Thành Hồ – Cửa ngõ Châu thượng nguyên (Tây Nguyên) của Chămpa

Tác giả bài viết: Tiến sĩ NGÔ VĂN DOANH
(Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)

     Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép về toà thành Hồ hay thành cổ An Nghiệp trong một đoạn rất ngắn: ” Thành cổ An Nghiệp: ở phía Bắc sông Đà Diễn, thuộc xã An Nghiệp huyện Tuy Hoà, chu vi 1400 trượng; tương truyền do người Chiêm Thành xây, tục gọi thành Hồ. Năm Mậu Dần (1578) đời Thái Tôn bản triều, quận công Lương Văn Chánh đánh lấy được thành này. Nay vẫn còn nền cũ”( 1). Đến đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu người Pháp H. Parmentier đã đến khảo sát toà thành này. Trong cuốn sách “Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ”, H. Parmentier mô tá: “Toà thành này nằm trên địa phận làng Thành Nghiệp, tổng Sơn Tường, huyện Sơn Hòa, cách cửa sông Đà Rằng chừng 15 cây số. Chỉ có mỗi một mặt, mặt Nam, là bị mất từng phần do sông xói lở. Các mặt khác còn nhận ra được ở một dải đất cao liên tục. Toà thành (bản vẽ XXVII) hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 600 mét, được quay đúng theo bốn hướng. Khoảng thành hình tam giác phía Tây nằm vào giữa ngọn núi ở phía ngoài khu thành hình vuông và được bảo vệ bằng bức tường thành xiên dọc sườn đồi. Một con hào rộng chừng 30 mét bảo vệ các mặt tường Bắc và Đông. Các mặt tường này chắc là phải khá cao vì dải đất còn lại khá rộng và cao từ 3 đến 5 mét. Chỉ có mặt được núi bảo vệ (tức mặt Tây) là không có tháp canh. Mặt Bắc có sáu chòi tháp, mặt Đông có bảy (kể cả chòi ở góc). Một công sự phòng ngự thật sự dựng ở giữa mặt Đông; đây là một hình chữ nhật rộng và chạy dọc theo luỹ hơn 10 mét, xây bằng gạch lớn. Có thể nhận ra một số cổng. Bên mặt Đông, gần chỗ xé để nước vào, trông như là có một cổng; ở hai đầu của mặt Tây của toà thành chính hình vuông có hai cổng; bên mặt Bắc có hai cổng; ở dãy rào bên ngoài mặt Tây, gần góc Tây Nam, có một và có thể là hai cổng, cổng này dường như trước kia có một công sự nhỏ nằm ngang bảo vệ, nhưng ngày nay ở đấy không còn thấy gì. Gạch dùng xây thành rất lớn, dày hơn 0,10 mét, màu đỏ thẫm, có khi tím. Có thể là toàn bộ công trình này đã dược bổ sung hoàn chỉnh bằng di tích Phước Tịnh nằm trên trục Bắc Nam, ở bên kia sông Đà Rằng, và bằng một ngọn tháp nằm trên trục Đông Tây ở trên qua đồi tiếp theo bức tường xiên. Vị trí này chỉ nhận ra được nhờ nhiều gạch vỡ đổ nát và trên đỉnh đồi còn một ngọn cây tách cao lên và một tảng đá dựng dọc”(2). Về ngôi tháp ở Phước Tịnh, đối diện thành Hồ, ông H. Parmentier cho biết: “Đối diện với Thành Hồ, bên kia sông Đà Rằng chảy ven thành cách ụ đất ở tận cùng bức tường Tây của toà thành quãng 800 mét, có một gò cao từ 50 dến 60 mét, cây cối rậm rịt. Gò thuộc ngôi chùa gọi là chùa Bà và nằm trong địa phận làng Phước Tịnh, tổng Hoà Bình, phủ Tuy Hoà. Trên đỉnh gò còn vết tích một ngôi đền Chàm. Kiến trúc xưa này chỉ còn lại có những đống gạch hỗn độn và những phiến đá trang trí...”(3).

     Nhiều năm sau (năm 1965), khi viết công trình “Non nước Phú Yên”, tác giả Nguyễn Đình Tư đã đi nghiên cứu thành Hồ và mô tả toà thành trong cuốn sách của mình như sau: “Vì trong thành có hồ sen lớn nên thành có tên là Thành Hồ. Toà thành nằm trên tỉnh lộ số 7, ở cây số 13, trong địa vực làng An Nghiệp, xã Hoà Định. Thành có hai lớp: nội và ngoại. Thành ngoại hình chữ nhật với chiều Đông Tây dài khoảng gần lkm và chiều Bắc Nam khoảng l,5km. Thành dựa lưng vào chân núi, phía Bắc và phía Đông thành giáp ruộng vườn, phía Tây là núi, phía Nam là sông Đà Rằng. Bờ thành có chân rộng 30 mét, cao 6-7 mét, mặt thành rộng 1-15 mét, trên thành có lối đi. Trên mặt thành, tại bốn góc và cứ cách nhau khoảng hai đến ba trăm mét, thành lại được xây cao lên như pháo đài, có lẽ là chòi canh. Xưa kia, các cụ thủa nhỏ còn lên chơi thành, chạy đùa trong đường thành ấy. Theo các cụ, mỗi phía thành có mở hai cửa ra vào gọi là cửa Sinh và cửa Tử. Cửa Tử để cho địch vào. Khi Lương Văn Chánh đánh thành Hồ, viên tướng Cao Các đã vào thành bằng cửa Tử nên đã tử trận. Hiện nay trên tỉnh lộ số 7 bên sườn núi có đền thờ Cao Các, thường gọi là Dinh Ông. Và cho đến nay, trong dân gian còn có câu ca:

“Nhìn lên trên núi Dinh Ông

Thiên hạ xào xáo em không thấy chàng!

Tóc dài bỏ xoã rối ngang

Tay buồn lược gỗ, miệng ngôi than bóng đèn”.

     Thành Nội cách thành Ngoại 150 thước, xây bằng đất, hình chữ nhật. Trên mặt thành Nội không có đường rãnh và pháo đài như thành Ngoại. Mỗi mặt thành Nội cũng có cửa Sinh và cửa Tử. Giữa thành có hồ hình mặt nguyệt. Các vua triều Nguyễn cho san hồ làm ruộng, cho nên thành bị phá. Ở góc thành ngoại phía Tây Bắc có Hòn Mốc, một hòn núi không cao lắm. Trên núi có một cái sân khá rộng bằng gạch hình vuông, có đường tam cấp lên xuống thành. Trên núi có tảng đá lớn, phẳng, khắc bàn thờ (hiện nay vẫn còn). Vì sông lở nên một phần thành Nội và Ngoại bị đổ xuống sông nên còn tìm thấy những cổ vật Chàm. Khi đắp đập Đồng Cam (từ năm 1924 đến năm 1929), người Pháp cho đào mương chảy qua thành Hồ. Rồi con đường số 7 được đắp và cắt qua thành. Trong khi làm đường và đào mương, đã tìm thấy các cổ vật (4).

     Năm 1980, chúng tôi đã khảo sát lại thành Hồ. Đúng như những nhà nghiên cứu đi trước đã mô tả, thành Hồ có bình đồ gần chữ nhật với kích thước các mặt tường phía ngoài như sau: tường thành phía Nam chạy dọc theo bờ Bắc sông Đà Rằng dài 824 mét, tường thành phía Tây dài 940 mét, tường thành phía Đông dài 732 mét. Trong khu thành có bức tường thành thứ năm chạy theo hướng Bắc Nam, song song và cách tường thành phía Đông 700 mét. Như vậy là thành có hai khu Đông và Tây. Khu Tây, theo chúng tôi, có thể là khu thành nội phía trong và cao hơn khu thành phía Đông. Trong khu Tây, hiện còn một quả đồi, trên có một mỏm đất cao chừng 10 mét mà nhân dân gọi là mỏm Sân Cờ. Nơi đây hiện còn nhiều gạch ngói của một kiến trúc xưa đã đổ nát. Song song về phía ngoài tường thành phía Tây là bức tường thành thứ sáu, xây hẳn lên sườn núi như một lá chắn, dài 360m, mà nhân dân trong vùng gọi là thành Chắn. Ngoài bốn chòi canh ở bốn góc thành, hiện còn nhận thấy, tại tường thành phía Đông, cách góc Đông Nam 300m, có thêm một chòi canh thứ năm. Các chòi canh đều có bình đồ vuông (mỗi cạnh dài l1 m) và cao hơn mặt thành chừng 3 mét. Tất cả các tường thành và chòi canh đều bằng đất và được ốp ở mặt ngoài và mặt trong bằng lớp tường dày 1,50 mét. Khoảng giữa bằng đất rộng 4 mét. Như vậy mặt thành rộng 7 mét. Chân các tường thành được đắp choãi ra. Gạch xây thành là gạch lớn (40cm X 20cm X 10cm, hoặc 38cm X 18cm X 9cm). Qua dấu vết còn lại, có thể thấy cả thảy có 8 cổng thành: hai cổng phía Nam, một cổng phía Bắc, một cổng phía Đông, hai cổng phía Tây, và hai cổng nối khu thành Đông và khu thành Tây. Ngoài ra, trong và ngoài thành hiện còn dấu vết các hào nước rộng và ba hồ lớn (5).

     Sau này, vào những năm 90 và vào năm 2000 vừa rồi, chúng tôi còn nhiều lần ghé lại Thành Hồ. Thế nhưng, giờ đây, nhà cửa, xóm làng đã gần như che phủ kín cả khu thành. Mặc dầu vậy, cứ mỗi lần tới đây, là mỏi lần chúng tôi lại như phát hiện ra một hiện vật hay một bí ẩn gì đấy về toà thành rất đặc biệt này của vương quốc cổ Champa.

     Điều đặc biệt thứ nhất nằm ngay trong lịch sử tồn tại của toà thành. Theo ghi chép của sách Đại Nam nhất thống chí mà chúng tôi dã trích dẫn thì mãi tới tận cuối thế kỷ XVI (năm 1578), nghĩa là sau hơn 100 năm kinh đô Đồ Bàn bị mất (năm 1471), thành Hồ mới bị “quận công Lương Văn Chánh đánh lấy”. Vậy từ năm 1470 đến 1578, thành Hồ có còn là của Chiêm Thành (Chămpa) không? Cũng sách Đại Nam nhất thống chí, khi viết về đạo Phú Yên, có đoạn: “Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, chiếm lấy đất này (Phú Yên) đặt làm huyện Tuy Viễn, lấy núi Thạch Bi làm giới hạn nhưng từ Cù Mông về Nam còn thuộc về người Man, người Lạo”(6). Về sự việc này, Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII chép khá kỹ trong Phủ biên tạp lục. “Tháng 2 (năm Hồng Đức thứ 2 [1471]), đánh phá thành Chà Bàn. Quân Thuận Hoá bắt sống dược Trà Toàn. Tướng nước ấy là Bồ Trì chạy đến Phan Lung (vùng Phan Rang ngày nay), giữ đất ấy xưng vương, chỉ còn được 2 phần 5 đất nước, sai người vào cống. Bèn phong Bồ Trì là Chiêm Thành vương, lại phong Hoa Anh vương và Nam Bàn vương, chia làm ba nước”(7). Trước nữa, Ngô Sĩ Liên (thế kỷ XV), người sống cùng thời với cuộc bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông, chép về tình hình Chiêm Thành sau năm 1471 như sau: “Trà Toàn đã bị bắt, tướng là Bồ Trì Trì chạy đến Phiên Lung, giữ lấy đất ấy, xưng là vua Chiêm Thành. Trì Trì lấy được 1 phần 5 đất của nước Chiêm, sai sứ sang xưng thần tiến cống. Vua phong cho làm vương. Vua lại phong vương cho Hoa Anh và Nam Bàn, làm ba nước, để ràng buộc”(8). Về nước Chiêm Thành thì rõ, còn về hai nước Nam Bàn và Hoa Anh thì hầu như không có sử liệu nào cho biết rõ cả.

     Khi làm hiệu đính, chú giải và khảo chứng bản dịch Đại việt sử ký toàn thư, nhà sử học Đào Duy Anh có cho rằng, Nam Bàn có lẽ là miền Ban Mê Thuật và Công tumn, còn Hoa Anh, có lẽ là ở khoảng giữa Đèo Cả và Bình Định là miền Lê Thánh Tông chiếm lấy, tức Là đất Phú Yên(9). Không ít các nhà khoa học chia xẻ quan điểm trên với Đào Duy Anh ( 10).

     Dù có là Hoa Anh quốc hay không, thì vùng đất Phú Yên, theo các sử liệu Việt Nam, từ năm 1471 đến 1611 là vùng đệm giữa một bên là Chiêm Thành ở phía Nam và Đại Việt ở phía Bắc. Các sử liệu của Việt Nam cho biết, dù không còn thuộc Chiêm Thành nữa và dù đã được nhập vào đất Đại Việt rồi, vùng đất Phú Yên gần như nằm ngoài sự kiểm soát của cả Đại Việt và Chiêm Thành. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rõ: “Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, chiếm lấy đất này đặt làm huyện Tuy Viễn, lấy núi Thạch Bi làm giới hạn nhưng từ Cù Mông về Nam còn thuộc về người Man, người Lạo. Bán triều Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế bắt đầu mở mang đất này, đất phủ Phú Yên và với hai huyện Đông Xuân và Tuy Hoà.”( 11). Sự việc trên bắt đầu từ năm 1578, khi chúa Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chánh vào làm trấn biên mở vùng đất phía Nam đèo Cù Mông và kết thúc vào năm Tân Hợi (1611), khi Nguyễn Hoàng dẹp yên người Chiêm Thành xâm lấn, lập ra phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hoà.

     Mặc dầu đã thành phủ Phú Yên vào năm 1611, nhưng chỉ từ sau năm 1653, Phú Yên mới thực sự được yên vì người Chiêm Thành luôn ra quấy rối. Các sử liệu Việt Nam cho biết, năm 1653, vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm quây rối đất Phú Yên, sai cai cơ Hùng Lộc hầu làm Tổng binh và sai Minh Võ làm tham mưu, đem 3000 quân đi đánh. Đến phủ Phú Yên, ngày 3 tháng 4, nhân đêm qua đèo Hổ Dương núi Thạch Bi, ruổi thẳng tới trại của Bà Tấm, phóng lửa đánh gấp, phá tan, đuổi dài tới sông Phan Lang (tức Phan Rang bây giời). Bà Tấm sai con là Xác Bá ân nộp lễ xin hàng. Phúc Tân cho, bắt chia địa giới, lấy đất từ phía đông sông ấy đến Phú Yên đặt làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, đặt dinh trấn thủ Thái Khang, phía tây sông vẫn là nước Chiêm Thành, khiến giữ bờ cõi mà nộp cống”( 12).

     Mặc dầu là vùng đệm, nhưng rõ ràng là, trong suốt gần một thế kỷ rưỡi (1471-1611), cả khu vực giờ thuộc tính Phú Yên mà sách Đại Nam nhát thống chí khái quát: “phía Đông giáp biển, phía Tây dựa núi, phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, có đèo Cù Mông hiểm trở, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hoà, có đèo Đại Lĩnh cao dốc, núi cao thì có Đại Lĩnh và Thạch Bi, sông lớn thì có Đà Diễn… Địa thế tuy nhỏ, nhưng dân cư đông đúc, cũng là một đất quan trọng vậy.”(13) vẫn nằm trong vòng cương toả của người Chămpa xưa. Không phải ngẫu nhiên mà Lương Văn Chánh, người đánh lấy được thành Hồ, đã dược sách Dại Nam nhất thống chí ca ngợi: “Lương Vãn Chánh: người huyện Tuy Hoà, đầu bản triều làm Chỉ huy sứ đánh được nước Chiêm Thành. Thăng phụ quốc Thượng tướng quân, sau làm Tham tướng dinh Trấn Biên, có công chiêu tập dân xiêu tán khai khẩn ruộng hoang, chết tặng quận công, phong phúc thần”(14).

     Thế nhưng, các sử liệu Việt Nam cho biết, nước Chiêm Thành thật sự từ sau năm 1471 là vùng đất phía Nam núi Thạch Bi. Lời chú của Nguyễn Thư Hiên trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1380-1442) nói: “Khoảng niên hiệu Hồng Đức. Trà Hoà nước Chiêm vào cướp Hoá Châu, Thánh Tông thân di đánh, phá được thành Đồ Bàn thu phục bờ cõi, lại mở đất đến núi Thạch Bi, đặt phủ Hoài Nhân, có ba thuộc huyện; phía Nam bốn phủ phiên định là địa giới nước Chiêm”( 15).

     Từ tất cả những tài liệu lịch sử hiện được biết, có thể thấy, đất Phú Yên, nơi có toà thành Hồ của Chiêm Thành chỉ thực sự trở thành lãnh thổ của Đại Việt vào năm 1611. Còn từ 1471 đến 1611, nghĩa là trong vòng gần một thế kỷ rưỡi, đất Phú Yên vẫn là đất của Chiêm Thành, dù rằng có được mang danh hiệu là nước Hoa Anh.

     Như các nhà khoa học trước đây đã giả định, qua nhiều lần đi nghiên cứu trên thực địa, chúng tôi nhận thấy có nhiều cơ sở để cho rằng đất Phú Yên xưa là nước Hoa Anh mà vua Lê Thánh Tông đã phong năm 1471. Ngoài những tư liệu sử sách, trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu ngày càng phát hiện thêm nhiều những hiện vật Chămpa ở Phú Yên có niên đại trong thế kỷ XV. Theo J. Boisselier, những tác phẩm điêu khắc đã tìm thấy ở Phước Tịnh (tức khu vực Núi Bà, địa điểm đối diện với thành Hồ ở bên kia sông Đà Rằng đều thuộc phong cách Yang Mun (thố ký XV)(16). Gần đây, chúng tôi đã đến nghiên cứu nhiều lần tòa tháp đổ Đông Tác ở thị trấn Phú Lâm, huyện Tuy Hoà mới phát hiện, và nhận thấy (qua kết cấu và phong cách) toà tháp có nhiều nét gần với tháp Pô Rômê (thế kỷ XVI- XVII) ở Ninh Thuận. Mà gạch của Đông Tác lại giống và cùng kích cỡ với gạch thành Hồ (phổ biến là gạch to, cỡ 40cm X 20cm X 8cm).

     Thế nhưng, vì chỉ tồn tại trong một thời gian quá ngắn, cho nên, ngoài một câu nhắc tới tên gọi, không một tài liệu lịch sử nào cho chúng ta biết về nước Hoa Anh. Trong khi đó, do còn tồn tại lâu dài về sau này, nước Nam Bàn lại dược nhắc tới khá nhiều trong các tư liệu lịch sử Việt Nam. Ví dụ trong Phủ biên tạp lạc, Lê Quý Đôn có viết một đoạn dài về nước Nam Bàn như sau: “Nước Nam Bàn xưa do Thánh Tông phong ở phía tây đầu nguồn Phú Yên xứ Quảng Nam… Nước ấy có chừng hơn 50 thôn, trong nước có núi Bà Nam rất cao lớn, là trấn sơn một phương, Thuỷ vương ờ phía đông núi, Hỏa vương ở phía tây núi, đều có địa phận riêng, gác cây làm nhà, bộ thuộc đều vài trăm người, cày bằng dao, trồng ..bằng lửa, tháng giêng gieo, tháng năm lúa chín, không gặt mà chỉ tuốt, không biết ngày tháng…”(17). Mà, con đường duy nhất từ biển và đồng bằng dẫn đến nước Nam Bàn là con đường đi từ thành Hồ (nay là quốc lộ số 25 từ Tuy Hoà lên Plâycu). Về con đường này, Đại Nam nhất thống chí ghi: “Đồn Phước Sơn: ở xã Củng Sơn phía nam huyện Tuy Hoà, đặt từ đời Minh Mạng – Xét: Đồn Phước Sơn phía tây có một con đường đi đến sách Man Nam Bàn đi 6 ngày đến địa giới hai nước Thuỷ Xá và Hoả Xá” (18).

     Giờ đây, nhìn lên bản đồ, thì thấy thành Hồ không chỉ nằm chắn ngang con đường từ biển và đồng bằng lên Tây Nguyên (quốc lộ số 25) mà còn nằm ở ngay cửa ngõ chuyển tiếp từ vùng đồng bằng phù sa mới lên vùng đồng bằng phù sa cũ (cách biển chừng  20km). Thế nhưng vài trăm năm trước đây, thành Hồ gần như mở thông ra biển (có thể là thông qua một đầm hay phá lớn nào đấy). Nhiêu dấu tích chứg tỏ xưa kia phần lớn đồng bằng Tuy Hoà rộng lớn hiện nay (500km2) là vùng đồng bằng hình thành từ lớp phù sa mới (19). Chỉ từ cuối thế kỷ XVI, khi Lương Văn Chánh “chiêu tập dân xiêu tán khai khẩn đất hoang”, rồi sau đấy với việc đắp đập Đông Cam, hay Củng Sơn (xây từ năm 1924 đến năm 1929 hoàn thành) thì đồng bằng Tuy Hoà mới trờ thành “vựa lúa miền Trung” như hiện nay. Chứ thời xưa, thời Chămpa, các di tích văn hoá còn lại chủ yếu tập trung ở miền cao vùng chân núi mà không ít những hiện vật quan trọng và có ý nghĩa đã được phát hiện ở vùng xung quanh thành Hồ (như Phước Tịnh – Núi Bà) và trong vùng cao nguyên đất đó bao la phía sau thành Hồ (như Củng Sơn). Vùng cao nguyên đất đỏ bao la phía sau thành Hồ đó là huyện Sơn Hoà (diện tích rộng 93X km , gấp đôi đồng bằng Tuy Hòa). Sơn Hòa, xét về mặt địa lý tự nhiên, là điểm cuối phía Đông Nam của cả một vùng thung lũng cao nguyên rộng lớn ở huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai (diện tích rộng 1994 km2) và huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai (diện tích rộng 1800km2 (20) – nơi cho đến nay vẫn còn hậu duệ của vua Lửa (Hỏa vương cúa nước Nam Bàn xưa). Trong khu vực thung lũng và đồng bằng bóc mòn tích tụ (thuật ngữ chuyên môn) của Tây Nguyên này đã phát hiện ra không ít những di tích và di vật cổ Chămpa như tháp Yang Prông (ở Đắc Lắc), Yang Mun (ở Cheo Reo, huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) các điêu khắc đá ở Đắc Bằng (huyện Krông Pa, tính Gia Lai) (21). Như vậy, xét dưới góc độ địa – văn hoá, có thể có đủ cơ sở để khẳng định, thành Hồ là một tòa thành có vị trí chiến lược như cửa ngõ duy nhất mở vào vùng văn hoá Chămpa trên Tây Nguyên (có thể là châu Thượng Nguyên). Chính chức năng có ý nghĩa chiến lược này đã khiến thành Hồ có một vị trí cũng như cấu trúc rất khác những toà thành Chămpa truyền thống. Thành Hồ nằm về phía Bắc sông Đà Rằng và giáp núi ờ phía Tây để sông và núi củng cố thêm cho hai mặt thành phía Tây và phía Nam, chứ không nằm giữa đồng bằng và lấy sông che chở phía Bắc như thường thấy. Vì phía Tây mới là hậu phương, là nơi cần bảo vệ nên phần thành nội của thành Hồ nằm về phía Tây thành.

     Cũng chính có vị trí địa lý, lịch sử và văn hóa d8ặc biệt, nên thành Hồ là toà thành lớn xuất hiện muộn hơn và cũng chấm dứt sự tồn tại cúa mình muộn hơn so với một loạt những tòa thành Chămpa khác. Thời điểm bị phá cũng đồng thời là thời điểm chấm dứt sự tồn tại của thành Hồ, theo các sử liệu Việt Nam, là năm 1578. Còn thời điểm xây dựng của thành Hồ thì thật khó xác định. Qua những hiện vật vật chất như gạch ngói ở thành Hồ và ở các di tích quanh vùng như Núi Bà, chúng tôi cho rằng, thành Hồ có thể được xây dựng và tồn tại cùng thời với ngôi tháp Núi Bà, Tháp Nhạn ở thị xã Tuy Hoà và Đông Tác ở thị trấn Phú Lâm huyện Tuy Hoà.

     Cuối năm 1990, các nhà kháo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật khu di tích tháp Chămpa ở Núi Bà. Tháp có bình đồ vuông, mỗi cạnh dài 8,60m tường dày 2,30m và gạch xây dược nung tốt có kích thước 40 X 19 X 8cm và 35 X 15 X 6cm (22). Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ các hiện vật đá ở Núi Bà như các hình bằng đá trang trí góc mái các tầng tháp hình “đuôi phượng”, hình macara… và nhận thấy những yếu tố “phong cách Tháp Mắm” (thế kỷ XII-XIV) ở những tác phẩm điêu khắc đá này. Ngoài ra, một số những hình điêu khắc còn có niên đại thế kỷ XV như J. Boisselier đã nhận thấy ở những hiện vật mà H. Parmcnticr phát hiện ở Phước Tịnh vào đầu thế ký XX.

     Từ cuối những năm 1990, chúng tôi đã nhiều lần đến nghiên cứu phế tích tháp Chămpa ở Đông Tác. Chỉ vào tháng tám năm 2000, do đã dược dọn sạch, chúng tôi mới lấy được những số liệu về ngôi tháp này. Thật lạ là các số đo của Đông Tác rất gần với số đo của tháp Núi Bà: gạch có hai loại 40 X 20 X8cm và 38,5 X 19 X6cm; tường dày 2,30m và trong lòng tháp rộng 7,80m.

     Còn ở thành Hồ, ngoài những viên gạch lớn như của Núi Bà và Đông Tác, chúng tôi còn phát hiện trong khu thành Nội phía Tây những viên ngói ống có trang trí hình “mặt hề” đường kính 14cm hoặc 8-10cm – loại ngói óng có niên đại khoảng những thế kỷ từ thế kỷ XII đến thế ký XV (23).

     Do vậy, chúng tôi cho rằng thành Hồ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XII, nghĩa là cùng thời với các ngôi tháp Núi Bà, Đông Tác và Nhạn Tháp, và được sử dụng liên tục cho đến cuối thế kỷ XVI.

CHÚ THÍCH:

(1 )(6)(11)(12)(13)(14)(18) Đại Nam nhất thống chí, tập 3. Nxb. Thuận Hoá, 1996, tr.75, 64, 56. 65, 81. 77.

(2)(3) 11. Parmentier. Invenlaire descriplifdes Monu­ments Chams de L’Annum, Paris, 1909, Chương II. Phuoc Tinh, Thành Hồ.

(4) Nguyễn Đình Tư, Non nước Phú Yên, Tiền Giang, 1995.

(5) Chúng tôi đã công bố các tư liệu về thành Hồ trong các công trình: a/ Ngô Văn Doanh, ‘Thành Hồ, một công trình quân sự quan trọng của người Chăm, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1980, Nxb. KHXH Hà Nội, 1981, tr. 190- 191; b/ Ngô Văn Doanh, ‘Tháp cổ Chămpa. sự thật và huyền thoại, Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội, 1994 (tái bản 1998), tr. 135-136.

(7) (12)(17) Lê Quý Đôn toàn tập, Tập 1- Phủ biên tạp lục. KHXH, Hà Nội, 1977, tr. 42-43, 56, 122.

(8) (9) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 3, Nxb KHXH, Hà Nội, 1972, tr.237 và chú giài 147, tr.357. Và Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Hà Nội, 1964, tr.180.

(10) Nguyễn Quốc Lộc – Vũ Thị Việt, Các dân tộc thiểu số ở Phú Yên, Sở Văn hoá – Thông tin Phú Yên, 1990, tr.35.

(15) Nguyễn Trãi toàn tập, KHXH, Hà Nội. 1976, tr.236.

(16) j. Boisselier, La Stutuuire du Champa, Paris, 1963, tr.367.

(19) Lê Bá Thảo, Việt Nam – lãnh thổ và các vùng địa lý, Thế giới, Hà Nội, 1998, tr. 430.

(20) Những con số  diện tích các huyện, chúng tôi lấy từ: Nguyễn Dược – Trung Hải, sổ tay địu danh Việt Nam, Giáo dục, Hà Nội, 1999.

(21) Có thể tham khảo: a/ Ngô Văn Doanh, Tháp cổ  Chămpa, sự thật và huyền thoại, Nxb. Văn hoá – thông tin, Hà Nội, 1994 (tái bản 1998); b/ Lưu Trần Tiêu – Ngô Văn Doanh – Nguyễn Quốc Hùng (Giữ gìn những kiệt tác kiến trúc trong nền văn hóa Chămpa, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2000.

(22) Lê Đình Phụng – Nguyễn Tiến Đông. Núi Bà – dấu tích một tháp Chămpa, Tạp chí Khảo cổ học, 3/1992, tr.54-61.

(23) Lê Đình Phụng, Đầu ngói ống Chămpa, Tạp chí Khảo cổ học. 1/2000, tr. 96-103.

Nguồn: Nghiên cứu Lịch sử; số 3/2001

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Thành Hồ – Cửa ngõ Châu thượng nguyên (Tây Nguyên) của Chămpa
(Tác giả: TS. Ngô Văn Doanh)