Sưu tập tượng gốm Sài Gòn trong trang trí kiến trúc và thờ tự
Tác giả bài viết: Thạc sĩ NGUYỄN VIẾT VINH
(Phó Trưởng Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm)
NGUYỄN QUANG HUY (Phòng Kiểm kê – Bảo quản)
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là một bảo tàng khảo cứu địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay Bảo tàng đang lưu giữ nhiều bộ sưu tập hiện vật quý hiếm, đa dạng về chủng loại cũng như loại hình. Trong đó, có các bộ sưu tập về gốm và tượng gốm, đặc biệt là bộ sưu tập tượng trang trí và thờ tự của dòng gốm Sài Gòn xưa một thời nức tiếng.
Bộ sưu tập tượng gốm là một trong những yếu tố văn hóa truyền thống cơ bản của người Việt và người Hoa ở vùng Chợ Lớn nói riêng và ở cả vùng Nam Bộ nói chung. Bộ sưu tập Tượng gốm là sự kết hợp trong một thể thống nhất giữa thủ pháp truyền thống khắc tròn, phù điêu, đường nét, nghệ thuật trang trí thông qua tượng trên các nóc, mái đình, miếu của người Hoa và Việt. Bộ sưu tập thể hiện sự tinh xảo, cầu kỳ bên cạnh sự đa dạng, linh hoạt từ trong tạo dáng đến nội dung trang trí. Tuy nhiên, do những biến đổi của đời sống xã hội và nạn trộm cắp, các tượng gốm Sài Gòn này đã được Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh sưu tầm, bảo quản, trưng bày nhằm lưu giữ lại cho thế hệ mai sau những tác phẩm nghệ thuật của nghề gốm truyền thống xưa nay đã bị mai một.
Bài viết này đề cập, giới thiệu thêm đôi nét về một dòng gốm xưa của vùng đất Nam Bộ nói chung và bộ sưu tập gốm Sài Gòn tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng qua đó đánh giá tình hình bảo quản tiểu tượng gốm tại đây và đưa ra những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhằm quảng bá tới công chúng.
1. Đôi nét về gốm Sài Gòn
Quá trình phát triển nghề gốm Sài Gòn
Có thể nhận thấy ở vùng Sài Gòn, từ đầu thế kỷ XX trở đi, tên các lò gốm như “Đồng Hòa Diêu”, “Bửu Nguyên Diêu”… mới bắt đầu được xuất hiện trên các sản phẩm gốm dùng để xây dựng, trùng tu, trang trí hay thờ cúng ở đình, chùa, miếu, Hội quán v.v… Trước đó, trên các sản phẩm này chỉ có tên của tiệm bán đồ gốm hay tiệm “bách hóa” đặt gốm dâng cúng, như “Nam Hưng Xương Điếm Tố” (tiệm Nam Hưng Xương tạo), hay “Lương Mỹ Ngọc Điếm Tạo” (tiệm Lương Mỹ Ngọc tạo), hoặc tên cá nhân như “Thạch Loan Mỹ Ngọc Tạo”1….
Việc tên lò gốm xuất hiện muộn và hiếm gặp trên sản phẩm gốm Sài Gòn dùng để trang trí, thờ cúng có thể do các nguyên nhân sau:
– Những lò gốm còn để lại tên trên một số sản phẩm, gốm trang trí, thờ cúng … có thể xuất hiện muộn hoặc bắt đầu sản xuất gốm trang trí, thờ cúng, khoảng từ cuối thế kỷ XIX, khi nhu cầu về việc xây dựng mới và trùng tu các chùa miếu trở nên phổ biến hơn, khi mức sống của một bộ phận dân cư ở vùng thị tứ đã trở nên khá giả hơn.
– Từ đầu thế kỷ XX, gốm trang trí và thờ cúng mới thật sự phổ biến. Mặt khác, các lò gốm mỹ nghệ ở Biên Hòa với 17 lò gốm và lò gạch đã rất phát triển trong vài năm và dường như có sự giảm dần “theo một sự thỏa thuận với người Hoa ở Chợ Lớn, những lò gốm ở Biên Hòa bỏ không sản xuất những mặt hàng gốm gọi là Cây Mai”. Vì vậy, việc ghi tên lò gốm lên sản phẩm như một sự đánh dấu “bản quyền” của vùng gốm Sài Gòn mới bắt đầu và trở thành thông lệ.
Một trong những làng nghề gốm của Sài Gòn xưa là gốm Sài Gòn, ngày nay thuộc địa phận các Quận 11, Quận 6, Quận 8. Trên địa bàn này còn có kênh, rạch mang tên Lò Gốm và những tên liên quan đến nghề làm gốm như (đường) Lò Siêu, (đường) Xóm Đất… Dấu tích còn lại là di tích lò gốm cổ Hưng Lợi (Phường 16, Quận 8) và khu lò gốm Cây Mai (Quận 11).
Sản phẩm gốm Sài Gòn
Sản phẩm gốm Sài Gòn được lưu giữ đến nay khá nhiều: tượng Giám Trai, đôn, chậu ở chùa Giác Viên (Quận 11); tượng Bồ Đề Đạt Ma, tượng Tiêu Diện Đại Sĩ ở chùa Phụng Sơn (Quận 11); tượng Chuẩn Đề cỡi công ở chùa Giác Sanh (Quận 11); tượng Tiêu Diện Đại Sĩ ở chùa Vạn Đức và bình ở chùa Giác Lâm (quận Tân Bình); quần thể tiểu tượng, lư hương ở đình Minh Hương Gia Thạnh (Quận 5), tượng Ông Ác, lư hương ở đình Phú Định (Quận 6); lư hương ở đình Phú Nhuận (quận Phú Nhuận); quần thể tiểu tượng, Nhật thần – Nguyệt thần ở miếu Thiên Hậu – Tuệ Thành Hội Quán (Quận 5) và quần thể tượng tại chùa Phước Hải ở điện thờ Kim Hoa Thánh mẫu và 12 bà mụ…. Có thể nói sản phẩm gốm Sài Gòn, đặc biệt là giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, không những được sử dụng ở vùng Sài Gòn – Gia Định, mà còn được ưa chuộng ở khắp mọi miền đất nước.
2. Tượng gốm Sài Gòn tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Bộ sưu tập tượng Gốm Sài Gòn của Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh khá phong phú, bao gồm các tượng đơn, bộ tượng, là các tượng được bài trí trong các kiến trúc thờ tự hay trang trí trên nóc mái của các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt và người Hoa như đình, chùa, miếu ở Nam Bộ.
2.1. Tượng Trang trí
2.1.1. Tượng Rồng: tượng được dùng để trang trí trên nóc chùa Hội Sơn (Phường Long Bình, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh), tượng có niên đại đầu thế kỷ XX.
Tượng Rồng thường đi một cặp hoặc hai cặp (hai con hoặc bốn con) với chủ đề “Lưỡng long tranh châu” hay “Lưỡng long triều dương”, rồng biểu trưng cho nguyên lý dương do đó đồ án này biểu thị cho tam dương, biểu ý câu chúc “tam dương khai thái” tức là mọi việc đều thông hành, cùng lời chúc “Phú quý bình an” bằng 4 chữ Hán.
Tượng Rồng dài 120cm, cao 57cm. Đầu rồng ngẩng cao phủ men xanh lưu ly, miệng há rộng để lộ bốn răng nanh, cặp mắt màu trắng tròn lồi ra ngoài, con ngươi màu nâu, phía trên là hàng lông mày hình răng cưa với ba cụm lông cong tròn màu men lam, trán cao màu men trắng, giữa trán nổi một cục u tròn màu lam; cặp sừng dài, đầu cong tròn, có ba cụm lông hình răng cưa; hai lỗ tai nhỏ màu nâu, có ba cụm lông xoắn ốc. Dưới lỗ tai là hàng lông bờm với ba cụm lông hình răng cưa, râu dài màu men nâu ở dưới cằm.
Thân Rồng uốn lượn hình chữ S, phủ men xanh lưu ly, vây lưng lớn, một vây nhọn cao, xen kẽ một vây tròn, chạy bên trên sống lưng từ đầu đến đuôi, hai bên có hàng lông xoắn trôn ốc màu men nâu, vảy lớn giống vảy cá, bụng có khoang giống khoang rắn. Rồng có hai chân sau bốn móng. Trên mỗi khúc uốn của thân có bốn đám mây màu men lam trắng bao lấy thân. Đuôi cong lên, lông đuôi màu lam, xòe bảy tia hình ngọn lửa.
__________
1. Đặng Văn Thắng, Gốm Sài Gòn, nguồn:http://baotang.hcmussh.edu.vn