Tiếp cận văn bản thơ chữ Hán trong chương trình Trung học từ góc độ từ vựng, ngữ pháp

APPROACHING CHINESE POETRY IN THE CURRICULA OF SECONDARY
AND HIGH SCHOOLS FROM A LEXICAL AND GRAMMATICAL PERSPECTIVE

Tác giả bài viết: HUỲNH VĂN MINH, NGUYỄN THÀNH TRUNG
(Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Bài viết này hướng đến làm rõ vài vấn đề biên dịch và bình giảng tác phẩm thơ chữ Hán trong trường trung học đã và đang gây băn khoăn cho cả người dạy lẫn người học. Trên cơ sở những nguyên tắc dịch thuật và bình giảng, thực trạng tiếp cận thơ chữ Hán ở trường trung học được đưa ra bàn bạc nhằm nhận dạng một số khuynh hướng cơ bản hiện nay với ưu và khuyết điểm vốn có. Kế thừa các khuynh hướng trên, cách tiếp cận tác phẩm thơ chữ Hán từ phương diện từ vựng, ngữ pháp được đề xuất như một hướng đi tuy không mới mẻ nhưng cần được tiếp tục khuyến khích.

Từ khóa: biên dịch, bình giảng, thơ chữ Hán, trường trung học.

ABSTRACT

     The article aims at clarifying some issues of translating and lecturing Chinese poetic works in secondary and high schools which have been confusing both teachers and learners. Based on principles of translation and lecture, the reality of approaching Chinese poetry is discussed in order to identify some current basic tendencies with existing advantages and disadvantages. Inheriting the above tendencies, approaching Chinese poetry from a lexical and grammatical perspective has been suggested as already introduced approach that needs more encouraging.

Từ khóa: translate, expound, Chinese poetry, high schools.

x
x x

1. Đặt vấn đề – Điều kiện tiếp nhận và biên dịch thơ chữ Hán

     “Dịch thuật không phải là công việc mới mẻ đối với thế giới cũng như đối với Việt Nam ta. Nó đã đóng vai trò quan trọng trong sự giao lưu văn hóa và kinh tế giữa các dân tộc” (Lê Nguyễn Lưu, 2007, tr.137). Dân tộc ở đây được hiểu như là các nước; biên dịch thơ chữ Hán là công việc biên dịch các tác phẩm thơ của các nước trong khối đồng văn Hán tự, mà trong đó có Việt Nam. Nhìn chung, đó là quá trình “thể hiện hiện thực được hình dung trong văn bản gốc bằng văn bản dịch” (Nhiều tác giả, 1982, tr.103), là “chuyển đạt ngôn ngữ từ mã số này sang mã số khác trong phạm vi quốc gia hay quốc tế, nhưng không đơn thuần chỉ là chuyển đạt mã số, mà chính là chuyển đạt tâm tư qua tín hiệu của mã số, nhất lại là dịch thuật thơ văn” (Nhiều tác giả, 1982, tr.45).

     Nằm trong tầm lan tỏa văn hóa Đông Á, cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam có nhiều thuận lợi khi nghiên cứu và dịch thuật các tác phẩm thơ chữ Hán. Sự tương tác dài lâu giữa hai nền văn hóa Việt – Trung để lại kho từ vựng dân tộc phong phú với tỉ lệ từ Hán Việt rất cao. Ngày nay, khi ngâm nga thơ chữ Hán, người Việt có khả năng tạo nên một không gian văn hóa đậm chất Đường thi mà ngay cả trên đất nước Trung Hoa điều này chẳng thể còn tìm được. Khác các ngôn ngữ Âu châu, cảm thức Hán văn đã là tiềm năng mạnh mẽ và sống động của người Việt. Bên cạnh từ vựng, ngữ pháp Hán, Việt chia sẻ những đặc điểm cơ bản như kết cấu C-V, hệ thống từ loại tương ứng (danh từ, động từ, tính từ… tuy không đồng nhất nhưng về đại thể là tương đồng). Kết quả, khi tiếp cận những dòng thơ: Sàng tiền minh nguyệt quang, Nghi thị địa thượng sương… hay Xuân khứ bách hoa lạc, xuân đáo bách hoa khai… người Việt không thấy lạ lẫm, chẳng cần biên dịch mà tựa hồ gặp lại cố nhân với những mĩ cảm, liên kết sâu xa để tận hưởng từng âm tiết vang lên trên một nền tảng văn hóa – văn học lâu đời. Nhờ mô thức tương đồng mà những kí mã được tiếp nhận rõ ràng, tinh tế và ý nhị giữa hai nền thơ ca phương Bắc – phương Nam; đó chính là điều kiện để Lý Thường Kiệt cất lên chữ “đế” trong “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” ngạo nghễ trước quân Tống xâm lược. Hơn ai hết, Trung Hoa có hệ thống định danh dành riêng cho người đứng đầu xã hội vốn không ngừng biến đổi và tích lũy thêm các nét nghĩa: Ban đầu thiên tử được gọi là Hoàng (Tam Hoàng) và Đế (Ngũ Đế), các thiên tử nhà Chu thì xưng vương, Tần Doanh Chính khẳng định vị thế của mình quán thống thiên hạ cả về mặt thời gian lẫn không gian nên xưng Tần Thủy Hoàng Đế; “vương” rơi xuống bậc hai, trở thành xưng hiệu cho vua chư hầu. Chư hầu xưng đế là phạm thượng, tước phong Trung Hoa dành cho người đứng đầu nước ta luôn là quốc vương; chữ “nam đế”, như thế, đầy kiêu hãnh sáng lên trong bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên. Điều đáng tiếc là trong Sách giáo khoa Ngữ Văn 7 (tập 1), chữ “đế” trở thành “vua” trong cả phần dịch thơ và nghĩa (Nguyễn Khắc Phi, 2006, Ngữ văn 7, tr.62) dù chú thích (Nguyễn Khắc Phi, 2006, Ngữ văn 7, tr.64) và bài đọc thêm (Nguyễn Khắc Phi, 2006, Ngữ văn 7, tr.65) ý thức được sự khác biệt này.

     Tuy gần gũi, khoảng cách văn hóa Việt – Trung không thể bị lãng quên, nhưng vẫn gây những khó khăn nhất định cho quá trình tiếp nhận và biên dịch thơ chữ Hán. Rào cản ngôn ngữ trước hết là hệ thống từ vựng; trường hợp đồng âm khác nghĩa Hán Việt: “đồng” có đến 36 nghĩa khác nhau (nhi đồng, đồng tâm, thư đồng, hội đồng…), “phong” có đến 32 nghĩa (phong vận, cao phong, tây phong, tước phong…). Trong khi âm Hán Việt không chỉ từ chối tiết lộ ý nghĩa chính xác mà còn giăng ra chiếc bẫy nhầm lẫn cho cả giới chuyên gia, thì giáo viên, học sinh trung học vẫn chỉ làm việc trên những bản phiên âm, dịch thơ và dịch nghĩa. Tiếp đến, hệ thống ngữ pháp với kết cấu hư từ (chi, kì, giả, dã) tạo thành bức tường ngăn cách người Việt đến với những bài thơ chữ Hán. Đơn cử, Tẩu lộ của Hồ chủ tịch, SGK Ngữ văn 8, Trùng san chi ngoại hựu trùng san được dịch là Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác – Núi cao rồi lại núi cao trập trùng (tập 2) (Nguyễn Khắc Phi, 2006, Ngữ văn 8, tr.39). Chữ “chi” được chú thích là quan hệ từ nối các phần trong một cụm từ, thường chỉ sự sở hữu (Nguyễn Khắc Phi, 2006, Ngữ văn 8, tr.39). Thực tế là phần dịch nghĩa biến ngữ danh từ trùng san chi ngoại thành ngữ động từ hết lớp núi này, phần dịch thơ giữ được cấu trúc ngữ danh từ núi cao nhưng lại không chuyển tải hết nghĩa trùng san được lặp nhắc liên tục, làm giảm hẳn khí thế cao sơn và ý chí hành giả khi so với nghĩa gốc: bên ngoài của dãy núi trập trùng lại còn có dãy núi trập trùng khác. Cũng vậy, nếu vượt qua được trùng san hư từ thì cấu trúc ngữ pháp đặc thù Hán văn trở thành một trùng san khác ngăn trở người đọc khi đối mặt với sử động dụng pháp, ý động dụng pháp… Trong phạm vi thơ Hán văn Trung học, chúng tôi chỉ lấy ví dụ về sử động dụng pháp – cấu trúc thường xuất hiện ở vị trí ngữ danh, ngữ tính từ khi có hiện tượng đảo trang/ đảo ngữ; không nắm bắt được hình thức sử động dụng pháp sẽ nhầm lẫn trật tự chính – phụ trong miêu tả, diễn đạt; Hoàng Hạc lâu (Ngữ văn 10, tập 1) có một trường hợp như thế: Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ/ Phương thảo thê thê Anh Vũ châu được dịch nghĩa: Hàng cây đất Hán Dương phản chiếu rõ mồn một trên dòng sông tạnh, trên bãi Anh Vũ cỏ non mơn mởn xanh tươi, dịch thơ: Hán Dương sông tạnh cây bày, Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non (Phan Trọng Luận, 2006, Ngữ văn 10, tr.159). Theo đó, cặp luận không đạt ngữ pháp và không chuẩn đăng đối bởi câu trước lệch ngữ pháp hoàn toàn, câu sau thì chỉ gần gũi ý nghĩa. Muốn hiểu đúng, hai câu này cần được tái lập động từ “sử” (khiến cho, làm cho…) và khôi phục lại trật tự trước đảo trang:

Tình xuyên (sử) Hán Dương thụ lịch lịch,

Phương thảo (sử) Anh Vũ châu thê thê…

     Nghĩa là: Dòng sông phẳng lặng làm (hàng) cây Hán Dương rõ bóng, Thảm cỏ non thơm khiến bãi Anh Vũ xanh ngời. Bản dịch thơ của Khương Hữu Dụng (Phan Trọng Luận, 2006, Ngữ văn 10, tr.160) tựa hồ chia sẻ ý tưởng này nhưng việc lí giải cặn kẽ thường vượt quá khả năng thực tế.

     Tính cô đúc của Đường thi và thơ Đường luật dường như cổ vũ yếu tố chủ quan, cảm tính của người tiếp cận. Trong hoàn cảnh kiến thức Hán văn của giáo viên còn mỏng, học sinh thì kính nhi viễn chi, việc biên dịch, lí giải văn bản lại chưa thật chuẩn xác, thỏa đáng, khiến cho nội dung, ý tưởng của văn bản, tác phẩm đôi lúc trở nên mâu thuẫn, hồ nghi, như trường hợp: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư… Chữ “thiên thư” được dịch và chú là sách trời, tạo hóa (Nguyễn Khắc Phi, 2006, Ngữ văn 7, tr.62- 64) khá siêu nhiên đã tự mình chống đối với “tiệt nhiên” (rõ ràng, vằng vặc) và thoát li khỏi trường nghĩa sơn hà phân định cụ thể ở câu trên. Thật ra “thiên thư” cần được soi trong ánh sáng ý tưởng thiên văn, địa lí; người xưa xem thiên văn trên trời mà định địa lí dưới đất, thế nên ông bà ta từng có câu: Đất nào sao ấy; còn trong thư tịch Trung Quốc, Hán Thư (Chương Địa lí chí) cũng viết: Việt địa Khiên Ngưu, Vụ Nữ chi phần dã (Ban Cố, 2007, tr.1329) (Phần đất Việt tương ứng với vùng đất thuộc chòm sao Khiên Ngưu và Vụ nữ). Thiên thư nhờ vậy không còn là đối tượng mơ hồ, tâm linh mà trở thành công cuộc biên sử, trạch địa và khái quát hóa ý tưởng câu đầu – Nam quốc sơn hà Nam đế cư cũng như tính chất tiệt nhiên của nó, bởi thiên văn địa lí đã được biên chép thành sách vở, điển tịch thì không sao chối cãi được; luận chứng, luận cứ thế mới có thể hỗ trợ cho luận điểm đầu tiên của bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất. Việc biên soạn, phân tích, tiếp nhận, như vậy, đòi hỏi học phong khá chuyên ở người soạn chương trình, giáo viên và cả học sinh; vấn đề là học phong ấy nay đã mờ nhạt, khó thể tái hồi.

2. Giải quyết vấn đề – Thực trạng bình giảng thơ chữ Hán ở Trung học

     Phân bố chương trình có sức ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả bình giảng thơ chữ Hán ở trường Trung học, cấu trúc ấy có thể khái quát dựa vào bảng sau:

LớpTổng sốBài
60
77Nam quốc sơn hà, Tụng giá hoàn kinh sư, Thiên Trường vãn vọng, Vọng Lư sơn bộc bố, Tĩnh dạ tư, Hồi hương ngẫu thư, Nguyên tiêu
82Vọng nguyệt, Tẩu lộ
90
1011Thuật hoài, Cảm hoài, Độc Tiểu Thanh kí, Quốc tộ, Cáo tật thị chúng, Quy hứng, Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, Khuê oán, Điểu minh giản, Thu hứng, Hoàng Hạc lâu
112Mộ, Lai Tân
120
(Bảng phân bố thơ chữ Hán trong Sách Ngữ văn bậc trung học hiện hành)

     

     Bảng trên cho thấy việc phân bố thơ chữ Hán trong trường Trung học tồn tại vấn đề về chất lượng lẫn số lượng. Về số lượng, chương trình lớp 6, 9 và 12 không có bài nào; nguyên nhân có lẽ ở khả năng tích lũy từ Hán Việt của học sinh lớp 6 chưa đủ để cảm thụ thơ chữ Hán; lớp 9 và 12 là lớp cuối cấp, việc không có bài thơ chữ Hán nào dễ khiến giới quan sát hiểu rằng chương trình xây dựng phục vụ định hướng thi cử. Có một quy luật phân bố: sau năm học 6 và 9 không có bài thơ chữ Hán nào thì lớp liền kề (7 và 10) được bù đắp đến mức thái quá rồi lại giảm xuống ở lớp sau (8 và 11). Cách phân bố này cũng là kết quả của nguyên tắc tuân thủ tiến trình lịch sử mà không xét đến bản thân tác phẩm thơ chữ Hán, ấy là mặt chất lượng. Chất lượng ở đây không nhằm đánh giá bài thơ hay hoặc dở mà là tính đến độ tương hợp khả năng người học. Theo đó, Nam quốc sơn hà với ý nghĩa “thiên thư” được bàn bên trên có lẽ phù hợp với học sinh cấp ba hơn là lớp 7. Tương tự như vậy, Hồi hương ngẫu thư vì giảng dạy ở lớp 7 nên ý nghĩa bài thơ bị tối giản hóa đến nỗi đáng nghi hoặc khi bám vào bản dịch và chú rất sát hai chữ “nhi đồng” (trẻ con) (Nguyễn Khắc Phi, 2006, Ngữ văn 7, tr.125-126). Sau bao năm bôn ba hoạn lộ, rũ bỏ quan phục, nhà thơ về quê, đặt hết niềm tin vào “hương âm” nhưng chẳng được nhận ra, cay đắng hơn còn bị nhi đồng cười cợt (tiếu vấn), bản dịch thơ Phạm Sĩ Vĩ còn xác định: Trẻ con nhìn lạ không chào (Nguyễn Khắc Phi, 2006, Ngữ văn 7, tr.126). Hành động này của “nhi đồng” trái hẳn với chuẩn tắc Nho giáo, Nho học, đi ngược lại truyền thống và hiện thực đời Đường thịnh thế, đỉnh cao lễ nghĩa cho lân bang noi theo, du học sinh đến tham vấn. Tuy thế, một Hạ Tri Chương đã nhẹ nhàng gạt bỏ mọi sự để tu tiên thì chắc hẳn cũng chẳng trách trẻ con vô tri, vậy hà cớ chi buồn đau, vì sao phải ngậm ngùi. Lại thêm, “tương kiến bất tương thức” – không chỉ “nhi đồng” mà cả ông lão cũng không nhận ra; muốn nhận ra thì phải từng gặp, đã từng gặp thì nhi đồng đây chẳng còn là trẻ con nữa. Thế nên, có lẽ nhi đồng ở đây ứng với bạn bè thời “thiếu tiểu”, nay “lão đại” gặp lại vẫn với hương âm ấy mà chẳng nhận ra nhau mới gây bi cảm; câu hỏi: Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai đặt lên môi một lão trượng thì phù hợp hơn nhi đồng về cả nhu cầu giao tiếp, khả năng thẩm âm lẫn chuẩn tắc xã hội; Trần Trọng San ở chỗ này chỉ dịch gặp nhau mà chẳng biết nhau (Nguyễn Khắc Phi, 2006, Ngữ văn 7, tr.126) dường như cũng vì lẽ đó. Tóm lại, sau khi chỉnh sửa hoặc xóa bỏ tranh minh họa ở trang 126 thì Hồi hương ngẫu thư nên được chuyển sang sách Ngữ văn bậc trung học phổ thông thì sẽ phù hợp hơn với tầm tiếp nhận của người học bởi cả tính phức tạp về ý nghĩa văn bản lẫn tâm lí nhân vật trữ tình.

     Là kết quả tất yếu của cấu trúc chương trình và hiện trạng các bản dịch, thơ chữ Hán ở trường trung học hiện đang được bình giảng theo ba hướng chính. Thứ nhất là hướng ấn tượng, tài hoa. Có truyền thống từ các bậc túc Nho, những người trên thông thiên văn dưới tường địa lí, bình luận Hán văn dựa vào khả năng bác cổ thông kim mang chất tài tử. Điểm nổi trội của khuynh hướng này là tính cá nhân, qua bình thơ mà nói lên nhân sinh quan, thế giới quan; phần ghi nhớ tổng kết: …Từ việc đi đường núi đã gợi ra chân lí đường đời: vượt qua gian lao chồng chất sẽ tới thắng lợi vẻ vang (Nguyễn Khắc Phi, 2006, Ngữ văn 8, tr.40). Tấm lòng rộng, ý chí cao của hành giả và cả “bình giả” làm say lòng người nghe, nhưng đáng tiếc là đã thoát li khỏi văn bản, nặng chất cảm tính. Bởi “Vạn lí dư đồ cố miện gian”, bản dịch nghĩa và thơ đều nhấn vào động từ thu: muôn dặm nước non thu vào cả trong tầm mắt, thu vào tầm mắt muôn trùng nước non (Nguyễn Khắc Phi, 2006, Ngữ văn 8, tr.39) nhưng phần chú thích chỉ có “cố” là quay đầu nhìn, “miện” là đưa mắt nhìn; “gian” đóng vai trò phó từ, nghĩa là khoảng giữa; “cố miện gian” trở thành trạng ngữ – trong tầm mắt, trong tầm nhìn. Thật ra, ngoài phó từ, trong trường hợp này, “gian” còn là động từ mang nghĩa thu vào. Động từ “gian” cuối câu mang sức nặng chẳng phải với nghĩa thành quả cuối cùng: ngắm nhìn vạn lí dư đồ, bởi Bác không phải người đang du sơn ngoạn thủy, cũng chẳng có khách lữ du nào đối cảnh mà quay đầu liếc nhìn (cố miện). Bác mang tâm trạng người li hương, biệt xứ ngoái nhìn quê nhà; vạn lí dư đồ không là bức tranh vạn dặm trải ra trước mắt an nhiên tĩnh tại mà là bức tranh quê hương nơi vạn dặm trĩu nặng đa mang, nơi người tù lặng lẽ ngoái nhìn thoáng chốc rồi phải tiếp tục con đường chuyển lao. Để có được giây phút ngắn ngủi ấy, ắt phải lên tận “cao phong” (đỉnh núi cao nhất), Bác đã chuyển những khó khăn, khổ ải trước mắt thành hành động có chủ đích, thành sức mạnh tự thân. Ấy là nỗi niềm riêng Bác tự ngẫm cho mình, hòa trong những motif cổ điển “đăng cao vọng viễn”, “đăng sơn ức hữu” và “cố miện sơn hà” (ngoái nhìn non sông xứ sở). Ấy vậy mà bài thơ được tiếp cận một cách đơn giản, và được bình ra bài học nhân sinh, khuyên bảo thì khó tránh võ đoán. Khuynh hướng bình giảng tài hoa ấn tượng có lẽ với mục tiêu đào tạo nhà văn, nghệ sĩ thì phù hợp hơn.

     Khuynh hướng thứ hai bình giảng thơ chữ Hán nghiêng về chính trị, xã hội theo nghĩa dùng văn học như công cụ phục vụ chính trị, giáo dục tư tưởng, trau dồi đạo đức. Nhãn tự “hồng” trong bài Mộ (Phan Trọng Luận, 2006, Ngữ văn 11, tr.41) thường được bình rất rộng; hướng tài hoa ấn tượng liên hệ đến: Nhân diện đào hoa tương ánh hồng (Đề đô thành nam trang – Thôi Hộ), phái chính trị xã hội bình “hồng” là đỏ rực, sáng rực lên ý chí, lí tưởng của nhà thơ. Vượt lên đau khổ, gông cùm, người tù vẫn chia sẻ cái đẹp từ thiên nhiên chiều tà, cái thơ của thiếu nữ lao động; ấy là tinh thần thuộc giai cấp cần lao, là chủ trương theo ngọn cờ cộng sản. Từ phương diện văn bản, theo đó, “hồng” được hiểu là đỏ, tức tính từ, có bộ mịch (tơ, sợi, màu sắc); hồng như thế trọng tĩnh và hình ảnh hiện lên màu đỏ viên mãn tột độ, “lô dĩ hồng” là lò than đã cực đỏ, tức cực điểm và tất nhiên đã chuyển sang trạng thái, ngưỡng của tàn lụi.

     Tuy nhiên, nếu hiểu “hồng” có bộ hỏa (lửa, đốt lửa, nhóm lửa…) thì sẽ thành động từ, tiếp nối cái chuyển động của ma bao túc – ba túc ma. Trong Suy nghĩ mới về Nhật kí trong tù, tác giả Nguyễn Huệ Chi (Nguyễn Huệ Chi, 1995, tr.264) đã khảo chứng chữ “hồng” này. Động từ “hồng” nghĩa là nhóm đỏ, mới nhen, tương ứng với một trong một chuỗi những hành động của cô gái miền sơn cước, “lô dĩ hồng” nghĩa là bếp lò đã được nhóm xong, đã được nhóm đỏ; và còn ứng với thời gian của buổi chiều tối, hứa hẹn một sự trường cửu, sức sống mạnh mẽ, niềm tin vào tương lai bởi nó là điểm đầu của một quá trình phát triển, gợi nhớ cái đẹp của câu ca dao: Đôi ta như lửa mới nhen, như trăng mới mọc như đèn mới khêu. Theo đó, chất thơ chất thép của nhà thơ, người tù Hồ Chí Minh thể hiện ở quá trình thì ý nghĩa hơn nhiều so với đỉnh điểm. Bình chính trị xã hội, vì thế, nhấn mạnh chức năng giáo dục của văn học nhưng lại dành chỗ quá ít cho chức năng thẩm mĩ.

     Theo xu hướng, phong trào là dạng thứ ba bình giảng thơ chữ Hán ở trường trung học. Trong công cuộc đổi mới nền giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều phương pháp, ý tưởng dạy học mới được khuyến khích như lấy học sinh làm trung tâm, sử dụng công nghệ thông tin, dạy học tích hợp, dạy học phân hóa… tuy mang lại làn gió mới cho người dạy lẫn người học nhưng đôi khi áp dụng lại nặng tính hình thức. Đơn cử như Vọng nguyệt (Nguyễn Khắc Phi, 2006, Ngữ văn 8, tr.37) được giới thiệu theo hướng vận dụng công cụ Powerpoint khi bình giảng, một lượng lớn hình ảnh người tù ngồi ngắm vầng trăng tròn vành vạnh ngoài cửa sổ được trình chiếu nhằm gây thi cảm cho học sinh. Tuy thế, văn bản lại tiết lộ một hình ảnh khác nằm đằng sau câu chữ như cách tù nhân “hướng song tiền, khán minh nguyệt”. Nếu thực có sự tương giao này thì ở câu cuối “nguyệt” có thể “tòng song khán thi gia”, chẳng cần phải len lỏi qua “song khích” (khe cửa). Thực tế nhà tù khốc liệt hơn rất nhiều, ngắm trăng vì thế chỉ thực hiện trong tâm tưởng, chỉ tái hiện vầng trăng thông qua một vệt mỏng manh của “song khích”, chỉ có thể được như vậy và chỉ cần thế là đủ, bởi tri âm chỉ giao tâm bất luận có diện kiến hay không. Kiểu giao tiếp tâm tưởng này là phổ biến trong Ngục trung nhật kí:Hoa hương thấu nhập lung môn lí, hướng tại lung nhân tố bất bình. Một lần nữa, hình ảnh minh họa đe dọa đến tư duy trừu tượng, tưởng tượng thẩm mĩ của văn học nghệ thuật. Quan điểm dạy học tích hợp hướng đến hình thành năng lực tổng hợp cho học sinh là một định hướng tốt, tuy vậy, việc vận dụng một cách hình thức, máy móc không phải là không có. Cách hiểu phải tích hợp liên môn, vận dụng kiến thức lịch sử, địa lí vào văn học nếu không khéo sẽ dẫn đến tác dụng ngược, ôm đồm kiến thức nhiều mảng mà bỏ quên, lệch lạc chính bản thân văn học; điều này càng nguy hiểm đối với văn bản thơ chữ Hán, vốn yêu cầu một sự đầu tư cao độ và nghiêm túc vào khâu từ vựng, ngữ pháp văn bản. Hoàng hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Phan Trọng Luận, 2006, Ngữ văn 10, tr.144) của Lý Bạch được ca ngợi bởi không gian nghệ thuật đẹp như tranh vẽ: Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu/ Cô phàm viễn ảnh bích không tận; tình bạn thắm thiết khiến tác giả đứng mãi trông dáng người đi đến khi cánh buồm khuất hẳn phía chân trời xanh biếc (bích không tận). Kiến thức địa lí được tích hợp để giúp học sinh hiểu cái đẹp của tháng ba Đường thi từng được Nguyễn Tuân ca ngợi (tích hợp nội môn) để hòa trong hoa thắm (hoa) và khói sóng (yên). Bình giảng hướng ngoại tạo nên trường liên tưởng rộng nhưng lại bỏ qua một mâu thuẫn nội tại: giữa ngập ngời hoa và mịt mù khói sóng, sao có thể nhìn rõ “viễn ảnh” của “cô phàm” trong cõi “bích không”. Vấn đề từ vựng quay lại thách thức người đọc. Theo chúng tôi, yên hoa không phải là hoa và khói mà là những mảng hoa lớn nở bung trước mắt nhà thơ. Bởi lẽ mùa xuân ba tháng, hoa tháng giêng đẹp e ấp gợi liên tưởng, hoa tháng hai đẹp giá trị tự thân (Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa – Sơn hành, Đỗ Mục), hoa tháng ba đẹp trong tổng thể viên mãn; yên hoa tam nguyệt – trảng hoa tháng ba – là cận cảnh, đồng thời là phối cảnh, cô phàm nơi bích không là viễn cảnh tạo cho buổi giã từ có chiều sâu cảnh và tình, ngoại giới và nội tâm; Đường thi hay chính ở đó vậy.

3. Đề xuất – Tiếp cận thơ chữ Hán ở trường trung học

     Nhận thức được những khó khăn của người dạy và người học trong việc tiếp cận văn bản thơ chữ Hán ở Trung học, chúng tôi có một số đề xuất như sau:

     Thứ nhất, cần cung cấp bản Hán văn bên cạnh bản phiên âm dịch nghĩa, dịch thơ trong sách giáo khoa. Tất cả những tranh cãi, băn khoăn về từ vựng, ngữ pháp đặc thù Hán ngữ có thể được giải quyết khi tra cứu nguyên bản. Điều này không chỉ tránh nhầm lẫn đáng tiếc mà còn tiết kiệm công sức nghiên cứu của giới chuyên gia, giáo viên khi chuyển tải nội dung, ý tưởng văn bản, tác giả đến người đọc nói chung và học sinh nói riêng. Những trường hợp như Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu (Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng), Nguyệt nhằm song khích khán thi gia (Vọng nguyệt), Ma túc ma hoàn lô dĩ hồng (Mộ), Nam thiên lí thái bình (Quốc tộ)… sẽ dễ dàng minh định thông qua từ vựng và hệ thống liên kết hình tuyến ngữ pháp đặc thù.

     Thứ hai, trong quá trình dịch thuật văn bản có yếu tố Hán nói chung và thơ chữ Hán nói riêng cần cố gắng lưu giữ yếu tố nằm trong biên độ khả dĩ, lằn ranh hợp lí giữa ngôn từ trong văn bản và hệ thống từ vựng tiếng Việt. Điều này sẽ giữ được không gian văn hóa và mĩ cảm truyền thống khi tiếp cận những từ gốc Hán quen thuộc nằm trong các kết cấu ngữ pháp tương đồng tiếng Việt như: Xuân khứ bách hoa lạc, xuân đáo bách hoa khai (Cáo tật thị chúng), Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Độc Tiểu Thanh kí)…

     Nói cách khác, với những đơn vị từ vựng có khả năng định danh như “thanh lâu, hồng lâu”, khi dịch không cần chuyển đổi bởi nếu chuyển thành “lầu xanh, lầu đỏ” thì đã mất đi ít nhiều khí vị. Ngược lại, với những đơn vị va chạm khái niệm giữa hai nền văn hóa tạo nên những nét nghĩa quá phong phú hoặc mờ nhòa thì cần dịch theo hướng miêu tả, ví dụ: “thúy lâu” dịch định danh thành “lầu xanh” sẽ không đạt bằng dịch miêu tả – “lầu đẹp”. Bên cạnh đó, người biên dịch cần tham khảo bản dịch của các dịch giả đi trước; công tác tuyển lựa bản dịch vào sách giáo khoa có thể tiến hành theo hai hướng: hoặc chọn lựa bản tín, đạt, nhã nhất hoặc cùng lúc giới thiệu nhiều dị bản. Thực tế, sách Ngữ văn đang làm theo hướng sau, chúng tôi cũng từng chỉ ra sự chia sẻ với bản dịch thơ thứ hai (xếp sau). Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, việc so sánh các bản dịch đòi hỏi công phu khá cao ở người giáo viên.

     Thứ ba, nếu khâu dịch thuật và giới thiệu nguyên tác có thể thực hiện dễ dàng bởi một nhóm nhỏ chuyên gia thì việc vận dụng và tiếp cận những văn bản ấy trong giảng dạy cần phải được thực hiện rộng khắp, trực tiếp, thường xuyên bởi hệ đội ngũ giáo viên Ngữ văn trung học. Giáo viên phải có khả năng vận dụng kiến thức từ vựng, ngữ pháp để can thiệp, tiếp cận hiệu quả văn bản thơ chữ Hán; sau đó bằng hệ thống câu hỏi, tình huống, khả năng đa dạng dẫn dắt học sinh tự tiếp cận, đưa ra những ý kiến, bình luận cá nhân. Tiếp đó, học sinh cần phải được tạo điều kiện đối chiếu những cách tiếp cận, lí giải khác nhau về cùng một nội dung, một tác phẩm để nhận ra khác biệt cơ bản nhằm hình thành nhận thức toàn diện hơn về tác phẩm, đồng thời xây dựng những kĩ năng tiếp cận văn bản thơ chữ Hán. Muốn vậy, kiến thức Hán văn của giáo viên, sinh viên sư phạm không thể chỉ trông cậy vào 5 tín chỉ Hán Nôm ở trường đại học (học phần Hán Nôm tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM) mà phải chủ động phối hợp hình thành từ các bộ môn có liên quan như Văn học Trung đại, Thơ văn Lý Trần, Văn học Trung Quốc…

     Sau nữa, công tác bồi dưỡng, tập huấn thường niên thường chỉ chú trọng ở phương pháp. Nay, cần tập trung đúng mức đến nội dung, đặc biệt là mảng Hán văn, thơ chữ Hán; kết hợp với tinh thần cầu thị, tự học hỏi, rèn luyện từ mỗi cá nhân giáo viên. Nếu công tác giáo dục Hán văn nói chung và thơ chữ Hán nói riêng trở thành quá trình tự giáo dục thường xuyên thì học phong đã phai mờ có khả năng mong chờ một viễn cảnh tốt đẹp hơn.

    Tóm lại, chúng tôi thiết nghĩ, công tác tiếp cận thơ chữ Hán ở trường trung học hiệu quả đòi hỏi phải có sự hợp tác hệ thống, đồng bộ từ khâu biên soạn, biên dịch văn bản đến khả năng Hán ngữ của giáo viên. Trong quá trình hành chức của mình, trên cơ sở kết hợp các ưu điểm từ những cách tiếp cận truyền thống, lịch sử cụ thể, giáo viên cần lưu ý đến hướng tiếp cận từ vựng, ngữ pháp để hiểu rõ tiền nhân mà hình thành khả năng giải quyết vấn đề cho hậu thế. Nhiệm vụ này gắn với một nỗ lực lâu dài bền bỉ, đầy khó khăn nhưng cũng rất vinh quang.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

    Ban Cố. (2007), “Địa lí chí”. Hán thư (Quyển Trung). Trung Quốc: Trung Hoa Thư cục.

    Nguyễn Huệ Chi (chủ biên). (1995). Suy nghĩ mới về Nhật kí trong tù (in lần thứ ba). Hà Nội: NXB Giáo dục.

    Phan Trọng Luận (Tổng chủ biên). (2006). Ngữ văn 10. Hà Nội: NXB Giáo dục.

    Phan Trọng Luận (Tổng chủ biên). (2006). Ngữ văn 11. Hà Nội: NXB Giáo dục.

    Lê Nguyễn Lưu. (2007). Đường thi tuyển dịch. Huế: NXB Thuận Hóa.

    Nhiều tác giả. (1982). Dịch từ Hán sang Việt, một khoa học, một nghệ thuật. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.

    Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên). (2006). Ngữ văn 7. Hà Nội: NXB Giáo dục.

    Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên). (2006). Ngữ văn 8. Hà Nội: NXB Giáo dục.

Nguồn: Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Sư phạm TP.HCM,
tập 14, số 5 (2017): 30-38

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tiếp cận văn bản thơ chữ Hán trong chương trình Trung học từ góc độ từ vựng, ngữ pháp (Tác giả: Huỳnh Văn Minh; Nguyễn Thành Trung)