Thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê – Đôi lời bàn thêm về phạm vi, vị trí của hoàng thành và cung thành

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN QUANG NGỌC
(Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển)

     Hình như do quá phấn khởi trước kết quả khai quật khảo cổ học gần 20.000 m2 ở khu dự định xây nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới ở 18 Hoàng Diệu mà nhiều người tin rằng vấn đề thành Thăng Long coi như đã dược giải quyết thoả đáng. Thành quả khai quật khu 18 Hoàng Diệu là quá lớn, thậm chí còn vượt ra ngoài cả tầm suy nghĩ và ao ước lâu nay của cả giới khoa học ở trong và ngoài nước về một toà thành Thăng Long cổ kính và huyền bí, hướng tới Kỷ niệm tròn một thiên niên kỷ tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là chúng ta đã biết tất cả. Chỉ một câu hỏi hết sức cơ bản là phạm vi của Hoàng thành Thăng Long thời Lê tương đương với những vị trí cụ thể nào ở khu vực nội thành Hà Nội hiện nay thì cũng vẫn còn những quan niệm không giống nhau và chắc chắn còn phải nghiên cứu và thảo luận nhiều thêm nữa thì mới có thể có câu trả lời thỏa đáng.

     Khu khai quật 18 Hoàng Diệu nằm trong Hoàng thành Thăng Long thời Lê thì có lẽ không cần phải nói thêm nữa, nhưng nó nằm ở trung tâm Hoàng thành hay chỉ là khu vực phía Tây Hoàng thành như nhiều văn bản công bố lâu nay?. Trong khu vực được coi là Hoàng thành Thăng Long, nói như PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ vào thời Lý – Trần không hề có khái niệm Hoàng thành, vậy thì toà thành hiện hữu ấy phải được gọi là thành gì?. Chắc chắn ngay từ khi mới định đô Lý Công Uẩn đã cho xây dựng hay cải tạo (hoặc vừa xây dựng vừa cải tạo) toà thành Đại La của Cao Biền làm Thăng Long kinh thành, mở 4 cửa Tường Phù ở phía Đông, Quảng Phúc ở phía Tây, Đại Hưng ở phía Nam và Diệu Đức ở phía Bắc (1). Vậy toà thành Thăng Long kinh thành này có phải là Hoàng thành Thăng Long thời mới định đô không? Cũng vào đầu thời Lý sử còn chép đến các toà thành như thành đất ở 4 mặt Kinh thành Thăng Long (1014) (2), Đại nội (1024, 1055, 1224) (3), Thăng Long thành (4), Long thành (1028) (5), Cấm thành (1028, 1209, 1213) (6), Đại La thành (1028, 1078 (7), mà sách Việt Sử thông giám cương mục cho rằng đấy cũng chính là thành Thăng Long (8), Phượng thành (1049) (9). Sang thời Trần sách chép nhiều đến Phượng thành, thậm chí còn xác định rõ Phượng thành nằm trong thành Thăng Long (10) và đến năm 1243 có thêm thành Long Phượng (11). Sang thời Lê đến năm 1463, xuất hiện tên Hoàng thành (12) và sau đó 4 năm, năm 1467, lại thấy sử chép đến việc đốc thúc xây Hoàng thành và ngừng việc xây Cung thành (13).

     Theo chúng tôi, muốn tìm hiếu về thành Thăng Long thì điều trước hết phải lý giải cho được chức năng của các toà thành trên. Đại La thành trong một vài trường hợp cụ thể được coi là thành Thăng Long, còn trong thực tế và trong quan niệm phổ biến thì chỉ là một toà thành bao ngoài. Long thành có tư liệu chép là Cấm thành, nhưng cũng có tư liệu chép phân biệt nó với Cấm thành: (Chẳng hạn ghi chép về sự biến năm 1028, trong một mạch văn, sử chép phân biệt Cấm thành và Long thành (14), nhưng chỉ ngay năm sau, năm 1029 sử lại chép toà thành bao quanh các cung điện Càn Nguyên, Thiên An… là Long thành (15), có nghĩa là Cấm thành). Chúng tôi xin xếp riêng Đại La thành ra một bên, còn các toà thành kể ra ở trên có mối quan hệ với nhau như thế nào, vấn đề không thể không tập trung giải quyết. Chẳng hạn Kinh thành Thăng Long gắn với sự kiện định đô được chép xây dựng vào năm 1010 (nhưng thật ra năm 1010 Lý Thái Tổ chưa kịp xây dựng thành, mãi đến năm 1014 mới đắp thành đất ở 4 mặt kinh thành (16), nên sử chép kinh thành buổi đầu định đô vào năm 1010 và thành đất năm 1014 chỉ là một) với Đại nội, Thăng Long thành liệu có được xem là cùng loại với Hoàng thành năm 1467 hay không? Mối quan hệ giữa Cấm thành (năm 1028, 1209, 1213) với Phượng thành (1049), Long thành (1029), Long Phượng thành (1243) và cả Cung thành (1467) thế nào? Chúng tôi cho rằng trên đại thể có thể coi Kinh thành, Đại nội, Thăng Long thành là các tên gọi và tên gọi trong các thời kỳ lịch sử khác nhau của Hoàng thành; Còn Phượng thành, Long thành, Long Phượng thành, Cung thành, Cấm thành tuy có lúc mở rộng, có lúc thu hẹp nhưng đều là chỉ vòng thành ở phía trong Hoàng thành ngăn cách và bảo vệ khu trung tâm chính trị đầu não của vương triều. Thật ra giữa hai khu Hoàng thành Cung thành không phải ngay từ đầu và cũng không hẳn bất cứ lúc nào cũng có sự ngăn cách thật rạch ròi, nhưng sự phân biệt này là hiển nhiên và thiết nghĩ cĩmg không cần phải bàn thêm nữa. Vấn đề đặt ra chỉ là phạm vi của Hoàng thành và Cung thành qua các thời kỳ là như thế nào và quan trọng hơn là khu vực chúng ta đang tiến hành khai quật khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu là thuộc Hoàng thành hay Cung thành của các vương triều hay các thời kỳ lịch sử chúng ta quan tâm? Để làm công việc này chúng tôi cho rằng công việc có ý nghĩa quan trọng đầu tiên là không thể không nghiên cứu, phân tích hệ thông bản đồ cổ về thành Thăng Long.

     Điều có thể dễ dàng nhận thấy là tất cả các thế hệ bản đồ thành Thăng Long đều vẽ Thăng Long thành là vòng thành ngoài, tương đối thuần nhất và khép kín, trong đó các cạnh phía Bắc và phía Tây đều bám sát hoặc nương theo dòng sông Tô Lịch. Các bản đồ như Hồng Đức bản đồ (A2499; VHt41), Toản tập Thiên Nam lộ đồ (A1081), Trung đô đồ (A2531), An Nam hình thắng chi đồ (A3034), Thiên tải nhàn đàm (A2716, A2006), Trung đô Thăng Long thành nhất phù, nhị huyện đồ (A2716)… đều chú rất rõ vòng thành ngoài bám theo sông Tô Lịch là Thăng Long thành. Đặc biệt Thiên hạ bản đồ (A1362) lại vẽ hết sức giản lược, chỉ có một vòng thành tương đương với vòng thành ngoài chúng tôi vừa nói ở trên và chú chữ Thăng Long thành không phải ở cạnh sông Tô Lịch mà gần khu vực Thủ Lệ – Vạn Phúc. Vậy thì tất cả các bản đồ đều thống nhất xác định thành Thăng Long (hay Hoàng Thành Thăng Long) thời Lê, hay chí ít là thời Lê – Trịnh bao lấy toàn bộ không chỉ khu vực thành nhà Nguyễn và một số phường phố xung quanh mà còn mở rộng ra toàn bộ khu vực Thập Tam Trại.

     Nghiên cứu các tấm bản đồ thành Thăng Long, bất cứ ai cũng có thể nhận ra một toà thành nhỏ, hình chữ nhật nằm ở bên trong và lệch hẳn về cạnh phía Đông Hoàng thành. Toà thành này có cửa ở phía Đông rất gần Đông Môn hay Đông Hoa môn của Hoàng thành; cửa Nam là Đoan Môn; cửa Tây là Tây Môn (hơi thiên về góc phía Tây Bắc cạnh đường Hoàng thành và nhìn ra chùa Khán Sơn). Trong thành có các địa danh Kính Thiên (điện), Vạn Thọ (điện), Càn Thọ (điện), Chí Kính (điện), Thị Triều (điện), Triều Nguyên, Đông Cung… và được chia ra thành các ô nhỏ. Hoàn toàn có thể khẳng định đây là Cung thành hay Cấm thành. Cũng có đủ cơ sở để tin rằng đây còn được gọi là Phượng thành hay Long Phượng thành (thậm chí cả Long thành nữa). Phạm vi của toà thành này có thể xác định được tương đối chính xác với cạnh Đông là cửa Long Môn, ở bên trong của Đông Hoa, cách không xa Hoàng thành phía Đông; cạnh Nam được giới hạn bởi Đoan Môn; cạnh Bắc gần sát Hoàng thành phía Bắc và đương nhiên cũng gần sông Tô Lịch; còn cạnh Tây nằm ở bên trong chùa Khán Sơn gần vườn Tây Cấm (khu vực chùa Một Cột hiện nay), tức là chưa tới đường Hùng Vương. Toà thành này lâu nay được nhiều người quan niệm là Hoàng thành, nhưng tư liệu bản đồ và tư liệu thư tịch cổ xác nhận đây là toà thành nằm trong Hoàng thành và có thể gọi là Cấm thành, Cung thành, Long Phượng thành hay Phượng thành là tuỳ từng thời kỳ và hoàn cảnh cụ thể. Vì quan niệm như vậy nên chúng tôi cho rằng khu di tích Khảo cổ học chúng ta đang khai quật ở 18 Hoàng Diệu nằm gọn ở bên trong Cung thành hay Cấm thành. Đương nhiên một khi di tích đã nằm trong Cấm thành thì cũng có nghĩa là nó nằm trong Hoàng thành, nhưng chắc chắn phải là trung tâm của Hoàng thành, chứ không thể gọi lả phía Tây Hoàng thành như nhiều nhà nghiên cứu xác định lâu nay. Kết quả khai quật khảo cổ học với sự phát lộ của những công trình kiến trúc đồ sộ, bộ sưu tập hiện vật hết sức phong phú, độc dáo, nhất là một tập hợp của các đồ ngự dụng là cơ sở xác thực xác nhận khu vực khai quật 18 Hoàng Diệu nằm trong Cung thành hay Cấm thành Thăng Long các thời Lý, Trần, Lê.

     Đây là vấn để tưởng như hết sức gay cấn (17), nhưng thật ra đã dược các nhà địa lý học lịch sử đời Nguyễn nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra những kiến giải khá thống nhất và theo chúng tôi là có sức thuyết phục. Phương Đình Nguyễn Văn Sicêu (1799-1872), người Hà Nội gốc trong sách Đại Việt địa dư toàn biên từng chỉ rò: “Căn cứ vào bản đồ thành Thăng Long đời Hồng Đức, thì thành này hình như thước thợ mộc. Ba mặt Đông, Nam, Bắc vuông vắn, mặt Tây và Nam dài bằng một nửa. Cửa Đông bắt đầu từ thôn Đức Môn (trước là thôn Đông Môn) tổng Đồng Xuân theo hướng Bắc đến sông Tô Lịch đi bờ bên Tả qua cửa Bắc về phía Tây đối với phường Nhật Chiêu, theo về phía Nam là cửa Bảo Khánh, theo hướng Nam đến phía trước bên Hữu Văn Miếu, lại đến phía sau qua sang bên Tả là Cửa Nam, đi thẳng về phía Đông. Đấy là dấu cũ thành Thăng Long, ở giữa là Cung thành, trong cửa Cung thành là Đoan Môn. Trong Đoan Môn là điện Thị Triều, trong điện Thị Triều là điện Kính Thiên. Bên Hữu điện Kính Thiên là điện Chí Kính, bên Tả là điện Vạn Thọ. Bên Hữu Đoan Môn là Tây Trường An, bên Tả là Đông Trường An. Trong có suối Ngọc. Ngoài Cung thành là Hoàng thành. Về bên Đông phía trước là Thái Miếu, phía sau là Đông Cung. Bên Tây qua núi Khán Sơn là điện Giảng Võ. Lại về phía Tây là đền thờ Linh Lang. Trường thi hội đều ở đấy. Hoàng thành, Cung thành đều xây bằng gạch” (18).

     Tư liệu thư tịch và tư liệu khảo cổ học cũng góp phần xác định thêm là khu vực Cung thành, Cấm thành hay Phượng thành Thăng Long suốt thời Lý- Trần cho đến Lê hầu như không có sự thay đổi thật đáng kể. Chỉ có vào năm 1490 vua Lê Thánh Tông cho đắp rộng thêm Phượng thành, mở rộng 8 dặm ra phía ngoài trường Đấu Võ (19). Tấm bia Trùng tu Huy Văn điện Dục Khánh tự bi do Dương Bá Cung soạn năm Tự Đức thứ 17 (1864) đặt ở chùa Huy Văn cho biết khu vực Ngọc Hà hiện nay là chỗ luyện tập võ nghệ xưa (Ngọc Hà diễn võ cố xứ) (20). Vua Lê Thánh Tông thuở sinh thời thường lên Khán Đài trên núi Khán Sơn để xem diễn võ nên mới có tên núi và tên chùa Khán Sơn. Khán Sơn nằm ở khu vực đường Hùng Vương, trước cổng Phủ Chủ tịch hiện nay thì trước năm 1490, Phượng thành nằm ở phía trong đường Hùng Vương, còn sau năm 1490 Phượng thành mới được mở rộng về phía Tây (có nghĩa là sau năm 1490 Phượng thành đã mở rộng ra phía ngoài đường Hùng Vương). Phượng thành năm 1490 được mơ rộng đến đâu và như thế nào cũng còn là vấn đề cần phải được tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên cũng có thể tin như những giải thích gần đây của một số chuyên gia nghiên cứu về Hà Nội rằng “đoạn tường thành mới đắp thêm (dang dỡ hoặc đã hoàn thành) nối Phượng thành với thành Thăng Long về phía Tây, có lẽ đã thể hiện sự mở rộng này” (21). Đây là đoạn thành (hay một hệ thống gò) chạy từ Thủ Lệ cho đến Kim Mã. Nếu giả thiết này đúng và tấm bán đồ Thiên hạ bản đồ (A1362) chú thích đây là thành Thăng Long là chính xác, thì cũng có thể tin đoạn thành này chi là cải tạo đoạn thành đã có từ thời Lý- Trần, vì sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết khá cụ thể rằng việc Lê Thánh Tông cho mở rộng Phượng thành là dựa theo quy mô thời Lý Trần (Quảng trúc Phượng thành nhân Lý Trần chi chế dã (22)). Nhiều tư liệu khác cũng cho phép dự đoán thành Thăng Long thời Lý- Trần chỉ chạy đến khu vực này mà không bao gồm cả Giảng Võ, Ngọc Khánh.

     Điều cần phài giải thích rõ là kể từ sau năm 1490, tuy Phượng thành được mở rộng về phía Tây nhưng trung tâm chính trị của triều đình Lê Thánh Tông hầu như vẫn không có sự chuyển dịch. Tại khu vực mới được mở rộng Lê Thánh Tông cho xây thêm điện Danh Bảo (hay Thạch Thất) và lập vườn Thượng Lâm phục vụ cho nhu cầu ăn chơi, thưởng ngoạn. Việc mở rộng thêm Phượng thành của Lê Thánh Tông đã được sử sách chép rất rõ, hoàn toàn không phải là để chuyển trung tâm chính trị sang đấy mà chủ yếu là quy gọn lại trường Đấu Võ vào khu vực Giảng Võ hiện nay và tạo ra một khu đệm, bảo vệ an toàn cho khu trung tâm chính trị đầu não của vương triều. Hình như thế cho nên khu này không được tập trung xây dựng và bước sang đầu thế ký XVI, chế độ Trung ương tập quyền của nhà Lê nghiêng ngã và sụp đổ, thì khu vực này lại càng ít được quan tâm hơn. Có lẽ vì lý do này mà khu vực phía Tây Phượng thành mặc dù có mấy chục năm được tích hợp vào Phượng thành mà không để lại được dấu ấn gì đáng kể.

     Cũng không thể không quan tâm đến sự kiện vào năm 1514-1416 vua Lê Tương Dực cho “đắp thành rộng lớn mấy ngàn trượng, bao quanh điện Tường Quang, quán Chân Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ; từ phía Đông đến phía Tây Bắc, chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp Hoàng thành dưới làm cửa cống, dùng ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến và gạch vuông xây lên, lấy sắt xuyên ngang” (23). Đoạn thành này nằm phía ngoài sông Tô Lịch mà dấu tích còn lại là các đường Thuỵ Khuê, Quán Thánh… Sự kiện này xác định rõ hơn phạm vi và vị trí của Hoàng thành Thăng Long trước năm 1514, mà nó cũng đồng thời là cái mốc đánh dấu sự lụi tàn của Hoàng thành Thăng Long. Cũng ngay trong năm Hoàng thành vừa được đắp mới thi vua Lê Tương Dực bị giết chết, Trần Cảo chiếm kinh thành, triều đình biến loạn triền miên và Mạc Đăng Dung lợi dụng cơ hội đó đã phế bỏ nhà Lê lập ra nhà Mạc. Chế độ Trung ương tập quyền sụp đổ, hổỗn chiến phong kiến triền miên… Thành Thảng Long vì thế mà ngày một điêu tàn.

     Hoàng thành Thăng Long kể cả từ thời Lý, Trần cho đến Lê đều được chia ra thành hai khu tương đối độc lập là khu Chính trị và khu Quân sự. Khu Chính trị là khu đặc biệt quan trọng của Triều đình dược bảo vệ nghiêm ngặt và mức độ nghiêm ngặt càng ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của chế độ Trung ương tập quyền. Khu Quân sự đương nhiên phải lấy các hoạt động học hành, luyện tập, thao diễn quân sự của quân đội là chính, nhưng cũng có các cung diện, lầu gác, hành cung, chùa quán, vườn Thượng uyển, danh lam thắng cảnh, kho tàng của nhà nước… phục vụ cho các hoạt động văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, thưởng ngoạn của hoàng đế, hoàng gia và triều đình. Trong khu này chắc chắn có các dinh thự của quan lại, có khu gia binh, thậm chí có cả khu vực sinh sống và sản xuất của những người làm việc và phục dịch trong kinh thành. Tài liệu thư tịch nói đến những phường phố hay tài liệu kháo cổ học, tư liệu điều tra điền đã xác nhận có không ít những dấu tích của cuộc sống và sinh hoạt bình dân trong khu vực Hoàng thành phía Tây cũng không phái là điều khó hiểu. Đó là chưa nói đến tình trạng khu vực này bị bỏ hoang phế từ lâu và cũng từ rất sớm đã bị gạt hẳn ra khỏi vùng Hoàng thành.

     Công việc khảo sát thực địa của chúng tôi được triển khai trên cơ sở những phân tích và đoán định này và may thay kết quả khảo sát không những không mâu thuẫn mà lại hoàn toàn thống nhất, đã làm rõ ràng hơn, cụ thể hơn về vị trí, diện mạo của một vùng Hoàng thành và Cung thành thành Thăng Long trong lịch sử (24).

     Như vậy, trong quá trình hình thành và phát triển, các nhà thiết kế và thi công toà thành “Thăng Long dần dần cũng hướng tới mô hình “tam trùng thành quách”, nhưng hoàn toàn không phải là sự sao chép hay rập khuôn theo nguyên mẫu của Trung Quốc, mà là sự tận dụng, thích ứng và nương theo địa hình gò bãi, sông nước, đầm hồ của vùng ngã ba Nhị Hà – Tô Lịch. Mục đích nhất quán của Lý Thái Tổ và các vương triều Lý, Trần, Lê là tạo dựng kinh thành tầm thế, thoáng rộng, đủ làm chỗ ở của đế vương giữa trung tâm đất nước, làm nơi “thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Kiến trúc Hoàng thành Thăng Long không chỉ là vòng thành bao lấy Cung thành, tạo thêm độ nghiêm cán và bảo vệ an toàn cho Cung thành ở bên trong, mà Hoàng thành còn bao lấy cả các khu luyện quân, giảng võ, khu đền, đài, cung, quán, kho tàng, khu vườn “Phượng uyển với các danh lam thắng cảnh phục vụ nhu cầu văn hoá, tín ngưỡng cung đình. Hoàng thành Thăng Long vì thế cần phải được nhìn nhận một cách thực tế và linh hoạt, không nên gò theo mô hình “tam trùng thành quách” một cách cứng nhắc hay quy về các mẫu tiêu biểu như thành Bắc Kinh thời nhà Minh ở Trung Quốc hay thành Huế thời Nguyễn ở Việt Nam. Nghiên cứu thành Thăng Long, theo chúng tôi không thể không nhận điện một cách rõ ràng hai khu vực Hoàng thành và Cung thành với những chức năng cụ thể của chúng, trong đó khu vực Cung thành bao giờ cũng là trung tâm chính trị đầu não quan trọng nhất. Cung thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê tuy cũng có mở rộng hay thu hẹp qua từng thời kỳ, nhưng về cơ bản vẫn là khu vực thành nhà Nguyễn sau này.

     Có thể nói là thành Hà Nội thời Nguyễn được xây dựng trên khu vực Cung thành hay Cấm thành, Long thành. Phượng thành, Long Phượng thành các thời Lý – Trần – Lê. Vì thế, khu vực 18 Hoàng Diệu mà chúng ta đang tiến hành khai quật khảo cổ học không phải là khu vực phía Tây Hoàng thành như một số tài liệu đã công bố, mà chính là Cung thành/Cấm thành, hay có thể nói cụ thể hơn là khu vực phía Tây ở bên trong Cung thành/Cấm thành. Đấy là khu vực không thể không giữ bằng mọi giá.

     Chú thích:

     (1), (2) Đại Việt sử ký toàn thư. Khoa học xã hội. Hà Nội, 1993, tập I, tr. 241,244.

     (3) Đại Việt sử ký toàn thư. Sdd, tập I, tr. 247, 271; Đại Việt sử ký Tiền biên. Khoa học xã hội. Hà Nội, 1997, tr. 311.

     (4), (5), (6), (7). Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. tập I. tr. 241. 248, 248, 251.

     (8) Việt sử thông giám cương mục. Nxb. Giáo dục. Hà Nội. 1998. tập I. tr. 303.

     (9) Việt sử lược. Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội. 1960, tr. 89.

      (10) Sách chép rõ “Thăng Long Phượng thành” (Đại Việt sử ký toàn thư, sdd, tập II. tr. 12).

     (11), (12), (13), (19). Đại Việt sử ký toàn thư. Sdd, tập II. tr. 19. 399, 430-432, 508.

     (14), (15), (16). Đại Việt sử ký toàn thư. Sdd, tập I, tr. 248. 254. 244.

     (17). Vì gần đây có quá nhiều ý kiến xung quanh vấn đề phạm vi và vị trí của Hoàng thành Thăng Long.

     (18) Phương Đình Nguyễn Văn Siêu: Đại Việt địa dư toàn biên. Viện Sử học và Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1997, tr. 177-178. Sách Đại Nam nhất thống chí và nhiều bộ sách địa lý lịch sử thời Nguyễn cũng đồng quan niệm về toà thành Thăng long với Phương Đình Nguyễn Văn Siêu.

     (20) Tuyển tập văn bia Hà Nội. Quyển II. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 10.

     (21) Nguyễn Thừa Hỷ: về phức hợp thành Thăng Long. Bài viết tham gia chương trình nghiên cứu thành Thăng Long. 2004. PGS. TS Đỗ Văn Ninh cũng có những kiến giải tương tự PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ về đoạn thành này.

     (22), (23) Đại Việt sử ký toàn thư. Sdd, tập II, tr. 508, 79.

     (24). Xin tham khảo các bài viết của Nguyễn Ngọc Phúc, Phạm Đức Anh (về khu vực phía Tây). Tống Văn Lợi, Hà Duy Biển (về khu vực phía Nam), Vũ Dường Luân (về khu vực phía Đông) và Nguyễn Thị Bình (về khu vực phía Bắc) đã trình bày trong Hội thảo tổ chức tại Viện Khảo cổ học các ngày 27 và 28 tháng 7 năm 2004.

Nguồn: Nghiên cứu lịch sử, số 2, năm 2005

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê – Đôi lời bàn thêm về phạm vi, vị trí của hoàng thành và cung thành (Tác giả: PGS. TS Nguyễn Quang Ngọc)