De-sign-er & nghệ thuật giải mã

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  NGUYỄN THỊ THANH TRÀ
(Khoa Mỹ thuật Ứng dụng)

Designer họ là ai?

     Ngày nay, danh từ designer (tiếng Việt được dịch là nhà thiết kế) đã trở nên khá quen thuộc trong cuộc sống. Thiết kế là một lĩnh vực rộng lớn bao gồm nhiều ngành nghề khác biệt, có những ngành thiết kế chỉ thuần tuý mang tính chất kỹ thuật như: thiết kế động cơ, thiết kế mạch điện tử, thiết kế y chuyền sản xuất … nhưng cũng có những ngành thiết kế đậm chất mỹ thuật như Thiết kế Đồ hoạ, Thiết kế Nội thất, Thiết kế Sơn mài truyền thống, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Mỹ thuật đa phương tiện, những chuyên ngành đang đào tạo tại Khoa Mỹ thuật Ứng dụng, Trường ĐH Nghệ thuật Huế. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chọn phạm vi luận bàn về công việc của những nhà thiết kế mỹ thuật. Dựa trên cách cắt nghĩa chữa “designer” trong tiếng Anh, bài báo hy vọng sẽ mang lại cho độc giả những góc nhìn thú vị về công việc của những nhà thiết kế.

     Giả thuyết đặt ra nếu chữ “designer” được tách rời thành 3 nhóm ký tự nó sẽ được cấu trúc như sau “de” “sign” “er”. “De”, thể được hiểu là một chữ viết tắt của “decode” có nghĩa là giải mã. “Sign” là từ để chỉ về dấu hiệu, ký hiệu. “Er” là một tiếp vị ngữ nhằm chỉ người. Theo giả thuyết trên, nhà thiết kế (designer) là những người thiết lập nghệ thuật giải mã các ký hiệu trong cuộc sống thông qua các tác phẩm thiết kế.

Sự nhận thức thông qua hệ thống các ký hiệu.

     Con người luôn tồn tại trong sự ảnh hưởng qua lại với xã hội, từ cách nói, chọn trang phục, kiểu tóc, cách ứng xử đến cách ăn uống… những gì chúng ta học và làm theo thể hiện sự tương tác của cá nhân với hệ thống ký hiệu, tín hiệu của xã hội, những cái hằng ngày được cộng đồng cùng nhau thiết lập và cùng nhau chia sẻ. Trang phục gì được xem là trang trọng, kiểu tóc nào được xem là thời thượng, màu sắc nào sẽ phù hợp với một lễ tân hôn… Hệ thống ký hiệu là những sự vật trong cuộc sống được mã hoá từ sự thống nhất trong nhận thức chung của một hoặc nhiều cộng đồng người.

     Theo triết gia người Pháp Jacques Derrida (1930 – 2004), người phát triển lý thuyết giải cấu trúc (deconstruction): “Nhận thức của con người phụ thuộc vào sự mã hoá thế giới trong những ký hiệu mang tính biểu tượng, những cái được tái hiện trong tâm trí của chúng ta.”1

     Ngôn ngữ là một dạng ký hiệu mang tính phổ biến nhất, thông qua một tổ hợp từ để diễn ý, thông qua một câu nói hay một đoạn hội thoại để diễn tả một thông điệp. Bên cạnh ngôn ngữ nói và viết, loài người còn sử dụng hàng hoạt hệ thống ký hiệu khác. Những yếu tố tạo hình trong nghệ thuật nói chung và trong thiết kế nói riêng, cũng là một trong những hệ thống ký hiệu được con người sáng tạo và quy ước. Những yếu tố như bố cục, hình ảnh, đường nét, màu sắc, câu chữ … đã trở thành những mật mã thú vị trong cuộc chơi của các nhà thiết kế.

     Thiết kế là quá trình sáng tạo ra hình ảnh, bên trong mỗi hình ảnh chứa đựng những thông điệp đã được mã hoá bằng các ký hiệu tạo hình nhất định. Nhà thiết kế đóng vai trò là người gửi đi thông điệp và công chúng là những người nhận lại thông điệp đó, hay nói cách khác, nhà thiết kế mã hoá thông điệp và công chúng cần phải giải mã để tiếp nhận thông tin. Dựa trên nền tảng những kiến thức cơ bản của Ký hiệu học (Semiotics2), để khẳng định rằng những thông điệp được truyền đi qua các ký hiệu thông thường không bao giờ trùng khớp hoàn toàn với những ký hiệu được nhận lại, bởi lẽ con người chỉ có thể nhận lại những gì mà mình đã từng biết. Quá trình giải mã các ký hiệu phụ thuộc vào kiến thức và khả năng của các đối tượng nhận mã. Chính vì vậy, nhà thiết kế cần tiên lượng được phạm vi kiến thức và khả năng giải mã của những công chúng cụ thể. Mã hoá nên được sử dụng hợp lý trong giới hạn tiếp nhận của công chúng. Lấy ví dụ một quảng cáo của hãng xe ô tô Lamborghini.

Poster quảng cáo hãng xe ô tô Lamborghini

     Thông điệp được đưa ra trong poster này là Lamborghini là một phần của nước Ý. Nếu như người xem chưa có những kiến thức cơ bản về kiến trúc Ý, với hệ thống các cây cầu kiệt tác ở Roma thì khó có thể cảm nhận được hết những nội hàm trong hình ảnh mà nhà thiết kế muốn chuyển tải.

     Nhưng việc tạo nên những ký hiệu dễ tiếp nhận cho công chúng, không có nghĩ là chỉ nên sử sự những mã cơ bản và thông thường. Đôi khi chính sự mã hoá quá phổ biến lại tạo nên sự nhàm chán, mất đi sự thú vị, ấn tượng, hấp dẫn cho các mẫu thiết kế. Ví dụ cùng mã hoá tín hiệu của một nhóm những quyển sách nhưng nếu sử dụng mã trực quan thông thường sẽ không tạo nên sự thú vị cho thông tin mã hoá bằng những hình thể khác lạ độc đáo.     

Logo giới thiệu về hình tượng những quyển sách

     Vì vậy, thiết kế là việc đưa quá trình mã hoá ký hiệu thông thường lên tầm một nghệ thuật thực sự. Nhà thiết kế là những người sáng tạo nên nghệ thuật giải mã cho công chúng. Những hệ thống mã thường được sử dụng trong thiết kế.

     Để tạo nên nghệ thuật giải mã, hệ thống mã là những nguyên liệu vô cùng quan trọng. Vậy, những mã thường được sử dụng trong thiết kế là những gì? Thông thường hệ thống mã được sử dụng trong nội dung thiết kế được phân thành 3 nhóm mã lớn, (trên qua điểm ký hiệu học 3) bao gồm: mã xã hội, mã nguyên bản và mã giải thích.

     Mã xã hội, là loại mã mang tính bao hàm rộng lớn, nó bao gồm tất cả các mã ký hiệu cụ thể. Mã xã hội được biết đến với 4 nhóm mã lớn: mã ngôn ngữ nói (âm vị học, cú pháp, từ vựng, ngữ âm…); mã của cơ thể (biểu hiện trên khuôn mặt, ánh mắt, gật đầu, cử chỉ và tư thế…); mã hàng hóa (thời trang, thực phẩm, xe ô tô…); mã hành vi (giao thức, nghi lễ, trò chơi…).

     Mã nguyên bản, là những mã thuộc về khoa học, thẩm mỹ, phong cách, truyền thông đại chúng. Mã khoa học được biết đến như: về toán học, vật lý, sinh học … Mã thẩm mỹ với những loại hình nghê thuật phong phú như: thơ, kịch, hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc…Mã phong cách như: tường thuật, trình bày, bình luận … Mã truyền thông đại chúng như: nhiếp ảnh, truyền hình, phim ảnh, phát thanh, báo, tạp chí…

     Mã giải thích, bao gồm: nhóm mã nhận thức và nhóm mã hệ tư tưởng. Mã nhận thức ví dụ như: nhận thức thị giác, nhận thức tâm lý… Mã hệ tư tưởng bao gồm những vấn đề như: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, nam nữ bình quyền, phân biệt chủng tộc, vật chất, chủ nghĩa tư bản, bảo thủ, chủ nghĩa xã hội, khách quan, chủ nghĩa thực dụng …

     Để lấy ví dụ về các mã nội dung được sử dụng trong thiết kế, chúng tôi sử dụng một số minh hoạ đơn cử trong các lĩnh vực thiết kế đồ hoạ.

     Ví dụ như trong thiết kế poster sau:

     Ở đây, nhà thiết kế đã sử dụng mã khoa học với ký hiệu cụ thể: các vạch báo xăng của động cơ ô tô. F và E là hai ký hiêu đầy xăng và hết xăng vẫn thường thấy. Nhưng ở đây bằng cách tạo nên một trật tự mới cho nội dung với hai ký hiệu F liên tục đã chuyển tải đến thông điệp quảng cáo cho một sản phẩm xe tiết kiệm xăng (theo lối cường điệu hoá).

Poster quảng cáo về xe tiết kiệm xăng

     Trong ví dụ về sự huỷ diệt của trái đất, thiết kế mã hoá hình ảnh của thế giới bằng hình ảnh trái đất, sự mất đi một mảng lớn ở giữa hình ảnh và phần còn lại của các rìa tro mã hoá sự nóng lên như đã thiêu đốt và huỷ diệt thế giới của chúng ta. Nhờ vào các ký hiệu xã hội dưới những hình thức thị giác đặc trưng người xem có thể tiếp nhận và hiểu thông điệp của nhà thiết kế. Thông qua những ví dụ trên, chúng ta có thể thấy rằng việc sử dụng hệ thống mã và biến hoá chúng một cách sáng tạo là một chặng đường lao động nghệ thuật đầy trăn trở của các nhà thiết kế.

Poster về sự huỷ diệt của trái đất

Con đường đến với nghệ thuật mã hoá và giải mã của các designer

     Trước khi trở thành những người sáng tạo ra trò chơi mã hoá trong các tác phẩm thiết kế, ban đầu các nhà thiết kế phải là những người am hiểu về hệ thống các ký hiệu của xã hội, sau đó họ phải học hỏi và làm quen với việc giải mã những tác phẩm của những bậc thầy. Sau khi trải qua những giai đoạn học hỏi và tích luỹ nhà thiết kế mới vận dụng trí tuệ và sự sáng tạo của mình để tạo nên các tác phẩm.

     Quá trình để trở thành những nhà thiết kế được nhắc đến ở trên, hoàn toàn phù hợp với quá trình học tập và đào tạo của các sinh viên chuyên ngành thiết kế trên các giảng đường Đại học. Vậy, để am hiểu hệ thống ký hiệu xã hội sinh viên cần phải làm gì?

     Trước tiên là tự bản thân mỗi người học phải nỗ lực tiếp nhận không ngừng kiến thức tự nhiên và xã hội, qua nhiều nguồn thông tin khác nhau. Họ tự làm giàu kho mật mã của mình từ việc nghe đài, đọc sách, xem TV, lướt web, đến trải nghiệm và quan sát thưc tế cuộc sống … Chú trọng những kiến thức cơ sở ngành và đại cương, là sự tích luỹ được xem là tập trung và hiệu quả nhất. Những kiến thức về cơ sở tạo hình văn minh thế giới, văn hóa Việt Nam, mỹ thuật thế giới, mỹ thuật Việt Nam … là nơi hội tụ những ký hiệu văn hoá cô đọng nhất, là chất liệu mã hoá tinh tuý cho các tác phẩm thiết kế. Nhưng trên thực tế, hiện nay nhiều sinh viên vẫn chưa nhận thức được điều này. Chỉ khi người học thực sự hiểu những lợi ích khi tiếp cận những môn học này, có lẽ sẽ không còn tình trạng “học đối phó, học cho có” như vẫn tồn tại trong suy nghĩ một số sinh viên.

     Học hỏi từ việc tập giải mã các tác phẩm tốt là cách các nhà thiết kế tương lai tích luỹ kinh nghiệm thị giác cũng như kinh nghiệm mã hoá ký hiệu nghệ thuật. Những kinh nghiệm đó là kho tàng quý giá cho những sáng tạo tương lai. Thường xuyên xem nhiều tác phẩm thiết kế phải được song hành với việc phân tích và bình luận chúng. Bởi lẽ, không phải bất kỳ tác phẩm nào cũng tốt hoàn toàn, ngoài ra tập phân tích là cách để nâng cao năng lực lý luận hiệu quả. Một tư duy phân tích tốt sẽ định hướng cho khả năng thiết lập mã hoá một cách chủ động và hiệu quả.

     Bên cạnh việc cố gắng để gửi thông điệp, nhà thiết kế còn phải lưu ý đến việc thông điệp đó sẽ được gửi đến đâu và cho ai? Thiết kế là một loại hình nghệ thuật đặc trưng, có tính giao tiếp và tương tác mật thiết đối với công chúng. Vì thế, việc quan sát và thấu hiểu công chúng là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng đối với các nhà thiết kế. Để những mã hoá đến được đúng đích, các nhà thiết kế phải chú ý đến việc nghiên cứu thị hiếu và phạm vi tiếp nhận của họ. Có thể thấy thị hiếu vô cùng đa dạng và phong phú, mỗi nhóm đối tượng theo độ tuổi, giới tính, đặc trưng vùng miền lại có những đặc trưng tiếp nhận riêng … bên cạnh đó thị hiếu có tính chất biến đổi liên tục theo thời gian với các xu hướng hay trào lưu. Chính vì vậy trong việc quan sát công chúng các nhà thiết kế cần sử dụng đến sự nhạy cảm cao để đưa ra các nhận định. Thông qua những phác thảo về con đường để trở thành nhà thiết kế và những tiêu chuẩn để trở thành những nhà thiết kế chuyên nghiệp chúng ta có thể kết luận rằng: một chặng đường đầy vất vả và cần có những nỗ lực vượt bậc.

     Nhà thiết kế là những con người âm thầm tạo nên những thông điệp tinh tế thú vị cho thế giới qua nghệ thuật mã hoá các ký hiệu của cuộc sống. Những sáng tạo mới lạ, những thú vị bất ngờ trong các sản phẩm thiết kế có được từ những lao động nghệ thuật, đáng tự hào của các de-sign-er./

__________
1 Wood David. Derrida : A Critical Reader. NXB WileyBlackwell, 1992.

2 Umberto Eco. A Theory of Semiotics. NXB John Wiley & Sons, 1978. Trang 3-28.

3 Umberto Eco. A Theory of Semiotics. NXB John Wiley & Sons, 1978.

Nguồn: Thông tin Mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế,  số 02.2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): De-sign-er & nghệ thuật giải mã (Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Trà)