Sự phát triển NGÔN NGỮ THI CA DÂN TỘC thể hiện qua THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT của BÀ HUYỆN THANH QUAN
LƯ NGUYÊN MINH, HOÀNG THỊ THỦY VÂN
(Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
ABSTRACT
The development of the Vietnamese poetry language in Nom verse form in Tang poetry of Ba Huyen Thanh Quan was manifested in terms of using Vietnamese vocabulary creatively and elaborately to raise the value expression of these pure Vietnamese words; using the Chinese words in Vietnamese styles to enrich Vietnamese poetry vocabulary; using elaborately and daintily phonetic rhetorical figure of traditional Vietnamese poetry; changing the law, parallel sentences, rhyme and rhythm to create the unique style of characteristics of Vietnamese poetry. The article can be seen as a reference for Literature teachers to use in teaching with aim to develop language ability for students.
Keywords: Ba Huyen Thanh Quan, Nom verse form, Tang poetry, Vietnamese.
x
x x
1. Mở đầu
Trong nền văn học trung đại Việt Nam, sự xuất hiện của văn học chữ Nôm nói chung và thơ Nôm Đường luật nói riêng là bước phát triển vượt bậc của tiến trình văn học, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển tiếng Việt và ngôn ngữ văn học dân tộc. Nó thể hiện sức sống mãnh liệt, tinh thần tự lập, tự cường của văn hóa Việt Nam sau hơn 1000 năm Bắc thuộc và quá trình đấu tranh giữ nền độc lập trong suốt chiều dài lịch sử thời trung đại. Bà Huyện Thanh Quan là một trong những tác giả tiêu biểu góp phần phát triển tiếng Việt, ngôn ngữ thi ca dân tộc trong thể thơ Nôm thất ngôn bát cú Đường luật. Thơ Nôm Đường luật trong nền văn chương trung đại Việt Nam là sự tiếp biến thể thơ Đường luật của Trung Hoa. Trong suốt chiều dài lịch sử văn học trung đại, thơ Nôm Đường luật đã được “Việt hóa”, trở thành thể thơ truyền thống của Việt Nam. Sáu bài thơ thất ngôn bát cú còn được lưu truyền của Bà Huyện Thanh Quan là những kiệt tác mang tính đại diện. Đa số các nhà nghiên cứu phê bình xếp Bà Huyện Thanh Quan vào lớp các tác giả trung thành với thể thơ Đường luật chính thống, ngợi ca tài sử dụng niêm, vận, luật, điển Hán, từ Hán Việt của bà, mà ít nói đến thành công trong quá trình sử dụng, phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, cải tiến, sáng tạo về thi pháp, góp phần tạo nên đỉnh cao của thể thơ Nôm dân tộc của tác giả.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Thơ Nôm Đường luật trong nền văn chương trung đại Việt Nam
Thơ luật Đường (tên gọi khác: thơ cận thể, thơ kim thể, luật thi) là thể thơ tiêu biểu của thi ca Trung Hoa do các thi nhân đời Đường sáng tạo, được xem là thể thơ bác học, trang nhã, quý phái; có luật lệ, khuôn phép vô cùng chặt chẽ. Thơ luật Đường tuy buộc người sáng tác phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy định cách luật, nhưng lại nhanh chóng tạo được ảnh hưởng đối với thơ ca đời sau và thơ ca của các quốc gia đồng văn với văn hoá Hán. Sớm truyền bá vào Việt Nam, thể thơ này tạo được sự mến chuộng và phổ biến rộng rãi trong việc bày tỏ tư tưởng, tình cảm, ý chí… của các nhà thơ. Thơ luật Đường được du nhập vào nước ta cách đây hơn 1.000 năm. Một trong những lí do khiến thể thơ này đặc biệt phát triển ở Việt Nam là bởi đặc trưng ngôn ngữ đơn âm tiết, có sự đối lập về thanh điệu bằng – trắc của tiếng Việt tương đồng với tiếng Hán. Việc phát âm phân biệt rõ 6 thanh điệu có tác dụng tạo nhạc tính và đáp ứng được điều kiện cần thiết của mô hình âm luật của thơ Đường luật. Trước đây, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sáng tác thơ Đường luật bằng chữ Hán, nhưng họ không thể dùng ngôn ngữ của họ để sáng tác thơ Đường luật vì ngôn ngữ Nhật, Hàn không có sự đối lập bằng trắc trong thanh điệu.
Ban đầu, các thi gia Việt Nam sáng tác thơ Đường luật bằng chữ Hán mang đậm phong cách Đường thi. Theo thời gian, họ làm thơ theo luật Đường bằng cả chữ Nôm. Sự hình thành và phát triển của chữ Nôm là một bước ngoặt trong lịch sử văn hóa và văn chương Việt Nam. Chữ Nôm do chính người Việt Nam tạo ra để ghi âm tiếng Việt, có đủ khả năng diễn tả phong phú, tinh tế những tình cảm, tư tưởng của người Việt. Nhờ chữ Nôm, nền văn học của chúng ta đã sản sinh ra các thể loại độc đáo của riêng Việt Nam là thơ Nôm với các dạng: thơ Nôm thất ngôn tứ tuyệt, thơ Nôm thất ngôn bát cú Đường luật (Hàn luật), Truyện thơ Nôm lục bát, Ngâm khúc (song thất lục bát) và Hát nói (trong ca trù). Thơ Nôm thất ngôn bát cú Đường luật là sự tiếp biến thể thơ Đường luật của Trung Hoa. Các thi gia Việt Nam đã tiếp thu sáng tạo, cách tân, Việt hóa thể thơ này để tạo nên thể thơ Việt theo luật Đường thi, mang những nét mới mẻ, độc đáo, đậm phong vị Việt Nam. Giai đoạn hình thành thơ Nôm Đường luật là từ thế kỉ XIII đến thế kỉ XIV, giai đoạn phát triển rực rỡ là từ cuối thế kỉ XIV đến cuối thế kỉ XVIII, với các tác gia tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Hồng Đức (thời Lê), Nguyễn Bỉnh Khiêm (thời Mạc); Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến (thời Nguyễn)… Trong suốt chiều dài lịch sử văn học hơn một 1000 năm, thơ chữ Nôm Đường luật đã được Việt hóa triệt để, có đủ nội lực của một thể thơ mang hồn cốt, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt, trở thành thể thơ truyền thống của Việt Nam.
Có rất nhiều tác giả, tác phẩm đóng góp cho sự phát triển rực rỡ của thơ Nôm thất ngôn bát cú Đường luật dân tộc. Như Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi gồm 254 bài thơ, Hồng Đức quốc âm thi tập của vua Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn có độ 300 bài thơ, Bạch Vân quốc ngữ thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm khoảng 161 bài thơ, Hồ Xuân Hương có 48 bài thơ Nôm… Tuy số lượng tác phẩm để lại không nhiều, nhưng Bà Huyện Thanh Quan rất ý thức trau luyện, sử dụng tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ, chữ viết dân tộc để làm thơ. Với việc sử dụng, phát triển tiếng Việt, ngôn ngữ thi ca dân tộc trong thơ Nôm, thi sĩ Thanh Quan đã tạo ra những dấu son điểm tô cho nền văn học nước nhà thêm phần rực rỡ. Sáu bài thơ đều được viết theo thể thất ngôn bát cú, dù cách luật chặt chẽ nhưng bằng tiếng mẹ đẻ, nữ thi sĩ đã tạo nên cái thanh thoát, nhẹ nhàng cho từng thi phẩm. Bà đã sáng tạo, Việt hóa thể thơ thất ngôn bát cú Đường thi để tạo ra những bài thơ Nôm toàn bích đầy nữ tính; mang đậm phong cách, sắc thái Việt trên mọi bình diện, cả về nghệ thuật cũng như nội dung tư tưởng. Bà đã dùng những thi điệu uyển chuyển để tạo ra nhạc tính trong từng bài thơ, xóa đi cái gò bó, khuôn thước; khắc phục hoàn toàn cái nặng nề, cứng nhắc của luật phép Đường thi. Lời thơ của bà vừa có đường nét cổ kính, quý phái của Đường thi vừa mang cái hồn cốt dịu mát, thanh thoát, gần gũi của dân tộc Việt.
Vinh danh những tác gia có công phát triển ngôn ngữ thơ dân tộc, sáng tạo “Việt hóa” thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật Trung Hoa thành thể thơ thất ngôn bát cú chữ Nôm của dân tộc Việt Nam thời trung đại, không thể không vinh danh nữ thi sĩ Thanh Quan.
2.2. Thơ Nôm Đường luật của Bà Huyện Thanh Quan và sự phát triển tiếng Việt, ngôn ngữ thi ca dân tộc
2.2.1. Sử dụng sáng tạo, nâng cao giá trị biểu đạt của vốn từ thuần Việt
Hơn 1000 năm Bắc thuộc, những tác động, ảnh hưởng của Hán học đối với Việt Nam, xét riêng về mặt ngôn ngữ là rất lớn. Trải qua hàng ngàn năm lựa chọn, cải biên và vận dụng, lớp từ gốc Hán đã trở thành một bộ phận hữu cơ trong ngôn ngữ Việt và chiếm tỉ lệ cao.
Trong các giáo trình về từ vựng học và các bài nghiên cứu về từ Hán Việt, các nhà khoa học đều cho rằng từ Hán Việt chiếm khoảng 70% trong vốn từ tiếng Việt. Và vì thế, lớp từ này trở thành phương tiện/ chất liệu quan trọng trong sáng tác văn chương. Điều này được thể hiện ở tỉ lệ sử dụng từ Hán Việt khá cao trong các tác phẩm văn học kinh điển như thơ quốc âm của Nguyễn Trãi, Hồng Đức, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều,… Nhưng trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, qua khảo sát, chúng tôi thấy số lượng từ Hán Việt được tác giả sử dụng không nhiều. Trong 6 bài thơ Nôm, tổng số 336 chữ, tác giả sử dụng 52 từ Hán Việt (101/ 336 chữ), chiếm tỉ lệ 30%. Điều đó cho thấy bà đã rất ý thức trau luyện, sử dụng tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ thi ca dân tộc và chữ viết dân tộc trong việc làm thơ.
Nâng cao giá trị biểu đạt cho thơ ca chính là lớp từ thuần Việt. Trong 6 bài thơ có 235 chữ thể hiện các từ thuần Việt (235/ 336 chữ), chiếm tỉ lệ 70%. Cụ thể: Bài Qua Đèo Ngang: 49 chữ, chiếm 87,5% số chữ trong bài; bài Chùa Trấn Bắc: 41 chữ, 73,21%; bài Cảnh chiều hôm: 40 chữ, 71,43%; bài Đền Trấn Võ: 38 chữ, 67,86%; bài Chiều hôm nhớ nhà: 35 chữ, 62,5%; bài Thăng Long thành hoài cổ: 34 chữ, 60,71%. Ngoài ra, trong 6 nhan đề, có 2 bài Chiều hôm nhớ nhà, Qua Đèo Ngang hoàn toàn dùng từ thuần Việt. Các từ thuần Việt được sử dụng rất khéo léo, trau chuốt, đã biến những từ ngữ dân dã, mộc mạc, mang hơi thở đời sống hàng ngày thành lớp từ thi ca giàu sức biểu đạt. Bài Qua Đèo Ngang gồm 56 chữ – 47 từ nhưng có tới 49 chữ (42 từ) thuần Việt, chiếm 83,03% số chữ trong bài: Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen lá, đá chen hoa/ Lom khom dưới núi, tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà/ Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia/ Dừng chân đứng lại, trời non nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta. Trong đó, có nhiều câu hoàn toàn thuần Việt. Đó là chưa nói, các từ quốc quốc, gia gia (tượng thanh) được tạm xếp vào từ Hán Việt vì tác giả sử dụng phép chơi chữ, nếu gọi đúng tên các loài chim là cuốc cuốc, đa đa thì chúng đều là từ thuần Việt. Bài Thăng Long thành hoài cổ là bài sử dụng ít từ thuần Việt nhất trong 6 thi phẩm của bà, nhưng toàn bài cũng có tới 31 từ thuần Việt (34 chữ, chiếm 60,1 % số chữ trong bài: Tạo hóa gây chi cuộc hí trường/ Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương/ Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương/ Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn cau mặt với tang thương/ Nghìn năm gương cũ soi kim cổ/ Cảnh đấy người đây luống đoạn trường), cũng là một tỉ lệ không hề nhỏ so với phần trăm từ Hán Việt trong hệ thống từ vựng tiếng Việt.
Mỗi tiếng, mỗi từ tác giả đưa vào thơ đều rất chọn lọc. Rất nhiều từ thuần Việt thuộc lớp từ giao tiếp bình dân được bà đưa vào trong thi phẩm bỗng đẹp lung linh, trở nên trang nhã, quý phái một cách kì diệu. Đó là những từ như cỏ, cây, chen, lá, đá, vài, chú, chợ, mấy, dừng, chân, đứng, lại… (Qua đèo Ngang); gây, chi, trơ gan, cau mặt, đấy, đây, luống (Thăng Long thành hoài cổ). Sự độc đáo mang tính dụng tâm của những từ ngữ này còn là ở chỗ, hầu như không thể có một từ Hán Việt đồng nghĩa nào có thể thay thế chúng. Nói một cách khái quát về bút pháp ngôn ngữ thơ ca của Bà Huyện Thanh Quan, Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu đã nhận xét: “Lời văn rất trang nhã, điêu luyện” [1; tr 396], Nguyễn Lộc cũng nhận định: “Câu thơ của bà trang nhã, từ ngữ chải chuốt và được chọn lọc công phu” [2; tr 75].
2.2.2. Từ Hán Việt được sử dụng tinh xác, làm giàu thêm vốn từ vựng của ngôn ngữ thi ca tiếng Việt
Từ Hán Việt là một bộ phận từ của tiếng Việt, có nguồn gốc từ tiếng Hán, được phát âm theo cách của người Việt. Nhà thơ đã Việt hóa rất nhiều từ Hán, đưa từ Hán, thi liệu Hán vào ngôn ngữ Việt để làm giàu thêm cho ngôn ngữ thi ca Việt. Số lượng từ Hán Việt được sử dụng trong 6 bài thơ là 52 từ (101 chữ trên tổng số 336 chữ của 6 bài, chiếm tỉ lệ 30%): Bài Thăng Long thành hoài cổ: 22 chữ – 12 từ, chiếm 39,29 % số chữ trong bài (tạo hóa, hí trường, tinh sương, hồn, thu thảo, lâu đài, tịch dương, tuế nguyệt, tang thương, kim cổ, cảnh, đoạn trường); bài Chiều hôm nhớ nhà: 21 chữ – 13 từ, 37,5% (hoàng hôn, xa, ngư ông, viễn phố, mục tử, cô thôn, mai, liễu, sương, khách, Chương Đài, lữ thứ, hàn ôn); bài Đền Trấn Võ: 18 chữ – 11 từ, 32,14% (xuân, Trấn Đài, trần ai, hồi, chiêu mộ, tang thương, ái, trùng, ân, trượng, cực lạc); bài Cảnh chiều hôm: 16 chữ – 13 từ, 28,57 % (tây, tà, tuyết, phun, hoa, mai, liễu, khách, mục, khoáng dã, ngư, bình sa, chung tình); bài Chùa Trấn Bắc: 15 chữ – 11 từ, 26,79% (Trấn Bắc, hành cung, hương, ngự, phong, áo, phế hưng, hồi, kim cổ, cảnh, đầu); bài Qua Đèo Ngang: 7 chữ – 5 từ, 12,5% (tà, hoa, tiều, quốc quốc, gia gia). Phần lớn từ Hán Việt trong thơ Bà Huyện Thanh Quan là các từ ghép, điển cố – thi liệu thường được người Việt dùng trong văn chương nên khá quen thuộc, dễ hiểu. Những từ này tự nó đã có âm thanh trang nhã: mục tử, cô thôn, ngư ông, viễn phố, khoáng dã, bình sa, lữ thứ, thu thảo, tịch dương… Các thi liệu: ngư ông, mục tử, tiều, mai, liễu, tuyết, hoa, giang sơn, phong nguyệt,… Từ tang thương là viết tắt của điển “thương hải biến vi tang điền” – biển xanh biến thành nương dâu – chỉ những đổi thay to lớn trong cuộc đời; từ Chương Đài (viết tắt của điển “liễu Chương Đài”, xuất phát từ bài thơ Hàn Hoành gửi cho vợ nhằm thử lòng thủy chung. Trong thơ văn, điển này chỉ sự xa cách, thủy chung trong tình yêu, tình cảm vợ chồng). Thi liệu và điển cố xuất hiện trong thơ Bà Huyện Thanh Quan đem lại hiệu quả thẩm mĩ cao, tạo tính trang nhã quý phái. Từ Hán Việt được tác giả sử dụng một cách chủ động, linh hoạt. Bà đan xen từ thuần Việt với từ Hán Việt hết sức điêu luyện và hiệu quả: “Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ/ Biết ai mà kể nỗi hàn ôn”, “Sóng lớp phế hưng coi đã rộn/ Chuông hồi kim cổ lắng càng mau”… Những cặp đối rất chỉnh, hài hòa, cân đối về âm điệu, hình ảnh, cấu tứ: “Gác mái ngư ông về viễn phố/ Gõ sừng mục tử lại cô thôn”, “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn cau mặt với tang thương”, “Còi mục gác trăng miền khoáng dã / Chài ngư tung gió bãi bình sa”, “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”… Các cặp từ Hán Việt ứng đối, tự nó giải thích cho nhau về nghĩa, diễn đạt ý thơ một cách hàm súc, cô đọng, trang trọng, thanh nhã, cổ kính và có sức khái quát cao. Từ Hán Việt được dùng vừa đủ để tạo những điểm nhấn, không thừa không thiếu đã thể hiện sự tài hoa, tự nhiên thâu tóm cái thần thái, uyển ước của tứ thơ.
Hầu hết các nhà nghiên cứu phê bình đều thống nhất cho rằng, thơ Bà Huyện Thanh Quan trang trọng, thanh nhã, cổ kính; hình thức nghệ thuật chải chuốt, mẫu mực, luôn gợi về niềm u hoài tiếc thương… Được trau luyện trong môi trường Nho học, lại có phong cách nữ tính đài các; sang trọng, quý phái mà vẫn trong sáng, đậm chất trữ tình; Bà Huyện Thanh Quan đã đem đến cho thơ Nôm luật Đường một phong cách riêng biệt, độc đáo, vô tiền khoáng hậu. Từ cách gieo vần, dùng từ, chọn chữ đến kĩ thuật đối thanh, diễn ý, lập tứ đều rất khéo và cẩn trọng; mỗi lời mỗi câu đều trau chuốt, tinh xác, sáng đẹp, xứng đáng được khen là “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” [3; tr 131].
2.2.3. Sử dụng sáng tạo các phép tu từ ngữ âm của thơ Việt truyền thống
Làm nên giá trị đặc sắc của thơ Nôm, Bà Huyện Thanh Quan còn ở tài sử dụng các phép tu từ ngữ âm của thi ca truyền thống Việt Nam. Trước tiên cần nói đến sự sáng tạo trong lối chơi chữ – một nét riêng của ngôn ngữ thơ Việt có từ trong ca dao dân ca. Có nhiều cách chơi chữ, nhưng phổ biến nhất là chơi chữ bằng cách dùng hiện tượng từ đồng âm khác nghĩa giữa từ được dùng trong văn bản và từ được hiểu theo trường nghĩa ẩn dụ. Ví dụ bài dân ca quen thuộc của miền Trung: Một trăm thứ dầu, dầu chi là dầu không thắp?/ Một trăm thứ bắp, bắp chi là bắp không rang?/ Một trăm thứ than, than chi là than không quạt?/ Một trăm thứ bạc, bạc chi là chẳng ai mua? Nghĩa của các từ “dầu”, “bắp”, “than”, “bạc” trong các câu hát đố trên, dựa vào cách giải thích thông minh, dí dỏm, thể hiện tài năng vận dụng ngữ âm của tác giả dân gian. Một cách khác là phép chơi chữ đồng nghĩa: Cha con thầy thuốc về quê/ Hồi hương phụ tử thì chàng đối chăng? Từ ngữ thuần Việt “cha con … về quê” đồng nghĩa với các từ Hán Việt “hồi hương phụ tử”, nhưng hồi hương phụ tử còn là tên của hai vị thuốc bắc – gắn với nghề thầy thuốc…
Hiện tượng chơi chữ trong bài Qua đèo Ngang dựa theo lối chơi chữ đồng âm: con quốc quốc, cái gia gia đồng âm với hai từ tượng thanh (mô phỏng tiếng kêu của hai loài chim), vừa gần với âm của từ thuần Việt chỉ tên của hai loài chim (chim cuốc – đỗ quyên và chim đa đa). Nhưng điều đặc biệt là các từ Hán Việt quốc – gia còn đồng nghĩa với các từ trong cùng câu (nước, nhà), vì thế đã biểu đạt được nỗi nhớ nước, thương nhà, đau lòng, khản giọng của tác giả một cách tài tình.
Sử dụng từ láy và biện pháp đảo ngữ cũng là một hiện tượng tu từ ngữ âm độc đáo của người Việt. Từ láy là loại từ được sử dụng rộng rãi trong lời ăn tiếng nói dân dã nói chung và trong thơ văn truyền thống nói riêng. Từ láy trong thơ Bà Huyện Thanh Quan có vai trò quan trọng trong biểu lộ tình cảm, thế giới nội tâm của tác giả. Trong cả 6 bài thơ, bà đều sử dụng từ láy một cách đắc địa:“Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn” (Chiều hôm nhớ nhà); “Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương” (Thăng Long hoài cổ); “Đầm đầm ngọn cỏ, tuyết phun hoa/ Ngàn mai lác đác chim về tổ/ Dặm liễu bâng khuâng khách nhớ nhà” (Chiều hôm nhớ nhà); “Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu (Chùa Trấn Quốc); “Êm ái chiều xuân tới Trấn đài/ Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai” (Đền Trấn Võ). Tác giả phối hợp sử dụng từ láy với rất nhiều phép tu từ khác như đảo ngữ, đảo trật tự cú pháp; có khi, trong một cặp câu thơ, bà cùng lúc sử dụng cả đảo ngữ, so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, đối ngữ, nói quá… để tạo ra những câu thơ có tiết tấu lạ, nhạc điệu trầm bổng hấp dẫn, gợi cảm, làm nên nét đặc sắc cho thi phẩm.
Trong bài Qua đèo Ngang, các câu thực và luận là những câu thơ có sự sử dụng từ láy phối hợp với lối chơi chữ, đảo ngữ và nhân hóa; đặt trong chỉnh thể quy phạm của luật, đối, niêm, vận, nhịp của thơ luật mà vẫn bay bổng, tha thiết, ngân vang: “Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà/ Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”. Các từ láy lom khom, lác đác đều là từ tượng hình, được nhà thơ dùng phép tu từ đảo ngữ đặt lên trước các trạng ngữ của câu thơ để làm tăng hiệu quả biểu ý: lom khom diễn tả dáng vẻ vất vả, vội vã, đơn chiếc của tiều phu xuống núi; lác đác diễn tả sự thưa thớt của những ngôi nhà (lều chợ) ven sông. Vẻ cô liêu, vắng vẻ của Đèo Ngang hiện lên như một bức tranh hữu hình. Hay như ở câu mở đầu bài thơ Chiều hôm nhớ nhà, tác giả sử dụng một từ láy tượng hình kết hợp với biện pháp đảo ngữ: “Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn”. Bảng lảng là từ có giá trị tạo hình đặc sắc, vừa gợi màu nhạt nhòa sương khói, vừa gợi sự lụi tàn, dần tắt của những tia sáng cuối cùng trong thời khắc hoàng hôn. Chỉ một từ nhưng như một nét chấm phá tài hoa, vẽ nên bức tranh có ánh sáng (bảng lảng), có sự di chuyển của cảnh vật (mây), lại có sự vận động của thời gian (bóng hoàng hôn), khớp với nhịp thơ chậm dần đều 1/1/2/3 do hiệu quả của việc đảo ngữ trời chiều thành “chiều trời”. Câu thơ tiếp sau “Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn” có âm thanh (tiếng ốc, trống đồn) vẽ ra cảnh hoàng hôn miền đất lạ, gợi nỗi buồn tha hương tê tái. Chiều dài(tiếng ốc), chiều cao (tiếng trống đồn trên chòi cao) của không gian được diễn tả qua các hợp âm ấy, đã gieo vào lòng người lữ khách một nỗi buồn dằng dặc, một niềm sầu thương tê tái. Hai câu luận dùng đảo ngữ làm nổi bật cái bao la của nẻo đường xa, là hai nét vẽ đăng đối, đặc tả sự mỏi mệt, cô đơn; diễn tả cái lạnh lẽo, cô liêu, bơ vơ của người lữ khách tha hương nghìn dặm. Con người như bơ vơ, lạc lõng giữa một vùng “gió cuốn” và “sương sa”: “Ngàn mai, gió cuốn chim bay mỏi/ Dặm liễu, sương sa khách bước dồn”.
Trong bài “Thăng Long hoài cổ”, bà sử dụng từ láy thấm thoắt diễn tả sự vận động thay đổi nhanh chóng của thời gian: “Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương”, góp phần tô đậm thêm nỗi đau của nữ sĩ trước thời cuộc thay đổi, hưng phế của triều đại, của bao kiếp người, bao số phận. Hiện thực giống như một màn hài kịch trên sân khấu (cuộc hí trường) hạ màn, nhanh như mới hôm qua, hôm kia. Trong mỗi chữ, mỗi câu đều chứa chan sự thương yêu, nỗi buồn đau, nuối tiếc của bà đối với cố đô Thăng Long.
2.2.4. Sự sáng tạo, linh hoạt trong việc phối hợp thanh luật, đối ngẫu với vần và nhịp tạo nhạc tính riêng mang đặc trưng thi ca Việt
Đặc trưng cách luật thơ cận thể là phải tuân theo luật bằng – trắc. Các bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan nhìn chung là tuân thủ công thức, nhưng đâu đó cũng có những phá cách nhất định. Theo công thức, thanh điệu chữ thứ 5 và chữ thứ 7 phải ngược nhau, nhưng câu thơ kết trong bài Qua Ðèo Ngang thì hoàn toàn khác: Một mảnh tình riêng, ta với ta. Thanh điệu 2 chữ này không những không ngược nhau mà từ ngữ còn lặp lại, điều này không chỉ mang lại hiệu quả khác lạ về âm thanh mà còn giúp biểu đạt nghĩa một cách tinh tế: chỉ còn lại ta đối diện với chính ta, hướng nội, cô đơn tột cùng trong hoang hoải không gian và thời gian. Để đỡ gò bó về thanh điệu, người ta đặt ra công thức “nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”, có nghĩa là chỉ cần chú ý thanh luật ở các chữ 2 – 4 – 6 trong mỗi câu thơ. Tuy vậy, công thức gò bó này (kết hợp với nhịp chẵn trước lẻ sau quen thuộc) đã làm giảm tính nhạc của các bài thơ. Để “hoá giải” sự cứng nhắc này, Bà Huyện Thanh Quan đã khéo léo kết hợp với việc dùng từ láy, linh hoạt trong gieo vần và sử dụng phép đảo ngữ để thay đổi nhịp điệu, tiết tấu của câu thơ, khiến cho các bài thơ có được âm hưởng riêng độc đáo, giàu có về nhạc điệu.
Cách ngắt nhịp truyền thống của thơ Đường luật là 2/2/3 hoặc 4/3. Tuy nhiên, với sự sáng tạo của mình, nữ thi sĩ đã có sự cách tân, phá cách trong vần nhịp làm nới lỏng khuôn khổ gò bó của luật Đường thi, tạo sự phóng khoáng của nhịp điệu, nhạc tính bổng trầm đậm chất Việt cho thi phẩm. Trong bài thơ Qua Đèo Ngang, đan xen những câu theo nhịp truyền thống 2/2/3, 4/3 là những câu ngắt nhịp linh hoạt, sáng tạo. Hai câu luận nhịp 2/5; hai câu kết ngắt nhịp 4/1/1/1 tạo nên nhạc tính cho bài thơ: Nhớ nước/ đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà/ mỏi miệng cái gia gia/ Dừng chân đứng lại/ trời/ non/ nước/ Một mảnh tình riêng/ ta /với/ ta. Trong bài “Chiều hôm nhớ nhà”, người đọc như bị cuốn theo những câu thơ có tiết tấu, nhịp điệu đặc biệt. Tác giả dùng đảo ngữ “chiều trời” tạo nhịp 1/1/2/3 cho câu phá đề; đảo ngữ “tiếng ốc xa đưa” tạo nhịp 4/3 ở câu thừa đề: “Chiều/ trời/ bảng lảng/ bóng hoàng hôn; Tiếng ốc xa đưa/ vẳng trống đồn”. Trong hai câu thực, nhà thơ sử dụng đảo ngữ buộc người đọc phải ngừng giọng sau hai động từ “gác mái”, “gõ sừng”, nên nhịp điệu câu thơ phải chậm lại. Nhạc điệu câu thơ chậm rãi, ngắt thành 2 nhịp 2/5 rất đặc biệt: Gác mái/ ngư ông về viễn phố; Gõ sừng/ mục tử lại cô thôn. Câu thơ với nhịp 2/5 làm cho ta có cảm giác hoạt động con người đang giảm dần, đang đi tới kết thúc. Sự đối xứng giữa các từ ngữ, hình ảnh làm cho cảnh sinh hoạt ở đây có sự vận động chậm, man mác buồn. Điều này tương phản với hình ảnh được thể hiện qua nhịp điệu 4/3 của hai câu luận, làm nổi bật tiết tấu nhanh, mạnh: Ngàn mai gió cuốn/ chim bay mỏi; Dặm liễu sương sa/ khách bước dồn. Đảo ngữ kết hợp với nhịp 4/3 của hai câu thơ diễn tả tốc độ nhanh, mạnh của “gió cuốn”,“chim bay”,“sương sa”,“khách bước dồn” tạo cảm giác thiên nhiên và con người đều vội vã. Hoàng hôn đang buông nhanh chốn đường xa, rừng vắng đầy gió sương. Loài chim bay vội vã tìm về chốn ngủ và người lữ khách dồn chân bước vội trên con đường thiên lí. Tiết tấu bài thơ lúc nhanh lúc chậm, lúc nhặt lúc khoan, hoà nhịp với những âm thanh trầm, bổng, tạo thành một sự giao thoa kì diệu có ma lực mê hoặc lòng người.
3. Kết luận
Sáu bài thơ Nôm thất ngôn bát cú của Bà Huyện Thanh Quan là những dấu son của thơ ca Việt Nam trung đại. Hơn hai trăm năm đã trôi qua, nhưng những bài thơ của bà vẫn còn nguyên vẻ đẹp với sức lay động kì diệu. Với sự cách tân, sáng tạo về thi pháp, nới lỏng rào chắn về mô hình cấu trúc…, Bà Huyện Thanh Quan đã góp phần Việt hóa triệt để thể thơ Đường luật Trung Quốc, xóa đi cái gò bó, khuôn thước, khắc phục hoàn toàn cái nặng nề, cứng nhắc của luật phép Đường thi, tạo ra đặc trưng riêng của thơ Nôm Đường luật Việt Nam. Với tài năng nghệ thuật xuất sắc, bà đã “Việt hóa” từ Hán, kết hợp khéo léo các từ Hán Việt với từ thuần Việt và sử dụng thuần thục các phép tu từ truyền thống của người Việt, góp phần phát triển tiếng Việt nói chung và ngôn ngữ thơ ca dân tộc nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Dương Quảng Hàm (1968). Việt Nam văn học sử yếu. Trung tâm học liệu Sài Gòn.
[2] Đỗ Đức Hiểu (chủ biên) – Nguyễn Huệ Chi – Phùng Văn Tửu (2004). Từ điển văn học (bộ mới). NXB Thế giới.
[3] Nguyễn Du (tái bản, 2014). Truyện Kiều. NXB Văn học.
[4] Thu Hằng (2008). Mười phụ nữ huyền thoại Việt Nam. NXB Lao động.
[5] Lý Huỳnh (1963). Hợp Tuyển thơ văn Việt Nam (tập III). Viện Văn học.
[6] Đinh Xuân Lâm-Trương Hữu Quýnh (chủ biên, 2005). Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. NXB Giáo dục.
[7] Hữu Đạt(1996). Ngôn ngữ thơ Việt Nam. NXB Giáo dục.
[8] Đỗ Lai Thúy (2009). Bút pháp của ham muốn. NXB Tri thức.
Nguồn: Tạp chí Giáo dục, Số 428 (Kì 2 – 4/2018), tr 30-34
Ban Tu Thư (https://thanhdiavietnamhoc.com)