Thành Hồ trong bối cảnh Thành Cổ Champa
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ ĐẶNG VĂN THẮNG
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, trong phần trình bày đạo Phú Yên có giới thiệu về thành Hồ như sau: ‘Thành cổ An Nghiệp ở phía Bắc sông Đà Diễn, thuộc xã An Nghiệp, huyện Tuy Hòa, chu vi 1400 trượng; tương truyền do người Chiêm Thành xây, tục gọi thành Hồ, Năm Mậu Dần (1578), đời Thái Tôn bản triều, Quận công Lương Văn Chánh đánh lấy được thành này, Nay vẫn còn nền cũ”1(1 trượng khoảng 4m, 1,400 trượng X 4m = 5,600m), Sách Đại Nam nhất thống chí cũng có ghi chép về Lương Văn Chánh như sau: “Lương Văn Chánh người huyện Tuy Hòa, đầu bản triều làm Chỉ huy sứ, đánh được nước Chiêm Thành thăng Phụ quốc Thượng tướng quân, sau làm Tham tướng dinh Trấn Biên, có công chiêu tập dân phiêu tán khai khẩn ruộng hoang, chết tặng Quận công, phong phúc thần”2.
Năm Tân Hợi (1611), Nguyễn Hoàng mở rộng lãnh thổ, lấy đất từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia (Thạch Bi), lập phủ mới là phủ Phú Yên, gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa thuộc dinh Quảng Nam. “Đại Nam thực lục” ghi về sự kiện này như sau: ‘Tân Hợi, năm thứ 54 (1611), bắt đầu đặt phủ Phú Yên. Bấy giờ quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới. Chúa sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được (đất ấy), bèn đặt làm một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Nhân sai Văn Phong làm lưu thủ đất ấy”3.
Nãm 1909, Henry Parmentier đã công bố việc khảo sát di tích thành Hồ trong công trình Thống kê khảo tả các di tích Chăm ở Trung kỳ. Ngoài phần mô tả, ông còn thực hiện bản vẽ thành. Theo mô tả của H. Parmentier, thành Hồ nằm bên tả ngạn sông Đà Rằng, cách cửa sông Đà Rằng độ 15km. Tòa thành hình vuông, cạnh 600m được xây chính hướng. Thành có hào rộng 30m bảo vệ tường khá cao ở mặt Bắc và Đông, mặt tượng còn lại rộng 3- 5m. Chỉ mặt được núi bảo vệ là không có tháp canh. Mặt thành phía Bắc có 6 tháp canh, mặt thành phía Đông có 7 tháp canh, kể cả tháp ở góc. Mặt Nam đã bị sụp lở, vẫn còn giữ ở góc Tây hai cái ụ, trong đó có ụ ở góc thành khá quan trọng, có thể được làm chòi canh giới mặt sông, về cửa thành, mặt Đông gần chỗ xẻ để nước vào, như có 1 cổng, mặt Bắc có 2 cổng, ở hai đầu mặt Tây của tòa thành chính có hai cổng, ở dãy rào bên ngoài mặt Tây gần góc Tây Nam có thể là 2 cổng. Gạch xây thành rất lớn, dày hơn 0,10 m, màu đỏ thẫm có khi tím. Công trình được bổ sung hoàn chỉnh bằng dí tích Phước Tịnh, nằm trên trục Bắc Nam bên kia sông Đà Rằng và bằng một ngọn tháp, nằm trên trục Đông Tây, ở trên quả đồi tiếp theo bức tường xiên, vị trí này được nhận ra nhờ nhiều gạch vỡ đổ4.
Năm 1965, Nguyễn Đình Tư trong sách Non nước Phú Yên có đề cập đến thành Hồ, Theo Nguyễn Đình Tư, thành được xây hai lớp; thành ngoại và thành nội. Thành ngoại hình chữ nhật, chiều ngang hướng Đông Tây, khoảng 1000m, chiều dài hướng Bắc Nam, khoảng 1500m. Phía Bắc và phía Đông giáp ruộng vườn, phía Tây giáp núi rừng hiểm trở, phía Nam giáp sông Đà Rằng rộng lớn. Bờ thành theo hình thang, dưới chân rộng khoảng 30m, trên mặt rộng độ 10 hay 15m, cao khoảng 6 – 7m, xây bằng gạch Chăm, như gạch xây các tháp. Trên mặt thành có lối đi ở giữa, rộng khoảng 3 – 4m, sâu xuống ngang lưng, quân lính, xe ngựa có thể đi lại trên đường này, trông thấy địch quân mà địch quân không thấy. Trên mặt thành tại 4 góc và cứ cách nhau khoảng 200 – 300m, lại được xây cao lên như pháo đài, có lẽ là những chòi canh. Ngày nay, những ụ đất này vẫn còn. Những cụ già 60 – 70 tuổi cho biết: khi các cụ mới 9 -10 tuổi đã lên chơi trên thành và còn đùa chạy trong lòng rãnh ấy. Cũng theo các cụ già kể lại, thì mỗi phía thành có mở hai cửa ra vào, gọi là cửa sinh và cửa tử. Cửa sinh là cửa dành cho quân lính ra vào hàng ngày, không có gì là nguy hiểm, được canh gác cẩn mật. Trái lại cửa tử là cửa để quân địch vào và lẽ tất nhiên, sẽ bị những bẫy đã được bố trí sẵn làm thiệt mạng. Cửa này canh gác sơ sài, cố ý đánh lừa địch quân. Thành ngoại cách thành nội khoảng 150m. Thành nội xây bằng đất, cũng hình chữ nhật, trên mặt thành không có đường rãnh và không có pháo đài. Mỗi mặt thành nội cũng có cửa sinh và cửa tử. Ở giữa thành nội có một cái hồ hình mặt nguyệt, ở góc thành nộị phía Tây Bắc có Hòn Mốc, trên có một cái sân khá rộng, lát toàn gạch vuông, có đường tam cấp đi xuống thành5.
Năm 1994, PGS.TS. Ngô Văn Doanh trong sách Tháp cổ Chămpa sự thật và huyền thoại có đề cập đến thành Hồ. Ông cho biết, năm 1980 đã đến nghiên cứu thành Hồ và thấy đây là một thành mang tính quân sự rất kiên cố và lớn của người Chăm. Thành Hồ có bình đồ gần chữ nhật với bốn chòi canh ở 4 góc. Tường thành phía Nam chạy dọc theo sông Đà Rằng dài 852m, tường thành phía Tây dài 940m, tường thành phía Đông dài 732m, tường thành phía Bắc dài 738m. Trong khu thành có bức tường thứ 5 dọc theo hướng Bắc Nam, chia thành hai khu Đông và Tây. Khu Tây là thành nội, cao, có mỏm sân cờ. Song song về phía Tây là bức thành thứ sáu xây hẳn trên sườn núi dài 360m. Ngoài bốn chòi canh ở bốn góc thành, tại tường phía Đông, cách góc Đông Nam 300m, có thêm một chòi canh thứ năm. Các chòi canh đều có bình đồ vuông, mỗi cạnh dài 11 m và cao hơn mặt thành 3m. Tất cả các tường thành và chòi canh đều bằng đất và được ốp ở mặt ngoài và mặt trong bằng lớp tường dày 1,5m, khoang giữa bằng đẩt rộng 4m. Như vậy, tường thành rộng 7m, chân tường thành được đắp choãi ra. Gạch xây thành có kích thước 40cm x 20cm x 10cm; hoặc 38cm x 18cm X 9cm. Thành có tám cổng: hai cổng phía Nam, một cổng phía Bắc, một cồng phía Đông, hai cổng phía Tây, hai cổng nối thành nội và thành ngoại. Trong và ngoài thành có dấu vết các hào nước rộng và ba hồ lớn5. Năm 2001, PGS.TS. Ngô Văn Doanh trong bài “thành Hồ – Cửa ngõ châu Thượng Nguyên (Tây Nguyên) của Champa”, sau khi so sánh những hiện vật như gạch ngói ở thành Hồ và các di tích quanh vùng như tháp Núi Bà, tháp Nhạn, tháp Đông Tác, ông cho rằng thành Hồ được xây dựng vào thế kỷ XII và được sử dụng liên tục cho đến cuối thế kỷ XVI7.
Tháng 7 năm 2001, GS. Trần Quốc Vượng dẫn đầu đoàn khảo sát thành Hồ. Qua khảo sát, đoàn nhận thấy bờ Nam bị sụt lở, chỗ bến sạn Ba Long có thể ứng với mô thứ năm của bờ thành Đông theo bản vẽ của H. Parmentier. Bờ thành Nam còn lại rõ nhất là chỗ cồn Mô, tức góc Tây Nam của thành. Góc Tây Nam từ cồn Mô Giao thông chạy xéo qua mương nước hiện nay về phía Tây Hòn Mốc. Lác đác có cấu trúc gạch trên nền đá gốc, có thể là Granit biến chất tạo ra từ Đông Bắc xuống Tây Nam mà nhân dân gọi là Ghềnh Ông. Phía đối diện bên kia sông là Ghềnh Bà (tức chùa Phước Tịnh). Phía Tây Nam có một cửa nước đổ trực tiếp ra sông Đà Rằng. Phía Tây Bắc có một cửa nước. Nước được dồn xuống rộc chảy xuống bàu (bàu Tròn, bàu Đục) và đổ ra sông. Thành có hai phần, được phân cách bằng một lũy thành tương đối thẳng chạy từ Bắc xuống Nam, về phía Đông của Hòn Mốc. Dân gian gọi phần Tây là thành nội và phần Đông là thành ngoại. Dòng chảy từ cửa (nước) Tây Bắc sang Tây Nam chia thành hai phần. Thành Hồ có hình thể dựa theo thế núi, thế sông. Phía dưới cột cờ, phía bờ thành Tây, đoàn đã phát hiện một số mảnh gốm Chăm cổ, gốm thô, mền và bờ, đất khá đen. Có nhiều khả năng, đây là địa điểm Chăm sớm. Tại địa điểm Thổ Đạo hay Hưng Đạo, bờ thành Đông, đoàn đã tìm thấy nhiều hiện vật gốm, như vò kendi, cà ràng… Một số bình, vò có thân trang trí văn in ô vuông, sóng nước, hồi văn, xương cá… Những hiện vật gốm này khá giống các loại hình gốm Chăm ở tầng văn hóa trên của di chỉ Trà Kiệu, cẩm Phô và một số di tích Chăm khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi… Nhìn chung, bộ sưu tập này nằm trong khoảng thời gian từ thế kỷ III đến thế kỷ V. Tại xóm Thổ Gạch hay xóm Thành Lòi/Lồi, phía bờ thành Nam, trong khi đào đất, nhân dân đã tìm thấy một số điêu khắc đá. Trong đợt này đoàn tìm thấy và thu giữ một đầu tượng bị vỡ dọc thành hai mảnh, mũi và miệng đã bị vỡ. Ngoài ra còn tìm thấy nhiều gốm Chăm cổ. Rất có thể nơi đây cũng là một điểm cư trú lâu đời8.
Qua khai quật cắt ngang thành Bắc, có thể nhận ra kỹ thuật khá cao trong việc xây dựng ở lòng tường thành như: sử dụng đất sét + đá vôi có ở núi Sầm, sau đó kè một lớp gạch vụn, đất sét xen kẽ nhau hai bên chân thành để chống sạt lở. Một thời gian sau bờ thành được sửa chữa nâng cấp lần hai, phía ngoài có một lớp sét. Trên bề mặt thành có lót gạch và xây hai bờ tường gạch cao hai bên để quân lính di chuyển và núp bắn. Rất có thể thành được đắp lần đầu vào thế kỷ thứ III mà hiện vật minh chứng như vò gốm, ngói có văn in bên trong, mặt hề… cùng loại với Trà Kiệu, cũng như niên đại C14 – 230 sau Công nguyên. Theo sách Tấn Thư, vào đời vua Thái Khang nhà Tấn (280 – 290) vua Lâm Ấp là Phạm Dật sang Trung Quốc cống tiến, Phạm Dật cho người nô lệ là Phạm Văn đi theo, qua Trung Quốc học được kỹ thuật xây thành, sau cái chết của Phạm Văn, Phạm Dật cướp ngôi lên làm vua Lâm Ấp, đến đời cháu là Phạm Hồ Đạt (380 – 413) đã cho xây thành Khu Túc vừa là thủ phủ vùng đất phía Bắc vừa là nơi đồn trấn, nhằm chống lại các cuộc tấn công từ Giao Châu9. Đến thế kỷ XV, thành đươc đắp gia cố nâng cao hơn mà hiện vật cho niên đại là trôn đế gốm Gò Sành ve lòng tìm được trong bờ thành Bắc.
Có thể nêu những vết tích thành cổ Champa ở những vùng thuộc Champa cổ như sau:
– Vùng INDRAPURA (giới hạn từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân, nay là đất của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) có 4 thành: thành Khu Túc, thành Ngo, thành Lồi, thành Hóa Châu.
– Vùng AMARAVATI (giới hạn từ đèo Hải Vân đến đèo Bình Đê, nay là đất của thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi) có 3 thành: thành Trà Kiệu, thành Đồng Dương và thành Châu Sa.
– Vùng VUAYA (gỉới hạn từ đèo Bình Đê đến đèo Cù Mông, nay lả đất của tỉnh Bình Định) có 3 thành: thành Thị Nại, thành Đồ Bàn và thành Cha.
– Vùng KAUTHARA (giới hạn từ đèo Cù Mông đến đèo Rù Rì – Nha Trang, nay là đất của tỉnh Phú Yên và nửa Bắc tình Khánh Hòa) có thành Hồ.
– ” Vùng PANDURANGA (giới hạn từ đèo Rù Rì đến…?, nay là đất của nửa Nam tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận…) có 3 thành: thành Văn Lâm, thành Vụ Bổn và thành Sông Lũy.
Về vị trí xây thành, người Chămpa rất giỏi thủy chiến nên thường xây thành ở gần những con sông lớn. Thành xây dựng ở bờ Bắc của sông như thành Châu Sa (Quảng Ngãi) nằm cách bờ Bắc sông Trà 1km, khuôn viên thành được bao bọc bởi những hào khá sâu, nhờ hai gọng thành (gọi là càng cua) nối thành nộỉ với sông Trà10. Thành Hồ (Phú Yên) nằm kề bờ Bắc sông Đà Rằng… Thành xây dựng ở bờ Nam của sông chiếm số lượng nhiều nhất như thành Khu Túc (Quảng Bình) ở bờ Nam sông Gianh, phía Tây là sông Con, phía Đông là đồng bằng11; thành Nhà Ngo (Quảng Bình), theo mô tả của Dương Văn An trong Ô châu cận lục: “Thành ở địa phận xã Uẩn Áo, huyện Lệ Thủy. Sông Bình Giang chảy qua phía trước, sông Ngô Giang ôm phía sau, hai sông ấy chảy đến phía Tây Bắc thì hợp làm một. Thành ba mặt giáp sông, còn một mặt là núi”’2; thành Lồi (Thừa Thiên – Huế), toàn bộ thành chiếm cứ đồi Long Thọ nằm ở bờ Nam sông Hương, thành Trà Kiệu ở bờ Nam sông Thu Bồn…
Chú thích:
1. “ Quốc Sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, tái bản lần thứ hai, người dịch Phạm Trọng Điềm, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 87. . . .
2. Quốc Sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, tái bản lần thứ hai, người dịch Phạm Trọng Điềm, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 93-94.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập một (tái bản lần thứ nhất), người dịch Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 36.
4. Lý lịch di tích thành Hồ (2003), tư liệu Bảo tàng Phú Yên, tr. 10-11.
5. Nguyễn Đình Tư (2004), Non nước Phú Yên, in lần thứ hai, Nxb.Thanh Niên, tr. 106 -112.
6. Ngô Văn Doanh (2004), Tháp cổ Chămpa sự thật và huyền thoại, Nxb.Văn hỏa – Thông tin, Hà Nội, tr. 135 ~ 136.
7. Ngô Văn Doanh (2001), “thành Hồ – Cửa ngõ châu Thượng Nguyên . (Tây Nguyên) của Champa”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3 – 2001, tr. 55 – 60.
8. Lý lịch di tích thành Hồ (2003), tư liệu Bào tàng Phú Yên, tr. 13-16.
9. httpd/vi.wikipedia.org
10. http://www.quangngal.gov.vn/quangngai/tiengvlet/
11. http://vi. Wikipedia, org
12. Dương Vãn An (1997), Ô Châu cận lục (bản dịch), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 73 – 74. Dẫn theo Ngô Văn Doanh (2002), Văn hóa cổ Chămpa, Nxb. Văn hóa Dân tộc, tr. 225.
Nguồn: Di sản văn hóa vật thể; số 4 (37) – 2011
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Thành Hồ trong bối cảnh Thành Cổ Champa (Tác giả: PGS.TS Đặng Văn Thắng) |