Tản mạn về hậu hiện đại và đại tự sự trong văn học Việt Nam

  DIÊU LAN PHƯƠNG
(Giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn)

1. Hậu hiện đại và đại tự sự

     Những năm gần đây, giới nghiên cứu và sáng tác nghệ thuật Việt Nam bị ám ảnh rất nhiều bởi cái gọi là Chủ nghĩa Hậu hiện đại (Postmodernism). Khoảng năm năm về trước, người ta còn khá dè dặt và dè chừng với phạm trù này; đến nay thì hầu như đa số đều công nhận sự tồn tại của nó.

     Về phương diện lí thuyết, chủ nghĩa hậu hiện đại đến từ phương Tây với các đại diện tiêu biểu là J. F. Lyotard, P. Anderson, T. Eagleton, F. Jameson, J. Baudrillard, I. Hassan… Có thể hiểu Hậu hiện đại ra đời vào thập kỉ 60 của thế kỉ 20 như là một sự phản ứng lại với chủ nghĩa hiện đại (cái hiện đại), phản ứng lại những mô thức định sẵn. Post (sau) ở đây không có nghĩa chỉ một tiến trình lịch sử, cái này ra đời thì cái kia biến mất, mà là một sự phản ứng trở lại. Cho nên theo nhiều nhà nghiên cứu[i], Hậu hiện đại là một khái niệm phi thời, nghĩa là trong bất kì xã hội nào, thời kì nào có sự khủng hoảng tinh thần cũng có thể tồn tại tinh thần hậu hiện đại, có chăng ở những giai đoạn gần đây, tinh thần ấy nổi trội, đậm đặc và ở nhiều nơi trở thành chủ đạo mà thôi. Hậu hiện đại mang tinh thần thời đại chứ không chỉ thuần là văn nghệ như một số trào lưu khác (như tượng trưng, siêu thực chẳng hạn). Là một trạng thái tâm thức (state of mind), nên rất khó để định nghĩa Hậu hiện đại là gì, bởi nó chống lại những khái niệm tuyệt đối, chống lại những nguyên lí bất di bất dịch… và chống lại (hay phá dỡ, phá bỏ) đại tự sự. Thực ra, nếu hiểu “chủ nghĩa” theo cách cổ điển, nghĩa là mang tính triết học và gắn với một trường phái triết học nào đó, thì gọi là “chủ nghĩa hậu hiện đại” còn nhiều bất ổn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam; có lẽ vì thế, cũng nhiều người thay thế bằng các cụm từ khác, như “tâm thức hậu hiện đại”, “hoàn cảnh hậu hiện đại”, “điều kiện hậu hiện đại”, “văn hóa hậu hiện đại”… Những cụm từ này cơ bản chỉ đặc trưng trạng thái lịch sử thời đương đại; và chúng ta nên hiểu, chủ nghĩa hậu hiện đại là khái quát về một cách thức nhìn nhận thế giới.

     Khác với các chủ nghĩa trước đây, hậu hiện đại là trào lưu hầu như không tìm được sự đồng thuận trong quan niệm của các triết gia. Người thì cho rằng nó tồn tại trong tất cả các thời kì xã hội – những thời kì có sự khủng hoảng tinh thần; người thì cho nó là đỉnh cao của chủ nghĩa hiện đại; xuất hiện sau khi chủ nghĩa hiện đại kết thúc[ii]. Sở dĩ có sự khác nhau này, có lẽ một phần do bề mặt ngôn ngữ của khái niệm (Postmodernism) – chứa đựng yếu tố chỉ thời rõ ràng; trong khi đó nội hàm người ta hiểu và nó bao chứa lại quá rộng lớn. Phải chăng đây cũng là một khái niệm rất hậu hiện đại, bởi tính chất giải trung tâm, hoài nghi lí tính, khó nắm bắt bằng những kết luận chắc chắn[iii]. Tuy nhiên, dù có sự khác nhau trong cách nhìn nhận về “thời”, không ai không thừa nhận sự xuất hiện và tồn tại thực sự của Hậu hiện đại trong xã hội ngày nay.

     Đại tự sự (grand narratives/ grands récits) hay tự sự chủ (master narratives), siêu tự sự (metanarrative) là một khái niệm của chủ nghĩa Hậu hiện đại (Postmodernism), được Lyotard đưa ra trong cuốn “Hoàn cảnh Hậu hiện đại (La Condition Postmoderne). Nó ngầm chỉ một dạng thức của tồn tại xã hội, trên nhiều phương diện: chính trị, kinh tế, đạo đức, triết học…, không riêng gì văn học nghệ thuật. Có nhiều cách hiểu (nhưng đa số ý chính là thống nhất)[iv], chúng tôi tạm thời đưa ra một định nghĩa trong cuốn Nhập môn chủ nghĩa hậu hiện đại của Richard Appignanesi và Chris Gattat: Đại tự sự là những chân lí được coi là phổ quát, tuyệt đối hoặc tối hậu, được dùng để hợp thức hóa hay chính đáng hóa một số đề án nào đó, có thể là đề án chính trị hoặc đề án khoa học[v]. Và cũng như Hậu hiện đại, rất khó xác định rõ đại tự sự là một cái gì đó – một cái gì đó cụ thể, bởi, có lẽ, ý nghĩa ngầm chứa của nó là khá trừu tượng, nhằm gọi tên một trạng thái, một tính chất, một tinh thần đã được xây dựng nên và tin tưởng. Nếu nhìn nhận bằng cách đơn giản hóa nhất, thì theo tôi, có hai phương diện: thứ nhất, Đại tự sự là những cái phổ quát, cái chung mà nhân loại cùng trải nghiệm trong lịch sử; thứ hai, là những cái mà người ta quan niệm, hi vọng và có thể biến nó trở thành phổ quát (hợp thức hóa). Thời đương đại được xem là thời cáo chung của các đại tự sự và theo một số nhà nghiên cứu thì Hậu hiện đại nghi ngờ và mang theo cái chết của Đại tự sự. Tính đến thời điểm này, có thể nói, tinh thần đại tự sự đã là truyền thống và luôn quan trọng trong văn học Việt Nam. Trong một trạng thái lịch sử mới, tinh thần này lay chuyển thế nào, có thể đặt lại câu hỏi hay đưa ra một phản đề hay không. Bài viết này của chúng tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của tinh thần ấy trong văn hóa Việt Nam nói chung và văn học nói riêng.

2. Đại tự sự trong tâm thức cộng đồng

     Bản nguyên một dân tộc nào cũng phải tìm đến một đại tự sự để hình thành và dựa dẫm vào để duy trì. Các dân tộc đều xây dựng niềm tin về sự trường tồn vĩnh cửu của mình. Niềm tin ấy thể hiện qua các thiên sử thi, qua hệ thống thần thoại… nó hình thành nên các cổ mẫu – những mẫu gốc – những định thức kiến tạo bất biến (Lại Nguyên Ân – Từ điển thuật ngữ văn học). Cổ mẫu như là sản phẩm của tư duy con người, tiếp nối từ đời này qua đời khác và không ngừng được tái sinh. Cổ mẫu vừa mang tính nhân loại lại vừa mang đậm bản sắc dân tộc. Bởi vì có dạng cổ mẫu gắn liền với sự sinh tồn và phát triển của loài người, như đất, nước, lửa, gió – phụ thuộc vào điều kiện địa lí, tính chất sinh tồn của một cộng đồng mà tâm thức về nó có những đặc điểm riêng. Bên cạnh đó, sự thay đổi của điều kiện sống, điều kiện lịch sử sẽ tạo nên những thay đổi trong quan niệm về mẫu gốc, đồng thời cũng dẫn đến những biến thể của mẫu gốc. Chắc chắc rằng ở một dân tộc có bản sắc văn hóa, dù hiện đại hay hậu hiện đại, những mẫu gốc, những sợi dây ràng buộc con người ta với các yếu tố tâm linh, với những cách suy tư quen thuộc vẫn không hề mất đi. Nó chỉ được nhân lên và có thêm biến thể. Một trong những tầng nghĩa của chủ nghĩa hậu hiện đại là chấp nhận và tôn trọng tính đa văn hóa, chấp nhận những ngoại vi. Mà một bản sắc thì không thể chỉ xây dựng trên những yếu tố tản mạn, nó phải dựa trên một cái gì đó cố định, có tính chất ổn định tương đối. Đại tự sự trong phạm vi một bản sắc văn hóa vì thế là cái quan trọng, nó giống như là nền tảng mà từ đó một nền văn hóa được xây dựng nên.

     Hơn nữa, đại tự sự có vai trò to lớn trong cách tư duy của con người, trong cách con người cảm nhận thế giới và xã hội. Sự tồn tại của nó có thể chỉ ở dạng tiềm tại nhưng không ai có thể phủ nhận. Những huyền thoại có thể là không có thực nhưng các dân tộc đều cố gắng xây dựng và duy trì. Truyền thuyết về nỏ thần, về Sơn Tinh, về Chữ Đồng Tử… ít nhiều đều mang tính huyền thoại. Yếu tố này là một cách mã hóa để nói lên sức mạnh kì diệu của nhân dân hoặc sức mạnh của một nhân vật anh hùng nào đó trong lịch sử. Bút pháp huyền thoại đến nay vẫn rất thịnh hành trong văn học, đặc biệt ở những trào lưu mới như văn học phi lí, văn học huyền ảo… Các tín ngưỡng và niềm tin tôn giáo đến nay không những được duy trì mà giống như càng phát triển hơn; bởi con người ngày càng cảm thấy bất định, sống trong một thế giới mà mọi thứ có thể xẩy ra (từ chiến tranh, loạn lạc, xấu tốt lẫn lộn, thức ăn không đảm bảo, tai nạn giao thông, bệnh tật, li dị, trộm cắp…) thì người ta buộc phải tìm đến các niềm tin, cũng là tìm đến để lấy lại trạng thái cân bằng – là một cách tự vệ của con người muôn đời. Phải nói rằng rất khó để chứng minh được vai trò của đại tự sự trong tâm thức cộng đồng, rất khó để chỉ ra những cái cụ thể, bởi nó luôn ở trạng thái trừu tượng, khó nắm bắt. Chỉ thấy rằng khi ta suy tư trăn trở về xã hội, về một ai đó, ta không thể tách khỏi cách suy xét của một người phương Đông; khi xác lập một giá trị, cũng không thể dựa trên một hệ thống tiêu chí nào khác, ngoài phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngày xưa, Nguyễn Du suy nghĩ về con người qua thế giới cây cỏ của một nền văn hóa nông nghiệp lúa nước; đến Xuân Diệu, con người đã trở thành tiêu chuẩn của cái đẹp, nhưng cái đẹp ấy cũng được miêu tả trong thế so sánh với thiên nhiên đất Việt; rồi các nhà thơ nhà văn đương đại, dù sáng tác theo phong cách nào, dấu ấn của chất liệu và tư duy Việt vẫn rất rõ.

     Mỗi quốc gia, mỗi con người đều không thể tồn tại lâu dài với trạng thái bất ổn. Bất ổn là tạm thời. Ổn định mới là lâu dài, mới là cái người ta hướng đến. Để có được điều đó lại cần đến những đại tự sự, những niềm tin để bấu víu. Chỉ có điều, đừng nhìn đại tự sự như một cái gì đó có tính cố định vĩnh cửu (nếu nhìn như vậy chúng ta sẽ thấy sự bất cập, điểm hạn chế của nó). Đại tự sự có thể được thay thế, được làm mới, bị mờ hóa bởi một đại tự sự khác. Nhưng rất khó phá dỡ hoàn toàn một đại tự sự, dù thế nào nó vẫn bảo tồn lại những mảnh ghép, những phiên bản, bởi có ba lí do: thứ nhất, nó gắn với lịch sử hình thành và phát triển của một dân tộc, một cộng đồng lãnh thổ; thứ hai, nó gắn với yếu tố địa hình và khí hậu một khu vực; thứ ba, nó đã trở thành yếu tố trừu tượng tồn tại trong tư duy, trở thành phi vật thể (vật thể thì phá dỡ rất nhanh, phi vật thể thì bền vững hơn nhiều). Cho nên, hậu hiện đại có thể hoài nghi đại tự sự, nhưng không thể phá bỏ hay xóa hết hoàn toàn ảnh hưởng của các đại tự sự như một số người đã nói.

     Hiện nay, ở Việt Nam, dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa, theo chúng tôi cũng đang có tinh thần hậu hiện đại; từ góc độ bản thể con người, nó tồn tại nhiều hơn ở lớp dân số trẻ. Văn học bắt rễ từ đời sống nên đương nhiên trạng thái xã hội ảnh hưởng mạnh mẽ đến nó. Sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông đã làm cho văn học không cần thiết là cuốn “bách khoa toàn thư” về cuộc sống nữa, nó cần phải khu biệt vào phạm vi mà chỉ riêng nó có, riêng nó có thể làm được, đó chính là trạng thái chông chênh của con người, là những bất ổn mà các lĩnh vực khác không thể thể hiện được. Trước năm 1986, có thể nói, văn học đã hoàn tất vai trò lịch sử của mình (hoàn tất đến đâu lại là vấn đề khác), còn đến thời đại ngày nay, vai trò ấy được đặt ra và được thực hiện như thế nào, điều này phụ thuộc vào hai vấn đề: thứ nhất là vị trí của văn học so với các lĩnh vực khác trong đời sống văn hóa; thứ hai là sự thay đổi trong nội dung và cách viết tác phẩm, có thể phù hợp với nhu cầu của độc giả hay không. Đối với xã hội nào thì việc xây dựng niềm tin vẫn là điều cần thiết, bởi chính nó có chức năng giải quyết được những bất ổn của cá nhân con người và xã hội. Những băn khoăn, trạng thái vô định, vô lí tưởng, chán nản, hoài nghi những giá trị, trầm cảm… của con người thời đại phải chăng xuất phát từ sự khủng hoảng niềm tin và sự cô đơn. Đại tự sự của thời hiện đại (hay quá khứ) có thể lu mờ, nhưng hậu hiện đại – dù rằng muốn phá bỏ các đại tự sự, rất có thể vẫn xây dựng nên các đại tự sự khác, bằng một cách khác nào đó. Bỏ qua các loại chủ nghĩa, chỉ soi chiếu dưới góc độ con người và xã hội thì thời nào, với ai một ý niệm chân lí, một hệ thống xác tín đều có vai trò to lớn. Bất cứ diễn ngôn nào cũng nhuốm màu thời đại, vì thế trên thực tế chúng ta đang thấy những văn bản với cách viết rất mới, với ngôn từ và nội dung không còn “cao sang” nữa mà có phần suồng sã, có phải đó là những tiểu tự sự đang được cổ súy. Trở lại với cái chết của Đại tự sự, xin nói thêm rằng, mỗi thể loại, cũng như các trào lưu, chủ âm khác, đều có vai trò lịch sử của mình. Khi vai trò lịch sử kết thúc, nó sẽ rút ra phía sau. Ngồi ở hàng ghế phía dưới, không còn là người diễn giảng, thuyết trình nhưng thiếu nó chắc chắc có một chỗ trống. Như nhà nghiên cứu Nguyễn Hưng Quốc – người nỗ lực giới thiệu lí thuyết Hậu hiện đại vào Việt Nam – đã nói về cái chết của Đại tự sự: “Chết – không có nghĩa là tận tuyệt mà chỉ có nghĩa là: hoặc không còn là yếu tố chủ đạo, hoặc không còn tồn tại như nó vẫn thường được hiểu và tin: chết với tư cách một cao trào, một chủ âm, một ý niệm“[vi]. Tinh thần của văn học, đến thời đại này buộc phải có những thay đổi, thậm chí là bước ngoặt. Các thử nghiệm văn học không ngừng được đưa ra. Nó có sức sống lâu bền hay không, có giá trị hay không không thể phán quyết trong ngày một ngày hai nhưng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các tác phẩm viết theo kiểu mới (từ Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Thuận, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Linh Khiếu) dễ dàng thấy văn học đang chứng minh được sức sống của mình và đang thực hiện vai trò của mình: hồi đáp những tiếng vọng từ tâm thức xã hội và tâm thức con người.

3. Những chân lí “phổ quát” và cách nhìn nhận trước những thử nghiệm lạ tai

     Mỗi lĩnh vực trong cuộc sống có một đại tự sự riêng. Vì thế các cách diễn đạt khác nhau về đại tự sự thực ra là những áp dụng riêng biệt của các nhà nghiên cứu vào từng lĩnh vực. Xét riêng trong văn học, theo chúng tôi, đại tự sự thường là: Những tác phẩm với dung lượng lớn, có tầm khái quát lớn lao, mong muốn thâu tóm toàn bộ lịch sử vào trong một câu truyện, ví dụ như: Chiến tranh và hòa bình (L. Tostoi); đề cập đến các vấn đề to lớn mang tính toàn thể như dân tộc, nhân loại; mong muốn xây dựng nên những huyền thoại, những hình tượng có tính khái quát, tiêu biểu, mang tính đại diện; xây dựng những niềm tin lớn….

     Đại tự sự và tiểu tự sự là hai mặt của cuộc sống, không phải có quan hệ to nhỏ, tổng thể – bộ phận kiểu tiểu thì ở trong đại, mà đó là khái quát từ hai cách nhìn nhận, đại tự sự thì hướng đến cái chung, cái trung tâm, cái cơ bản; tiểu tự sự thì hướng đến cái khác, hướng đến giải trung tâm. Văn học trước 1986 ở nước ta chủ yếu hướng đến tinh thần đại tự sự, đặc biệt là tự sự mang tinh thần lịch sử và tinh thần dân tộc. Nó hướng đến cái chung mang tính sự kiện. Những cái chung thuộc về con người đôi khi bị bỏ qua, chứ chưa tính đến các tiểu tự sự. Sau 1986, trong văn học, những câu chuyện thuộc về cá nhân lên ngôi là đúng, là hợp lí, nhưng như thế không đồng nghĩa với việc đại tự sự mất vai trò của nó, kể cả trong các thể nghiệm hậu hiện đại.

     Trong thơ ca đương đại, Nguyễn Quang Thiều có lẽ là nhà thơ đã khẳng định được phong cách, khẳng định được giá trị của mình ở một mức độ nào đó. Thơ anh không chỉ được yêu thích và gây tranh luận ở Việt Nam mà còn được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài. Từ “Sự mất ngủ của lửa” (1991) anh giã từ cách viết cũ để làm một cuộc cách tân táo bạo. Thơ anh đã là dòng ý thức, là những phân mảnh thể hiện những suy nghiệm, nghiệm sinh về các vấn đề đời sống hằng cửu. Nội dung không còn là các sự kiện và biến cố lớn lao nhưng cụ thể dễ dàng nhìn thấy được nữa, mà tất cả tập trung vào các vấn đề của con người, của cõi người, cái mà mỗi chúng ta đều phải đối mặt: Sinh, Tử, cái chết, Nỗi buồn, Thất vọng, hi vọng, sự hoang mang, hoài nghi, tái sinh, hồi sinh, hủy diệt, hiện hữu, phù du… .Nó không chỉ thể hiện từng tâm trạng cá nhân, từng cảm xúc nhất thời mà có tham vọng nâng lên tầm triết học. Tâm thức mà Nguyễn Quang Thiều thể hiện trong tác phẩm có nhiều phần tái hiện tâm thức hiện đại, khi con người tồn tại quên mình trong thế giới của chát và game online – với rất nhiều những trải nghiệm giả tưởng, những trải nghiệm mà không phải là trải nghiệm. Và khi bất chợt dừng lại, đứng yên, mọi thứ tan loãng như không còn gì cả. Đối diện với điều đó sao có thể không mơ hồ về giá trị tồn tại của mình? Các tác phẩm mới ra đời của anh như “Nhân chứng của cái chết“, “Lò mổ” đều thể hiện suy tư ấy. Và có thể nói, những vấn đề mà con người luôn phải đối mặt trong nhận thức tồn tại của mình chính là một đại tự sự mới của hậu hiện đại, vì đó chính là trải nghiệm chung mà nhân loại đang trải qua. Văn học thế giới và Việt Nam đang cùng gặp gỡ nhau ở đó. Khi ta đọc tác phẩm của Duras (như Người tình), của H. Murakami (như Rừng Na uy, Biên niên kí chim vặn dây cót), của trường phái Linhlei (với các tác giả như Vệ Tuệ…), của Nguyễn Bình Phương (Những đứa trẻ chết già, Thoạt kì thủy, Ngồi), của Thuận (Paris 11 tháng tám, T mất tích), của Đỗ Quyên… đều có thể cảm nhận được trạng thái mơ hồ và cô đơn mà con người đương đại đang phải đối diện.

     Xét về phương diện thẩm mĩ, có thể nói, nhiều tác phẩm mới kiểu hậu hiện đại không hề dễ đọc (như thơ của Đỗ Kh, Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lý Đợi, Nguyễn Hoàng Nam…, truyện Nguyễn Bình Phương…). Trước đây, trong văn học nghệ thuật, những cái cao xa, có khoảng cách với đời sống thường nhật thì mới được xem là đẹp, là nghệ thuật đích thực. Giờ đây, ý niệm ấy đang dần bị thay thế. Người ta chủ trương đưa những cái bình thường (tầm thường) thậm chí (nếu trước đây) dung tục vào tác phẩm. Các trào lưu nghệ thuật đương đại được khởi đầu bằng các tác phẩm hội họa. Tác phẩm “Fountain” (1917) của Marcel Duchamp (1887-1968) là trường hợp “khét tiếng” nhất trong lịch sử mỹ thuật. Vào tháng 5/1917, Marcel Duchamp, qua những người trung gian, đã trưng bày cái bồn tiểu (ký tên tác giả là một ông R. Mutt nào đó) tại phòng triển lãm 291 của Alfred Stieglitz ở New York. Vào lúc ấy và cả bây giờ, ít ai có thể khẳng định chắc chắc về giá trị nghệ thuật của nó. Chỉ có thể nói rằng, hành động của Duchamp là một sự khiêu khích, một sự chối từ với những cách tư duy nghệ thuật hiện hữu. Giá trị của tác phẩm toát lên từ sự khiêu khích ấy. Điều đó cũng đưa tên tuổi Duchamp vào lịch sử nghệ thuật và khiến cho những tác phẩm sau này của ông được công nhận và đón nhận. Ở nhiều thời điểm quan trọng, những bước ngoặt, giá trị của tác phẩm đôi khi là ở hành động, ở cách thức công bố, tuyên chiến chứ không phải ở bản thân nó. Tác phẩm Tình già của Phan Khôi – mở đầu cho phong trào Thơ Mới, tuyên bố kết thúc vai trò của Thơ cũ phần nào có thể là một ví dụ. Giống như thế, nghệ phẩm “Những hộp xà phòng Brillo” của Warhol (Mỹ) không khác với những gì bán ở các cửa hàng. Tại sao nó lại có thể trở thành nghệ thuật? Trong cuốn sách “Thế mà là nghệ thuật ư?“[vii] Cyuthia Freeland đã đưa ra nhiều trường hợp và nhiều cách nhìn, cách lí giải phong phú. Về trường hợp này, bà viết “Warhol đã chứng minh rằng tất cả đều có thể trở thành nghệ phẩm, nếu được tạo cho một hoàn cảnh và lí thuyết thích hợp“[viii], và bà dẫn lời triết gia Arthur Danto “Không gì có thể trở thành một nghệ phẩm nếu thiếu đi một diễn giải giúp nó trở thành như thế“[ix]. Nếu như vậy, trên tinh thần cầu thị và mong muốn đổi mới, những tác phẩm còn chưa thể đọc của chúng ta cũng đang chờ đợi “một diễn giải”, “một lí thuyết” để nó có thể trở thành nghệ thuật. Hơn nữa, những thể nghiệm ban đầu, đôi khi, là những tấm ván lót đường để chờ đợi những đỉnh cao. Và nếu có một lí thuyết, một tiêu chuẩn nào đó, thì chúng ta lại đang hướng đến một cái phổ quát cần thiết.

     Tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại là điều cần thiết không chỉ đối với giới nghiên cứu và sáng tác nghệ thuật. Mỗi lí thuyết trước hết đều là công cụ của tư duy. Tính hệ thống của hậu hiện đại dù có thể lỏng lẻo hơn một số lí thuyết khác, nhưng nó là lí thuyết về thời đương đại, và nó mang tính toàn cầu, dù có ý thức hay không, mỗi chúng ta đều chịu ảnh hưởng bởi tinh thần hay trạng thái hậu hiện đại. Hơn nữa, tính chất hậu hiện đại tồn tại trong mọi phương diện của cuộc sống, nó đang tác động mạnh mẽ đến cách sống, cách suy tư của chúng ta, không có lí gì lại không tìm đến một qui phạm hóa để hiểu hơn về xã hội và về chính mình. Tuy vậy, đặc biệt là người sáng tác, có lẽ, cũng không nên tuyệt đối hóa một phương diện nào đó, đừng bị ám ảnh quá nhiều bởi các tuyên bố về những cái chết (cái chết của điển phạm, cáí chết của đại tự sự, cái chết của tác giả…) mà đôi khi hãy nghi ngờ nó, và sáng tác, như một câu hát của Beatles “hãy để điều đó tự nhiên thôi” (Let it be) – nghĩa là đừng cố gắng áp đặt và nuôi tham vọng phải thế này thế kia.

__________
[i] Như Umberto Eco, Jameson, Hassan, Lodge… (Theo Nhật Chiêu).

[ii] Xem Văn học hậu hiện đại thế giới – những vấn đề lí thuyết (Đặc biệt, bài viết “Chủ nghĩa hậu hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm” – Nguyễn Văn Dân, tr 108 – 146), NXB Hội nhà văn, 2003.

[iii] Ở đây chúng tôi ví dụ một “định nghĩa” khá dễ hiểu để người đọc tiện theo dõi: chủ nghĩa hậu hiện đại có nhiều cấp độ: rộng, nó chỉ những điều kiện văn hoá, triết lý sống và phong cách sống của cả một thời đại; hẹp, nó chỉ một trào lưu sáng tác với quan điểm mỹ học và kỹ thuật cũng như thủ pháp riêng, khác với những tác phẩm ra đời trong quỹ đạo hiện đại chủ nghĩa trước đó Nguyễn Hưng Quốc – Chủ nghĩa hậu hiện đại và những cái (cần) chết trong văn học) – tienve.org.

[iv] Ví dụ: Đại tự sự (grands récits) hay tự sự chủ đạo (master narratives) là những chuyện kể (stories) mà một nền văn hóa hay một dân tộc tường thuật và tin vào. Nó tạo nên tâm thức cộng đồng và duy trì sức mạnh của một nền văn hóa hay một dân tộc (Inrasara – http://inrasara.com/?p=828).

[v] Richard Appignanesi – Chris Gattat, Nhập môn chủ nghĩa hậu hiện đại, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, NXB Trẻ, 2006, tr 103.

[vi] Nguyễn Hưng Quốc, Chủ nghĩa hậu hiện đại và những cái (cần) chết trong văn học Việt Nam, http://www.tienve.org

[vii] Cynthia Freeland, Thế mà là nghệ thuật ư?, Như Huy dịch, NXB Tri thức, 2009. Các tác phẩm “Fountain”, “Những hộp xà phòng Brillo”, “Đái vào chúa” đều được đề cập trong cuốn sách này.

[viii] S đ d, tr 117.

[ix] S đ d, tr 117.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 708, tháng 3/2010, từ trang 100 đến trang 106

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tản mạn về hậu hiện đại và đại tự sự trong văn học Việt Nam
(Tác giả: Diêu Lan Phương)