THÁNH ĐỊA MỸ SƠN – Di sản kiệt tác của nhân loại – Phần 2
THE MY SON SANCTUARY A MASTERPIECE HERITAGE OF MANKIND
VÕ VĂN HOÀNG
(Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng)
4. Bảo tồn Thánh địa Mỹ Sơn
Kể từ khi Mỹ Sơn được phát hiện sau hàng thế kỷ bị quên lãng thì những nhà nghiên cứu của EFEO đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn những công trình kiến trúc này. Năm 1937, EFEO bắt đầu trùng tu ngôi đền A1 và sáu ngôi tháp nhỏ từ A2 đến A7. Trong vòng bảy năm sau đó, các tháp B3, B5, B6, C1, C2, C3, D1, D4 được trùng tu hoặc gia cố. Đến năm 1939, họ xây dựng một con đập để chuyển dòng chảy của con suối đã phá sập tháp A9 vòng qua phía Tây. Nhưng đến năm 1946, con đập này đã bị phá hủy trong một trận lũ.
Đến năm 1965, chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt và lan tràn khắp những vùng quê Quảng Nam, dần dần Mỹ Sơn rơi vào tình trạng hoang tàn, đổ nát, rồi trở thành căn cứ hoạt động của quân du kích. Khoảng năm 1966-1968, Mỹ Sơn nằm trong vùng kiểm soát của Mặt trận Giải phóng miền Nam và trở thành khu oanh kích tự do của chính quyền miền Nam Việt Nam. Từ đó, Mỹ Sơn đã thực sự trở thành chiến trường của hai phía. Tháng 8.1969, máy bay B52 của Mỹ ném bom xuống khu di tích này và đã làm cho Mỹ Sơn hoàn toàn biến dạng, hầu hết những đền tháp quan trọng đều bị sụp đổ. Hai ngôi đền lớn của Mỹ Sơn là A1 (thế kỷ X) và E4 (thế kỷ XI) bị đánh sập, những ngôi đền khác đều bị hư hại nặng, nhiều tường tháp bị phá sập, nhiều bia ký, tác phẩm điêu khắc bị bắn vỡ,… Toàn bộ khu di tích biến thành một đống gạch vụn.
Sau chiến tranh, để phục vụ cho việc điều tra khoa học, toàn bộ khu di tích Mỹ Sơn được khai quang và tháo gỡ bom mìn. Ðến năm 1980, trong chương trình hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Ba Lan, một đoàn chuyên gia của Ba Lan đã phối hợp với Trung tâm Phục hồi Di tích thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin Việt Nam (nay là Trung tâm Thiết kế và Tu bổ Di tích Trung ương) tiến hành khảo sát các di tích Champa tại miền Trung Việt Nam. Tiểu ban Phục hồi Di tích Champa được thành lập do cố kiến trúc sư người Ba Lan là Kazimier Kwiatkowski phụ trách. Các tháp thuộc nhóm A, B, C, D được chụp ảnh, đạc họa, dọn dẹp, gia cố hoặc trùng tu, tạo nên diện mạo mới cho Mỹ Sơn.
Do bị tàn phá nặng nề bởi thời gian và chiến tranh, những công trình kiến trúc ở Mỹ Sơn chẳng còn cái nào nguyên vẹn. Tuy không nguyên vẹn, nhưng chúng vẫn biểu hiện đầy đủ đây là di tích duy nhất thể hiện vũ trụ quan và tín ngưỡng của cư dân Champa xưa. Đồng thời, Mỹ Sơn còn để lại một số lượng lớn những tác phẩm điêu khắc bằng sa thạch rất đa dạng, bao gồm nhiều phong cách, trải qua nhiều thế kỷ và một hệ thống văn bia để dựng nên bộ khung chính của các vương triều Champa trong lịch sử. Ngày nay, Mỹ Sơn được xem là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
Với vẻ đẹp độc đáo, cảnh quan nguyên vẹn và lịch sử phát triển lâu dài, nên khu di tích Mỹ Sơn được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định số 54-VHQĐ ngày 24.4.1979 công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật. Ngày 2.12.1999, tại thành phố Marrakech, thủ đô Morocco, trong phiên họp thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới (thuộc UNESCO), Thánh địa Mỹ Sơn được chọn là một trong các di sản thế giới theo tiêu chuẩn C (II) như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hóa và theo tiêu chuẩn C (III) như là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất. Mười thế kỷ nghệ thuật của Mỹ Sơn chính là cánh cửa hé mở cho chúng ta thấy được quá khứ rực rỡ của nền văn minh Champa từng một thời vang bóng trong lịch sử Ðông Nam Á.
Chú thích
1 Trần Kỳ Phương. 1996. “Mỹ Sơn, Di tích lịch sử – văn hóa Chàm trên đất Quảng Nam Đà Nẵng”. Quảng Nam Đà Nẵng xưa và nay. (Đà Nẵng: Đà Nẵng), 346-348.
2 Trần Quốc Vượng. 2002. “Để hiểu thêm xứ Quảng”. Di tích và danh thắng Quảng Nam. (Quảng Nam: Sở VHTT Quảng Nam), 41-42.
3 Ngô Văn Doanh. 1994. Tháp cổ Champa – Sự thật và huyền thoại. (Hà Nội: Văn hóa Thông tin), 6.
4 Trị vì khoảng năm 1157, một vị vua lập được nhiều chiến tích trong những cuộc chiến tranh với đế quốc Khmer.
5 Ngô Văn Doanh. 1994. Sách đã dẫn, 15.
6 Nhiều tác giả. 2002. Di tích và danh thắng Quảng Nam. (Quảng Nam: Sở VHTT Quảng Nam), 113.
7 Trần Kỳ Phương. Sách đã dẫn, tr.350.
8 J. Boisselier. 1963. Nghệ thuật điêu khắc Champa (Bản dịch của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Paris.
9 TS. Trần Bá Việt (Chủ biên). 2005. Kỹ thuật xây dựng tháp Champa phục vụ trùng tu và phát huy giá trị di tích. (Hà Nội: Xây dựng), 86-87.
10 PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn. 2008. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Champa. (Đà Nẵng: Đà Nẵng), 49.
1. Ngô Văn Doanh. 1994. Tháp cổ Champa – Sự thật và huyền thoại. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.
2. Ngô Văn Doanh. 2004. Thánh địa Mỹ Sơn. TPHCM: Trẻ.
3. Trần Quốc Vượng. 2002. “Để hiểu thêm xứ Quảng”. Trong Di tích và danh thắng Quảng Nam. Quảng Nam: Sở VHTT Quảng Nam.
4. PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn. 2008. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Champa. Đà Nẵng: Đà Nẵng.
5. Kỷ yếu Hội thảo: Bảo tồn di tích Mỹ Sơn. Quảng Nam, Tháng 3 năm 2003.
6. Lưu Trần Tiêu và các tác giả. 2000. Giữ gìn những kiệt tác kiến trúc trong nền văn hóa Chăm. Hà Nội: Văn hóa Dân tộc.
7. TS. Trần Bá Việt (Chủ biên). 2005. Kỹ thuật xây dựng tháp Champa phục vụ trùng tu và phát huy giá trị di tích. Hà Nội: Xây dựng.
8. Bộ Văn hóa Thông tin – Trung tâm Thiết kế và Tu bổ Di tích. 2000. Kỷ yếu Hội thảo kỹ thuật lần thứ nhất trùng tu các di tích đền tháp Champa. Nha Trang.
9. J. Boisselier. 1963. Nghệ thuật điêu khắc Champa (Bản dịch của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Paris.
10. Trần Kỳ Phương. 1996. “Mỹ Sơn, Di tích lịch sử – văn hóa Chàm trên đất Quảng Nam Đà Nẵng”. Quảng Nam Đà Nẵng xưa và nay. Đà Nẵng: Đà Nẵng.