TIẾP CẬN HIỆN ĐẠI trong Phát triển Chương trình GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

A MODERN APPROACH TO HIGHER EDUCATION CURRICULUM DEVELOPMENT

Tác giả bài viết: NGUYỄN DANH NAM
(Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT

     Bài viết trình bày khái niệm chương trình, phát triển chương trình và một số cách tiếp cận trong phát triển chương trình. Tác giả bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp và phương pháp chuyên gia trong thu thập và phân tích dữ liệu. Ưu điểm và hạn chế của mỗi cách tiếp cận được phân tích làm rõ, từ đó đề xuất cách tiếp cận hiện đại trong phát triển chương trình giáo dục đại học. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tiếp cận dựa trên năng lực người học là phù hợp trong phát triển chương trình đáp ứng được yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bài viết cũng trình bày một số đặc trưng cụ thể của tiếp cận hiện đại trong phát triển chương trình, từ đó đưa ra một số định hướng cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng, rà soát, chỉnh sửa và cập nhật chương trình đào tạo.

Từ khóa: Chương trình; Chương trình giáo dục; Phát triển chương trình; Tiếp cận hiện đại; Giáo dục đại học; Đổi mới giáo dục.

ABSTRACT

     The paper presents curriculum concepts, curriculum development and approaches in curriculum development. The author of the paper uses the secondary document research method and the expert method in data collection and analysis. The advantages and limitations of each approach are analyzed and clarified, thereby proposing a modern approach in the development of higher education curricula. The research results show that the competency-based approach is appropriate in developing curricula to meet the requirements of human resource training of the Industrial Revolution 4.0. The paper also presents some specific characteristics of the modern approach to curriculum development, thereby giving some orientations for higher education institutions in developing, reviewing, revising and updating training programs.

Keywords: Curriculum; Educational curriculum; Curriculum development; Modern approach; Higher education; Education renovation.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Nghiên cứu về chương trình giáo dục đã được tiếp cận nhiều năm gần đây theo các lý thuyết phát triển và lý thuyết năng lực, nhưng để triển khai ứng dụng vào xây dựng chương trình đào tạo tại các trường đại học thì còn nhiều khó khăn và thách thức. Hiện nay, vẫn tồn tại quan niệm (ở các cấp quản lý giáo dục) cho rằng: nếu chương trình nào cũng cần phải nghiên cứu và phát triển thì trong trường đại học, phải chi phí quá tốn kém và như vậy là bất hợp lý. Sự băn khoăn trên có hai lý do đó là: sự hiểu biết chưa đầy đủ về khoa học chương trình và thói quen suy nghĩ về chương trình như là một kết quả của công tác quản lý chứ không phải chương trình là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học giáo dục [1], [2]. Vấn đề đặt ra là cách tiếp cận theo phương pháp luận khoa học giáo dục hiện đại, tiếp cận xu hướng giáo dục mới của thời đại; các quan điểm của UNESCO về phát triển giáo dục và quản lý giáo dục cần được nhất quán ở ba khâu cơ bản: Tiếp cận chương trình ở khâu thiết kế; tổ chức quản lý quá trình thực hiện; tổ chức thẩm định đánh giá. Các chương trình giáo dục phải được tiếp cận từ cơ sở khoa học tương ứng và các điều kiện khác (người học, yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp và mục tiêu của cấp học) [3], [4].

     Giáo dục đại học Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua, cụthểnhư: Khung pháp lý phục vụquản lý ngành và đổi mới quản trịcơ sởgiáo dục đã dần được hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho sáng tạo trong quản lý và dạy học; ứng dụng công nghệthông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý được đẩy mạnh; dạy học trực tuyến đã được triển khai trong tất cả các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm duy trì các hoạt động giáo dục cơ bản trong thời gian đại dịch Covid-19; hoạt động khoa học, công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học có nhiều chuyển biến rõ rệt thể hiện qua số công trình khoa học được công bố quốc tế trong danh mục ISI/Scopus ngày càng tăng; nhiều trường đại học của Việt Nam đã được xếp vào top các trường tốt nhất thế giới theo xếp hạng của các tổ chức uy tín. Kết quả thực hiện tự chủ về chuyên môn học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ; bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường đại học cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học; đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục [5].

     Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng tới nội dung, phương pháp sư phạm và quá trình tổ chức và quản lý của giáo dục đại học. Về mặt nội dung, bất kể ngành học nào, giáo dục 4.0 phải đào tạo được những người học tốt nghiệp có khả năng sáng tạo cao và tư duy phản biện. Người học tốt nghiệp phải sáng tạo và có tinh thần doanh nghiệp, có sự linh hoạt trong nhận thức để đối phó với sự phức tạp. Nhiều người trong số họ sẽ hợp tác không chỉ với người, mà cả với người máy. Kỹ năng giao tiếp và hợp tác sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Người học tốt nghiệp phải có kỹ năng tự học để duy trì sự phù hợp trong kỷ nguyên của những thay đổi. Công nghệ 4.0 sẽ yêu cầu nguồn nhân lực có kiến thức đầy đủ về kỹ thuật số và dữ liệu. Sự hội tụ của con người và máy móc trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm khoảng cách giữa các lĩnh vực khoa học và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn sẽ được rút ngắn lại [6], [7]. Về mặt sư phạm, những đổi mới như thiết bị di động, điện toán đám mây, mạng xã hội và dữ liệu lớn đã tạo ra cơ hội để xây dựng một hệ sinh thái học tập cho phép cá nhân hóa việc học tập về mặt thời gian và địa điểm. Người học sẽ có thể thiết kế các lộ trình học tập của riêng mình dựa trên các mục tiêu cá nhân [7]. Do mức độ phức tạp ngày càng tăng nên việc giảng dạy các kiến thức sâu sẽ rất quan trọng. Điều này chỉ có thể đạt được cùng với việc tăng cường sử dụng dạy học kết hợp, dạy học theo dự án, dạy học dựa vào kịch bản và dạy học theo hướng thực hành, trải nghiệm [8], [9]. Về mặt tổ chức và quản lý chung, một số chuyên gia cho rằng các chương trình đào tạo đại học cần nén lại, bổ sung thêm thực hành và các nghiên cứu chuyên sâu. Một số chuyên gia khác thậm chí còn cho rằng các chương trình đại học cố định như hiện nay có thể không hiệu quả[10]. Do đó, các trường đại học sẽ cần phải sử dụng cách tiếp cận hiện đại trong phát triển chương trình để cấu trúc lại các chương trình đào tạo trong tương lai, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực sốphục vụsựphát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

2. Phương pháp nghiên cứu

     Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp và phương pháp chuyên gia. Những vấn đề tổng quan trong bài viết được phân tích qua quá trình tổng hợp các kết quả nghiên cứu về chương trình, phát triển chương trình giáo dục ởtrong và ngoài nước. Các tài liệu thứ cấp được lựa chọn, phân loại và hệ thống hóa liên quan đến từng chủ đề nghiên cứu như khái niệm chương trình và phát triển chương trình, các cách tiếp cận trong phát triển chương trình, các mô hình phát triển chương trình, quy trình phát triển chương trình. Bài viết có sử dụng các kết quả từ các báo cáo nghiên cứu của Dự án Phát triển giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng ở Việt Nam giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn lan tỏa kết quả thực hiện của Dự án ởmột số trường đại học trong cả nước. Phương pháp phỏng vấn sâu cũng được tác giả bài viết thực hiện đối với một số chuyên gia giáo dục từ các trường đại học trong cả nước trong thời gian tác giả tham gia tập huấn cho giảng viên các trường đại học về phát triển chương trình đào tạo giáo viên. Ngoài ra, tác giả bài viết đã thực hiện phỏng vấn trực tiếp một số chuyên gia giáo dục của một số nước trong khu vực Đông Nam Á khi tham dự khóa học về “Phát triển chương trình dựa trên năng lực” được tổ chức tại Thủ đô Bangkok Thái Lan năm 2022. Một số đề xuất trong bài viết được các chuyên gia đồng thuận và khẳng định vềtính hiệu quả trong phát triển chương trình giáo dục đại học.

3. Kết quả nghiên cứu

     3.1. Khái niệm chương trình và phát triển chương trình

     Từ “Chương trình” có nghĩa gốc xuất phát từ thời La Mã cổ đại là “con đường mòn”. Cho đến nay, khái niệm chương trình (hay chương trình giáo dục, chương trình đào tạo) khi sử dụng trong giáo dục đại học có thể hiểu theo nhiều cách sau: Chương trình là những gì được giảng dạy trong nhà trường; chương trình là một tập hợp các môn học; chương trình là một khóa học; chương trình là chuỗi các kinh nghiệm mà người học đã trải qua trong nhà trường; chương trình là những gì mà từng cá nhân người học thu nhận được do kết quả của việc học tập ở nhà trường [2]. Hilda Taba (1962) định nghĩa chương trình học là một bản kế hoạch học tập và gồm bốn yếu tố của chương trình, đó là: tuyên bố mục đích và mục tiêu cụ thể; lựa chọn và cấu trúc nội dung chương trình; các chiến lược giảng dạy, cách học phù hợp; và hệ thống đánh giá kết quả học tập [2], [9]. White (1995) cũng cho rằng chương trình là một kế hoạch giáo dục phản ánh các mục tiêu giáo dục mà nhà trường theo đuổi. Bản kế hoạch này thể hiện nội dung và phương pháp dạy học cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra. Tim Wentling (1993) định nghĩa: “Chương trình là bản thiết kế tổng thể cho một hoạt động giáo dục. Bản thiết kế tổng thể này cho ta biết nội dung cần giáo dục, chỉ rõ những gì có thể kỳ vọng ở người học, phác hoạ quy trình thực hiện nội dung giáo dục, chỉrõ các phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra -đánh giá kết quả học tập, và toàn bộ các vấn đề của bản thiết kế này được sắp xếp theo một thời gian biểu chặt chẽ” [9], [10]. Raph Tyler (1950) cũng cho rằng chương trình phải bao gồm bốn yếu tố cơ bản sau: mục tiêu giáo dục; nội dung giáo dục; phương pháp hay quy trình giáo dục; và đánh giá kết quả giáo dục [11].

     Như vậy, có nhiều quan điểm, định nghĩa khác nhau về chương trình, tuy nhiên tác giả bài viết đồng thuận với quan niệm của Raph Tyler về chương trình giáo dục như sau: “Chương trình giáo dục là bản thiết kế tổng thể được trình bày một cách có hệ thống cho một hoạt động giáo dục của một môn học trong một khoảng thời gian xác định, và thể hiện bốn yếu tố sau: mục tiêu giáo dục thể hiện rõ kết quả học tập; nội dung cần giáo dục và thời lượng của chương trình; quy trình và các phương pháp triển khai thực hiện nội dung giáo dục đã được quy định trong chương trình để đạt được mục tiêu giáo dục; và phương thức kiểm tra -đánh giá kết quả giáo dục; ngoài ra cần có hướng dẫn thực hiện chương trình”. Do đó, có thể nói rằng chương trình là một khái niệm động, quan niệm về chương trình giáo dục được phát triển, mở rộng theo trình độ phát triển kinh tế-xã hội, của khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Vì thế, chương trình giáo dục cũng phải phát triển, cập nhật không ngừng để thực hiện được chức năng của mình [2], [9], [11].

     Phát triển chương trình giáo dục là quá trình điều chỉnh, bổ sung, cập nhật, làm mới toàn bộ hoặc một số thành tố của chương trình giáo dục, bảo đảm khả năng phát triển và ổn định tương đối của chương trình giáo dục đã có, nhằm triển khai chương trình theo mục tiêu giáo dục đặt ra đạt được hiệu quả tốt nhất, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu phát triển của xã hội và phát triển của cá nhân người học. Phát triển chương trình bao gồm xây dựng mới chương trình, rà soát, chỉnh sửa, cập nhật và đánh giá chương trình [2], [3]. Khái niệm này được sử dụng còn khá mới mẻ đối với Việt Nam và do đó vẫn có một số chuyên gia giáo dục còn hoài nghi về khái niệm “phát triển chương trình” bởi vì họcho rằng chương trình cần có tính ổn định lâu dài (con đường mòn). Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ 4.0, chương trình phải liên tục được cập nhật, phát triển để đáp ứng được yêu cầu chất lượng của nguồn nhân lực số. Việc phát triển chương trình giáo dục có liên quan trực tiếp đến các nhân tố như: công nghệ số, Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, người máy, công nghệin 3D, công nghệ nano, công nghệ vật liệu và cảm biến, năng lượng, công nghệ sinh học và/ hoặc tích hợp của các công nghệ trên; kinh tế số, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa,… [5], [12].

     3.2. Cách tiếp cận trong phát triển chương trình

     Các trường đại học ởViệt Nam có khuynh hướng sửdụng một cách tiếp cận nhất định đối với chương trình đào tạo của mình, nhưng rất khó tìm thấy chỉ một cách tiếp cận duy nhất. Thông thường, trong một chương trình đào tạo, bên cạnh một cách tiếp cận chủ đạo, có thể nhận ra những khía cạnh của các cách tiếp cận khác. Lịch sử phát triển giáo dục phản ánh có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong phát triển chương trình đào tạo như: tiếp cận nội dung, tiếp cận mục tiêu, tiếp cận phát triển và tiếp cận dựa vào năng lực.

     3.2.1. Tiếp cận nội dung

     Tiếp cận nội dung quan niệm giáo dụclà một quá trình truyền thụ nội dung kiến thức. Vì thế, mục tiêu của chương trình là truyền thụnội dung kiến thức cho người học. Do đó, chương trình môn học là bản trình bày nội dung môn học, dựa theo đó người dạy sẽ biết họ phải dạy cái gì, người học cần biết mình phải học cái gì, tiếp nhận nội dung kiến thức gì. Phát triển chương trình dựa trên tiếp cận này có mục đích trả lời câu hỏi “Người dạy truyền thụ kiến thức gì cho người học?”. Chương trình môn học giống như mục lục của một cuốn sách hay giáo trình đểdạy môn học đó, hầu như không đề cập đến chiến lược, phương pháp dạy học. Vì vậy, người dạy cần phải tìm các phương pháp phù hợp để truyền đạt được nội dung kiến thức một cách nhiều nhất, từ đó đẩy người học vào thế thụ động trong việc tiếp nhận kiến thức. Đây là cách tiếp cận truyền thống trong việc phát triển chương trình. Cách tiếp cận này gây khó khăn trong việc đánh giá kết quảhọc tập của người học, đặc biệt trong bối cảnh tri thức khoa học công nghệ ở các lĩnh vực phát triển rất nhanh [2], [10]. Do vậy, cách tiếp cận này ở trên thế giới đã không còn được áp dụng. Ngoài ra, cách tiếp cận này còn một số hạn chế như: khó xác định được mục tiêu cụ thể của chương trình, do vậy cũng khó có thể xác định được chuẩn để thực hiện kiểm tra -đánh giá kết quả dạy -học; khó đánh giá mức độ hoàn thành chương trình dạy của giảng viên; không khuyến khích được người dạy có trách nhiệm với người học; người học luôn bị động và phụ thuộc vào người dạy trong suốt quá trình lĩnh hội kiến thức.

     3.2.2. Tiếp cận mục tiêu

     Phát triển chương trình theo tiếp cận mục tiêu trước hết phải xác định được mục đích, mục tiêu giáo dục của chương trình rõ ràng, tường minh và chi tiết cả về nội dung kiến thức, kỹ năng, năng lực của người học, phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Theo cách tiếp cận này, nội dung kiến thức, kỹ năng vẫn được chú trọng, tuy nhiên chỉ những loại kiến thức, kỹ năng nhằm giúp người học đạt được những mục tiêu giáo dục đã đặt ra. Dựa trên mục tiêu đã được xác định, chuyên gia phát triển chương trình đưa ra quyết định trong việc lựa chọn nội dung kiến thức, phương pháp, chiến lược dạy học và hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp. Mục tiêu giáo dục chính là cơ sở lựa chọn nội dung dạy học và là tiêu chuẩn để đánh giá xem việc học tập có đạt được mục tiêu đề ra trong chương trình hay không. Mục tiêu giáo dục được hiểu là mục tiêu đầu ra thể hiện ở sự thay đổi về năng lực hành động, về hành vi của người học qua quá trình giáo dục [2], [13]. Như vậy, cách tiếp cận này chú trọng đến sản phẩm của giáo dục. Cách tiếp cận này có ưu điểm là thuận lợi trong đánh giá hiệu quả và chất lượng chương trình giáo dục. Tuy nhiên, giáo dục không chỉ là quá trình truyền thụ kiến thức, không chỉ là việc rèn luyện người học theo những mục tiêu xác định mà giáo dục còn là quá trình phát triển con người, giúp phát huy tối đa kinh nghiệm, tiềm năng sẵn có của người học, từ đó giúp họ tự hoàn thiện, tự khẳng định mình và sẵn sàng thích nghi với cuộc sống luôn biến động. Do đó, cách tiếp cận này có hạn chế là người học có khả năng trở nên máy móc, giáo điều và thiếu tính sáng tạo, đặc biệt là khả năng tiềm ẩn của cá nhân người học không được quan tâm phát huy, nhu cầu và sở thích riêng của họ cũng khó có thể được đáp ứng. Nói cách khác, phát triển chương trình theo tiếp cận mục tiêu còn mang tính cứng nhắc, khuôn mẫu, đồng nhất trong quá trình đào tạo, chưa chú ý đến sự đa dạng, khác biệt của nhân tố người học, môi trường và xã hội trong quá trình giáo dục.

     3.2.3. Tiếp cận phát triển

     Tiếp cận phát triển chú trọng đến khả năng phát triển sự hiểu biết ở người học hơn là truyền thụ nội dung kiến thức đã được xác định trước hay tạo nên sự thay đổi nào đó về hành vi của người học. Với quan điểm giáo dục là một quá trình, mức độ làm chủ bản thân tiềm ẩn ở mỗi người sẽ được phát triển một cách tối đa và giáo dục là nghệ thuật sử dụng kiến thức hơn là truyền đạt những “ý tưởng trơ trọi” [2], [11]. Con người không thể học tất cả những gì cần trong cuộc đời chỉ qua quá trình đào tạo ở nhà trường.Vì vậy, chương trình đào tạo phải được xây dựng sao cho tạo ra được những sản phẩm có thể đương đầu với những đòi hỏi của nghề nghiệp không ngừng thay đổi, với một thế giới không ngừng biến động. Do đó, chương trình đào tạo phải là một quá trình giúp người học phát triển tối đa các tố chất sẵn có nhằm đáp ứng được mục đích đào tạo và sản phẩm của quá trình đào tạo phải đa dạng chứ không gò bó theo một khuôn mẫu đã định sẵn. Cách tiếp cận phát triển chú trọng việc dạy người học cách học hơn là nội dung kiến thức. Vì quan niệm giáo dục là một sự phát triển, chuyên gia phát triển chương trình chú trọng nhiều đến khía cạnh nhân văn của chương trình. Cách tiếp cận này chú trọng đến lợi ích, nhu cầu của từng cá nhân người học, chú trọng đến những giá trịmà chương trình đem lại cho từng người học. Chương trình đào tạo theo tiếp cận phát triển xem cá nhân người học như một thực thể chủ động, độc lập suy nghĩ và quá trình đào tạo giúp người học phát triển được tính tự chủ, khả năng sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề[14]. Để có thể tự chủ, người học phải phát triển sự hiểu biết của mình cả về bề rộng lẫn chiều sâu, biết nhìn nhận thế giới một cách sáng tạo và cần có khả năng tự bổ khuyết tri thức của mình. Chương trình đào tạo chỉthực sựcó tính giáo dục nếu nội dung của nó bao gồm những cái mà người học quý trọng và thông qua việc kiên trì theo đuổi điều đó, người học phát triển được sự hiểu biết và mọi năng lực tiềm ẩn của mình [1], [2].

     3.2.4. Tiếp cận dựa vào năng lực

     Chương trình giáo dục tiếp cận dựa vào năng lực là tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Đây là cách tiếp cận trảlời rõ hai câu hỏi “Người học sẽ làm được gì?” và “Làm thế nào để người học làm được điều đó?”. Cách tiếp cận này đòi hỏi người học có kiến thức, kỹ năng cơ bản và khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực hành, giải quyết các tình huống trong thực tiễn. Kết quả hoạt động của người học phụ thuộc nhiều vào hứng thú, niềm tin, đạo đức,… của người học nên chương trình chú trọng đến mục tiêu phát triển những phẩm chất chủ yếu và những năng lực chung mà người học phải cần có, phát triển khả năng vốn có của bản thân để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo [3], [4], [15]. Phát triển chương trình theo tiếp cận dựa vào năng lực có một số đặc điểm sau: 

     – Về mục tiêu và chuẩn đầu ra: Chương trình thể hiện rõ yêu cầu định hướng phát triển năng lực người học. Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình phải cụ thể hóa được những năng lực mà người học cần đạt được, trong đó chú ý đến những năng lực số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.

     –Về nội dung chương trình: Chương trình có cấu trúc đa tầng, đa dạng. Quan điểm tích hợp được chú trọng trong cấu trúc chương trình. Chương trình không chỉ thuần túy bao gồm các môn học, học phần tương ứng mà được tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực, nội dung kiến thức rộng và gắn với những tình huống trong thực tiễn. Chương trình có tính phân hóa hướng đến cá nhân người học, bao gồm cả nội dung bắt buộc và tự chọn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, sở trường và sở thích cá nhân; tạo điều kiện thuận lợi để người học có thể học tập theo nhịp độ phù hợp với bản thân; quan tâm đến sự đa dạng của các địa phương, khu vực; cho phép có sự lựa chọn nội dung, cách thức thực hiện chương trình một cách mềm dẻo, linh hoạt. Nội dung phải thường xuyên được phát triển, cập nhật, bổ sung theo yêu cầu thực tiễn của xã hội và có ứng dụng công nghệ trong phát triển nội dung của chương trình.

     – Về phương pháp dạy học: Chương trình chú trọng sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, giúp người học thực hành vận dụng các kiến thức, kỹ năng vào các tình huống thực tiễn, các tình huống có tính phức hợp, tìm tòi, khám phá, nghiên cứu, thực hiện các dựán học tập. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, trong đó tập trung phát triển mô hình đào tạo kết hợp (trực tiếp và trực tuyến) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tổ chức dạy học.

     – Về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập: Chương trình chú ý đến các thành tố của năng lực như: kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị (năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm). Đặc biệt, chương trình không chỉ nhấn mạnh đến các kiến thức, kỹ năng riêng lẻ ở từng môn học, học phần mà còn quan tâm đến việc người học thể hiện năng lực trong các tình huống có tính phức hợp và tình huống trong thực tiễn. Như vậy, quá trình đánh giá cần tập trung vào đánh giá năng lực người học ở các cấp độ khác nhau thông qua các hoạt động thực hành, thực tập và giải quyết các vấn đề thực tiễn ở doanh nghiệp.

     Trước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mục tiêu đào tạo của giáo dục đại học đang thay đổi theo hướng thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo ởngười học, dạy cho người học biết phát triển tiềm năng cá nhân và biết sáng tạo tập thể. Hơn nữa, sứ mệnh của giáo dục đại học có sự chuyển đổi đó là cần phải chuẩn bị lực lượng lao động có khả năng di chuyển dễ dàng hơn giữa các ngành nghề, giữa các lĩnh vực hoạt động và giữa các nền văn hóa khác nhau, chứ không phải đào tạo họ cho một ngành nghề cụ thể, ở một thời gian và trong không gian cụ thể. Vì vậy, chương trình đào tạo cần tập trung vào hình thành, phát triển cho người học các năng lực chung và các năng lực chuyên biệt thuộc các lĩnh vực chuyên ngành.

     3.3. Tiếp cận hiện đại trong phát triển chương trình

     Để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tếtri thức, giáo dục đại học cần hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo đáp ứng yêu cầu thay đổi thường xuyên cơ cấu ngành nghề của thị trường lao động. Mô hình giáo dục truyền thống thay đổi chuyển sang mô hình học tập thường xuyên, học tập suốt đời và hình thành xã hội học tập [16]. Do đó, hệ thống giáo dục đại học cần phải thay đổi, trong đó chương trình giáo dục cần đề cập đến các vấn đề sau: (i) Học tập suốt đời nhằm vào mục tiêu hoàn thiện nhân cách, nâng cao năng lực tham gia cộng đồng, thực hiện đặc quyền xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất hoặc mở rộng triển vọng được tuyển dụng của người học. Học tập suốt đời là yêu cầu khách quan phải tổchức một nền giáo dục mở, thực học; chuyển từ học một lần sang học suốt đời, không chỉ học ở trong nhà trường mà học ở mọi nơi, mọi lúc; (ii) Xã hội học tập là một môi trường học tập tạo cho mọi người có khả năng cạnh tranh kinh tế, một thị trường tạo cơ hội học tập cập nhật kỹ năng và trình độ của từng người với tư cách là người lao động. Việc học tập suốt đời sẽ gắn liền với xây dựng xã hội học tập. Việc đào tạo lại rất cần thiết vì không thể đào tạo một lần cho cả cuộc đời. Học liên tục, học ở trường, học ở ngoài trường, học ở nơi làm việc, học trong cuộc sống xã hội; (iii) Giáo dục vì sự phát triển bền vững: Giáo dục vì sự phát triển bền vững hướng tới các kiến thức, kỹ năng, giá trịvà năng lực hành động để thực hiện các mục tiêu quốc gia theo các “trụcột” của phát triển bền vững, đó là: kinh tế, văn hoá -xã hội và môi trường; (iv) Giáo dục 4.0: Phục vụ cho nền kinh tế sáng tạo. Giáo dục 4.0 sẽ được đánh dấu bởi thay đổi lớn trong mục tiêu đào tạo, chuyển từtruyền thụ kiến thức cho số đông qua khai lực (khai phóng tiềm lực, năng lực, và động lực) đồng thời trao quyền sáng tạo cho từng cá nhân. Trong khi việc cá nhân hóa đào tạo ngày càng nâng cao thì sứmệnh của đào tạo vượt khỏi ranh giới.

     Các nghiên cứu gần đây cũng đã chỉra một số xu hướng chuyển đổi số ở các trường đại học lớn trên thế giới cũng như hiệu quả mà chuyển đổi số có thể mang lại bao gồm: (1) Mở rộng đối tượng người học, gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng cách kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp; giảm chi phí nhưng tăng chất lượng đào tạo; (2) Thu thập và phân tích dữliệu lớn của người học để tìm ra những yếu tốảnh hưởng đến kết quả học tập, từđó có những điều chỉnh về chính sách, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người học cũng như của xã hội; (3) Sử dụng mạng lưới kết nối trực tiếp/trực tuyến với doanh nghiệp/nhà tuyển dụng để đào tạo các kỹ năng, kiến thức cần thiết, giúp người học có thể làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp; (4) Ứng dụng thực tế ảo tăng cường nhằm tạo môi trường học tập có tương tác, nâng cao trải nghiệm trong quá trình học cho người học; (5) Ứng dụng trí tuệnhân tạo để cá nhân hóa quá trình học, hỗ trợ nâng cao hiệu quả của hoạt động giảng dạy, công tác quản lý, giáo vụ,… [7], [8], [17]. Do vậy, các trường đại học cần nắm bắt cơ hội để tích hợp các công nghệ số và cung cấp các trải nghiệm học tập linh hoạt, cá nhân hóa có chất lượng cho các đối tượng người học đa dạng, đặc biệt các học phần nhỏcó thể sử dụng được khi tham gia các chương trình đào tạo cấp bằng. Trong bối cảnh người lao động có xu hướng trởnên linh hoạt hơn thì việc nắm bắt nhu cầu và giúp người học đạt được các yêu cầu cần thiết của công việc đòi hỏi các cơ sở đào tạo có những con đường học tập linh hoạt hơn, sát với bối cảnh của cá nhân người học.

     Phát triển chương trình đào tạo được thực hiện theo nhiều cách tiếp cận tuỳthuộc vào trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Với các nước phát triển, chương trình đào tạo được phát triển dựa trên khung trình độ quốc gia, trong đó xác định rõ phẩm chất và năng lực của người học có được sau khi kết thúc khoá học. Trong khuôn khổ bài viết này, tiếp cận hiện đại trong phát triển chương trình là tiếp cận dựa vào năng lực, trong đó năng lực của người học được xác định bởi hồ sơ nghề nghiệp và năng lực của người lao động. Chương trình đào tạo được phát triển theo tiếp cận hiện đại phải đáp ứng được nhu cầu của của thịtrường lao động và có thể định hướng thị trường lao động trong tương lai. Vì vậy, chương trình đào tạo phải được phát triển dựa trên khảo sát thịtrường lao động, đánh giánhu cầu đào tạo, thiết lập hồ sơ nghề nghiệp và hồ sơ năng lực của người lao động [15]. Chương trình đào tạo phải có sự tham gia của các bên liên quan, trong đó có các hiệp hội nghề nghiệp, đại diện doanh nghiệp, các chuyên gia thuộc lĩnh vực đào tạo và cựu người học. Ngoài ra, chương trình đào tạo phải được so sánh, đối chiếu chương trình đào tạo của các trường đại học được xếp hạng cao theo các bảng xếp hạng quốc tế uy tín. Ngoài ra, theo tiếp cận hiện đại, chương trình đào tạo phải phản ánh cách tiếp cận tích hợp, trong đó kiến thức lý thuyết kết hợp với thực hành và đào tạo các kỹ năng mềm, tập trung vào thực hành nghề nghiệp của người học. Với hệ thống các môn học được xác định một cách khoa học, có kế thừa và phát triển là quá trình sư phạm chuyển đổi hồ sơ năng lực thành các hoạt động sư phạm chứa đựng các hoạt động dạy và học trợ giúp người học đạt được các mục tiêu học tập. Đặc biệt, mỗi chương trình đào tạo cần gắn chặt với các nhóm nghiên cứu mạnh để thúc đẩy môi trường nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo.

     Nguyên lý cơ bản của chương trình giáo dục được phát triển theo tiếp cận hiện đại là chú trọng đào tạo người học đồng thời ba khía cạnh: (i) cung cấp kiến thức; (ii) phát triển năng lực nghề nghiệp; (iii) rèn luyện thái độđối với nghề nghiệp. Do đó, chương trình đào tạo tiếp cận hiện đại có các đặc trưng cụ thể sau:

     – Chương trình đào tạo mở, linh hoạt và dựa vào năng lực: Để chuẩn bị cho người học sau khi tốt nghiệp có khả năng đảm nhận ở các vị trí công việc liên quan tới ngành được đào tạo một cách thành công, bước đầu tiên trong quá trình đào tạo là phân tích nhu cầu của thịtrường lao động. Hồ sơ nghề nghiệp được xây dựng dựa trên kết quả điều tra thị trường lao động và phân tích xu hướng của thịtrường lao động, sau đó được chuyển thành hồ sơ năng lực thể hiện các phẩm chất nghề nghiệp cốt yếu mà các nhà tuyển dụng mong muốn người học đạt được sau khi tốt nghiệp. Chương trình đào tạo phải được thường xuyên cập nhật, điều chỉnh và bổsung theo yêu cầu của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học hiện nay.

     – Xác định rõ ràng phẩm chất và năng lực nghề nghiệp của người học: Trong bối cảnh toàn cầu hoá và sựbiến động trong phát triển kinh tếđang diễn ra mạnh mẽ, người học cần được trang bị những phẩm chất nghề nghiệp cần thiết để hoàn thành các nhiệm vụ và trách nhiệm được giao. Các phẩm chất và năng lực nghề nghiệp bao gồm: (1) Nghề nghiệp có tính thích ứng và phổ rộng; (2) Có tính liên ngành nghĩa là người học có khả năng tích hợp kiến thức, kỹ năng và thái độ để hoàn thành tốt công việc chuyên môn. Bên cạnh đó, người học còn được trang bị các kỹ năng “mềm” để có thể xử lý các tình huống phức tạp trong công việc; (3) Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, đó là khảnăng triển khai các nghiên cứu ứng dụng trong phạm vi chuyên môn; (4) Chuyển giao công nghệ và khả năng giải quyết vấn đề nghĩa là ứng dụng kiến thức và kỹ năng trong các tình huống nghề nghiệp khác nhau; (5) Tính sáng tạo và phức tạp trong hành động thể hiện ở phương pháp học tập thông qua làm đề án, giúp người học có khả năng sử dụng các chiến lược giải quyết vấn đề khác nhau trong các tình huống nghề nghiệp khác nhau; (6) Giải quyết vấn đề là một phương pháp giảng dạy chủyếu áp dụng để đào tạo người học -những người có khả năng xác định và phân tích các vấn đề phức tạp trong tình huống nghề nghiệp; (7) Đào tạo các kỹ năng mềm như kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp xã hội, thể hiện năng lực tiên phong trong lĩnh vực chuyên môn; (8) Có khả năng tự thể hiện tư duy và hành động, làm việc một cách có tổ chức; (9) Có tinh thần trách nhiệm với xã hội và sẵn sàng thay đổi khi cần thiết; (10) Có khả năng học tập suốt đời, luôn biết cách cập nhật và mở rộng hiểu biết vì sự tiến bộ của bản thân và của nhân loại [15].-

     Sự tham gia của thị trường lao động vào quá trình đào tạo: Để giúp người học tích luỹ được những phẩm chất nghề nghiệp, các trường đại học cần hợp tác chặt chẽ và thường xuyên với thế giới nghề nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Ngoài việc tham gia phát triển chương trình đào tạo, thế giới nghề nghiệp còn tham gia vào quá trình đào tạo thông qua các hoạt động như tài trợ kinh phí, thu nhận người học thực tập tại cơ sở, tham gia thỉnh giảng, hướng dẫn người học thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp, tham gia đánh giá kết quả học tập của người học, giới thiệu việc làm cho người học, áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn,… Để tuyển dụng được những người có năng lực phù hợp, sự tham gia của thế giới nghề nghiệp vào quá trình đào tạo mang lại cho thế giới nghề nghiệp những lợi ích thiết thực. Đó chính là động lực để thế giới nghề nghiệp hợp tác lâu dài với các trường đại học [15].

     – Phương pháp học dựa vào năng lực: Phương pháp học dựa vào năng lực là một phương pháp học tập trung vào những gì người học có thể làm được sau khi được đào tạo. Phương pháp học này đặt trọng tâm cụ thể vào việc phát triển năng lực trong quá trình học tập bằng cách kết hợp tình huống phát triển năng lực vào trong các bài tập lớn. Phương pháp học dựa vào năng lực có ba thành phần cơ bản: kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp. Trong chương trình đào tạo, một tập hợp các năng lực cốt lõi (gọi là “hồ sơ năng lực”) được xác định trong quá trình thiết kế chương trình đào tạo dựa trên các tình huống nghề nghiệp. Những năng lực cốt lõi thường liên quan đến một số tình huống nghề nghiệp khác nhau. Điều này cho phép người học có thể thích ứng và chuyển giao kiến thức từ tình huống này sang tình huống khác. Một chương trình đào tạo thường có từ 8 đến 10 năng lực cốt lõi phụ thuộc vào các yêu cầu nghiệp vụ nghề nghiệp. Các năng lực cốt lõi cho một chương trình đào tạo bao gồm: năng lực chuyên môn, năng lực “mềm” và năng lực số. Trong hồ sơ năng lực, từng năng lực được chia theo các cấp độ từ đơn giản đến phức tạp với tình huống nghề nghiệp cụ thể ở mỗi cấp độ.

     – Kết hợp các phương pháp sư phạm: Phương pháp sư phạm là một chiến lược cụ thể của quá trình giáo dục được sử dụng để đạt được các mục tiêu giáo dục đề ra. Phương pháp dạy học là một trong những thành phần cơ bản của giáo dục vì nó là cơ sở để tổ chức quá trình dạy học. Theo quan niệm truyền thống, học tập chủyếu được xác định bởi ba thành phần: người dạy, người học và nội dung học tập. Những thành phần này được gọi là “tam giác sư phạm” truyền thống. Phát triển chương trình theo tiếp cận hiện đại, “tam giác” này được cập nhật thêm đó là giảng viên sẽ trở thành người hướng dẫn hay người huấn luyện, người học khi đó trở thành người học, và nội dung được thay thế bằng các năng lực. Chuyển giao kiến thức được mở rộng nhờ áp dụng một loạt các phương pháp khác nhau: thuyết trình, bài tập lớn, hội thảo, thảo luận nhóm, bài tập thuyết trình, thí nghiệm trong phòng/thực hành ngoài hiện trường,… Ở các nội dung thực hành, một sốcác phương pháp được áp dụng như giải quyết vấn đề, thực hành theo công việc, viết báo cáo, thuyết trình, giám sát và tư vấn, tựhọc,… Các hoạt động học tập được tổchức trong các môi trường và bối cảnh khác nhau (như trong lớp học, phòng thí nghiệm, ngoài thực địa, tại các cơ sở sử dụng lao động,…) để giúp người học trải nghiệm các tình huống nghề nghiệp thực tế và thực hành kỹ năng.

     – Đánh giá kết quảhọc tập của người học dựa vào năng lực: Học tập dựa vào năng lực đòi hỏi đánh giá phải dựa vào năng lực. Đó là lượng kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp mà người học cần tích luỹ đủ với số lượng tín chỉ theo yêu cầu. Đa dạng hóa các phương pháp đánh giá đểthu thập các minh chứng thể hiện quá trình phát triển năng lực và kết quả cuối cùng mà người học đạt được. Người đánh giá cũng có thể là chuyên gia từ thị trường lao động, người học (phương pháp đánh giá chéo) phụ thuộc vào phương pháp giảng dạy được áp dụng. Sự tham gia của thế giới nghề nghiệp vào việc đánh giá kết quả học tập của người học là rất quan trọng trong việc đào tạo kỹ năng (đồ án, thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp, nghiên cứu ứng dụng,…).Ngoài ra, chương trình đào tạo theo tiếp cận hiện đại phải mang tính tích hợp, có tính bền vững, có tính cạnh tranh với chương trình của các trường đại học có xếp hạng cao của thế giới, gắn với các nhóm nghiên cứu hoặc nhóm nghiên cứu mạnh để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, kiến tạo môi trường học thuật đổi mới và sáng tạo. Đặc biệt, chương trình đào tạo phải thể hiện được triết lý đào tạo thông qua nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để vươn tới đỉnh cao tri thức; từ đó thúc đẩy đào tạo trình độ cao và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

4. Kết luận

     Bối cảnh quốc tế mang lại thời cơ và thách thức cho giáo dục đại học. Các trường đại học được tiếp cận với nguồn tri thức mới, với những mô hình đào tạo tiên tiến, đồng thời tranh thủ được nguồn lực của các nước để phát triển giáo dục; cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục, tiến tới một nền giáo dục điện tử đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân người học. Hơn nữa, hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ có thể dẫn đến nguy cơ dư thừa nhân lực có trình độ, kỹ năng thấp và lại thiếu hụt lao động có chất lượng, dẫn tới tăng nhập khẩu lao động có chất lượng từ các nước trong khu vực. Điều này tạo ra thách thức lớn giữa yêu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong nước trong khi nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học chưa nhiều. Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học đó là đổi mới chương trình đào tạo. Bài viết đã phân tích các cách tiếp cận phát triển chương trình và đề xuất quan điểm tiếp cận hiện đại trong phát triển chương trình, đó là tiếp cận dựa vào năng lực người học. Các đặc trưng cơ bản của tiếp cận hiện đại giúp các trường đại học xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo đáp ứng được yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thịtrường lao động. Ngoài ra, giáo dục đại học còn đóng vai trò là “hệ thống nuôi dưỡng” của mọi lĩnh vực trong đời sống, là nguồn cung cấp nhân lực tối cần thiết để phục vụ các công tác quản lý, quy hoạch, thiết kế, giảng dạy và nghiên cứu. Một quốc gia muốn phát triển về khoa học công nghệ và tăng trưởng về kinh tế thì nhất thiết phải có cả hai yếu tố: một hệ thống giáo dục đại học và một lực lượng lao động. Do đó, tiếp cận hiện đại trong phát triển chương trình đào tạo giúp các trường đại học tạo ra các cơ hội cho người học học tập suốt đời, cho phép trường đại học cập nhật các kiến thức và kỹ năng một cách thường xuyên vào các chương trình đào tạo của mình, đáp ứng nhu cầu học tập luôn thay đổi của xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO/ REFERENCES

     [1] H. C. Nguyen, The basics of the curriculum and the education process.Education Publishing House, 2005.

     [2] H. Q. Pham, Developing teacher education programs: Theoretical and practical issues. Thai Nguyen University Publishing House, 2013.

     [3] H. Q. Pham, “The process of developing a new teacher training program,” Journal of Education, vol.341, no. 1, pp.1-3, 2014.

     [4] T. H. Do, “Developing integrated higher education curricula,” Journal of Education, vol.294, pp.28-30, 2012.

     [5] Ministry of Education and Training, Report on summarizing the academic year 2021-2022 and implementing the key tasks of the 2022-2023 academic year in the higher education sector,Hanoi, 2022.

     [6] T. T. D. Nguyen, “Creating work motivation for university lecturers in the context of higher education renovation,” Journal of Education, vol.452, pp.10-14, 2019.

     [7] H. Al-Samarraie andN. Saeed, “A systematic review of cloud computing tools for collaborative learning: Opportunities and challenges to the blended-learning environment,”Computers & Education, vol.124, pp.77-91,2018.

     [8] K. Fisher andC. Newton, “Transforming the twenty-first-century campus to enhance the net-generation student learning experience: Using evidence-based design to determine what works and why in virtual/physical teaching spaces,”Higher Education Research and Development, vol.33, no. 5, pp.903-920, 2014.

     [9] H. Taba, Curriculum development: Theory and practice. Harcourt, Brace & World, Inc, New York, 1962.

     [10] K. D. Nguyen, “Evaluation of the curriculum and some recommendations for the preparation of program accreditation in Vietnamese universities,” Proceedings of the Conference “Designing higher education curriculum, Ho Chi Minh City University of Education Publishing House, 2003.

     [11] F. P. Oliva, Developing the curriculum. Education Publishing House, 2006.

     [12] P. Hakkinen, S. Jarvela, K. Makitalo-Siegl, A. Ahonen, P. Naykki, and T. Valtonen, “Preparing teacher-students for twenty-first-century learning practices (PREP 21): A framework for enhancing collaborative problem-solving and strategic learning skills,”Teachers and Teaching, vol.23, no. 1, pp.25-41, 2017.

     [13] T. M. T. Doan, Q. C. Nguyen, H. L. Nguyen, C. B. Pham, J. G. Peter, and T. N. Ho,Design and develop training programs that meet output standards. Ho Chi Minh City National University Publishing House, 2012.

     [14] D. N. Nguyen, “Training curriculum development with profession-oriented higher education in Vietnam,” TNU Journal of Science and Technology, vol.198, no. 5, pp.141-151, 2019.

     [15] T. H. Pham and T. H. Le, Developing an applied career-oriented university training program. University of Education Publishing House, 2016.

     [16] J. Voogt and N. P.Roblin, “A comparative analysis of international frameworks for 21stcentury competences: Implications for national curriculum policies,”Journal of Curriculum Studies, vol.44, no. 3, pp.299-321, 2012.

     [17] P. Jamieson, “The serious matter of informal learning: From the development of learning spaces to a broader understanding of the entire campus as a learning space,”Planning for Higher Education, vol.37, no. 2, pp.18-26, 2009.

Nguồn: TNU Journal of Science and Technology228(12): 305-314, 9/2023

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tiếp cận hiện đại trong phát triển chương trình giáo dục Đại học
(Tác giả: Nguyễn Danh Nam)