Thực trạng và một vài giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội

Tác giả bài viết: THS. KTS. PHẠM TUẤN LONG
(Phó Trưởng ban Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội)

     Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm của thủ đô, là nơi gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của Thăng Long – Hà Nội. Nói đến quận Hoàn Kiếm, bạn bè quốc tế và du khách luôn nhắc đến hình ảnh khu phố cổ Hà Nội, nơi đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia, với sự thích thú và mong muốn được khám phá các giá trị văn hóa lâu đời của người dân Hà Nội. Điều đó đã được thể hiện qua lịch sử hình thành, quá trình phát triển của khu phố cổ Hà Nội gắn với lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa.

     Khu phố cổ Hà Nội hay còn gọi là khu 36 phố phường là một nhân tố quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội nói riêng và bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, khu phố cổ Hà Nội vẫn khẳng định một sức sống riêng, vừa bảo lưu, kế thừa những nét riêng độc đáo về không gian kiến trúc, về giá trị lịch sử, văn hóa nhưng cũng không ngừng phát triển để bắt kịp với sự vận động của đất nước và chọn lọc những giá trị văn hóa tiên tiến của thế giới. Chính vì vậy, phố cổ Hà Nội là một di sản vô cùng quý báu cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong đời sống đô thị hiện đại, là tấm gương phản chiếu lịch sử, kiến trúc và các giá trị văn hóa của người Hà Nội qua các thời kỳ.

     Một trong những đặc trưng nổi bật của khu “36 phố phường” là sự kết hợp hài hòa giữa nhà ở, các cửa hàng và các công trình tôn giáo, tín ngưỡng (đình, đền, chùa). Với diện tích khoảng 100 ha, bao gồm địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm nhưng tại khu phố cổ Hà Nội có tới 121 các công trình di tích lịch sử, cách mạng và tôn giáo. Hiện nay, người Hà Nội sinh sống trong không gian này vẫn duy trì nếp sống, tập tục làm ăn, tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng với cách ứng xử và các thói quen, lễ nghi, nề nếp tiêu biểu cho “văn hóa Hà Nội”. Khu phố cổ còn là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội hàng năm gắn với các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, như: thờ Tổ nghề, các hội chợ gắn với nghề truyền thống, các hoạt động kinh doanh sản xuất tại các phố nghề đặc trưng. Tất cả những yếu tố đó góp phần làm cho khu phố cổ vừa là nơi tập trung hoạt động thương mại trù phú nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống.

     Với những giá trị văn hóa lớn lao như vậy, trong thời gian qua, khu phố cổ Hà Nội thường xuyên nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân trong khu phố cổ. Đảng bộ và Chính quyền quận Hoàn Kiếm đã xác định: Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa chính là mục tiêu, là giải pháp và là động lực để quận phát triển theo hướng thương mại – du lịch – dịch vụ một cách bền vững.

     Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm mà Quận ủy, Hội đồng Nhân dân – Uỷ ban Nhân dân quận giao cho Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội là quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể khu phố cổ Hà Nội, trong thời gian qua, Ban đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trùng tù, tôn tạo các công trình di tích có giá trị lịch sử, văn hóa trong khu phố cổ bằng ngân sách và nguồn xã hội hóa; nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể; tập trung tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về hình ảnh khu phố cổ để nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của khu phố cổ; kêu gọi đầu tư từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước bằng nguồn vốn xã hội hóa để cải tạo các công trình công cộng phục vụ lợi ích dân sinh trong khu phố cổ để gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa với phát triển thương mại – du lịch – dịch vụ chung của quận.

     Thực tế cho thấy rằng: bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể khu phố cổ Hà Nội là một công việc rất khó khăn, phức tạp và lâu dài. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cấp lãnh đạo chính quyền mà còn là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng.

     Khu phố cổ Hà Nội hiện nay là nơi có mật độ dân cư cao nhất thành phố. Dưới tác động của cơ chế thị trường, giá trị đất ở trong khu phố cổ tăng cao, cơ hội kiếm lợi từ đất đai đã khiến nhiều gia đình không muốn rời bỏ mảnh đất này, đồng thời cũng nhiều gia đình từ nơi khác mong muốn có nhà ở khu vực này để thuận lợi trong việc kinh doanh, buôn bán. Bên cạnh đó, một số lượng lớn lao động từ các nơi khác cũng đổ về để kiếm sống, thậm chí chỉ đơn giản bằng các nghề phục vụ, lao động phổ thông… Trên lĩnh vực ngành nghề truyền thống, phong tục, tập quán cũng có nhiều thay đổi. Trước tiên là sự biến mất của các nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm, mặt hàng thủ công hầu như không còn, mà thay vào đó là các cửa hàng nhỏ, bày bán đồ mỹ nghệ cùng với hàng tạp phẩm, hàng ngoại nhập… Các tên phố không còn có ý nghĩa gắn với các mặt hàng sản xuất hay buôn bán tại phố đó nữa. Tuy vậy, trên thực tế hiện nay vẫn còn một số phố còn giữ được các nghề truyền thống, điển hình như phố Hàng Bạc, Hàng Mã, Hàng Thiếc, Lò Rèn, Lãn Ông… Phong tục tập quán dưới tác động của cơ chế thị trường cũng có nhiều thay đổi, lối sống truyền thống cũng bị mai một, thay vào đó là phong cách sống mới theo nhịp độ nền kinh tế thị trường. Lĩnh vực văn hóa, du lịch cũng đã được khai thác và phát triển từ lâu và có những đóng góp tích cực, như: tạo được công ăn, việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân sống trong khu phố cổ, tạo nguồn thu nhập khá lớn cho nhân dân, góp phần nâng cao đời sống xã hội, mở rộng giao lưu và có sự du nhập văn hóa ứng xử đối với nhân dân địa phương. Tuy nhiên, hoạt động du lịch hiện nay còn chưa quy mô, chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa làm tốt chức năng, vai trò giới thiệu, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội một cách toàn diện tới du khách trong và ngoài nước. Về lĩnh vực kiến trúc, song hành với sự phát triển kinh tế là tốc độ xây dựng trong khu phố cổ diễn ra rất nhanh, mạnh mẽ. Bộ mặt kiến trúc của phố cổ có nhiều thay đổi, các kiến trúc truyền thống dần bị mất đi, thay vào đó là các công trình kiến trúc mới. Do nhận thức của người dân và công tác quản lý chưa chặt chẽ, nên đã xảy ra tình trạng nhiều công trình xây dựng trái phép, với hình thức và quy mô không phù hợp. Hơn nữa, trước sức ép của mật độ dân cư, mật độ xây dựng đã tác động rất lớn tới cảnh quan, môi trường sống, sinh hoạt của người dân và khu phố cổ.

     Với những khó khăn, thuận lợi đang diễn ra từng ngày nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của Đảng bộ, Hội đồng Nhân dân – Uỷ ban Nhân dân quận, Ban Quản lý Phố cổ đã từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong khu phố cổ, tập trung ở các mảng công tác sau:

     * Thứ nhất: trong công tác quản lý và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể:

     Hàng năm, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tổ chức các lễ hội trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm, như: Ngày Kim hoàn, Trung thu Phố cổ…; tổ chức các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, triển lãm, trưng bày giới thiệu về văn hóa phi vật thể, như: Văn hóa Trà Việt, trình diễn 3 dòng tranh dân gian, nghề gốm, nghề lụa, nghề làm nón, làm đàn, làm quạt tại 04 điểm di tích như: Ngôi nhà Di sản – 87 Mã Mây, Trung tâm Thông tin di sản Phố cổ – 28 Hàng Buồm, đình Kim Ngân – 42, 44 Hàng Bạc và đình Đồng Lạc – 38 Hàng Đào; thường xuyên giới thiệu âm nhạc truyền thống, như: ca trù, hát xẩm, hát trống quân, hát văn… trong các dịp lễ hội và Tết, đặc biệt phối hợp với Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long và Hà Nội tổ chức biểu diễn ca trù – di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, tại Ngôi nhà Di sản và đình Kim Ngân để quảng bá, giới thiệu nghệ thuật đặc sắc của dân tộc tới bà con nhân dân và du khách quốc tế. Qua đó góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân nơi đây.

     Tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp chặt chẽ với chuyên gia Toulouse – Pháp trong công tác nghiên cứu, xây dựng đề án về bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, phố nghề và nghề truyền thống trong khu phố cổ, như: tuyến phố Đông Nam dược Lãn Ông, phố nghề Kim hoàn và phố lụa Hàng Gai.

     Phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Nhân dân các phường, các tiểu ban quản lý di tích để đảm bảo tốt công tác quản lý di tích, tổ chức các lễ hội theo đúng quy định, quy chế về việc tổ chức lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, không để xảy ra các hiện tượng mê tín dị đoan và truyền bá văn hóa phẩm cấm.

     Có thể nói, thông qua các hoạt động lễ hội, văn hóa – nghệ thuật đã góp phần tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa phi vật thể, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy tối đa các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận.

     * Thứ 2: công tác đẩy mạnh đầu tư, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể:

     Trong những năm trước đây, thành phố Hà Nội đã giao cho Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các công trình thí điểm, như: đình Đồng Lạc – 38 Hàng Đào, ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây và nhà cổ 51 Hàng Bạc. Những công trình này là ví dụ tiêu biểu cho công tác bảo tồn, tôn tạo nhà cổ trong khu phố cổ.

     Ngay sau khi được thành phố bàn giao cho Uỷ ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 71/KH-UB do Uỷ ban Nhân dân quận xây dựng năm 2004 về việc giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân và tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, xác định lộ trình cụ thể cho các năm, giai đoạn 2011 – 2015. Ngoài những công trình chào mừng Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Ban đã phối hợp với các đơn vị trong quận tiếp tục giải phóng mặt bằng, tu bổ các công trình di tích trong khu phố cổ, như: giải phóng mặt bằng 33 hộ dân tại 50 Đào Duy Từ, lập dự án xây dựng Trung tâm Giao lưu Văn hóa khu phố cổ; đình Yên Thái; chùa Cầu Đông; đình Kim Ngân; chùa Kim Cổ; quán chùa Huyền Thiên; đình Phả Trúc Lâm; chùa Vĩnh Trù; đình Đông Thành; chùa Vĩnh Trù…

     Có thể khẳng định, trong thời gian qua, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo, quản lý di tích, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong khu phố cổ, đời sống và nhận thức của người dân trong khu phố cổ ngày càng được cải thiện và nâng cao.

     Bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội kết hợp với gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trước hết phải dựa trên các cơ sở khoa học, các nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, xã hội… đồng thời, khi đưa ra những giải pháp cũng cần phải căn cứ trên các nghiên cứu khoa học để phù hợp với quy luật vận động và phát triển của khu vực đô thị, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Với mục tiêu trên, tôi xin mạnh dạn đưa ra một số giải pháp cụ thể sau:

     1. Đẩy mạnh việc tuyền truyền, giới thiệu về các dự án sắp triển khai trong khu phố cổ, khu phố cũ và khu vực hồ Hoàn Kiếm để kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa. Triển khai trang web về di sản văn hóa của quận Hoàn Kiếm.

     2. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, tích cực, chủ động xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.

     3. Phát huy, khơi dậy tinh thần tự nguyện, tính tự quản của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

     4. Chủ động, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các ban, ngành thuộc thành phố, của các cấp ủy Đảng, chính quyền quận trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của khu phố cổ.

     5. Nâng cao năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của chính quyền quận, phường và các ngành chức năng kết hợp với việc phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, sự phối hợp tham gia tuyên truyền, vận động giám sát tổ chức thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội từ quận đến phường trong việc quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và quản lý bảo vệ các di tích.

     6. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trao đổi về kỹ thuật, tài chính phục vụ công tác bảo tồn, trùng tu các công trình di tích, cải tạo cảnh quan và công trình kiến trúc có giá trị. Hợp tác sâu rộng với các đối tác truyền thống Toulouse- Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Ý… và mở rộng hợp tác với các đối tác mới.

     7. Điều tra, khảo sát nắm vững số lượng các di tích, các công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn. Tiếp tục lập hồ sơ khoa học xếp hạng các công trình di tích đủ điều kiện trong khu phố cổ, khu phố cũ và khu vực hồ Hoàn Kiếm.

     8. Xây dựng các cơ chế để huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc khu phố cổ, đặc biệt là cơ chế huy động vốn tham gia đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử, xây dựng, cải tạo nhà ở, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ.

     9. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ am hiểu về chuyên môn, có kinh nghiệm để tiếp thu các công nghệ tiên tiến, ứng dụng hiệu quả vào lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

     Có thể nói, việc bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể đã tạo nên môi trường văn hóa giàu bản sắc, trở thành động lực cho phát triển kinh tế, thu hút du khách đến với quận Hoàn Kiếm và thủ đô Hà Nội, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra./.

Nguồn: Di sản văn hóa, sốS 2 (43) – 2013 – Lý luận chung

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Thực trạng và một vài giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cổ
Hà Nội (Tác giả: THS. KTS. Phạm Tuấn Long)