Thờ đá trong tín ngưỡng phụng thờ Thánh Gióng
Tác giả bài viết: Thạc sĩ NGUYỄN THỊ THU HƯỜNG
(Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam)
Thánh Gióng là một trong Tứ bất tử được phụng thờ trong tín ngưỡng thờ cúng dân gian người Việt. Thánh Gióng là nhân vật huyền thoại, mang cốt cách của người anh hùng văn hóa để đi đến được lịch sử hóa, trở thành nhân vật trung tâm của một hệ thống truyền thuyết cực kỳ đa dạng và phong phú, truyền lưu trong hầu khắp các làng quê vùng đồng bằng trung châu Bắc Bộ và lan tỏa ra cả nước. Đó là sự hiện diện cho mối kết tinh giữa sức mạnh vật chất và tinh thần của cộng đồng, trở thành biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết của một cộng đồng nông nghiệp cùng liên kết với nhau để một mặt, đối phó với môi trường tự nhiên là chống lũ lụt, bão giông, và mặt khác, ứng xử vối môi trường xã hội, chống giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước. Trải qua quá trình dựng nước và giữ nước, theo cách cảm nhận và đánh giá của người dân, Gióng đã từ một cậu bé sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, được cộng đồng nuôi dưỡng, bồi đắp cả về mặt thể xác lẫn công trạng, trở thành người anh hùng của cộng đồng, có danh tính như một nhân vật lịch sử đích thực, để rồi tạo ra niềm tin cho người dân về một vị Thánh, một vị thần trong Tứ bất tử của tâm thức dân tộc Việt Nam. Trong tín ngưỡng thờ Gióng, có một số vật bằng đá vẫn được nhân dân phụng thờ cho tới ngày nay.
Về sự ra đời của Thánh Gióng có nhiều dị bản song không khác nhau lắm. Qua sách vở, các câu chuyện kể và cả những ghi chép trong các chuyến điền dã của chúng tôi tại các thôn /làng thờ Thánh Gióng thuộc các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh (Hà Nội) – vào tháng 7 và 8/2009, đều có nội dung giống nhau rằng cậu bé làng Phù Đổng ấy ra đời được ba tuổi vẫn không biết nói cười nhưng khi đất nước bị giặc Ân xâm lược, cậu bé bỗng vươn vai trở thành một thanh niên trai tráng biết nói cười. Tiếng nói đầu tiên là tiếng nói hưởng ứng lời kêu gọi của đất nước thể hiện ý chí yêu nước và lòng quyết tâm chiến thắng kẻ thù xâm lược của nhân dân ta.Việc Gióng được sinh ra là một thần thoại mang tính kỳ bí đó là nguồn gốc thần linh (bà mẹ giẫm lên dấu chân ông Khổng lồ bằng đá trong vườn cà), rồi về thụ thai, vết chân đó ngày nay đã được nhân dân vùng Phù Đổng (huyện Gia Lâm) xây miếu thờ, vào dịp hội Gióng tổ chức vào mùng Chín tháng Tư lịch trăng, nhân dân trong làng thường đến đây thắp hương và lễ. Chi tiết này chứng tỏ trong tín ngưỡng thờ Gióng vẫn thấy mối quan hệ với tín ngưỡng thờ đá. Ở trên núi Sóc có một hòn đá lớn, hình thù đặc biệt với nhiều nét lồi lõm được cho là dấu chân của ông Đổng. Tương truyền đây là vết chân ông Đổng mà bà mẹ Gióng khi ra hái cà đã ướm chân vào, về nhà thụ thai và sinh ra Gióng. Các cụ kể rằng, xưa kia trên đỉnh núi Sóc có một ngôi miếu cổ, rất thiêng. Miếu nhỏ, trong đó chỉ thờ một tảng đá lớn trên đó có dấu chân ông Đổng.Vết chân ông Đổng còn được dân gian lưu truyền ở một số nơi khác nữa. Với cách thức giải thích của dân chúng, người anh hùng của cộng đồng tất phải sinh ra từ sự vững bền vốn được trầm tích và cấu thành từ tự nhiên vô biên, từ một cõi siêu nhiên, khác với sự sinh nở bình thường như người đời. Đây cũng là mô típ quen thuộc trong quan niệm văn hóa dân gian của nhiều dân tộc trên thế giới. Theo quan niệm của dân gian, con người đặc biệt tất phải được sinh ra từ sự đặc biệt, từ vật linh và ngược lại, chỉ có vật linh mới sinh ra được con người đặc biệt, linh thiêng. Theo cảm nhận của người dân, trong thế giới tự nhiên, chỉ có 3 loại vật thể có khả năng chứa đựng tính thiêng, là loại vật linh: Đá, Gỗ và kim loại Đồng. Chính vì vậy, mọi loại tượng thờ của bất kỳ nơi thờ phụng nào, trong không gian đền, đình, miếu hay ngoài không gian tự nhiên, đều chủ yếu được tác tạo từ đá, cây/gỗ, đồng. Nhìn lại lịch sử nhân loại buổi thiếu thời, trải qua các thời đại đồ đá, đồ đồng, con người nhờ các loại vật liệu đá, đồng mà chế tác ra dụng cụ làm ăn, sáng tạo ra vũ khí diệt trừ thú dữ và chống trả kẻ thù. Dưới con mắt người dân, đá và đồng là những thứ “nguyên vật liệu” kỳ diệu, chắc hẳn nó phải là thứ sản phẩm của thần linh, do thần linh ban phát cho con người, có vậy, những loại vật dụng – vũ khí này mới có được sức mạnh thần kỳ, giúp con người tự vệ và làm ăn sinh tồn. Khi xã hội đã phát triển, các loại vật linh thiêng/ có sức mạnh thần kỳ này lại nhờ tín ngưỡng tôn sùng của con người mà đi vào các chốn thờ phụng linh thiêng, được dùng làm nguyên liệu để chế tác ra đồ thờ, được người dân tin rằng chỉ có các loại đồ thờ từ nguyên liệu thần kỳ này mới có khả năng chứa nguồn khí thiêng, nối kết những lời cầu nguyện của dân chúng với cõi siêu nhiên, nơi có các đấng tối cao ngự trị, điều hành thế giời phàm tục trần gian. Những vật thiêng này như đại diện cho thế giới vật chất của vũ trụ, hạt nhân tạo ra sức mạnh thần kỳ, hun đúc nên tầm vóc của các bậc thánh thần, đủ sức mạng quyền linh chi phối vạn vật. Chính vì vậy mà, không phải ngẫu nhiên, khi ngay từ tư duy cổ xưa (chí ít là từ cuối thời đại các vua Hùng!), người dân Phù Đổng đã tạo quan hệ gắn kết giữa vết chân đá – cội nguồn của tác tạo ra vị thánh thần của mình – với chiếc thống đá (để đựng nước tắm sau khi sinh ra), chiếc liềm đá (để cắt rốn), chiếc chõng đá (để nằm nghỉ như chiếc nôi), tất cả hợp lại thành biểu tượng hoàn thiện cho khởi nguồn xuất phát, mang yếu tố thần kỳ, huyền thoại cho một nhân vật đặc biệt. Ở thôn Phù Dực, xã Phù Đổng có miếu Ban, tên chữ là Dục Linh Từ, thờ chiếc chõng đá và chiếc thống đá. Nơi đây chính là rừng Trại Nòn xưa, là nơi sinh ra Thánh Gióng. Truyền thuyết kể rằng, khi chuẩn bị sinh Gióng, bà mẹ Gióng đã đi đến rừng Trại Nòn, nơi có khoảnh đầm rộng, tôm cá lươn ếch rất nhiều. Giữa đầm có gò cao, có rất nhiều cây cối hoa quả quanh năm. Một hôm gió to bão lớn, sấm sét đùng đùng, bà mẹ đau bụng chuyển mình, chạy ra bờ đầm ngồi nghỉ. Tự nhiên chóp lóe xuống mặt đầm, rồi một chiếc cầu đá (lại là đá) từ dưới đáy đầm nổi lên, nối bờ với gò, bà mẹ Gióng theo cầu đá, đi vào đỉnh gò đẻ Gióng. Đến nơi thì đã thấy ở đó có sẵn một chiếc chõng đá, một chiếc thống đá có sẵn nước, một chiếc liềm đá. Bà mẹ Gióng đã lấy liềm đá cắt rốn cho Gióng, tắm cho Gióng trong chiếc thống đá, tắm xong đặt con lên chiếc chõng đá. Nhờ việc bắt tôm cá và hái lượm hoa quả, cây cối của khu đầm mà bà mẹ Gióng đã nuôi con trong suốt ba năm cho đến khi nhà vua cử người đi cầu người hiền tài ra giúp nước chống ngoại xâm. Qua những truyền thuyết này thì có thể thấy đá, thứ vật thể trong tự nhiên, khi được con người ý thức về sự ích dụng và linh thiêng, đá trở thành biểu tượng cho hiện thân của khí thiêng trời đất, cùng cây cỏ thiên nhiên góp phần hỗ trợ sinh ra và nuôi dưỡng Gióng.
Trải qua thời gian, diện mạo của khu vực này đã có nhiều biến cải. Khu rừng Trại Nòn xưa không còn nữa. Hiện tại, sau miếu Ban có một cái ao, giữa ao có một gò đất xinh xắn mà dân gian cho rằng bà mẹ Gióng đã sinh ra Gióng ở đây. Chiếc chõng đá, liềm đá, thống đá tự nhiên đã bị thất lạc và bàn tay của con người đời sau lại tạo ra chiếc chõng đá và chiếc thống đá hiện đang được thờ cúng tại đây. Vết chân đá, chõng đá, thống đá, liềm đá là những vật thiêng được nhân dân thờ phụng vì chúng gắn vái những vị thần (ông Đổng, ông Gióng). Người dân cho rằng khi cúng tế, cầu khấn tại đây sẽ được các vị thần phù hộ độ trì. Các vị thần luôn ở trong những vật đá đó và sẽ ra tay cứu giúp dân khi được cầu khấn. Tín ngưỡng đó xuất phát từ quan niệm của người nguyên thủy, mang thế giới quan thần thoại, cho rằng đá có sự sống, có phần hồn phần xác như con người và có thể là nơi trú ngụ của linh hồn. Trong vết chân đá, theo tín ngưỡng dân giancó thể là nơi trú ngụ của ông Đổng cũng như trong chiếc chõng đá và chiếc thống đá có thể là nơi trú ngụ của ông Gióng. Người dân cầu khấn những vật bằng đá đó tức là cầu khấn ông Đổng, ông Gióng cứu giúp dân lành, tiêu diệt cái ác, mang lại điều tốt lành cho mình. Tín ngưỡng đó vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Bên cạnh việc cầu khấn các vị thần qua các đồ vật bằng đá được phụng thờ, người dân còn thể hiện lòng tôn kính và biết ơn các vị thần, biểu tượng của người anh hùng dân tộc đã giúp dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi cho đất nước. Trong truyền thuyết và trong lễ hội Gióng ở Phù Đổng còn có hình tượng tướng giặc là nữ, sau khi hóa thân đã gắn với đá linh thiêng (Thạch Linh thần tướng), dùng ngựa đá để đi mây về gió. Điều này, theo chúng tôi cũng phản ánh về tín ngưỡng thờ đá của nhân dân từ xa xưa.
Tín ngưỡng thờ đá là một phần không thể thiếu được trong nghi lễ phụng thờ Thánh Gióng. Các đồ vật bằng đá được phụng thờ gắn liền với sự tích Thánh Gióng, người anh hùng được sinh ra từ huyền thoại, dần dần được lịch sử hóa, trở thành biểu tượng tổng hợp cho chân dung người anh hùng, có thân xác khổng lồ, sức mạnh khổng lồ, đi đến khổng lồ về chiến công và tầm vóc, tiêu biểu cho truyền thống và khí phách của dân tộc. Và người anh hùng dân tộc xuất thân từ dấu vết đá thần kỳ, theo tín ngưỡng và tâm thức dân gian đã trở thành một trong bốn vị Thánh bất tử trong đời sống văn hóa tâm linh Việt Nam./.
Nguồn: Nghiên cứu Đông Nam Á, tháng 7/2010
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Thờ đá trong tín ngưỡng phụng thờ Thánh Gióng (Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thu Hường) |