Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển Du lịch tại làng Thanh Thủy Chánh, Huế (Phần 1)

Tác giả bài viết: NGUYỄN ĐOÀN HẠNH DUNG,
TRƯƠNG THỊ THU HÀ

TÓM TẮT

     Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc ra quyết định, thực hiện và chia sẻ lợi ích từ du lịch được xem là một yếu tố then chốt để phát triển du lịch bền vững tại địa phương đó. Kết quả từ số liệu điều tra 133 người dân và phỏng vấn sâu 25 đáp viên đại diện các bên liên quan phản ánh rằng đa phần người dân ở làng Thanh Thủy Chánh hiện đang tham gia vào du lịch ở mức “thụ động” theo thang phân loại của Tosun (2006). Bên cạnh các đặc điểm nhân khẩu học, quyết định tham gia của người dân vào du lịch địa phương chịu sự chi phối của 6 nhân tố theo mức độ giảm dần là: hiểu biết về du lịch địa phương, thái độ tích cực tham gia, năng lực phục vụ du lịch, khả năng ra quyết định, sự tin tưởng các bên liên quan và năng lực tiếp cận du khách của người dân. Điều này cho thấy việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển du lịch tại làng Thanh Thủy Chánh là khả quan nếu như có các giải pháp và chính sách phù hợp để nâng cao nhận thức, năng lực, vai trò tham gia của người dân và gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan. Từ khóa: sự tham gia của cộng đồng, du lịch dựa vào cộng đồng, phát triển du lịch bền vững.

1. Đặt vấn đề

     Tăng cường sự đồng thuận và tham gia của cộng đồng địa phương được xem là một trong những hướng đi quan trọng để phát triển du lịch bền vững. Người dân cần được tạo cơ hội để tham gia chủ động vào du lịch và được phân chia lợi ích nhiều hơn, công bằng hơn từ sự phát triển du lịch ngay tại địa phương; từ đó, thái độ của người dân đối với sự phát triển du lịch và nguồn tài nguyên được cải thiện, thậm chí làm tăng giới hạn chấp nhận của họ đối với du lịch [2, 5, 8]. Các chủ đề về sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch vì thế cũng ngày càng thu hút sự quan tâm nghiên cứu rộng rãi. Về phương diện lý thuyết, hiện vẫn chưa có một khái niệm nhất quán về sự tham gia của cộng đồng, nhưng điểm thống nhất của các nghiên cứu về vấn đề này là tính phức hợp của nó tùy thuộc vào bối cảnh riêng của từng địa phương. Theo đó, phương pháp phân tích và đánh giá sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch cũng rất đa dạng. Các nghiên cứu của Kayat [2], Mai Lệ Quyên [3], Nguyễn Thị Mỹ Hạnh [4], Tosun và Timothy [9] Zhang [11] cho thấy có nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài cộng đồng ảnh hưởng tới sự tham gia của họ và từ đó cũng tác động không nhỏ đến phát triển du lịch ở các địa phương. Điều này đặt ra yêu cầu đánh giá đúng các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng trong từng địa phương để có những chính sách tác động phù hợp và kịp thời.

 Trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định cần đa dạng các loại hình và sản phẩm du lịch để trở thành điểm đến hàng đầu khu vực, trong đó, du lịch cộng đồng là một trong những thế mạnh cần quan tâm đầu tư. Điển hình của loại hình này ở Huế là làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy – được khai thác theo hướng du lịch cộng đồng từ rất sớm. Vốn nổi tiếng với không gian văn hóa mang đậm nét Huế cùng nhiều công trình kiến trúc cổ – đặc biệt có Cầu Ngói Thanh Toàn được công nhận là di sản Văn hóa cấp Quốc gia năm 1990, làng Thanh Thủy Chánh đã dần trở thành điểm tham quan trải nghiệm hấp dẫn cho du khách tứ phương. Tuy nhiên, chỉ đến năm 2012 – khi được Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với tỉnh nhà thực hiện dự án thí điểm phát triển mô hình du lịch cộng đồng, thì du lịch nơi đây mới được khởi sắc. Từ tiền đề đó, hợp tác xã Dịch vụ – Du lịch Thanh Toàn (gọi tắt là HTX) đã được thành lập vào năm 2014 và hiện có 35 thành viên tập trung chủ yếu vào phục vụ 5 nhóm chính, đó là: tour du lịch, ẩm thực, trò chơi dân gian, lưu trú và hàng lưu niệm. Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan/ tổ chức trong và ngoài nước, Ban Quản lý (BQL) HTX và chính quyền địa phương đã nỗ lực phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng như nguồn nhân lực tham gia vào phục vụ du lịch tại làng. Tuy nhiên, đến nay, tình hình phát triển du lịch ở đây vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có và còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập trong thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào phát triển du lịch.

     Nghiên cứu này tập trung phân tích sự tham gia hiện tại của người dân làng Thanh Thủy Chánh vào hoạt động du lịch địa phương và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia của họ trong tương lai. Trên cơ sở đó, bài báo đề xuất các hướng giải pháp nhằm thúc đẩy sự đồng thuận và tham gia tích cực của cộng đồng địa phương vào phát triển du lịch làng Thanh Thủy Chánh, Huế.

2. Cơ sở lý thuyết

     2.1. Một số nội dung cơ bản về sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch

     Sự tham gia của cộng đồng địa phương (CĐĐP) được nhiều nghiên cứu đề cập như một công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển du lịch bền vững của điểm đến [9]. Về mặt khái niệm, tùy thuộc vào các mục tiêu khác biệt mà có nhiều hướng quan điểm khác nhau về sự tham gia của CĐĐP trong phát triển kinh tế: 1) là quá trình, theo đó sự tham gia ảnh hưởng đến tiến trình hoạch định, thực hiện và chia sẻ kết quả phát triển [5, 10, 11]; 2) là cơ chế mà theo đó năng lực của cộng đồng được củng cố để giải quyết các vấn đề của họ và thúc đẩy khả năng tự thích ứng [3, 8]; 3) là công cụ để thực hiện các quyết định của một bên khác để tạo ra sản phẩm/ dịch vụ. Kế thừa từ hai quan điểm đầu, tác giả đúc rút cách hiểu về sự tham gia CĐĐP trong phát triển du lịch là một quá trình từ khi CĐĐP nhận thức được vai trò, lợi ích của du lịch đối với bản thân và địa phương đến khi họ thực hiện các hoạt động du lịch theo các hình thức, mức độ và thời gian khác nhau.

     Về hình thức tham gia của CĐĐP trong phát triển du lịch, Thammajinda [8] đã tổng hợp đa dạng các hoạt động tham gia của cộng đồng từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau thành 3 hình thức tham gia chính, bao gồm: quy hoạch, thực hiện và hưởng lợi từ du lịch. Trong đó, hình thức tham gia quy hoạch – tức người dân được trao quyền ra quyết định về phát triển du lịch – được các nghiên cứu đề cập như một hình thức tham gia lý tưởng cho CĐĐP.

     Theo Tosun [10], có 3 cách thức phổ biến để phân loại mức độ tham gia của CĐĐP trong phát triển du lịch, đó là: bậc thang tham gia của Arnstein (1969) hoặc phổ tham gia của Pretty (1995) hay Tosun (1999). Nghiên cứu này sử dụng phân loại của Tosun (1999) với 3 dạng thức về mức độ tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch, gồm: 1) Sự tham gia chủ động (Spontaneous participation): được xem là hình thức tham gia tự chủ thực sự và tích cực của người dân trong quá trình phát triển du lịch bao gồm cả lập kế hoạch và lựa chọn giải pháp phát triển; 2) Sự tham gia thụ động (Induced participation): mang tính bị động và thường là áp đặt từ trên xuống cho người dân, họ có thể tham gia thực hiện và chia sẻ lợi ích của du lịch nhưng không phải trong quá trình ra quyết định; 3) Sự tham gia giả (Coercive participation): cũng áp đặt từ trên xuống nhưng có tính bắt buộc, chỉ đạo và hoàn toàn hình thức, không có tính tham gia thực sự. [10, Tr. 494].

     Tuy nhiên, cách phân loại trên đây chỉ cho biết sự thể hiện các mức độ tham gia của CĐĐP trong tiến trình phát triển du lịch chứ không thể lượng hóa được. Engel & Blackwell (1982) (theo [5]) cho rằng sự tham gia có thể được đo bằng thời gian hao phí và mức độ của quá trình ra quyết định. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra các phương pháp đo lường khác như: tần suất tham gia, hao phí bằng tiền, quyền sở hữu thiết bị, số lượng thành viên và các nguồn lực khác. Đây cũng là các biến số mà nghiên cứu đưa vào làm rõ để mô tả và lượng hóa một cách tương đối về mức độ tham gia của CĐĐP trong phát triển du lịch tại làng Thanh Thủy Chánh.

     2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia của CĐĐP trong phát triển du lịch

     Tổng quan các nghiên cứu về sự tham gia của CĐĐP vào du lịch cho thấy nhận thức và thái độ của người dân là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất tác động đến sự tham gia của họ vào phát triển du lịch địa phương. Hai yếu tố này đều được học giả trong và ngoài nước công nhận và đưa vào các mô hình nghiên cứu về sự ủng hộ hay sự tham gia của CĐĐP trong phát triển du lịch [2, 4, 6, 7, 11]. Một trong những nghiên cứu tiên phong về sự ủng hộ của người dân đối với phát triển du lịch là công trình của Perdue và các cộng sự [6] ở Colorado với mô hình nhận thức về du lịch của người dân; kết quả cho rằng thái độ ban đầu của người dân đối với du lịch là rất tích cực, nhưng khi chi phí phải bỏ ra cao hơn lợi ích nhận lại được từ phát triển du lịch thì thái độ ủng hộ của người dân giảm dần.

     Cùng với 2 nhân tố nhận thức và thái độ của cộng đồng đối với phát triển du lịch địa phương, Zhang [11] đã phát triển một mô hình phân tích ảnh hưởng của đặc điểm tham gia cá nhân tới quyết định tham gia quy hoạch du lịch của CĐĐP với 3 nhân tố bổ sung là: đặc điểm nhân khẩu học, đánh giá sự tham gia hiện tại và tự đánh giá về kiến thức du lịch. Tuy nhiên, các nhân tố này chưa được Zhang làm rõ thành các nhóm tiêu chí định lượng để đo lường mà chỉ dựa trên các biến hỏi định danh. Mối quan hệ giữa các biến trong mô hình chỉ dừng lại ở phân tích sự khác biệt về mức độ tham gia quy hoạch du lịch giữa các biến độc lập khác nhau.

     Bên cạnh đó, Mai Lệ Quyên [3] đã tổng hợp các yếu tố thúc đẩy và rào cản ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân vào phát triển du lịch địa phương từ các chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu du lịch, qua đó khái quát thành 3 nhóm nhân tố chính, gồm: 1) các yếu tố về tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch (thông tin cho người dân, sự hợp tác giữa các bên, tính tập trung bao cấp trong quản lý du lịch); 2) các yếu tố về cơ chế chung và nguồn lực của hộ (cơ chế hợp tác, nguồn nhân lực có chất lượng, tài chính, chi phí tham gia, chuyên gia hỗ trợ); 3) các nhân tố về văn hóa/ nhận thức (nhận thức của cộng đồng về du lịch, mức độ quan tâm, thói quen, tập quán, v.v.). Nghiên cứu này chỉ đánh giá chung các yếu tố trên chứ chưa phân tích sự ảnh hưởng của chúng đến quyết định tham gia phát triển du lịch của người dân.

3. Mô hình và phương pháp

     Nghiên cứu sử dụng phương pháp tổng hợp tài liệu, phương pháp thu thập số liệu, phương pháp điều tra chọn mẫu, phương pháp xử lý và phân tích số liệu, trong đó, kết hợp giữa nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, lấy nghiên cứu định lượng làm chính.

     Trước tiên, qua tổng quan các nghiên cứu và khảo sát thực tế tại Thanh Thủy Chánh, tác giả lựa chọn mô hình của Zhang [11] về ảnh hưởng của các yếu tố đặc điểm tham gia cá nhân đến quyết định tham gia quy hoạch du lịch của người dân làm nền tảng. Như đã phân tích ở trên, mô hình này chỉ có thang đo về nhận thức của người dân đối với du lịch chứ chưa có thang đo cụ thể về đặc điểm tham gia hiện tại; vì vậy, tác giả tiếp tục tổng hợp và kế thừa từ các nghiên cứu liên quan để hình thành thêm 5 nhóm nhân tố tiếp theo về đặc điểm tham gia hiện tại của CĐĐP trong phát triển du lịch là: 1) thái độ đối với phát triển du lịch [7, 9, 10]; 2) năng lực phục vụ du lịch [2, 4, 10]; 3) khả năng ra quyết định [2, 5, 9]; 4) sự công bằng và minh bạch trong quá trình tham gia [2, 8]; 5) vốn xã hội: mối quan hệ giữa hộ gia đình và các bên liên quan [7, 8]. Mô hình nghiên cứu đề xuất được khái quát như Sơ đồ 1.

Sơ đồ 1. Mô hình đề xuất đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định
tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển du lịch

     Các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra là:

     H1: Hiểu biết về du lịch địa phương ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào phát triển du lịch.

     H2: Thái độ với phát triển du lịch ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào phát triển du lịch.

     H3: Năng lực phục vụ du lịch ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào phát triển du lịch.

     H4: Khả năng ra quyết định ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào phát triển du lịch.

     H5: Sự công bằng và minh bạch ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào phát triển du lịch.

     H6: Vốn xã hội ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào phát triển du lịch.

     Dựa trên khung nghiên cứu đã thiết lập, tác giả tiến hành thu thập dữ liệu sơ cấp bằng bảng hỏi khảo sát dành cho các hộ gia đình tham gia phục vụ du lịch tại làng Thanh Thủy Chánh. Theo Hair và các cộng sự [1], mẫu dự kiến tối thiểu cho việc thực hiện phân tích nhân tố khám phá (EFA) cần gấp 5 lần tổng số biến quan sát. Do đó, quy mô mẫu tối thiểu của nghiên cứu này là 125, tương ứng với 25 biến đã được xác định. Ban đầu, 20 bảng hỏi được phát ra để điều tra thử nghiệm và điều chỉnh lại để phù hợp hơn với thực tế của địa bàn nghiên cứu; sau đó, tác giả tiến hành nghiên cứu chính thức trong thời gian từ tháng 3/2018 đến tháng 10/2018 với 150 bảng hỏi và thu về 133 bảng hỏi hợp lệ phục vụ phân tích.

     Bên cạnh bảng hỏi khảo sát dành cho người dân, nghiên cứu còn tiến hành phỏng vấn sâu bằng bảng hỏi bán cấu trúc nhằm hiểu được quan điểm và đánh giá của nhiều bên liên quan đối với sự tham gia vào hoạt động du lịch của CĐĐP. Đối tượng được phỏng vấn bao gồm: 15 người dân địa phương, 5 cán bộ chính quyền địa phương, 3 đại diện tổ chức phi chính phủ (NGO) và 2 đại diện công ty/ đại lý lữ hành (TO/TAs) có khai thác tour đến với làng Thanh Thủy Chánh.

     Dữ liệu được mã hóa và xử lý phục vụ phân tích. Với dữ liệu định lượng, tác giả sử dụng phần mềm phân tích thống kê SPSS 22.0 ở độ tin cậy 95% để lần lượt tiến hành các kỹ thuật: phân tích thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố khám phá, phân tích phương sai một chiều (Oneway-ANOVA) làm rõ sự khác biệt trong đánh giá giữa các nhóm đối tượng khác nhau theo các biến độc lập và phân tích hồi quy để xác định mức độ ảnh hưởng của các biến độc lập đối với biến phụ thuộc là “Quyết định tham gia vào phát triển du lịch”. Các ý kiến được thu thập qua phương pháp phỏng vấn sâu được đánh giá bằng phương pháp phân tích nội dung (content analysis method) – tức là các phỏng vấn được mã hóa và phân nhóm thành các chủ đề hoặc các từ khóa, sau đó được sử dụng trích dẫn phù hợp để làm rõ các nội dung phân tích của nghiên cứu.

4. Kết quả và thảo luận

     4.1. Đặc điểm của mẫu điều tra

     Với phương pháp chọn mẫu thuận tiện ở các khu vực tập trung nhiều người dân của làng Thanh Thủy Chánh, nghiên cứu đã tiếp cận được với 133/150 đáp viên hiện có tham gia vào du lịch và 17/150 đáp viên không tham gia vào bất cứ hoạt động nào liên quan đến du lịch. Do đó, tỷ lệ phản hồi hợp lệ là 89,9% và chỉ có 133 mẫu điều tra được đưa vào phục vụ phân tích.

     Đặc điểm nhân khẩu học của họ được mô tả qua 5 tiêu chí phân loại: 1) về giới tính: tỷ lệ nam (42,1%) và nữ (57,9%) tương đối đồng đều nhau và phù hợp với cơ cấu lao động thực tế của xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy; 2) về nơi thường trú: 86,5% đáp viên là người trong làng Thanh Thủy Chánh và 13,5% đáp viên là người ở ngoài làng, phản ảnh thực trạng những năm gần đây số lượng người dân ở các làng xã lân cận đến làng tham gia vào hoạt động du lịch ngày càng gia tăng; 3) về độ tuổi: đa số người được khảo sát có độ tuổi từ trung niên trở lên – chiếm đến 68,9% tổng mẫu nghiên cứu, trong khi đó số lao động trẻ dưới 20 tuổi chỉ chiếm 3,8% và độ tuổi thanh niên chiếm 32,3%; 4) về thu nhập: người dân hiện có thu nhập chưa cao với 61,7% đáp viên có mức thu nhập trung bình dưới 3 triệu đồng/tháng và chỉ có 9,8% đạt mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên; 5) về trình độ học vấn: nhìn chung các đáp viên có trình độ học vấn còn tương đối thấp khi có tới 22,6% chưa được đi học và 48,9% có trình độ từ trung học cơ sở trở xuống, bậc đại học/ cao đẳng trở lên chỉ chiếm 8,3%.

     Kết quả khảo sát 133 người dân cho thấy có 55,6% đã tham gia phục vụ du lịch tại làng từ 3 đến 6 năm, tương ứng với giai đoạn mà du lịch cộng đồng tại Thanh Toàn được các tổ chức quốc tế như JICA, UNESCO và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) quan tâm đầu tư và phát triển. Cũng có đến 30,1% đáp viên đã tham gia từ 7 năm trở lên, trong đó có 5,3% đáp viên gắn bó hơn 10 năm với du lịch tại làng. Mặc dù hiện nay số lượng người dân tham gia vào du lịch địa phương rất nhiều, nhưng hầu như họ chỉ làm bán thời gian (chiếm đến 92,5%) và chỉ có khoảng 15% người dân có thu nhập chính từ du lịch.

     Với lịch sử hơn 10 năm khai thác và phát triển du lịch cộng đồng, đến nay, các hoạt động du lịch tại Cầu Ngói Thanh Toàn đã dần hình thành và đưa vào phục vụ khá đa dạng. Tuy vậy, chương trình du lịch đến đây chủ yếu là các tour tham quan, trải nghiệm trong ngày nên đa phần dịch vụ có người dân tham gia nhiều nhất là dịch vụ ẩm thực địa phương với 38,8% đáp viên có tham gia, dịch vụ trải nghiệm (như làm bánh, rớ cá, đi chợ, v.v.) với 18%, dịch vụ hướng dẫn viên địa phương với 15,8%. Hơn nữa, cũng có 22,6% đáp viên có tham gia phục vụ du lịch gián tiếp qua việc bán các nhu yếu phẩm sinh hoạt cho du khách, trong khi các dịch vụ đặc thù của du lịch như bán hàng lưu niệm, lưu trú homestay và biểu diễn nghệ thuật truyền thống của làng vẫn còn ít người tham gia (chỉ có lần luợt 10,5%, 9% và 5,3% đáp viên có tham gia).

     Hiện người dân có thể tham gia với các vai trò khác nhau để phục vụ du lịch tại làng, trong đó có 52,6% đáp viên tham gia tự do vào các dịch vụ có phục vụ cho du lịch, 18,8% người dân tham gia phục vụ du lịch trong HTX Thanh Toàn, 15,0% tham gia phục vụ ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Ngoài ra, có 5,3 % đáp viên hiện là nhóm trưởng các nhóm phục vụ du lịch của HTX và 8,3% đáp viên là chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

     4.2. Sự tham gia hiện tại của người dân vào hoạt động du lịch địa phương

     Thang đo về sự tham gia hiện tại của người dân làng Thanh Thủy Chánh vào hoạt động du lịch địa phương được xây dựng với 25 biến quan sát, trong đó có: 3 biến về “hiểu biết về du lịch địa phương”, 6 biến về “thái độ tích cực đối với du lịch”, 4 biến về “năng lực phục vụ du lịch”, 4 biến về “khả năng ra quyết định”, 3 biến về “sự công bằng và minh bạch trong quá trình tham gia” và 5 biến về “vốn xã hội”. Sau khi tiến hành phân tích nhân tố khám phá lần đầu với 25 biến quan sát, 6 nhân tố được rút trích, trong đó 2 biến quan sát được lần lượt tải vào cả 2 và 3 nhân tố, trong khi hệ số tải của chúng không có sự cách biệt lớn hơn 0,3 giữa các nhân tố được tải. Lần lượt loại bỏ 2 biến này ra khỏi thang đo, bài báo thực hiện phân tích nhân tố khám phá với 23 biến còn lại (Bảng1).

Bảng 1. Phân tích các nhân tố về sự tham gia của người dân vào hoạt động du lịch địa phương

Ghi chú: Phương pháp rút trích: phân tích thành phần chính; Phép xoay: Varimax; RQD: Khả năng ra quyết định; TD: Thái độ đối với phát triển du lịch; TT: Sự tin tưởng; HB: Hiểu biết về du lịch địa phương; NLPV: Năng lực phục vụ du lịch; NLTC: Năng lực tiếp cận du khách.

Nguồn: Số liệu điều tra, 2018

     Từ 23 biến quan sát, phương pháp phân tích thành phần chính và phép xoay Varimax đã cho ra 6 nhân tố có trị số Eigenvalue thỏa mãn điều kiện lớn hơn 1, với tổng phương sai rút trích bằng 81,274%, cho thấy mô hình EFA là phù hợp, các biến quan sát giải thích khoảng 81% phương sai tổng thể. Hệ số KMO là 0,802 – thỏa mãn điều kiện lớn hơn 0,5 – nên việc phân tích nhân tố là thích hợp với dữ liệu của mẫu. Giá trị Sig. trong kiểm định Bartlett thỏa mãn điều kiện <0,05 các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể và phân tích nhân tố là thích hợp. Hệ số tải nhân tố lớn nhất của mỗi biến quan sát đều thỏa mãn điều kiện lớn hơn 0,5 và đảm bảo tính phân biệt nên phương pháp EFA có ý nghĩa thiết thực.

     Các nhân tố vừa rút trích được tiến hành kiểm định độ tin cậy như ở Bảng 1 và được lần lượt đặt tên là: “Khả năng ra quyết định”, “Thái độ đối với phát triển du lịch”, “Sự tin tưởng các bên liên quan”(thay cho nhân tố “Vốn xã hội” và “Sự công bằng, minh bạch” trong mô hình nghiên cứu đề xuất), “Hiểu biết về du lịch địa phương”, “Năng lực phục vụ du lịch” và “Năng lực tiếp cận du khách”.

     Số liệu ở Bảng 2 cho thấy đánh giá của các đáp viên làng Thanh Thủy Chánh về sự tham gia hiện tại của bản thân vào du lịch địa phương qua các nhân tố vừa được rút trích, trong đó, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm đáp viên khác nhau về trình độ học vấn, mức thu nhập, nơi thường trú, thời gian tham gia cũng như vai trò tham gia trong các đánh giá này.

Bảng 2. So sánh đánh giá của người dân về sự tham gia hiện tại vào hoạt động du lịch địa phương

Ghi chú: (I): Sử dụng independent samples t-test; (II): Sử dụng One-way Anova; “–“: Phương sai các nhóm khác nhau; Ns: không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm; *: có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm; **: có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê cao giữa các nhóm.

Nguồn: Số liệu điều tra, 2018

     Về mức độ hiểu biết đối với du lịch địa phương

     Các đáp viên tham gia khảo sát đều tự tin với hiểu biết của mình về du lịch địa phương với giá trị trung bình đánh giá là 3,51 và tỏ ra đồng nhất trong ý kiến đánh giá khi không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm cộng đồng khác nhau. Tuy nhiên, thực tế phỏng vấn sâu các bên liên quan khác như đại diện các TO/TAs và các tổ chức NGO tham gia hỗ trợ cộng đồng thì lại ghi nhận được những nhận định tỏ ra trái chiều so với đánh giá của người dân. Họ cho rằng người dân đúng là có hiểu biết cơ bản về bản địa để phục vụ du lịch, nhưng đối với những thông tin chính thống về thị trường, về tác động của du lịch hay chiến lược phát triển du lịch bền vững ở Thanh Toàn thì họ còn khá mơ hồ, đôi lúc họ chỉ nghe và làm theo số đông/ phong trào chứ chưa thật sự hiểu. Bằng chứng là nhiều hộ gia đình kinh doanh tự phát các dịch vụ trải nghiệm làm nông dân để phục vụ du lịch như đi thuyền rớ cá, cày ruộng, thu hoạch rau, v.v. trong khi chưa đủ đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất và kỹ năng phục vụ để đảm bảo an toàn cho du khách hay chưa đảm bảo tính chân thật, đồng bộ của những trải nghiệm mà họ cung cấp.

     Như vậy, sự hiểu biết của người dân làng Thanh Thủy Chánh đối với du lịch địa phương dù được họ tự đánh giá cao nhưng dường như chỉ đang dừng lại ở cách hiểu mang tính nhìn nhận hiện tượng chứ chưa có chiều sâu về phát triển bền vững du lịch địa phương.

     Về thái độ đối với phát triển du lịch

     Quá trình khảo sát thực địa của tác giả cho thấy người dân của làng rất thân thiện, mến khách. Đa phần có thái độ tích cực đối với phát triển du lịch địa phương cũng như có ý thức tốt trong phục vụ du lịch. Điều này đã được chính bản thân những đáp viên lựa chọn mức đánh giá cao nhất trong các nhân tố là 4,11 với ý nghĩa rằng họ tự tin đánh giá cao sự tích cực của mình trong quá trình tham gia vào du lịch địa phương.

     Kết quả phân tích sâu Anova cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê cao trong đánh giá về thái độ đối với phát triển du lịch giữa các nhóm người dân có vai trò tham gia khác nhau vào du lịch địa phương (Bảng 2). Trong đó, đáng đề cập là nhóm người dân tham gia hoạt động du lịch tự do có thái độ tích cực (với giá trị trung bình đánh giá là 4,20) cao hơn các thành viên tham gia phục vụ ở HTX (chỉ đạt 3,78). Điều này được lý giải trong quá trình phỏng vấn, ghi nhận một số thành viên HTX có sự ỷ lại khi cho rằng lợi ích chung từ hoạt động của HTX sẽ được chia đều nên họ chỉ cần làm các công việc chức năng của mình, những hoạt động khác như quảng bá hình ảnh của làng hay giữ gìn môi trường thì họ chỉ tham gia khi có sự kêu gọi của BQL. Đây cũng là một yếu điểm của mô hình HTX nên BQL cần có giải pháp phù hợp để thuyết phục và thúc đẩy các thành viên trong HTX tích cực và chủ động hơn trong quá trình tham gia của mình.

     Về năng lực phục vụ du lịch

     Người dân làng Thanh Thủy Chánh đã sớm nhận được hỗ trợ về nhiều mặt từ nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau trong và ngoài nước như: Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện các tổ chức UNESCO, ILO hay các tổ chức NGO là JICA và nhóm RTG (Nhóm Du lịch có trách nhiệm), v.v., do đó, họ có cơ hội được tiếp cận nhiều khóa đào tạo ngắn hạn từ kỹ năng phục vụ du lịch đến kỹ năng ngoại ngữ hay quản lý kinh doanh dịch vụ du lịch, v.v. Cũng vì lý do đó mà người dân tự đánh giá khá cao về năng lực phục vụ du lịch của mình với giá trị trung bình lên đến 3,61.

     Trong kết quả phân tích sâu ANOVA, nhóm người dân tham gia ở HTX (với giá trị trung bình là 4,08) có đánh giá cao hơn nhóm người tham gia tự do (3,39), và thấp hơn nhóm chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh (4,18). Sở dĩ như vậy là bởi vì những thành viên HTX có cơ hội tham gia đào tạo ngắn hạn của các đơn vị hỗ trợ nhiều hơn, cũng như tần suất được tham gia vào các cuộc họp bàn về du lịch địa phương lớn hơn nhiều so với những người tham gia phục vụ du lịch tự do. Nhóm chủ các cơ sở kinh doanh cũng cho rằng họ có khả năng làm hài lòng du khách bởi họ đều nhận thức được là du lịch ở Thanh Toàn đang phát triển nhanh chóng và ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh ở làng nên cần không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

     Về khả năng ra quyết định

     Giá trị trung bình đánh giá của người dân về khả năng ra quyết định là không cao (với 3,05), chứng tỏ họ chưa tự tin vào khả năng ra quyết định của mình khi tham gia vào du lịch. Điều này cũng được đại diện chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ xác nhận khi cùng thống nhất rằng chỉ có khoảng 10% người dân tham gia vào du lịch một cách chủ động và tự quyết. Kết quả ở Bảng 2 cũng cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm đáp viên khác nhau về trình độ, mức thu nhập và vai trò tham gia khi đánh giá khả năng ra quyết định của mình.

     Trong khi hai nhóm có trình độ học vấn Trung học phổ thông và nhóm từ Cao đẳng/ Đại học trở lên lần lượt có giá trị trung bình đánh giá là 3,44 và 3,60 thì các nhóm còn lại đều ở mức dưới 3,0. Hầu hết người dân có trình độ học vấn thấp hơn đều bày tỏ rằng việc ra quyết định về phát triển du lịch là việc của các cấp chính quyền, họ chỉ nên là người làm theo chứ không hiểu gì thì cũng không nên đóng góp ý kiến gì lớn. Nhóm cộng đồng có trình độ học vấn cao hơn thì cho biết họ thường chủ động đóng góp ý kiến về phát triển du lịch nhưng nếu nói là ra quyết định thì khó, chỉ dừng lại ở mức thuyết phục nếu thấy ý kiến của họ là hợp lý mà thôi.

     Bên cạnh đó, đánh giá này của nhóm người dân có mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/ tháng trở lên (với giá trị trung bình từ 3,84 đến 4,20) cao hơn nhiều so với các nhóm có mức thu nhập bình quân hằng tháng thấp hơn (từ 2,85 đến 3,17). Nhóm có thu nhập cao hơn hầu hết đều có nguồn thu chính là từ du lịch nên họ mạnh dạn hơn trong việc tham gia đóng góp ý kiến về phát triển du lịch địa phương để đảm bảo cho việc chia sẻ lợi ích kinh tế từ du lịch của hộ gia đình. Trong khi các nhóm người dân có thu nhập thấp hơn thì đa phần cho rằng, dù có tham gia đóng góp ý kiến thì việc họ hưởng lợi ích kinh tế từ du lịch cũng không gia tăng đáng kể, hoặc du lịch có phát triển thêm thì cũng không đến lượt họ nhận được lợi ích.

     Đối với các nhóm khác nhau về vai trò tham gia thì sự khác biệt diễn ra giữa hai nhóm cộng đồng có vai trò nhóm trưởng trong HTX (3,85) và chủ cơ sở kinh doanh phục vụ du lịch (3,67) so với các nhóm tham gia khác (từ 2,84 đến 3,10). Hai nhóm này đều đại diện cho sự tham gia thật sự vào phát triển du lịch của làng, trong khi đó các nhóm còn lại thì thể hiện sự tham gia thụ động do họ không được trao quyền và cũng không tự tin để chủ động đóng góp ý kiến.

     Như vậy, phần lớn người dân làng Thanh Thủy Chánh hiện nay chưa thực sự được trao quyền ra quyết định hay quan tâm đến việc đóng góp ý kiến vào phát triển du lịch địa phương mà đơn thuần tham gia thực hiện các quyết định từ trên xuống, chỉ một bộ phận rất nhỏ có khả năng tự ra quyết định hay chủ động tham gia đóng góp ý kiến cho du lịch của làng.

     Về sự tin tưởng đối với các bên liên quan

     Nhìn chung, người dân làng Thanh Thủy Chánh chưa thật sự tin tưởng vào các bên liên quan khi tham gia vào du lịch địa phương, với điểm đánh giá trung bình là 2,80.

     Đáng chú ý là nếu như đáp viên trong làng đánh giá sự tin tưởng của mình với các bên liên quan ở mức trung bình (2,86), thì nhóm đáp viên ở ngoài làng Thanh Thủy Chánh chỉ ở mức ý nghĩa là “không đồng ý” (2,40). Điều này hoàn toàn do sự ảnh hưởng của tâm lý làng xã mà người dân thường có xu hướng bảo vệ quyền lợi chung cho người cùng làng hơn.

     Bên cạnh đó, các thành viên trong HTX và người tham gia tự do có mức độ tin tưởng này thấp hơn hẳn so với các nhóm còn lại (lần lượt chỉ là 2,74 và 2,64). Lý do là họ cho rằng việc phân chia lợi ích mặc dù đã được quy định trong quy chế tham gia của HTX nhưng chưa minh bạch trong quá trình thanh toán. Hơn nữa, một thực trạng đáng lưu tâm là nhiều người tham gia tự do nghĩ BQL HTX không tạo điều kiện cho họ tham gia công bằng vào du lịch, trong khi kết quả phỏng vấn các cấp chính quyền lại ghi nhận sự khó khăn trong việc đảm bảo an ninh, an toàn và đồng bộ chất lượng phục vụ du lịch đối với những người tham gia tự do.

     Các nghiên cứu liên quan đều cho rằng sự tin tưởng là yếu tố cốt lõi để những trao đổi trong quá trình tham gia của các bên được diễn ra bền vững. Vì thế, các cấp chính quyền địa phương và các bên liên quan cần gia tăng sự gắn kết và đồng thuận của người dân trong cộng đồng với nhau cũng như niềm tin của họ với các bên liên quan khác bằng những hành động thiết thực. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho toàn cộng đồng làng Thanh Thủy Chánh bằng cách tích cực truyền thông trong nội bộ làng xã để họ hiểu rõ rằng các chính sách phát triển du lịch địa phương là vì lợi ích chung, từ đó góp phần gia tăng sự tin tưởng của họ.

     Mời Quý độc giả đón xem tiếp phần 2 — cập nhật vào ngày mai–

Trích dẫn tệp PDF từ: https://www.researchgate.net/

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)