Sự tích hợp các yếu tố tín ngưỡng qua NGHI LỄ TANG MA của NGƯỜI TÀY ở Đắk Lắk

Tác giả bài viết: LÀI THỊ VÂN
(Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Nghi lễ tang ma của người Tày chứa đựng những giá trị văn hóa tộc người được hình thành từ lâu đời, là nhân tố quan trọng cấu thành nên văn hóa tinh thần, phản ánh những giá trị đạo đức, nhân sinh quan, thế giới quan. Người Tày lưu giữ truyền thống văn hóa tộc người khá sâu sắc khi di cư vào Đắk Lắk, tuy nhiên, trong quá trình cộng cư ở vùng đất mới, nhiều yếu tố văn hóa đã biến đổi bởi sự giao thoa, hội nhập văn hóa giữa các tộc người. Bài viết nghiên cứu sự tích hợp giữa các yếu tố tín ngưỡng và thích ứng biến đổi văn hóa trong nghi lễ tang ma của người Tày ở tỉnh Đắk Lắk, qua đó thấy rõ thế giới quan, quan niệm về cuộc sống sau khi chết của người Tày.

Từ khóa: Nghi lễ tang ma, thích ứng và biến đổi văn hóa, người Tày, tỉnh Đắk Lắk.

Phân loại ngành: Văn hóa.

ABSTRACT

     The funeral rites of the Tày people contain ethnic cultural values that have been formed for a long time, which are an important factor constituting spiritual culture and reflect moral values, human outlook about the world. The Tày people in Đắk Lắk province keep their ethnic cultural traditions quite deeply, which is the result of the process of cultural interference and integration between the ethnic groups in the new land. The article researches the integration between beliefs factors and cultural change adaptation in the funeral rites of the Tày people in Đắk Lắk province, thereby clearly seeing the world view and concept of life after the death of the Tày people.

Keywords: Funeral rites, adaptation and cultural changes, Tày people, Đắk Lắkprovince.

Subject classification: Culture.

x
x x

1. Mở đầu

Nghi lễ tang ma bao hàm những giá trị văn hóa, là môi trường bền vững trong bảo lưu vốn văn hóa truyền thống, phản ánh đời sống tâm linh, thế giới quan, nhân sinh quan đa dạng, phong phú của tộc người Tày. Cũng như một số tộc người khác, tang ma thể hiện ý niệm, niềm tin, quan điểm nhận thức của người Tày về sự sống và cái chết. Đối với người Tày, cái chết là sự khởi đầu của một cuộc sống mới ở thế giới tổ tiên thông qua hệ thống các nghi lễ; các quy trình thực hành nghi lễ tang ma nhằm mục đích tiễn đưa linh hồn người chết về thế giới tổ tiên để tiếp tục một cuộc sống mới ở cõi vĩnh hằng. Để thực hiện thành công việc chuyển đổi linh hồn người chết về thế giới tổ tiên, các lễ thức trong nghi lễ tang ma Tày cần được tiến hành thận trọng, chu đáo dưới sự điều hành của chủ lễ là thầy Tào theo tuần tự quy trình các nghi lễ chính, phụ được thực hiện lồng ghép, đan xen.

     Người Tày là một trong những dân tộc thiểu số ở Việt Nam, phân bố ở hầu khắp các tỉnhmiền núi phía Bắc. Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (Tổng cục Thống kê, 2020), người Tày có dân số 1.845.492 người, cư trú chủ yếu ở trung du và miền núi phía Bắc (với 1.565.659 người); tại Tây Nguyên, người Tày có 113.089 người. Tại tỉnh Đắk Lắk, người Tày có 53.124 người, cư trú chủ yếu ở vùng nông thôn (với 50.387 người), sinh sống tập trung ở một số xã thuộc các huyện Krông Năng, Ea H’Leo, Krông Ana, Cư M’Gar, Cư Kuin, Krông Pắc, Buôn Đôn. Trên cơ sở các nguồn tư liệu đã được công bố và thông tin thu thập từ phương pháp phỏng vấn sâu, phỏng vấn hồi cố khi điền dã tại tỉnh Đắk Lắk, bài viết trình bày nghi lễ chuyển đổi cho người chết sang thế giới tổ tiên, sự tích hợp giữa các yếu tố tín ngưỡng và vấn đề thích ứng, biến đổi văn hóa trong nghi lễ tang ma của người Tày ở Đắk Lắk.

     Các nghiên cứu về tang ma dưới góc độ nghi lễ chuyển đổi ở Việt Nam có thể kể đến một số công trình của các tác giả như: Tang ma của người Thái: Quy trình nghi lễ để tạo cuộc sống mới cho người chết (trường hợp người Thái Phù Yên, Sơn La (Lò Xuân Dừa, 2016), công trình miêu tả sinh động quy trình các bước chuẩn bịvà tổ chức thực hành các nghi lễ trong tang ma, tạo cuộc sống mới cho người chết; cung cấp thêm nguồn tư liệu về vũ trụ quan, quan niệm về cái chết của người Thái, các quy tắc ứng xử trong gia đình, cộng đồng, xã hội trong văn hoá của người Thái; nhận diện rõ hơn về tang ma Thái truyền thống trong đời sống hiện nay. Công trình Nghi lễ chuyển đổi của người Hoa Triều Châu ở Nam Bộ (Nguyễn Công Hoan, 2011) là một trong số ít công trình nghiên cứu về nghi lễ chuyển đổi của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam. Tiếp cận lý thuyết nghi lễ chuyển đổi của Arnold Van Gennep, Nguyễn Công Hoan nhận diện các giai đoạn: trước ngưỡng, trong ngưỡng, sau ngưỡng của hai nghi lễ quan trọng nhất trong một đời người là lễ cưới và lễ tang; phân tích vai trò, vị thế xã hội, nghĩa vụ, trách nhiệm của những cá nhân thụ lễ và những người có liên quan trong nghi lễ chuyển đổi. Nghi lễ chuyển đổi của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay (Trần Hạnh Minh Phương, 2013) là công trình đề cập đến nghi lễ đánh dấu những bước ngoặt quan trọng của đời người liên quan đến các giai đoạn: sinh ra, trưởng thành, kết hôn, lên lão và mất đi. Tác giả mô tả tiến trình diễn ra các nghi lễcủa cá nhân theo hướng tiếp cận cấu trúc của Arnold Van Gennep: trước ngưỡng, trong ngưỡng và sau ngưỡng các nghi lễ theo trình tự của vòng đời người Hoa Quảng Đông bao gồm: lễ đầy tháng, lễ khai học, lễ cưới, lễ mừng thọ và lễ tang. Vũ Thị Uyên với công trình Nghi lễ vòng đời của người Dao Quần Chẹt ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội (Vũ Thị Uyên, 2017) cũng tiếp cận theo lý thuyết nghi lễ chuyển đổi của Arnold Van Gennep. Trên cơ sở của lý thuyết nghi lễ chuyển đổi, Vũ Thị Uyên xem xét các nghi lễ vòng đời của người Dao Quần Chẹt, xác định đâu là nghi lễ chuyển đổi, sự chuyển đổi đó diễn ra như thế nào, có ý nghĩa gì đối với cá nhân và cộng đồng người Dao Quần Chẹt, từ đó xác định nghi lễ vòng đời người Dao Quần Chẹt mang tính chuyển đổi sâu sắc tương ứng với lý thuyết chuyển đổi của Arnold Van Gennep.

     Công trình Nghi lễ gia đình củangười Thái nhìn từ lý thuyết nghi lễ chuyển tiếp của Lê Hải Đăng phân tích những đặc trưng văn hoá của người Thái qua các ứng xử và thực hành nghi lễ gia đình (Lê Hải Đăng, 2016). Dựa vào lý thuyết nghi lễ chuyển tiếp, tác giả phân tích nghi lễ chuyển tiếp trong tang ma Thái thể hiện rõ các giai đoạn chuyển tiếp (còn gọi là giai đoạn ngưỡng): tiền ngưỡng, ngưỡng, hậu ngưỡng (tái hợp). Nghi lễ tang ma của người Thái thể hiện rõ sự chuyển tiếp địa vị của người chết thành ma nhà hay ma tổ tiên, quy trình thực hành nghi lễ tang ma Thái nhằm chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho cuộc hành trình dài trở về thế giới tổ tiên của người chết.

    Hầu hết các công trình nghiên cứu kể trên đã dựa vào lý thuyết nghi lễ chuyển đổi để xem xét tang lễ và các nghi lễ vòng đời của từng tộc người dưới góc độ nghi lễ chuyển đổi; đây là những cách tiếp cận giúp tác giả có góc nhìn đa chiều khi tiếp cận, vận dụng nghiên cứu nghi lễ chuyển đổi người chết sang thế giới tổ tiên trong tang ma của người Tày ở Đắk Lắk.

2. Lý thuyết và cách tiếp cận

     Nghi lễ chuyển đổi: Arnold Van Gennep -nhà nhân học Bỉ cho rằng, nghi lễ chuyển đổi là nghi lễ đánh dấu sự chuyển đổi của cá nhân trong suốt vòng đời, từ tình trạng này sang tình trạng khác, từ vai trò, địa vị này sang vai trò, địa vị khác, hợp nhất những kinh nghiệm của con người và kinh nghiệm văn hoá với vận số sinh học: ra đời, sinh con, chết đi. Những nghi thức này tạo sự khác biệt cơ bản, được tiến hành trong tất cả các nhóm, giữa già và trẻ, đàn ông và đàn bà, sống và chết. Con người thuộc về cả tự nhiên và văn hoá, thông qua nghi lễ chuyển đổi con người có thể suy ngẫm, thể hiện (formulate) và thể hiện lại (reformulate) phần con và phần người của con người (Arnold Van Gennep, 1960: 380-387).

     Có rất nhiều công trình nghiên cứu của ngành Nhân học và Nghiên cứu văn hoá về tang lễ trên thế giới theo hướng tiếp cận chức năng tâm lý xã hội, tiêu biểu như bài viết kinh điển của Robert Hertz (Robert Hertz, 1960), xuất bản năm 1960 có tiêu đề “Death and the Right Hand” (Cái chết và bàn tay phải) về quy trình tang lễ của người dân Borneo, Indonesia, là một trong những bài viết có ảnh hưởng lớn về mặt lý luận đối với nghiên cứu tang lễ ở vùng Đông Nam Á. Sử dụng hướng tiếp cận chức năng tâm lý, Hertz chỉ ra rằng, tang lễ và các nghi lễ liên quan (cúng giỗ, bỏ mả, v.v…) có chức năng giúp gia quyến vượt qua cú sốc do cái chết của người thân tạo ra.Tiếp nối hướng tiếp cận chức năng của Hertz về tang ma, trong bài viết Từ tử đến sinh: Nghi lễ và ý nghĩa Phật giáo ở vùng Bắc Thái Lan(Charles F. Keyes, 2022: 106-143), Charles F. Keyes chỉ ra rằng, quy trình tang lễ của người Bắc Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập sự ổn định xã hội sau cú sốc tinh thần tạo ra bởi một cái chết của ai đó. Theo nhận định của Charles Keyes, hầu hết những nhà nhân họctheo chân Hertz, bao gồm cả Huntington và Metcalf (1979) hay Bloch và Parry (1982) trong những tác phẩm gần đây tập trung vào cách thức mà quá trình nghi lễ gắn với cái chết đã dẫn đến việc tái tạo lại trật tự xã hội giờ đây không còn sự hiện diện của người chết. Khác với các tác giả đi trước, Keyes đưa ra nhận định “quá trình này cũng còn đóng thêm vai trò tạo cho người chết một sự tiếp nối với sự sống. Cái chết tạo ra vấn đề không chỉ cho xã hội, mà còn cho tất cả mọi người vì khi thấy cái chết của ngườikhác, con người nhận thấy số phận của chính mình. Biết chắc rằng người chết mà họ biết sẽ đạt được một hình thức bất tử nào đó sau cái chết cũng là bảo đảm rằng họ cũng sẽ có được tình trạng như vậy khi họ qua đời” (Charles F. Keyes, 2022: 108). Vấn đề thực hiện cúng giỗ sau khi chôn kèm với công đức cho người chết được Charles F. Keyes cho là thuộc loại hình thờ cúng tổ tiên đã có sự tiếp biến với tư duy đạo Phật. Sự thờ cúng như vậy theo ông là “đối nghịch với quan niệm Phật giáo chuẩn mực rằng cái còn lại sau cái chết bao gồm không phải là sự tồn tại tiếp tục của cùng người đó, mà là một sự chuyển biến, thông qua thần thức nối kết tái sinh, của một người với một người mới” (Charles F. Keyes, 2022: 130); ông cho rằng, người Bắc Thái Lan chấp nhận chân lý của giáo lý Phật giáo nhưng chỉ sau khi đã mở rộng nó ra để cho phép họ trải qua giai đoạn để tang, bằng cách tiến hành những nghi thức giả định về sự tồn tại tiếp nối phần thể của người chết trong một giai đoạn khá dài.

     Tác giả bài viết vận dụng quan điểm tiếp cận chức năng tâm lý của Keyes thông qua nghiên cứu Từ tử đến sinh: Nghi lễ và ý nghĩa Phật giáo ở vùng Bắc Thái Lan (Keyes gọi là “công trình của văn hóa”) – quá trình tạo ra sự tiếp nối cho người chết của Keyes vào nghiên cứu về nghi lễ tang ma của người Tày ở Đắk Lắk. Cụ thể là sử dụng quan điểm tiếp cận nghiên cứu về cơ sở văn hóa (thế giới quan, các yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, người thực hành nghi lễ, v.v…) như là các yếu tố cơ bản tạo nên quan niệm về sự sống sau cái chết được thể hiện trong quy trình nghi lễ chuyển đổi người chết sang thế giới tổ tiên trong tang ma của người Tày. Ở bài viết này, tác giả nghiên cứu về tang ma của người Tày theo quan niệm về thờ cúng tổ tiên, được thực hiện theo quy trình nghi lễ và kinh sách của thầy Tào -một hình thức Đạo giáo dân gian Tày hình thành ở khu vực miền núi Đông Bắc Việt Nam. Quy trình đó được thể hiện qua các thực hành nghi lễ chuyển đổi đưa người chết về thế giới tổ tiên. Mặt khác, tiếp cận chức năng tâm lý thông qua nghiên cứu của Keyes giúp tác giả lý giải vì sao người Tày di cư đến vùng đất mới như Tây Nguyên, trong điều kiện thay đổi về môi trường sống, môi trường văn hóa, nhưng thực hành văn hoá tang ma vẫn không thay đổi, có chăng là thay đổi về hình thức, còn cốt lõi truyền thống (chuyển đổi linh hồn người chết sang thế giới tổ tiên) không thay đổi.

3. Chuyển đổi linh hồn người chết sang thế giới tổ tiên trong tang ma của người Tày ở Đắk Lắk

     Đám tang của người Tày ở Đắk Lắk là hành trình chuẩn bị và tiễn đưa người chết về nơi ở mới vĩnh hằng trên mường Trời. Trong tang ma của người Tày, thầy Tào có vai trò quan trọng và là người chủ trì chính các thực hành nghi lễ chuyển đổi linh hồn người chết sang thế giới tổ tiên. Toàn bộ quy trình nghi lễ tang ma từ khi con người trút hơi thở cuối cùng cho đến mãn tang thể hiện sâu sắc quan niệm của người Tày về sự tồn tại của cuộc sống sau cái chết, của hồn, vía và thế giới tổ tiên. Việc chuyển đổi linh hồn của con người sau khi chết về với tổ tiên trên trời phải trải qua những quy trình, nghi thức bài bản,chặt chẽ của thầy Tào, được thể hiện từ lễ thức đón thầy Tào, mua nước rửa mặt cho người chết đến lễ khâm liệm, nhập quan, chọn đất mai táng, di quan,chôn cất, mãn tang, v.v… Khi hoàn thành các nghi thức đó cũng là lúc họ tin tưởng rằng, người chết đã được tiếp tục cuộc sống mới ở thế giới tổ tiên. Với quan niệm cho rằng tổ tiên tồn tại ở ba nơi: mường Trời, nghĩa địa và gia tiên, vì vậy có 3 dạng nghilễ chuyển đổi cho người chết về ba nơi với những lễ thức khác nhau trong tang ma của người Tày1.

     3.1. Nghi lễ chuyển đổi thân xác và linh hồn người chết ra với tổ tiên ở khu mộ

     Gồm hệ thống các lễ thức như: Tìm đất làm nhà cho nơi ở mới của người chết (chọn đất mai táng); chuẩn bị “cơ sở vật chất” cho người chết về khu mồ mả/làng mới (chuẩn bị lễ lễ vật cúng, vải vóc, quần áo, vật dụng, áo quan); Những lễ thức bảo quản, chăm sóc thân xác; Các lễ thức báo hiếu trước khi đưa ra mộ an táng (lễ tế tổ tông, lễ tạ ơn/dâng lễ vật cho người chết, lễ dâng rượu); Các lễ thức tiễn đưa người chết ra mộvà an táng (lễ bắc cầu cho vong ra cửa, lễ di quan, lễ hạ huyệt, lễ giao điền, lễ mở cửa mả).

     Quan niệm, cách ứng xử của người Tày đối với thân xác cũng như quan niệm chung của loài người đối với thi thể người chết thường gắn với tâm lý lo sợ tà ma sau cái chết. Điều đó chi phối sựquan tâm, chăm sóc thi thể, dẫn đến cách thực hành văn hóa của từng lễthức trong tang ma Tày. Theo nghiên cứu của Charles F. Keyes, người Bắc Thái Lan quan niệm: do bản chất của thi hài là sẽ trở thành một vật trương sình và vô dụng, cho nên nó cần phải được “đưa đi” (song), nghĩa là cần phải được tách rời khỏi nhóm xã hội mà người đó đã từng là một thành viên khi còn tại thế, và nó phải được “tiêu hủy” (sia). Vì quan niệm “phi” -ma làm hại người nên cần phải xua đuổi, tiêu hủy: “Theo nghĩa rộng hơn, thì nhiều nghi lễ trong tang lễ diễn ra vào thời gian từ lúc người đó chết cho đến khi hỏa táng (hoặc địa táng) được người Bắc Thái Lan hiểu là đang xua đuổi và sau cùng là tiêu hủy những cái nguy hiểm ô uế gây ra bởi người chết và đều xếp dưới một danh xưng chung là phī tāi, hồn ma của người chết” (Charles F. Keyes, 2022: 106-143).

     Khác với quan niệm cái chết là sựthối rữa, bẩn thỉu của thân xác nên phải tiêu hủy thi thểởngười Bắc Thái Lan qua nghiên cứu của Charles F. Keyes, người Tày cẩn trọng trong chăm sóc, bảo quản thân xác của người thân qua các thực hành nghi lễ của thầy Tào, càng sợ hãi, càng phải chăm sóc thi thể để không làm phật ý người chết. Trước khi thầy Tào đến, người nhà không được đụng đến thi thể, không than khóc, tránh việc người chết không thể ra đi thanh thản. Người Tày quan niệm, khi vừa mới chết, thân thểô uế, không thể ra mắt tổ tiên, phải đi mua nước thánh ở sông Cam Lộ (còn gọi là Thiên Lộ) về tắm rửa thi thể sạch sẽ, thanh khiết, sau đó mới thực hành các nghi lễ tiếp theo, mới được tổ tiên đón nhận (Phỏng vấn sâu ông H.V.T, sinh năm 1966, Ea Tam, Krông Năng, Đắk Lắk).

     Trong nghi lễ tang ma của người Tày, trước ngày di quan là ngày để tang quyến thực hiện các lễ thức báo hiếu trước khi đưa ra mộan táng(còn gọi là lễ tạ ơn người chết) nhằm trả công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Trong 3 ngày sau khi chôn cất, người nhà ra mộ thắp hương, cúng cơm; sau 3 ngày, họcúng cơm tại bàn thờ vong linh đã được thầy Tào lập ở trong nhà cho đến khi người chết được 40 ngày (cũng có gia đình cúng cơm đến 100 ngày hoặc đến lúc mãn tang). Lễ mở cửa mả là thủ tục kết thúc chu trình nghi lễ tiễn người chết gia nhập làng mới (khu mộ) – ngôi làng có thổ công, thổ địa cai quản, có người thân, hàng xóm láng giềng giống như khi còn sống.

     3.2. Nghi lễ chuyển đổi đưa linh hồn người chết về với tổ tiên ở mường Trời

     Các thủ tục chuẩn bị chuyển đổi linh hồn người chết về với tổ tiên ở mường Trời tiến hành đồng thời trong thời gian linh cữu quàn ở nhà, việc tiễn linh hồn về mường Trời được thầy Tào thực hiện hoàn tất trước khi đưa quan tài ra khu mộ an táng. Hệ thống các lễ thức khá riêng biệt, phản ánh sâu sắc quan niệm về nơi cư trú của tổ tiên trên mường Trời của người Tày, bao gồm: các lễ thức chuẩn bị vật dụng cho người chết về mường Trời; các lễ thức mở đường, khai quang cho linh hồn (lễ xin cấp giấy thông hành cho người chết, lễ dâng đèn hoa/ thắp đèn, lễ phá ngục); các lễ thức tiễn đưa linh hồn người chết về mường Trời (lễ bắc cầu đưa người chết về mường Trời, lễ tắt đèn, lễ sính tụ còn gọi là lễ thánh độ).

     Các thực hành nghi lễ ở phần này gắn với quan niệm về nơi cư trú của người chết ở mường Trời qua trí tưởng tượng của người Tày (gắn với thế giới quan và cuộc sống của con người sau khi chết). Dưới sự chủ trì của thầy Tào, việc chuẩn bị các vật dụng và quy trình tiễn đưa người chết về thế giới tổ tiên trên mường Trời của người Tày diễn ra sinh động, tạo dựng được niềm tin đối với người sống về sự tồn tại của thế giới vĩnh hằng sau khi người thân mất. Với quan niệm linh hồn sang thế giới bên kia tiếp tục cuộc sống mới, người Tày chuẩn bị các thứ cần thiết cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày như làm nhà ởmường Trời (cấp nhà táng); ngoài quần áo, tư trang, vật dụng thường sử dụng khi còn sống, con cháu còn chia của cải, ruộng đất, nông cụ, đồ mã (hiện vật mang tính tượng trưng) cho người quá cố.

     3.3. Nghi lễ chuyển đổi linh hồn người chết về với tổ tiên trên ban thờ

     Quy trình chuyển đổi người chết về thế giới tổ tiên trên ban thờ trong nhà tang chủ kéo dài từ sau khi chôn cất đến khi làm lễ mãn tang, tức là có giai đoạn chuyển tiếp kéo dài khi người chết còn được thờ ở bàn thờ tạm và hoàn tất bằng lễ thức tiễn đưa linh hồn người chết gia nhập ban thờ tổ tiên trong lễ mãn tang.

     Các lễ thức thuộc thời gian chuyển tiếp: Sau khi chôn cất, thầy Tào làm lễ lập bài vị tại bàn thờ riêng trong góc nhà tang chủ hoặc ở phía dưới, thấp hơn bàn thờ tổ tiên, đồng thời khấn gọi hồn người chết trở về nhập vào bài vị để con cháu tiện chăm sóc, cúng cơm hàng ngày; sau mãn tang mới bỏ bàn thờ, đưa linh hồn nhập vào thờ chung trên bàn thờ tổ tiên. Theo họ, chưa mãn tang thì linh hồn người chết chưa trở thành ma tổ tiên, lúc đó linh hồn đã có nhà trên mường Trời, nhưng chưa được gia nhập thế giới tổ tiên, cũng chưa được gia nhập bát hương tổ tiên trên bàn thờ, nên đến bữa ăn, con cháu cúng mời cơm thì hồn trở về nhập vào bài vị tại nhà tang chủ. Trong khoảng thời gian sau khi chết đến khi mãn tang, hồn người chết mặc dù đã được tái sinh ở bên kia thế giới, nhưng vẫn quanh quẩn bên bàn thờ vong linh/ bàn thờ bài vị, sau mãn tang hồn mới sang ở hẳn bên thế giới tổ tiên.

     Lễ mãn tang-nghi lễ chuyển đổi linh hồn người chết về với tổ tiên trên ban thờ: Lễ mãn tang (còn gọi là tháo tang hay cởi tang) là nghi thức cuối cùng trong quy trình tang ma của người Tày2. Sau lễ mãn tang, phần hồn của người quá cố được nhập chung vào bàn thờ tổ tiên, được con cháu thờ phụng từ đời này sang đời khác. Trong truyền thống, người Tày thường để tang 3 năm, ở Đắk Lắk hiện nay, hầu hết người Tày để tang 1 năm là mãn tang. Tuy nhiên, dù có biến đổi để phù hợp với thực tiễn xây dựng đời sống văn hoá mới, song, lễ mãn tang của người Tày cơ bản chỉ biến đổi về hình thức còn bản chất không thay đổi, họ vẫn thực hành nghi lễ với niềm tin tiễn hồn người chết về mường Trời, sau lễ mãn tang, người thân của họ đã gia nhập thế giới tổ tiên, tiếp tục cuộc sống mới, vĩnh hằng.

4. Sự tích hợp giữa các yếu tố tín ngưỡng và thích ứng, biến đổi ở vùng đất mới trong tang ma của người Tày ở Đắk Lắk

     4.1. Thế giới quan, nhân sinh quan của người Tày ở Đắk Lắk qua thực hành nghi lễ chuyển đổi người chết sang thế giới tổ tiên

     Theo quan niệm của người Tày, thế giới là một thể thống nhất của 3 cõi (cõi trời, cõi đất và cõi âm phủ), trong đó, cõi đất là trung tâm, bởi ở đó bất kỳ sự vật nào từ con người đến cỏ cây, muông thú, sông núi, đất đai, v.v… đều có linh hồn và linh hồn bất tử. Quan niệm vạn vật hữu linh đã chi phối đời sống văn hóa tinh thần của họ, làm nảy sinh nhiều sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Tày, trong đó có tang ma. Có thể nói đây chính là căn nguyên để người Tày thực hành các nghi lễ chuyển đổi cho người chết về thế giới tổ tiên theo quan niệm của họ.

     Người Tày quan niệm, mường Trời -mường tổ tiên chính là nơi tiếp nối cuộc sống vĩnh hằng sau khi chết. Cái chết là sự khởi đầu của một cuộc sống mới ở thế giới tổ tiên được xác lập thông qua hệ thống các nghi lễ nhằm mục đích tiễn đưa linh hồn người chết về thế giới tổ tiên. Nghi lễ chuyển đổi linh hồn người chết sang thế giới tổ tiên trong tang ma người Tày vì vậy đã mở ra cho người chết một thế giới mới, một cuộc sống mới ở cõi vĩnh hằng. Do đó, lễ cúng 40 ngày hoặc 100 ngày, người Tày quan niệm là lễ cúng hồn, vía cho người chết với tư cách như là một linh hồn của đứa trẻ mới được sinh ra ở cõi tổ tiên, qua đó thể hiện quan niệm về cõi sống và cõi chết, thế giới quan phong phú, đa dạng, đồng thời làm sâu sắc thêm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày. Về điều này, Keyes nhận định: “Ngoài nỗi đau mà những người đối diện với cái chết của họhàng hay bạn bè cảm nhận được, trong toàn thể nhân loại, có một nhu cầu bức thiết cần được đảm bảo rằng, người chết nhận được một kiểu tiếp nối nào đó sau cái chết” (Charles F. Keyes, 2022: 129).

     Có thể thấy nghi lễ tang ma phản ánh sinh động thế giới quan của người Tày về thiên nhiên, vũ trụ, con người ở cả cõi sống và cõi chết. Người Tày tin vào sự sống sau cái chết, tức là tin vào sựbất tửcủa linh hồn, vì vậy tang lễ và cách thức ứng xử với người chết có thể xem là biểu hiện của đức tin và triết lý về sự chuyển tiếp sau cái chết. Rõ ràng, quy trình tổ chức các nghi lễ trong tang ma càng cẩn trọng thì tinh thần và tâm lý của người sống càng có cảm giác yên tâm và tin tưởng.

     4.2. Sự giao lưu tiếp biến với yếu tố tôn giáo du nhập qua nghi lễ chuyển đổi người chết về với tổ tiên trong tang ma của người Tày

     Người Tày chịu ảnh hưởng của Tam giáo (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo) vào trong các thực hành tín ngưỡng. Về vấn đề này, tác giả Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Những ảnh hưởng Tam giáo đối với dân tộc Tày không phải là sự du nhập nguyên xi, hình thành các nơi thờ phụng, hệ thống tín đồ của ba thứ tôn giáo này từ Trung Quốc, mà cơ bản vẫn là trên nền tảng các tín ngưỡng dân gian, trong quá trình lâu dài các tôn giáo Phật, Đạo, Nho thâm nhập, kết hợp với tín ngưỡng dân gian, vừa nâng cao và cố định hóa các hình thức tín ngưỡng đó, đồng thời cũng làm mai một và biến dạng các tín ngưỡng đó” (Ngô Đức Thịnh, 2012: 314). Thực tế, có thể xem xét nghi lễ chuyển đổi người chết về thế giới tổ tiên dưới sự chủ trì của thầy Tào trong tang ma của người Tày như là một thực hành nghi lễ điển hình có sự kết hợp, đan xen, hỗn dung giữa yếu tố tín ngưỡng dân gian truyền thống với tín ngưỡng du nhập.

     4.2.1. Truyền thống hóa yếu tố Nho giáo

     Người Tày chịu ảnh hưởng của Nho giáo khá sâu sắc, từ chữ viết (các văn sớ, văn tế, sách cúng của thầy Tào đều viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm) đến quan niệm chữ hiếu trong đạo thờ gia tiên. Tiếp thu những quan điểm tiến bộ của Nho giáo, ở người Tày, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chiếm vị trí quan trọng nhất trong đời sống tâm linh; nghi lễ tang ma phản ánh sâu sắc tín ngưỡng này. Toàn bộ quy trình thực hành nghi lễ tang ma của người Tày từ khi con người chết đến khi mãn tang là nhằm thực hiện các lễ thức chuyển đổi người chết gia nhập thế giới tổtiên. Việc sùng bái tổ tiên của người Tày thể hiện qua niềm tin về sự tồn tại của tổ tiên ở thế giới vĩnh hằng, được phản ánh rõ qua những hành vi ứng xử trong tang ma, thể hiện sâu sắc ở hai khía cạnh:

     1) Ứng xử với tổ tiên trên ban thờ gia tiên trong đám tang: Người Tày coi tổ tiên ở trên ban thờ gia tiên như một “thực thểhiện hữu”. Chẳng hạn, lúc cha mẹ vừa mới chết, con cháu lấy mảnh vải che bàn thờ tổ tiên lại, chưa báo cáo với tổ tiên vì cho rằng lúc đó người mới chết còn ô uế, chưa làm lễ rửa tội nên chưa thể cho tổ tiên biết. Đến khi làm lễ xá tội vong nhân, lễ giải uế, cúng tổ tiên (lễ thành phục) mới làm lễ báo cho tổ tiên biết trong nhà có người chết. Trong quá trình tang lễ diễn ra, các nghi lễ chính do thầy Tào chủ trì đều được thực hiện trước bàn thờ tổ tiên từ mở đầu cho đến kết thúc với các thủ tục như trình báo, dâng lễ, tạ ơn tổ tiên. Theo đó, các lễ cúng tổ tiên song hành với lễ cúng cho người chết, được thầy Tào cùng tang quyến thực hiện trong suốt thời gian diễn ra đám tang, thể hiện sự tôn trọng tổ tiên, sự hiện hữu của tổ tiên trong tư tưởng của người Tày.

      2) Ứng xử với người chết -người chuẩn bịgia nhập thế giới tổ tiên: tang ma của người Tày cũng như nhiều tộc người khác thể hiện sự đan xen giữa tiếc thương và ghê sợ, vừa thể hiện sự gắn bó thân thuộc với linh hồn người chết vừa mơ hồ sợ hãi về hồn ma. Tâm lý đó của con người được thể hiện qua các lễ thức trong nghi lễ tang ma, trong hành xử, trông coi, chăm sóc thi thể. Con người phải tự chế ngự, vượt qua sợ hãi để tỏ lòng thành kính với linh hồn của người quá cố. Một mặt họ tống tiễn linh hồn, mặt khác lại cẩn trọng trong việc thờ cúng người chết tại ngôi mộ và ban thờ từ đời này sang đời khác.

     4.2.2. Truyền thống hóa yếu tố Đạo giáo

     Người Tày không lấy Đạo giáo làm tôn giáo riêng, nhưng luôn đề cao vai trò của thầy Tào -một dạng đạo sĩ kiêm thầy cúng. Công việc chính của các thầy Tào Tày, Nùng, Choang là chủtrì đám tang và thực hiện các nghi lễtrừtà, trục quỷ, chọn ngày dựng nhà, ngày cưới hỏi, xem bát tự, v.v…Vì vậy, trong đám tang của người Tày cần có thầy Tào chủ trì để đưa linh hồn về với tổ tiên theo triết lý của Đạo giáo. Vũ trụ quan của người Tày nói chung và người Tày ở Đắk Lắk nói riêng mang âm hưởng các vị thần của Đạo giáo (thế giới quan ba tầng: Thượng nguyên, Trung nguyên, Hạnguyên). Người Tày tiếp nhận vũ trụ quan của Đạo giáo với ba cõi tương ứng: cõi trời, cõi đất (cõi người) và cõi âm phủ. Bên cạnh các vị thần Đạo giáo đã được bản địa hóa thì mường Trời từ xa xưa đã được coi là quê hương nguồn cội của người Tày. Sự du nhập Đạo giáo đã làm phong phú thêm trí tưởng tượng của người Tày về quê hương đất tổ của họ trên mường Trời. Do đó, khi con người chết, linh hồn lại trở về với nguồn cội (đẳm) ở trên trời. Vì vậy, đám tang của người Tày ở Đắk Lắk hiện nay vẫn thực hành lễ thức đưa tiễn hồn người chết về Trời. Về cơ bản, thế giới quan của người Tày trước và sau khidi cư không có nhiều thay đổi. Tục đưa tiễn hồn người chết về Trời vẫn thuộc tín ngưỡng bản địa của người Tày, còn nghi thức chuộc hồn người chết từ các tầng địa ngục được phát sinh sau khi có sự tham gia của các yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng du nhập. Người Tày thực hành nghi lễ tang ma với sự đan xen, dung nạp lẫn nhau giữa yếu tốvăn hóa dân gian truyền thống và yếu tố Đạo giáo, khiến các dạng nghi thức tổ chức cho người chết trở nên trình tự và long trọng.

     4.2.3. Truyền thống hóa yếu tố Phật giáo

     Người Tày không lấy Phật giáo làm tôn giáo riêng, song tư tưởng Phật giáo ảnh hưởng, chi phối đến cuộc sống và thực hành văn hóa tang ma. Trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng của đạo Phật đến người Tày thể hiện ở việc cầu xin bình an, khỏi bệnh tật, cầu phúc lành, hướng thiện, v.v…Trong thực hành nghi lễ tang ma, tư tưởng “cứu nhân độ thế” được thầy Tào vận dụng khá linh hoạt, nằm trong quy trình chuyển đổi linh hồn người chết về với tổ tiên trên mường Trời.

     Do ảnh hưởng của Phật giáo, người Tày quan niệm con người ai cũng mắc tội nên sau khi chết, hồn bị giam hãm dưới ngục tối (Thủy phủ do Diêm Vương cai quản). Khi đó, thầy Tào phải làm lễ phá ngục với mục đích giải thoát linh hồn ra khỏi địa ngục của Diêm Vương, chuộc hồn lên để linh hồn được về với tổ tiên trên trời. Do đó, trong đám ma của người Tày có lễ phá ngục, đưa linh hồn người chết thoát khỏi địa ngục của quỷ, để linh hồn được siêu thoát, sám hối, xá tội, tái sinh ở thế giới tổ tiên.

     Tang ma của người Tày ảnh hưởng từ Phật giáo thể hiện qua quan niệm tái sinh của linh hồn. Sau khi hoàn tất lễ phá ngục, thầy Tào dẫn hồn trở về nhập vào bài vị, họ cho rằng lúc này hồn người chết đã được tái sinh, theo thầy Tào và con cháu quay trở về nhà để tiếp nhận các nghi lễ chuyển đổi về thế giới tổ tiên. Ảnh hưởng của Phật giáo còn ở sự chuyển kiếp, vòng luân hồi, thể hiện qua lễ sính tụ (thánh độ cho nơi ở phù hợp), chẳng hạn, nếu hồn người chết là trẻ con thì độ cho đi đầu thai lại, tái sinh ở kiếp khác. Khác với nghi lễ Phật giáo của người Bắc Thái Lan là sử dụng các bộ kinh để đưa hồn người chết về với Phật với vai trò chính là các nhà sư thì ở người Tày, thầy Tào dùng phép thuật Đạo giáo để giải thoát linh hồn người chết khỏi ngục tối, đưa hồn về với tổ tiên trên mường Trời.

     Như vậy, mặc dù thay đổi môi trường sống, người Tày ở Đắk Lắk vẫn duy trì tín ngưỡng truyền thống, qua thực hành văn hóa tang ma, có thể thấy họ không theo một tôn giáo, tín ngưỡng cụ thể nào mà có sựảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau, tiếp thu các yếu tố văn hóa mới, kết hợp với tín ngưỡng dân gian cổtruyền hình thành nên cách thực hành văn hóa tín ngưỡng của người Tày hiện nay. Nếu theo Keyes “công trình của văn hóa” tạo nên quan niệm về sự sống sau cái chết ở người Thái vùng Bắc Thái Lan được định hình một cách cơ bản bởi Phật giáo Thượng tọa bộ thì ở người Tày “công trình của văn hóa” đó chính là tư tưởng Tam giáo đồng nguyên đã được dân gian hóa qua thực hành nghi lễ chuyển đổi người chết về với tổ tiên trong tang ma của người Tày nói chung, người Tày ở Đắk Lắk nói riêng.

     4.3. Thích ứng và biến đổi văn hóa qua nghi lễ tang ma của người Tày ở Đắk Lắk

      4.3.1. Thích ứng và biến đổi trong thực hành nghi lễ tang ma của thầy Tào

     Khi mới di cư vào Đắk Lắk, các thầy Tào hầu hết là những người đã được cấp sắc từ ngoài quê cũ. Họ mang theo vốn tri thức đã học được từ sư phụ truyền nghề, tiếp tục thực hành ở vùng đất mới. Sau đó, những thầy Tào đã được cấp sắc tiếp tục đào tạo các thế hệ thầy Tào kế cận tại Đắk Lắk. Việc cấp sắc cho thầy Tào người Tày tại vùng đất mới ban đầu gặp nhiều khó khăn như thiếu đội ngũ thầy cúng cần có cho một lễ cấp sắc, nên họ phải mời thêm thầy Tào ở quê cũ vào.

     Thầy Tào, lực lượng chính tham gia thực hành nghi lễ tang ma đã có sự biến đổi. Nếu như tầng lớp thầy Tào già tin vào sự trừng phạt hay ban ơn của lực lượng siêu nhiên, bảo lưu khả năng pháp thuật để giúp con người cầu xin thần thánh, làm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người, thì lớp thầy Tào trẻ, ngoại trừ một số người do “căn số” buộc phải nối nghiệp tổ tiên, dòng họ, mức độ tin tưởng vào các vị thần linh đã suy giảm. Song, họ vẫn thực hành nghi lễ tang ma một cách nghiêm túc, tuy có giản tiện, lược bớt một số nội dung nghi lễ phức tạp. Sự thay đổi trong thầy Tào chủ yếu ở sự giảm sút số lượng, khả năng Hán học, kiến thức dân gian, v.v… Điều đó khiến cho các bài cúng, lời cúng, nghi lễ cúng dần trở nên ngắn gọn và phổ thông hóa. Thời gian thực hành nghi lễ đã được rút ngắn so với truyền thống (hiện nay người Tày ở Đắk Lắk thực hành nghi lễ tang ma trong 2 ngày, sáng ngày thứ ba là đưa tang), do không đủ thời gian để thực hiện đầy đủ và chi tiết các nghi thức cúng nên phải gộp một số nghi thức, rút ngắn nội dung các bài kinh cúng.

     Thầy Tào thực hành các nghi lễ chuyển đổi cuộc sống cho người chết sang thế giới tổ tiên, vẫn giữ nguyên những nghi thức cần thiết cho sự chuyển đổi linh hồn, vì với họ, nghi lễ đó rất được coi trọng và không thay đổi dù trước hay sau khi di cư vào Đắk Lắk. Người Tày vẫn tin vào sự tồn tại của linh hồn người chết và việc đưa hồn người chết về thế giới tổ tiên vẫn là quan niệm tạo nên niềm tin của họ. Điều đó lý giải, dù quan niệm nhận thức của người Tày có sự thay đổi, nhưng trong tín ngưỡng không thể thay thế thầy Tào; cách thức hành lễ có thể biến đổi, nhưng nghi lễ thực hành với mục đích chuyển đổi hồn người chết về thế giới tổ tiên trong tang ma của người Tày ở Đắk Lắk thì không thay đổi.

     4.3.2. Thích ứng và biến đổi trong nhận thức và thực hành nghi lễ tang ma của người dân

     Sự biến đổi xuất phát từ nhận thức và quan niệm của người Tày về nghi lễtang ma. Họ quan niệm và nhận thức rằng, không phải đám tang tổchức linh đình thì mới thể hiện được vị thế của gia đình, mà họcho rằng, tấm lòng hiếu thảo, sựtôn kính của con cháu đối với ông bà, cha mẹ được chứng minh qua cuộc sống hàng ngày, qua việc chăm sóc người thân khi còn sống; nếu tổ chức tang lễ vượt quá khả năng kinh tế, phải đi vay mượn nhiều sẽ là gánh nặng đối với con cháu sau tang lễ. Vì vậy, với người Tày ở Đắk Lắk hiện nay, việc tổ chức tang lễ dựa vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, song vẫn bảo lưu những nghi thức quan trọng mang đậm sắc thái văn hóa tộc người. Thế hệ trẻ người Tày hiện nay dần thay đổi niềm tin tôn giáo và tín ngưỡng về cõi sống, cõi chết, về sức mạnh của lực lượng siêu nhiên, của linh hồn và các hồn ma. Ông L.V.N (sinh năm 1983, cán bộ thôn Tam Thành, Ea Tam, Krông Năng) chia sẻ, “Đến ngày tết mình vẫn mua bánh kẹo, bia, mua quà, mừng tuổi bố mẹ, không nhất thiết phải có gà thiến như các cụ hồi trước; thắp hương chủ yếu để tưởng nhớ đến ông bà, tổtiên, đó là đạo đức, lễ nghĩa của con cháu, chứ theo tôi thì chết là hết”. Có thể thấy, họ đang dần tự thay đổi quan niệm về vũ trụ, linh hồn, thế giới sống, chết và cách hành lễ khi thực hiện các nghi lễ vòng đời. Tuy nhiên, niềm tin của người Tày vào sức mạnh của lực lượng siêu nhiên chỉ ở mức độ suy giảm, chưa thoát khỏi đức tin vào thần linh, do đó, họ vẫn thực hành nghi lễ tang ma chu đáo, thận trọng để báo hiếu và cầu an. Nhìn chung, biến đổi trong nhận thức và thực hành nghi lễ chuyển đổi cho người chết về thế giới tổ tiên trong tang ma của người Tày ở Đắk Lắk chủyếu là ở hình thức, còn bản chất truyền thống vẫn mang ý nghĩa là nghi lễ chuyển đổi cho người chết sang thế giới tổ tiên. Vì vậy, những biến đổi về cơ bản không làm thay đổi đám tang của người Tày ở Đắk Lắk với sự chủ trì của thầy Tào, mà những biến đổi đó chính là sự thích ứng văn hóa của người Tày ở vùng đất mới và theo chúng tôi, sự thích ứng văn hóa đó là phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.

     4.3.3. Thích ứng và biến đổi từ giao thoa văn hóa

     Giao lưu văn hóa và hội nhập giữa các cộng đồng là quy luật tất yếu, là động lực thúc đẩy sự phát triển văn hóa, xã hội. Ngày nay, sự phát triển của các phương tiện truyền thông cùng nhiều sản phẩm văn hóa khác đã và đang tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa tinh thần, trong đó có nghi lễ tang ma của người Tày ở Đắk Lắk. Ngoài văn hóa truyền thống, người Tày tiếp nhận các giá trị văn hóa hiện đại, nhất là ảnh hưởng từ các tộc người xung quanh. Trong cuộc giao tiếp này, mỗi tộc người đều có những ảnh hưởng lẫn nhau, sâu sắc nhất là các tộc người cộng cư, xen cư với người Tày ở Đắk Lắk như người Nùng, Kinh, Ê-đê, Mnông, Ra-giai, v.v.. Thông qua tiếp nhận các giá trị văn hóa mới, phong tục tập quán có điều kiện để so sánh, chọn lọc, cải tiến cho phù hợp với điều kiện môi trường mới mà vẫn không mất đi bản sắc văn hóa tộc người.

     Sự tiếp biến văn hóa là một xu thế tất yếu, bởi văn hóa vừa có tính bền vững nhưng cũng không ngừng biến đổi theo quy luật phát triển chung của xã hội. Giao thoa văn hóa là điều tất yếu, nhưng không thể tránh khỏi tính hai mặt của nó, giao thoa văn hóa làm cho đời sống người dân phát triển, giản tiện các thủ tục lễ nghi, mặt khác cũng làm mất đi một số nét văn hóa truyền thống tộc người. Sự tác động của chính sách, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa người Tày với người Kinh, người Nùng và các tộc người thiểu số tại chỗ làm cho nghi lễ tang ma có những biến đổi để thích ứng với môi trường mới, song nó là quy luật tất yếu, phù hợp với lối sống, văn hóa mới hiện nay.

     Như vậy, về cơ bản đám tang của người Tày ở Đắk Lắk chỉ biến đổi những yếu tố phụ, hình thức, song vẫn bảo lưu những yếu tố cốt lõi truyền thống liên quan đến nghi lễ chuyển đổi người chết sang thế giới tổ tiên. Vấn đề đặt ra ởđây là, nguyên nhân vì sao đám tang của người Tày ở Đắk Lắk chỉ biến đổi những yếu tố phụ, còn những yếu tố cốt lõi truyền thống liên quan đến nghi lễ chuyển đổi người chết sang thế giới tổ tiên vẫn được bảo lưu? Chúng tôi cho rằng, có một số yếu tố tiêu biểu lý giải cho vấn đề trên như: niềm tin vào sự tồn tại của tổ tiên của người Tày; sự sợ hãi cái chết và hồn ma; sợi dây gắn kết của tình người -tính cố kết cộng đồng; hứa hẹn một sự bất tử, tiếp nối của cuộc sống sau khi chết, v.v…

5. Kết luận

     Nghi lễ chuyển đổi linh hồn người chết sang thế giới tổtiên trong tang ma người Tày mở ra một thế giới mới, một cuộc sống mới ở cõi vĩnh hằng cùng với ông bà tổ tiên, thể hiện quan niệm về cõi sống và cõi chết, thế giới quan phong phú, đa dạng, phản ánh sâu sắc tín ngưỡng thờ cúng tổtiên của người Tày. Các quy trình thực hành nghi lễ tang ma của người Tày đã phản ánh nguyện vọng chính đáng, ước mơ của con người, của cộng đồng xã hội về những điều tốt đẹp và nhân văn, khát vọng về một cuộc sống tốt hơn ở bên kia thế giới. Trước sự thay đổi của môi trường sống, môi trường văn hóa mới, người Tày ở Đắk Lắk thực hành nghi lễ tang ma có sự tích hợp giữa các yếu tố tín ngưỡng và thích ứng, biến đổi văn hóa ở vùng đất mới, thể hiện qua các khía cạnh trong thực hành nghi lễ tang ma của thầy Tào, trong nhận thức và thực hành nghi lễ tang ma của người dân, thích ứng và biến đổi từ giao thoa văn hóa, thích ứng và biến đổi nghi lễ tang ma dưới sự tác động của các yếu tố văn hóa mới và chủ trương chính sách của Nhà nước. Tác giả cho rằng, những biến đổi đó một phần làm mất đi một số nét văn hóa truyền thống tộc người, song đó là quy luật tất yếu, phù hợp với lối sống, văn hóa mới hiện nay.

__________
1. Để làm rõ quá trình thực hành nghi lễ chuyển đổi cho người chết sang thế giới tổ tiên trong tang ma của người Tày ở Đắk Lắk, tác giả khảo sát đám tang của bà L.T.H (1940 -2018), thọ 78 tuổi, tang chủ là ông T.V.Đ (sinh năm 1973) ở thôn Tam Thành, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, người con trai duy nhất và là con trưởng trong gia đình. Cùng tham gia thực hiện nghi lễ là con dâu, 5 người con gái, các con rể, cháu, chắt trong gia đình của người mất. Chủ trì đám tang của bà L.T.H là thầy Tào H.V.T (là thầy trưởng, có nhiệm vụ niệm phép, tụng kinh, điều hành mọi hoạt động của nghi lễ), sinh năm 1966, hiệu là Hoàng Đạo Hành cùng 4 đồ đệ (có nhiệm vụgiúp việc cho thầy trưởng, vừa phụ giúp phần nhạc cụ, tụng kinh, vừa học việc). Việc thực hiện nghi lễ chuyển đổi cho linh hồn người chết về với tổ tiên ở khu mồ mả và tổ tiên mường Trời được thầy Tào thực hiện song song các lễ thức diễn ra trong đám tang với thời gian 2 ngày, 2 đêm.

2. Để thấy rõ quá trình chuyển đổi hồn người chết về với tổ tiên trên ban thờ, tác giả khảo sát trường hợp lễ mãn tang của bà H.T.B (quê gốc Cao Bằng), ngày sinh 13/7/1940, mất ngày 14/10/2017, thọ 77 tuổi, ở thôn Tam Thịnh, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, diễn ra vào ngày 16/11/2018. Chủ tang là con trai thứ ba của bà H.T.B (ông B.V.T, sinh năm 1978, cư trú ở thôn Tam Thịnh, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Chủ trì lễ mãn tang của bà H.T.B là thầy Tào H.V.T. (cũng là thầy chủ lễ của nghi lễ tang ma vào ngày mất của bà B một năm trước). Lễ này không cần đến đội ngũ thầy Tào như trong nghi lễ tang ma chính mà chỉ cần một thầy chủ lễ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Arnold VanGennep. (1960). The Rites of Passage. Routledge & Keegan Paul.London.

     Bloch, Maurice, and Jonathan Parry.(1982). Introduction: Death andthe Regeneration of Life. Dẫn luận: Cái chết và sự tái tạo cuộc sống. Death and the Regeneration of Life. Maurice Bloch và Jonathan Parry (Chủbiên). Cambridge: Cambridge UniversityPress.

      Charles F. Keyes.(2022). Từ tử đến sinh: Nghi lễ và ý nghĩa Phật giáo ở vùng Bắc Thái Lan. In trong Văn hóa tộc người và tôn giáo ở Đông Nam Á. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

     Huntington, Richard và Peter Metcalf.(1979).Celebrations of Death: The Anthropology of Mortuary Ritual. (Cúng giỗ: Nhân học về tang lễ). Cambridge: Cambridge University Press.

     Lê Hải Đăng.(2016).Nghi lễ gia đình của người Thái nhìn từ lý thuyết nghi lễ chuyển tiếp. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam. Số3 (100).

     Lò Xuân Dừa. (2016). Tang ma của người Thái: Quy trìnhnghi lễ để tạo cuộc sống mới cho người chết (trường hợp người Thái Phù Yên, Sơn La). Luận án tiến sĩ Văn hóa học. Học viện Khoa học xã hội.

     Ngô Đức Thịnh. (2012). Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam. Nxb. Trẻ.

     Nguyễn Công Hoan.(2011). Nghi lễ chuyển đổi của người Hoa Triều Châu ở Nam Bộ. Luận án tiến sĩ Dân tộc học. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tp. Hồ Chí Minh.

     Nguyễn Thị Yên. (2009). Tín ngưỡng dân gian Tày, Nùng.Nxb. Khoa học xã hội.

     Robert Hertz.(1960). Death and the Right Hand. Translated by Rodney and Claudia Needham. London.

     Tổng cục Thống kê. (2020). Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Nxb.Thống kê.

     Trần Hạnh Minh Phương. (2013). Nghi lễ chuyển đổi của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Luận án tiến sĩ Dân tộc học. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tp. HồChí Minh.

     Victor Turner.(1964). Tình trạng nửa vời: Giai đoạn ngưỡng kích thích dưới trong các nghi thức chuyển tiếp. In trong Folklore thế giới -Một số công trình nghiên cứu cơ bản.

     Ngô Đức Thịnh và Frank Proschan (Đồng chủ biên). Nxb. Khoa học xã hội.

     Vũ Thị Uyên. (2017). Nghi lễ vòng đời của người Dao Quần Chẹt ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Luận án tiến sĩ Văn hóa học. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9-2023

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sự tích hợp các yếu tố tín ngưỡng qua nghi lễ tang ma của người Tày ở Đắk Lắk (Tác giả: Lài Thị Vân)