Thuyền rồng Huế, nhìn từ Mỹ thuật

Tác giả bài viết: Nghiên cứu sinh  ĐỖ XUÂN PHÚ
(Phòng Đào tạo – CTSV)

     Huế, thành phố hiền hoà thơ mộng là một trung tâm văn hoá du lịch của cả nước, nơi có dòng sông Hương với hai dòng chảy chính là Tả Trạch và Hữu Trạch, có núi Ngự Bình trầm tĩnh, có phong thổ yên bình đã tạo nên những cảm hứng cho các thế hệ văn nghệ sỹ sáng tác từ bao đời nay. Huế là Cố đô nơi tập trung nhiều lăng tẩm, cung điện và những công trình kiến trúc nghệ thuật cung đình khác. Cuộc sống thường nhật của chế độ phong kiến với các triều đại vua chúa đã tồn khá dài, triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng nên đã để lại được nhiều giá trị nghệ thuật có tính truyền thống cổ kính trong đó thuyền rồng là một điểm nhấn trên dòng sông ấy.

     Thuyền Rồng triều Nguyễn là một nét đẹp cổ kính, giữ được tính văn hóa thuần tuý của địa phương kết hợp các chất liệu và kỹ thuật đóng thuyền tinh tế và có tính thẩm mỹ, được các nhà nghiên cứu mỹ thuật, văn hoá Huế quan tâm. Trong kỹ thuật đóng tàu thuyền và chất liệu của sơn truyền thống thì các tính chất đó càng sâu đậm hơn và tạo nên diện mạo của mỹ thuật Nguyễn của thời đại bấy giờ.

     Qua công trình nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng cho biết: Từ thời đại kim khí, trên các trống đồng như trống Ngọc Lũ và Đông Sơn có khắc nhiều hoạ tiết đặc trưng về sinh hoạt của con người thời bấy giờ, tâm điểm giữa mặt trống là hình tượng mặt trời, xung quanh là hình chim hạc, hình thuyền và các hoa văn khác.

     Huế, một thành phố của miền Trung về mặt địa lý vị trí nằm eo giữa bản đồ Việt Nam, từ Thanh Hoá đến các vùng cao nguyên Trung bộ. Huế có dòng sông Hương hữu tình thơ mộng nên các vua thời Nguyễn đã cho đóng thuyền chạm khắc hình tượng Rồng và sơn thếp nhằm để thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên và thưởng thức ca Huế trên sông. Ngoài mục đích thưởng ngoạn thuyền rồng còn là phương tiện cho việc cúng tế trời đất, săn bắn của vua thời bấy giờ.

     Thuyền rồng được làm bằng loại gỗ quý và cho trang trí hình tượng rồng được sơn son thếp vàng với ý tưởng để tạo uy quyền, quý phái của thời kỳ trị vì đất nước. Có thể nói nghệ thuật Huế đã có những kế thừa, tiếp thu giá trị nghệ thuật của các thời đại trước và bản thân nó cũng đã phát huy sáng tạo trong nghệ thuật cung đình nói chung và thuyền rồng nói riêng, làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam xưa và nay, vì vậy đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 1993.

     Xác định được thuyền rồng là một điểm xuyết không thể thiếu trên dòng chảy của lịch sử, nó vừa là phương tiện đi lại vào thời Nguyễn đồng thời là tính biểu hiện sự thanh tao quý phái của quý tộc cung đình trên dòng sông vốn dĩ thơ mộng nay còn thơ mộng hơn và tăng thêm tính độc đáo của thuyền rồng.

     Vào giữa thế kỷ thứ XIX nghệ thuật Nguyễn đã phát triển rõ nét từ nghệ thuật cung đình cho đến nghệ thuật trang trí dân gian nói chung trong đó có nghệ thuật du thuyền trên sông nước nói riêng. Thuyền là một phương tiện sử dụng di chuyển và vận chuyển hàng hoá của con người trên sông nước, có nhiều loại thuyền: “Thuyền thúng, thuyền thoi, thuyền mành, thuyền lươn, thuyền đinh, thuyền cóc, thuyền chài, thuyền rồng, thuyền độc mộc, thuyền tam bản …” [6. Tr. 398].

     Từ thời Đông Sơn, người Việt đã biết đóng các loại thuyền và đa dạng về hình dáng cho việc sử dụng làm phương tiện đi lại kiếm sống, thưởng ngoạn và có cả thuyền chiến. Có những chiếc thuyền rất to lớn có sức chuyên chở nặng và có một số thuyền được bọc bằng chất liệu đồng … Những hiện vật mỹ thuật cổ cho chúng ta biết trên các loại trống đồng Đông Sơn thời bấy giờ đã khắc chạm và cách điệu thuyền rất ấn tượng. Vào thời Hậu Lê đã có những con thuyền hạng nặng dài và rộng, thời chúa Trịnh – Nguyễn cũng có những chiếc thuyền chiến lớn.

     Được UNESCO công nhận Huế là di sản văn hoá của thế giới vào năm 1993, ngoài các lăng tẩm ra chính quyền địa phương và nhân dân tích cực tham gia bảo tồn trùng tu các di sản đã được công nhận, trong đó thuyền rồng và loại hình du thuyền trên sông nước với những làn điệu hò ca, múa hát được đưa vào khai thác cho du lịch.

     Tính truyền thống:

     Thuyền rồng của triều Nguyễn giữ được vẻ cổ kính và kế thừa những tinh hoa của các thời đại trước đó, như một số thuyền trên các trống đồng Đông Sơn, “Bản sắc Văn hoá dân tộc là cái cốt lõi cái đặc thù, cái làm nên tính riêng biệt, độc đáo của văn hoá mỗi dân tộc”, bản sắc ấy đã thể hiện rõ nét trên chiếc thuyền rồng thời Nguyễn, đã kế thừa và có chọn lọc ở một góc độ theo phong thổ địa phương và chạm khắc hình rồng, sơn thếp.

     Thuyền rồng là công trình có giá trị thẩm mỹ về tính truyền thống, các nghệ nhân thời Nguyễn đã gởi gắm tâm hồn mình vào trong đó. Ngoài ra còn có ý nghĩa về tâm linh tín ngưỡng cầu trời đất mưa thuận gió hòa và nhằm thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh ven dòng sông nước sau những ngày vất vả, mệt nhọc của việc triều chính.

     Tính tâm linh:

     Yếu tố tâm linh, quyền uy là một phần của sự quyết định ra đời của thuyền rồng triều Nguyễn. Hình tượng rồng là biểu tượng của sự ngự trị và uy nghi của nhà vua trên khắp thiên hạ. Hình rồng trên áo long bào, từ Hoàng cung cho đến trong đời sống sinh hoạt của nhân dân hình tượng rồng có khắp nơi như Rồng trên chiếc thuyền, rồng trên nóc các chùa chiền, đền đài, lăng mộ … Rồng là con vật tượng trưng sự mạnh mẽ đầy quyền lực, rồng là huyền thoại đã đi sâu vào tâm thức linh thiêng của con cháu Lạc Việt. Chính vì vậy nhà nghiên cứu Phan Thuận An khẳng định “…Con Rồng chẳng những là biểu tượng của sự cao quý và quyền lực, mà còn là hình ảnh quen thuộc và gần gũi trong đời sống dân dã… ” [1, Tr. 6]

     Ngoài ra còn thể hiện rất rõ nét qua một số tranh dân gian Làng Sình tại huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế (cách trung tâm thành phố khoảng 8 km về phía Đông). Thời Nguyễn đã sử dụng thuyền Rồng với mục đích dâng hương, tế lễ trời đất cầu nguyện quốc thái dân an mưa thuận gió hoà cho nhân dân thuận lợi trong việc trồng cây lúa nước của nền nông nghiệp người Việt cho nên: “ Đến ngày nay người dân quê Việt Nam vẫn thường coi những hiện tượng của khí tượng như gió lốc cuốn nước biển, là hình ảnh của rồng hút nước gây mưa” [2, tr 51].

     Tính thẩm mỹ trong tạo hình:

     Thuyền rồng được tạo hình một cách duyên dáng, cũng giống như các thuyền khác trên sông nước của đất Việt, điểm nổi bật của nhà Nguyễn đã chú trọng đến tính tạo hình của thuyền rồng hết sức khắt khe, chiếc thuyền thanh thoát uyển chuyển, hai phần của đầu và đuôi thuyền thanh tao.

     Những người thợ có tay nghề điêu luyện tạo ra được những chiếc thuyền rồng có lối bố cục đẹp, hài hoà, cân xứng và có tính quy luật của nó và góp phần quyết định sự hoàn mỹ của chiếc thuyền bằng các hoạ tiết cổ kính đầy tính dân tộc.

     Thuyền rồng trong những bức tranh dân gian tại làng Sình chứng minh tính tạo hình rất chắc khoẻ và đẹp, sự cân đối của thuyền rồng đã nói lên sự ổn định mỗi lúc thuyền di chuyển trên sông.

     Đường nét và màu sắc:

     Đường nét trong các hoạ tiết của chiếc thuyền rồng tạo sự uyển chuyển thanh thoát, từ tạo hình cho đến các motif trang trí từ trên đầu, thân và đuôi của con rồng mang vẻ đẹp độc đáo, tinh tế của dân tộc Việt. Người thợ có năng khiếu về thẩm mỹ với sức tài hoa, trí óc và bàn tay khéo léo đã làm cho các tấm gỗ khúc gỗ vô hồn đã trở thành những chiếc thuyền bề thế và hữu dụng trên dòng sông ngày ấy. Với những đường nét khi lớn (thô), khi nhỏ (thanh) đan xen nhau trên các hoạ tiết của đầu con rồng và một số đường diềm để tạo sự phong phú đa dạng của nét. Khi xem chúng ta nhận thấy đường nét khá phong phú không đơn điệu, thô thiển mà ngược lại rất khúc chiết, tinh tế nhằm tôn nhau lên, tạo sự uyển chuyển nhịp nhàng. Chính đường nét đã quyết định sự thành công của nghệ thuật khắc chạm nghệ thuật cung đình triều Nguyễn nói chung và tạo hình thuyền rồng nói riêng, đặc biệt sự thành công của thuyền rồng là điểm nhấn về sơn son thếp vàng.

     Cuối thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ XX, thuyền rồng thời Nguyễn không còn lưu giữ cho nên một số cư dân ở dưới sông nước (thường hay gọi vạn đò) chưa hiểu hết giá trị thẩm mỹ của nó làm cho thuyền rồng không giữ nguyên tính chân xác của nó, và chính quyền địa phương có lẽ quên lãng loại thuyền này. Để nhằm tôn tạo lại những nét đẹp cổ truyền về văn hoá đậm tính dân tộc của chiếc thuyền trên sông nước thời bấy giờ và giúp cho chiếc thuyền ngày nay mang dáng dấp và vẻ đẹp vốn có của nó, thông qua các hình ảnh của tranh dân gian làng Sình, chúng ta cần hiểu thêm về giá trị thẩm mỹ với lối tạo hình có kiến trúc nhà rường. Hiện nay, trên dòng sông Hương du khách đến thăm Huế với những chiếc thuyền cư trú của cư dân được bao bọc bên ngoài dánh dấp của hình tượng Rồng được làm bằng vật liệu nhôm, tole và sơn công nghiệp đã làm mất đi vẻ cổ kính thuyền rồng xưa trên dòng sông ngày ấy.

     Thực trạng và giải pháp:

     Thời gian năm tháng trôi qua, thật sự lo lắng hơn khi chiếc thuyền rồng khá bề thế đang neo đậu trước bến thuyền Cung Nghinh Đình đối diện cột cờ Huế. Kể từ khi chiếc thuyền được đưa vào sử dụng cho đến nay chưa một lần phục vụ nhân dân địa phương cũng như khách du lịch đến với Huế. Hiện tại thuyền rồng như một chiếc thuyền có xác không hồn, mặc cho thời gian trôi qua để lại công trình ngày mỗi chống chọi với thời tiết khắc nghiệt mưa nắng dãi dầm làm mất đi giá trị thẩm mỹ cũng như chức năng thưởng ngoạn và chưa kể đến giá trị về kinh tế đã đầu tư vào cho nó.

     Trên thực tế, chưa có sử sách nào nghiên cứu sâu thể loại thuyền rồng thời Nguyễn, kể cả một số sách đã viết về lịch sử mỹ thuật mà các tác giả cũng không bàn luận và viết về thuyền rồng thời Nguyễn. Tuy nhiên, theo tài liệu của tranh dân gian làng Sình cho thấy sự hiện hữu của thuyền rồng thời Nguyễn chắc chắn có thật, thuyền rồng có lối kiến trúc nhà rường trên thuyền của sông nước là một phong cách cổ truyền mang đậm tính dân tộc Việt về sơn son thếp vàng độc đáo này. Trong dòng tranh dân gian làng Sình những đường nét và màu sắc của thuyền rồng xưa đã được các nghệ nhân in ra hàng loạt để lưu truyền cho con cháu mai sau đồng thời làm vật lễ dâng cúng hoặc bán cho du khách có nhu cầu thưởng thức văn hoá dân gian của Mỹ thuật Huế.

     Hiện nay các cơ quan quản lý và các cư dân sinh sống (vạn đò) đang kinh doanh loại thuyền này trên sông Hương nhằm phục vụ ca Huế, đã sử dụng chiếc thuyền của mình đang sinh sống thành thuyền rồng làm phương tiện mưu sinh. Họ chưa chú ý đến cấu trúc thuyền cân xứng với các kiến trúc nhà rường cùng với họa tiết đặc biệt sơn son thếp vàng, làm cho nó không còn vẻ đẹp sang trọng tao nhã của một thời. Chúng ta cần phục chế bảo tồn thuyền rồng để cho dòng sông tăng thêm thơ mộng và huyền ảo trong những buổi hoàng hôn trở về dưới ánh trăng tạo vẻ lung linh, sinh động và hấp dẫn cho thuyền Rồng đặc trưng của Huế.

     Hiện nay, ở trên dòng sông Hương có một số thuyền rồng tương đối bề thế so với một số thuyền rồng đã nói trên, thuyền rồng đã được đóng mới hoàn toàn, khá ổn định và bắt mắt, có nhà rường chạm trổ chi tiết bên cạnh hình đầu rồng tạo khối không gian 3 chiều, các hoạ tiết hoa văn đường diềm và hành lang … được giữ lại trên tinh thần các họa tiết hoa lá, vân mây và con rồng trong triều đình. Đây là một mô hình khá tốt giúp cho các chủ thuyền khác quan tâm phát triển để có thuyền rồng có giá trị về thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu làm được yêu cầu chủ thuyền cần tham khảo và phối hợp với những người có chuyên môn để ạo hình cho thuyền rồng có các họa tiết, hoa văn, đường diềm và các dạng ô hộc một số chạm lộng và một số chạm khắc làm phong phú đa dạng hơn, đặc biệt sơn son thếp vàng hay sơn then thuần tuý để tạo sự lộng lẫy, và như là một điểm nhấn trên dòng sông Hương.

Tóm lại

     Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế nên có hướng tích cực trong việc xác lập đề án trùng tu và bảo tồn các di sản trong đó thuyền rồng là một điển hình, góp phần lam nổi bật giá trị văn hoá địa phương, tăng thêm giá trị di sản vật thể phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 1993. Ngày nay, thuyền rồng Huế hiện hữu khá dày đặc trên dòng sông Hương và bằng sự nỗ lực của nhân dân và nhất là dân cư sinh sống trên sông nước (vạn đò) đã khôi phục thuyền rồng bằng chiếc thuyền bản thân gia đình họ đang sinh sống là điều đáng khích lệ và trân trọng. Tuy nhiên, cần hoàn chỉnh về giá trị thẩm mỹ của thuyền rồng bằng cách tham khảo các hình ảnh trong tranh dân gian làng Sình và các nguồn tư liệu khác để lại làm cho thuyền rồng có diện mạo, sắc thái vốn dĩ đã có từ lâu đời.

     Hiện nay đứng trước yêu cầu trùng tu phục chế, bảo tồn giá trị của các công trình kiến trúc, chạm khắc, son thếp và trong đó có thuyền rồng, bản thân nó phản ánh giá trị thẩm mỹ và tính tâm linh bản sắc đã làm tôn lên vẻ đẹp của giá trị nghệ thuật tạo hình thuyền rồng trong dòng chảy Mỹ thuật Huế nói riêng và mỹ thuật Việt Nam nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1]. Phan Thuận An (2000), “Con rồng trong tâm thức người Việt”, Tạp chí sông Hương, số 132 (2).

     [2]. Trần Lâm Biền, Đào Hùng (1975), “Con rồng trong Mỹ thuật Việt Nam”, Tạp chí Mỹ thuật Việt Nam Hà Nội; Số 2, 1975.

     [3]. Phan Thanh Hải (2000), “Rồng trong trang trí mỹ thuật cung đình Nguyễn”, Tạp chí sông Hương, số 132 (2).

     [4]. Nguyễn Phi Hoanh (1967), Lược sử mỹ thuật Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội.

     [5]. Nguyễn Quân -Phan Cẩm Thượng (1989), Mỹ thuật của người Việt, NXB Mỹ thuật Hà Nội.

     [6]. Trần Ngọc Thêm (2004), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

     [7]. Đoàn Minh Tuấn (2000), “Năm rồng, ghi tại bến nhà rồng”, Tạp chí sông Hương, số 132 (2).

Nguồn: Thông tin Mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, số 02/2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Thuyền rồng Huế, nhìn từ Mỹ thuật (Tác giả: NCS. Nguyễn Xuân Phú)