TẾT TRUNG THU (Rằm tháng 8)

TẾT TRUNG THU DƯỚI MẮT NHỮNG NHÀ NGHIÊN CỨU VÀ PHIÊN DỊCH

TỪ TẠP CHÍ DÂN VIỆT NAM (1)

       Tạp chí Dân Việt Nam** (số 1 – tháng 5 – 1948) cho ta hai bài khảo cứu về chuyên đề Tết Trung Thu. Bài thứ nhất của Phan Kế Bính***Bài thứ hai của Nordemann.

     Bài của Phan Kế Bính trích trong Đông Dương tạp chí (số 26, trang 24, 25, năm 1945) nói về phong tục Việt Nam. Phan Kế Bính (1875-1921) theo sự giới thiệu của tạp chí là một “nhà văn có giá trị, vừa là một nhà viết báo có tài, cùng là một nhà văn sĩ rất thiết tha với sử ký nước Việt. Ông viết tiếng Việt rất giản dị tinh vi và rõ ràng, văn ông bóng bẩyrất gợi ý”.

     Đặc biệt bài viết của tác giả lại được Maurice Durand – một nhà Đông Phương học nổi tiếng – dịch ra tiếng Pháp. Maurice Durand là ai? Đó là câu hỏi mà chỉ có những nhà Việt Nam học mới có thể trả lời được cả về hai tư cách – tư cách bác học và tư cách chính trị.

     Ở đây chúng ta tiếp xúc với tư cách bác học của người dịch. Ông không phải là một nhà phiên dịch thông thường mà là một người hết sức thận trọng và có phương pháp. Điều này bộc lộ qua từng lời chú giải của ông với cả một khối lượng thông tin đồ sộ mà một người Việt Nam bình thường khó có thể hiểu nổi ngay chính trên nền tảng văn hoá của dân tộc mình. Để giúp độc giả có cơ sở thưởng thức và ngẫm nghĩ từ bài viết của Phan Kế Bính qua lời dịch và chú giải của Maurice Durand sang tiếng Pháp rồi lại được Vũ Tiến Sáu dịch trở lại tiếng Việt trên tạp chí nói trên, chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn và ngăn chặn bớt ý kiến nhận xét thô thiển của mình.

LỜI VIẾT CỦA PHAN KẾ BÍNH

     Rằm tháng tám là Tết Trung ThuTết này ta thường gọi là Tết trẻ con, nhưng có nhà tốn phí nhiều tiền lắm. Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu các sắc, sặc sỡ xanh đỏ trắng vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ trổ các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm, con cá coi cũng đẹp.

     Đồ chơi trẻ con trong Tết này, toàn là các thứ bồi bằng giấy, như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá, bươm bướm, bọ ngựa cho chí cành hoa, giàn mướp, đèn cù, đình chùa, ông nghè đất, con thiềm thừ …

     Có nhà một vụ Tết, bán các đồ ấy được tới một vài trăm bạc. Mươi năm nay họ lại chế ra đồ chơi bằng sắt tây (hình  b482), cũng tranh được mối lợi của trẻ con ít nhiều.

Tàu bằng sắt tây
Hình b482: Tàu bằng sắt tây

– Chúng ta tạm dừng lại để Maurice Durand bộc lộ tri thức của mình qua cách hiểu các: mướp, đèn cù, đèn xẻ rãnh, ông nghè đất, con thiềm thừ (****).

__________
(****) Thiềm thừ trên cung trăng. Thần thoại học Trung hoa có đặt trên cung trăng một con cóc (hình b231), gọi là Thiềm thừ. Đó là một con cóc linh diệu, thọ rất lâu, vì rằng cung trăng là chốn lưu trú của các vị bất tử. Lại có truyện thần tích kể rằng: xưa Thường Nga là vợ của Hậu Nghệ, khi lấy trộm của chồng được dược phẩm truyền sự bất tử, thì trốn lên cung trăng và thay hình đổi dạng ra con cóc. Nên trên mặt trăng ta nom thấy hình hơi giống con cóc là thế.

Con Cóc (Thiềm Thừ)
Hình b231: Con Cóc (Thiềm Thừ)

     – Lời dịch của Maurice Durand. Tôi dịch tiếng “mướp”  ra “cucurbitacées”  tên một loài cây phần nhiều là rau, đậu. Những giống mướp thông thường nhất ở Bắc Kỳ là mướp đắng= margose à piquants=momordica charania, mướp tàu= pipengailles = luffa acutangula; mướp ta = pétoles = buffa cylindrica (*****).

Con gà máy lễ ngày Tết trung thu
Hình b92: Con gà máy lễ ngày Tết trung thu

___________
(*****) Xem quyển sách rau đậu Việt Nam, tác giả J.LAN, Hà Nội 1905, tr. 47-53. Có rất nhiều kiểu đèn chơi về dịp Tết Trung Thu. Phần nhiều người ta gọi những đèn đó bằng những tên đồ dùng hay những loài vật mà những đèn đó làm tiêu biểu. Đoạn sau đây cho ta biết rõ sự quan niệm về những kiểu đèn mà dân Viễn đông làm ra trong dịp hội hè: Một vài đèn kiểu lập phương, lại có kiểu tròn như quả bóng, có kiểu như đĩ hát, hoặc vuông, tẹt và mỏng, có kiểu làm giống loài vật 4 chân hay 2 chân có kiểu đèn làm có thể lăn ở mặt đất như một hỏa cầu vì lửa đốt trong đèn đó cháy luôn trong khi đèn đó lăn trên mặt đất. Còn có thứ đèn giống con gà sống (hình  b92) và ngựa (hình  b435) đặt trên những bánh xe nhỏ.

     Còn có thứ đèn như người ta thắp nến hay bấc có dầu thì nhiều bộ phận ở trong quay vòng tròn: vì rằng khí nóng ngọn đèn khi bốc lên làm cho những bộ phận đó quay tròn cho đến khi nào ngọn đèn đó tắt thì mới thôi. Thường người ta đính vào những bộ phận đó những tranh ảnh. Những đèn này làm rất tinh xảo và rất khéo. Có đèn thì ngoài dán những giấy cắt có chữ : Phúc, Lộc, Thọ, Hỉ. Khi đốt những đèn đó lên thì những chữ kể trên nom rõ ràng lắm.

Con ngựa giấy
Hình b435: Con ngựa giấy

     Còn có đèn làm giống hình người, hình trẻ con và những vị xưa nay ta vẫn thờ như thần Quan Âm Thị Kính bồng trẻ con trong tay. Nhiều kiểu đèn có cán, có chuôi để cầm, còn có thứ đèn làm có thể đặt áp tường hoặc đặt áp vách. Phần nhiều những kiểu đèn đó thì sơn đen, đỏ, vàng nhưng chủ ý về màu đỏ hơn vì màu đỏ tiêu biểu sự vui mừng trong những ngày hội. Những thứ đèn đắt nhất và đẹp nhất thì căng bằng thứ the trắng hay lụa mỏng màu trắng có vẽ bằng đủ các màu những cảnh trí về sử ký, những vị hay những đồ vẫn thờ hay những bài trí vui vẻ. (Theo sách Social life of the Chinese, tác giả JUSTUS DOOLITTHE, London 1868 trang 385 và 386).

     Nhiều người ngoại quốc thông thạo tiếng Việt Nam gọi đèn ” một kiểu đèn có nan uốn hình tròn bằng gỗ có cán dài. Nan uốn quay vòng chung quanh vì khí nóng bởi một ngọn nến cháy bốc lên. Chung quanh nan đó thì có dán những hình người bằng giấy như một quân đội đang tiến hành với ngựa, voi, v.v… (Xem sách văn học Việt Nam, tác giả Cordier, trích văn, tr.132).
     Nhưng những thứ đèn đó thường gọi là đèn kéo quân. Và tên “đèn cù” thì dùng để chỉ những đèn thường treo khi có hội hè lớn. Vả lại, đèn xẻ rãnh ám chỉ những thứ đèn quay giống như kiểu đèn kéo quân hay đèn cù. Người làm đèn mà tôi đã nhờ chỉ dẫn cũng không biết phân biệt một cách rõ ràng những thứ đèn đó. Hình như những tên đó đặt ra là có chủ ý hoặc về cả khung tròn quay của cái đèn, (đèn cù) hoặc về những hình dán diện đính ở trong cái khung (đèn kéo quân) hoặc về một phần trong các cơ quan ở cái đèn (đèn xẻ rãnh). Những đèn quay vòng tròn thì có thường ở trong nước Trung Hoa. Ở Bắc Ninh thì những thứ đèn đó gọi là “tẩu mã đăng” (đèn ngựa chạy).

       Những ông tiến sĩ bằng đất. Đó là những tượng nhỏ làm bằng đất sét và bồi bằng giấy. Đấy là một thứ đồ chơi của trẻ con và có ý làm tiêu biểu sự nghiệp của trẻ sau này.

       Trẻ con tối hôm ấy dắt díu nhau từng lũ, đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hồ khoan (8), đám thì rước đèn, rước sư tử, trống thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo đùa ầm ĩ. Lại nơi nọ hát trống quân, nơi kia hát trống quít, tổng chi gọi là cách trung thu thưởng nguyệt. 

Cá chép chơi trăng
Hình ab50: Cá chép chơi trăng

     Tục rước đèn bày cỗ, chắc do ở điển vua Đường Minh Mạng. Hôm ấy là ngày sinh nhật vua Minh Hoàng, truyền cho thiên hạ đến đâu cũng treo đèn, bày tiệc ăn mừng, rồi ta cũng theo mà thành tục.Tục rước đèn thì do từ đời nhà Tống. Vì tục truyền rằng trong đời vua Nhân Tôn (******), có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng (h.ab 50) hiện lên làm con gái mà đi hại người.

     Bấy giờ ông Bao Công (*******) mới cho dân gian làm đèn con cá giống như hình nó mà đem dong chơi ngoài đường, để cho nó sợ mà không dám hại người nữa. Lời ấy huyền hoăc lắm, vị tất đã thực.
———–
(******) Nhân Tôn, Hoàng đế Trung Hoa trị vì từ năm 1023 đến năm 1063 sau Chúa giáng sinh.
(*******) Bao Công, tên tục là Bao Chung. Một pháp quan có tiếng thanh liêm và trang nghiêm. Ông sống đầu thế kỷ 11. Người ta xác định ông chết vào năm 1062. Người ta thường gọi ông là Bao Long Đồ hay quan Thưởng Bao vì trước ngài có làm Phó Trưởng án. Tiếng “Công” chỉ một vinh hàm. Ông có tên trong cuốn pháp nghị tùng thư Long Đồ Công Án mà người ta đoán ông là tác giả.

NGUYỄN MẠNH HÙNG *

___________
* PGS, Tiến sĩ sử học.
** Dân Việt Nam (Le peuple Vietnamien) – Tạp chí sưu tập tài liệu về thời tiền sử, khoa khảo cổ, lịch sử, nhân chủng, bác ngữ và ngôn ngữ nước Việt Nam (Bulletin relatif aux faits préhistoriques, archéologiquis historiques, ethnographiques, philologiques et linguistiques du Vietnam) Viện Viễn Đông Phương bác cổ xuất bản (édité par l’école française d’extrême orient). 26 Boulevard Carreau, Hanoi – Indochine. No 1, Mai 1948 – tr. 27 – 36.
*** Phan Kế Bính (1875 – 1921), hiệu là Bưu Văn, bút hiệu Liên Hồ Tử, là nhà báo, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ 20, quê ở làng Thụy Khê, Hà Đông (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội), đỗ cử nhân Nho học năm Bính Ngọ (1906), không ra làm quan, ở nhà dạy học và công khai hưởng ứng phong trào Duy Tân nhưng không trực tiếp chỉ đạo, bắt đầu viết báo từ 1907, khởi đầu là trợ bút, chủ yếu dịch thuật, biên khảo sách chữ Hán, sau đó cộng tác với các tờ báo Ðông Dương tạp chí giữ vai trò Ban Biên tập, Lục tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn. (tham khảo wikipedia.org)