Thủ công nghiệp Việt Nam ở Trung kỳ thời Pháp thuộc

HANDICRAFTS IN CENTRAL VIETNAM UNDER THE FRENCH COLONIAL PERIOD

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ LỆ HÀ
(Viện Sử học-Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Thủ công nghiệp ở Việt Nam nói chung, Trung Kỳ nói riêng có truyền thống lâu đời và luôn gắn chặt với canh tác nông nghiệp, đời sống nông thôn. Dưới thời Pháp thuộc, sự xâm nhập của nền thương mại và kinh tế hàng hóa làm cho nghề thủ công có xu hướng phân hóa: một số nghề bị sa sút do chịu sự cạnh tranh từ bên ngoài như bông vải, tơ tằm… một số nghề bị sự kiểm soát của chính quyền là rượu và muối. Tuy có nhiều biến động do chính sách của Pháp nhưng những năm đầu thế kỷ XX, ở Trung Kỳ đã thành công ổn định và phát triển một số nghề thủ công. Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu một số nghề thủ công nghiệp tiêu biểu dưới thời Pháp thuộc ở Trung Kỳ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra một vài nhận xét về vai trò của thủ công nghiệp đối với đời sống của người dân ở Trung Kỳ dưới thời Pháp thuộc.

Từ khóa: Thủ công nghiệp, Trung Kỳ, Thanh Hóa, Huế, Pháp thuộc.

ABSTRACT

     Handicrafts in Vietnam in general and in Annam (Central Vietnam) in particular have been a long tradition and always closely linked to agriculture and rural life. During the French colonial period, the penetration of trade and commodity economy caused handicrafts tended to differentiate: some crafts suffered a decline due to external competition such as making cotton, silk…, some crafts were under government’s control such as producing alcohol and salt. Despite of many fluctuations due to French policy, some crafts had successfully stabilized and developed in Annam in the early years of the twentieth century. In this article, we explore some typical handicrafts in the French colonial period in Annam. On that basis, we provide some comments on the role of handicrafts for the lives of people in Central Vietnam during the French colonial period.

Keywords: Handicrafts, Annam, Thanh Hoa, Hue, French colonization.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Trung Kỳ(1) đất hẹp, người đông, địa hình vừa có đồng bằng, vừa có trung du và cả miền núi nên nguồn nguyên liệu tự nhiên tương đối phong phú, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp. Dưới thời Pháp thuộc, Trung Kỳ có nhiều ngành thủ công nghiệp không những nổi tiếng ở khu vực mà còn cả nước. Một số mặt hàng thủ công đã xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao.

2. Vài nét về tiểu thủ công nghiệp ở Trung Kỳ

     Theo Hiệp ước Harmand năm 1883 và Hiệp ước Patenotre năm 1884 thì Trung Kỳ là đất bảo hộ, do triều đình nhà Nguyễn điều hành, quản lý. Nhưng trên thực tế, chính quyền triều Nguyễn đã bị thực dân Pháp chi phối và điều khiển, nhất là từ sau Đạo dụ của vua Đồng Khánh ngày 3-6-1887. Mục đích của chính quyền Pháp là thu lợi nhuận cao trong khai thác thuộc địa, đồng thời mở rộng thị trường cho tư bản Pháp phát triển, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ của chủ nghĩa tư bản Pháp.

     Tiểu thủ công nghiệp ở các tỉnh Trung Kỳ dưới thời Pháp thuộc vẫn gắn chặt với nông nghiệp. Do vậy ở khu vực nông thôn, các hoạt động thủ công vẫn mang nặng tính chất gia đình, đóng vai trò như một nghề phụ, góp phần tăng thêm thu nhập. Theo điều tra sơ bộ của chính quyền Pháp thì tại vùng đồng bằng ven biển Trung Kỳ có khoảng 7% dân cư sống bằng nghề thủ công (Nguyễn Văn Khánh, 1999, tr.96), trong đó các nghề chế biến gạo, nấu rượu, nuôi tằm dệt vải, gốm sứ,… thu hút số lao động đông nhất. Tính đến năm 1943, Trung Kỳ có 45.300 thợ thủ công nghiệp, có giá trị sản phẩm thủ công là 8.300.000 đồng (Vũ Huy Phúc, 1996, tr.222), nếu so với năm 1939 thì Trung Kỳ tăng 27.150 người.

     Chính quyền thuộc địa đã cho mở mang đường giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy) cũng như việc xây dựng công sở, nhà cửa, cầu cống nên nghề làm gạch, ngói, gốm sứ, đá, nghề mộc, rèn, sửa chữa cơ khí…đã thu hút một lực lượng lao đông đảo. Dưới thời Pháp thuộc, một số nghề thủ công tồn tại mấy trăm năm như đúc đồng, rèn ở Diễn Châu; gốm ở Yên Thành; mộc ở Nam Đàn; dệt võng, làm chiếu ở Nga Sơn, Diễn Châu, Nghi Lộc; nấu đường, mật ở Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quảng Ngãi; đan lát ở Nghi Lộc… bị Pháp khống chế nên phát triển chậm. Chỉ có nghề chế biến hải sản, đánh cá ở một số vùng quê ven biển của các tỉnh ở Trung Kỳ phát triển đáng kể.

Bảng 1: Thống kê nghề thủ công các tỉnh ở Trung Kỳ năm 1919-1930

STTTỉnh Nghề thủ công
1Hà Tĩnh Đồ tơ the lụa; Võng, thừng, chão; Nước mắm
2Thanh Hóa Nhiễu trơn; Vò lọ sành; Chiếu; Võng, thừng, chão; Đồ đồng: vạc,
nồi; Nước mắm; Gối xếp, gối mây; Quạt lá
3Hội An Sa trắng, nhiễu đơn, nhiễu hoa
4Quảng Ngãi Sa hoa, vải kẻ, the kẻ dùng làm màn cửa, các loại lụa trắng.
5Thừa Thiên Sa hoa, vải kẻ, the kẻ dùng làm màn cửa, các loại lụa trắng; Chiếu; Guốc dừa
6Quy nhơn The hoa đen, lĩnh trắng, lụa màu
7Phú Yên Lãnh, lụa kẻ gọi là bat tơ
8Quảng TrịVải
9Đồng Hới Tơ; Nước mắm
10Bình Định Vò lọ sành; Tượng sứ
11Phan ThiếtNước mắm
12Nghệ An Hộp tre
(Nguồn: Báo Nam Phong số 30, tháng 12-1919)

 

3. Một số nghề tiểu thủ công nghiệp ở Trung Kỳ dưới thời Pháp thuộc

     Nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén lấy tơ dệt lụa: Đã có từ rất lâu và phổ biến ở nhiều vùng nông thôn Trung Kỳ. Một số tỉnh đã trở thành trung tâm ngành tơ lụa dệt ở Trung Kỳ như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên,… Nghề trồng dâu phát triển ở các làng phù sa ven sông thuộc lưu vực sông lớn như sông Mã, Chu, Cả, Thu Bồn,… Từ năm 1880, nghề dệt ở Trung Kỳ tiếp tục phát triển và quan hệ chủ thợ đã xuất hiện với hình thức thuê thợ trả công theo sản phẩm (Nguyễn Công Bình, 1959, tr.2). Năm 1881, tỉnh Bình Định có nghề dệt rất phát triển, đặt biệt là dệt nhiễu. Cả tỉnh có 34 khung dệt nhiễu, mỗi khung dệt có 4 thợ làm (3 nam, 1 nữ). Năm 1892, số lượng tơ mà Pháp xuất sang chính quốc đạt trị giá 43.000 francs. Năm 1893 lên tới 159.054 francs (Vũ Huy Phúc, 1996, tr.58), tức là tăng xấp xỉ 4 lần. Hai tỉnh Bình Định và Phú Yên là nơi sản xuất nhiều tơ đạt chất lượng tốt, được các nhà buôn Hoa kiều đến từng làng mua tơ bán vào Sài Gòn và xuất sang Hồng Kông. Ở nước Pháp, đặc biệt trung tâm kỹ nghệ dệt Lyon rất cần đến tơ. Vì để có khối lượng lớn tơ xuất khẩu sang Pháp, chính quyền thuộc địa đã ban hành nhiều biện pháp nhằm khuyến khích nghề nuôi tằm lấy tơ. Năm 1903, Pháp cho xây dựng nhà máy Tơ với kỹ thuật tân tiến ở Bình Định. Đồng thời, từ 1905 trở đi chính quyền Pháp đã tiến hành một số biện pháp nâng đỡ, khuyến khích ngành tơ tằm. Ví dụ, miễn thuế trồng dâu từ 1905 đến 1909, giảm nhẹ thuế kể từ ngày 1-1-1910.

Bảng 2: Diện tích trồng dâu, số kén tơ xuất cảng ở Trung Kỳ từ năm 1909 đến 1922

Đơn vị tính: ha; kg

NămDiện tíchKén tươiTơ sốngTơ vụnLụa
1909-
1913
900800.00044.50840.000 4.575
191047.550 6.008
191157.585 6.688
191243.2359.407
191348.06512.741
19141.000890.00035.00044.500
19151.8851.000.00040.00050.000
19162.2001.700.00068.00085.000
19172.2501.750.00070.00087.500
19182.3001.800.00072.00090.000
1920 3.100
1921 3.000
1922 2.200
(Nguồn: Viện Sử học, 1990, tr.190-191; Vũ Huy Phúc, 1996, tr.138-139)

     

     Như vậy, diện tích trồng dâu và số lượng kén tơ sản xuất đã tăng lên đều đặt từ 1914 đến năm 1918 ở Trung Kỳ. Trong cuộc khai thác thuộc địa lần 2 (1919-1929), nghề tơ tằm và dệt lụa tương đối phát triển ở nước ta. Ở Trung Kỳ, năm 1926, chính quyền Pháp đã thành lập 3 cơ sở chăn tằm kiểu mẫu ở Huế, Vinh, Bình Định với số vốn đầu tư trong ngân sách Trung Kỳ là 38.000$ (tức khoảng 420 triệu franc), sản xuất được 3.850kg kén (Nguyễn Văn Khánh, 1999, tr. 97).

     Do được sự quan tâm và đầu tư của chính quyền Pháp nên diện tích trồng dâu ở Trung Kỳ không ngừng tăng lên. Dâu được trồng nhiều nhất ở Thanh Hóa, Vinh, Quảng Nam và Bình Định, diện tích trồng dâu đạt 13.500 ha, cao gấp 18 lần so với Nam Kỳ (Vũ Huy Phúc, 1996, tr.142). Trong khi đó, ở Bắc Kỳ, diện tích trồng dâu khoảng 8.000 ha, tức bằng 2/3 diện tích so với Trung Kỳ. Ngoài ra, Pháp còn đầu tư mở các nhà máy dệt lụa ở Phú Phong (Bình Định). Ở Huế có một xưởng dệt lụa, tuy nhiên xưởng nhỏ mà chủ yếu dạy nghề, có cải tiến khung dệt để chất lượng sản phẩm đạt hiệu quả hơn. Tại Quảng Nam, Công ty Nam Hưng của người Việt Nam mở xưởng ươm tơ dệt lụa và nhuộm lụa từ sau Đại chiến I. Số công nhân các xưởng này lên tới con số 100 người (Vũ Huy Phúc, 1996, tr.143).

     Nhưng từ cuối năm 1929, ngành tằm tơ ở Trung Kỳ giảm sút vì cạnh tranh với tơ nhân tạo. Có thể nói, việc nhập tơ ngoại và sự xuất hiện sản phẩm lụa từ Pháp, Trung Hoa đã làm cho nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa ở Trung Kỳ nói riêng và cả nước nói chung bị sa sút. Tuy nhiên, đây là một nghề truyền thống, hầu hết tất cả các địa phương đều có, nên trước sự tấn công của hàng ngoại nhập, nghề dệt lụa có giảm, một số nơi dừng sản xuất nhưng không vì thế mà mất đi. Để cạnh tranh với hàng ngoại nhập chất lượng tốt, giá rẻ, các nghệ nhân dệt ở tỉnh Quảng Nam đã có những cải tiến khung cửu vừa tăng năng xuất vừa mang lại sản phẩm đẹp để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và xuất khẩu(2). Do đó, ở một số địa phương, nghề ươm tơ, dệt lụa, lĩnh vẫn phát triển như ở vùng Gò Nổi huyện Điện Bàn và một số xã bên bờ nam sông Thu Bồn của huyện Duy Xuyên. Nơi đây được coi là trung tâm tơ lụa của Quảng Nam trong thập kỷ 20 đến 40 của thế kỷ XX.

     Trước năm 1936, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Huế có nhiều làng nghề dệt tơ lụa nổi tiếng, nhưng Thanh Hóa mới là tỉnh có nghề dệt tơ lụa phát triển nhất. Theo Ch.Robequain ở Thanh Hóa thời kỳ giữa những năm 1930 có khoảng 1200 khung dệt lụa, tập trung chủ yếu ở hai huyện Thiệu Hóa có 700 và Hoàng Hóa có 400 (Vũ Huy Phúc, 1999, 206). Ở tỉnh Bình Định ngoài dệt lụa thì mặt hàng nổi tiếng nhất là lãnh, nhiễu, xuyến. Nhiễu của tỉnh Bình Định xuất khẩu cả sang Pháp. Bình Định có 7 tổng có nghề dệt nhiễu nổi tiếng là: Nhơn Ngãi, An Ngãi, Dương An, Nhân An, Trung Sơn, Tài Lương, Yên Sơn. Kỹ thuật dệt nhiễu phức tạp hơn dệt lụa, mỗi khung dệt nhiễu phải có 4 người trong khi đó khung dệt lụa chỉ cần 3 người.

     Theo thống kê, những năm đầu thế kỷ XX, ở Phú Yên có 6 làng nghề dệt vải, lụa, lãnh, gồm: Ngân Sơn, Quảng Thuận, Suối Ré, Gò Duối, Đông Bình và Đông Phước. Riêng làng dệt Ngân Sơn, Gò Duối nổi tiếng với những sản phẩm lụa, gấm được dệt với kỹ thuật tinh xảo, đặc biệt là lụa ngũ sắc ở làng Ngân Sơn. Tuy nhiên, về sau nghề dệt lụa ở Phú Yên dần suy thoái và cạnh tranh kém với các loại lụa ngoại nhập từ Bình Định. Nguyên nhân của tình hình này, theo công sứ A. Laborde: “Người thợ Phú Yên vốn vô tình, họ không cố gắng hay không biết cô gắng để phát triển kỹ nghệ của mình hay để đào tạo lớp học trò mới”( Laborde, 1929). Ngoài ra, vì nguồn lợi nên những người thợ ở Phú Yên đã bán thương hiệu lụa nổi tiếng của mình cho các nhà sản xuất ở Quy Nhơn, “những người này lợi dụng sự nổi tiếng của lụa Gò Duối là sản phẩm của họ nên gửi đến đây những tấm lụa của mình và bán như là chúng được sản xuất ở đây” (J.L.Fontana, 1925). Đến năm 1929, số lượng khung cửi ở Gò Duối chỉ còn 40 khung, mật độ hoạt động 2 người một khung, sản xuất khoảng 12-15 tấm mỗi tháng.

     Có thể nói, dưới thời Pháp thuộc ở Trung Kỳ có hàng trăm sản phẩm dệt từ sợi bông, tơ tằm, đay gai,… như các loại vải trắng, vải thâm, the, the thâm, lương, sa, nhiễu, lĩnh thâm, the hoa, lĩnh hoa, the thổ, gấm thêu…

     Nghề thêu là một trong những nghề thủ công có ở nhiều tỉnh thành Trung Kỳ nhưng nổi tiếng và phát triển nhất là ở Huế. Nghề thêu ở Huế mang tính chuyên nghiệp. Các thợ thêu nổi tiếng cả nước đều được quy tụ tại Huế để sản xuất các vật phẩm cao cấp đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, thờ cùng, thưởng ngoạn của vua quan, quý tộc, tôn thất. Phần lớn các sản phẩm thêu đều là đồ trang trí nội thất trong cung điện, đền đài, trong các cuộc rước tế ở Huế, cũng như trên các trang phục, phẩm phục: các loại tán, lọng, nghi môn, cờ, long bào, áo, mũ, hia, hài,… các loại trướng, liễn, câu đối, mũ áo (chủ tế, tư văn),…. Một số nghệ nhân nổi tiếng trong nghề thêu đã ở hẳn trong nội cung. Một số thợ thêu khác sống độc lập ở các làng, các phố ngoại thành để vừa dạy nghề vừa làm sản phẩm thêu theo yêu cầu của triều đình hoặc phục vụ khách hàng thượng lưu. Dưới thời vua Khải Định (1916-1925), ở Phố Cẩm Tú(3) có khoảng 300 thợ thêu (Nguyễn Hữu Thông, 1994, tr.102), vị vua này cũng đã từng phong Hàn lâm viện Biên tu cho nghệ nhân thêu Lê Văn Hởi (Bùi Văn Vượng, 1998, tr.312) vì tài năng và đóng góp về thêu cho triều đình. Các sản phẩm thêu cao cấp đều do thợ thêu giỏi đảm nhiệm, dưới sự quản lý của Cục Tạo tượng thuộc Bộ Công. Còn thợ thêu bình thường, hoạt động nghề nghiệp tự do hơn, các sản phẩm đều đơn giản và sản xuất hàng loạt.

     Để nghề thêu tồn tại và phát triển thì chỉ thêu chiếm vị trí quan trọng. Ở Chợ Cống (Huế) chuyên sản xuất các loại chỉ cho nghề thêu. Chỉ tơ mảnh, sợi mịn, nhiều xơ, bằng phương pháp thủ công người ta xe loại lớn hay nhỏ tùy theo kỹ thuật xe đôi, xe ba, xe tư hay xe sáu. Chỉ thêu được làm từ các loại tơ nỏn (chỉ lơi) bóng mịn. Độ bóng của chỉ góp phần quan trọng trong việc tạo ra độ đậm nhạt, tối sáng của sản phẩm thêu.

     Trong quá trình phát triển nghề thêu ở Huế, với sự du nhập của kỹ thuật phương Tây, hàng thêu đã được chia thành hai hệ: hàng thêu màu và hàng thêu trắng. Hàng thêu màu theo kỹ thuật cổ truyền Việt Nam, chủ yếu đáp ứng nhu cầu sử dụng, sinh hoạt của vua chúa, quan lại, quý tộc và thượng lưu. Hàng thêu trắng hay còn gọi là hàng nhật dụng gồm các loại khăn trải bàn, trải giường, phủ giường, rèm, khăn trang trí, khăn phủ bàn phòng ngủ, khăn ăn, áo gối, áo ngủ…dựa trên nguyên tắc rút sợi vải, thay vào đó bằng chỉ thêu với nhiều kỹ thuật khác nhau. Nghề thêu trắng du nhập từ Pháp, sản phẩm nhằm phục vụ đời sống ngoại kiều và một số người Việt thượng lưu sống theo kiểu Tây trong thời Pháp thuộc. Càng về sau, các sản phẩm thêu trắng càng được nhiều người ưa chuộng bởi sự trang nhã, tinh tế, kín đáo, toát lên vẻ đẹp nền nã.

     Nghề trồng bông, dệt sợi bông tương đối phát triển ở Trung Kỳ. Diện tích trồng bông ở Trung Kỳ nhiều nhất cả nước, sản phẩm bông còn bán ra Bắc Kỳ và xuất khẩu ra nước ngoài. Theo thống kê năm 1921, Trung Kỳ có từ 6 đến 7.000 ha diện tích trồng bông, riêng Thanh Hóa chiếm 5.000 ha (Vũ Huy Phúc, 1996, tr.145). Nghề dệt bông là một công việc vất vả, đòi hỏi người thợ phải cần mẫn, tỉ mỉ và công việc này ở Trung Kỳ chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm. “Một người phụ nữ làm việc suốt 11 tiếng đồng hồ không nghỉ tay và phải mất 7 ngày mới cán được 1 tạ bông” (Robequain Ch, 2012, tr.191). Sau khi cán, bông được cuộn thành cuộn nhỏ, sau đó là kéo sợi, ngâm sợi, đánh ống, dệt vải. Tất cả các công việc đều được làm thủ công, “một người dệt hai ngày mới được một tấm vải dài độ 15 mét” (Robequain Ch, 2012, tr.191).

     Một số tỉnh có nghề trồng bông và dệt sợi bông nổi tiếng ở Trung Kỳ là Nghệ An, Thừa Thiên, Quảng Nam, nhưng nổi tiếng nhất là Thanh Hóa và Quảng Nam. Ở tỉnh Quảng Nam có những làng dệt vải với hàng ngàn khung cửi như Bảo An, La Thọ, Thanh Quít,… Từ trước chiến tranh, đã có một số thợ thủ công dệt vải ở Trung Kỳ vươn lên thành các chủ xưởng. Sau chiến tranh, nhiều thợ thủ công khác làm ăn khá giả, tích lũy vốn, mở xưởng, thuê thợ, dệt vải để bán và gia công cho các công ty bông sợi.

     Tuy nhiên, nghề trồng và dệt sợi bông ở Trung Kỳ cũng bị sa sút nhiều do hàng bông nhập từ Hồng Kong về nhiều. Bông sợi nhập về được sử dụng làm sợi dọc, còn bông nội được dùng làm sợi ngang. Nhưng từ những năm 30 của thế kỷ XX trở đi, thì hầu hết dùng sợi bông nhập vì giá rẻ hơn, nên nghề trồng bông và dệt sợi bông ngày càng mai một, nhiều nơi nông dân bỏ nghề vì quá trình làm vất vả mà khi bán thành phẩm lại không có lãi.

     Năm 1941 ở Trung Kỳ có khoảng 11.451 khung dệt bông và khoảng 23.000 thợ. Số thợ dệt tăng khoảng 20.000 người so với năm 1939. Lý do ngành dệt được phục hồi và phát triển là do chiến tranh nổ ra, phương tiện cũng như nguyên liệu nhập ngoại không còn được cung cấp. Nhưng từ năm 1942 do thiếu nguyên liệu số khung dệt giảm xuống chỉ còn 4.944 chiếc, số thợ dệt chỉ còn khoảng 10.000 người và tập trung chủ yếu ở vùng Thanh Hóa (Vũ Huy Phúc, 1996, tr.226).

     Nghề gốm sứ

     Ở Trung Kỳ không vùng nào là không có nghề gốm và thợ làm gốm, trong đó nổi tiếng nhất là gốm sứ “xanh”, gốm tráng men ở Huế, Bình Định, Phan Thiết; gốm đất nung, chủ yếu là nồi đất các loại, dân gian quen gọi “nồi Nghệ” hay “nồi Bồng”, “nồi chợ Bộng” ở làng Viên Sơn, thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Những chiếc “nồi Nghệ” của làng gốm này từng nổi danh khắp vùng rộng lớn suốt từ Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Trước năm 1919, ở Thọ Hạc và Cốc Hạ (ven thị xã Thanh Hóa) có 30 lò sản xuất chum và tiểu sành. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, kỹ thuật sản xuất gốm ở Trung Kỳ có nhiều tiến bộ. Hình dáng và cách thức xây lò nung gốm được cải tiến, mẫu mã đẹp hơn. Các sản phẩm đồ sứ giai đoạn này đều có sự tiếp thu, kế thừa kinh nghiệm của các cơ sở sản xuất trong nước cũng như từ nước ngoài qua các hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Pháp. Có xưởng gốm thuê mướn hàng trăm thợ làm việc. Bảng 3 mô tả một số cơ sở gốm nổi tiếng ở Trung Kỳ.

Bảng 3. Một số cơ sở gốm ở Trung Kỳ dưới thời Pháp thuộc

TTTỉnh Tên làng
1Thanh HóaLò Chum, Đức Thọ, Thổ Phương, Doanh Xá, Tu Mĩ
2Nghệ An Lưu Mĩ, Viễn Sơn, Yên Đức, Lương Hội, Thịnh Đức, Long Mĩ. Tỉnh Hà Tĩnh có Cam Tràng
3Quảng Bình Ngoa Cương
4Thừa Thiên Phúc Tích, Nam Tinh
5Quảng Nam Lộc Hương, Phú Vinh
6Quảng Ngãi Hậu Phước, Thuận Lợi, Lu Cam, Tân Phước, Long Hoa, Trung Long
7Bình Thuận Đức Nghĩa, Phu Tranh, Trinh Tường, Phú Hài, Phú Lâm, Tri Đức
8Bình ĐịnhHim Giang, Mỹ Thuật, Mỹ An, Điêm Tiêu, Vĩnh Lý, Trà Quang, Nhân Thấp, Nghĩa Chánh, Thăng Công, Vĩnh Tường, Hữu Thành, Cẩn Hậu, Thương Giang, Trung Thứ, An Quang, Tấn Thanh, Phụng Cang.
(Nguồn: Vũ Huy Phúc, 1996, tr. 151-213)

   

     Tỉnh Thanh Hóa nổi tiếng nhất là làng gốm Lò Chum. Làng gốm Lò Chum sử dụng hàng trăm công nhân, chuyên sản xuất các loại chum, vại, tiểu, sành, bát đĩa, ấm chén. Sản phẩm gốm chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở địa phương.

     Ở Quảng Ngãi, nổi tiếng với nghề gốm, sản phẩm đạt kỹ thuật và mỹ thuật cao. Một số sản phẩm gốm được tráng men xanh nhạt, men da lươn, còn lại là gốm mộc không tráng men và phần lớn được nung ở nhiệt độ cao. Các sản phẩm gốm của Mỹ Thiện được đưa sang tiêu thụ ở thị trường Campuchia và Lào (Nguyễn Ngọc Thạch, 2003, tr.30).

     Năm 1927, ở tỉnh Bình Định có 17 làng chuyên sản xuất gốm (R.Bulteau, 1927), trong đó, có 12 làng làm đồ gốm không tráng men, 5 làng chuyên làm gốm tráng men. Mỗi làng nghề gốm này có khoảng vài chục thợ và phần lớn là phụ nữ, như làng Mỹ An có 50 thợ gốm với 35 lò (Vũ Huy Phúc, 1996, tr.151). Sản phẩm gốm tráng men của hai làng Trung Thứ (huyện Phù Mỹ) và Thương Giang (huyện Bình Khê) từng nổi tiếng khắp các tỉnh Trung Kỳ. Ngoài ra, ở Bình Định còn có gốm Vân Sơn (ở xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn) các mặt hàng chủ yếu là các sản phẩm dùng trong gia đình như chum, chậu, ang, ấm, vò, nồi…

     Từ năm 1939, nghề gốm thủ công ở Trung Kỳ có những thay đổi nhất định. Bên cạnh những gia đình làm gốm thủ công không phát triển được và phải đi thuê lò hoặc nhiều chủ lò thì không đủ vốn để làm nên đem lò cho thuê, thì vẫn có những gia đình, chủ lò gốm thủ công làm ăn phát đạt. Tiêu biểu như năm 1942, ở Bình Định có hai làng gốm Lộc Hưng, Phú Vinh đã có 7 xưởng gốm sứ và sức nước được sử dụng để chạy các cối giã. Nguyên liệu đất trắng và đất sứ được khai thác ngay tại địa phương (Bùi Tường Viên, 1942).

     Từ những năm 30 của thế kỷ XX trở đi, gốm sứ Việt Nam nói chung và Trung Kỳ nói riêng bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các sản phẩm gốm sứ Giang Tây (Trung Quốc), Nhật và Pháp. Do vậy, các nghệ nhân làm gốm cũng phải cải tiến mẫu mã, kỹ thuật và sử dụng những chất liệu đặc trưng của địa phương để đáp ứng các nhu cầu mới, nhất là phát triển đồ sứ. Một số sản phẩm gốm sứ có chất lượng cao như men rạn và sứ “xanh” rất nổi tiếng. Nhiều mặt hàng đã có mặt trong các kỳ triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước.

     Nghề nấu đường, mật, cây mía là nguyên liệu làm các loại đường và mật rất đặc sắc của người dân Trung Kỳ. Trên khắp Trung Kỳ những đất bãi ven sông đều có trồng cây mía và lò ép đường, nấu mật. Nhưng nơi tập trung lớn nhất về nghề nấu đường, làm đường phèn, đường phổi, kẹo gương, mạch nha là tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Tuy Hòa,…Năm 1913, Khâm sứ Trung Kỳ đã từng báo cáo rằng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi “Việc sản xuất đường hiện nay nhiều không thể kể xiết, các trục ép mía làm việc suốt ngày đêm, thiếu cả thuyền mành đi biển để chở các bao đường ra Faifo và Đà Nẵng” (Vũ Huy Phúc, 1996, 107).Các sản phẩm đường phổi, đường phèn của tỉnh Quảng Ngãi còn được xuất khẩu và tiêu thụ ở Hương Cảng đầu thế kỷ XX (Nguyễn Ngọc Thạch, 2003, tr.30).

Bảng 4. Tình hình xuất khẩu đường và mật ở Phú Yên năm 1909

QuýIIIIIIIV
Số lượng (kg)700.000849.820967.07040.406
Giá trị (fr)190.774163.414 8.082

     Từ năm 1939-1941 nghề làm đường ở Trung Kỳ phát triển khá mạnh, hàng năm xuất khẩu khoảng 70.000 tấn, trong đó số đường sản xuất ở Tây Ninh, Tuy Hòa là 22.000 tấn (Trung Bắc chủ nhật,1942). Đường cát thủ công so với đường trắng của các nhà máy đường sản xuất ra rẻ hơn, được tiêu thụ nhiều hơn. Để hạn chế nghề làm đường thủ công, cũng như tạo điều kiện cho các công ty, nhà máy đường của Pháp, ngày 5-10-1942 Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định chỉ cho phép chính phủ và một vài cơ quan tư nhân được độc quyền mua mía. Theo nghị định này chính quyền Pháp thành lập Hội đồng chuyên nghiệp về mía và Hội đồng tiểu công nghệ về đường để kiểm soát việc mua bán và sản xuất mía đường. Tiếp đó, ngày 3-10-1944, Toàn quyền Decoux lại ký một nghị định đặt thuế tiêu thụ đường cát. Nghị định này quy định khu vực được sản xuất đường cát, nguyên tắc của việc sản xuất và buôn bán đường cát. Thực chất của nghị định này là đánh vào nghề sản xuất đường thủ công. Sau khi nghị định này được ban hành, nhiều nông dân bỏ trồng mía, nhiều lò đường thủ công không sản xuất nữa. Do vậy, sản lượng đường năm 1944 chỉ còn 35.027 tấn (Thanh Nghị, 1945) (trong đó riêng Quảng Ngãi đã chiếm đến 22.290 tấn). Như vậy chỉ sau chưa đầy 3 năm sản lượng đường sản xuất theo phương thức thủ công đã giảm đi tới hai lần (chưa thống kê được số mật sản xuất rải rác ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh).

     Nghề chạm khắc đá, gỗ đây là một nghề khó, đòi hỏi phải có nguồn nguyên liệu và thợ kỹ thuật có tay nghề cao nên ở Trung Kỳ nghề này không nhiều ở các tỉnh nhưng tỉnh nào có thì không những nổi tiếng ở Trung Kỳ và còn cả nước. Tiêu biểu là chạm khắc đá ở làng Nhồi (Thanh Hóa), chạm khắc gỗ ở làng Mỹ Xuyên (Huế), chạm khắc đá ở Xóm chùa (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)…

     Chạm khắc đá làng Nhồi (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) các sản phẩm chế tác từ đá rất đa dạng như con lăn, cối giã, bia mộ, cột đá, đá phiến lát nền, văn bia, văn khắc trang trí các đền, chùa, đình, miếu, cung điện, lăng tẩm, nhưng sản phẩm đẹp và nổi tiếng nhất của làng Nhồi là tượng đá.

     Nghề điêu khắc gỗ ở Huế thể hiện rõ trên nội thất kiến trúc và vật dụng trang trí, sinh hoạt. Các đồ dùng trong cung đình, đình, chùa và trong những nhà vua quan, giàu có, đồ thờ đều do nghề chạm khắc gỗ sản xuất. Nổi tiếng nhất nghề chạm khắc gỗ ở Huế là làng Mỹ Xuyên(4), về kỹ thuật đã đạt giá trị mỹ thuật cao. Trình độ điêu khắc gỗ ngoài sự thể hiện ngay trên những cấu kiện của ngôi nhà như tường vách, đố bảng, vì kèo, đòn tay, liên ba, cửa bảng khoa…còn được thể hiện ở các dạng cụ trang trí nội thất có liên quan đến phương tiện sinh hoạt như bàn ghế (trường kỷ, đoản kỷ), sập, hộp tộ, tủ, kệ, giá, tranh thờ, bàn thờ, chân đền, bài vị….Đối với các dạng mang tính trang trí như hoành phi, tranh, đối, liễn, khung tranh. Nghề điêu khắc gỗ chiếm lĩnh vị trí rất cao về trang trí nên có nhiều dạng kỹ thuật khác nhau, trong đó, người ta kết hợp điêu khắc với khảm xương, ngà, xà cừ, và ngay cả khảm gỗ trên gỗ (có màu khác màu nền).

     Nghề chế biến hải sản rất phổ biến ở các tỉnh giáp biển Trung Kỳ. Đánh bắt cá thường theo mùa và tập trung ở một số khu vực với số lượng lớn so với nhu cầu tại chỗ. Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt ở Trung Kỳ không cho phép vận chuyển cá tươi đi xa, cá sẽ chóng bị hỏng. Vì vậy, việc chế biến thủy hải sản để dự trữ đóng vai trò quan trọng, đảm bảo khâu tiêu thụ có hiệu quả.

     Thông thường, cá được chế biến theo những phương pháp có nguồn gốc thông dụng, và đều được các khu vực dân cư khác nhau ưa thích. Các sản phẩm chế biến từ cá, chủ yếu là cá phơi khô, cá xông khói, cá muối (cá mắm), bột cá hoặt bột tôm, dầu cá, nước mắm…Trong đó, nước mắm là sản phẩm được chế biến tinh xảo hơn và nổi tiếng nhất là nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận). Ngoài chế biến cá thành nước nắm đòi hỏi phải có kỹ thuật và thời gian lâu thì các ngư dân còn làm mắm cá, mắm tôm, mắm ruốc,…cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật. Còn các loại tôm cá khô, mực khô, cá xông khói, bột cá, bột tôm… thì việc chế biến đơn giản, dễ làm. Tỉnh Bình Thuận năm 1929, chế biến được 9.211.275 tấn cá khô (L. Gilbert, 1931, tr.142).

     Nhìn chung, hầu hết các sản phẩm chế biến từ hải sản chủ yếu tiêu thụ tại địa phương. Năm 1903, Trung Kỳ tiêu thụ dọc theo bờ biển vào vùng nội địa được 6.939 tấn cá khô và cá muối (trong đó về các cửa biển thuộc Trung Kỳ 5.258 tấn, Nam Kỳ 1.635 tấn) (Bulletin Économique, 1904, tr.446). Năm 1929, Trung Kỳ xuất sang Hong Kong 15,5 tấn tôm cá khô, cá muối, 1.893 tấn bột cá, nước mắm, trong đó xuất sang 259 tấn sang Pháp và 1.634 tấn sang Hong Kong, 0,038 tấn đồi mồi, mai rùa sang Hong Kong. Năm 1941, ở các tỉnh Nam Trung Kỳ đã xuất khẩu 500 tấn dầu cá sang Hong Kong (Nguyễn Quang Trung Tiến, 1995, tr. 96-97).

     Nghề làm muối là nghề truyền thống có từ lâu đời của các cư dân ven biển. Muối là một nhu yếu phẩm trọng yếu không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày của người dân. Muối còn để dùng làm một số sản phẩm trong nghề chế biến hải sản như nước mắm, ruốc…Vì thế ngay từ năm 1904 chính quyền Pháp đã tuyên bố độc quyền sản xuất và mua bán mặt hàng thủ công này. Nghề làm muối rất vất vả lại gặp nhiều khó khăn vì chính sách kiểm soát ngặt nghèo của Pháp, chỉ có những nhà thương mại được cấp giấy thông hành đặc biệt mới có quyền thu mua muối. Theo Công sứ Laborde thì cửa biển Cù Mông là nơi xuất khẩu muối chính ở tỉnh Phú Yên: “hải cảng Cù Mông được bảo vệ một cách nghiêm ngặt và người ta chỉ có thể vào đây với giấy phép đặc biệt” (Rapport économique province de Phu Yen, 1909). Cư dân sản xuất ra muối phải bán cho Pháp với giá rẻ mạt nhưng nhân dân dùng muối phải mua lại của Pháp với giá cao gấp 10 đến 20 lần. Chính quyền Pháp chỉ mua muối của dân với giá 0,32 đồng/1 tạ nhưng người dân phải mua lại với 3,62 đồng/1 tạ muối (Ban NC&BS lịch sử Nghệ Tĩnh,1984, tr.294). Nếu người dân nào làm thêm ít muối để dùng mà chính quyền Pháp phát hiện được thì kết vào tội làm muối lậu và sẽ bị đánh đập đến tù đày. Dưới chính sách khắt khe của Pháp, buộc nhiều thợ làm muối phải ra khỏi tỉnh, vào các nhà máy, đồn điền để tìm công việc, tạo kế sinh nhai.

4. Kết luận

     Tiểu thủ công nghiệp vốn là ngành có truyền thống lâu đời của nhân dân các tỉnh Trung Kỳ. Trong hoàn cảnh nông nghiệp lạc hậu, năng suất thấp, ruộng đất bị chiếm hữu nhiều, mức bóc lột lại nặng nề, người nông dân thường phải kết hợp với nghề thủ công để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như chính sách độc chiếm thị trường của tư bản Pháp để cho hàng hóa chính quốc mặc sức tràn vào; chế độ thuế nặng nề; chất lượng mẫu mã không thể cạnh tranh được với hàng ngoại,…làm cho thủ công nghiệp ở Trung Kỳ khó thoát ra khỏi tình trạng chung của cả nước lúc bấy giờ là không thể phát triển lên được, thậm chí một số nghề cổ truyền trở nên mai một và có nguy cơ bị triệt tiêu.

     Tuy nhiên, sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở Trung Kỳ dưới thời Pháp thuộc đã đóng một vai trò tương đối quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và xã hội.

     Về mặt kinh tế, sản xuất thủ công nghiệp ở Trung Kỳ dưới thời Pháp thuộc đã tác động đáng kể đến đời sống của người dân. Bởi ở Trung Kỳ, tỉnh nào cũng có nghề thủ công, nhưng có một số tỉnh có nghề không những nổi tiếng ở khu vực mà còn được cả nước biết đến như tỉnh Thanh Hóa có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt tơ lụa, sợi bông, gốm, chế biến hải sản…; Huế với nghề thêu, đồ gỗ…; Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có nghề dệt, gốm, nấu đường…; tỉnh Bình Thuận có nghề chế biến hải sản nhưng nổi tiếng nhất là nước mắm Phan Thiết. Trong đó, các sản phẩm về dệt, thêu, gốm sứ, chạm khắc…luôn có sự cải tiến mẫu mã, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Nhờ những cải tiến kỹ thuật, hợp lý trong sản xuất mà năng xuất lao động ngày càng được nâng cao. Các sản phẩm thủ công bền đẹp không chỉ được bán tại các chợ làng hay những cửa hàng lớn ở tỉnh mà còn được xuất khẩu sang Pháp, Hong Kong. Cơ hội để các sản phẩm thủ công được giao lưu, cạnh tranh hàng hóa rất cao. Vì nhiều sản phẩm thủ công ở Trung Kỳ đã được lựa chọn để trưng bày, giới thiệu trong các Hội chợ được tổ chức ở Hà Nội, Hà Đông, Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn, Marseille (Pháp).

     Về mặt xã hội, sản xuất tiểu thủ công nghiệp ổn định và phát triển đã thu hút được một lực lượng lao động tham gia. Một số nghề như dệt tơ lụa, dệt bông sợi, gốm sứ…các chủ xưởng làm ăn khá giả đã thuê được hàng chục thợ. Có thể nói, đây là những xưởng sản xuất theo lối tư bản, không còn là thủ công gia đình làng xã nữa. Điển hình ở tỉnh Quảng Nam, Công ty Nam Hưng của người Việt Nam mở xưởng ươm tơ dệt lụa, nhuộm lụa từ sau Đại chiến I đã có khoảng 100 công nhân. Các lò gốm ở Bình Định đều thuê công nhân, mỗi lò thuê từ 6 đến 10 thợ, cơm nước do chủ đài thọ và làm khoán (Bùi Tường Viên, 1942). Có thể nói, một số ngành nghề thủ công ổn định và tương đối phát triển đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn con người, đặc biệt vào những tháng nông nhàn. Chính vì vậy, ngoài những người thợ thủ công chuyên nghiệp thì nhiều người vừa làm nông nghiệp vừa làm nghề thủ công, kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

     Tóm lại, dưới thời Pháp thuộc, bằng chính sách thuộc địa một số nghề thủ công giảm sút về chất lượng, thậm chí bị kìm hãm trước sự ra đời của một số sản phẩm công nghiệp do các nhà máy của người Pháp sản xuất như ngành dệt, giấy, rượu, đường,….Các sản phẩm sản xuất theo công nghệ mới, được Pháp bảo trợ đã dần chiếm lĩnh thị trường vì tiện dụng và giá rẻ. Tuy nhiên, một số nghề có giá trị kinh tế cũng tương đối phát triển vì nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu như dệt tơ lụa, thêu, gốm sứ, chạm khắc, chế biến hải sản,…Việc phát triển một số nghề thủ công đã dần trở thành những xưởng thủ công với dạng quản lý tiểu chủ trong mối quan hệ chủ thợ với một vốn liếng tích lũy có khả năng nhân rộng sản xuất, thuê mướn nhân công như trường hợp của Nam Công Thương Cuộc (Nguyễn Hữu Thông, 1994, tr.42) ở Phường Đúc (Huế). Sự phát triển của các nghề thủ công những năm đầu thế kỷ XX, theo hướng hiện đại hóa, tập trung hóa và tư bản hóa là hệ quả khách quan của hoàn cảnh lịch sử, đồng thời, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và lớn mạnh của giai cấp tiểu tư sản và tư sản bản xứ.

     Chú thích:

     (1) Trung Kỳ gồm các tỉnh duyên hải từ Thanh Hoá đến Bình Thuận (trừ khu vực Tây Nguyên). Mặc dù khu vực Tây Nguyên nằm trong phạm vi địa lý của Trung Kỳ nhưng vì tính đặc thù riêng của khu vực này về tất cả các khía cạnh, bài viết sẽ không đưa Tây Nguyên vào phần nội dung nghiên cứu.

     (2) Nghề dệt tơ lụa ở Quảng Nam nổi tiếng còn nhờ vào kỹ thuật tự sáng chế khung cửu gỗ cải tiến theo mô hình khung cửu sắt vận hành tự động bằng điện của Pháp do ông Võ Dẫn (thường gọi Cửu Diễn) người xã Thi lai (Duy Xuyên) cải tiến. Khung cửu cải tiến đạp bằng chân, giải phóng đôi tay đưa thoi, nên đã tăng năng suất gấp ba, bốn lần so với phương thức dệt cổ truyền. Còn dệt thổ cẩm có ông Nguyễn Thống-một thợ chuyên đóng khung cửu-đã cải cách trục gùi để dệt hàng cẩm tự (có ô vuông âm dương) và hàng cải hoa nổi. Nhờ cũng sáng chế, cải cách trên mà ngành dệt tơ lụa của Quảng Nam đã có thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập lúc đó. Xem thêm, HĐND tỉnh Quảng Nam-Thành Ủy-UBND Thành phố Đà Nẵng (2010), Địa chí Quảng Nam-Đà Nẵng, Nxb Khoa học xã hội, tr.664.

     (3) Phố Cẩm Tú (Huế) vào những năm 20 của thế kỷ XX, nơi đào tạo hàng trăm thợ thêu tài hoa, mà đến nay vẫn còn những thợ thêu trụ cột ở các hãng thêu nổi tiếng như: Đức Thành, Thuận Lộc, Kim Long…

     (4) Làng Mỹ Xuyên, huyện Phong Điền, cách thành phố Huế 40 km về phía Bắc.

Tài liệu tham khảo

     “La province de Phu Yen”, 1907, Revue Indochinoise (Tạp chí Đông Dương).

     Ban NC&BS lịch sử Nghệ Tĩnh. (1984). Lịch sử Nghệ Tĩnh, tập 1, Nxb. Nghệ Tĩnh, Vinh

     Báo Nam Phong, số 30, tháng 12-1919.

     Báo Thanh Nghị, số 16 (914-7-1945).

     Báo Trung Bắc chủ nhật, số 98, tháng 2-1942.

     Bùi Tường Viên. Gốm sứ thủ công Đông Dương. B.G.I.P tháng 3-4/1942.

     Bùi Văn Vượng. (1997). Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa.

     Bulletin Économique. Hanoi, 1904.

     Đinh Xuân Lâm (1912). Lịch sử Việt Nam, tập III (từ năm 1858 đến năm 1945). Nxb Giáo dục. Hà Nội.

     HĐND tỉnh Quảng Nam-Thành Ủy-UBND Thành phố Đà Nẵng. (2010). Địa chí Quảng Nam-Đà Nẵng. Nxb Khoa học xã hội.

     J. L. Fontana.(1925). L’Annam, ses province, ses resources (Các tỉnh Trung Kỳ và nguồn tài nguyên), Imprimerie Tonkinoise, Hà Nội.

     L.Gilbert, “Industries Indigènes”. –L’Annam. Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1931.

     L’inductrie séricicole en Annam (1899), Hanoi.

     Laborde. (1925). Laprovince de Phu Yen (Tỉnh Phú Yên), Bulletin des Amis du Vieux Hue, N44.

     Nguyễn Công Bình. (1959). Giai cấp tư sản Việt Nam, Nxb Văn Sử Địa.

     Nguyễn Đức Nghinh. (1990). Chợ nông thôn, trong Nông dân và nông thôn Việt Nam thời cận đại. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

     Nguyễn Hữu Thông. (1994), Huế nghề và làng nghề thủ công truyền thống. Nxb Thuận Hóa Nguyễn Ngọc Thạch (cb). (2003). Nghề thủ công truyền thống ở Quảng Ngãi. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội.

     Nguyễn Quang Trung Tiến. (1995). Ngư nghiệp Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Nxb.Thuận Hóa.

     Nguyễn Văn Khánh. (1999). Cơ cấu kinh tế xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858-1945). Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội

    Phan Gia Bền. (1957). Sơ thảo lịch sử phát triển thủ công nghiệp Việt Nam. Nxb Văn Sử Địa. Hà Nội.

     R. Bulteau. (1927). Notes sur la fabrication des poteries dans la province de Binh Dinh, BAVH.

     Rapport économique province de Phu Yen, Résidence de Son Cau (Báo cáo kinh tế tỉnh
Phú Yên, Tòa sứ Sông Cầu) année, 1909.

     Robequain Ch. (2012). Le Thanh Hoa (bản dịch). Nxb Thanh Hóa.

     Tạ Thị Thúy (cb). (2013). Lịch sử Việt Nam, tập VIII (1919-1930). Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

     Tạ Thị Thúy (cb). (2014). Lịch sử Việt Nam, tập IX (1930-1945). Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

     Viện Sử học. (1990). Nông dân và nông thôn Việt Nam thời cận đại, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     Vũ Huy Phúc. (1996). Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam 1858-1945. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 06 (68) – 2020

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Thủ công nghiệp Việt Nam ở Trung kỳ thời Pháp thuộc (Tác giả: Nguyễn Thị
Lệ Hà)