TẾT NGUYÊN ĐÁN ở Việt Nam trong THỜI KÌ HỘI NHẬP
1. Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ cổ truyền đặc biệt của người Việt Nam, một nét đẹp văn hoá truyền thống có từ lâu đời và còn được gìn giữ cho tới ngày nay. Tuy nhiên, cũng như nhiều phong tục văn hoá truyền thống khác, ngày tết cổ truyền này đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi các văn hoá ngoại lai du nhập vào nước ta trong thời kì hội nhập hiện nay.
Sau đây, chúng tôi xin kể lại một vài phong tục cổ truyền đặc biệt mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong ngày Tết Nguyên đán, từ đó liên hệ với trạng thái hiện nay và từ đó xin có vài đề xuất để gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống này.
2. Tết Nguyên đán trong thời gian của một năm và chu kì sản xuất, chu trình đời người
2.1. Trong Từ điển tiếng Việt, “tết” là: “Ngày lễ hằng năm, thường có cúng lễ, vui chơi, hội hè, theo truyền thống dân tộc” [9, tr. 1161].
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, “Tết Nguyên đán là tết lớn nhất ở Việt Nam nên còn được dân gian gọi là Tết Cả, được mở đầu vào đúng giờ Tí, tức điểm giao thừa giữa năm cũ và năm mới. Tết Nguyên đán là tết của từng gia đình, ở nông thôn cũng là tết của làng xóm” [4, tr. 126].
Tác giả Phạm Công Sơn thì viết: “Tết Nguyên đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kì vận hành của đất trời, vạn vật cây cỏ” [10, tr. 29].
Về nguồn gốc: Tết Nguyên Đán được xem là xuất hiện từ đời Ngũ đế, Tam vương (Trung Quốc) và du nhập vào Việt Nam [12, tr. 162].
Hàng năm, Tết Nguyên đán được mở đầu vào giờ Tí, tức là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới. Thời gian của Tết Nguyên đán kéo dài có thể 3, 7, 10 ngày hoặc nửa tháng, một tháng tuỳ vào tập tục ở từng khu vực đồng bằng, miền núi, nông thôn, thành thị khác nhau.
Trong một năm, người Việt có nhiều lễ tết khác nhau: Tết Nguyên đán, Tết Thượng nguyên, Tết Thanh minh, Tết Hàn thực, Tết Đoan ngọ, Tết Trung nguyên, Tết Trung thu,… Tết Nguyên đán được xem là ngày tết lớn nhất.
Tết Nguyên đán bắt đầu vào mùa xuân, là thời khắc bắt đầu của một năm mới, tức là bắt đầu một chu trình thời gian mới, cũng là chu trình mới của đời người gắn liền với năm của một con vật theo quan niệm của văn hoá phương Đông.
Tết Nguyên đán cũng gắn liền với văn hoá nông nghiệp của người Việt. Mùa xuân là lúc cây cối đâm chồi nảy lộc. Với người Việt, năm mới bắt đầu cũng là thời gian con người bắt đầu với chu kì mới của công việc ruộng đồng và mong muốn một năm mới mùa màng bội thu.
Tết Nguyên đán cũng gán với chu trình đời người: Ai nấy thêm một tuổi mới khi năm mới bắt đầu. Theo quan niệm của văn hoá Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, năm mới còn gắn liền với 1 trong 12 con giáp. Người ta thường theo năm của các con vật để tính tuổi, tính ngày tháng mà làm những việc lớn như làm nhà, cưới hỏi, tìm bạn làm ăn,…
2.2. Một số phong tục truyền thống nổi bật trong Tết Nguyên đán
2.2.1. Chuẩn bị cho Tết
Dọn dẹp, trang trí nhà cửa: Trước Tết Nguyên đán vài ngày, các gia đình tiến hành dọn dẹp, quét vôi ve nhà cửa, lau rửa, trang trí bàn thờ, đồ thờ cúng, nội thất trong nhà. Nhà nhà ai nấy đều sắm cho mình những cành hoa đào, hoa cúc, hoa mai,… Đồng thời với việc trang hoàng, sửa sang nhà cửa, các gia đình cũng sắm sửa vàng hương, mứt tết, bày biện mâm ngũ quả,…
Việc xua trừ ma quỷ: Tại các tư gia, trong sân ngoài ngõ thường vẽ hình cung tên, cái nỏ, nhiều nơi còn dùng cây nêu được kết bằng một cây tre, bên trên có gắn thêm vàng mã, hoặc cành lá buộc lại và dựng trước sân,… với ngụ ý để xua trừ ma quỷ, hắc ám.
Xin chữ: Ở các chợ quê, hay các con phố ở thành thị, người ta thường xin những chữ ý nghĩa của các thầy đồ về treo trong nhà với mong muốn mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.
Trở về: Với ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên đán, đó là tết của gia đình, tết của mọi nhà. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ cách hàng ngàn cây số vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày tết, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên,…
Tảo mộ: Các công việc chuẩn bị cho ngày tết đã gần xong xuôi, cũng là lúc mọi người trong các gia đình đi viếng mộ gia tiên và sửa sang mộ phần. Ở nhiều địa phương, mọi người quét lại vôi cho các mộ phần hay mang theo cuốc xẻng để đắp lại nấm mồ cho to, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc lên mộ có thể phạm tới hài cốt của người đã khuất. Sau đó cắm mấy nén nhang, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa dâng lên những người đã qua đời. Mọi người cũng cắm thêm nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ vô chủ. Mọi người đi tảo mộ đều ăn mặc rất chỉnh tề. Trẻ em cũng được bố mẹ cho đi theo, trước là để nhận tiên nhân, sau là để chúng có được lòng kính trọng biết ơn đối với ông bà tổ tiên.
Gói bánh và chuẩn bị đồ dùng trong ngày tết: Trong ngày tết của người Việt Nam, mâm cỗ không thể thiếu các loại bánh truyền thống như bánh chưng, bánh tét. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là không khí sum họp gia đình trong công việc gói và nấu bánh. Ngoài ra, người ta còn chuẩn bị dưa hành, hoa quả, mứt tết, bánh kẹo và các thực phẩm cần thiết cho ngày tết,…
Bàn kế hoạch: Với không khí vui tươi, mọi người trong gia đình cùng bàn về việc thăm thú cho những ngày tết như đi thăm hỏi ông bà, cha mẹ, anh em, hàng xóm, đồng nghiệp, đi lễ chùa,…
Chuẩn bị cá nhân: Năm mới sắp đến, cũng là lúc mọi người may sắm quần áo mới, cắt tóc, gội đầu, tắm rửa,… với mong muốn bỏ lại năm cũ những gì là không tốt đẹp và cầu mong một năm mới nhiều điều may mắn.
2.2.2. Một số tục lệ trong đêm giao thừa
Lễ trừ tịch: Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ và bắt đầu qua năm mới. Lễ trừ tịch thường được cử hành tại sân nhà mỗi gia đình vào lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới nên còn được gọi là Lễ giao thừa. Lễ vật cúng lễ gồm thủ lợn hoặc một con gà, bánh chưng, mứt tết, trầu cau, hoa quả, rượu vàng mã,… Tại các gia đình vào lúc giao thừa, người ta thường quây quần bên nhau để tổ chức lễ này. Tập tục dân gian này có ý nghĩa để tiễn biệt người nhà trời cai quản hạ giới trong năm cũ và đón người nhà trời cai quản trong năm mới cùng với cầu mong mọi điều tốt đẹp, may mắn đến trong năm mới.
Lễ cúng Thổ công và Gia tiên: Sau Lễ trừ tịch, các gia chủ cũng khấn vái Thổ công, tức là vị thần cai quản trong nhà mình và cúng Lễ gia tiên, để cầu mong bình an trong năm mới và mời ông bà tổ tiên về ăn tết cùng gia đình. Lễ vật cúng Thổ công và gia tiên thường thì không thể thiếu bánh chưng, giò chả, dưa hành, mứt tết, gà, xôi vàng hương,…
2.2.3. Một số tục lệ sau giao thừa
Đi lễ chùa, đình, miếu: Sau khi kết thúc các lễ tại tư gia, mọi người kéo nhau đi lễ chùa, miếu để cầu hạnh phúc, bình an, may mắn trong năm mới. Dịp này người ta thường xin thẻ quẻ đầu năm.
Chọn hướng xuất hành: Khi đi lễ chùa, đình, miếu người ta thường chọn giờ và hướng xuất hành để cầu mong gặp may mắn trong năm mới.
Hái lộc: Trong khi đi lễ chùa, miếu người ta thường bẻ một cành cây còn gọi là cành lộc mang về với ngụ ý xin lộc phúc của Trời, Phật trong năm mới.
Xông đất: Trong những thời khắc bắt đầu năm mới, các gia đình thường chọn người để xông nhà. Người này thường là người trong số bà con họ hàng, hay bà con hay láng giềng, bạn bè có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng 5 đến 10 phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt. Gia chủ hi vọng người được chọn vào nhà đầu tiên sẽ đem lại may mắn, tài lộc trong năm mới.
Chúc tết: Ngày mùng một được xem là ngày quan trọng nhất trong những ngày tết. Sáng mồng một, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng một tết là ngày con cháu chúc thọ ông bà và các bậc cao niên. Sau khi chúc tết các bậc sinh thành, ngày mùng hai tết, anh em họ hàng, hàng xóm láng giềng, bạn bè thường đến chúc tết và thăm hỏi nhau. Từ đó, gắn kết tình cảm giữa họ với nhau. Ngày thứ ba trong năm mới, học trò thường đi tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, thuộc cấp tết quan trên,…
Ăn uống: Ngày tết là dịp để mọi người nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả, tạm gác lại mọi công việc của năm cũ, cũng là dịp để mọi người có thời gian thăm hỏi sức khoẻ của nhau. Vì vậy, ăn uống là việc không thể thiếu trong những ngày tết. Trong mâm cơm ngày tết không thể thiếu bánh chưng, thịt, dưa hành, rượu nếp,…
Lì xì: Những người lớn tuổi hơn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ với lời chúc hay ăn, chóng lớn.
Kiêng cữ: Trong những thời khắc đầu năm mới, mọi người kiêng nói những điều rủi ro hoặc xấu xa, tránh phạm huý tên gia tiên, tránh nhắc lại những lỗi lầm của năm cũ. Cha mẹ thì nhắc nhở con cái không quấy khóc, cãi cọ nhau. Cha mẹ cũng không quở mắng con em mình. Vì người ta tin rằng, nói hoặc làm những điều không hay vào đầu năm thì cả năm sẽ như thế. Theo quan niệm để giữ của cải, tài sản trong nhà, trong những ngày tết, người ta cũng không hót rác trong nhà đổ đi.
Đốt pháo: Trong các ngày tết, hầu như ngày nào trong các gia đình cũng đốt pháo vừa có ngụ ý để xua trừ ma quỷ, hắc ám, vừa là để tạo không khí vui vẻ, rộn ràng của ngày tết.
Các trò chơi: Tại các gia đình thường thì quanh năm cấm con cháu chơi cờ bạc, nhưng trong các ngày tết thì ai thích trò nào chơi trò đấy như cờ tướng, cờ gánh, tam cúc, tổ tôm,… Ngoài ra, tại các làng quê, người ta còn tổ chức các trò chơi dân gian như cờ người, đấu vật, đua thuyền,…
Lễ hoá vàng: Người ta thường xem chọn ngày tốt để làm lễ hoá vàng, nhưng thường lễ hoá vàng diễn ra vào ngày mồng bốn, có nhà để đến mùng bảy, gọi là ngày đốt tết hay ngày cúng tiễn ông vải. Vào ngày này, con cháu thường hội họp đông đủ và ăn uống.
Ngoài các tục lệ trong ngày tết, người ta còn tổ chức các hoạt động và phong tục vào đầu năm mới.
2.2.4. Một số lễ đầu năm mới
Lễ Động thổ: Hàng năm, tại các làng quê thường làm Lễ động thổ để cúng Thổ thần. Các bậc cao niên và chức sắc trong làng được cử làm chủ tế của buổi lễ. Lễ vật thường gồm: gà, xôi, trầu, rượu, hương đăng vàng mã,… Trong buổi lễ, ông chủ tế cuốc mấy nhát xuống đất để lấy một cục đất đặt lên bàn thờ Thổ thần, để xin Thổ thần cho dân làng được động thổ. Từ đấy, dân làng mới được động tới đất.
Lễ khai hạ: hay còn được gọi là Lễ hạ cây nêu, hay Lễ nhàn nhật. Lễ này thường diễn ra vào ngày mùng bảy tháng giêng. Cây nêu được dựng trong năm trước sân nhà, nay được hạ xuống. Sau ngày lễ này, mọi việc thường nhật được bắt đầu trở lại bình thường.
Lễ khai ấn: Lễ này cũng được chọn ngày lành giờ tốt để dùng ấn đóng lên một văn bản. Người ta tin rằng, các văn bản được đóng ấn đầu tiên là những văn bản tốt lành, báo hiệu cho một năm mới làm việc gặp nhiều may mắn.
Lễ mừng thọ: Thường thì nhà nào có cha mẹ già đến bảy tám mươi tuổi, thì làm Lễ mừng thọ. Trong lễ này, trước hết, con cái làm lễ gà xôi đem ra đình lễ tạ Thần hưu, tức là tạ ơn vị thần đã phù hộ cho cha mẹ sống lâu. Tại tư gia, cha mẹ ăn mặc lịch sự ngồi ghế đặt chính giữa cho con cái lễ bái để tỏ lòng thành kính cha mẹ. Lễ bái xong thì mở tiệc ăn uống linh đình.
Sau những ngày tết, mọi người lại bắt đầu với công việc thường nhật. Nông dân thì chọn ngày ra đồng, thương gia thì chọn ngày mở cửa hàng, người đi học thì chọn ngày khai bút, người đi làm ăn xa thì chọn ngày xuất hành,…
Như vậy, qua việc chuẩn bị và các phong tục truyền thống trong Tết Nguyên đán, đã cho thấy được giá trị và tầm quan trọng ngày tết này trong đời sống của người Việt Nam.
3. Tết Nguyên đán hiện nay ở Việt Nam
3.1. Những phong tục xưa còn giữ lại
Cùng với sự đi qua của thời gian và sự phát triển của xã hội con người Việt Nam, có thể chịu sự ảnh hưởng của các nền văn hoá khác nhưng hầu như những phong tục truyền thống của ngày tết vẫn còn lưu giữ được giá trị cho đến ngày nay như: tảo mộ, gói bánh, cúng lễ, chúc tết, kiêng cữ, lì xì, các trò chơi dân gian,…
3.2. Sự thay đổi của các phong tục
3.2.1. Những thay đổi tích cực
Việc chuẩn bị: Trước kia, người ta có thể chuẩn bị đồ dùng cho ngày tết trong nửa tháng, thì ngày nay mọi người có thể chỉ cần 1-2 ngày để chuẩn bị bánh chưng, kẹo bánh, mứt tết, quần áo mới cho ngày tết. Vì vậy, điều đó vừa giúp gìn giữ được không khí chuẩn bị, vừa tiết kiệm được thời gian chuẩn bị cho ngày tết.
Đốt pháo: Đây là một trong những tục lệ mang ý nghĩa tốt đẹp của ngày tết. Nhưng hiện nay việc đốt pháo gây ra nhiều hậu quả như chết người, tàn tật,… Do đó, tục lệ này đã được xoá bỏ. Đó là một thay đổi phù hợp và tích cực để giữ niềm vui trọn vẹn cho các gia đình trong những ngày tết.
Hái lộc: Việc hái lộc đôi khi cũng làm ảnh hưởng đến cây xanh cảnh quan vì tâm lí mọi người đều muốn đem thật nhiều lộc về nhà cầu may, do vậy đã không ít trường hợp làm hỏng hết cây cối gây ảnh hưởng đến môi trường…
Tết trồng cây: Trong mấy chục năm trở lại đây, trong những ngày xuân bên cạnh những hoạt động truyền thống của ngày tết, tại nhiều địa phương xuất hiện phong trào trồng cây tại đường làng, ngõ xóm, trường học. Việc làm này vừa là một hoạt động cộng đồng, vừa là một công việc hữu ích giúp bảo vệ môi trường.
3.2.2. Những thay đổi tiêu cực
Gói bánh: Ngày nay, khung cảnh sum họp đầm ấm của các gia đình bên nồi bánh chưng, đặc biệt đối với các gia đình ở các đô thị lớn gần như không còn xuất hiện. Thay vào đó, người ta có thể chuẩn bị bằng cách mua bánh chưng làm sẵn được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng một cách nhanh gọn.
Dựng cây nêu: Tại nhiều vùng quê, đặc biệt là tại các thành thị lớn, do không gian sống đang ngày càng bị thu hẹp nên nhiều gia đình không còn giữ được tục lệ này.
Xin chữ: Việc xin chữ cũng khác xưa. Ngày nay, tại các vùng quê, ngày càng xuất hiện ít các ông đồ cho chữ ngày tết. Tại các đô thị, không ít những thầy đồ viết chữ với mục đích kinh tế nhiều hơn là mục đích nhân văn. Do đó, phong tục này ngày càng bị mất đi giá trị tốt đẹp của nó.
Tảo mộ: Đây là dịp để con cháu kính nhớ đến ông bà tổ tiên đã khuất, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhưng vì điều kiện công việc, sự ngăn cách của địa lí nên việc chăm sóc mộ phần chỉ là công việc của một vài người trong gia đình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới việc gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống của lớp trẻ.
Đi lễ chùa: Đi chùa đầu năm là một nét đẹp truyền thống của người Việt để cầu bình an hạnh phúc trong năm mới, nhưng hiện nay, tại nhiều ngôi chùa xuất hiện cảnh chen lấn xô đẩy, cướp giật, buôn bán lừa đảo, mê tín dị đoan, làm mất đi giá trị tốt đẹp của việc làm này.
Việc tặng quà ngày tết cũng khác xưa nhiều. Trước đây, thường thì chỉ ông bà, cha mẹ mừng tuổi con cháu bằng vài đồng tiền mới đựng trong phong bao. Nhưng ngày nay, không chỉ ông bà mừng tuổi con cháu, mà con cháu ngoài những lời chúc tết ông bà, cha mẹ cũng mừng tuổi bằng vật chất. Việc quà biếu giữa cấp dưới với những người quản lí, lãnh đạo cũng khác trước kia. Ngày nay, nhiều người đã đặt vật chất, tiền bạc lên trên tình cảm con người. Ngày tết, là dịp để nhân viên thể hiện tình cảm với cấp trên, nhưng ngày nay, nhiều người đã lợi dụng ngày tết để mong có được địa vị tốt hơn.
Việc vui chơi trong ngày tết cũng đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi lối sống vật chất, làm mất thuần phong mĩ tục. Bên cạnh những trò chơi, lễ hội truyền thống đầy nhân văn như đấu vật, cờ tướng, cờ người, đua thuyền,… là những trò cờ bạc, đỏ đen, bói toán,… gây ra những ảnh hưởng xấu. Mâm cơm chén rượu ngày tết là nơi sum họp gia đình, là nơi mọi người dành cho nhau tình cảm và những lời cầu chúc tốt đẹp trong năm mới. Nhưng ngày nay, việc vui chơi, ăn uống quá đà đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như tai nạn giao thông, chết người, gây ra những nỗi buồn cho nhiều gia đình.
Lễ hoá vàng: Ở nhiều nơi, nhiều người không ý thức được ý nghĩa của việc làm này nên đã lạm dụng và bất cẩn gây ra cháy nổ, ô nhiễm môi trường.
Lễ khai ấn: Ngày nay vào dịp Lễ khai ấn đầu năm, tại nhiều nơi xuất hiện hiện tượng chen lấn, giẫm đạp lên nhau để xin ấn làm mất mĩ quan và giá trị của ngày lễ này.
Lễ mừng thọ: Bên cạnh những giá trị nhân văn tốt đẹp của việc tổ chức Lễ mừng thọ thì ngày nay việc làm này cũng để lại không ít hậu quả. Tại nhiều gia đình việc tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ trong thời gian quá dài gây ra nhiều phiền toái cho những người xung quanh, cũng như gây ra không ít sự lãng phí.
4. Tết Nguyên đán ở Việt Nam trong tinh thần “hoà nhập nhưng không hoà tan, giữ gìn bản sắc văn hoá của người Việt”
4.1. Tết Nguyên đán với đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam
4.1.1. Đời sống vật chất
Với những đặc trưng văn hoá nổi bật của ngày tết cổ truyền là không khí đầm ấm, thân thuộc trong gia đình, thân tộc. Ngày tết chính là thời gian nghỉ ngơi rảnh rỗi để mọi người có dịp đến thăm hỏi nhau, gửi đến cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
Với người lao động, sau một năm lao động vất vả, ngày tết là lúc mọi người nghỉ ngơi, tạm gác lại những lo toan của cuộc sống mưu sinh. Bên mâm cơm ấm cúng của ngày tết, mọi người ngồi lại ăn uống vui vẻ với nhau, thăm hỏi, tâm sự, chia sẻ với nhau những vất vả trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Với trẻ em, ngày tết là khoảng thời gian vui nhất đối với nhiều đứa trẻ. Chúng được thấy không khí vui tươi, nhộn nhịp của ngày tết, được nhận quà lì xì từ ông bà, cha mẹ và người thân.
Với những bậc cao niên: Ngày tết là lúc họ được sống trong không khí sum họp đông vui nhất của gia đình. Con cháu từ mọi miền, với nhiều công việc khác nhau về chung vui bên ông bà cha mẹ. Đây cũng là dịp để ông bà cha mẹ thiết đãi con cháu trong không khí đầm ấm, sum họp gia đình.
4.1.2. Đời sống tinh thần
Trong tinh thần “tống cựu nghinh tân”, năm mới đến là dịp để mọi người để lại quá khứ những điều không may mắn. Đồng thời cầu chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Con cháu có dịp ôn lại những truyền thống quý báu của tổ tiên để lại. Đó cũng là dịp để thế hệ hậu bối nhớ lại công ơn của các tiền bối. Đối với hàng xóm láng giềng dù trong năm cũ có điều gì không hay không phải, xích mích nhau đều xuý xoá hết. Mọi người bỏ qua hết chuyện cũ không hay, thay vào đó là sự ôn tồn hoà nhã, vui vẻ.
Dù công việc thế nào, ở nơi đâu mọi người cũng cố gắng thu xếp để về đoàn tụ gia đình trong ngày tết. Sự trở về này thể hiện tình cảm của con cái với cha mẹ, của anh chị em trong gia đình với nhau. Nhờ có ngày tết mà mọi người như gắn bó khăng khít với nhau hơn.
Các phong tục của ngày tết như cúng gia tiên, lễ Thổ công, lễ trừ tịch,… hướng đến gia tiên, thần thánh thể hiện những ước vọng tốt đẹp, may mắn trong năm mới.
Trong những ngày đầu năm, mọi người được hoà mình vào những sinh hoạt văn hoá cộng đồng của hội làng Việt như đấu vật, chơi pháo đất, cờ người,… Những trò chơi sinh hoạt cộng đồng này không những tạo không khí vui vẻ của ngày tết mà còn góp phần lưu lại những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Đi lễ chùa đầu năm cũng là dịp con người nhìn lại cả một năm cũ và cầu mong Trời, Phật phù hộ cho một năm mới may mắn, bình an. Đi lễ chùa cũng đồng thời là khoảng thời gian để mọi người có dịp thăm thú cảnh vật thiên nhiên, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc như biểu hiện cho những mầm sống mãnh liệt đang vươn lên. Việc đi lễ chùa, vãn cảnh vừa thể hiện lòng khát khao một cuộc sống tốt đẹp, lại vừa để thoả mãn tình yêu thiên nhiên đất nước của con người.
4.2. Một vài đề xuất để bảo tồn những giá trị truyền thống của Tết Nguyên đán
4.2.1. Giáo dục: Gìn giữ và phát huy các phong tục đạo đức truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán phải song hành với xu thế phát triển của thời đại. Tết là dịp thích hợp để chúng ta quay về với gốc rễ, với cội nguồn, với quê hương, với ông bà cha mẹ. Ngày tết là một trong những dịp để chúng ta thắp nén hương trước bàn thờ tổ tiên để thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với thế hệ đi trước. Dù cuộc sống có náo nhiệt, bon chen, thì ngày tết vẫn là thời khắc để mỗi chúng ta hoài cổ, nhớ đến nguồn cội. Do đó, cần có biện pháp giáo dục phù hợp kể cả môi trường trường học, cũng như môi trường gia đình để thế hệ trẻ ý thức được nguồn cội của mình từ đó biết gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của thế hệ trước để lại.
Đồng thời, nhắc đến người Việt không thể không nhắc đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Do đó, nét đẹp văn hoá của Tết Nguyên đán Dân tộc không thể không có sự bảo tồn và phát triển bởi những người Việt ở nước ngoài. Dù không có điều kiện trở về Tổ quốc để đón cái tết Dân tộc nhưng tại các gia đình người Việt trên khắp thế giới vẫn còn đó khung cảnh sum họp, vẫn còn đó hình ảnh những đứa trẻ trong trang phục truyền thống. Nhớ đến ngày tết truyền thống của dân tộc, trong bữa cơm sum họp của đồng bào người Việt xa Tổ quốc vẫn còn đó bánh chưng, giò, dưa hành,… Bên cạnh việc chủ động gìn giữ của mỗi cá nhân trong cộng đồng người Việt, các cơ quan chức năng, các tổ chức người Việt ở các nước trên thế giới cũng cần tạo điều kiện tổ chức các buổi gặp mặt đầu xuân với đồng bào Việt kiều, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ người Việt. Đó là một trong những cách tốt nhất để truyền bá văn hoá Dân tộc nói chung và nét đẹp Tết Nguyên đán nói riêng đến những thế hệ trẻ người Việt đang sinh sống ở nước ngoài.
4.2.2. Tổ chức: Bảo vệ bản sắc văn hoá Dân tộc cần gắn liền với việc tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hoá nhân loại từ đó làm phong phú bản sắc văn hoá bản địa. Kết hợp giữa kế thừa và phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống nói chung và nét đẹp Tết Nguyên đán nói riêng với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc cái hay, cái tiến bộ trong văn hoá các Dân tộc khác. Việc mở rộng tổ chức các ngày lễ văn hoá Việt nói chung và ngày Tết Nguyên đán nói riêng tại các nước trên thế giới để quảng bá tới bạn bè quốc tế thấy được các nét đẹp văn hoá truyền thống của Việt Nam là rất cần thiết. Tại các địa phương trong nước, chính quyền các cấp cần kết hợp cùng với các đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ,… tổ chức các sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, đặc biệt cho thế hệ trẻ bằng các trò chơi truyền thống như đua thuyền, đấu vật, cờ người, cờ tướng,… Từ các hoạt động này, giới trẻ ý thức được các giá trị truyền thống mà các thế hệ trước lưu truyền lại.
5. Một quốc gia không thể phát triển bền vững và mạnh mẽ nếu không có nền tảng truyền thống tốt đẹp. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Dân tộc ta đã từng trải qua 1000 năm Bắc thuộc và một thời gian dài dưới ách thực dân Pháp và Mĩ. Dù vậy, các thế hệ cha anh đã không những gìn giữ được những phong tục truyền thống mà còn tiếp thu được những nét văn hoá tốt đẹp. Đó là bài học cho những thế hệ người Việt Nam hiện nay và mai sau học tập để cùng hội nhập phát triển mà vẫn kế thừa và phát huy những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, trong đó có nét đẹp Tết Nguyên đán cổ truyền. Đó cũng là cơ sở của tình yêu nước, yêu Dân tộc Việt Nam, của tinh thần tự trọng và khí phách xả thân vì độc lập của đất nước.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2006.
2. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2001.
3. Phan Đại Doãn, Làng xã Việt Nam một số vấn đề kinh tế – văn hoá – xã hội, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
4. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 4), NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
5. Vũ Ngọc Khánh, Từ điển Việt Nam: văn hoá, tín ngưỡng, phong tục, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2005.
6. Hữu Ngọc, Lãng du trong văn hoá Việt Nam, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2007.
7. Hữu Ngọc (chủ biên), Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam, NXB Thế giới, Hà Nội, 1995.
8. Phan Ngọc, Bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2002.
9. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Từ điển Bách khoa, 2010.
10. Phạm Công Sơn, Non nước Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2009.
11. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2006.
12. Tân Việt, Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1999.
13. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2004.
LÊ QUỐC HƯNG 1
__________
1. Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.