VII đã làm được rất nhiều việc, để lại dấu ấn không thể phai mờ và một hình ảnh rực rỡ nhất trong lịch sử trung đại Campuchia”20. Về tôn giáo, “Jayavarman VII thực hiện sự chuyển hướng kỳ lạ về mặt tôn giáo. Thay vì tôn sùng Hindu giáo như phần lớn các đời vua trước (hoặc thờ Vishnu hoặc thờ Shiva), và tuy không khắt khe với Hindu giáo nhưng ông đặc biệt đề cao và tôn sùng Phật giáo Đại thừa (Mahayana)”21. Dưới thời ông, Phật giáo Đại thừa trở thành quốc giáo và phát triển chưa từng thấy. Phải thừa nhận rằng, “bên cạnh Phật giáo Đại thừa, các tôn giáo khác như Vishnu giáo, Shiva giáo vẫn tiếp tục tồn tại”22. Tuy nhiên, trước cái bóng quá lớn và bao trùm của Phật giáo Đại thừa, cả Shiva giáo và Vishnu giáo khó có thể tìm được chỗ đứng, dù thời kỳ huy hoàng, rực rỡ của nó vừa cách đó không lâu.
Mặc dù vậy, Hindu giáo vẫn có cơ hội trỗi dậy hiếm hoi gần nửa thế kỷ trong suốt thời trị vì của vua Jayavarman VIII (1243 – 1295). Ông đã cho phục hưng Hindu giáo, thậm chí có xu hướng “quá khích” khi bài trừ Phật giáo Đại thừa bằng cách cho phá hủy hàng nghìn tượng Phật và biến chùa chiền thành đền thờ Hindu giáo. Có lẽ do con đường phục hưng mang đầy tính bạo lực như vậy nên Hindu giáo chỉ có thể hồi sinh trong thời kỳ trị vì của Jayavarman VIII. Sau khi ông bị truất ngôi (năm 1295), tôn giáo này ngay lập tức bị thay thế bằng một tôn giáo mới có nguồn gốc từ Sri Lanka – Phật giáo Theravada. Kể từ đây cho đến cuối thời kỳ Angkor, mặc dù Hindu giáo chưa biến mất hoàn toàn trong lịch sử tôn giáo của Campuchia, nhưng rõ ràng đã bị thay thế trước làn sóng mạnh mẽ của Phật giáo Theravada đang lan rộng khắp Đông Nam Á lục địa.
Như vậy, từ những di tích đền tháp, những di vật điêu khắc được tìm thấy đã phần nào phản ảnh quá trình phát triển của Hindu giáo trong lịch sử tôn giáo Campuchia. Trong đó, có thời kỳ tôn thờ Shiva chiếm ưu thế vượt trội so với Vishnu (đầu thế kỷ IX – cuối thế kỷ XI), thậm chí, Shiva giáo còn được tôn sùng như quốc giáo. Tuy nhiên, việc xuất hiện đồng thời những đền tháp thờ Vishnu hùng vĩ, những pho tượng về Vishnu và các vị thần liên quan đến Vishnu (đặc biệt dưới thời vua Suryavarman II) đã cho thấy Vishnu giáo cũng có vị trí nhất định trong đời sống tôn giáo của những vị vua Khmer. Thực tế này không chỉ phản ảnh sự phát triển sinh động, đầy màu sắc của Hindu giáo ở Campuchia mà còn phần nào cho thấy sự phân vân, giằng xé nội tâm của những vị vua Khmer khi đứng giữa hai lựa chọn: hoặc thờ Shiva giáo hoặc thờ Vishnu giáo. Điều này cũng từng diễn ra tương tự như ở một số vị vua Chăm./.
Chú thích:
1. Nguyễn Văn Kim (2007), Sự hình thành các quốc gia cổ Đông Nam Á và các mối quan hệ khu vực, Đề tài khoa học trọng điểm, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội: 99.
2. Dương Văn Huy (2009), “Một số vấn đề tín ngưỡng tôn giáo ở Campuchia thời kỳ Angkor (802 – 1434)”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 11: 65 – 70.
3. Thái Văn Chải (Tỳ kheo Thiện Minh dịch, 2009), Nghiên cứu chữ viết cổ trên bia ký ở Đông Dương, Nxb. Khoa học xã hội, Tp. Hồ Chí Minh.
4. Trương Sỹ Hùng, Cao Xuân Phổ, Huy Thông, Phạm Thị Vinh (2003), Mấy tín ngưỡng tôn giáo Đông Nam Á, Nxb. Thanh niên, Hà Nội: 66.
5. Coedes, G. (2011), Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Nxb. Thế giới, Hà Nội: 94.
6. Trương Sỹ Hùng (2007), Tôn giáo và văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 31.
7. Nguyễn Văn Kim (2007), sđd: 101.
8. Lê Hương (1969), Tìm hiểu ĂngCo, Nxb. Quỳnh Lâm, Sài Gòn: 265.
9. Khun Shamen (2008), The New Guide to the National Museum Phnom Penh, Ariyathoar, Khan Daun Penh, Phnom Penh, Cambodia.
10 . Helen I. J. and Thierry. Z (1997), Scupture of Angkor and Ancient Cambodia
(Millennium of Glory), National gallery of Art Washingtong, USA.
11. Dương Văn Huy (2009), sđd: 42.
12. Thái Văn Chải (2009), sđd.
13. Dương Văn Huy (2009), sđd: 43.
14. Coedes, G. (1924), Incription Cambodian, Paris: 152.
15. Trần Thị Lý (1986), Những giai đoạn phát triển chính của tượng tròn Cămpuchia, Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học, Hà Nội: 74.
16. Coedes, G. (1924), sđd: 118.
17. Trần Thị Lý (1986), sđd: 76.
18. Briggs, L. P. (1951), The Ancient Khmer empire, Philadenphia: 192 – 193.
19. Khun Shamen (2008), sđd: 82, 29, 286 – 277, 264 – 265, 83.
20. Helen I. J. and Thierry. Z (1997), sđd: 116.
21. Lương Ninh (Chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh (2005), Lịch sử Đông Nam Á , Nxb. Giáo dục, Hà Nội: 98.
22 Trần Thị Lý (1986), sđd: 99.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Briggs, L. P. (1951), The Ancient Khmer empire, Philadenphia.
2. Thái Văn Chải (Tỳ kheo Thiện Minh dịch, 2009), Nghiên cứu chữ viết cổ trên bia ký ở Đông Dương, Nxb. Khoa học xã hội, Tp. Hồ Chí Minh.
3. Helen I. J. and Thierry. Z (1997), Scupture of Angkor and Ancient Cambodia (Millennium of Glory), National gallery of Art Washingtong, USA.
4. Trương Sỹ Hùng, Cao Xuân Phổ, Huy Thông, Phạm Thị Vinh (2003), Mấy tín ngưỡng tôn giáo Đông Nam Á, Nxb. Thanh niên, Hà Nội.
5. Trương Sỹ Hùng (2007), Tôn giáo và văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Lê Hương (1969), Tìm hiểu ĂngCo, Nxb. Quỳnh Lâm, Sài Gòn.
7. Dương Văn Huy (2009), “Một số vấn đề tín ngưỡng tôn giáo ở Campuchia thời kỳ Angkor (802 – 1434)”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 11.
8. Khun Shamen (2008), The New Guide to the National Museum Phnom Penh, Ariyathoar, Khan Daun Penh, Phnom Penh, Cambodia.
9. Nguyễn Văn Kim (2007), Sự hình thành các quốc gia cổ Đông Nam Á và các mối quan hệ khu vực, Đề tài khoa học trọng điểm, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
10. Trần Thị Lý (1986), Những giai đoạn phát triển chính của tượng tròn Cămpuchia, Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học.
11. Lương Ninh (Chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh (2005), Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
Nguồn: Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 – 2015
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Sự phát triển của Hindu giáo ở Campuchia thời kỳ Angkor (802 – 1432) dưới hình thức Shiva giáo và Vishnu giáo (Tác giả: ThS. Dương Thị Ngọc Minh) |