“THÀNH NGỮ TÂN THỜI” của GIỚI TRẺ _ Nhìn từ góc độ VĂN HOÁ GIAO TIẾP
ĐỖ THUỲ TRANG
(ThS, Trường Đại học Quảng Bình; Email: dotrangqb@gmail.com)
1.
Văn hoá giao tiếp của người Việt Nam hiện nay nói chung, đặc biệt là văn hoá giao tiếp của giới trẻ nói riêng đang có những biến động sâu sắc. Sự biến động đó xuất phát từ làn sóng quốc tế hoá và toàn cầu hoá ở Việt Nam. Làn sóng toàn cầu hoá đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có văn hoá giao tiếp. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp sự xâm nhập ồ ạt của những từ ngoại lai vào tiếng Việt, kéo theo là sự xuất hiện của tiếng bồi, tiếng lóng,… Có thể nói chưa bao giờ giao tiếp bằng ngôn ngữ của giới trẻ lại đa dạng, sinh động và phức tạp như hiện nay. Tiếng Việt đang chứng kiến một hiện tượng vừa quen vừa lạ lẫm, vừa chính thống vừa phi chính thống, gây ra nhiều phản ứng khen chê trái chiều – đó là hiện tượng “thành ngữ tân thời”, hay còn được gọi với những tên khác như thành ngữ a còng, thành ngữ teen, thành ngữ giới trẻ,…
2.
Giới trẻ – họ là thanh niên, học sinh, sinh viên có độ tuổi trên dưới 20, là lực lượng tiên phong trong trào lưu tân thời của xã hội Việt Nam hiện nay. Họ là những người nhanh nhạy với cái mới, cùng với áo quần, xe cộ, phụ kiện tân thời là gu thị hiếu thẩm mĩ và phong cách tân thời, đi kèm với ngôn ngữ tân thời. “Thành ngữ tân thời” là cách nói “tân thời” về những kết cấu ngôn ngữ tương đối cố định, ít nhiều mang màu sắc thành ngữ được giới trẻ ưa chuộng sử dụng hiện nay. Có thể dễ dàng bắt gặp chúng – những thành ngữ tân thời trên các tờ báo in, báo điện tử dành cho giới trẻ như: Sinh viên Việt Nam, Hoa học trò Magazine, Tuổi trẻ, Thanh niên, Kênh14, 2 Sao, 24h,…; các kênh truyền hình giải trí, các chương trình ca nhạc…; đặc biệt là trên các diễn đàn của giới trẻ, trong khẩu ngữ sinh hoạt. Hiếm ai xa lạ với những kết cấu như: sành điệu củ kiệu, phê như con tê tê, chán như con gián, ngất trên cành quất, dở hơi biết bơi, phi công trẻ lái máy bay bà già,… Chúng nhanh chóng trở thành trào lưu thời thượng, có sức hút mạnh mẽ đối với giới trẻ. Chúng cũng là một mã ngầm, một tín hiệu nhận biết trong nhóm, giới xã hội. Biên độ độ tuổi sử dụng cũng có xu hướng giãn rộng, lôi cuốn cả trẻ em, người lớn tuổi, đủ trình độ học vấn, nghề nghiệp tham gia sử dụng trong nhiều phạm vi giao tiếp khác nhau. Thành ngữ tân thời thường được sử dụng trong những người cùng giới (xét về độ tuổi và vị trí xã hội), hạn chế vượt cấp, giao tiếp với người trên.
3. Thành ngữ tân thời mang dấu ấn đậm nét của văn hoá giao tiếp truyền thống
Xét về mặt ngôn ngữ học, chưa đủ tiêu chuẩn và căn cứ thuyết phục để xếp chúng vào kho tàng thành ngữ của người Việt. Bởi thành ngữ truyền thống là “những ngữ cố định, có kết cấu chặt chẽ, có ý nghĩa biểu trưng cao và có tính xã hội nhất định”… [1]. Hơn hết, thành ngữ kết tinh những giá trị văn hoá tinh thần qua ngàn đời của người Việt, là tinh hoa của ngôn ngữ và văn hoá giao tiếp Việt. Tuy nhiên, xét về những tiêu chí cụ thể, có thể nhận ra những điểm tương đồng giữa thành ngữ tân thời giới trẻ với thành ngữ truyền thống.
Nhìn từ góc độ văn hoá giao tiếp, người Việt Nam truyền thống ưa chuộng lối nói có vần, có nhịp điệu dựa trên sự cân xứng, thường sử dụng hình ảnh giàu sức biểu trưng, có tính biểu cảm cao. Cư dân Việt cũng thường chọn lối nói gián tiếp tinh tế, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, không nói thẳng với đối tượng giao tiếp mục đích, ý đồ giao tiếp của mình. Chính đặc điểm văn hoá này đã tạo ra cho người Việt tâm hồn văn chương ý nhị, ngay cả trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của những người lao động bình dân, ít học. Khi khen ngợi cũng như châm biếm, thành ngữ thường có tính trào lộng, dí dỏm, hài hước, là gia vị làm cho lời ăn tiếng nói người Việt thêm phần ý nhị. Những đặc điểm này chúng ta có thể bắt gặp ở những kết cấu cố định của giới trẻ hiện nay.
Cốt lõi của thành ngữ tân thời là tính nhịp nhàng, vần điệu. Cũng giống như thành ngữ truyền thống, thành ngữ giới trẻ xuất hiện nhiều kiểu dạng đối khá chỉnh: nhan sắc có hạn/ thủ đoạn vô biên, sáng soi trưa đánh chiều chờ/ cầm tờ kết quả cứ đờ mặt ra, yêu nhau trong sáng/ phang nhau trong tối, vạn sự khởi đầu nan/ gian nan bắt đầu nản… Chính thủ pháp đối về cấu tứ, về ý nghĩa đã tạo nên sự cân đối, nhịp nhàng, là cơ sở tạo nên sự chặt chẽ lẫn tính nhạc điệu cho thành ngữ mới. Đặc điểm cấu tạo này là một trong những nguyên nhân đáp ứng sở thích yêu chuộng nhịp điệu vần vè của người Việt Nam trong nói năng, từ đó thu hút bạn trẻ sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nếu không căn cứ vào sự phối âm này, chúng ta sẽ không hiểu nổi vì sao thành ngữ sành điệu lại so sánh: chán như con gián, chảnh như con cá cảnh, bực như con mực, cực như con chó mực, dã man con ngan, hồn nhiên cô tiên, láo như con cáo, thô bỉ như con khỉ, sành điệu củ kiệu,… Đối tượng so sánh và vật được so sánh trong các thành ngữ khẩu ngữ này hầu như không có mối liên hệ, ràng buộc nào về ý nghĩa: chán – con gián, chảnh – cá cảnh, bực – con mực, láo – con cáo, thô bỉ – con khỉ, sành điệu – củ kiệu,… Những ý kiến phê phán, chỉ trích nặng nề thành ngữ sành điệu chủ yếu xoay quanh đặc điểm ngữ nghĩa trống này. Họ coi đây là một trong những thủ phạm làm mất đi sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt. Nhưng họ cũng quên rằng thủ pháp này không phải do giới trẻ mới phát minh ra. Đây là thủ pháp quen thuộc, xuất phát từ quy luật phối âm trong văn học dân gian, đặc biệt là thể loại đồng dao truyền thống Việt Nam. Người nói chỉ quan tâm đến tính nhịp nhàng, thuận miệng nên chỉ chú trọng phối vần sao cho phù hợp, không hề quan tâm đến bình diện ngữ nghĩa. Dù nhiều khi không lí giải được logic ngữ nghĩa nhưng nhiều thế hệ người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn không ngừng yêu thích những bài đồng dao thân thuộc trong kho tàng văn học dân gian.
Màu sắc văn hoá của những kết cấu tân thời này còn thể hiện ở hệ thống hình ảnh ví von so sánh đậm chất dân tộc của kho tàng văn hoá dân gian truyền thống như: gà què, chó mực, nồi-xó, con ngan, mèo hen, thịt chó, mắm tôm, quả cà, cô tiên, thạch sùng, củ kiệu, con lợn, chó mực, cá mè, gà mái, nải chuối, quả cau, giàn mướp,… Chúng là những chất liệu quen thuộc có từ ngàn xưa trong thành ngữ truyền thống, phản ánh cuộc sống bình dân, tạo nên phong vị dân tộc của thành ngữ Việt Nam. Có thể trong đời sống hiện đại hôm nay có những thứ đã dần xa vắng nhưng chúng vẫn xuất hiện trong thành ngữ a còng như một thứ chất liệu tâm lí in đậm trong tâm thức ngôn ngữ của người Việt. Nó làm cho mỗi người Việt Nam đều nhận thấy dù hết sức mới mẻ những thành ngữ tân thời vẫn gắn bó, không hề xa lạ với cuộc sống, bản sắc vốn có của dân tộc mình.
Trong giao tiếp, người Việt ưa lối nói dí dỏm, hài hước, gây cười, tạo tâm lí thoải mái, cởi mở. Kể cả khi phê phán, châm biếm, đả kích, người Việt cũng chọn lối nói gây cười, sắc thái châm biếm vì thế nhẹ nhàng mà sâu cay. Thành ngữ mới giới trẻ cũng chọn lối giao tiếp hài hước như thế:
Anh hùng bàn phím.
Bá đạo trên từng hạt gạo.
Dân ta phải biết sử ta/ Nếu mà không biết thì tra gu gồ (google).
Một con ngựa đau cả tàu ăn thêm cỏ.
Đẹp trai có gì là sai.
Thuận vợ thuận chồng con đông mệt quá.
Chính nhờ đặc điểm hài hước cộng với tính thuận miệng, nhịp nhàng đã làm cho thành ngữ tân thời giới trẻ được phổ biến rộng rãi, được cộng đồng giao tiếp đón nhận dễ dàng và thích thú. Thành ngữ tân thời được cải biên dựa trên chất liệu và hình thức truyền thống, thoả mãn được nhu cầu và sở thích giao tiếp của người Việt nên chúng có nền tảng tiếp nhận hết sức thuận lợi trong tâm lí giao tiếp của người Việt.
4. Thành ngữ tân thời của giới trẻ phản ánh quan điểm giao tiếp và nhận thức mới
Sự tương đồng về chất liệu, cấu tạo so với thành ngữ truyền thống chỉ là sự tương đồng về hình thức bên ngoài của thành ngữ a còng. Nội dung thực sự bên trong của thành ngữ tân thời phản ánh quan điểm mới, khác biệt về nhận thức cũng như giao tiếp.
Một trong những đặc điểm nổi bật của giao tiếp truyền thống của người Việt là đề cao đức tính nhẫn nhịn, chuộng hoà, nhún mình trước đối tượng giao tiếp. Điều này xuất phát từ triết lí căn bản của tư tưởng phương Đông là đức nhẫn. “Một điều nhịn là chín điều lành” là nền tảng giao tiếp, phương châm cư xử căn bản được truyền thống đề cao. Thế nhưng giới trẻ ngày nay là hoàn toàn phủ nhận. Thành ngữ tân thời khẳng định: “Một điều nhịn là chín điều nhục”. Không chủ trương nhẫn nhịn, thậm chí xem nhẫn nhịn đồng nghĩa với nhục nhã là quan niệm phá cách của giới trẻ. Điều này xuất phát từ một ý thức hệ, một nhận thức khác biệt về cái tôi, giới trẻ hấp thu được qua sự giao lưu văn hoá với phương Tây. Trong khi xã hội Á Đông ngàn đời đề cao cái ta chung thì văn hoá phương Tây lại trọng cái tôi bản ngã, cái khác biệt của mình. Một khi đã tự do bản ngã thì nhẫn nhịn mong được yên lành không còn có ý nghĩa. Một cuộc đời giới trẻ hướng tới không phải là an lành mà là cuộc đời dấn thân chấp nhận đối mặt với khó khăn thử thách vì ước vọng “xách ba lô lên và đi”, “bốn bể là nhà”.
Trong khi người Việt truyền thống xuất phát từ một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, tâm lí ưa chuộng nhân lực lao động, nên “đông con hơn đông của”, “dại đàn hơn khôn độc”, “trời sinh voi trời sinh cỏ” thì ý thức về chất lượng và giá trị cuộc sống đã dẫn đến thành ngữ tân thời có quan niệm hoàn toàn trái ngược “thuận vợ thuận chồng con đông mệt quá”, ‘trời sinh voi trời không sinh cỏ”,…
Từ sự thay đổi của nhận thức, hệ tiêu chuẩn và giá trị của giới trẻ ngày nay cũng đang thay đổi chóng mặt:
Nhà mặt phố, bố làm quan.
Trăm lời anh nói không bằng làn khói a còng.
Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ (lexus).
Những giá trị vật chất, biểu trưng là xe a còng (@) đang trở thành nỗi ám ảnh của xã hội hiện đại, đặc biệt là giới trẻ. Trong ngôn ngữ hiện đại, nó không đơn thuần là tên gọi chiếc xe hai bánh nữa mà đã trở thành một ẩn dụ tiêu biểu cho sự giàu sang, sành điệu, đáng mơ ước. Nó trở thành thứ ánh sáng phù hoa có sức hấp dẫn đặc biệt, che khuất hết các giá trị và tiêu chuẩn khác của con người. Nhận thức và tâm lí này là biểu hiện của một xã hội thực tế, thực dụng đầy biến động trước cơn lốc phát triển ồ ạt của thế giới vật chất, còn thế giới văn hoá tinh thần đang giằng co dữ dội giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại. Một khi vật chất trở thành thứ ám ảnh, thành khao khát thường trực thì không khó hiểu khi “một con ngựa đau cả tàu ăn thêm cỏ”. Tinh thần cộng đồng đang rạn nứt nhường chỗ cho chủ nghĩa cá nhân, cơ hội ích kỉ lên ngôi.
Giới trẻ qua thành ngữ tân thời của giới mình đã phản ánh những hiện tượng nóng sốt của thời đại mình đang sống:
Phi công trẻ lái máy bay bà già.
Đẹp trai nhưng hai phai.
Anh hùng bàn phím.
Bó tay chấm com.
Di chuột ngày đàng học một sàng khôn.
Thời đại nào cũng có những hiện tượng, những hệ giá trị của riêng mình. Nếu xã hội truyền thống phổ biến bởi chuyện ruộng đồng, vườn tược, đa thê, thân phận kẻ hầu người hạ hay những tiêu chí như vàng son, mật mỡ là biểu tượng của phú quý giàu sang:
Chết trẻ còn hơn lấy lẽ
Chiêm khô mùa thối
Sớm chực, trưa chầu
Trấu trong nhà để gà ai bới
Tốt vàng son, ngon mật mỡ
Thì trong xã hội hiện đại, con người gắn liền với công nghệ, máy móc, xe cộ,… những biểu tượng vật chất quen thuộc của cuộc sống hiện đại. Chuyện chênh lệch tuổi tác trong xã hội cũ là thói tảo hôn “bồng bồng bế chồng đi chơi/ đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng”. Còn trong xã hội hôm nay đó là vấn đề của tiền bạc và nhục dục, cũng được ẩn dụ với hình ảnh máy bay – phi công. Đây là hiện tượng xuất hiện nhiều trong xã hội hiện đại khi phi công trẻ – những nam thanh niên trẻ cặp với máy bay bà già – một loại máy bay đời cũ được chuyển nghĩa ám chỉ những người phụ nữ trung niên, thậm chí bà già có tiền hám tình trẻ. Phi công trẻ – máy bay bà già là cặp ẩn dụ song hành thú vị chỉ quan hệ tình tiền của những đối tượng bất cân xứng tuổi tác này.
Hay “hai phai” vốn là một thuật ngữ điện tử đã được chuyển nghĩa biểu trưng cho những người thuộc giới tính thứ ba, vốn xuất hiện nhan nhản trong giới showbiz ngày nay; Chấm. com là mã trong ngôn ngữ tin học được chuyển nghĩa thành khẩu ngữ hằng ngày chỉ tình trạng bất lực, kết thúc.
Nếu thành ngữ truyền thống có sự ví von rất gần gũi với đời sống nông nghiệp, nông thôn là “Anh hùng rơm” để chỉ những người bất tài, thì thành ngữ trẻ cũng cải biến nó thành một dạng hợp thời “Anh hùng bàn phím” chỉ những người chỉ biết nói suông, bất tài vô tướng.
Dấu ấn cuộc sống hiện đại được nhìn nhận dưới con mắt của giới trẻ được phản ánh một cách sinh động, sáng tạo trong thành ngữ tân thời. Chúng được cộng đồng thanh niên trẻ hưởng ứng vì gần gũi với đời sống, hơi thở của đời sống hôm nay, nói lên quan điểm, tư tưởng, cách nhìn, cách nghĩ của chính họ chứ không giáo điều, “dạy dỗ” họ – vốn là thứ thanh niên nhạy cảm.
5. Thái độ ngôn ngữ và hiệu quả giao tiếp
Thành ngữ tân thời của giới trẻ xuất hiện dày đặc trong cộng đồng mạng, giao tiếp hằng ngày, trên báo chí dành cho thanh niên, học sinh sinh viên. Đặc biệt cùng với hai cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ và Phê như con tê tê chúng trở thành hiện tượng của xuất bản, truyền thông, các nhà ngôn ngữ học, báo chí, phụ huynh,… Dư luận khen chê trái chiều cho đến hôm nay vẫn tranh cãi không dứt. Nhóm những ý kiến khen ngợi chủ yếu đề cao tính hài hước, dí dỏm, giá trị giải trí của những thành ngữ sành điệu, “Mục đích duy nhất của quyển sách là hướng tính hài hước, giải trí để góp phần làm giảm đi sự căng thẳng, đạo mạo vốn quá nhiều trong đời sống ngày nay” [10]. Đáng nói trong nhóm những ý kiến bênh vực, khiến cho đông đảo bạn đọc không khỏi ngạc nhiên là sự ủng hộ của những nhà nghiên cứu chuyên môn uy tín, có tuổi như GS Văn Như Cương, GS TS Phạm Đức Dương, PGS TS Hoàng Dũng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên,… Họ đều nhận thấy đây là hiện tượng tự nhiên trong quá trình phát triển của tiếng Việt, phản ánh đúng bộ mặt hiện tại của ngôn ngữ khẩu ngữ trong giới trẻ. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng “câu cửa miệng có gì mà khụng khiệng”, đọc những câu thành ngữ mới này thấy “khoái cảm về ngôn ngữ và tinh thần hơn đọc nhiều bài viết xơ cứng nội dung và nghèo nàn câu chữ” [9]. GS TS ngôn ngữ học Phạm Ðức Dương xem thành ngữ sành điệu trong Sát thủ đầu mưng mủ là hiện tượng cái mới xuất hiện, mà bao giờ “cái mới cũng có những lố lăng” [3]. PGS TS ngôn ngữ học Hoàng Dũng thì thẳng thắn nhận thấy một hiện thực không thể chối cãi là “giới trẻ “sung sướng” với thành ngữ tân thời” [2].
Ngược lại, khắp các diễn đàn không khó gặp những quy kết, gán tội cho thành ngữ tân thời: việc cổ suý những câu nói kiểu “chán như con gián”, “chảnh như con cá cảnh”, “dở hơi biết bơi”… chính là cách làm méo mó tiếng Việt truyền thống, giới trẻ ngày nay đã và đang làm biến đổi sự trong sáng và cái hay, cái đẹp vốn có của tiếng Việt, đi ngược lại một thứ tiếng Việt “chuẩn”.
Dù khen hay chê thì chúng ta không thể không thừa nhận sự tồn tại thường xuyên, ngày càng lan rộng và được cổ vũ nồng nhiệt của giới trẻ dành cho thành ngữ tân thời. Chúng trở thành một tín hiệu quan trọng trong giao tiếp, đánh dấu người nghe và thiết lập mạng giao tiếp của mình. Nhận thấy những tín hiệu tích cực này, nhân kỉ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh năm 2014, Trung ương Đoàn đã công bố 20 câu thành ngữ thời a còng kèm theo hình minh hoạ để cổ động, tuyên truyền lối sống đẹp, sống có ý nghĩa của thanh niên:
Sống nhân ái đời không tê tái. Yêu nước chẳng ngại trầy xước. Trung thực dù đời cơ cực.
…
Thay vì những khẩu hiệu giáo điều khô khan mang nặng tính triết lí giáo huấn cũ kĩ, không hợp thời, không hợp đối tượng, Trung ương Đoàn Thanh niên đã nhanh nhạy nắm bắt tín hiệu thẩm mĩ ưa thích của giới trẻ, sử dụng chúng như công cụ giao tiếp hiệu quả để tiếp cận thanh niên. Quan điểm cởi mở, sáng tạo, phá cách này đã được đoàn viên thanh niên hưởng ứng nhiệt liệt, phản ánh phần nào hiệu quả giao tiếp mà thành ngữ a còng mang lại. Thế nên bản thân ngôn ngữ hoàn toàn không có lỗi. Sử dụng ngôn ngữ như thế nào cho đạt được mục đích và hiệu quả giao tiếp là việc của người dụng ngôn.
Thành ngữ giới trẻ có trở thành thành ngữ Việt chính thống hay không là vấn đề của thời gian và của chính nội tại ngôn ngữ. Trong quá trình lịch sử, có những kết cấu cố định có giá trị sẽ được sử dụng thường xuyên, trở thành đơn vị của từ vựng tiếng Việt. Nhưng cũng có những kết cấu sau một thời gian sử dụng không còn phù hợp nữa nên sẽ dần tự biến mất.Thành ngữ tuổi teen cũng như thế.Không phải vì khen hay chê mà thành ngữ mới này sẽ biến mất. Trải qua quá trình thanh lọc của ngôn ngữ và cộng đồng giao tiếp những thành ngữ mới có giá trị sẽ trở thành thành ngữ tiếng Việt chính thống, phản ánh những dấu ấn của xã hội đương đại Việt Nam. Còn những kết cấu rời rạc, nghèo nàn về giá trị biểu cảm, thô tục hay dễ dãi sẽ tự đào thải khỏi lời ăn tiếng nói hằng ngày. Đó cũng là quy luật phát triển muôn đời của ngôn ngữ, nhờ đó tiếng Việt ngày càng đa dạng, phong phú hơn và không ngừng biến đổi để phát triển, theo kịp xu hướng hiện đại hoá, quốc tế hoá mà vẫn không đánh mất bản sắc ngôn ngữ, văn hoá của mình.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Đỗ Hữu Châu, Từ vựng học tiếng Việt, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2004.
2. Hoàng Dũng, Giới trẻ sung sướng với thành ngữ tân thời, Tuổi trẻ số ra ngày 24/10/2011.
3. Phạm Đức Dương, Cái mới luôn có những lố lăng, Tuổi trẻ số ra ngày 24/10/2011.
4. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2003.
5. Nguyễn Văn Khang, Ngôn ngữ học xã hội, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012.
6. Trần Thị Ngọc Lang (chủ biên), Một số vấn đề về phương ngữ xã hội, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005.
7. Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 2003.
8. Phạm Xuân Nguyên, Câu cửa miệng có gì mà khụng khiệng, Tin nhanh VN số ra ngày
27/10/2011.
9. Thành Phong, Sát thủ đầu mưng mủ, NXB Mĩ thuật, Hà Nội, 2011.
10. Thành Phong, Phê như con tê tê, Nhã Nam, 2013.
11. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.
12. Ngôn ngữ học, Tin nhanh Việt Nam, Tuổi trẻ, Dân trí và một số tạp chí khác.
13. Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá, Hà Nội, 1993.
14. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2000.
15. http//: ngonngu.net và một số diễn đàn trực tuyến.