THỰC TRẠNG và một số ĐỊNH HƯỚNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO THẠC SĨ ngành VIỆT NAM HỌC tại HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
LÊ VĂN TẤN
(TS, Phó Trưởng khoa Khoa Việt Nam học, Học viện Khoa học Xã hội)
1. Từ một định hướng mang tính chiến lược…
Đào tạo thạc sĩ ngành Việt Nam học tại Học viện Khoa học xã hội (Học viện) được mở ra trong tình hình hội nhập và toàn cầu hoá như một xu thế tất yếu của khu vực và thế giới. Để tồn tại và khẳng định mình hẳn nhiên các thành tố tham gia vào quá xu thế này buộc phải lựa chọn một cách đi riêng để không bị bỏ qua. Vào thời điểm Học viện có được Quyết định mở mã ngành đào tạo thạc sĩ ngành Việt Nam học (tháng 10 năm 2012) 1, cả nước đã có 2 cơ sở đào tạo thạc sĩ ngành này trước đó là Viện Việt Nam học và khoa học phát triển – ĐHQG Hà Nội 2 và Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP Hồ Chí Minh; 01 cơ sở gần như đồng thời là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Học viện, theo đó bắt buộc phải có một đường ray riêng để có thể cạnh tranh, khẳng định và phát triển thương hiệu của mình đối với các cơ sở đào tạo bạn.
Định hướng chiến lược được đặt ra trong bối cảnh đó của Học viện được xác định trên 3 điểm đặc thù:
– Điểm đặc thù thứ nhất: Đào tạo thạc sĩ ngành Việt Nam học tại Học viện đi theo hướng tổng thể, vừa rộng vừa chuyên sâu về Đất nước – Văn hoá – Lịch sử – Xã hội – Con người… Việt Nam (các cơ sở đào tạo bạn hướng việc đào tạo quá chuyên sâu vào một hoặc hai lĩnh vực, về diện là hẹp hơn so với Học viện). Theo đó cấu trúc chương trình đào tạo nói chung và cấu trúc nội dung của các học phần trong chương trình đào tạo đều hướng về việc làm rõ những đặc điểm của đất nước và con người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Điểm khác biệt đầu tiên mà thí sinh dự thi tuyển cảm nhận được chính là môn thi cơ sở (đối với người Việt Nam): nếu cả 3 cơ sở bạn đều lựa chọn môn “Cơ sở văn hoá Việt Nam” thì Học viện yêu cầu thí sinh thi môn “Những vấn đề cơ bản về Việt Nam học”. Khi trúng tuyển, các học viên, ngoài các môn học chung sẽ được học tổng số 12 học phần chuyên ngành. Điểm logic gắn kết các học phần chuyên ngành nhìn từ định hướng đất nước và con người Việt Nam sẽ thấy khá sáng rõ:
* 9 học phần bắt buộc bao gồm
(1) Phương pháp luận nghiên cứu Việt Nam học
(2) Lịch sử tư tưởng Việt Nam
(3) Những vấn đề cơ bản về kinh tế Việt Nam
(4) Những vấn đề xã hội cơ bản của Việt Nam
(5) Những vấn đề cơ bản về văn hoá Việt Nam
(6) Giao lưu của văn học Việt Nam với văn học thế giới
(7) Con người Việt Nam một số đặc điểm cơ bản
(8) Những vấn đề cơ bản về các dân tộc ở Việt Nam
(9) Việt Nam với hội nhập khu vực và quốc tế
* 3 học phần tự chọn được lựa chọn từ 6 học phần sau:
(1) Nhà nước và pháp luật Việt Nam
(2) Tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam
(3) Giao lưu văn hoá Việt Nam
(4) Những vấn đề cơ bản của văn học Việt Nam
(5) Các vùng phương ngữ ở Việt Nam
(6) Phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ
– Điểm đặc thù thứ hai: Đào tạo thạc sĩ ngành Việt Nam học tại Học viện đi theo định hướng nghiên cứu vừa trên diện rộng vừa chuyên sâu để làm rõ các đặc điểm về đất nước, con người Việt Nam. Ngoài cấu trúc chương trình đào tạo, cấu trúc nội dung các học phần trong chương trình đào tạo, ngay từ khi được tập trung về học các học phần chuyên ngành tại Khoa, các học viên đã được định hướng để làm quen với các vấn đề lí thuyết cũng như kĩ năng thực hành trong nghiên cứu Việt Nam. Ngoài các buổi lên lớp theo quy định, Khoa đã chủ trì các buổi sinh hoạt khoa học dưới sự thuyết trình của các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài Học viện để giúp các học viên có thêm phông kiến thức chung cũng như những kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó của ngành mà các học viên dự kiến sẽ lựa chọn làm đề tài luận văn của mình sau này.
Trong năm 2014, Khoa đã chủ trì 4 buổi sinh hoạt khoa học dành cho các học viên khoá 2013 (tuyển sinh đợt 1 và đợt 2). Cụ thể như sau:
+ Chủ đề 1: “Nghiên cứu Việt Nam trong bối cảnh văn hoá khu vực Đông Á” (2 buổi do GS TS Trần Ngọc Vương làm diễn giả).
+ Chủ đề 2: “Con người Việt Nam, trường hợp Truyện Kiều của Nguyễn Du” (2 buổi do TS Lê Văn Tấn làm diễn giả).
Các đề tài luận văn đã và đang được thực hiện tại Khoa tiếp tục thể hiện rõ những định hướng đào tạo trên đây: (1) Các loại hình tín ngưỡng truyền thống trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, (2) Tín ngưỡng thờ cúng nguyên thuỷ của dân tộc Tày – Nùng khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng – Việt Nam và dân tộc Choang khu vực biên giới phía Nam Quảng Tây – Trung Quốc, (3) Phong tục cưới hỏi của dân tộc Tày – Nùng khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng – Việt Nam và dân tộc Choang khu vực biên giới phía Nam Quảng Tây – Trung Quốc, (4) Tín ngưỡng của cộng đồng cư dân người Việt gốc Hoa ở thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam, (5) Những giá trị văn hoá truyền thống tiêu biểu của làng Cẩm Phô, thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam, (6) Văn hoá ẩm thực của người Quan họ (Nghiên cứu trường hợp làng Viêm Xá, Hoà Phong, thành phố Bắc Ninh), (7) Văn hoá ẩm thực truyền thống của người Mường ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình, (8), Giá trị ngôn ngữ và văn hoá trong hát văn thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giày, xã Kim Thái, tỉnh Nam Định, (9) Lễ hội đền Hai Bà Trưng trong phát triển xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội, (10) Văn hoá Mường qua lễ Khai hạ trong phát triển cộng đồng người Mường Bi, (11) Phát triển tiềm năng du lịch của khu vực Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hoá.
– Điểm đặc thù thứ 3: Linh hoạt trong thiết kế chương trình đào tạo cho người nước ngoài. Có thể nói rằng, một điểm có tính thách thức đối với Khoa khi thiết kế chương trình đào tạo chính là đưa ra được một mẫu số chung đối với hai đối tượng người học: người nước ngoài và người Việt Nam. Đấy là chưa kể đến sự khác biệt của bản thân người học là người nước ngoài (học viên Lào, học viên Hàn Quốc, học viên Trung Quốc…). Trên tinh thần đó, trong số 04 học phần thuộc các học phần chung, người nước ngoài được học 02 môn (1) Tiếng Việt thực hành nâng cao và (2) Tiếng Việt chuyên ngành Việt Nam học để thay thế cho môn Triết học và môn Ngoại ngữ (đối với học viên Việt Nam). Qua một khoá đào tạo (khoá năm 2013), hiệu quả của hai môn học này đã được thấy rõ. Các học viên nước ngoài đã có điều kiện trau dồi, củng cố, nâng cao và hoàn thiện trình độ tiếng Việt (các kĩ năng), giúp họ tự tin học các học phần chuyên ngành bằng tiếng Việt.
Bên cạnh đó, độ chuyên sâu trong việc thiết kế các nội dung trong các học phần chuyên ngành được Khoa định hướng đối với các giảng viên bắt buộc phải dựa trên hai tham chiếu cơ bản (1) vừa thoả mãn nhu cầu nâng cao trình độ của học viên Việt Nam vừa (2) không quá khó đối với học viên nước ngoài (trình độ tiếng Việt của các học viên nước ngoài không đều nhau). Đây là một đòi hỏi tưởng như đơn giản song qua thực tế mới nảy sinh những khó khăn buộc giảng viên phải chuẩn bị bài giảng cũng như rất linh hoạt trong quá trình lên lớp, nhất là việc lựa chọn thao tác, cách thức và ngôn ngữ thuyết trình trên lớp học. Chúng tôi cho rằng đây chính là một điểm khó song rất thú vị đối với quá trình đào tạo thạc sĩ ngành Việt Nam học tại Học viện mà chắc chắn rằng các giảng viên sẽ chia sẻ và tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình tham gia công tác đào tạo của Khoa, của Học viện.
2. … đến một số thành quả bước đầu
Đào tạo thạc sĩ ngành Việt Nam học mới đi được những bước đầu tiên trên cả một hành trình mà chúng tôi xác định còn dài, nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức. Thành quả tuy chưa có nhiều song chúng tôi đặt niềm tin vào một hướng đi riêng của mình và coi đó như những “quả đầu mùa”. Có thể thấy ở hai phương diện lượng và chất như sau:
– Trên phương diện lượng: Khoá IV đợt 1 năm 2013 tuyển được 3 học viên (1 học viên Việt Nam và 2 học viên nước ngoài; đợt 2 năm 2013 tuyển được 8 học viên Việt Nam; Khoá V đợt 1 năm 2014 tuyển được 7 học viên Việt Nam; đợt 2 tuyển được 3 học viên (2 học viên Việt Nam và 1 học viên nước ngoài); Khoá VI đợt 1 năm 2015 tuyển được 4 học viên (3 học viên Việt Nam và 1 học viên nước ngoài).
Tổng số: 25 học viên (21 học viên Việt Nam và 4 học viên nước ngoài)
Hiện tại đã có 1 học viên bảo vệ thành công luận văn và nhận bằng thạc sĩ ngành Việt Nam học; 10 học viên đang thực hiện đề tài luận văn và 14 học viên đang theo học các học phần trong chương trình đào tạo.
– Trên phương diện chất. Theo quan sát của chúng tôi có thể nhấn mạnh ở mấy điểm sau đây:
+ Chất lượng đầu vào (chất lượng học viên): Từ quan sát của chúng tôi, các học viên theo học thạc sĩ ngành Việt Nam học có mấy điểm rất đáng chú ý là: (1) Hầu hết tuổi đời còn rất trẻ, số các em mới tốt nghiệp đại học một năm, hai năm chiếm quá 1/2 tổng số học viên nên kiến thức khá mới mẻ, cập nhật, cộng thêm sự hăng say, ham học hỏi; (2) Tổng điểm thi đầu vào hai môn Cơ bản và Cơ sở cao (so với một số ngành đào tạo khác, đặc biệt đợt tuyển sinh tháng 3 năm 2015 học viên Hoàng Văn Định đạt tổng điểm 18,0 cao nhất toàn khoá (môn Cơ bản 9,0 và môn Cơ sở 9,0) và (3) Trình độ tiếng Việt của hầu hết các học viên nước ngoài là thành thạo. Với 3 điểm trên nên sự tham gia của các học viên vào giờ giảng, chất lượng các buổi thảo luận tại lớp, chất lượng các buổi sinh hoạt khoa học tại Khoa, chất lượng các bài thi hết học phần đều rất cao. Chúng tôi tiếp tục coi đây như một giá trị cần tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.
+ Chất lượng đội ngũ giảng viên: Chúng tôi xin chỉ đề cập tới đội ngũ giảng dạy các học phần chuyên ngành. Do tính đặc thù mà đội ngũ giảng viên được huy động mời giảng tại Khoa chủ yếu là các nhà giáo, nhà nghiên cứu, các chuyên gia có tiếng của từng lĩnh vực chuyên môn đến từ các viện nghiên cứu thành viên trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hầu hết các giảng viên khi đến với Khoa đều với một tinh thần chia sẻ, nhiệt huyết, say sưa và đã có những giờ giảng thực sự lôi cuốn, hấp dẫn, có hiệu quả đối với các học viên. Sau một số đợt học, nhìn chung dư âm phản hồi từ phía các học viên hết sức tốt đẹp. Chúng tôi coi đây như một giá trị cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.
+ Chất lượng giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy: Mặc dù là một Khoa mới đi vào tuyển sinh và đào tạo song được sự chỉ đạo cũng như tạo điều kiện từ Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, thời gian qua Khoa đã chủ trì và nghiệm thu thành công 01 giáo trình Sau đại học (Tiếng Việt thực hành nâng cao dành cho học viên cao học người nước ngoài do nhóm tác giả TS Lê Văn Tấn, TS Nguyễn Thị Hồng Ngân, ThS Nguyễn Thị Hưởng biên soạn, NXB Khoa học Xã hội, 2014). Ngoài ra, phần đa các giảng viên khi lên lớp đều có tập bài giảng và/ hoặc các tài liệu (kể cả các chỉ dẫn cụ thể) liên quan trực tiếp đến môn học mà học viên bắt buộc phải đọc để có thể nghe giảng một cách chất lượng nhất.
+ Chất lượng phục vụ: Có thể khẳng định, tất cả các khâu, từ bộ phận phục vụ lớp học, quản lí học viên, quản lí đào tạo, lãnh đạo, trợ lí Khoa đều chuyên nghiệp, cởi mở, thân thiện và đúng quy định. Giờ giấc của giảng viên, học viên được tuân thủ khá chặt chẽ. Các khâu khác của quá trình đào tạo cũng ngày một đi vào chuyên nghiệp và hiệu quả. Đặc biệt là các học viên nước ngoài khi đến với Khoa đều được Khoa cũng như các Phòng chức năng hướng dẫn tỉ mỉ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để học tập và nghiên cứu. Theo quan sát của chúng tôi, tình cảm của các học viên nước ngoài đối với Khoa và Học viện rất tốt đẹp.
3. Và một số giải pháp tăng số lượng, nâng cao chất lượng đào tạo
Với một định hướng mang tính chiến lược trong đào tạo thạc sĩ ngành Việt Nam học nêu ở phía trên cùng với những điểm lợi thế trong cạnh tranh so với các cơ sở đào tạo khác, một câu hỏi khiến chúng tôi thực sự băn khoăn trong nhiều năm qua (thực sự không phải chỉ khi chuyển công tác về với Học viện) là tại sao số lượng thí sinh dự tuyển vào ngành này thời gian qua chưa có đột biến? Tại sao chưa có nhiều hơn nữa, đa dạng hơn nữa về quốc tịch của các học viên nước ngoài? Có 03 lí do cơ bản sau đây khiến nhu cầu học ngành Việt Nam học ở các cơ sở bạn cũng như ở Học viện Khoa học Xã hội chưa nhiều (mặc dù số lượng cử nhân ngành Việt Nam học đã được đào tạo và hiện đang đào tạo không hề ít):
(1) Khoa Việt Nam học của Học viện là một khoa mới, chưa có đào tạo tiến sĩ trước đó nên chưa được xã hội biết đến; cộng với việc không đào tạo hệ đại học cùng ngành như các cơ sở bạn nên không có nguồn tuyển sinh tiềm năng.
(2) Theo con số thống kê chưa đầy đủ, tỉ lệ cử nhân Việt Nam học ra trường thất nghiệp khá cao 3; chỉ có một số lượng ít các em xin được vào các cơ quan nhà nước như các viện nghiên cứu, các sở văn hoá, thể thao và du lịch, bảo tàng các tỉnh thành, các trường đại học, cao đẳng có đào tạo cử nhân (cao đẳng, đại học) ngành Việt Nam học; số còn lại buộc phải làm những công việc hầu như không, hoặc rất ít liên quan đến chuyên môn đã được học trong trường đại học. Nguyên nhân chính của tình hình này có thể thấy rõ ở hai điểm có liên quan qua lại với nhau: Thứ nhất là quan niệm, sự hình dung của nhà tuyển dụng (ngành Việt Nam học như vừa thừa lại như vừa thiếu, nhiều tỉnh thành khi ra thông báo tuyển dụng thậm chí còn bỏ qua cái tên Việt Nam học, tức là họ còn không hiểu Việt Nam học, sắp xếp vào công việc gì), Thứ hai là bản thân nội dung chương trình đào tạo cử nhân Việt Nam học ở các cơ sở đào tạo trong cả nước đến thời điểm hiện nay vẫn đang ở trong tình trạng “mạnh ai nấy đi, trăm hoa đua nở”, mỗi nơi mỗi kiểu (tất nhiên vẫn theo quy định khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Có cơ sở đào tạo khá nghiêng về văn học – ngôn ngữ; có cơ sở lại nghiêng về văn hoá – lịch sử – địa lí; có cơ sở lại nghiêng về du lịch – hướng dẫn viên, có cơ sở lại nghiêng về thực hành tiếng Việt (với người nước ngoài)… Chính vì lẽ đó mà số các em muốn học tiếp thạc sĩ Việt Nam học không nhiều. Số ít khác thì theo học là với mục đích chuẩn bị thêm cho mình điều kiện để hi vọng có hướng mở cho cơ hội xin việc của mình.
(3) Đối với người nước ngoài: Số các lưu học sinh sau khi học xong cử nhân muốn theo học thạc sĩ là rất ít. Nhất là với định hướng nghiên cứu để trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực của chuyên ngành thì không nhiều em có cơ hội cũng như điều kiện để có thể học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ. Hiện nay, ở Việt Nam, theo nhìn nhận của chúng tôi thì người nước ngoài đến Việt Nam học cử nhân Việt Nam học (chủ yếu là học ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam) phần đa đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Lào. Sau đó là đến các nước như Nga, Ba Lan, Cuba rồi gần đây là Thái Lan, Campuchia, một số nước châu Phi (Mozambic), châu Mĩ La tinh… Theo tìm hiểu thì hầu hết các lưu học sinh này đi học với mục đích là thành thạo tiếng Việt để sau khi ra trường có thể làm các công việc liên quan đến phiên-biên dịch tiếng Việt cho các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, thậm chí là các công ty tư nhân, công ti gia đình… có quan hệ hợp tác với Việt Nam. Vì thế, với họ việc học tiếp lên thạc sĩ Việt Nam học không phải là một nhu cầu bức thiết.
Ngoài ra, đối với các nước châu Âu có truyền thống trong nghiên cứu Việt Nam như Pháp (kể cả Nga và Ba Lan) thì nhu cầu học Việt Nam học lại không nhiều, mặc dù ngay trên đất nước họ, ví dụ như Pháp cho đến hiện nay, Việt Nam học còn chưa tồn tại với tư cách một khoa độc lập. 4
Tất yếu theo đó, số lượng người có nhu cầu, có điều kiện để đào tạo trở thành các nhà Việt Nam học trong tương lai là rất ít.
Từ những nhìn nhận trên đây, chúng tôi xác định cho mình một số giải pháp (đã làm và sẽ tiếp tục làm) nhằm tăng số lượng, đa dạng hoá thành phần và duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ ngành Việt Nam học tại Học viện Khoa học xã hội như sau:
Một là, tiếp tục đào tạo thạc sĩ ngành Việt Nam học theo định hướng tổng thể, vừa rộng vừa chuyên sâu về Đất nước và Con người Việt Nam nhằm giúp học viên sau khi ra trường có thể đáp ứng tốt các đòi hỏi của nhà tuyển dụng, nhất là với các cơ quan, ban ngành có chức năng mang tính đặc thù.
Hai là, tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy các học phần chuyên ngành; chất lượng đội ngũ cán bộ hướng dẫn; chất lượng hội đồng đánh giá luận văn; huy động tối đa các chuyên gia, các nhà nghiên cứu có hiểu biết sâu trong lĩnh vực của chuyên ngành, đồng thời am hiểu về Việt Nam học nói chung.
Ba là, tăng số lượng và chất lượng các giáo trình giảng dạy, các tập bài giảng của các học phần chuyên ngành.
Bốn là, từng bước đưa hoạt động hướng dẫn và thực hiện luận văn thạc sĩ theo đúng định hướng, chất lượng và chuyên nghiệp (áp dụng đối với các giảng viên và học viên).
Năm là, bằng mọi hình thức thích hợp, đúng quy định để có thể quảng bá thương hiệu, những lợi thế cạnh tranh trong đào tạo thạc sĩ Việt Nam học tại Học viện (chúng tôi đã thực hiện các hình thức như gửi thông báo tuyển sinh về hệ thống các sở văn hoá, thể thao và du lịch, các bảo tàng, bảo tồn các tỉnh thành trong cả nước, một số cơ sở đào tạo cử nhân chưa có chức năng đào tạo thạc sĩ; gửi thông báo, điện thoại tư vấn cho bạn bè đồng nghiệp và nhờ họ tư vấn cho những đối tượng có nhu cầu; nhờ các giảng viên tham gia giảng dạy tại Khoa giới thiệu; nhờ các học viên đang theo học giới thiệu cho bạn bè của họ đăng kí thi tuyển…).
Sáu là, tiến hành các thoả thuận hợp tác đào tạo với cơ sở, các cơ quan, ban ngành trong nước và nước ngoài có nhu cầu.
Bảy là, tạo điều kiện cho người nước ngoài tốt nghiệp các ngành khoa học xã hội nhân văn được tham gia dự xét tuyển thẳng vào học thạc sĩ ngành Việt Nam học và học bổ sung các học phần theo quy định sau khi đã vào học 5.
4. Kết luận
Trở lên, chúng tôi đã khái quát lại một số định hướng mang tầm chiến lược và những thành quả bước đầu trong đào tạo thạc sĩ ngành Việt Nam học tại Học viện Khoa học xã hội. Từ đó, chúng tôi cũng mạnh dạn đặt ra một số giải pháp có tính khả thi nhằm từng bước tăng cường số lượng, chất lượng đào tạo ngành này trong thời gian hiện nay cũng như sắp tới. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất từ phía Ban Giám đốc, sự phối hợp, kết hợp của các Phòng, Khoa trong Học viện, trong thời gian tới, Khoa Việt Nam học sẽ ngày một phát triển về số lượng và chất lượng, khẳng định uy tín, thương hiệu của Khoa, của Học viện, ghi một địa chỉ tin cậy trong bản đồ đào tạo thạc sĩ Việt Nam học tại Việt Nam. Đó sẽ là những tiền đề vững chắc để Khoa cùng với các bộ phận liên quan chuẩn bị một lộ trình cho việc mở mã ngành đào tạo tiến sĩ Việt Nam học nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ cho công cuộc hội nhập toàn diện của nước ta trong giai đoạn toàn cầu hoá hiện nay.
__________
1. Quyết định số 4589/QĐ-BGDĐT, ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép Học viện Khoa học xã hội đào tạo chuyên ngành Việt Nam học, Kinh tế học trình độ thạc sĩ.
2. Hiện nay, theo quy định mới, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội không còn chức năng đào tạo thạc sĩ ngành Việt Nam học nữa. Việc tuyển sinh và đào tạo ngành Việt Nam học được chuyển về cho đơn vị thành viên: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
3. Tất nhiên đây cũng là một vấn đề bức xúc của xã hội nói chung chứ không riêng gì của ngành Việt Nam học; điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là ở chỗ: cử nhân Việt Nam học có tỉ lệ thất nghiệp cao và cơ hội việc làm đúng chuyên môn với họ là không nhiều.
4. Ví dụ như hiện nay, tại Trường Đại học Paris 7, Việt Nam học là một phân ngành trong Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hoá các nước Phương Đông.
5. Hiện nay, theo quy định thì tất cả thí sinh muốn dự thi tuyển (người Việt Nam) và dự xét tuyển (người nước ngoài) phải có bằng đại học ngành đúng (Việt Nam học); tốt nghiệp các ngành khoa học xã hội và nhân văn và Địa lí học muốn dự thi tuyển và xét tuyển phải học bổ sung 06 học phần. Theo chúng tôi, trong tình hình như hiện nay, Học viện gửi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, riêng đối với người nước ngoài có thể dự xét tuyển vào học, sau đó học bổ sung các học phần sau.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ ngành Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
2. Chương trình đào tạo cử nhân ngành Việt Nam học, Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Việt Nam học, Viện Việt Nam học & Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Chương trình đào tạo cử nhân ngành Việt Nam học, Đại học Thăng Long.
5. Chương trình đào tạo cử nhân ngành Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
6. Chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ ngành Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQG TP Hồ Chí Minh.
7. Viện KHXH Việt Nam – Đại học Quốc gia Hà Nội, Nghiên cứu Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế, Kỉ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ I (1998), tập 1-2-3, NXB Thế giới, Hà Nội, 2001.
8. Viện KHXH Việt Nam – Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập: truyền thống và hiện đại, Kỉ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ II (2004), tập 1, 2, 3, NXB Thế giới, Hà Nội, 2007.
9. Viện KHXH Việt Nam – Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam hội nhập và phát triển, Kỉ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ III (2008), tập 1-2-3-4, NXB Thế giới, Hà Nội, 2009.
10. Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam – ĐHQG Hà Nội, Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững, Kỉ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ IV (2012), tập 1-2-3-4-5-6-7-8, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013.