Sự phát triển của tầng lớp địa chủ ở Nam Kỳ trong 30 năm đầu thế kỷ XX

Tác giả bài viết: PGS.TS. TRẦN NAM TIẾN(1),
Tiến sĩ  NGUYỄN THỊ ÁNH NGUYỆT(2)
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM

TÓM TẮT

     Giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, bối cảnh lịch sử của Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng có nhiều biến động mạnh mẽ. Đối với vùng đất Nam Kỳ, đây là giai đoạn thực dân Pháp đẩy mạnh thiết lập chế độ cai trị thuộc địa. Dưới tác động của chế độ cai trị của thực dân Pháp, lực lượng địa chủ Nam Kỳ cũng bị phân hóa rõ rệt. Dưới thời Pháp thuộc, tầng lớp địa chủ ở Nam Kỳ ngày càng lớn mạnh và giữ địa vị chính trị cao trong chính quyền của thực dân Pháp. Bài viết góp phần nhận diện sự phát triển của tầng lớp địa chủ ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc, cụ thể trong 30 năm đầu thế kỷ XX.

Từ khóa: địa chủ, Nam Kỳ, thực dân Pháp.

ABSTRACT

     During the second half of the 19th century and the beginning of the 20th century, the historical context of Vietnam and Cochinchina had many drastic changes. It was the period when the French Colonial Empire stepped up to establish colonial rule in this region. Under the French colonial rule, Cochinchina landlords had many significant changes in nature. Besides that, the class of landlords in Cochinchina grew stronger and held the highest political position in the French colonial government. The paper aims to identify the development of the landlord class in Cochinchina during the French colonial period, specifically in the first 30 years of the twentieth century.

Keywords: landlord, Cochinchina, French colonialists.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Sau khi chiếm được Nam Kỳ (1867), thực dân Pháp bắt tay vào xây dựng chế độ cai trị ở vùng đất này. Những chính sách của Pháp đã có tác động lớn đến sự phát triển của tầng lớp địa chủ ở Nam Kỳ, cả về số lượng lẫn chất lượng. Bước vào đầu thế kỷ XX, tầng lớp địa chủ Nam Kỳ trở thành một lực lượng chính trị với diện mạo và đặc trưng riêng so với các giai đoạn trước. Địa chủ Nam Kỳ vốn đã có sở hữu ruộng đất lớn, dưới chính sách của chính quyền Pháp, số lượng địa chủ càng tăng nhanh và quyền sở hữu cũng theo đó tăng lên gấp nhiều lần. Vị thế và ảnh hưởng của tầng lớp địa chủ ở Nam Kỳ đối với chính trị, kinh tế và xã hội cũng tăng lên. Trên cơ sở đó, bài viết hướng đến phục dựng lại sự phát triển của tầng lớp địa chủ ở Nam Kỳ trong ba thập niên đầu thế kỷ XX.

2. Những chính sách của chính quyền thực dân Pháp tác động đến lực lượng địa chủ ở Nam Kỳ từ nửa sau thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX

     Sau khi chiếm được toàn bộ Nam Kỳ (1867), thực dân Pháp đẩy mạnh quá trình bóc lột thuộc địa vừa chiếm được nhằm bù đắp cho chi phí chiến tranh và kế hoạch mở rộng đánh chiếm ra Bắc Kỳ. Từ năm 1897, thực dân Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa trên phạm vi toàn Đông Dương, trong đó chú trọng ở vùng đất Nam Kỳ lúc này là thuộc địa của Pháp. Nam Kỳ là vùng đất phát triển nông nghiệp trù phú vào loại bậc nhất của Việt Nam lúc bấy giờ. Khi thực dân Pháp liên minh với Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Nam Kỳ (1859), phần lớn số đất công điền đã bị tầng lớp cường hào làng xã chiếm đoạt làm tư điền một cách bất hợp pháp. Bên cạnh đó, tình hình chiến tranh đã khiến đại đa số nhân dân Nam Kỳ đều tham gia kháng chiến, hoặc sơ tán… vì thế đất đai của họ canh tác trước đây trở thành đất “vô chủ”. Thực tế này tạo điều kiện cho tầng lớp địa chủ mở rộng thêm đất đai, phát triển ảnh hưởng của mình gắn với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

     Tháng 3/1863, thực dân Pháp tiến hành tịch thu ruộng đất của những người tham gia phong trào kháng Pháp ở Nam Kỳ. Tiếp theo đó, thực dân Pháp tiếp tục ra các nghị định ngày 16/5/1863 và 22/6/1863, điều chỉnh tình trạng sở hữu quyền ruộng đất, nhằm mục đích tịch thu cho chính quyền quân sự tất cả những diện tích không phải tài sản của dân bản xứ hay không bị dân bản xứ chiếm hữu. Mục đích chính trị của các nghị định này là để vừa trừng phạt những phần tử chống đối bỏ làng đi theo kháng chiến hoặc những người bất hợp tác với Pháp bỏ xứ đi về vùng khác, đồng thời tạo cơ hội để mua chuộc tay sai bản xứ. Cụ thể, chính quyền Pháp ở Nam Kỳ đã “ban tặng” ruộng đất cho những người cộng tác đắc lực cho quá trình xâm lược và bình định của Pháp. Có hàng chục sĩ quan, công chức Pháp được cấp phát ruộng đất với diện tích lên đến hàng ngàn hecta. Số lượng địa chủ người Việt thân Pháp và địa chủ gốc người Hoa có sở hữu lớn về ruộng đất [ở Nam Kỳ] cũng tăng lên đáng kể (Lê Hữu Phước, 2013, p.141).

     Sau khi thiết lập được hệ thống cai trị ở Nam Kỳ, các Thống đốc Nam Kỳ đã ban hành nhiều văn bản, mở cửa cho giới tư bản chính quốc và tay sai bản xứ, chủ yếu là địa chủ ồ ạt xin cấp quyền trưng khẩn đất ruộng miền Nam. Thống đốc Nam Kỳ Charles Le Myre de Vilers đã ban hành các Nghị định 29/10/1881 và 22/8/1882 quy định phần đất nào không ghi vào địa bộ có sở hữu chủ rõ rệt thì phải bị sung vào công thổ và Thống đốc có quyền cấp phát giấy phép trưng khẩn. Thống đốc Nam Kỳ Gustave Guillaume Sandret ban hành Nghị định 18/8/1896, bãi bỏ giới hạn tối đa 100 mẫu cho sở hữu tư nhân, qua đó phá vỡ thế quân bình tài sản của xã hội cổ truyền Việt Nam, đưa nền kinh tế Nam Kỳ phát triển theo hướng tư bản hóa. Phần lớn số ruộng đất do thực dân Pháp chiếm đoạt được của nông dân và ruộng khẩn hoang trong giai đoạn đầu Pháp cai trị Nam Kỳ tập trung vào tay các viên chức thực dân, tư bản Pháp và địa chủ thân Pháp (Trần Thị Thu Lương, 2004, pp. 129-137).

     Từ năm 1913, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương chủ trương bán đất hoang dưới hình thức đấu giá. Theo đó, tư nhân có thể mua không giới hạn số diện tích còn hoang hóa, miễn là có khả năng khai thác sau đó nộp thuế cho chính quyền. Bên cạnh đó, chính quyền thực dân còn cho quốc hữu hóa đất hoang và thực hiện chính sách cho người dân được tự do khai khẩn đất “vô chủ” nhằm khuyến khích khẩn hoang. Trên thực tế, người nông dân Nam Kỳ gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và công cụ sản xuất, lại bị chèn ép bởi lực lượng địa chủ kết hợp với chính quyền thực dân, do đó phần lớn diện tích đất khẩn hoang của nông dân bị bán, sang nhượng hoặc gán nợ cho địa chủ và tư bản người Pháp. Thời kỳ này, một số điền chủ người Việt cũng nổi lên trong việc mua bán, làm giàu nhanh chóng từ việc mua bán, “sang nhượng” đất. Bởi vậy, tỷ lệ ruộng công ở Nam Kỳ còn lại rất ít. Đến năm 1930, tính chung toàn Nam Kỳ tỉ lệ ruộng đất công chỉ còn 3,7%, so với 19% ở Bắc Kỳ và 25% ở Trung Kỳ (Nguyễn Văn Khánh, 1999, p. 84). Theo Pierre Gourou thì số sở hữu nhỏ chiếm 12,5% diện tích trong khi số sở hữu lớn chiếm đến 45% diện tích đất khai phá (Pierre Gourou, 1940, p. 139).

     Nhằm hợp thức hóa ruộng đất của tầng lớp địa chủ, chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kỳ đã tiến hành tổ chức hệ thống cơ quan địa chính. Năm 1869, Pháp bắt đầu thành lập cơ quan địa chính và tiến hành đo đạc, phân định đất đai ở Nam Kỳ. Việc đo đạc, phân định ranh giới, thống nhất đơn vị đo đạc mới (hecta), có bản đồ rải thửa kèm theo, đã giúp việc quản lý ruộng đất chặt chẽ hơn, hạn chế được tình trạng ẩn lậu ruộng đất ngoài sổ sách, làm cho tình hình và cơ cấu sở hữu ruộng đất ở Nam Kỳ có những chuyển biến quan trọng. Từ đó, một bộ phận sở hữu lớn về ruộng đất của một nhóm địa chủ tay sai bản xứ và các thực dân người Pháp hình thành và ngày càng chiếm ưu thế (Viện Sử học, 2003, p. 310). Học giả J.P. Aumiphin khẳng định: “Sự tập trung đất đai là kết quả của chế độ ruộng đất do chính quyền thuộc địa đặt ra. Nó thể hiện tùy theo từng vùng bằng việc phân chia bất bình đẳng các sở hữu” và tại Nam Kỳ, “phần lớn các cơ sở khai thác nông nghiệp ra đời sau khi người Pháp chinh phục… tại đây có những điền trang lớn thực sự” (J. P. Aumiphin, 1994, pp. 183- 185).

     Ngày 27/8/1904, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ban hành Nghị định can thiệp trực tiếp vào việc cai trị làng xã ở Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng (Dương Kinh Quốc, 1999, pp. 287-289). Nghị định năm 1904 của Toàn quyền Beau về “cải lương hành chính” của thực dân Pháp nhằm củng cố hệ thống thiết chế quản lý nông thôn Nam Kỳ, phục vụ cho công cuộc bình định của Pháp ở Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong đó, đội ngũ đại địa chủ Nam Kỳ được thực dân Pháp sử dụng như một lực lượng tay sai đắc lực. Để tạo sự gắn bó chặt chẽ về mặt quyền lợi của lực lượng địa chủ Nam Kỳ với Pháp, chính quyền thực dân Pháp đã ban hành Sắc luật 21/7/1925 với vấn đề sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ ở Nam Kỳ, qua đó củng cố quyền sở hữu và thế lực của tầng lớp địa chủ ở nông thôn Nam Kỳ (Phạm Quang Trung, 1988, pp. 61-67). Đến ngày 30/10/1927, chính quyền thực dân Pháp đã ban hành một nghị định mới về “cải lương hương chính” ở Nam Kỳ nhằm tăng cường những thành phần xã hội có quan hệ gắn bó với chế độ thuộc địa để giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính quyền ở các địa phương (Bùi Xuân Đức, 2009, pp. 24-31).

     Có thể nói, thông qua các cuộc cải cách “cải lương hương chính” kể trên, chính quyền thực dân Pháp thực hiện một ý đồ có tính chất chiến lược: công khai hóa việc đưa giai cấp địa chủ phong kiến đã được tân học hóa lên cương vị thống trị độc tôn ở khắp miền nông thôn Việt Nam, đặc biệt là ở Nam Kỳ nhằm thay thế cho tầng lớp nho sĩ địa chủ hóa trước kia. Bên cạnh số thành viên có thành phần bản thân là địa chủ còn có những thành viên có thành phần xuất thân từng là địa chủ hoặc thuộc các gia đình giàu có, có thế lực ở thành thị (Dương Kinh Quốc, 1988, pp.205-209). Như vậy, chính quyền thực dân đã lợi dụng và kết hợp với các hình thức tổ chức phi chính thống, đặc biệt là vai trò của hương ước vào việc sắp xếp, tổ chức, quản lý nông thôn Nam Kỳ. Thông qua đó, sức mạnh của chính quyền các cấp được xác lập và củng cố ở các làng xã tại Nam Kỳ. Chính quyền thực dân cố tình tạo ra một môi trường và phạm vi hoạt động có vẻ tự do dân chủ ở làng xã, đồng thời vừa có những quy chế ràng buộc và chỉ đạo chặt chẽ bộ máy chính quyền cấp xã (Nguyễn Văn Khánh, 1999, pp. 130-131). Đến đây, lực lượng địa chủ Nam Kỳ đã khẳng định được vị thế của mình, là lực lượng cộng tác đắc lực với thực dân Pháp trong việc cai trị vùng đất Nam Kỳ.

     Dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, tầng lớp địa chủ Nam Kỳ đã có sự thay đổi về chất và phân hóa sâu sắc. Ngoài lực lượng địa chủ truyền thống đã hình thành từ thời kỳ khai phá qua thời kỳ nhà Nguyễn, giai cấp địa chủ ở Nam Kỳ nửa đầu thế kỷ XX đã phát triển đa dạng từ các nguồn sau: 1) Những thành phần làm việc cho chính quyền thực dân Pháp lập nhiều công trạng, được tạo điều kiện để chiếm hữu ruộng đất trở thành địa chủ mới; 2) Một bộ phận các tư sản dân tộc bị chèn ép phải quay trở lại quê nhà, đầu tư vào việc kinh doanh ruộng đất, bóc lột tá điền bằng địa tô, và sau trở thành địa chủ; 3) Một nhóm địa chủ ra đời từ chính sách đại điền chủ của thực dân Pháp; và 4) Một bộ phận là các nhà tư bản Pháp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung ruộng đất để lập đồn điền trồng cây công nghiệp, chủ yếu ở khu vực Đông Nam Kỳ.

3. Sự phát triển của tầng lớp địa chủ Nam Kỳ trong ba thập niên đầu thế kỷ XX

     Mục đích của thực dân Pháp là biến Việt Nam trở thành thuộc địa khai thác của Pháp, cung cấp nguyên liệu cho chính quốc mà chủ yếu là sản xuất lúa gạo và khai thác mỏ. Để thực hiện mục đích đó, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành một loạt các chính sách nhằm tập trung ruộng đất diện tích lớn để tăng năng suất sản xuất. Đồng thời, âm thầm khuyến khích, giúp đỡ tầng lớp đại địa chủ nhanh chóng phát triển để phục vụ cả mục đích chính trị lẫn mục đích kinh tế cho chính quốc Pháp. Ngay khi vừa chiếm Nam Kỳ, thực dân Pháp đã tiến hành chia đất công của nhà Nguyễn để bán cho tư nhân với giá rẻ. Đỉnh điểm là năm 1900, chính quyền thực dân đã công bố phủ nhận quyền sở hữu ruộng đất trong luật Việt Nam ở Nam Kỳ để tiện bề lũng đoạn.

     Hơn 20 năm sau, sắc lệnh về sở hữu đồn điền mới được ban hành, theo đó “Toàn quyền Đông Dương có quyền cấp không cho một cá nhân nào đó từ 1000 ha – 4000 ha, các thống sứ có quyền cấp dưới 1000 ha. Bằng cách đó, chúng đã tiến hành cướp đoạt ruộng đất của người dân và diện tích ngày càng tăng dần” (Phạm Cao Dương, 1967). Chính sách phân phối ruộng đất cho lực lượng địa chủ tay sai của Pháp dẫn đến sự phân hóa mạnh mẽ trong xã hội Nam Kỳ thành hai tầng lớp rất khác biệt về quyền lợi: thiểu số đại điền chủ nắm trong tay diện tích đất đai rộng lớn, và đại đa số tá điền không có đất cày. Chính những chính sách này và chế độ sở hữu tư sản về ruộng đất được du nhập vào, tầng lớp địa chủ Nam kỳ tăng lên đáng kể về cả số lượng.

     Lực lượng đại địa chủ ở Nam Kỳ – là những địa chủ đã tận dụng thành công những chính sách, nghị định của chính quyền thực dân Pháp để thu gom ruộng đất còn hoang, vô chủ hoặc của các tá điền, địa chủ yếu thế hơn, nhanh chóng trở thành những đại điền chủ có ruộng đất “cò bay thẳng cánh”. Với sở hữu lớn về ruộng đất, nhiều địa chủ ở Nam Kỳ theo dòng chảy của chủ nghĩa tư bản do người Pháp đưa vào Việt Nam đã mở rộng hoạt động sang các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp, một số địa chủ đã đầu tư vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng và có sự thành công nhất định. Số lượng đại địa chủ ở Nam Kỳ ngày càng tăng. Như vậy, dưới thời Pháp thuộc, giai cấp địa chủ bắt đầu phân hóa sâu sắc thành nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó đại địa chủ có vị thế và ảnh hưởng lớn hơn ở Nam Kỳ. Trong khi đó, các tiểu địa chủ sở hữu từ 5 ha trở xuống, chiếm khoảng trên 70% tổng số hộ có ruộng đất (Đoàn Minh Huấn & Nguyễn Ngọc Hà, 2017, p.264), tuy nhiên vị thế và tiếng nói hạn chế hơn rất nhiều so với đại địa chủ.

     Bước vào đầu thế kỷ XX, trên bình diện cả nước, lực lượng địa chủ chiếm khoảng 7% dân số nông thôn nhưng nắm trong tay 50% diện tích canh tác. Theo Nguyễn Văn Khánh thì đến những năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai, trên toàn lãnh thổ Việt Nam có khoảng 6.650 đại địa chủ có sở hữu trên 50 ha ruộng đất, trong đó Nam Kỳ có 6.300, Bắc Kỳ có 250 và Trung Kỳ có 100 người (Nguyễn Văn Khánh, 2019). So với địa chủ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đại địa chủ ở Nam Kỳ sở hữu ruộng đất với diện tích rất lớn theo kiểu “cò bay thẳng cánh”. Theo thống kê của người Pháp, đến trước năm 1930, tỉnh Châu Ðốc sở hữu ruộng đất lớn từ 50 ha đến 100 ha có 102 điền chủ; từ 100 ha đến 500 ha có 51 điền chủ và trên 500 ha có 5 điền chủ (Yves Henry, 1932, p. 267). Ngoài Châu Đốc, các đại địa chủ sở hữu ruộng đất lớn còn có ở các tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ… Ví dụ như tỉnh Bạc Liêu, tính đến năm 1930 có rất nhiều đại địa chủ có ruộng đất lớn (Xem bảng 1). Theo đó, thực trạng sở hữu số lượng lớn ruộng đất trong tay các đại địa chủ có từ 10 ha trở lên chiếm đến 33.5% và số lô ruộng đất rộng lớn từ 10 ha trở lên chiếm đến 89,9% tổng số ruộng đất tại Bạc Liêu.

Bảng 1: Tình hình sở hữu ruộng đất ở tỉnh Bạc Liêu năm 1930

Tỉnh Bạc Liêu

Tiểu điền sản

Trung điền sản

Đại điền sản

Từ 0 đến 5 ha

Từ 5 đến 10 ha

Từ 10 đến 50 ha

Trên 50 ha

Tính theo diện tích

3,3%

6,8%

24,4%

65,5%

Tính theo địa chủ

38,3%

24,4%

23,9%

9,6%

     Từ đầu thế kỷ XX, tình hình thâu tóm ruộng đất ở Nam Kỳ diễn ra trên hầu hết các địa phương. Đến đầu thập niên 1930, Nam Kỳ có số đại địa chủ chiếm phần lớn: các địa sản trên 50 ha chiếm 45% diện tích canh tác và ở trong tay 63.000 điền chủ, những địa sản dưới 5 ha chỉ chiếm có 15% diện tích canh tác, nhưng các số tiểu địa chủ là 183.000 người (Nguyễn Thế Anh, 1970, p. 249). Vào năm 1931, “diện tích nhượng là 900.000 héc ta và nhất là đến năm 1943 tổng số đồn điền đã nhượng cho đại địa chủ Nam Kỳ là 150.920 cái, rộng tới 1.253.773 héc ta, chiếm hơn nửa diện tích trồng cấy ở Nam Kỳ” (Trần Ngọc Định, 1970, pp. 81-90). Theo bảng 2, số liệu thống kê phản ánh tình hình mức độ tập trung ruộng đất rất cao ở Nam Kỳ. Cụ thể, vào năm 1930, số chủ đất có từ 5 hecta trở lên đến 100 hecta là 69.600 người, chiếm 27,1% số chủ ruộng, nắm trong tay 45% diện tích canh tác. Ngoài ra còn có 2.400 đại địa chủ sở hữu từ 100 hecta – 500 hecta và 200 đại địa chủ có trên 500 hecta.

Bảng 2. Phân loại điền chủ Nam Kỳ theo diện tích canh tác trong những năm 1930 – 1931

Các hạng điền chủSố lượng điền chủ (Người)Tỷ lệ phần trăm
Dưới 1 ha86.00033.7
Từ 1 – 5 ha97.00038.1
Từ 5 – 10 ha38.00014.7
Từ 10 – 15 ha28.00011
Từ 50 – 100 ha 3.6001.4
Từ 100 – 500 ha2.4001
Trên 500 ha2000.1
Cộng 255.200100
Nguồn: Đoàn Minh Huấn & Nguyễn Ngọc Hà, 2017, p. 134.

     

     Xét thực tế, Nam Kỳ là vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai trù phú, màu mỡ, cộng thêm chính sách khuyến khích tập trung ruộng đất của chính quyền thực dân đã tạo điều kiện cho tầng lớp địa chủ Nam Kỳ phát triển. Trong đó, đại địa chủ chiếm số lượng đáng kể và phân bố khác nhau giữa các địa phương, nhưng vẫn có sự tương đồng giữa các vùng kế cận. Theo thống kê, đến năm 1936, số lượng đại địa chủ lên đến 586 ở Nam Kỳ, trong đó tỉnh Rạch Giá có 176 đại địa chủ, có 20 người sở hữu trên 1.000 ha; Bạc Liêu có 102 đại địa chủ, trong đó có 19 người sở hữu trên 1.000 ha; Sóc Trăng có 67 đại địa chủ, trong đó có 9 người sở hữu trên 1.000 ha (xem bảng 3). Điển hình có những địa sản rộng mênh mông như của Trương Văn Bền, làm chủ 18.000 ha đất, hay Trương Đại Danh, làm chủ 8.000 ha đất (Jean Chesneaux, 1955, p. 280).

Bảng 3. Phân bố các đại điền chủ cỡ lớn theo các tỉnh ở Nam Kỳ năm 1936

Nguồn: Nguyễn Phan Quang, 2000, p. 266.

     Như vậy, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, phần lớn đại địa chủ ở Nam Kỳ tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với điều kiện địa lý thuận lợi cho việc khai phá, mở rộng ruộng đất, trong đó đông nhất là ở các tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Sau khi Pháp tiến hành đào kinh, mở mamg thêm các vùng đất canh tác mới, nhiều diện tích ruộng đất lớn chưa khai phá được các địa chủ nhanh chóng trưng dụng và sở hữu, diện tích sở hữu của địa chủ nhờ vậy tăng lên, từ đó thúc đẩy sản lượng lúa gạo cũng tăng lên đáng kể. Nếu tính luôn cả diện tích sản xuất lúa gạo của các chủ đồn điền người Pháp thì sản lượng sản xuất lúa gạo ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX là rất lớn. Cụ thể, năm 1900 đạt 1.408.000 tấn, đến năm 1930 là 2.164.000 tấn (Trần Thị Bích Ngọc, 1985, p. 60). Sản lượng lúa không ngừng tăng qua các năm cho thấy sự giàu có và trù phú từ các vùng đất mà đại địa chủ sở hữu mang lại.

     Nhìn chung, phần lớn đại địa chủ ở Nam Kỳ không trực tiếp canh tác mà 80% đất ở Nam Kỳ được phân chia thành những tô địa rộng từ 5 ha đến 10 ha để giao cho tá điền canh tác (Nguyễn Thế Anh, 1970, p.249). Phần lớn các địa chủ sống nhờ vào việc phát canh thu tô, có thể là sản vật, có thể là tiền nhưng đa phần là sản vật như lúa gạo hay các loại cây trồng khác mà nông dân sản xuất trên đất của địa chủ. Vì mức độ sở hữu ruộng đất của địa chủ ở Nam Kỳ cao nên tại Nam Kỳ có tới “345.000 gia đình nông dân chuyên sống bằng lĩnh canh ruộng đất của địa chủ, chiếm 57% số hộ nông dân, 63% ruộng đất được đem phát canh và số chủ ruộng có phát canh lên đến 90.285 người.” (Nguyễn Văn Khánh, 1999, p. 157). Nhiều đại địa chủ không sống ở nông thôn mà sinh sống tại các đô thị lớn ở Nam Kỳ. Đến mỗi vụ mùa, dựa trên số đất đã cấp cho các tá điền, địa chủ sẽ trở về để thu tô thuế. Sự tập trung ruộng đất vào tay địa chủ trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa – tiền tệ theo mô hình tư bản chủ nghĩa du nhập từ phương Tây là một hình thức để địa chủ giàu lên nhanh chóng. Một bộ phận đại địa chủ sẽ kết hợp thêm một hình thức kinh doanh tư bản song song với việc giao ruộng đất cho tá điền canh tác và thu tô. Những đại địa chủ chủ yếu dựa vào hệ thống ruộng đất đang có thì nguồn sống chính của họ là dựa vào số tô thuế thu được, kèm theo việc bán sản phẩm lúa gạo cho Hoa kiều và tư bản Pháp. Thông qua ảnh hưởng của người Pháp, một số địa chủ đã bỏ tiền ra tập hợp thành lập hội buôn, mở xưởng thợ kinh doanh theo hướng tư bản. Dưới tác động của công cuộc cai trị của thực dân Pháp, một bộ phận địa chủ mới xuất hiện, bao gồm nhiều thành phần như: chủ đất vốn là công chức, quan lại cai trị được chính quyền thực dân cấp đất hoặc bán rẻ đất công, những người kinh doanh tại thành thị tham gia vào kinh doanh đất đai vốn là lĩnh vực thu lại nguồn lợi cao.

     Dưới thời Pháp thuộc, thành phần địa chủ, đặc biệt là đại địa chủ, tăng lên và có quyền lợi gắn bó chặt chẽ với chính quyền thực dân Pháp. Chính quyền thực dân Pháp đã tiếp tay, dung dưỡng cho tầng lớp địa chủ ở Nam Kỳ cướp đoạt ruộng đất của người nông dân và duy trì phương thức kinh doanh phát canh thu tô như thời phong kiến. Do đó, một bộ phận địa chủ đã làm tay sai, cấu kết với thực dân Pháp để áp bức, bóc lột nhân dân, số lượng này ngày càng tăng thêm ở Nam Kỳ. Địa vị kinh tế của tầng lớp địa chủ Nam Kỳ cũng được tăng cường, nắm trong tay nhiều ruộng đất, và nắm chính quyền ở các địa phương. Sự câu kết giữa giai cấp địa chủ và thực dân Pháp rất chặt chẽ. Do vậy, giai cấp địa chủ đã chiếm đa số trong cơ cấu chính quyền hương thôn và thậm chí cả ở cấp chính quyền cao hơn ở nông thôn. Ở thành thị, tầng lớp địa chủ Nam Kỳ, do quyền lợi gắn nhiều với thực dân Pháp nên có xu hướng thỏa hiệp, giai đoạn đầu chủ yếu đấu tranh đòi tự do dân chủ, sau tán thành cải lương để rồi dần đi đến “Pháp – Việt đề huề”, sát cánh với nhóm đại biểu của tư sản Pháp trong các nghị trường và cuối cùng là chống lại phong trào đấu tranh của nhân dân. Về mặt văn hóa và đời sống, với nguồn lợi lớn thu được, địa chủ có đời sống hưởng thụ cao, đặc biệt là các đại địa chủ. Đáng chú ý, lực lượng địa chủ Nam Kỳ còn là một trong những lực lượng đầu tiên tiếp nhận các giá trị văn hóa của phương Tây du nhập vào thông qua các thế hệ con cái được đại địa chủ cho đi du học ở các nước phương Tây. Trong số con, em địa chủ có điều kiện du học ở các nước phương Tây, sau khi về nước đã dùng những tri thức tiến bộ học được để làm thay đổi tư duy, nhận thức về con đường cứu nước Việt Nam, góp sức cùng với các lực lượng yêu nước tiến bộ khác tham gia và đóng góp đáng kể vào phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

4. Kết luận

     Địa chủ ở Việt Nam là tầng lớp truyền thống đã có từ thời phong kiến. Đến khi thực dân Pháp xâm lược và tiến hành cai trị Việt Nam thì địa chủ mới chính thức trở thành một lực lượng chính trị trong xã hội Việt Nam. Ở Nam Kỳ, tầng lớp địa chủ (thời gian đầu gọi là đại điền chủ) xuất hiện gắn với công cuộc mở đất của các chúa Nguyễn từ thế kỷ XVII và phát triển mạnh dưới thời các vua nhà Nguyễn. Sau khi thực dân Pháp thiết lập chế độ cai trị ở Nam Kỳ, tầng lớp địa chủ đã có sự phân hóa và biến đổi sâu sắc về cả số lượng lẫn đặc điểm hoạt động. Dưới thời Pháp thuộc, tầng lớp địa chủ Nam Kỳ cũ chuyển mình mạnh mẽ và xác lập vị thế của mình trong một xã hội mới. Về địa vị, thế lực của tầng lớp địa chủ ở Nam Kỳ được củng cố và phát triển lớn mạnh hơn trước, thông qua sự tập trung ngày càng cao ruộng đất vào tay giai cấp địa chủ dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp. Trên cơ sở địa vị chính trị và kinh tế ngày càng tăng trong xã hội mới, tầng lớp địa chủ Nam Kỳ cũng dần dần phân hóa. Một bộ phận địa chủ, chủ yếu là đại địa chủ, có quyền lợi gắn bó chặt chẽ với chính quyền thực dân đã làm tay sai, cấu kết với thực dân Pháp để áp bức, bóc lột nhân dân ta. Ngược lại, một số địa chủ vừa và nhỏ có tinh thần yêu nước, đã tích cực tham gia và có những đóng góp nhất định vào phong trào đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

     Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ Đề tài C2019-18b-06.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Aumiphin, J. P. (1994). Sự hiện diện tài chính và kinh tế của Pháp ở Đông Dương (1859- 1939). Hà Nội: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

     Bùi Xuân Đức. (2009). Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Nam bộ thời Pháp thuộc và những giá trị cần nhìn nhận. Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 6(55), 24-31.

     Chesneaux, Jean. (1955). Contribution à l’histoire de la nation Vietnamienne. Paris: Editions Sociales.

     Đoàn Minh Huấn & Nguyễn Ngọc Hà (đồng chủ biên). (2017). Vùng đất Nam Bộ, tập V: từ năm 1859 đến năm 1945. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

     Dương Kinh Quốc. (1988). Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước cách mạng tháng tám 1945: Góp phần tìm hiểu cơ sở lịch sử – xã hội Việt Nam thời kỳ thực dân Pháp thống trị. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.

     Dương Kinh Quốc. (1999). Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918), Hà Nội: NXB Giáo dục.

     Gourou, Pierre. (1940). L’utilisation du sol en Indochine française. Paris: Centre d’études de politique étrangère.

     Henry, Yves. (1932). Économie agricole de l’Indochine. Hanoi: Imprimerie d’Extrèmeorient.

     Lê Hữu Phước. (2013). Nhận diện di sản kinh tế thời thuộc địa ở Nam Kỳ. Tạp chí Phát triển Khoa học & Công nghệ, Tập 16, Số X3, 140-151.

     Nguyễn Phan Quang. (2000). Việt Nam Cận đại, những sử liệu mới, tập 3: Sóc Trăng (1887 – 1945). Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Văn nghệ.

     Nguyễn Thế Anh. (1970). Việt Nam thời Pháp đô hộ. Sài Gòn: Lửa Thiêng.

     Nguyễn Văn Khánh. (1999). Cơ cấu kinh tế xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858-1945). Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

     Nguyễn Văn Khánh. (2019). Việt Nam 1919-1930 – Thời kỳ tìm tòi và định hướng. Hà Nội: NXB Tri thức.

     Phạm Cao Dương. (1967). Thực trạng của giới nông dân Việt Nam duới thời Pháp thuộc. Sài Gòn: Khai Trí.

     Phạm Quang Trung. (1988). Sắc luật 21-7-1925 của thực dân Pháp với vấn đề sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ ở Nam kỳ trong thời kỳ Pháp thuộc. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, 3-4(240-241), 61-67, 86.

     Trần Ngọc Định. (1970). Chế độ sở hữu ruộng đất lớn ở Nam Bộ trong thời đế quốc Pháp thống trị. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, 3(132), 81-90.

     Trần Thị Bích Ngọc. (1985). Tình hình sản xuất lúa gạo ở Nam Bộ dưới thời Pháp thuộc (1862-1945). Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5(224), 55-63.

     Trần Thị Thu Lương. (2004). Bước đầu tìm hiểu tình hình sở hữu ruộng đất ở nông thôn Nam Kỳ thời Pháp thuộc qua địa bạ. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

     Viện Sử học. (2003). Lịch sử Việt Nam 1858 – 1896. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn, Số 79 (01/2022)

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sự phát triển của tầng lớp địa chủ ở Nam Kỳ trong 30 năm đầu thế kỷ XX
(Tác giả: PGS.TS. Trần Nam Tiến; TS. Nguyễn Thị Ánh Nguyệt)