“TÂM” và “BIÊN” trong PHƯƠNG NGỮ TIẾNG VIỆT: SỰ CHI PHỐI và SỨC HÚT

PHẠM VĂN HẢO
(PGS TS, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)


1. Mở đầu

      “Tâm” và “Biên” là các khái niệm không hẳn là của Ngôn ngữ học truyền thống. Hầu như chúng ta không thấy chúng xuất hiện trong các từ điển thuật ngữ chuyên ngành hoặc các tài liệu chuyên môn khác. Hai khái niệm này thường đi cặp với nhau và cũng mới chỉ được nhắc đến trong một vài lần sinh hoạt khoa học tại Viện Ngôn ngữ học vào cuối những năm 90 của thế kỉ trước.

     Các khái niệm này có lẽ có xuất xứ từ Ngôn ngữ học địa lí (lingvogheographia) ở châu Âu hơn một thế kỉ qua, khi người ta hình dung và vẽ bản đồ sự phổ biến của một hiện tượng ngôn ngữ lan toả theo kiểu làn sóng nước: “tâm” là nơi ta ném hòn đá xuống nước, “biên” là các lớp sóng bao quanh tính từ vòng nhỏ quanh tâm, đến các lớp sóng xa dần tới khi tan biến. Đây là một cách quan sát về sự lan toả của các hiện tượng ngôn ngữ qua quá trình lịch sử. Cách nhìn này trực quan và rất đúng thực tế, để rồi người ta thể hiện chúng trên các bản đồ chuyên dụng. Nhiều bản đồ như vậy sẽ gợi ý cho nhà ngôn ngữ học khái quát về một trung tâm (“tâm”) và vùng ngoài trung tâm (“biên”) của các hiện tượng ngôn ngữ.

     Lại có cách đánh giá khác khi người ta quan sát một lực vô hình, nhưng có thật, mang tính quy luật từ sự ảnh hưởng, chi phối hai chiều giữa “tâm” và “biên”. Về phía tâm, đó là sự ảnh hưởng, chi phối nhờ uy tín của “trung tâm” đến các khu vực còn lại ở ngoài. Về phía “biên”, đấy là sự bị chi phối mạnh mẽ bởi các đặc điểm của “tâm”, tuy trên thực tế nó vẫn có vị trí như cái nền, là cơ sở để “tâm” tồn tại.

     Điều bàn đến trên chỉ là cách nói khái quát. Trên thực tế, với sự quan sát còn hạn hẹp, chúng tôi vẫn thấy rằng, thực trạng tâm và biên thể hiện phức tạp hơn rất nhiều, vì nó còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố xã hội khác, như số dân, điều kiện cư trú và nếp sống văn hoá của cộng đồng. Nếu số dân đông (như ngôn ngữ quốc gia của các nước), điều kiện cư trú tập trung trên một lãnh thổ đủ rộng thì xuất hiện tình trạng tâm và biên. Ở các ngôn ngữ dân tộc thiểu số với số dân ít, cư trú rải rác sẽ rất ít có khả năng xảy ra hiện tượng này. Ví dụ, tiếng Ơ-đu, tiếng Tày Poọng ở Tương Dương (Nghệ An), tiếng Pà Thẻn ở Đồng Văn (Hà Giang) có số người nói ít (khoảng vài trăm người) trong một vài bản, thì hầu như không có hiện tượng này.

     Trong một ngôn ngữ như tiếng Việt, chúng ta lại thấy một tình trạng: tâm và biên có độ lớn nhỏ khác nhau. Nghĩa là, giữa các “tâm” (kèm theo đó là “biên”) không có sự bình đẳng về cấp độ, mà có phụ thuộc lẫn nhau theo hai kiểu quan hệ: a) với đơn vị lớn hơn, nó ở thế phụ thuộc và b) với đơn vị nhỏ hơn, nó ở thế bao hàm, chi phối. Tình trạng này không khác gì Trái đất nằm trong hệ thống hệ Mặt trời cũng như các hành tinh khác (như Sao Kim, Mộc, Thuỷ,…) nhưng nó lại có vệ tinh là Mặt trăng vậy.

     Ở bài này, bước đầu chúng ta thử xem xét “tâm” và “biên” trong tiếng Việt.

2. Tâm và biên trong trường hợp phương ngữ tiếng Việt

     2.1. Một cách nhìn toàn cảnh

     Việt Nam là đất nước hình chữ S, hẹp và dài tính theo chiều Bắc – Nam. Chỗ rộng nhất (Bắc Bộ) khoảng trên dưới 500km, chỗ hẹp nhất (Quảng Bình) chỉ khoảng 50km. Chiều dài của Việt Nam khoảng trên dưới 3000km tính từ chót đỉnh Lũng Cú (Hà Giang) tới Mũi Cà Mau. Dân số nước ta (2009) gần 90 triệu người và số người có thể sử dụng tiếng Việt tính ước khoảng 70-80 triệu. Như vậy, nước ta có dân số vào cỡ trung bình và số người nói tiếng Việt cũng có thể coi là như vậy, xét trên phạm vi toàn thế giới. Điều đặc biệt chúng tôi xin lưu ý ngay là, với địa hình như vậy, sự phân bố các phương ngữ cũng có nét đặc thù.

     Giới Việt ngữ học, đặc biệt là những người nghiên cứu phương ngữ học còn chưa thống nhất về số lượng và phạm vi các phương ngữ. Có người cho rằng không nên phân tiếng Việt ra các phương ngữ (ví dụ: Thompson, 1965), nhưng đa số cho rằng tiếng Việt có thể phân thành 2, 3, 4 thậm chí là 5 phương ngữ. Trong số họ, việc coi tiếng Việt có 3 (hoặc 4) phương ngữ có vẻ là đông nhất. Tiêu biểu cho việc phân tiếng Việt ra 3 vùng phương ngữ là ý kiến của GS. Hoàng Thị Châu [1, 87-90]:

–   Phương ngữ Bắc (giọng Bắc): từ Bắc Bộ đến hết Thanh Hoá.

–   Phương ngữ Trung (giọng Trung): từ Nghệ An đến hết Thừa Thiên.

–   Phương ngữ Nam (giọng Nam): từ Đà Nẵng vào Nam.

     Cách phân chia này, theo Hoàng Thị Châu, là phù hợp với quan niệm dân gian về giọng ba miền. Chúng tôi có quan niệm hơi khác về tiếng miền Trung và phân tiếng Việt ở miền Trung thành 2 vùng: Trung Bắc từ Thanh Hoá đến hết Thừa Thiên và Trung Nam thì từ Đà Nẵng vào hết Bình Thuận (gần ý kiến với GS. Nguyễn Kim Thản). Lí do: tiếng Trung Nam vẫn có nhiều đặc điểm khác tiếng Nam (Nam Bộ).

Theo cách phân như vậy, ta sẽ có:

–   Phương ngữ Bắc: “tâm” là tiếng Hà Nội.

–   Phương ngữ Nam: “tâm” là tiếng Thành phố Hồ Chí Minh.

–   Phương ngữ Trung Bắc, Trung Nam: không có “tâm” chung cho từng khu vực.

     Khi không có “tâm” chung, tức là có trung tâm có tầm ảnh hưởng cho cả khu vực, thì các thành phố tỉnh lị sẽ là “tâm” ở một tiểu khu vực (tỉnh, hoặc trên tỉnh). Ví dụ, Thành phố Thanh Hoá với cả tỉnh này; Thành phố Vinh với cả vùng Nghệ Tĩnh, Thành phố Huế với cả vùng Thừa Thiên; v.v.

     Như vậy, theo hình dung của chúng tôi, trong tiếng Việt có 3 loại “tâm”, ở 3 bậc/cấp độ khác nhau, đó là:

–  Bậc 1: Tiếng Việt ở thành phố trung tâm của các tỉnh. Bao gồm nhiều trung tâm, điển hình hơn cả là các tỉnh Bắc Trung Bộ.

–  Bậc 2: Tiếng Việt ở thành phố lớn, là trung tâm của liên tỉnh, hay cả một khu vực rộng lớn: Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

–  Bậc 3: Tiếng nói của Thủ đô (Hà Nội).

     Từ cách phân loại trên, có mấy điều lưu ý sau đây:

     a) Ở bậc (1), các “tâm” là trung tâm các vùng đồng bằng rộng lớn (như đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long), dường như vai trò của nó bị nhạt nhoà hơn khu vực miền Trung, đặc biệt là Bắc Trung Bộ. Do vậy, ta thật khó phân biệt giữa tiếng Hải Dương với tiếng Hưng Yên, hay Thái Bình, cũng như tiếng Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang,… Điều này rất khác giữa tiếng Thanh Hoá với Nghệ Tĩnh và Thừa Thiên, tại Bắc Trung Bộ.

     b) Tiếng nói tại “tâm” Hà Nội, trên thực tế là một thể gánh 2, 3 vai: 1 thành phố, 1 trung tâm khu vực Bắc Bộ, 1 trung tâm bậc cao nhất của cả nước (là lựa chọn của tiếng Việt toàn dân). Nếu như coi “tâm” Hà Nội là trung tâm của cả nước, thì ở bậc 2 chỉ còn lại Thành phố Hồ Chí Minh.

     c) Như đề cập, các phương ngữ Trung (Trung Bắc và Trung Nam) không có các “tâm” quán xuyến, như hai đầu Bắc và Nam, nên khái niệm “tâm khu vực liên tỉnh” không tồn tại. Đây là một đặc điểm của phương ngữ tiếng Việt kéo dài hầu như suốt miền T

     2.2. Sức hút và sự chi phối của “tâm” đối với “biên”

        2.2.1. Tiếng “cộng đồng”: Đây là từ mà GS. Đinh Văn Đức dùng khi nói rằng, đại ý, có một thứ tiếng của cộng đồng người Hà Nội. Lâu nay các nhà ngôn ngữ học vẫn gọi là “tiếng Koine”, hay “bán phương ngữ” [1]. Nói ngắn gọn, bán phương ngữ (Koine) được coi là ngôn ngữ của cư dân thành phố. Tiếng nói này có nhiều điểm tiến bộ và khác so với các khu vực nông thôn. Một điều khác ít được nhắc đến là thứ tiếng này ít có sự khác biệt giữa điểm này với điểm khác trong nội bộ của nó. Về điều này tiếng cộng đồng rất giống với ngôn ngữ của một làng, thôn ở khu vực nông thôn. Bởi theo tôi, muốn tìm thấy sự thống nhất ngôn ngữ hầu như tuyệt đối, ta hãy tìm đến các làng, thôn độc lập ở Việt Nam. Tiếng cộng đồng là một hiện thực mà các thế hệ sau bao giờ cũng tiếp thu nó, bất kể bố mẹ có thể từ nơi khác đến.

     Như đã biết, nếu mỗi tỉnh có một thủ phủ là trung tâm của cả tỉnh, thì các vùng biên còn rất đa dạng bởi dường như ở Bắc Bộ hoặc Bắc Trung Bộ mỗi làng có thể coi là một thổ ngữ, theo kiểu “5km không cùng tiếng nói, 10km không cùng phong tục”. Tuy vậy, trên đại thể, những đặc điểm chính trong giọng nói của họ vẫn mang dáng dấp chung của cả khu vực.

        2.2.2. Sức hút và sự chi phối: Nói một cách ngắn gọn, sức hút và sự chi phối của vùng “tâm” đối với biên là sự ảnh hưởng của nó đối với các khu vực còn lại, cũng là sự chịu ảnh hưởng của vùng biên đối với trung tâm. Đây là một sự ảnh hưởng, chi phối có thật, dường như không có ngoại lệ.

        a) Đặc điểm chung về sự chi phối:

Theo chúng tôi, sự chi phối chung này có mấy đặc điểm:

         i) Những người dân tộc thiểu số nói tiếng Việt theo khu vực phương ngữ nơi họ cư trú theo tiếng ở vùng tâm là các thành phố trung tâm. Người Đan Lai, Lì Hà, Tày Poọng nói theo tiếng Nghệ ở Vinh. Người Thái ở Thường Xuân, Thạch Thành nói tiếng Thanh Hoá theo bán phương ngữ tỉnh lị. Người Cờ Ho ở Lâm Đồng nói tiếng Việt theo giọng Đà Lạt. Hiện tượng này hầu như không có ngoại lệ.

         ii) Người Việt ở các vùng nông thôn “học dần” tiếng thành phố tỉnh lị, tính chất “đặc phương ngữ” thu hẹp dần. Điều này thể hiện rõ nhất trong cách dùng từ. Ở Vĩnh Lộc, Thanh Hoá cách đây 40 năm, học trò phải “bẩm thầy” nay là “thưa thầy”, trước kia gọi anh chị, bố mẹ, ông bà xưng là “tôi” trung tính, nay xưng theo quan hệ vai thân tộc. Rõ ràng sự “pha tiếng” đang là xu hướng chính trong việc sử dụng các yếu tố phương ngữ, lâu dần sẽ làm các yếu tố phương ngữ theo thời gian mà phai nhạt dần.

        iii) Một số yếu tố bị coi là “tiêu cực” trong quá trình chi phối và ảnh hưởng, thường bị loại bỏ. Ví dụ: hiện tượng ta vẫn nói là “ngọng l / n” ở Bắc Bộ rất phổ biến, kể cả một số nơi nội thành Hà Nội, ta sẽ không tìm thấy ở các vùng người dân tộc tại Việt Bắc và Tây Bắc. Người Mường, Thái ở Thanh Hoá nói 6 thanh, chứ không phải 5 thanh như người Thanh Hoá nói chung.

        b) Sự ảnh hưởng của các loại vùng “tâm”

       Có một quy luật tìm thấy ở đây, là các “tâm” nhỏ thường phụ thuộc và chịu ảnh hưởng vào “tâm” lớn hơn, các tâm lớn hơn phụ thuộc và chịu ảnh hưởng bởi “siêu tâm”, đây là tiếng Thủ đô (hình bóng ngôn ngữ chuẩn / phổ thông của cả nước). Điều này dường như ai cũng cảm thấy, nhưng việc chứng minh rõ ràng không phải dễ, nhất là ở “tâm” cỡ bậc 2 “khu vực” (liên tỉnh).

        Quả vậy, ở vùng “tâm” của tỉnh, ảnh hưởng và chi phối trong tỉnh thì rõ, bởi đó là nơi có báo chí, các đài phát thanh và truyền hình địa phương, các cơ quan Đảng và Nhà nước địa phương đóng. Sự chi phối và ảnh hưởng là đương nhiên.

       Tiếng Thủ đô Hà Nội, nơi từ xa xưa đã là thủ đô của Đại Việt, trở thành cơ sở cho tiếng Việt toàn dân, thì nay nó vẫn có vai trò như vậy. Một số văn phong cần viết chuẩn (khoa học, chính luận, hành chính) vẫn phải sử dụng chính tả và từ ngữ phù hợp, trên cơ sở tiếng Hà Nội. Trước 1975, khi nước nhà chưa thống nhất, một Hội thảo Khoa học về chuẩn hoá tiếng Việt ở Sài Gòn (của Việt Nam Cộng hoà) vẫn đưa ra một danh sách các từ cần viết đúng, dùng đúng cách nói / viết của người Hà Nội. Tiếng Thanh Hoá sở dĩ “dễ nghe” hơn tiếng Nghệ vì có các thanh điệu phát âm như miền Bắc. Về từ vựng, nó cũng “nói theo” tiếng Bắc: nếu Nghệ Tĩnh gọi nốc / nôốc là “thuyền”, gọi là “núi” thì tiếng Thanh Hoá đã dần rũ bỏ gốc gác Việt – Mường của các từ này.

        Khó hơn đôi chút là việc chứng minh có sự tồn tại, chi phối của trung tâm vùng, khu vực liên tỉnh (bậc 2), như Thành phố Hồ Chí Minh với cả khu vực phía Nam (Tây và Đông Nam Bộ) và khu vực phía Bắc (từ Đà Nẵng trở vào). Ở đây chỉ xin nêu vài ví dụ:

–   Nếu Thừa Thiên gọi nôốc là “thuyền”, thì tiếng Quảng (kể cả Đà Nẵng) gọi là “ghe” hoặc “tàu” (gỗ).

–   Nếu Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên gọi cái “hái” là vơng, thì tiếng Quảng Nam là giằng, Nam Bộ là hái giằng.

–   Về ngữ âm, trước kia tiếng Quảng (Đà Nẵng, Quảng Nam) phát âm có âm / v / thì nay đa số nói / j /. Ví dụ: vơng → vằng → jằng.

–   v.v.

     Tiếng nói Thành phố Hồ Chí Minh là một “phương ngữ mạnh” (mượn cách nói của Trung Quốc, chỉ các vùng phương ngữ có kinh tế, văn hoá phát triển vượt trội, như Hồng Kông, Thâm Quyến, Thượng Hải), trong tương quan với cả nước. Vì thế mà nó có uy tín đến mức, giới trẻ “tuổi tin” ưa dùng ngữ âm và từ ngữ vùng này để nói / viết cũng là điều dễ hiểu.

     Khi tìm hiểu về vấn đề đang xét, tôi mới thấy cách phân chia tiếng Việt thành hai phương ngữ là có lí do sâu xa và có thể chấp nhận (ý kiến của GS Hoàng Phê). Điều này cần bàn rõ thêm.

     Trở lên, chúng ta chỉ bàn đến cái “tâm”, nhưng thực ra đã đề cập đến “biên”. Các vùng biên, bao giờ cũng bị chi phối và làm cơ sở cho tiếng nói vùng tâm. Và khi nói là “làm cơ sở” thì bao gồm cả việc làm phong phú cho “tâm”, y như các phương ngữ làm các nền, làm phong phú cho tiếng Việt toàn dân vậy.

3. Kết luận

     Trong Việt ngữ học, khái niệm “tâm” và “biên” các phương ngữ hầu như chưa được bàn tới nhiều. Đây là cái khó cho chúng tôi khi đề cập đến vấn đề này. Tuy vậy, chúng ta vẫn cảm thấy đây là một vấn đề rất nghiêm túc, có thật và rất đáng được nghiên cứu thêm một cách cẩn thận.

     Ở bài này, chúng tôi mới chỉ đưa ra khái niệm và bước đầu xới lên vấn đề. Bức tranh toàn cảnh “tâm” và “biên” trong tiếng Việt, mặc dầu là cách hình dung của người làm công tác ngôn ngữ học, nhưng rất gần với cách nghĩ của người dân Việt, lại phù hợp với quá trình Nam tiến trong lịch sử của nhân dân ta.

     Nghiên cứu kĩ vấn đề này ngoài việc cung cấp các tư liệu phương ngữ phong phú cho việc hiểu tiếng Việt, nó sẽ rất có ích cho nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ, giáo dục ngôn ngữ,… Hi vọng sẽ có dịp trở lại và đi sâu hơn vấn đề này.

THƯ MỤC THAM KHẢO

A. Tiếng Việt

1. Hoàng Thị Châu, Phương ngữ học tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.

2. Phạm Văn Hảo, Về đặc trưng một số đường đồng ngữ trong các phương ngữ tiếng Việt, Tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1988.

3. Trần Thị Ngọc Lang, Phương ngữ Nam Bộ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995.

4. Trương Văn Sinh, Điểm qua tình hình nghiên cứu phương ngôn tiếng Việt trong thời gian qua, Ngôn ngữ, 1976.

5. Võ Xuân Trang, Tiếng địa phương Bình Trị Thiên, Đề tài khoa học cấp Bộ, 1983.

B. Tiếng nước ngoài

6. Jarseva, Lingvischitrexkii ensiklopeditrexkii slovar (tiếng Nga), Moskva, 1989.