TAM GIÁC VÀNG trong giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC ở VIỆT NAM hiện nay
NGUYỄN THỊ NHƯ NGUYỆT
(ThS, Trường Đại học Quảng Bình)
1.
Toàn cầu hoá về kinh tế kéo theo toàn cầu hoá về văn hoá là một vấn đề có tính quy luật. Toàn cầu hoá về kinh tế khiến cho nhiều dân tộc nhỏ yếu, lạc hậu phải chịu thua thiệt nhiều, đó là một thực tế. Nhưng còn về văn hoá, liệu toàn cầu hoá về kinh tế có làm mất đi bản sắc dân tộc, nét độc đáo của các nền văn hoá của các dân tộc nhỏ yếu, kém phát triển hay không. Điều này cũng đã được UNESCO cảnh báo về tình hình phát triển làm mất bản sắc văn hoá dân tộc sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, có khi mất cả độc lập dân tộc và tất yếu là thủ tiêu cả nền văn hoá riêng. Do đó, điều quan trọng nhất không phải là nhắc lại tác hại của việc đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc mà là đề ra giải pháp và thực hiện cho được những giải pháp đó nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong bối cảnh hiện nay. Đây là một thách thức rất lớn đối với các cấp, các ngành, các gia đình và mỗi công dân trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Chúng ta xuất phát từ cá nhân con người, mỗi công dân trong xã hội trên lĩnh vực văn hoá – với tư cách là chủ thể sáng tạo ra mọi giá trị, mọi sản phẩm văn hoá đa dạng và con người – với tư cách mỗi cá nhân và cả cộng đồng dân tộc – đồng thời cũng là chủ thể của mọi cuộc tiếp xúc, giao lưu giữa các nền văn hoá. Vì thế, ngày nay để thực hiện được sự tiếp xúc, giao lưu giữa các nền văn hoá mà không bị mất bản sắc thì phải phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của con người. Phải làm cho mỗi con người, mỗi cộng đồng ở những mức độ khác nhau đều trở thành tác giả sáng tạo văn hoá, đồng thời là sứ giả kết nối quá khứ và tương lai trong sự phát triển văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay.
Muốn vậy phải có một cuộc cách mạng thực sự trong giáo dục văn hoá. Đó phải là nền giáo dục cho tất cả mọi người và nền giáo dục thường xuyên. Đó phải là nền giáo dục có sự đột phá với những mũi nhọn có chất lượng. Đó còn là một nền giáo dục có sự phối hợp, kết hợp của nhiều lực lượng đoàn thể có chức năng giáo dục, trong đó phải nhấn mạnh đến “tam giác vàng” của giáo dục, gồm gia đình – nhà trường – xã hội. Nền giáo dục ấy có nhiệm vụ tạo ra những cơ hội học tập cho mỗi con người và mỗi cộng đồng; giúp cho con người hiểu về mình, hiểu người khác, hiểu thế giới xung quanh; thực hiện quá trình giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời, từ đó hình thành nên một xã hội học tập.
Ý nghĩa sâu sắc của việc phối hợp đó trong giáo dục đã được Bác Hồ chỉ ra từ lâu: “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn” (Trích bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng trong ngành giáo dục tháng 6.1957). Mối quan hệ biện chứng đó càng có ý nghĩa hơn khi vấn đề “bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc” đang đặt ra đối với tất cả mọi người, mọi thế hệ Việt Nam hiện nay.
Thực tế, trong môi trường xã hội mà chúng ta sống, học tập và phát triển, bên cạnh các ảnh hưởng tích cực khiến con người năng động, hiện đại còn luôn ẩn chứa các yếu tố không lành mạnh và với sự hạn hẹp về hiểu biết, về vốn sống hay sự buông thả lối sống, “choáng ngợp” trước những vẻ đẹp của văn hoá nước ngoài, muốn bắt chước theo, muốn thể hiện mình mà đi ngược lại giá trị văn hoá dân tộc, đã tác động tiêu cực đến sự phát triển nhân cách, thái độ, hành vi của chính bản thân con người. Nhất là khi thiếu sự phối hợp đúng đắn, thiếu sự thống nhất tác động giáo dục, thậm chí có sự đối nghịch giữa nhà trường và xã hội hoặc gia đình thì hậu quả xấu trong giáo dục văn hoá sẽ xuất hiện, nếu không kịp thời khắc phục hậu quả sẽ rất tai hại.
Chính vì vậy, sự thống nhất tác động giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội – được xem là “tam giác vàng”, là nguyên tắc cơ bản cho mọi hoạt động giáo dục văn hoá có điều kiện đạt hiệu quả tốt.
2.
Gia đình là nơi trẻ được sinh ra, lớn lên và hình thành nhân cách, lối sống của mình. Ảnh hưởng giáo dục của gia đình đến với trẻ là sớm nhất. Giáo dục con cái trong gia đình không chỉ là việc riêng tư của bố mẹ, mà còn là trách nhiệm đạo đức và nghĩa vụ công dân của những người làm cha làm mẹ. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nhiều vấn đề của đất nước được đặt ra trong đó có vấn đề “bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc” thì vai trò của giáo dục gia đình càng được coi trọng hơn bao giờ hết.
Nêu gương – một trong những phương pháp hết sức quan trọng để các gia đình giáo dục văn hoá cho con cái hiện nay. Từ lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc, đi đứng đến cách ứng xử với các thành viên trong gia đình, với phong tục tập quán,… các bậc cha mẹ sẽ là những tấm gương sáng nhất để con cái noi theo, thực hiện nhiệm vụ kế tục các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Đó là một điều dễ dàng nhận thấy trong các gia đình Việt. Nhưng tại sao lại phải đề cập đến vấn đề này?
Bất kì ai cũng có thể thấy rằng, xã hội hiện đại đang có những tác động tích cực lẫn tiêu cực đến quan điểm, lối sống,… của nhiều gia đình. Với lối sống “hiện đại”, “nửa Tây nửa ta” trong ăn nói, “thoải mái, phóng khoáng” trong trang phục, lấy cớ “bận công việc” mà không thể về kị giỗ,… nhiều ông bố, bà mẹ trẻ đã không để ý đến các giá trị văn hoá truyền thống cũng như ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Theo đó, con cái họ cũng không thể có cơ hội tiếp cận thường xuyên với các giá trị truyền thống, từ đó dễ dẫn đến “đứt đoạn” truyền thống – một mối nguy hiểm lớn cho sự phát triển của quốc gia trong xu thế hội nhập hiện nay. Do vậy, gia đình phải vào cuộc trước tiên trong sự nghiệp “bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc”, nhất là khi thông qua thái độ, tình cảm, hành vi làm gương của cha mẹ đối với con cái thì hiệu quả giáo dục văn hoá càng bền vững bởi vì trẻ con là những kẻ bắt chước bẩm sinh hành động giống như cha mẹ mình bất chấp mọi nỗ lực để dạy chúng cách xử thế. Không có nỗ lực nào đạt hiệu quả giáo dục cao bằng chính những tấm gương sáng đích thực của cha mẹ. Kinh nghiệm của Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước có nhiều nét tương đồng với văn hoá nước ta đã giữ gìn được gia phong và những nét đẹp của văn hoá truyền thống bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có sự làm gương của chính cha mẹ đối với con cái trong gia đình.
Bản sắc văn hoá dân tộc Việt chính là tiếng mẹ đẻ, là lời mẹ hát ru con, là những câu chuyện cổ tích, ca dao tục ngữ, là tiếng hát đồng dao hồn nhiên của trẻ thơ, là những lễ hội dân gian, là “cây đa, bến nước, sân đình”, là thuần phong mĩ tục,… Những vẻ đẹp cổ truyền đó sẽ là cái hồn tạo nên sức sống và sức phát triển Việt Nam thế kỉ XXI. Do vậy, cha mẹ (đặc biệt là cha mẹ trẻ, cha mẹ ở thành thị) hãy luôn là những người có hiểu biết về văn hoá cổ truyền dân tộc, luôn gần gũi và dành thời gian chia sẽ với các con qua những câu chuyện cổ tích, những lời hát ru, những chuyến dã ngoại về đình, chùa, đền miếu, di tích lịch sử, về làng quê, đến với lễ hội,… “Những cái rất đơn giản nhưng dần dần cùng với thời gian thế hệ trẻ sẽ biết cái văn hoá của cha ông để từ đó điều chỉnh hành vi văn hoá của mình sao cho đúng” [5]. Nếu thiếu vắng đi những điều đơn giản đó cũng có nghĩa là đã “tước” đi ánh nắng và khí trời của chính thế hệ trẻ.
3.
UNESCO cho rằng, trong xã hội học tập, mỗi con người và mỗi cộng đồng phải thực hiện 4 phương châm cơ bản: Học để biết, học để làm, học để khẳng định mình, học để cùng chung sống với người khác. Vận dụng vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc hiện nay thì 4 phương châm đó, cần được điều chỉnh và bổ sung thêm: Học để biết chuyển thành học cách học, học để khẳng định mình thì bổ sung bằng học để sáng tạo. Bởi lẽ, khi khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão và sự tiếp xúc, giao lưu giữa các nền văn hoá cũng ngày càng mở rộng, thì học để biết sao cho xuể. Cho nên cần học cách học để khi cần đến kiến thức nào và cần phải đối thoại với nền văn hoá nào thì có cách học để đạt tới sự hiểu biết tương ứng. Còn học để khẳng định mình tuy đã là cần thiết trong việc giữ lấy “nét riêng”, không hoà lẫn với văn hoá dân tộc nào thì cũng phải có thêm học để sáng tạo thì mới biết cách cách tân văn hoá cho phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện đại, đáp ứng mục đích của sự cam kết với tính đa dạng văn hoá và giao lưu giữa các nền văn hoá.
Trong điều kiện của nước ta hiện nay, các trường học cần bám sát nguyên tắc trên nhằm đào tạo một thế hệ trẻ: Có kiến thức cơ bản về nền văn hoá dân tộc; Có hiểu biết, thái độ và hành vi đúng về bản sắc văn hoá dân tộc; Có hiểu biết về các nền văn hoá có nhiều quan hệ với nước ta; Có thái độ văn hoá phù hợp trong ứng xử và giao tiếp với các đối tác, du khách hoặc bạn bè quốc tế; Nắm vững tiếng nói của dân tộc, đồng thời có khả năng sử dụng từ một ngoại ngữ trở lên, nhất là tiếng Anh hiện đang là thứ tiếng giao tiếp phổ biến trên thế giới.
Để đạt được những mục tiêu đó, đòi hỏi các trường học phải đổi mới về chương trình, nội dung, phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy học. Trong chương trình đào tạo, phải xác định rõ mục tiêu, nội dung, đối tượng, phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy học. Chương trình phải xuất phát từ chiến lược đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam “đức – tài”, “hồng – chuyên”. Đặc biệt chú trọng về “đức” và “hồng”. Đồng thời phải xuất phát từ thực tiễn văn hoá truyền thống của dân tộc và việc tiếp thu những giá trị văn hoá tiên tiến của thế giới, đặc biệt phải biết kế thừa những di sản văn hoá truyền thống nhằm giữ vững bản sắc văn hoá dân tộc.
Nội dung giáo dục văn hoá cho các cấp bậc học không chỉ dừng lại ở một số môn học về văn hoá dân tộc hay có liên quan đến văn hoá dân tộc với mấy chục tiết mà cần phải làm phong phú và hấp dẫn thêm bởi các chuyên đề mới, cụ thể về văn hoá dân tộc như: tìm hiểu về di sản văn hoá thế giới và Việt Nam; văn hoá các vùng, miền; những nghệ thuật cổ truyền như tuồng, chèo, dân ca, cải lương,…; tìm hiểu về văn hoá làng; về phong tục tập quán, lễ hội, trang phục, v.v. Đồng thời, tính hiện đại và tích cực của các phương pháp dạy học (như nêu gương, thảo luận nhóm, đóng vai, trò chơi, giải quyết vấn đề, đàm thoại,…) và phương tiện dạy học (như máy chiếu, máy thu thanh, mạng internet,…) sẽ là những công cụ đắc lực cho việc bồi dưỡng lòng yêu văn hoá dân tộc, tự hào về văn hoá dân tộc cho các em, từ đó hình thành hành vi, thói quen đúng đắn trong ứng xử, giao tiếp, tạo môi trường sống thân thiện và đậm đà bản sắc dân tộc.
Một danh nhân đã nói rằng: “Điều được nghe tôi dễ quên. Điều được thấy tôi dễ nhớ. Điều được làm dễ ghi tâm”. Từ căn cứ khoa học và thực tiễn trên, chúng ta nhận thấy rằng việc đa dạng hoá các hình thức tổ chức dạy học trong nhà trường là vô cùng quan trọng. Ngoài việc tổ chức dạy học ở trên lớp, các trường cần tăng cường các hoạt động ngoại khoá, ngoài giờ lên lớp, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tham gia trực tiếp vào các hoạt động văn hoá. Một phiên chợ quê, một buổi tham gia các trò chơi dân gian, một buổi tập hát các làn điệu dân ca, một lớp học về cách giao tiếp ứng xử văn hoá theo truyền thống dân tộc, các hội thi hội diễn văn hoá văn nghệ dân gian, các phong trào hướng về cội nguồn,… Nếu lồng ghép phù hợp vào chương trình sẽ là những cơ hội tốt để các em được trải nghiệm, tự hấp thụ, tự hiểu và tự nguyện tham gia từ đó đi đến ham thích các hoạt động tìm hiểu các giá trị truyền thống. Ở các nền giáo dục nước ngoài, người ta rất chú trọng hình thức giáo dục này và đã có nhiều thành công. Ở nước ta, thực tế có nhiều trường học đã thực hiện được những hoạt động thú vị này nhưng dường như chỉ là những hạt mưa, trong khi lượng học sinh, sinh viên có nhu cầu đó lại cực kì lớn. Cho nên, cần tăng cường nhân rộng các hình thức tổ chức dạy học tích cực này trong quá trình giáo dục văn hoá dân tộc cho các thế hệ học sinh, sinh viên khi các trường có đủ điều kiện. Có như vậy, sự kế tục về văn hoá mới liên tục, phát triển trong chuỗi vận động chung của thế giới.
4.
Chưa thể hoàn thiện mục tiêu giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ khi chưa có sự tham gia tích cực của môi trường xã hội. Vậy, xã hội cần phải làm gì để góp phần vào sự hoàn thiện đó? Đưa ra các biện pháp chỉ đạo, quản lí, kiểm duyệt và tổ chức các hoạt động văn hoá một cách khoa học và kịp thời chính là việc làm cấp thiết nhất vào lúc này.
Trước sự du nhập của muôn vàn kiểu cách của văn hoá nước ngoài, văn hoá Việt Nam có điều kiện đa dạng, phong phú và sinh động hơn nhưng đồng thời cũng báo động về sự xáo trộn bậc thang giá trị cùng với sự phục hồi các hủ tục,… Hơn lúc nào hết, Nhà nước và các ban ngành, địa phương có liên quan đến văn hoá, du lịch, bảo tàng, giáo dục,… cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chỉ đạo, quản lí, kiểm duyệt và tổ chức các hoạt động văn hoá lành mạnh, đúng bản chất. Tăng cường các chuyên mục tìm hiểu về văn hoá dân tộc trên các trang báo, đài; kiểm duyệt chặt chẽ và kịp thời các trang thông tin điện tử; kiên quyết bài trừ các loại văn hoá phẩm độc hại “ngoài luồng”; lồng ghép các nét đẹp văn hoá truyền thống vào phim ảnh; đầu tư bảo trì, tu bổ, tôn tạo các di tích, đình, chùa, miếu mạo; quy định chặt chẽ về quyền tổ chức các hoạt động văn hoá, không để tràn lan, ăn theo; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho các hoạt động văn hoá văn nghệ dân gian đang có nguy cơ mai một; cần lập ra những cơ quan có hiệu lực đứng ra tổ chức, thực hiện, tư vấn các vấn đề liên quan đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc,… Đồng bộ các giải pháp là điều kiện cần cho một môi trường xã hội trong lành để hỗ trợ cùng với gia đình và nhà trường thực hiện tốt công tác giáo dục văn hoá, giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cho tất cả mọi đối tượng, mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội.
5.
Tóm lại, trong mạch sống của dân tộc Việt Nam, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá đã được các thế hệ nối tiếp nhau triển khai. Các thế hệ cha ông đã giữ vững bản sắc dân tộc, đồng thời linh động tiếp nhận những tinh hoa bên ngoài khi giao lưu văn hoá với các nước để làm giàu có lên vốn văn hoá dân tộc. Thì nay, các thế hệ con cháu cũng quyết tâm giữ vững bản sắc ấy với tinh thần “bảo vệ” những giá trị của văn hoá truyền thống, đồng thời không ngừng học hỏi những cái hay cái đẹp của các dân tộc khác nhằm “xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường lành mạnh cho phát triển xã hội” [3]. Trước bối cảnh hiện nay của đất nước và của thời đại, để sự nghiệp này thành công không chỉ là sự tham gia của gia đình, nhà trường mà còn là của cả cộng đồng và toàn xã hội. Phát huy vai trò và sự phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục trên chính là để đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức cũng như hoạt động giáo dục cùng một hướng, một mục đích, một tác động tổ hợp, đồng tâm tạo sức mạnh kích thích, thúc đẩy ý thức văn hoá của lớp trẻ, tránh sự tách rời mâu thuẫn, vô hiệu hoá lẫn nhau gây cho lớp trẻ tâm trạng nghi ngờ, hoang mang, dao động trong việc lựa chọn, định hướng các giá trị tốt đẹp của văn hoá. Vai trò giáo dục to lớn của “tam giác vàng” sẽ là bệ đỡ giúp lớp trẻ hình thành nên sức mạnh nội lực từ đó tạo nên sức đề kháng và sức bật lớn trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước trong tương
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Dân, Con người và văn hoá Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009.
2. Thành Duy, Văn hoá Việt Nam trước xu thế toàn cầu hoá, thời cơ và thách thức, NXB Văn hoá Thông tin, Viện Văn hoá, Hà Nội, 2007.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.
4. Lê Huy Hoà – Hoàng Đức Nhuận (Tuyển chọn và giới thiệu), Văn hoá Việt Nam, truyền thống và hiện đại: Nghiên cứu của các giáo sư chuyên gia về văn hoá, NXB Văn hoá, 2000.
5. http://giaoduc.net.vn/Muc-cu/Vi-khat-vong-Viet/Nha-nghien-cuu-Tran-Quang-Duc-Van-hoa- Viet-Nam-la-van-hoa-lang-xa-post130796.gd <truy cập ngày 7-7-2014>.
6. Phan Khanh, Cuộc sống hiện đại và văn hoá cội nguồn, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1995.