Sự tương thích của CHỦ NGHĨA MÁC với cơ tầng văn hóa – xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

MARXISM’S COMPATIBILITY TO THE SOCIO-CULTURAL FUNDAMENTALS OF VIETNAM
DURING THE FIRST HALF OF 20TH CENTURY

PGS.TS NGUYỄN NGỌC DUNG
(Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG-HCM)

     Chủ nghĩa Marx là hệ thống những luận điểm và học thuyết về triết học, kinh tế – chính trị và chủ nghĩa xã hội. Như Lenin – người tiếp tục phát triển chủ nghĩa Marx về sau – đã xác nhận: “Nó [tức chủ nghĩa Marx – NND] là người thừa kế chính đáng của tất cả những cái tốt đẹp nhất mà loài người đã tạo ra hồi thế kỷ XIX, đó là triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp” (V.I Lenin, 1980, tr.50).

     Trong bài viết này, chúng tôi không xem xét chủ nghĩa Marx như một tổng thể những tri thức triết học, kinh tế – chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học; mà chỉ xem chủ nghĩa Marx như một chủ thuyết chính trị – xã hội. Quan niệm này hoàn toàn phù hợp với bản chất của chủ nghĩa Marx. Hơn nữa, cách tiếp cận chủ nghĩa Marx như thế sẽ giúp chúng ta hiểu biết một cách khách quan, khoa học sự tương thích của nó với cơ tầng văn hóa – xã hội, tư tưởng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, như một biểu hiện của giao lưu văn hóa Đông – Tây; đồng thời góp phần giải thích nguyên nhân vì sao chủ nghĩa Marx trở thành một phần của lịch sử Việt Nam trong hơn bảy thập kỷ qua.

     Cách tiếp cận chính trị học lâu nay về sự hiện diện của chủ nghĩa Marx ở Việt Nam thường chỉ nhấn mạnh đến các hoạt động truyền bá chủ thuyết, tổ chức, lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930; hầu như chưa để ý đến cơ tầng văn hóa – xã hội, tư tưởng Việt Nam tương thích như thế nào – về mặt lịch sử – đối với chủ nghĩa Marx và sự tiếp nhận nó. Cách tiếp cận sử học mà chúng tôi trình bày sau đây sẽ bổ khuyết cho góc nhìn chính trị học. Bằng những chứng cứ lịch sử cụ thể, bài viết nhằm lý giải những thuộc tính nào của cơ tầng văn hóa chính trị, xã hội Việt Nam tương thích với bản chất chủ nghĩa Marx, cũng như cuộc gặp gỡ lịch sử giữa chúng.

     Để phục vụ cho mục tiêu trên, chúng tôi sẽ không khảo sát sự chuyển hóa chủ nghĩa Marx về mặt lý luận đơn thuần, mà xem xét những biểu hiện của chủ nghĩa Marx như là những phong trào thực tiễn xã hội, xảy ra trên thế giới (bức tranh khái quát), trong đó có Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (bức tranh cụ thể).

1. Chủ nghĩa Marx châu Âu – những biến thái căn bản

     Chủ nghĩa Marx cổ điển do K. Marx và F. Engels khởi xướng, xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XIX, trong điều kiện xã hội tư bản Tây Âu đang chìm trong những mâu thuẫn xã hội gay gắt, biểu hiện qua “mâu thuẫn giữa tư bản và lao động”. Thực chất, đây là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản quốc tế và giai cấp tư sản quốc tế. Marx đề cao tính quốc tế trong học thuyết của ông; trong khi ở các quốc gia Tây Âu bấy giờ, chủ nghĩa quốc gia – dân tộc cũng đã phát triển hoàn bị. Nhiều nhà Marxist khi ấy ở Tây Âu đã nhận ra rằng, quyền lợi quốc gia mang tính dân tộc và quyền lợi giai cấp mang tính quốc tế không phải là thống nhất. Điều này trở thành một trong những nguyên nhân căn cốt gây nên sự chia rẽ trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ngay từ giai đoạn khởi đầu1.

     Do những hạn chế lịch sử, Marx không thể tiên đoán được sự điều chỉnh sau này của chủ nghĩa tư bản khiến nó không sớm tiêu vong mà, trái lại, tiếp tục phát triển, không gian sinh tồn của nó tiếp tục được mở rộng. Những thế hệ đồ đệ tiếp theo Marx sống trong những điều kiện lịch sử khác ông, họ phải nghĩ khác ông; hơn nữa, họ cũng thừa nhận học thuyết của Marx – giống như mọi học thuyết khoa học khác – là một thứ chưa hoàn hảo, cần phải bổ sung, phát triển. V.I Lenin đã viết: “Chính vì chủ nghĩa Marx không phải là giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế, nên nó không thể không phản ánh sự biến đổi đặc biệt mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội” (V.I Lenin, 1980, tr.103).

     Cho nên, học thuyết Marx như một cái cây có nhiều nhánh, hay như một truyền thống tiến hóa để phù hợp với các “tọa độ” không – thời gian lịch sử mà nó tiếp xúc. Kết quả – như một học giả nhận định khá xác đáng – là đã tồn tại các thứ chủ nghĩa Marx khác nhau như chủ nghĩa Marx Đức, chủ nghĩa Marx Nga – Soviet, chủ nghĩa Marx phương Tây, chủ nghĩa Marx Thế giới thứ ba (Michael Burawoy, 2013, tr. 34-52). Tất nhiên, trong nửa đầu thế kỷ XX thì chưa có khái niệm “thế giới thứ Ba”; vì vậy một khái niệm thay thế nó được đề xuất là “chủ nghĩa Marx châu Á”. Sau đây, chúng tôi làm phép lược khảo một số “phổ hệ” của chủ nghĩa Marx.

     Chủ nghĩa Marx Đức nảy sinh trong điều kiện nước Đức bấy giờ đứng đầu về tốc độ phát triển tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu; mâu thuẫn xã hội gia tăng nhưng nước Đức cần sự ổn định xã hội. Các đại biểu của trào lưu dân chủ xã hội Đức, đại biểu là Eduard Bernstein (1850-1932) đã từ bỏ các tư tưởng bạo lực cách mạng, đề xuất hình thức đấu tranh ôn hòa trong nghị trường tư sản. Quả thật, chủ nghĩa Marx Đức đã bộc lộ xu hướng cải lương trong phong trào dân chủ xã hội Đức trong khoảng thời gian từ 1890-1920; đồng thời phản ánh khả năng của chủ nghĩa tư bản trong việc hấp thu các cuộc khủng hoảng mà nó tạo ra.

     Chủ nghĩa Marx Nga – Sô viết xuất phát từ tình cảnh lưỡng nan của nước Nga Sa hoàng – một nước tư bản chủ nghĩa kém phát triển vào loại bậc nhất châu Âu thời ấy (80% dân số là nông dân) – đang sa lầy nghiêm trọng trong Chiến tranh thế giới lần I. Nước Nga thời Sa hoàng chưa phải là nước công nghiệp hóa. Mọi tiền đề cho một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở đây đều non nớt mà theo quan điểm của Marx thì một cuộc cách mạng như thế chưa thể nổ ra. Marx cho rằng giai cấp vô sản cần nắm giữ hệ thống kinh tế trước khi nắm giữ hệ thống chính trị, tức quyền lực nhà nước. Ông đã từng khẳng định: “Không một chế độ xã hội nào lại diệt vong khi tất cả những lực lượng sản xuất mà chế độ xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn còn chưa phát triển; và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, không bao giờ xuất hiện khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó còn chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ” (K. Marx, 1981, tr. 638).

     Tuy nhiên, V.I Lenin lại thấy rằng, sự phát triển không đều về kinh tế và chính trị là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản (V.I Lenin, 1981, tr. 447). Ông đã căn cứ vào điều kiện lịch sử nước Nga bấy giờ, khẳng định cách mạng vô sản có thể nổ ra ở khâu mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc (V.I Lenin, 1981, tr. 447). Ông đã cùng đồng chí của mình khởi xướng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa bắt đầu từ thượng tầng kiến trúc, nghĩa là trước tiên phải đập nát nhà nước có tính chất tư sản và phong kiến Sa hoàng để thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản, sau đó mới cải tạo toàn bộ hạ tầng kinh tế – xã hội nước Nga theo những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội.

     Sau khi cách mạng thành công, Lenin và đảng Bolsevich liền thực hiện một nước Nga phi thị trường hóa thông qua chính sách “Cộng sản thời chiến”; nhưng sau đó đã phải thay thế bằng “Chính sách kinh tế mới”, thừa nhận kinh tế thị trường. Từ đó Lenin buộc phải xác nhận “… toàn bộ quan điểm của chúng ta [tức đảng Bolsevich] về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi” (V.I. Lê-nin, 1978, tr. 428 ).

     Là người thừa kế di sản của Lenin nhưng Stalin đã không tiếp tục thực hiện Chính sách kinh tế mới, thay vào đó là mô hình kinh tế nhà nước, tập trung, kế hoạch hóa. Về chính trị, Stalin thúc đẩy cuộc đấu tranh giai cấp lên một tầm mức khốc liệt hơn qua việc thủ tiêu tầng lớp culac ở nông thôn Nga và những đối thủ chính trị của ông. Mô hình xã hội chủ nghĩa của Stalin đã ảnh hưởng sâu sắc đến các trào lưu Marxist ở châu Á về sau.

     Chủ nghĩa Marx Tây Âu sau 1918 là sự tiếp tục của các khuynh hướng Marxist ban đầu ở các nước như Anh, Pháp và Đức, Ý kể từ sau Chiến tranh thế giới lần I; đồng thời là sự đối lập căn bản với chủ nghĩa Marx của Liên bang Sô viết, cũng như đối lập với chủ nghĩa phát xít. Những đại biểu như Gyorgy Lukacs, Karl Korsch, Antonio Gramsci (và nhiều người khác nữa) được nuôi dưỡng trong thứ văn hóa tư bản chủ nghĩa hàng trăm năm với đầy đủ các yếu tố đa nguyên, tư hữu, thị trường; họ không quen hoặc không tán thành với tình trạng sở hữu nhà nước, phi thị trường hóa, chế độ chuyên chế, độc đảng, mất dân chủ, tệ sùng bái cá nhân ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp Giooc giơ Mác sê cho biết quan điểm của đảng ông: “… sự bất đồng sâu sắc khiến chúng ta trái ngược với Đảng Cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản khác ở Đông Âu; và liên quan đến chính khái niệm của các đảng ấy và chúng ta về chủ nghĩa xã hội”. Đảng ông đã “yêu cầu các đảng ấy tiến hành những cải cách sâu sắc về kinh tế, xã hội, dân chủ, văn hóa,…” để khắc phục những “khuyết tật” của xã hội chủ nghĩa (Giooc – giơ Mác – se, 1992, tr. 25). Theo Giooc giơ Mác se, “trong nhiều năm, những nhà lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa đã dung thứ, thậm chí làm sắc nét thêm những “dấu vết” ấy của trật tự tư bản chủ nghĩa hay tiền tư bản chủ nghĩa như: những phương pháp độc đoán, tệ quan liêu, đặc quyền đặc lợi, tham nhũng, phóng túng” (Giooc giơ Mác se, 1992, tr. 35). Có lẽ, vì những lý do trên mà các đảng Marxist phương Tây vẫn chấp nhận sự tồn tại lâu dài của chủ nghĩa tư bản và tham dự vào sân chơi chính trị của nó. Phải chăng họ cũng giống như Marx – là hiểu quá rõ vai trò quyết định của kinh tế đối với chính trị, coi đó là điều kiện tất yếu để bắt đầu một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

2. Chủ nghĩa Marx châu Á

     Chủ nghĩa Marx châu Á – theo chúng tôi – nảy sinh từ sự tiếp nhận chủ nghĩa Mác của Nguyễn Ái Quốc và Mao Trạch Đông (và của một số nhân vật khác nữa, nhưng không điển hình), đều liên quan trực tiếp đến vấn đề “dân tộc” và “giai cấp”.

     Bản chất của chủ nghĩa Marx, với tư cách là một học thuyết chính trị – xã hội, là giải phóng giai cấp. Trong bài “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản”, Engels định nghĩa rằng: “Chủ nghĩa cộng sản là học thuyết bàn về những điều kiện giải phóng giai cấp vô sản” (F. Engels, 1980, tr. 441). Tương tự, trong “Tuyên ngôn đảng cộng sản”, Marx và Engels chỉ nhấn mạnh đến quyền lợi giai cấp vô sản và sự nghiệp giải phóng giai cấp, không đặt ra vấn đề dân tộc và quyền lợi dân tộc; nói đúng hơn là “… đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản” (K.Marx, F. Engels, 1980, tr. 557; 565). Có lẽ chính nguyên lý này đã gây nên sự chia rẽ ghê gớm trong Quốc tế II, khi các nhóm Marxist châu Âu (lục địa của các đế quốc) phải đối mặt với những vấn đề như tăng cường quân bị, tham dự chiến tranh đế quốc, vấn đề thuộc địa,…, tức là những vấn đề dân tộc hoặc quyền lợi dân tộc của họ.

     Tình hình châu Á thì hoàn toàn khác – vì nó không phải là châu lục của các đế quốc, mà là châu lục của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Vấn đề dân tộc ở đây cấp thiết hơn vấn đề giai cấp. Cho nên, xét về mặt lịch sử, chúng tôi cho rằng: tiến trình tiếp nhận chủ nghĩa Marx của Nguyễn Ái Quốc thực chất là tiến trình chuyển hóa chủ nghĩa Marx từ giải phóng giai cấp sang giải phóng dân tộc.

     Khi Nguyễn Ái Quốc đọc luận cương của Lenin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa (thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa), ông đã tìm thấy luận điểm cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc nằm trong phạm trù của cách mạng vô sản, từ đó tin theo Lenin, tin theo Quốc tế III (Hồ Chí Minh 1993, tr.83). Sở dĩ Nguyễn Ái Quốc tán thành Quốc tế III, là bởi tổ chức này ủng hộ những vấn đề cách mạng ở thuộc địa. Ông tuyên bố: “Quốc tế Ba rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa… tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn.” (Hồ Chí Minh 1993, tr.94).

     Trong số nhiều nhà Marxist Việt Nam thời ấy, có lẽ chỉ Nguyễn Ái Quốc là người thấu hiểu vai trò của chủ nghĩa dân tộc (thực chất là vấn đề dân tộc) trong cách mạng giải phóng thuộc địa. Trong “Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ”, ông đề nghị phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế cộng sản: “Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ”…; “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước.” (Hồ Chí Minh, 2000, tr. 466-467) Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam chính là để giải quyết vấn đề dân tộc, sau mới là vấn đề dân chủ.

     Còn đối với Mao Trạch Đông, con đường tiếp nhận chủ nghĩa Marx khác hơn rất nhiều, do tư tưởng sô-vanh dân tộc của Mao. Trung Quốc bấy giờ không phải là thuộc địa, nhưng phụ thuộc nặng nề vào chủ nghĩa đế quốc phương Tây; trong giai đoạn 1931 – 1945 lại bị Nhật Bản xâm lược. Vấn đề dân tộc tất nhiên phải trở thành mục tiêu quan trọng hàng đầu của cách mạng nước này để phục hồi một “đại Trung Hoa” đã bị lịch sử lãng quên. Vì thế Mao muốn một thứ “chủ nghĩa Marx dân tộc”, tức “chủ nghĩa Marx Trung Quốc” cho đất nước ông.

     Những sự kiện lịch sử cho thấy, thời kỳ Diên An (1941 – 1945) được xem là thời gian hoàn thiện tư tưởng của ông về “Trung Quốc hóa chủ nghĩa Marx” (Mao – tấn thảm kịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc, 1984, tr. 224). Đến đại hội VII (1945) của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tư tưởng Mao Trạch Đông chính thức được thừa nhận là hệ ý thức lãnh đạo của đảng này2. Bản thân Mao đã tuyên bố thẳng thắn rằng “học thuyết Mác – Lênin không thể ứng dụng vào các điều kiện của Trung Quốc vì Trung Quốc có những đặc thù của mình” (Ovola Dimirop, V. Riadanxep, 1979, tr. 39). Với lập trường trên, Mao Trạch Đông thực sự xem mình là người đã thay đổi chủ nghĩa Marx “từ hình thức châu Âu sang hình thức châu Á”. 

     Theo chúng tôi, sự Mao hóa chủ nghĩa Marx tựu trung ở mấy điểm sau đây: (1) – Xem chủ nghĩa Marx chỉ là phương tiện để “phục hưng dân tộc”, biến tính quốc tế của chủ nghĩa Marx thành tính dân tộc cực đoan, hẹp hòi; thay chủ nghĩa Marx bằng tư tưởng Mao, (Điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua tại Đại hội VII xác nhận đảng này tuân thủ tư tưởng Mao trong toàn bộ hoạt động của mình); (2) – Biến đảng công nhân trong chủ nghĩa Marx thành đảng tiểu tư sản, bè phái, quan liêu lãnh đạo cách mạng (hầu hết đội ngũ cốt cán của đảng là thành phần trí thức tiểu tư sản); (3) – Đưa giai cấp nông dân thành động lực chính của cách mạng, thay thế vai trò, “sứ mệnh lịch sử” của giai cấp công nhân (trong Báo cáo về cuộc khảo sát phong trào nông dân tỉnh Hồ Nam, Mao đã khẳng định “sứ mệnh lịch sử của nông dân”, phát triển những quan điểm về tính chất thuần túy nông dân của cách mạng Trung Quốc (Ovola Dimirop, V. Riadanxep, 1979, tr. 49). Mô hình “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” giai đoạn 1950 – 1978 đã chứng minh những sự thật lịch sử trên.

     So với chủ nghĩa Marx châu Á của Mao Trạch Đông, chúng tôi cho rằng chủ nghĩa Marx châu Á của Nguyễn Ái Quốc khách quan và khoa học hơn, nói ngắn gọn là “Marxism” hơn.

3. Cơ tầng kinh tế – xã hội, tư tưởng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và những đòi hỏi lịch sử

     Xã hội Việt Nam trải qua nhiều thế kỷ, thuộc phạm trù phong kiến phương Đông. Đó là xã hội nông dân với nền kinh tế nông nghiệp (tiểu nông) căn bản mang tính phi thị trường hóa và một nhà nước quân chủ chuyên chế cao độ, đính kèm một truyền thống văn hóa chính trị độc đoán. Làng hay công xã nông thôn vốn tồn tại lâu dài và chậm biến đổi, luôn đóng vai trò là cơ sở kinh tế – xã hội nền tảng. Làng được xem là “tế bào sống” của xã hội Việt, là “sản phẩm tự nhiên tiết ra từ quá trình định cư và cộng cư của người Việt trồng trọt.” (Trần Từ, 1975, tr. 35).

     Đặc điểm quan trọng nhất của làng xã Việt trong nhiều thế kỷ gần đây là sự tồn tại xen lẫn chế độ tư điền với công điền. Xu hướng ruộng tư càng về sau càng lấn át ruộng công; tình trạng này được phản ánh qua địa bạ triều Nguyễn. Quan hệ ruộng đất bao giờ cũng phản ánh trung thực mâu thuẫn khốc liệt giữa nông dân với phong kiến, địa chủ; là lý do giải thích vì sao thời kỳ này bùng nổ liên tục những cuộc khởi nghĩa nông dân. Nông dân là cội nguồn của mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội.

     Trong quan hệ ‘làng – nước”, “làng” là hình ảnh thu nhỏ của “nước”; là một tổ chức tự trị có nhân cách pháp lý, do một hội đồng kỳ mục đứng đầu, Trong hội đồng kỳ mục có ban chức dịch (lý trưởng, lý phó, tuần phiên) được dân bầu và được nhà nước thừa nhận. Ngay thời kỳ Pháp thuộc, quyền cai trị làng xã căn bản vẫn do hội đồng kỳ mục đảm nhiệm. Đình làng là trung tâm văn hóa, chính trị của làng xã, nơi thể hiện tinh thần và nếp sống cộng đồng rõ nét nhất của người Việt. Về mặt hình thức, cách nghĩ, cách sống của người Việt trước thời Pháp thuộc có vẻ chỉ là sự trộn lẫn các tư tưởng, phong cách sinh hoạt của Tam giáo (Nho, Phật, Lão) và tín ngưỡng dân gian.

     Sự giản dị và cũ kỹ trong cơ tầng kinh tế – xã hội này đã bị phá vỡ từng mảng khi thực dân Pháp áp đặt chế độ cai trị vào Việt Nam. Giai cấp nông dân bị phân hóa mạnh, phần đông bị bần cùng hóa do sự bóc lột và cướp đoạt ruộng đất của thực dân và địa chủ. Giai cấp tư sản và công nhân hình thành cùng với sự xâm nhập của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhìn chung, còn yếu ớt. Nền kinh tế căn bản dựa trên sản xuất nông nghiệp bị phá vỡ, do xuất hiện một số ngành công nghiệp chế biến, sửa chữa, khai mỏ; trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu và thị trường tiêu thụ cho nền kinh tế chính quốc. Trong khi thiết lập chế độ thực dân và thi hành các chính sách thuộc địa, người Pháp vẫn bảo lưu những quan hệ phong kiến có lợi cho họ3. Chế độ thực dân Pháp trở thành kẻ ăn bám vào các quan hệ kinh tế – xã hội phong kiến bản xứ.

     Trong tình hình ấy, các mâu thuẫn xã hội cũ vẫn tồn tại, nhiều mâu thuẫn xã hội mới xuất hiện. Tất nhiên ở Việt Nam, mâu thuẫn giữa nông dân và phong kiến vẫn mang tính đối kháng quyết liệt, hơn hẳn thứ mâu thuẫn nông nô – địa chủ ở phương Tây. Mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân non trẻ Việt Nam với chủ nghĩa tư bản Pháp dù mang tính đối kháng, nhưng chưa phải là trung tâm của mọi mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa tư sản dân tộc với chế độ thực dân thường mang tính hai mặt. Vì thế, bao trùm trên hết vẫn là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với chế độ thực dân Pháp. Chỉ có điều, đó không còn thuần túy là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa phong kiến bản xứ với chủ nghĩa thực dân, mà trở thành mâu thuẫn chủ yếu giữa thuộc địa với đế quốc.

     Từ đầu thế kỷ XX, cùng với sự du nhập vào Việt Nam các trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản, chính chế độ thực dân Pháp cũng góp phần làm nảy sinh những tư tưởng và khuynh hướng chính trị mới trong tầng lớp sĩ phu, trí thức, tư sản người Việt; vì nó đã đào tạo ra một lớp thanh niên “Tây học” mang tinh thần dân chủ, cấp tiến. Người Việt giờ đây chống Pháp không phải nhằm khôi phục lại chế độ phong kiến đơn thuần, mà nhằm đưa đất nước tiến tới chế độ dân chủ tư sản. Theo Trần Văn Giàu, “phong trào cách mạng dân tộc giải phóng những năm đầu thế kỷ XX… có thể được chia ra làm hai giai đoạn: giai đoạn Duy tân hội và giai đoạn Quang phục hội. Ở giai đoạn Duy tân hội thì tư tưởng quân chủ, quân chủ lập hiến là chính; ở giai đoạn Quang phục hội thì tư tưởng cộng hòa, cộng hòa dân chủ là chính.” (Trần Văn Giàu, 1993, tr.111).

     Mâu thuẫn trong phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam thời kỳ này chủ yếu phản ánh qua cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng bạo động của Phan Bội Châu và khuynh hướng cải lương của Phan Châu Trinh. Tuy nhiên, trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, bạo lực luôn là phương thức được lựa chọn; song không vì thế mà loại trừ tuyệt đối được tư tưởng cải lương. Chính thứ chủ nghĩa cải lương của Bùi Quang Chiêu với đảng Lập hiến ở Nam Kỳ, chủ nghĩa bạo động của Việt Nam Quốc dân đảng với Nguyễn Thái Học là hiện thân của sự phân hóa về chính trị và tư tưởng trong xã hội Việt Nam vào những năm thập niên 1920 (Trần Văn Giàu, 1993, tr. 526-539). Nhưng dù có khác nhau thế nào, thì những khuynh hướng chính trị, tư tưởng ấy vẫn thuộc phạm trù tâm lý và tư tưởng nông dân, hệ quy chiếu nông dân (lợi trước mắt, thiếu tầm nhìn dài hạn và tổng thể, thiếu hệ thống lý luận). Trạng thái tâm lý – tư tưởng này cũng sẽ liên quan rất nhiều đến các khuynh hướng bạo lực hay cải lương, quốc tế hay dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc về sau.

     Từ năm 1930 trở đi, khuynh hướng dân chủ tư sản phải nhường bước cho một khuynh hướng chính trị mới trong phong trào giải phóng dân tộc: khuynh hướng vô sản; và khuynh hướng này bắt đầu gánh vác sứ mệnh lịch sử của mình. Khởi nguồn của khuynh hướng vô sản là chủ nghĩa yêu nước, tức một biểu hiện súc tích của chủ nghĩa dân tộc. Do quá trình truyền bá chủ nghĩa Marx vào xã hội Việt Nam của một bộ phận chủ yếu là sinh viên, trí thức tiểu tư sản (Trịnh Đình Cửu, Châu Văn Liêm, Nguyễn Khoa Văn,…), trong các năm 1929 – 1930 đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản; sau đó được hợp nhất lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Và chỉ 15 năm sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám dân chủ nhân dân, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Nhưng cũng xin nhắc lại rằng, khuynh hướng vô sản này nhìn chủ nghĩa Marx từ tâm lý và tư tưởng dân tộc, chứ không phải từ chính nhãn quan của Marx. Vì với Marx, người “công nhân không có Tổ quốc”; Marx đã đấu tranh quyết liệt với cương lĩnh Gotha chỉ vì cương lĩnh này coi cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân trước tiên nằm trong khuôn khổ quốc gia – dân tộc4.

     Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám chứng minh hùng hồn rằng: đối với cách mạng Việt Nam, tính dân tộc đứng trên tính giai cấp (càng ở những giai đoạn sau, chân lý này càng rõ). Tuy vậy, vào lúc khải hoàn của khuynh hướng vô sản thì những khuynh hướng chính trị đối lập khác (đảng phái phản động Việt Quốc, Việt Cách) vẫn hiện diện tranh đấu với nó như để khẳng định sự phân hóa tự nhiên trong dòng chảy của lịch sử tư tưởng Việt Nam.

4. Sự tương thích của chủ nghĩa Marx với cơ tầng văn hóa – xã hội truyền thống Việt Nam

     Chúng tôi cho rằng, thắng lợi của khuynh hướng vô sản trong cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không chỉ do sự đúng đắn về đường lối chiến lược, sự lão luyện về tổ chức, đấu tranh tuyên truyền giác ngộ quần chúng của Đảng Cộng sản Việt Nam; mà còn là sự tương thích giữa chủ nghĩa Marx châu Á đối với điều kiện kinh tế – xã hội, văn hóa – tư tưởng Việt Nam lúc bấy giờ.

     Nếu không có sự tương thích với một cơ tầng văn hóa – xã hội nhất định, chủ nghĩa Marx rất khó được tiếp nhận. Chẳng hạn đối với xã hội Islam vùng Tây Á, như các nước Ả rập chẳng hạn – một xã hội sùng kính đạo Hồi (Islam) – thì chủ nghĩa Marx được xem như một sản phẩm thuần túy phương Tây, đối lập với họ. Từ lập trường “Chủ nghĩa phương Đông Đáng kính” (Orientalism in Reverse), họ thấy Đông và Tây là hai cực đối lập, hệ tư tưởng phương Tây (trong đó có chủ nghĩa Marx) là đối lập với các dân tộc phương Đông. Những chuẩn mực phương Tây như dân chủ, chủ nghĩa thế tục, nữ quyền là không phù hợp với xã hội đạo Hồi; văn hóa đạo Hồi mới là nhân tố hàng đầu làm thay đổi xã hội các nước Hồi giáo, hơn là các động lực kinh tế, xã hội hay giai cấp. Những phong trào chính trị Hồi giáo không mang tính phản động, thoái hóa, mà còn tiến bộ hơn và chính là kết quả của sự thống trị văn hóa của phương Tây,…(Gilbert Achcar, 2013, tr. 167).

     Ngay như một số nước Đông Nam Á có tương đồng ít nhiều với văn hóa – lịch sử Việt Nam, việc tiếp nhận chủ nghĩa Marx cũng không hề đơn giản. Trường hợp Indonesia, một quốc gia Hồi giáo, sớm du nhập chủ nghĩa Marx. Đảng Cộng sản Indonesia (tên gọi ban đầu là Perserikatan Komunis di Hindia) được thành lập vào năm 1920 (còn trước cả Đảng Cộng sản Trung Quốc, 1921); tuy vậy, đến năm 1927 đã bị tan rã (từ năm 1945 xuất hiện trở lại). Vốn là một thành viên của Perserikatan Komunis di Hindia, Sukarno là người chịu ảnh hưởng chủ nghĩa Marx, nhưng ông chỉ xem nó như một bộ phận thứ yếu của hệ tư tưởng Islam và chủ nghĩa dân tộc của Indonesia. Sau biến cố năm 1926 – 1927, Sukarno đứng ra thành lập đảng mới – Đảng Quốc dân; đảng này chỉ đặt mục tiêu độc lập dân tộc, không đặt mục tiêu đấu tranh giai cấp (Huỳnh Văn Tòng, 1998, tr. 94).

     Tình hình tiếp nhận chủ nghĩa Marx ở Myanmar – một đất nước xem đạo Phật là quốc giáo – cũng tương tự như ở Indonesia. Đảng Cộng sản Myanmar được thành lập vào năm 1939, nhưng đóng vai trò khá mờ nhạt trong phong trào giải phóng dân tộc.

     Nhưng ở Việt Nam, tình hình rất khác, do chủ nghĩa Marx đã được “bản địa hóa”. Vấn đề giải phóng giai cấp, giải phóng con người trong chủ nghĩa Marx được chuyển hóa thành giải phóng dân tộc và giải phóng nông dân (giai cấp chiếm khoảng 90% dân số Việt Nam lúc bấy giờ). Với hai khẩu hiệu chiến lược “độc lập dân tộc’ và “người cày có ruộng”, Đảng Cộng sản đã thổi bùng ngọn lửa khát vọng dân chủ trong một xã hội chủ yếu nông dân – nơi chủ nghĩa thế tục (secularism) rất gần với chủ nghĩa duy vật mác xít. Vì xã hội Việt Nam không chịu vòng cương tỏa của tôn giáo như nhiều nước khác trong khu vực. Đây là điều kiện quan trọng, đảm bảo một môi trường tiếp nhận chủ nghĩa Marx thuận lợi.

     Tuy nhiên, những sự thật trên chỉ là những yếu tố bề mặt, còn những yếu tố khác thì chìm sâu trong văn hóa – lịch sử Việt Nam; như tính cộng đồng làng xã, truyền thống công hữu, lối sinh hoạt tập thể, truyền thống gia trưởng (những đặc trưng mà Marx đã đề cập trong khái niệm Phương thức sản xuất châu Á). Những yếu tố này không thuộc phạm trù xã hội cộng sản khoa học, nhưng trong điều kiện công hữu hóa do nhà nước vô sản thực hiện, chúng sẽ được tiếp nhận, cải biến để phù hợp với xã hội mới.

     Phương thức bạo lực cách mạng của chủ nghĩa Marx cũng phù hợp với truyền thống quật khởi chống xâm lăng của dân tộc. Điều này giải thích vì sao những tư tưởng cải lương ít có chỗ đứng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Sở dĩ dân tộc Việt Nam có truyền thống lựa chọn con đường bạo lực cách mạng, vì lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước cho thấy: chỉ có khởi nghĩa vũ trang mới giành được độc lập dân tộc, tránh được sự thôn tính hay đồng hóa của kẻ thù. Nhờ thế mà dân tộc Việt Nam giữ gìn được bản sắc văn hóa, ngôn ngữ riêng.

     Chủ nghĩa Marx được tiếp nhận và thành công ở Việt Nam trong bối cảnh khuynh hướng dân chủ tư sản trong phong trào giải phóng dân tộc nửa đầu thế kỷ XX đã thất bại, giai cấp tư sản Việt Nam đã bất lực trước nhiệm vụ lịch sử. Hàng ngũ của họ bị phân hóa, một bộ phận thỏa hiệp với đế quốc, một bộ phận khác ưu tú thì chuyển sang lập trường chủ nghĩa Marx, hòa nhập vào khuynh hướng vô sản. Sự chuyển biến tiến bộ và vượt bậc này – theo Trần Văn Giàu – có thể so sánh với sự chuyển biến cũng vượt bậc và tiến bộ của các sĩ phu yêu nước hồi đầu thế kỷ, từ hệ tư tưởng Nho giáo sang chủ nghĩa dân chủ tư sản (Trần Văn Giàu, 1993, tr. 593).

5. Kết luận

     Từ khi ra đời, chủ nghĩa Marx đã trải qua nhiều cải biến để phù hợp với từng phong trào cách mạng ở mỗi nước, mỗi khu vực. Bắt đầu từ chủ nghĩa Marx cổ điển, các trào lưu mác xit trên thế giới đã tiếp nhận chủ nghĩa Marx, tùy thuộc vào điều kiện lịch sử và mục tiêu cách mạng của họ. Từ đó xuất hiện nhiều phân nhánh mác xít.

     Chủ nghĩa Marx ở Việt Nam đã được “bản địa hóa” để phù hợp với điều kiện lịch sử và mục tiêu giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX. Đây là một sự vận dụng sáng tạo và thành công chủ nghĩa Marx ở một xứ thuộc địa. Sự thành công này, tất nhiên, bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, thời cơ của Chiến tranh thế giới II mang đến,… Nhưng khi nhìn từ chiều sâu lịch sử, chúng ta không thể không nhận ra sự tương thích giữa chủ nghĩa Marx với cơ tầng kinh tế – xã hội, tư tưởng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Học thuyết mác xít đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cho nên sau này, khi đã giải quyết xong vấn đề dân tộc, thì chủ thuyết phát triển của Việt Nam là “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Điều này như một logic lịch sử.

     Còn đối với nhiều nước khác cùng thời điểm trong khu vực Đông Nam Á, như Indonesia (đạo Hồi), Malaysia (đạo Hồi), Myanmar (đạo Phật), mặc dù sứ mệnh chủ nghĩa Marx ở đây cũng nhằm giải quyết những vấn đề của cách mạng thuộc địa; song, chủ nghĩa Marx đã thất bại do trào lưu dân chủ vô sản ở đây thất bại trước trào lưu dân tộc tư sản. Vấn đề tiếp tục đặt ra là: sự non yếu của trào lưu dân chủ vô sản ở những nước này có liên quan đến sự tương thích của chủ nghĩa Marx với những xã hội tôn giáo của họ hay không? Có phải chủ nghĩa Marx chỉ tương thích với những xã hội thế tục? Đây là những câu hỏi lớn, cần nhiều công phu nghiên cứu.

________
1 Chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng cải lương là nguyên nhân gây chia rẽ Quốc tế II. Như trường hợp những nhà xã hội chủ nghĩa Anh ủng hộ việc tăng cường quân bị để bảo vệ nước Anh, hỗ trợ việc nô dịch Ấn Độ và các xứ thuộc địa của Anh. Lenin đã phản ánh tình trạng này trong bài báo “Đại hội Đảng Xã hội chủ nghĩa Anh” năm 1913; V.I Lenin, Toàn tập, tập 23, NXB Tiến Bộ, Matxcơva 1980, tr 200-202.

2 Ovola Dimirop, V. Riadanxep (1979). Những trang tiểu sử chính trị của Mao Trạch Đông. Tài liệu tham khảo nội bộ, tr. 40. Xem thêm: Trung Quốc, tình hình cơ bản. Tạp chí Thông tin lý luận, Nhà in Bộ Tổng tham mưu, lưu hành nội bộ, tr.264-265.

3 Thực dân Pháp chia Việt Nam thành ba kỳ với các chế độ bảo hộ khác nhau, thông qua việc duy trì các yếu tố phong kiến đậm, nhạt khác nhau.

4  K.Marx, F. Engels, Tuyên ngôn Đảng cộng sản; Tuyển tập Mác – Anghen, tập I, Sự Thật, HN, 1980, tr. 565; xem thêm: Các Mác phê phán cương lĩnh Gotha, Tuyển tập Mác – Anghen, tập IV, Sự Thật, HN, 1983, tr. 483.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. V.I Lenin (1913). Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác; Lenin, Toàn tập, tập 23. NXB Tiến Bộ Matxcơva, 1980, tr.50; tiếng Việt.

2. V.I Lenin (1910). Về một số đặc điểm trong sự phát triển lịch sử của chủ nghĩa Mác; Lenin, Toàn tập, tập 20. NXB Tiến Bộ, Matxcơva, 1980, tr. 103.

3. Michael Burawoy, Marxism after Polanyi, in Michelle Williams and Vishwas Satgar, Marxisms in the 21st. Century, Johannesburg, South Africa, Wits University Press, 2013, p. 34-52.

4. K. Marx (1981). Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị; Tuyển tập Mác – Anghen, tập 2, Hà Nội: Sự Thật.

5. V.I Lenin (1981). Toàn tập, tập 26. NXB Tiến Bộ, Matxcơva.

6. V.I. Lê-nin (1978). Toàn tập, tập 45. NXB Tiến Bộ, Matxcơva. 1978, tiếng Việt.

7. Giooc giơ Mác se (1992). Dân chủ. Hà Nội: Sự Thật.

8. F. Engels (1980). Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản. Tuyển tập Mác – Anghen, tập 1. Hà Nội: Sự Thật.

9. K.Marx, F. Engels (1980). Tuyên ngôn Đảng cộng sản; Tuyển tập Mác – Anghen, tập 1. Hà Nội: Sự Thật.

10. Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử (1993). Tập 1, Hà Nội: CTQG.

11. Hồ Chí Minh (2000). Toàn tập, t.1, Hà Nội: CTQG.

12. Mao – tấn thảm kịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (1984), tập 2. Hà Nội: Thông tin lý luận.

13. Ovola Dimirop, V. Riadanxep (1979). Những trang tiểu sử chính trị của Mao Trạch Đông. Tài liệu tham khảo nội bộ, tr. 40.

14. Trung Quốc, tình hình cơ bản. Tạp chí Thông tin lý luận, Nhà in Bộ Tổng tham mưu, lưu hành nội bộ, tr. 264-265.

15. Trần Từ (1975). Tìm hiểu làng Việt cổ truyền. Làng xã Hương Sơn. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 165, tr. 35.

16. Trần Văn Giàu (1993). Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám, tập II; Hệ ý thức tư sản và sự bất lực của nó trước các nhiệm vụ lịch sử. NXB TP HCM.

17. K.Marx, F. Engels (1983). Tuyên ngôn Đảng cộng sản; Tuyển tập Mác – Anghen, tập I, Hà Nội: Sự Thật.

18. Các Mác phê phán cương lĩnh Gotha (1983). Tuyển tập Mác – Anghen, tập IV. Hà Nội: Sự Thật.

19. Gilbert Achcar (2013). Marxism, Orientalism, Cosmopolitanism. Haymarket Books.

20. Huỳnh Văn Tòng (1998). Lịch sử các quốc gia Đông Nam Á (từ thế kỷ XIX đến thập niên 90). TP HCM: Trẻ.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề
Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay,
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ  trang 1223 đến trang 1233)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)