Thực trạng và các giải pháp phát triển khu vực Hàm Rồng thành khu du lịch văn hóa trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa
REAL SITUATION AND SOLUTIONS FOR DEVELOPING THE HAM RONG TOURISM AREA TO BECOME A KEY CULTURAL TOURISM PLACE
OF THANH HOA PROVINCE
Tác giả bài viết: Cử nhân HOÀNG HỒNG ANH
(Khoa Khoa học Xã hội, trường Đại học Hồng Đức);
Tiến sĩ HOÀNG THANH HẢI
(Khoa Khoa học Xã hội, trường Đại học Hồng Đức)
TÓM TẮT
Từ kết quả điều tra, đánh giá đúng nguồn tài nguyên du lịch của khu vực Hàm Rồng và thực trạng phát triển khu du lịch trong 10 năm 2000 – 2010, theo đề án mà Chủ tịch UBND Tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt, bài viết đề xuất các giải pháp phát triển Hàm Rồng trong 10 năm tới (2010-2020), trở thành khu du lịch văn hóa trọng điểm của Thanh Hoá và cả nước.
Từ khóa: Khu du lịch, văn hóa Hàm Rồng.
ABSTRACT
For a long time ago, Ham Rong has not only been famous thanks to many interesting places for the tourists, but also for it many historically cultural heritages, which record clear imprints of the local citizen as well as the nation for thousands of year. To promote this tourism resource, on April 19th, 2000, the Chairman of Thanh Hoa Province signed Decision to approve the detailed planning of Ham Rong cultural tourism area. Upon 2020, Ham Rong will be expected to become the main tourism place of Thanh Hoa and Vietnam as well. Ham Rong initially form a complex of tourism for ten years. However, to attain the goal of this scheme, it is necessary to have a more synchronous and feasibl developing solution.
Key words: Ham Rong tourism area, Ham Rong culture.
x
x x
1. Mở đầu
Từ xưa, Hàm Rồng không chỉ nổi tiếng là một khu danh thắng, mà còn là một vùng đất lịch sử, với nhiều di tích lịch sử- văn hoá, in đậm dấu vết lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.Vì vậy, ngày 19 tháng 4 năm 2000, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ký Quyết định số 842/QĐUB “V/v phê duyệt quy hoạch chi tiết khu du lịch văn hoá Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá”. 10 năm qua, Hàm Rồng bước đầu đã hình thành một khu du lịch tổng hợp, nhưng so với mục tiêu của đề án, sự phát triển đó còn khá chậm. Trong 10 năm tới, cần có những giải pháp đồng bộ, khả thi hơn, để Hàm Rồng nhanh chóng trở thành khu du lịch trọng điểm của Thanh Hoá và cả nước vào năm 2020.
2. Đối tượng, địa điểm, nội dung và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng và địa điểm nghiên cứu
– Đối tượng, địa điểm nghiên cứu: Khu du lịch – văn hóa Hàm Rồng, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa.
– Thời gian nghiên cứu: 2008 – 2009.
2.2. Nội dung nghiên cứu
– Điều tra, đánh giá thực trạng khu du lịch văn hóa Hàm Rồng sau 10 năm thực hiện Đề án của UBND tỉnh Thanh Hóa (2000-2010).
– Đề xuất một số giải pháp phát triển khu du lịch văn hóa Hàm Rồng trở thành một khu du lịch trọng điểm của Thanh Hóa và cả nước trong 10 năm tới (2010-2020).
2.3. Phương pháp nghiên cứu
– Phân tích, tổng hợp các tài liệu lịch sử, văn hóa về khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, như các khu di tích Làng cổ Đông Sơn, cầu Hàm Rồng…, các điểm thắng cảnh của khu vực, như động Long Quang, động Tiên Sơn…, từ đó đánh giá đúng các giá trị lịch sử, văn hóa, tài nguyên du lịch phong phú của khu vực Hàm Rồng.
– Rút ra những điểm đặc sắc, khả thi và những điểm chưa phù hợp, bất khả thi của đề án.
– Điều tra, khảo sát bằng bộ bảng hỏi và phỏng vấn sâu (Chủ yếu đối với kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy) để đánh giá đúng thực trạng phát triển của khu du lịch văn hóa Hàm Rồng theo đề án quy hoạch của UBND tỉnh trong 10 năm 2000-2010, rút ra những nguyên nhân thành công và chưa thành công trong việc thực hiện đề án này.
– Trên cơ sở phân tích tiềm năng du lịch của khu vực, những điểm khả thi của bản quy hoạch, đề xuất một số giải pháp phát triển khu vực Hàm Rồng trong 10 năm tới 2010-2020 trở thành khu du lịch trọng điểm của Thanh Hóa.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Tài nguyên du lịch của khu vực Hàm Rồng
Qua các tài liệu lịch sử, văn hóa và các tài liệu điều tra thực tế, cho thấy Hàm Rồng, từ xa xưa đã là một vùng thắng tích sơn thuỷ hữu tình.
Sông Mã, đoạn chảy qua khu vực Hàm Rồng rất êm dịu, hiền hoà, thơ mộng, là nguồn cảm hứng của nhiều thi ca, bản nhạc. Núi Hàm Rồng còn có tên là Long Hạm, kéo dài từ Làng Giàng, chạy ngoằn ngoèo, nhấp nhô, uốn lượn ven bờ sông Mã. Khi chạy hết tầm, núi ngóc cao đầu giống như đầu Rồng. Đối diện với núi Rồng, có một ngọn núi đá hình tròn, nằm sát ngay cạnh bờ sông, cắm chân xuống nước, là núi Ngọc (còn có tên là Hoả Châu Phong).
Trông xa, toàn cảnh núi Hàm Rồng giống như một con rồng đang lao tới há miệng đớp ngọc. Dãy núi uyển chuyên liên tiếp như dạng chín khúc rồng, nhấp nhô, uốn lượn bao quanh những thung lũng.
Tạo hoá đã ban tặng cho núi non của Hàm Rồng nhiều hình thù độc đáo, như núi Rồng, núi Phượng, núi Voi, núi Cánh Tiên…, và đặc biệt, những hang động kỳ diệu, như động Long Quang (Mắt Rồng), động Tiên Sơn…
Hàm Rồng còn là một vùng đất lịch sử – văn hoá.
Di chỉ khảo cổ học Đông Sơn (tên một làng cổ thuộc phường Hàm Rồng) được phát hiện năm 1924, do tình cờ một nông dân câu cá, đã thấy một số đồ đồng do đất bờ sông xói lở lộ ra. Sau đó Trường Viễn Đông Bác Cổ uỷ nhiệm cho Pajot, viên thương chính tỉnh Thanh Hoá đào bới tìm cổ vật liên tục từ 1924 – 1928. “Những năm 1935 – 1939, trường Viễn Đông Bác Cổ tiến hành khai quật 3 đợt ở Đông Sơn, sau đó có công bố kết quả nghiên cứu trên một số công trình, tuy nhiên kết quả đó còn rời rạc, độ tin cậy chưa cao” [ 1; tr.20].
Từ 1961 đến nay, các nhà khoa học Việt Nam đã 6 lần khai quật chính thức và nhiều lần điều tra thám sát, đem lại một khối lượng tư liệu khảo cổ học phong phú. Hàng vạn hiện vật độc đáo, từ những chiếc trống đồng Đông Sơn, đến những hòn chì đánh cá, dụng cụ đồ đồng… “đã phản ánh sinh động, khách quan trình độ của đời sống vật chất, tinh thần của người Đông Sơn. Đây chính là vùng đất trung tâm của văn minh lưu vực sông Mã thời Hùng Vương” [1;28]. Tài liệu khảo cổ học cho biết, từ đầu thế kỷ XX, Đông Sơn trở thành tên gọi cho một nền văn hoá “Văn hoá Đông Sơn” rực rỡ đầu tiên của dân tộc.
Khu di chỉ khảo cổ học Đông Sơn thuộc làng Đông Sơn, một làng cổ nổi tiếng của xứ Thanh có hàng ngàn năm tuổi. Làng cổ Đông Sơn quần tụ dựa vào núi Cánh Tiên. Phía trước làng là cánh đồng rộng màu mỡ, xung quanh ba phía của làng là những núi đá nhỏ, đồi đất thấp nằm xen lẫn nhau có hình dáng kỳ dị, như núi Rồng, núi Phượng, núi Voi, núi Cánh Tiên… Ngày nay, làng cổ Đông Sơn vẫn còn giữ được cấu trúc của một làng cổ, từ đường làng, ngõ xóm, cổng làng đến nhà cửa… Ngoài di chỉ khảo cổ học Đông Sơn, làng còn có nhiều đền thờ, chùa, miếu, các văn chỉ, từ đường …, như miếu đệ nhị, thờ thành hoàng làng, đền Thánh cả Lê Uy – Trần Khát Chân, các ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi…
Truyền thống lịch sử văn hoá hàng nghìn năm của khu vực Hàm Rồng đã được hun đúc, tiếp nối trong thời đại Hồ Chí Minh, với chiến công hiển hách ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965, bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ. Ngày nay, cầu Hàm Rồng, Đồi Quyết Thắng, đồi C4… trở thành những di tích lịch sử -cách mạng, những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức sống Việt Nam.
Như vậy, Hàm Rồng là một quần thể di tích tổng hợp, có lịch sử trải dài hàng nghìn năm, với hàng chục di tích lịch sử- văn hoá, di tích lịch sử- cách mạng, di tích khảo cổ….
Với điều kiện tự nhiên phong phú, vị trí địa lý thuận lợi, truyền thống lịch sử-văn hoá hàng ngàn năm, Hàm Rồng hội tụ đầy đủ tài nguyên, tiềm năng để phát triển thành một khu du lịch trọng điểm của Thanh Hoá và cả nước, với nhiều loại hình, như du lịch sinh thái, nhân văn, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao…
3.2. Thực trạng phát triển du lịch của khu du lịch văn hoá Hàm Rồng giai đoạn 2000-2010
Khu du lịch văn hoá Hàm Rồng được quy hoạch với tổng diện tích 567,78 ha, liên hoàn bởi các khu trung tâm, khu du lịch khảo cổ, khu biệt thự cao cấp, khu vui chơi giải trí, khu cắm trại, làng văn hoá các dân tộc…[ 3]. Như vậy, đây sẽ là một khu du lịch tổng hợp, với nhiều loại hình du lịch phong phú. Nét nổi bật trong dự án là đã kết hợp được nét kiến trúc hiện đại với truyền thống, đưa du khách trở về với cội nguồn của lịch sử. Khu du lịch văn hoá Hàm Rồng được thiết kế với quy mô bề thế, hài hoà trong cảnh sắc thiên nhiên, nhằm khai thác và phát huy mạnh mẽ tiềm năng của vùng đất Hàm Rồng, có chiều sâu lịch sử-văn hoá và giàu truyền thống quật cường, bất khuất.
Sau 10 năm thực đề án trên, Thanh Hoá chủ yếu tập trung cho việc gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hoá, danh thắng, những tài nguyên du lịch lợi thế của khu vực. Di chỉ khảo cổ học Đông Sơn đã được khoanh vùng bảo vệ ở khu vực số 1, số 2, số 3. Một số di tích đã được cấp kinh phí, làm hồ sơ chống xuống cấp như đền thờ Lê Uy- Trần Khát Chân. Đặc biệt, trong dịp lễ hội 45 năm Hàm Rồng chiến thắng (1965-2010) nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo, như cầu Hàm Rồng, đồi Quyết Thắng… Cơ sở hạ tầng, nhất là khu trung tâm được chỉnh trang, mở rộng, bước đầu hình thành quảng trường lớn với sức chứa hàng vạn người…
Về các hoạt động kinh doanh du lịch, đã có 2 nhà đầu tư lớn là Công ty cổ phần du lịch Kim Quy và Công ty thương mại du lịch Nam Hoàng đầu tư xây dựng đảo hồ Kim Quy và nhà hàng Newday. Ngoài ra, 9 nhà đầu tư thứ cấp khác tiếp nhận dự án xây dựng các công trình quanh hồ như bể bơi, công viên nước, nhà nghỉ nhà sàn…
Theo số liệu thống kê của Công ty cổ phần du lịch Kim Quy, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của công ty ở Hàm Rồng đã bước đầu có hiệu quả:
– Khách nghỉ: 500-800 lượt/năm.
– Khách ăn: 1500-2500 lượt/năm.
– Khách tham quan: 2000-2500 lượt khách/năm.
– Khách bơi thuyền: 1200-1500 lượt khách/năm.
Doanh thu của công ty năm 2007 đạt 1,6 tỷ đồng, năm 2008 đạt 2 tỷ đồng.
Hàm Rồng bước đầu hình thành một khu du lịch tổng hợp. Tuy nhiên, với mục tiêu của đề án, sự phát triển đó còn khá chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực. Công tác bảo vệ, trùng tu các di tích vẫn còn nhiều tồn tại. Năm 2005, do bị đá lở, đền Mẫu bị sụp đổ hoàn toàn, nay vẫn chưa có mặt bằng để xây dựng lại, nên những di vật còn lại của đền vẫn phải để trong nhà tạm. Một số di tích như Đồi C4, động Long Quang, hố khai quật khảo cổ học năm 2003…, còn đang trùng tu giang dở. Công tác trật tự, vệ sinh môi trường chưa được tiến hành thường xuyên, định kỳ. Tại các điểm di tích chưa có hướng dẫn viên du lịch tại điểm để phục vụ khách du lịch. Đến với khu văn hoá du lịch Hàm Rồng, du khách thường vào thăm động Tiên Sơn, động Long Quang hay Đảo Hồ Kim Quy…, rất ít khách tìm đến các di tích đền chùa, miếu, nhà cổ, di chỉ khảo cổ học. Hiện tại, động Tiên Sơn đang trong quá trình tu bổ, nhưng đã và đang thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và đi lễ Phật. Tuy nhiên các dịch vụ như ăn uống, bãi giữ xe…còn hạn chế. Đường vào động còn nhỏ, hoang sơ, các biển chỉ dẫn, quảng cáo còn ít…Hệ thống biển báo, sơ đồ khu tham quan, các điểm du lịch đều chưa có, hoặc quá đơn sơ.
Qua kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần du lịch Kim Quy cho thấy, số khách du lịch đến tham quan là lớn nhất và cũng đã sử dụng các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí tại khu du lịch. Tuy nhiên lượng khách lưu trú tại khu du lịch văn hoá Hàm Rồng là rất ít. Phần lớn khách du lịch chỉ lưu lại trong ngày, ít sử dụng lưu trú qua đêm, chủ yếu là khách dã ngoại và ẩm thực.
Sở dĩ khu du lịch văn hoá tổng hợp Hàm Rồng phát triển còn chậm, nhiều mục tiêu của đề án chưa hoàn thành vì những lý do chủ yếu sau:
Một là, vẫn còn thiếu các chính sách để thu hút các đầu tư. Thanh Hoá vẫn là một tỉnh nghèo, vì vậy để hoàn thành các hạng mục công trình của khu du lịch Hàm Rồng đòi hỏi thu hút các nguồn đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Hiện nay chưa có doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh, quốc tế nào đầu tư vào khu du lịch.
Hai là, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu. Khả năng kinh doanh của các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch còn hạn chế. Khu du lịch hiện mới có 3 khách sạn, 2 nhà nghỉ lớn, một số nhà nghỉ có quy mô vừa và nhỏ và 21 đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch còn nhỏ lẻ. Số lượng khách còn lẻ tẻ, phần lớn là tự phát. Các hoạt động kinh doanh chưa tiếp cận được với thị trường.
Ba là, khu du lịch Hàm Rồng nói riêng, các khu du lịch của Thanh Hoá nói chung chưa có sự gắn kết thành những tuyến du lịch trong tỉnh và các tuyến du lịch cả nước.
Như vậy, mục tiêu, nội dung của bản đề án vẫn có những điểm không khả thi, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của Thanh Hóa.
3.3. Một số giải pháp phát triển khu du lịch văn hoá Hàm Rồng giai đoạn 2010-2020
Trước thực trạng nêu trên, để Hàm Rồng trở thành khu du lịch-văn hoá trọng điểm của Thanh Hoá và cả nước vào năm 2020, trong 10 năm tới cần đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, khả thi như sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục nghiên cứu, điều tra, xếp hạng các di tích lịch sử- văn hoá. Một số di tích hiện nay vẫn chưa được xếp hạng, như chùa Phạm Thông, đền thờ Mẫu, miếu đệ nhị thành hoàng làng… Đi đôi với nghiên cứu, xếp hạng cần tăng cường công tác bảo vệ, tôn tạo các di tích đang từng ngày bị xuống cấp nghiêm trọng, như giải toả mặt bằng đề án xây dựng lại đền mẫu, xây dựng nhà trưng bày các hiện vật khảo cổ học đã khai quật được ở làng cổ Đông Sơn… Thế mạnh của khu Hàm Rồng là hệ thống di tích lịch sử văn hoá, trong đó có những di tích tiêu biểu như Làng cổ Đông Sơn, cầu Hàm Rồng, đồi C4…, các quần thể núi sông hữu tình, hang động kỳ thú. Vì vậy cần huy động mọi nguồn lực, thực hiện tốt xã hội hoá trong công tác gìn giữ, bảo tồn các di tích, danh thắng. Công tác quy hoạch các khu dân cư, khu kinh doanh… cần tiến hành đồng bộ và khoa học hơn.
Thứ hai, trong đề án, có nhiều công trình văn hoá du lịch, cơ sở hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn lớn hàng triệu USD. Thanh Hoá lại là một tỉnh nông nghiệp, nghèo, nên cần có chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước; Đối với những công trình không khả thi cần điều chỉnh phù hợp. Công tác giải phóng mặt bằng cần được tiến hành nhanh chóng, nhất là đối với khu trung tâm và các tuyến giao thông chính.
Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, tiếp cận thị trường; liên kết giữa khu du lịch Hàm Rồng với các khu du lịch trong tỉnh như Sầm Sơn, Lam Kinh…, các khu du lịch của các tỉnh bạn như Ninh Bình, Hòa Bình… của cả nước và quốc tế; Mở rộng các hoạt động du lịch, loại hình du lịch, phát huy tối đa lợi thế của khu vực.
Thứ tư, tăng cường quảng bá du lịch đối với khu du lịch văn hoá Hàm Rồng, như in các tập sách, tranh ảnh, thuyết minh về các điểm du lịch, lập trang Web về khu du lịch; Củng cố và nâng cao hơn nữa năng lực của Ban Quản lý khu di tích-du lịch Hàm Rồng, bố trí các hướng dẫn viên du lịch tại điểm…
Thứ năm, hiện nay tại các điểm của khu du lịch rất thiếu đội ngũ lao động du lịch chuyên nghiệp, được đào tạo cơ bản. Văn hóa kinh doanh của các công ty, các hộ kinh doanh còn thấp. Tăng cường đào tạo, chuẩn bị đủ nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ cao cho các hoạt động kinh doanh du lịch, hướng dẫn du lịch… Vì vậy, cần tăng cường đào tạo, đào tạo lại, chuẩn bị đủ nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ cao cho các hoạt động kinh doanh du lịch.
Thứ sáu, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, như làng gốm Nghĩa Phương, làng hoa Đông Tác… tạo ra các sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm đặc trưng của khu vực, các giá trị văn hoá ẩm thực đặc sắc, kết hợp truyền thống và hiện đại, kết hợp đặc sản của địa phương với các vùng trong cả nước.
Thứ bảy, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, phát triển đồng bộ hệ thống khách sạn, nhà hàng, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách du lịch. Hiện nay, khu vực Hàm Rồng mới chỉ đẩy mạnh các hoạt động tham quan, ẩm thực…, các hoạt động vui chơi, giải trí, tìm hiểu còn khá đơn điệu. Tuyến du lịch đường sông, du lịch leo núi…còn khá vắng vẻ.
Thứ tám, tăng cường tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học sinh, sinh viên, hiểu, tự hào và ra sức góp phần tôn tạo, gìn giữ các giá trị lịch sử văn hoá, cảnh quan và môi trường của khu vực Hàm Rồng.
3. Kết luận
Hàm Rồng có một lợi thế lớn để trở thành một khu du lịch văn hóa. Điều đó đã thể hiện trong “Bản quy hoạch chi tiết khu du lịch văn hoá Hàm Rồng” được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt năm 2000. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, tuy bước đầu đã hình thành một khu du lịch tổng hợp, nhưng nhiều mục tiêu của đề án vẫn còn dang dở. Vì vậy trong 10 năm tới, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, khả thi hơn để Hàm Rồng nhanh chóng trở thành một khu du lịch văn hóa trọng điểm của Thanh Hóa và cả nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ban Quản lý di tích và danh thắng Thanh Hoá, Di tích và danh thắng Thanh Hoá, tập 3, NXB. Thanh Hoá. 2007.
[2] Công ty cổ phần du lịch Kim Quy (2008), Báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2008.
[3] UBND Tỉnh Thanh Hoá (2000), Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu du lịch văn hoá Hàm Rồng – Thành phố Thanh Hoá.
Nguồn: Tạp Chí Khoa Học, Trường Đại Học Hồng Đức – Số 6, 2010
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Thực trạng và các giải pháp phát triển khu vực Hàm Rồng thành khu du lịch văn hóa trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa (Tác giả: CN. Hoàng Hồng Anh; TS. Hoàng Thanh Hải) |