Sự PHÁT TRIỂN của TIẾNG VIỆT trong quá trình TIẾP XÚC NGÔN NGỮ _ Nhìn từ góc độ THỂ HIỆN Ý NGHĨA TIẾP THỤ _ BỊ ĐỘNG

ĐINH HỒNG VÂN
(PGS TS, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội)

1. Mở đầu

     Hiện tượng các cộng đồng ngôn ngữ vay mượn các hình thức hay chất liệu của nhau để làm phong phú thêm các phương tiện biểu đạt của mình ngày càng trở nên phổ biến. Sự phát triển ngày càng phong phú của các phương tiện biểu đạt ý nghĩa bị động trong tiếng Việt là một trong những minh chứng đáng tin cậy của quá trình tiếp xúc giữa các ngôn ngữ. Việc đối chiếu cách diễn đạt ý nghĩa bị động ở tiếng Pháp và tiếng Việt cũng như việc nghiên cứu các bản dịch Pháp-Việt sẽ giúp chúng ta thấy rõ điều này.

2. Những nét tương đồng và dị biệt giữa tiếng Pháp và tiếng Việt trong cách biểu đạt ý nghĩa bị động

     Các công trình nghiên cứu gần đây đã góp phần củng cố quan điểm của các nhà ngôn ngữ cho rằng ý nghĩa bị động là một phạm trù phổ biến, được thể hiện trong nhiều ngôn ngữ bằng những phương tiện khác nhau. Việc đối chiếu hai thứ tiếng Pháp và Việt cho thấy: nếu trong tiếng Pháp có câu bị động thì trong tiếng Việt có lối nói tiếp thụ-bị động, một lối nói có thể được dùng để diễn đạt ý nghĩa của câu bị động của tiếng Pháp. Nghiên cứu cho thấy giữa hai lối nói này không chỉ có những nét tương đồng, mà còn có cả những nét dị biệt.

     2.1. Những nét tương đồng

        2.1.1. Tương đồng về hình thức

        Trước hết, trong dạng bị động của tiếng Pháp và trong lối nói bị động của tiếng Việt, chủ thể hành động (tác thể) không giữ vai trò chủ ngữ của câu, trong khi đó, đối tượng của hành động (bị thể hoặc bổ ngữ trực tiếp của động từ) lại đảm nhận vai trò này. Vì vậy mà có quan niệm cho rằng bổ ngữ trực tiếp của câu chủ động được chuyển lên vị trí chủ ngữ trong câu bị động, còn chủ thể hành động thì từ vị trí chủ ngữ trong câu chủ động, được chuyển xuống vị trí bổ ngữ chỉ tác nhân trong câu bị động.

        Một nét tương đồng khác là trong phần lớn các câu bị động của tiếng Pháp, cũng như các câu thuộc lối nói tiếp thụ-bị động của tiếng Việt, chủ ngữ là một danh từ chỉ bất động vật.

       Trong cả hai trường hợp, dạng bị động trong tiếng Pháp và lối nói tiếp thụ-bị động tiếng Việt, bổ ngữ chỉ tác nhân có thể bị tỉnh lược. Trong tiếng Pháp, kiểu cấu trúc này chiếm khoảng 75% trong tổng số câu bị động đã được thống kê; còn trong tiếng Việt thì tỉ lệ này là 74,59%. Đây chính là một cơ sở để giải thích cho vai trò của dạng bị động hoặc lối nói tiếp thụ-bị động.

        Trong cả hai thứ tiếng đều có những cấu trúc được dùng để thể hiện ý nghĩa bị động, nhưng ngay cả yếu tố đối tượng của hành động cũng bị tỉnh lược. Ví dụ:

        –  Les 15% restants sont situés dans des endroits de moindre passage, fermés les jours fériés comme les galeries marchandes. (Les distributeurs de billets, premier test technique pour les banques – Le Monde du mardi 1er janvier 2002).

       –  Bị chồng lôi kéo, người đàn bà lao vào con đường buôn ma tuý, ngày ngày thậm thụt buôn bán trên phố. (Khát vọng sống – Báo Nhân Dân cuối tuần, số 24 ra ngày 16-6-2002).

        Khi quan sát sự xuất hiện của từ “bởi” trong tiếng Việt, được dùng để đánh dấu chủ thể của hành động khi thành phần này xuất hiện trong tư cách bổ ngữ chỉ tác nhân, người ta thấy từ này trùng hợp với các giới từ par hoặc de của tiếng Pháp. Và rất có thể sự hiện diện của từ “bởi” này là kết quả của thao tác chuyển dịch từ một số tiếng nước ngoài, như tiếng Anh hoặc tiếng Pháp chẳng hạn, sang tiếng Việt. Ví dụ:

        – Được nâng đỡ bởi các định luật thuỷ tĩnh học và được giữ vững bởi một loạt các sợi cáp xếp dưới đáy nước cách khoảng 50m, “về lí thuyết, nó có thể đạt tới chiều dài 10km” – Antonio Fiorentino quan sát. (Chiếc “cầu ngầm” dưới độ sâu 20m – An ninh thế giới, số 50 (284) 20-06-2002).

        2.1.2. Tương đồng về chức năng và ý nghĩa

        Về mặt này, cũng có nhiều điểm chung: trong cả hai thứ tiếng, dạng bị động đều được dùng để hướng sự chú ý của người tiếp nhận thông tin vào đối tượng của hành động, tức là bổ ngữ trực tiếp của động từ trong câu chủ động. Việc sử dụng dạng bị động hoặc câu bị động để tránh phải nêu ra chủ thể của hành động – hoặc là để tập trung sự chú ý của người tiếp nhận vào đối tượng của hành động, hoặc đôi khi là vì không xác định được chủ thể của hành động – xuất hiện ở 74,59% cấu trúc bị động trong tiếng Việt và khoảng 75% câu bị động trong tiếng Pháp. Điều này đã được khẳng định trong nhiều tài liệu về ngữ pháp của cả hai thứ tiếng Pháp và Việt.

        Song, như đã trình bày trong các phần trước, một vai trò đặc biệt khác của cấu trúc bị động đó là cho phép nhấn mạnh vào tác thể. Đây chính là lí do giải thích tại sao cấu trúc bị động đầy đủ trong tiếng Pháp, tuy có vi phạm tính ngắn gọn của ngôn ngữ, nhưng vẫn được sử dụng.

        Ngoài ra, trong cả hai thứ tiếng, dạng bị động và lối nói tiếp thụ-bị động được dùng khá phổ biến trong các ngôn ngữ thuộc phong cách hành chính – công vụ, báo chí và khoa học để thể hiện tính khách quan của thông tin cũng là một nét chung đáng chú ý.

        Những nét chung này là hiển nhiên, nhưng cũng cần được đề cập một cách tường minh trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ để có thể giúp cho người học nắm bắt vấn đề một cách chắc chắn hơn.

      2.2. Những nét dị biệt

     Nét dị biệt nổi bật giữa hai ngôn ngữ này là sự biến đổi của động từ trong tiếng Pháp, trong khi động từ không hề thay đổi trong tiếng Việt, ngoại trừ việc đưa thêm các từ “bị/được” vào trước động từ trong câu bị động, mà thậm chí có khi, các từ này cũng không xuất hiện. Ví dụ:

Un camion a renversé mon père.
père a été renversé par un camion.
Thày giáo khen An. Mon
An được thày giáo khen.

     Hoặc trường hợp không có các hư từ “bị/được”:

     –  Lỗ hở càng khó bịt khi trong đội ngũ phòng, chống ma tuý, không ít kẻ đã tiếp tay, bao che cho bọn buôn ma tuý để chúng tung hoành trên thị trường. (Khát vọng sống – Nhân Dân cuối tuần, số 24, 16-6-2002).

    –  Năng lượng tạo ra bằng sự phân hạch nguyên tử đã tự giải phóng dưới dạng sức nóng mà người ta cần thu lấy để biến thành năng lượng chẳng hạn. (Những sáng chế và phát minh trong lĩnh vực năng lượng – Khoa học và công nghệ, số 27, (1021) 4-7-2002).

     Nét dị biệt thứ hai về mặt hình thức là về vị trí của bổ ngữ chỉ tác nhân khi nó xuất hiện trong dạng bị động của tiếng Pháp và trong cấu trúc bị động truyền thống của tiếng Việt: vị trí thường gặp nhất của bổ ngữ chỉ tác nhân tiếng Pháp là sau quá khứ phân từ, còn bổ ngữ chỉ tác nhân của tiếng Việt thì hay đứng sau đối tượng và trước động từ, tức là khi chuyển sang câu bị động, chủ thể hành động vẫn đứng liền ngay với động từ thể hiện hành động. Như đã trình bày ở phần đầu, chủ thể hành động và động từ vẫn tạo thành một cụm chủ-vị trong lòng một cụm chủ-vị khác lớn hơn đóng vai trò câu bị động. Còn trong những câu bị động của tiếng Việt có sự tham gia của từ “bởi”, kết quả của sự giao thoa ngôn ngữ, thì chủ thể hành động xuất hiện ở sau động từ, giống với cấu trúc của tiếng nước ngoài.

     Nét khác biệt đáng quan tâm hơn cả đó là các hư từ bị/được không chỉ có vai trò đánh dấu câu bị động, mà còn mang ý nghĩa tình thái “tích cực/tiêu cực”, thể hiện sự đánh giá của tác giả của phát ngôn về ảnh hưởng của hành động lên đối tượng. Chẳng hạn, trong một chương trình “Hướng dẫn pháp luật” trên kênh vô tuyến VTV2, vị khách mời đã nói: “Ở các nước phương Tây, quyền lực Nhà nước bị chia ra thành ba phần.”. Trong khi đó, nếu nội dung này được thể hiện bằng tiếng Anh, hoặc tiếng Pháp thì chưa hẳn đã có sự đánh giá tương tự. Cụ thể là theo quan niệm của các công dân của các nước phương Tây đó, chưa hẳn chế độ “tam quyền phân lập” đã là một điều tiêu cực, mà thậm chí, đối với họ, điều đó còn có lợi. Vì vậy nảy sinh một vấn đề khi dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt: có khi chúng ta phải dùng hư từ “được” thì mới thể hiện đúng ý định của người nói. Đây chính là một trong những lí do dẫn đến việc khi phải dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, người dịch thường chịu sự ảnh hưởng của tiếng Pháp nên hay đưa ra một số câu văn nhiều khi xa lạ với người đọc Việt Nam, hoặc nếu không xa lạ thì cũng có thể làm cho người đọc không hiểu đúng ý định của tác giả người nước ngoài.

     Ngoài ra, qua nhận xét của một số nhà ngôn ngữ, người Việt Nam ít dùng câu bị động. Theo R.Bulteau, tác giả cuốn “Cours d’Annamite (Langue vietnamienne)”:

LA VOIX PASSIVE est peu fréquente. D’ordinaire l’annamite parle à la forme active. Quand le français dit: “La souris est mangée par le rat.”, l’annamite s’exprime ainsi.

Con mèo ăn thịt con chuột.Le chat mange (1) la souris.

     (1) mange la chair de la souris.

     Toutefois, il pourrait dire, en utilisant les auxiliaires du passif […].

     Con chuột bị con mèo ăn thịt.

     Mais cette forme lui paraît lourde et il répugne à l’employer.

     Tạm dịch: “Dạng bị động không phổ biến lắm. Bình thường người An-Nam nói ở dạng chủ động. Khi người Pháp nói “Con chuột bị con mèo ăn thịt” thì người An-Nam lại nói “Con mèo ăn thịt con chuột”. Tuy nhiên, họ có thể dùng các trợ động từ của dạng bị động để nói: “Con chuột bị con mèo ăn thịt”. Nhưng đối với họ, lối nói này có vẻ nặng nề và họ không thích dùng lối nói này.

     Ngoài ra, để chứng minh cho nhận xét của R. Bulteau (“Nhưng đối với họ, lối nói này (bị động) có vẻ nặng nề và họ không thích dùng lối nói này”), ta có thể lấy ví dụ về số lượng câu bị động trong một bài giảng bằng tiếng Pháp và trong bản dịch của bài học đó: nếu trong bản tiếng Pháp, bài “Mouvements moléculaires et niveaux d’énergie – Méthode laser pour la phase gazeuse” có tới 229 cấu trúc bị động, thì trong bản dịch sang tiếng Việt chỉ còn có 125 câu thuộc lối nói tiếp thụ-bị động. Có nghĩa là nhiều cấu trúc bị động của tiếng Pháp đã được dịch sang lối nói chủ động trong tiếng Việt. Rất có thể đây là một lí do khiến cho người học Việt Nam, nhiều khi không dùng dạng bị động để diễn đạt bằng tiếng Pháp, trong khi đó lẽ ra dạng bị động phải được ưu tiên sử dụng. Ví dụ trong một bài kiểm tra, một học viên đã viết:

     – Ma mère vient de téléphoner à moi. Un camion a renversé mon père. (Mẹ tôi vừa gọi điện cho tôi. Một chiếc xe tải đã đâm ngã bố tôi.)

     Và giáo viên người Pháp đã chữa lại thành:

     – […] Mon père a été renversé par un camion. (Bố tôi đã bị một chiếc xe tải đâm ngã.)

     Sở dĩ dạng bị động phải được sử dụng ở trường hợp này là vì trên phương diện liên kết và mạch lạc của đoạn văn, nếu “mẹ tôi” gọi điện cho tôi để thông báo cho tôi tin “bố tôi” bị xe tải đâm ngã thì thông tin quan trọng phải là “bố tôi”, chứ không phải là “chiếc xe tải”. Vì vậy, cho dù câu bị động có phức tạp hơn thì nó vẫn phải được sử dụng theo yêu cầu của nội dung thông báo.

     Như vậy, trong quá trình dạy dạng bị động của tiếng Pháp cho người Việt Nam, cần chú ý đến việc liên hệ, so sánh để giúp người học có thể nắm được những nét tương đồng và dị biệt giữa hai ngôn ngữ để có thể sử dụng dạng bị động của tiếng Pháp một cách tự nhiên hơn và cũng tránh được những giao thoa ngôn ngữ không đáng có trong quá trình dịch thuật để góp phần gìn giữ vốn ngôn ngữ của dân tộc.

3. Chuyển dịch cấu trúc bị động từ tiếng Pháp sang tiếng Việt

     Việc khảo sát này được thực hiện ở hai loại phong cách văn học và hành chính công vụ vì đây là hai phong cách có tần số sử dụng dạng bị động tương đối cao. Đối với loại phong cách văn học, ngữ liệu nghiên cứu là tác phẩm Miếng da lừa của nhà văn Pháp Honoré de Balzac; đối với phong cách hành chính công vụ, khảo sát sẽ được tập trung vào cách chuyển dịch các cấu trúc bị động có trong bản Hiến pháp của Cộng hoà Pháp năm 1958.

     3.1. Chuyển dịch cấu trúc bị động trong tác phẩm Miếng da lừa

     Tác phẩm Miếng da lừa của nhà văn Pháp Honoré de Balzac đã được chọn để phục vụ việc mô tả cách chuyển dịch dạng bị động từ tiếng Pháp sang tiếng Việt là vì những lí do sau:

     –  Thứ nhất, đây là một trong những nhà văn nổi tiếng của Pháp đã được độc giả Việt Nam biết đến từ lâu;

     –  Thứ hai, tác phẩm này đã từng được dịch ra tiếng Việt nhiều lần và các tác giả của những bản dịch sưu tầm được trong ngữ liệu đều là những dịch giả có uy tín đó là Nguyễn Văn Vĩnh và Đỗ Đức Dục;

     –  Thứ ba, bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh đã được xuất bản năm 1928, còn bản dịch của Đỗ Đức Dục thì đã được xuất bản năm 1973.

     Hai bản dịch của cùng một tác phẩm được xuất bản cách nhau gần một nửa thế kỉ sẽ phần nào cho thấy sự vận động và phát triển của tiếng Việt nói chung, cũng như của việc sử dụng các cấu trúc bị động trong tiếng Việt nói riêng. Đây là những bản dịch có chất lượng tốt, do các dịch giả có tên tuổi thực hiện nên xứng đáng được các thế hệ sau học tập.

        3.1.1. Bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh

        Trong tác phẩm Miếng da lừa của nhà văn Pháp Honoré de Balzac, xuất bản năm 1831, có 4901 câu, trong đó có 610 câu có cấu trúc bị động 1. Tỉ lệ câu bị động trong tác phẩm này là 12,44%. Trong số 610 câu có các loại cấu trúc sau:

Bảng 1: Tỉ lệ các cấu trúc bị động trong tác phẩm Miếng da lừa

FF1“être + pp” không có tác thể12019,67%
FF2“être + pp + PAR + tác thể”9114,91%
FF3“être + pp + DE + tác thể”101,63%
FF4Cấu trúc bị động có PP nhưng không có động từ “être”29047,54%
FF5Câu bị động với động từ phản thân6210,16%
FF6“se faire, se laisser + động từ nguyên thể”223,60%
FF7Câu bị động có cấu trúc vô nhân xưng152,45%
Tổng số610100%

     Như vậy, trong tác phẩm này, loại câu bị động chỉ có quá khứ phân từ (PP) mà không có trợ động từ “être” có tần số sử dụng cao nhất (47,54%), sau đó lần lượt là các loại câu có trợ động từ “être”, nhưng không có tác thể/bổ ngữ chỉ tác nhân (19,67%), câu có trợ động từ “être” và có tác thể đi sau par (14,91%). Nhận xét quan trọng thứ hai là trong số các câu có trợ động từ “être” và có tác thể, loại câu có giới từ par có tỉ lệ cao hơn hẳn so với loại câu có giới từ de (chỉ chiếm 1,63% trong tổng số câu có cấu trúc bị động).

     Trong bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, hiện được lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Việt Nam, đã bị hư hỏng, nhiều trang đã bị mất, nhiều chỗ quá nát, nên việc so sánh chỉ được tiến hành trên cơ sở là những trang bản dịch còn đọc được.

     Trong phần tài liệu bằng tiếng Pháp tương ứng với phần bản dịch còn đọc được có 356 câu có cấu trúc bị động. Kết quả đối chiếu các câu này với các câu tương ứng trong bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh cho thấy chỉ có 39 trên tổng số 356 câu này là được dịch thành một câu có cấu trúc bị động, tức là chỉ bằng 10,95% số lượng câu có cấu trúc bị động của bản gốc. Phần lớn các câu có cấu trúc bị động của bản gốc (317/356 câu, bằng 86,84%) đã được chuyển thành câu có cấu trúc chủ động trong tiếng Việt. Ví dụ:

     –   […] il montra l’escalier du tripot désigné sous le nom de numéro 36. (tr. 59)

     +  Chàng ta già dặn bước chân mà trèo lên cái thang sòng số 36. (tr. 11)

     –   Ce jeune homme était probablement poussé là par la plus logique de toutes les éloquentes phrases de Jean-Jacques Rousseau… (tr. 60)

     +  Anh chàng này mà phải mon men đến đây, chừng là tại cái cảnh mình nó hợp với câu văn có lí nhứt, ở câu văn hùng biện của J.J. Rousseau. (tr. 14)

     Trong số 39 câu của bản dịch có cấu trúc bị động, 17 câu có sự xuất hiện của “bị/được/phải”:

     –   En ce moment, vous pourrez admirer un véritable joueur qui n’a pas mangé, dormi, vécu, pensé, tant il était rudement flagellé par le fouet de sa martingale, tant il souffrait travaillé par le pruirit d’un coup de trente et quarante. (tr. 61)

     +  Nên chọn giữa lúc ấy mà đi ngắm, một người máu mê thực thọ, từ hôm trước đến hôm sau chưa ăn, chưa ngủ, quên mất sống, không có tư tưởng gì, như là người bị lăn – lóc, bị cái roi đen đỏ nó đánh, nó đập, tối – tăm mày mặt từ hôm qua đến giờ, biết bao cơn sốt, cơn ngứa.

     –   Il courait avec la prestesse d’un voleur pris en flagrant délit. (p. 92)

     +  Anh ta chạy như thằng ăn cắp bị đuổi vậy.

     –   Tout ce qui fait l’homme et ses mille vanités furent écrasés en moi par une douleur infernale. (p. 165)

     + Than ôi, trong lúc ấy thì bao nhiêu những mối làm ra con người và muôn nghìn cái lịch-sự hão của người ta, cũng bị một nỗi đau-đớn khổ-não nó đè bẹp ở trong lòng tôi.

     và 22 câu không có sự xuất hiện của hai từ này:

     –   N’est-ce pas une espèce d’époque oubliée par les naturalistes dans l’ordre des Polipiers… (p. 100)

     +  Lão chẳng qua cũng là một loài bông đá, mà các nhà thực vật đã bỏ quên không kể vào trong những loài vật – sốp bán động vật bán thảo mộc đó mà thôi.

     –   La peine de mort va, dit-on, être abolie en faveur de la révolutionde juillet… (p. 13)

     +  Tôi nghe Tử-hình sắp bỏ, vì việc cách mệnh tháng bảy mới rồi.

     Như vậy, phần lớn câu có cấu trúc bị động của bản gốc đã được chuyển dịch thành câu có cấu trúc chủ động trong tiếng Việt. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận xét của Nguyễn Kim Thản như đã trình bày trên đây. Trong số câu có cấu trúc bị động trong bản dịch, loại cấu trúc không có các từ “bị/được” lại chiếm ưu thế. Lí do có thể là vào thời kì này, tiếng Việt mới chỉ tiếp xúc chủ yếu với tiếng Pháp, còn với các thứ tiếng khác thì sự tiếp xúc vẫn còn rất hạn chế. Mặt khác, có thể là vào thời kì đó, người Việt Nam chưa có thói quen diễn đạt bằng các cấu trúc bị động. Đây cũng có thể là một nguyên nhân khiến cho các nhà nghiên cứu tiếng Việt thời kì đầu thế kỉ XX đã đưa ra những nhận xét cho rằng người Việt Nam “ghét lối nói này”.

        3.1.2. Bản dịch của Đỗ Đức Dục

        Việc khảo sát trên bản dịch của dịch giả Đỗ Đức Dục cho thấy: 173/356 (48,59%) câu có cấu trúc bị động của bản gốc đã được chuyển sang tiếng Việt bằng câu có cấu trúc bị động. Trong số 173 câu tiếng Việt có cấu trúc bị động này, có 128 câu có sự xuất hiện của hai từ “được/bị”, không câu nào có sự tham gia của từ “phải”.

        Điểm khác biệt lớn nhất trong cách biểu đạt ý nghĩa bị động ở hai bản dịch này là số lượng câu có cấu trúc bị động ở bản dịch của Đỗ Đức Dục nhiều gấp gần 4, 5 lần so với bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh (39/173). Như vậy, có nhiều câu có cấu trúc bị động trong bản gốc đã được chuyển thành câu chủ động trong bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh và thành một câu có cấu trúc bị động trong bản dịch của Đỗ Đức Dục như trong ví dụ sau:

        –   Puis le lendemain, brisé comme un cheval d’escadon par mon père… (p. 129)

       +  Cứ hôm nay được đi chơi thì ngày mai lại phải đóng đủ yên cương đai khấu như là con ngựa của thầy đội kị-mã. (Nguyễn Văn Vĩnh)

       +  Rồi hôm sau lại bị cha tôi kiềm chế như con ngựa nhà binh bị đóng cương. (Đỗ Đức Dục) Nhận xét thứ hai rút ra từ việc so sánh hai bản dịch này là về số lượng câu có cấu trúc bị động có sự tham gia của hai từ “được/bị”: nếu như trong số 39 câu có cấu trúc bị động trong bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh chỉ có 17 câu có sự tham gia của “bị/được/phải” (43,58%) thì trong bản dịch của Đỗ Đức Dục, tỉ lệ này là 128/173 câu (73,98%). Như vậy, tuy không thể coi hai dịch giả này là hai đại diện cho người Việt Nam nói tiếng Việt, nhưng vì các dịch giả luôn luôn phải lựa chọn các biện pháp tu từ để có thể có cách diễn đạt gần với thói quen tiếp nhận ngôn ngữ của người đọc, nên có thể coi hai bản dịch này như một tấm gương phản chiếu xu hướng gia tăng của việc sử dụng cấu trúc bị động trong giao tiếp của người Việt Nam.

        Một nhận xét nữa cũng đã được phản ánh qua ví dụ trên đây là sự xuất hiện của từ “phải” trong câu có cấu trúc bị động của Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng không có trong số các câu có cấu trúc bị động của Đỗ Đức Dục. Có lẽ đây cũng là một sự thay đổi trong cách sử dụng từ này trong cách biểu đạt ý nghĩa bị động trong tiếng Việt. Điều này cũng đã được nhiều tác giả như Nguyễn Tài Cẩn, (trong bài Quá trình hình thành thế đối lập giữa 3 từ “được, bị, phải” đăng trên tạp chí Ngôn ngữ số 2/1978) và Nguyễn Thị Thuận (trong Luận án Tiến sĩ Các động từ tình thái nên, cần, phải, bị, được trong câu tiếng Việt) nghiên cứu khá kĩ lưỡng.

     3.2. Chuyển dịch cấu trúc bị động trong Hiến pháp Cộng hoà Pháp năm 1958

     Bản dịch Hiến pháp Cộng hoà Pháp năm 1958 của Nhà pháp luật Việt-Pháp đã được chọn làm ngữ liệu nghiên cứu cách chuyển dịch các cấu trúc bị động sử dụng trong phong cách hành chính công vụ với những lí do sau:

     –  Thứ nhất, đây có thể gọi là văn bản tiêu biểu cho phong cách hành chính công vụ vì với tư cách là văn bản quan trọng nhất đối với một quốc gia, nó được sự đầu tư lớn của các tác giả cả về mặt nội dung thông báo cũng như về chất lượng ngôn ngữ.

     –  Thứ hai, bản dịch được chọn để nghiên cứu do Nhà pháp luật Việt-Pháp thực hiện; đây là một trong những bản dịch đáng tin cậy nhất hiện nay cả về mặt nội dung lẫn cách diễn đạt vì các dịch giả đều là những luật gia Việt Nam rất giỏi tiếng Pháp.

     Trong bản Hiến pháp Cộng hoà Pháp năm 1958 có cả thảy là 344 câu, trong đó có 219 câu có cấu trúc bị động, chiếm 63,66%. Kết quả thống kê trên bản dịch của Nhà pháp luật Việt-Pháp, cung cấp 159 câu có cấu trúc bị động. Như vậy, số câu có cấu trúc bị động trong bản dịch bằng 72,60% số câu có cấu trúc bị động trong bản gốc.

4. Kết luận

     Như vậy, những khảo sát trên đây đã phần nào phản ánh được xu hướng gia tăng của việc sử dụng cấu trúc bị động trong tiếng Việt. Thật vậy, ở bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh vừa xét trên đây, số câu có cấu trúc bị động mới chỉ là 10,95%, sang bản dịch của Đỗ Đức Dục, tỉ lệ này đã là 48,59% và đến bản dịch của Nhà pháp luật Việt-Pháp thì tỉ lệ này lên tới 72,60%. Tuy sự so sánh này là khập khiễng vì chúng mới chỉ được thực hiện trên hai loại phong cách, nhưng cũng cho thấy xu hướng vận động của tiếng Việt trong quá trình tiếp xúc với các ngôn ngữ khác trên thế giới.

__________
1. Câu phức có nhiều mệnh đề có cấu trúc bị động cũng tính là một câu và gọi là “câu có cấu trúc bị động”.

THƯ MỤC THAM KHẢO

A. Tiếng Việt

1. Balzac H. de, Miếng da lừa, Người dịch: Nguyễn Văn Vĩnh, NXB Trung Bắc Tân văn, Hà Nội, 1831.

2. Banzac H. de (1831), Miếng da lừa, Người dịch: Đỗ Đức Dục, NXB Văn học (1973), Hà Nội, 1982.

3. Nguyễn Tài Cẩn, Quá trình hình thành thế đối lập giữa ba từ “Bị, được, phải”, Ngôn ngữ, số 2, 1978, tr. 20-22.

4. Nhà pháp luật Việt-Pháp, Hiến pháp Cộng hoà Pháp 1958, Hà Nội, 2003.

5. Nguyễn Thị Thuận, Các động từ tình thái nên, cần, phải, bị, được trong câu tiếng Việt, Luận án Tiến sĩ ngữ văn, Hà Nội, 2002.

6. Đinh Hồng Vân, Dạng bị động trong tiếng Pháp và những phương thức biểu đạt tương đương trong tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.

B. Tiếng nước ngoài

7. Balzac H. de, La peau de chagrin, Flammarion, Paris, 1831.

8. Bulteau R., Cours d’Annamite (Langue vietnamienne), 4è édition – Edition Larose, Paris, 1953.

9. Legifrance, La Constitution du 4 octobre 1958.

10. Nguyễn Phú Phong, Le syntagme verbal en vietnamien, Mouton, Paris, 1976.