Sự tương đồng và những biệt sắc trong nghi lễ hầu đồng của một số tộc người ở Việt Nam (Phần 2)

Tác giả: Thạc sĩ LƯ THỊ THANH LÊ*, ĐOÀN NGỌC CHUNG**
(*,** Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)

3. Những biệt sắc trong nghi lễ hầu đồng của một số tộc người ở Việt Nam

     Bên cạnh những nét tương đồng về bản chất thì trong các nghi lễ hầu đồng của một số tộc người luôn luôn tồn tại những điểm riêng mang nét đặc trưng của từng dân tộc. Chính những sự khác biệt này đã tạo nên một bức tranh văn hóa rộng lớn, đa sắc màu của dân tộc Việt Nam.

     Nếu ở trên, chúng tôi có nhắc đến việc hầu đồng để chữa bệnh là một trong những điểm tương đồng tiêu biểu về mục đích thực hiện nghi lễ, thì trong sự tương đồng này lại tồn tại điểm khác biệt về quan niệm nguyên nhân dẫn đến ốm đau cho con người. Trong quan niệm của người Mường, thì họ cho rằng con người bị ốm là do ma quỷ quấy phá tạo nên. Nhưng đối với người Kinh thì họ cho rằng bệnh tật của mình là do Thánh, Mẫu trách phạt mà thành. Vì thể cần phải làm lễ tạ mới mong khỏi bệnh.

     Mặc dù đều có nét tương đồng về quan niệm thế giới đa tầng và hệ thống thần linh đa thần, hướng tới tôn thờ các thần tự nhiên nhưng có tộc người hệ thống thần linh được tổ chức một cách quy củ, chặt chẽ như trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Kinh. Trong hệ thống điện thần này không chỉ tôn thờ nhiên thần mà tích hợp thờ nhân thần – là những anh hùng có công trong lịch sử dân tộc. Ngoài ra, trong hệ thống điện thần của một số tộc người ở Việt Nam thường có sự ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo (Trung Quốc). Điều này được biểu thị qua sự xuất hiện của Ngọc Hoàng, Phật Bà,… trong hệ thống điện thần của người Mường và người Tày.

     Ở mỗi nghi lễ hầu đồng, ngoài thành phần tham gia bắt buộc phải có ]à chủ lễ thì ở các tộc người lại có thêm những thành phần khác đóng vai trò phụ việc cho chủ lễ. Trong nghi lễ hầu đồng của người Kinh thì đó là những người hầu dâng với nhiệm vụ giúp thanh đồng trong việc thay y phục, thắp hương, dâng rượu, dâng lễ vật… trong suốt vấn hầu, thêm vào đó là cung văn – đối tượng cung cấp âm nhạc cho buổi lễ. Còn trong nghi lễ Mo của người Mường, ngoài thầy Mo đóng vai trò quyết định sự thành công hay thất bại của buổi lễ thì còn có đội quạt ma với nhiệm vụ làm mát hồn ma. Còn trong nghi lễ Then của người Tày thì cần đến rất nhiều người đóng vai trò phụ lễ với nhiệm vụ riêng biệt như: người phục vụ tướng, người hái hoa, người ủ rượu, người châm hương với những yêu cầu khá cầu kì. N hư vậy chúng ta có thể thấy được mặc dù có những nét tương đồng về đối tượng tham gia nghi lễ nhưng ở mỗi tộc người phụ thuộc vào yêu cầu riêng trong việc thực hành, mà đã tạo ra những nét biệt sắc vô cùng độc đáo.

     Những biệt sắc trong nghi lễ hầu đồng của các tộc người có lẽ được thể hiện đặc sắc nhất qua cách thức thực hiện. Ngoài những lễ vật chung, trong nghi lễ hầu đồng của người Kinh còn yêu cầu những lễ vật riêng biệt cho từng giai đoạn của nghi lễ như sau: Lễ cáo (lễ trình với Thánh, Mẫu) bao gồm: trầu cau, rượu thuốc, chè, lễ mặn, hoa quả, vàng hương, sớ… Lễ vật dâng Phật bao gồm: oản, ngũ quả, tiền phật quan, vàng lá, trầu hương, nước, xôi chè… Lễ vật dâng Tam, Tứ phủ bao gồm: tam sinh (gà, ngan, lợn), trầu, rượu, thuốc lá, hoa quả, vàng hương… Lễ vật dâng Sơn Trang bao gồm: đậu xanh, chè kho, chè đường, nước chè xanh, bánh đúc, bánh đa, khế chua, hoa hồi, măng, quế, chanh ớt, mắm tôm, tôm, cua, ốc, gà đồng, thịt nướng, cơm lam, bún bánh, đậu phụ, mực, cá… Lễ vật còn cần thêm các phẩm vật dâng thánh của các “hàng giá” khi ngự đồng thường dâng theo màu sắc hoặc các đặc sản dân gian mà các vị thánh đó khi sinh thời thường dùng. Ví dụ như: bia, thuốc lá, bật lửa dâng Ông Hoàng Bảy; kẹo lạc, ữà tàu, sách bút dâng Ông Hoàng Mười; nước suối dâng Cô Bơ; trái cây, hoa quả dâng Cô Bé… Ngoài ra, còn có thêm cháo loãng, bỏng, ngô, mía, khoai, sắn, các đồ ăn nhẹ… để cúng chúng sinh. Lễ vật dâng cúng thần linh trong nghi lễ Mo của người Mường ở mỗi nơi lại khác nhau, nhưng nhìn chung cần phải có lễ vật dâng cúng cho linh hồn mới mất và các vị thần linh. Lễ vật dâng cúng cho linh hồn mới mất và các thần linh được chia là làm hai loại là lễ chay và lễ mặn. Lễ chay bao gồm: hoa, quả, gạo, xôi… lễ mặn thì có thêm thịt gà, thịt lợn, trứng thậm chí có cả thịt trâu, thịt bò, xôi nếp, rượu… Lễ vật không quá cầu kì, nhưng để chuẩn bị cho nghi lễ tang ma trước đây kéo dài 12 ngày đêm thì số lượng lễ vật cần có khá lớn. Đây là nguyên nhân chính khiến cho nhiều gia đình vướng mắc nợ nần hoặc không có đủ điều kiện để thực hành nghi lễ tang ma cho người thân khi qua đời. Trong Then của người Tày thì ngoài gà, vịt, bánh kẹo, hoa quả như thường thấy trong các buổi cúng lễ ở tất cả mọi miền quê, điều đáng chú ý là người Tày (ở Cao Bằng) đã biết tận dụng những sản vật của núi rừng tạo nên những sản phẩm độc đáo mang đậm hương vị quê hương như: xôi đăm đeng1, bánh khảo, khẩu sli2, ngà hoóc3, chè lam, bánh dày… để dâng cúng thần linh. Qua đây, ta có thể thấy điều tạo nên những sự khác biệt trong lễ vật dâng cúng thần linh chính là điều kiện kinh tế và phong tục văn hóa riêng của các tộc người.

     Về lễ phục, trong nghi lễ hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu thì những người tham gia hầu đồng cần chuẩn bị trang phục dành riêng cho từng vị Thánh – đây là yếu tố quan trọng nhất giúp con nhang, đệ tử phân biệt được các Thánh khi thực hành tín ngưỡng. Mặc dù các bộ trang phục này rất phong phú, mỗi địa phương tùy vào văn hóa vùng miền có thể thay đổi đôi chút nhưng về cơ bản thì vẫn phải tuân theo quy định chặt chẽ về kiểu cách, màu sắc và phục sức đi kèm. Có trang phục nữ của các Chầu Bà, Thánh Cô và cũng có y phục nam của các Quan lớn, Thánh Cậu. Về màu sắc, thì trang phục của các vị Thánh thường có bốn màu nổi bật là: đỏ, xanh, trắng, vàng tương ứng với Tứ phủ: Thiên – Nhạc – Thoải – Địa. Ngoài ra, trong nghi lễ hầu đồng các thanh đồng còn sử dụng tới hàng loạt những “đạo cụ” đi kèm theo từng giá hầu như: khăn phủ diện, khăn tấu hương, quạt, đai lưng, thẻ ngà, kiềng bạc, vòng, hoa tai, chuỗi hạt, xuyến, son phấn, cung, kiếm, long đao, hèo… Trong nghi lễ Mo của người Mường, bộ trang phục của thầy Mo thường được may rất rộng, tay áo to, vạt trái vắt chéo qua sườn phải. Vạt áo được viền một dải vải đò chạy suốt từ mép vạt trái, vòng qua cổ sang vạt phải. Áo dài tới bắp chân, phần dưới may mở rộng và không xẻ tà, ngang lưng có một thắt lưng bằng vải trắng. Ông Mo có hai loại mũ, loại thứ được may bằng vải màu xanh, khâu thuôn về phía đỉnh, hai bên chóp mủ khâu hai mảnh vải thuôn dần và nhọn ở đầu, quanh dải mũ được thêu viền bằng chỉ đỏ, khi đội mũ ngả về phía sau. Loại mủ thứ hai làm bằng vải cứng, hình vuông, đệm cứng ở đằng trước và phần sau, trang trí hai nửa hình tròn ghép màu vàng. Theo quan niệm của người Mường, đó là biểu tượng của mặt trời. Ngoài ra, trong nghi lễ thầy Mo còn cần sử dụng đến một số đồ nghề như: thanh gươm, túi Khót4, quạt… Còn trong nghi lễ Then của người Tày, màu sắc lễ phục được sử dụng chủ yếu là màu đỏ, nhất là đối với thầy Then sau khi đã được cấp sắc hoặc thăng sắc. Trong khi thực hành nghi lễ, lúc các Thiên tướng nhập đồng thì y phục của Then có thể thay đổi theo. Bên cạnh những trang phục cần thiết thì thầy Then có những dụng cụ hành nghề đặc trưng như: đàn tính, chùm nhạc xóc, ấn, thẻn5, quạt, chuông, còi…

     Về lời hát và âm nhạc trong các nghi lễ hầu đồng, điểm khác biệt mà chúng ta có thể nhận thấy rõ nhất đó chính là đối tượng đảm nhiệm âm nhạc trong nghi lễ. Nếu như trong các nghi lễ Mo, Then bộ phận chính tạo ra âm nhạc là do những chủ thể thực hành nghi lễ như thầy Mo, thầy Then đảm nhiệm, thì trong nghi lễ lên đồng của người Kinh, âm nhạc hoàn toàn do một bộ phận riêng biệt trong nghi lễ đảm nhiệm, đó chính là cung văn. Thêm vào đó lời hát trong nghi lễ lên đồng, nếu như lời hát trong nghi lễ của người Kinh được dùng để cung cấp thông tin về thần tích, sự tích hay ca ngợi các vị Thánh, Mẫu, thì lời hát trong Mo là những câu chuyện, những đạo lý mà thầy Mo sử dụng để thuyết phục, hướng những hồn ma về thế giới của mình, bên cạnh đó là những lời giáo dục đối với người còn sống. Cũng giống với Mo lên Trời, thì lời hát trong nghi lễ Then của người Tày được dùng để khuyên nhủ ma quỷ trong then chữa bệnh hay dẫn dắt, truyền đạt việc trao quyền, ban quyền của thần linh cho con Then trong nghi lễ Then cấp sắc.

     Diễn trình của các nghi lễ hầu đồng mặc dù đều đáp ứng được ba bước cơ bản của quá trình xuất thần – nhập hóa, nhưng trong cách thể hiện của mỗi nghi lễ lại có sự khác biệt độc đáo. Diễn trình của nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu thực chất là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị Thánh, Mẫu.

Sơ đồ 2. Diễn trình trong nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng
thờ Mẫu Tam, Tứ phủ của người Kinh

     Trong nghi lễ hầu đồng này, Thánh, Mẫu thông qua thân xác của các thanh đồng để thực hiện các nghi lễ tâm linh và giao tiếp với người trần. Ngô Đức Thịnh nhận định rằng: Người hầu đồng chỉ là cái xác, cái giá, cái ghế để Thánh nhập vào, nên khi ông đồng và bà đồng trùm khăn lên đầu, thì họ được coi như người đã chết(Ngô Đức Thịnh, 2009, tr.88). Thông qua việc giánghay thăngcác vị Thánh đã thực hiện các cuộc hành trình từ cõi hư vô về tái sinh trên thân xác của các thanh đồng và thông qua thân xác đó các Thánh, Mẫu thực hiện các hành động mang tính nghi lễ như: múa, phán truyền, ban lộc, chữa bệnh, trừ tà … Trong nghi lễ Mo lên, diễn trình nghi lễ được thể hiện qua các đêm Mo. Đối với nghi lễ tang ma cổ, các đêm Mo kéo dài đến mười hai ngày đêm. Tuy nhiên đến nay, nhằm thực hiện nếp sống mới văn minh, nên đã có những sự thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Vì thế trong tang lễ của người Mường tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình hiện nay chỉ còn bốn bữa ăn chung cho người mất, đó là: bữa Tẩm tịch, bữa Nhìn họ, bữa Đi chợ và cuối cùng là bữa Tận.

Sơ đồ 3. Diễn trình nghi lễ Mo của người Mường ở Tân Lạc, Hòa Bình hiện nay

     Thầy Mo đóng vai trò rất quan trọng trong nghi lễ Mo nói riêng và toàn bộ nghi lễ tang ma của người Mường nói chung Thầy Mo chính là người trung gian giữa hai thế giới người sống và người chết. Thầy Mo có nhiệm vụ điều khiển linh hồn người mất phải tuân theo các nghi lễ của tang ma. Điều này rất quan trọng. Nếu thầy Mo có những bước chỉ dẫn sai thì linh hồn người chết sẽ bị mất phương hướng, không đến được thế giới của cõi âm. Trong các đêm Mo, thầy Mo là người kết nối giữa cõi âm và cõi dương. Mỗi đêm Mo được tiến hành một cách quy củ và trang nghiêm với những ý nghĩa khác nhau. Thầy Mo trở thành người diễn viên, phải diễn nhiều vai qua mỗi đêm. Khi thì đóng vai con cái, họ hàng nói chuyện, an ủi người mất. Khi lại là người đã khuất nói lời dặn dò những người lại… Cuối cùng là nghi lễ Then của người Tày, nếu như hầu đồng của người Kinh được tổ chức một cách quy mô, bài bản thì hầu đồng trong nghi lễ của người Tày chỉ là một hoạt động bổ trợ, tuy nhiên không thể thiếu được trong Then

4. Kết luận và kiến nghị

     Như vậy, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng dù cùng thực hành nghi lễ hầu đồng, cùng có những điểm tương đồng cơ bản về các khía cạnh: mục đích thực hiện, quan niệm về thế giới và hệ thống thần linh, những người tham gia nghi lễ và cách thức tiến hành, nhưng ở mỗi tộc người lại luôn thể hiện những quan niệm, cách thức thực hiện khác nhau mang bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Chính những khác biệt này đã góp phần tạo nên một nền văn hóa tín ngưỡng rất đa dạng và phong phú trong hệ thống văn hóa Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn phong phú của dân tộc.

     Từ kết quả của việc nghiên cứu sự tương đồng và những biệt sắc trong nghi lễ hầu đồng của một số tộc người ở Việt Nam. Chúng tôi đưa ra một số kiến nghị như sau: Thứ nhất, lập hồ sơ nghiên cứu chuyên đề, toàn diện về các loại nghi lễ hầu đồng của các tộc người ở Việt Nam để bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của các tộc người, ghi nhận bức tranh văn hóa đa dạng của cộng đồng các tộc người ở Việt Nam. Thứ hai, bên cạnh việc quảng bá cho các thực hành văn hóa gắn với nghi lễ hầu đồng của người Việt vốn đã được UNESCO công nhận, cần tăng cường quảng bá cho các di sản tương tự của các tộc người khác. Cuối cùng, Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng các nghi lễ hầu đồng của các tộc người, Nhà nước cần có chính sách quản lý các sinh hoạt tín ngưỡng một cách có hiệu quả, vừa đáp ứng nguyện vọng tâm linh của người dân các tộc người, vừa giữ gìn và phát huy môi trường sinh hoạt tín ngưởng lành mạnh, hướng tới những hiệu quả tích cực đối với các cá nhân, cộng đồng và xã hội (khai thác hiệu quả các giá trị của nghi lễ hầu đồng: chửa bệnh, giải hạn, đem lại niềm tin, hi vọng,…).

__________
1
Hay còn gọi là xôi xanh đỏ – loại xôi có ba màu hoặc năm màu (xanh, đỏ, tím, vàng, đen) được chế biến từ gạo nếp có nhuộm màu từ một số loại cây cỏ.

2 Chính là bánh gạo nếp nổ, hay bánh bỏng.

3 Tên một loại kẹo ở Cao Bằng.

4. Là “túi phép” trưng cho sức mạnh của ông Mo, túi Khót đựng các vật dụng vô cùng quý hiếm , như: răng lợn rừng, răng hổ, răng báo, xương, móng vuốt động vật và một số các loại vật dụng bằng đá, quặng… theo tín ngưỡng của người Mường thì đó là những vật được thần linh ban cho, nếu thầy Mo nào có càng nhiều vật dụng thì sức mạnh càng lớn.

5. Được làm bằng gỗ, dùng để xin đài âm – dương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (2014), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Nhã Nam, Hà Nội.

2. Vương Anh, Bùi Nhị Lê, Phạm Tố Châu, Lê Thành Hiếu (1997), Mo – sử thi và thần thoại dân tộc Mường, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

3. Toan Ánh (2015), Nếp củ – tín ngưỡng Việt Nam quyển Thượng, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

4. Triều Ân (2000), Then Tày – những khúc hát, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

5. Phan Kế Bính (2014), Việt Nam phong tục, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

6. Hoàng Tuấn Cư, Hoàng Hạc, Nguyễn Thanh Huyền (2012), Then Tày, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

7. Nguyễn Từ Chi (1988), Người Mường với văn hóa cổ truyền Mường Bi, ƯBND huyện Tân Lạc – Sở VHTT Hà Sơn Bình.

8. Thiều Chửu (2005), Từ điển Hán – Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

9. Rosemary Ellen Guiley (2004), Từ điển tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt, (Nguyễn Kiên Trường dịch), Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

10. Mai Thanh Hải (2005), Tìm hiểu tín ngưỡng truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

11. Hoàng Quốc Hải (2001), Văn hóa phong tục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

12. Nguyễn Duy Hinh (2007), Một số bài viết về Tôn giáo học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

13. Trương Sĩ Hùng, Cao Xuân Phổ, Huy Thông, Phạm Thị Vinh (2003), Mấy tín ngưỡng tôn giáo Đông Nam Á, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

14. Nguyễn Văn Huyên, Hà Văn Tấn (1996), Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

15. Nguyễn Văn Huyên (2016), Văn minh Việt Nam, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

16. Lã Văn Lô, Hà Văn Thư (1984), Văn hóa Tày – Nùng, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

17. Bùi Tuyết Mai, Vũ Đức Tần (1999), Người Mường ờ Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

18. Phan Ngọc (1998), Bản sắc vãn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

19. Hoàng Anh Nhân (2012), Mo lên Trời – Bài ca đưa hồn người chết về cõi vĩnh hằng, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

20. Phan Đăng Nhật, Vương Anh, Phạm Tố Châu, Bùi Nhị Lê (2013), Sử thi Mường (quyển 1), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

21. Hữu Ngọc (2002), Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội.

22. Bùi Văn Nợi (2012), Mo Mường (tập I), Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

23. Bùi Văn Nợi (2013), Mo Mường (tập 111), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

24. Lục Văn Pảo (1992), Pụt Tày, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

25. Lục Văn Pảo (1996), Bộ then tứ bách, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

26. Lò Giàng Páo (1997), Tìm hiểu văn hóa vùng các dân tộc thiểu số, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

27. Hoàng Quyết, Triều Ân, Hoàng Đức Toàn (2012), Từ điển vãn hóa cổ truyền dân tộc Tày, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

28. Hoàng Huy Quyết (1994), Phong tục tập quán dân tộc Tày ở Tây Bắc, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

29. Quách Thế Tản (2000), Văn hóa Hòa Bình thế kỷ XX, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

30. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

31. Bùi Đình Thảo, Nguyễn Quang Hải (1998), Hát Chầu Văn, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

32. Ngô Đức Thịnh (2009), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

33. Ngô Đức Thịnh, Phạm Quỳnh Phương (2014), Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

34. Ngô Đức Thịnh (Chủ biên) (2004), Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và Châu Á, Kỷ yếu hội thảo, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

35. Ngô Đức Thịnh (2008), Lên đồng hành trình của thần linh và thân phận, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

36. Ngô Đức Thịnh (2012), Tín ngưỡng trong sinh hoạt văn hóa dân gian, Nxb Thời đại, Hà Nội.

37. Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xả hội, Hà Nội.

38. Bùi Thiện (1996), Mo Mường, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

39. Bùi Thiện (2010), Văn hóa dân gian Mường, NxbVăn hóa Dân tộc, Hà Nội.

40. Trần Từ (1996), Người Mường ở Hòa Bình, Nxb Thời đại, Hà Nội.

41. Bùi Huy Vọng (2010), Tang lễ cổ truyền người Mường, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

42. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (2000), Góp phần nâng cao chất lượng sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

43. Viện Nghiên cứu văn hóa (2007), Thông báo văn hóa dân gian 2006, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

44. Nguyễn Thị Yên, Nguyễn Thị Thương Huyền, Nguyễn Thiên Tứ, Nông vĩnh Tuân (2009), Then chúc thọ của người Tày, Nxb Khoa học Xả hội, Hà Nội.

45. Nguyễn Thị Yên, Then Tày, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007.

46. Nguyễn Thị Yên (2009), Tín ngưỡng dân gian Tày – Nùng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

47. Mai Văn Vịnh, Văn hóa tín ngưỡng Tày, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2014.

48. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách Khoa Việt Nam (2003), Từ điển bách khoa Việt Nam tập 2, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

49. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách Khoa Việt Nam (2003), Từ điển bách khoa Việt Nam tập 3, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

50. Nguyễn Thị Yên (2005), Then cấp sắc của người Tày huyện Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng, Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Viện nghiên cứu văn hóa, Hà Nội.

51. Nguyễn Thị Hiền (2000), “Những người diễn xướng Then: nghệ thuật hát dân ca và thầy Shaman”, Tạp chí Văn hóa 5: 74-83.

52. Phan Đăng Nhật (1990), “Những yếu tố nhân văn của Mo lên Trời“, Tạp chí Văn hóa dân gian 4: 41-45.

53. Hà Đình Thành (2000), “Then của người Tày, Nùng với tín ngưỡng văn hóa dân gian“, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật 5: 35-39.

54. Triệu Chí Trung (2002), Khảo cứu về từ “Shaman”, Học báo Đại học Dân tộc Trung ương (Chuyên san Khoa học Xã hội) 3: 33-37.

55. Nguyễn Thị Yên (2004), “Shaman giáo trong Then của người Tày“, Tạp chí Nguồn sáng 1: 3-140.

56. Nguyen Thi Hien, The Religion of The Four Palaces: Mediumship and Therapy in Viet Culture, University Press Oflndiana, USA, 2002.

57. Diana Espừito Santo, Developing the Dead: Mediumship anh Selfhood in Cuban Espiritismo, University Press Of Florida, 2015.

58. Mircea Eliade, 1964. Shamanism archaic techniques of ecstasy, Princeton University Press, USA, 1964.

59. Chang Chu-kun, Chai -shin Yu and R. Guisso, 1988. An introduction to Korean Shamanism/ Shamanism-the spirit world of Korea, Asian Humanities Press, California, 1988.

60. William John Kaspari, The Galilean Pendulum: A New Science Reveals an Unseen World , AuthorHouse Self Publishing, USA, 2013.

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)