Tìm hiểu CÁU TRÚC VĨ MÔ của MỤC TỪ NGÔN NGỮ trong Từ Điển Bách Khoa Việt Nam

1. Dẫn nhập

     Thuật ngữ có vai trò rất quan trọng đối với ngôn ngữ và là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá trình độ phát triển khoa học, kĩ thuật và công nghệ của một dân tộc. Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế, khoa học, kĩ thuật và công nghệ đã làm cho thuật ngữ phát triển theo bên cạnh đó cũng tạo ra một hệ luỵ đó là tình trạng lộn xộn của thuật ngữ tiếng Việt. Do từ vựng tiếng Việt phát triển trong những thời kì khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau. Điều này gây cản trở cho sự nghiệp giáo dục và phát triển khoa học của chúng ta. Vì vậy, việc chuẩn hoá thuật ngữ là công việc cấp thiết được đặt ra hiện nay. Việc chuẩn hoá thuật ngữ góp phần vào nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng như hoàn thành nhiệm vụ chính trong chính sách ngôn ngữ và kế hoạch hoá ngôn ngữ, nhằm hoàn thiện hệ thống ngôn ngữ nói chung. Trong việc chuẩn hoá từ vựng tiếng Việt, cần lưu ý ba mảng khác nhau: các từ thông thường, các tên riêng và các thuật ngữ khoa học, kĩ thuật.

     Thuật ngữ ngành chứng khoán cũng vậy, ngoài những thuật ngữ đạt chuẩn vẫn còn tồn tại một bộ phận thuật ngữ chưa đạt chuẩn. Chúng tôi tiến hành khảo sát và bước đầu có những đề xuất chuẩn hoá thuật ngữ ngành này để góp phần vào công cuộc thống nhất thuật ngữ chứng khoán nói riêng, thuật ngữ tiếng Việt nói chung.

     Trong báo cáo này, chúng tôi chọn cuốn Từ điển chứng khoán Anh – Việt của Nguyễn Trọng Đàn (2007), NXB Thống kê, Hà Nội [2] để khảo sát. Đây là cuốn từ điển được biên soạn theo phương pháp đối dịch mục từ tiếng Anh và tiếng Việt, có 15.000 thuật ngữ tiếng Anh và 17.614 thuật ngữ tiếng Việt. Và chúng tôi chỉ dừng lại ở việc khảo sát thuật ngữ tiếng Việt.

     Trong cuốn Từ điển chứng khoán Anh – Việt, các thuật ngữ hầu hết được vay mượn theo con đường dịch nghĩa, chỉ có một số lượng rất ít được vay mượn theo con đường phiên âm và giữ nguyên dạng. Đây là cơ sở để tìm hiểu đặc điểm của thuật ngữ ngành chứng khoán cũng như việc chuẩn hoá thuật ngữ ngành này.

2. Nội dung

     2.1. Đặc điểm của thuật ngữ chứng khoán chưa đạt chuẩn

     Khảo sát trong cuốn Từ điển chứng khoán Anh – Việt của Nguyễn Trọng Đàn, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh thuật ngữ chứng khoán đạt chuẩn vẫn còn tồn tại những thuật ngữ chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của thuật ngữ nói chung. Đây là nguồn tư liệu để chúng tôi tìm hiểu, khảo sát trong báo cáo này.

     2.1.1 Tồn tại nhiều thuật ngữ có cấu tạo dài

     Thuật ngữ chứng khoán chủ yếu là thuật ngữ gồm hai yếu tố, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại thuật ngữ có yếu tố cấu tạo dài từ năm yếu tố trở lên. Cụ thể, các thuật ngữ chứng khoán được cấu tạo dài đó là:

      –  Thuật ngữ năm yếu tố: trái phiếu được chi trả theo lựa chọn, thời điểm chi trả sau đã ấn định, hạng mục được ưu tiên về thuế, tỉ lệ chi phí gián tiếp xác định trước, thông báo chính thức về thương vụ bán hàng, v.v.

      –  Thuật ngữ sáu yếu tố: công ti giao hoán thanh lí hợp đồng quyền lựa chọn, tham gia góp vốn trách nhiệm hữu hạn tư nhân, bảo hiểm riêng tiền cho vay có thế chấp, hợp đồng option chứng khoán có đủ tiêu chuẩn, v.v.

      –  Thuật ngữ bảy yếu tố: nhà tạo thị trường đủ tiêu chuẩn trong thị trường, tỉ lệ lợi nhuận trên vốn cổ phần của cổ đông, tiếp dẫn đầu tư tiền vay có thể thế chấp động sản, nhà tạo thị trường vốn cổ đông có đăng kí, trái phiếu trung hạn có nguồn thu để trả, thu nhập từ tài sản có kế hoạch về hưu, v.v.

      –  Thuật ngữ tám yếu tố: tư cách thành viên góp vốn trách nhiệm hữu hạn tái PP, quỹ trái phiếu đô thị chỉ đầu tư ở một tiểu bang, chứng khoán đang được mua bán trước kì có đặc quyền, v.v.

      –  Thuật ngữ chín yếu tố: tiền vay có thế chấp với lãi suất được thương lượng lại, giấy nợ chi trả theo yêu cầu với lãi suất có thể thay đổi, kí hiệu dùng cho báo chí để chỉ một loại chứng khoán, v.v.

      –  Thuật ngữ mười yếu tố: hàng là động vật dễ bệnh hoặc chết trên đường vận chuyển, lệnh mua bán chứng khoán ngay lập tức nếu không thì hủy bỏ, chế độ thành viên góp vốn trách nhiệm hữu hạn được cung ứng ra công chúng, chứng khoán được mua bán trước kì có đặc quyền đăng kí mua chứng khoán, người của nhà sản xuất đóng vai người mua hàng thăm dò, v.v.

      –  Thuật ngữ mười một yếu tố: 500 công ti lớn nhất có vốn ít nhất 500 triệu đô la, chỉ số phúc lợi một loại chỉ số mới do Liên hợp quốc công bố từ 1990, việc bán rẻ hàng hoá bị thấm nước trong lúc chữa cháy, container chỉ có mâm đáy và bốn trụ ở bốn góc, tài khoản ghi nhớ đặc biệt của khách hàng khi sử dụng trương mục margin để đầu tư.

      –  Thuật ngữ mười hai yếu tố: đạo luật về vốn góp bằng thuế và trách nhiệm vật chất ban hành năm 1982, sự ngăn chặn của các nhà tạo giá thị trường đối với người đầu cơ chứng khoán, huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu hoặc huy động thêm vốn từ cổ đông.

      –  Thuật ngữ mười ba yếu tố: giá trị đồng bảng Anh khi sử dụng trong việc tính toán giá nông nghiệp trong khối EC.

      –  Thuật ngữ mười lăm yếu tố: tình trạng vay nợ của các công ti tư nhân gặp khó khăn do chính phủ đã cho vay nhiều.

      –  Thuật ngữ mười sáu yếu tố: giá ổn định do người bán chứng khoán quy định sau khi nhận các đơn đặt giá trong lời kêu gọi thầu.

      –  Thuật ngữ hai mươi sáu yếu tố: xem xét sẽ không có hiệu quả nào khác đối với nền kinh tế hơn là những hiệu quả đã định rõ và chính những biến số này không ảnh hưởng bởi các hiệu số khác.

     2.1.2. Tồn tại một số thuật ngữ dư thừa các yếu tố không cần thiết

     a) Thuật ngữ kép biểu thị hai hoặc hơn hai đối tượng, khái niệm khác nhau như lệnh mua (hoặc bán) lô cổ phiếu lẻ, lời và lỗ bất thường, lời hay lỗ chỉ một lần, khoản vay không kì hạn và ngắn hạn, huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu hoặc huy động thêm vốn từ cổ đông, v.v.

     b) Thuật ngữ mang tính miêu tả, giải thích khái niệm

     Trong cuốn từ điển còn tồn tại một số thuật ngữ mang tính miêu tả, giải thích khái niệm không cần thiết, vi phạm nguyên tắc ngắn gọn của thuật ngữ.

     Ví dụ: quá hạn – lâu chưa giải quyết, cộng sự viên – thành viên bên ngoài, giũ bỏ – không còn cần nữa, không đếm xỉa đến – cho qua, giao dịch sòng phẳng (không thiên vị), xê ri option (loạt option), đi biển (bằng tàu…), thay thế (cái cũ bằng cái mới), quá mức giới hạn – quá mức cho phép, chưa được đưa ra – còn treo ở đó, v.v.

     c) Thuật ngữ thừa các yếu tố chức năng. Phổ biến nhất là dùng các hư từ: của, về, ở, trong, theo, giữa, trên và, cho, các, do, những, v.v.

     Ví dụ:

          trong kho tồn trữ năng động (tr. 10);

          các tỉ lệ cân đối tài khoản (tr. 22);

          vào lúc mở cửa thị trường chứng khoán (tr. 17);

          tài khoản theo các ngài/của các ngài (tr. 345);

         đã được đầu tư đầy đủ (tr. 119),v.v.

d) Thuật ngữ thừa các dấu câu. Đó là các dấu gạch ngang, dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép, dấu gạch sổ, dấu ngoặc vuông, v.v.

Ví dụ:

          chớp được cơ may – điểm cách biệt, điểm phá vỡ khung giá – bất quân bình (tr. 28);

phiên dịch /ra, từ/ tiếng Anh (tr. 72);

         thu nhập /địa ốc/ bất động sản (tr. 76);

         bảo hiểm /siêu ngạch/ vượt mức (tr. 79), v.v.

     2.1.3. Tồn tại một số thuật ngữ mơ hồ, chưa gọi tên chính xác khái niệm như: bí quá phải làm (bị con gấu ôm) (tr. 24); đám người (tr. 27); dời chỗ này! (tr. 204); lí thuyết còn có người khờ hơn – không dại nào giống dại nào (tr. 133); cho thiếu chịu (tr. 126); còn xa hơn nữa, còn xa nhưng gần hơn (tr. 96); nhạt nhẽo vô vị (tr. 208), v.v.

     2.1.4. Tồn tại nhiều thuật ngữ phiên âm chưa thống nhất như: dollar / đô la (tr. 63) / đô-la (tr. 107), Niu – Ước (tr. 122), heo lơ (tr. 141) / heo-lơ (tr. 144), pa-nô (tr. 27), Da-ia (tr. 352), lô-gic (tr. 212), tờ-rớt (tr. 337), xê ri (tr. 141), gút, ki-lô-mét, ki-lô-xi-te, kí-lô-tôn, kí-lô-oát (tr. 191), man-ta, mét, pun (tr. 178), v.v.

     2.1.5. Tồn tại nhiều tên riêng như Uỷ ban Kinh tế Châu Phi (tr. 65); Ai Cập (tên nước, thủ đô Cairo) (tr. 69); Hiệp ước Rome (tr. 335); nước Thổ Nhĩ Kì (tr. 337), v.v.

     Qua tìm hiểu đặc điểm của các thuật ngữ chứng khoán, chúng tôi thấy còn tồn tại nhiều thuật ngữ chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của thuật ngữ. Do đó, cần dựa vào cơ sở khoa học về đặc trưng ngôn ngữ tiếng Việt, tiêu chuẩn thuật ngữ cũng như nội dung của thuật ngữ chứng khoán để có phương hướng chuẩn hoá thuật ngữ ngành này.

     2.2. Cơ sở khoa học chuẩn hoá thuật ngữ chứng khoán

     2.2.1. Dựa vào đặc trưng ngôn ngữ tiếng Việt

Tiếng Việt thuộc ngôn ngữ đơn lập, mang một số đặc trưng cơ bản sau:

  1. Quy luật tiết kiệm trong ngôn ngữ: quy luật này xuất phát từ đặc điểm loại hình của tiếng Việt là đơn lập nên mỗi một tiếng (âm tiết) được phát âm tách rời nhau và được thể hiện bằng một chữ viết. Từ quy luật đó, cho phép rút gọn trong một số cấu trúc từ, cụm từ, câu quen thuộc, v.v. mà không gây hiểu lầm. Ví dụ: nhà gỗ, nhà tranh, nhà lá (rút gọn yếu tố bằng). Có thể thấy tính ngắn gọn của thuật ngữ là một trong những tiêu chuẩn phù hợp với quy luật tiết kiệm của ngôn ngữ.
  2. Trật tự ghép các yếu tố theo cú pháp tiếng Việt chính – phụ: yếu tố chính đứng trước (mang tính chỉ loại) và yếu tố phụ đứng sau (để khu biệt cho yếu tố chính).
  3. Sử dụng yếu tố Hán Việt: với ưu điểm mang ý nghĩa trừu tượng, khái quát cao và sự kết hợp của các yếu tố Hán Việt thường tạo ra cấu trúc ngắn gọn và chặt chẽ, cho nên rất thích hợp trong việc cấu tạo nên các thuật ngữ.
  4. Về mặt ngữ âm và chính tả phải phù hợp với tiếng nói và chữ viết của dân tộc đó là dễ nói, dễ viết, dễ hiểu, dễ nhớ.

     2.2.2. Dựa vào các tiêu chuẩn cần và đủ của thuật ngữ

     Thuật ngữ có những đặc điểm riêng nên khi xây dựng các hệ thuật ngữ hay khi đặt thuật ngữ, người ta phải bảo đảm những yêu cầu nhất định và có thể kiểm định các yêu cầu đó qua những tiêu chuẩn, đặc điểm nhất định.

     Vào năm 1990, Sager đã đề xuất ra mười hai tiêu chuẩn quốc tế về việc đặt thuật ngữ đó là:

1. Thuật ngữ phải liên hệ trực tiếp với khái niệm;

2. Thuật ngữ phải biểu đạt khái niệm một cách rõ ràng;

3. Thuật ngữ phải có tính hệ thống về mặt từ vựng, phải tuân theo cấu trúc từ vựng hiện hành, nếu từ vựng có nguồn gốc nước ngoài thì việc phiên âm phải thống nhất;

4. Thuật ngữ phải tuân theo các nguyên tắc chung về hình thành thuật ngữ của mỗi ngôn ngữ, các trật tự từ ghép và các cụm từ;

5. Thuật ngữ nên tạo ra khả năng sản sinh các thuật ngữ mới dựa trên các phụ tố;

6. Thuật ngữ không được dùng từ trùng lặp, vừa có một từ nước ngoài, vừa có một từ trong nước có cùng ngữ nghĩa;

7. Thuật ngữ phải chính xác, thể hiện đúng nội dung khoa học một cách rõ ràng;

8. Không nên có các thuật ngữ đồng nghĩa hoàn toàn hoặc tương đối;

9. Thuật ngữ không nên có các biến thể hình thái học;

10. Thuật ngữ không được có các từ đồng âm dị nghĩa;

11. Thuật ngữ phải đơn nghĩa;

12. Ngữ nghĩa của thuật ngữ nên độc lập với ngữ cảnh. [Theo 4, tr. 35]

Ở Việt Nam, việc xây dựng thuật ngữ cũng dựa vào một số các tiêu chuẩn sau:

– Tính khoa học:

        + Tính chính xác: Tính chính xác đòi hỏi mỗi khái niệm chỉ có một thuật ngữ, hay nói cách khác, mỗi thuật ngữ chỉ biểu đạt một khái niệm. Vì vậy, để đảm bảo tính đơn nghĩa của thuật ngữ đòi hỏi phải loại bỏ hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa trong hệ thống thuật ngữ của cùng một ngành khoa học.

         + Tính hệ thống: Mỗi thuật ngữ bao giờ cũng là một yếu tố của hệ thống thuật ngữ và chiếm một vị trí trong hệ thống thuật ngữ nhất định nào đó. Giá trị của mỗi thuật ngữ chỉ được xác định trong mối quan hệ của nó với những thuật ngữ khác trong cùng một hệ thống. Nếu tách thuật ngữ đó ra khỏi hệ thống thì nội dung thuật ngữ của nó không còn nữa.

          + Tính ngắn gọn: Tính chính xác về mặt ngữ nghĩa của thuật ngữ còn đòi hỏi về mặt cấu trúc hình thức của thuật ngữ phải ngắn gọn, chặt chẽ. Các yếu tố hợp thành phải phù hợp tối đa với khái niệm được biểu thị, không có yếu tố dư thừa.

     – Tính quốc tế: Có thể biểu hiện ở mặt nội dung và hình thức. Tính quốc tế về mặt nội dung, tức là nội dung khái niệm mà thuật ngữ biểu đạt phải bắt buộc để bảo đảm yêu cầu song hành là tính chính xác. Về mặt hình thức, không thể có tính quốc tế toàn cầu cho các hệ thuật ngữ, bởi hình thức – mặt biểu hiện của các ngôn ngữ chỉ có thể tương đồng hay tương tự ở từng khu vực mà thôi. Thuật ngữ là những từ ngữ biểu thị các khái niệm, mà khái niệm khoa học được coi là thành tựu chung của tri thức nhân loại.

     2.2.3. Dựa vào nội dung của thuật ngữ chứng khoán

     Thuật ngữ chứng khoán là một bộ phận từ, ngữ được sử dụng trong ngành chứng khoán biểu thị những khái niệm về sự vật, hiện tượng, quá trình, tính chất, v.v. trong các lĩnh vực: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ đầu tư và các loại chứng khoán khác.

     Chứng khoán là một trong những ngành kinh tế mới mẻ, chủ yếu là những thuật ngữ từ tiếng nước ngoài và được dịch nghĩa sang tiếng Việt theo phương thức “đối dịch”. Do đó, nên dựa vào kiến thức cũng như tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này.

     2.3. Một số đề xuất trong việc chuẩn hoá thuật ngữ chứng khoán

     2.3.1. Chuẩn hoá thuật ngữ chứng khoán có cấu tạo dài

     Trong ngôn ngữ “thuật ngữ khoa học cũng như danh từ, mang tính chất định danh. Tính chất này đòi hỏi thuật ngữ phải ngắn gọn về hình thức (…). Những thuật ngữ dài dòng thường mang tính chất định nghĩa, không những làm cho hệ thống thuật ngữ bị lỏng lẻo, mà có khi còn làm lu mờ ít nhiều hoặc thậm chí phá vỡ mất tính chất thuật ngữ của bản thân nó” [9, tr. 63]. Tiêu chuẩn của thuật ngữ là ngắn gọn khái niệm, cho nên mỗi thuật ngữ tốt nhất, phổ biến nhất là có từ một đến ba thuật tố và nhiều nhất chỉ là năm thuật tố, trong đó mỗi thuật tố đứng sau thuật tố chỉ khái niệm loại diễn đạt một đặc trưng cụ thể của khái niệm loại. Chẳng hạn: trái phiếu thế chấp (hai thuật tố: trái phiếu / thế chấp tương đương với hai đặc trưng), nhân viên kế toán chuyên trách (ba thuật tố: nhân viên / kế toán / chuyên trách tương đương với ba đặc trưng), lí thuyết danh mục đầu tư chứng khoán (bốn thuật tố: lí thuyết / danh mục / đầu tư / chứng khoán tương đương với bốn thuộc tính), v.v. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều thuật ngữ dài từ 5 yếu tố trở lên làm cho thuật ngữ có kết cấu lỏng lẻo, vi phạm kết cấu chặt chẽ và ngắn gọn. Đây chủ yếu là các từ, ngữ mang tính giải thích chứ không phải là thuật ngữ. Giải pháp chuẩn hoá đó là chọn lựa thuật ngữ chặt chẽ và bỏ các yếu tố dư thừa không cần thiết (liên từ không cần thiết) hoặc các từ, cụm từ mang tính chất giải thích. Ví dụ:

       vào lúc mở cửa thị trường chứng khoán lúc mở cửa thị trường chứng khoán (nên bỏ “vào”);

     tính thiết thực của một chế độ tỉ giá hối đoái → tính thiết thực của chế độ tỉ giá hối đoái (nên bỏ “một”);

     các cổ phiếu có quyền bỏ phiếu và không có quyền bỏ phiếu → cổ phiếu có và không có quyền bỏ phiếu (để tránh lặp và đảm bảo sự ngắn gọn nên bỏ “các” và “quyền bỏ phiếu”).

     2.3.2. Chuẩn hoá thuật ngữ dư thừa các yếu tố không cần thiết

a) Chuẩn hoá thuật ngữ kép biểu thị hai hoặc hơn hai đối tượng, khái niệm khác nhau

     Thường mỗi thuật ngữ chỉ biểu thị một khái niệm, đối tượng; nhưng thuật ngữ chứng khoán tồn tại một số thuật ngữ biểu thị hai hoặc hơn hai đối tượng, khái niệm khác nhau. Chủ yếu là các thuật ngữ chứa liên từ (và, hoặc, hay, v.v.) hoặc các dấu câu (dấu gạch ngang, gạch sổ, ngoặc đơn, v.v.). Để chuẩn hoá các thuật ngữ này chỉ có cách đơn giản đó là bỏ các liên từ, dấu câu và tách thành hai thuật ngữ đơn khái niệm khác nhau. Chẳng hạn:

     Đối với thuật ngữ lệnh mua (hoặc bán) lô cổ phiếu lẻ chỉ cần bỏ liên từ “hoặc”, bỏ dấu ngoặc đơn và tách thành hai thuật ngữ: 1. lệnh mua lô cổ phiếu lẻ; 2. lệnh bán lô cổ phiếu lẻ.

     Đối với thuật ngữ huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu hoặc huy động thêm vốn từ cổ đông cũng chỉ cần bỏ liên từ “hoặc” và tách thành hai thuật ngữ: 1. huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu; 2. huy động thêm vốn từ cổ đông.

     b) Chuẩn hoá thuật ngữ mang tính miêu tả, giải thích khái niệm

     Về mặt hình thức, thuật ngữ mang tính miêu tả, giải thích khái niệm thường sử dụng dấu gạch nối, dấu ngoặc đơn. Các yếu tố này làm cho thuật ngữ có xu hướng trở thành các ngữ giải thích khái niệm hơn là gọi tên khái niệm. Điều này, làm cho quan hệ các yếu tố trong thuật ngữ lỏng lẻo, không khoa học. Để đảm bảo các tiêu chuẩn của thuật ngữ thì chỉ cần loại bỏ các yếu tố là từ, cụm từ có chức năng giải thích rõ thêm nghĩa của thuật ngữ không cần thiết. Đồng thời, trong một số trường hợp phải thay đổi hoặc cấu tạo lại các yếu tố để tạo thành thuật ngữ ngắn gọn, chính xác.

     Chẳng hạn: Đối với thuật ngữ cộng sự viên – thành viên bên ngoài bỏ dấu gạch nối và cụm từ giải thích ở phía sau “thành viên bên ngoài” cũng đã hiểu được ý nghĩa thuật ngữ này.

      Đối với thuật ngữ giao dịch sòng phẳng (không thiên vị) cũng chỉ cần bỏ cụm từ giải thích trong ngoặc đơn (không thiên vị) là đảm bảo tiêu chuẩn của chuẩn thuật ngữ.

     c) Chuẩn hoá thuật ngữ thừa các yếu tố chức năng

     Các thuật ngữ thừa yếu tố chức năng chủ yếu là các kết từ và các từ không cần thiết (của, về, ở, trong, theo, giữa, trên và, cho, các, do, những, v.v.). Cần phải xem xét, tuỳ từng trường hợp cụ thể để có cách xử lí, không làm ảnh hưởng đến tính chính xác của thuật ngữ. Khi loại bỏ các yếu tố hư không cần thiết sẽ giúp cho việc kết cấu thuật ngữ được chặt chẽ, mang tính hàm súc cao và ý nghĩa thuật ngữ mang tính khái quát hơn. Ví dụ:

     các tỉ lệ cân đối tài khoản → tỉ lệ cân đối tài khoản (nên bỏ từ “các”);

     những chi phí biến đổi chi phí biến đổi (nên bỏ “những”). d. Thuật ngữ thừa các dấu câu

Các thuật ngữ này chủ yếu mang tính liên kết tạo thành một khái niệm tổng hợp, do đó, cần bỏ các dấu câu để tạo nên các thuật ngữ hoàn chỉnh có kết cấu chặt chẽ về mặt hình thức. Ví dụ:

     điểm phá vỡ khung giá – bất quân bình điểm phá vỡ khung giá bất quân bình (bỏ dấu gạch ngang);

     bảo hiểm /siêu ngạch/ vượt mức bảo hiểm siêu ngạch vượt mức (bỏ dấu gạch sổ).

     2.3.3. Chuẩn hoá thuật ngữ mơ hồ, chưa gọi tên chính xác khái niệm

     Việc đặt thuật ngữ tốt nhất là “tận dụng được vốn từ của nhân dân ta” nhưng phải tuỳ trường hợp, tránh đưa các thuật ngữ mơ hồ, chưa gọi tên chính xác khái niệm, hoặc dùng khẩu ngữ. Ví dụ: bí quá phải làm (bị con gấu ôm) (tr. 24); lí thuyết còn có người khờ hơn – không dại nào giống dại nào (tr. 133); nhạt nhẽo vô vị (tr. 208), v.v.

     2.3.4. Chuẩn hoá thuật ngữ phiên âm chưa thống nhất

     Phiên âm thuật ngữ là cách biến đổi thuật ngữ nước ngoài sao cho phù hợp với hệ thống chữ viết và kết cấu ngữ âm của tiếng Việt như việc sử dụng hệ thống chữ cái tiếng Việt để ghi lại cách phát âm các thuật ngữ nước ngoài theo cách phiên âm ngữ âm học: phát âm như thế nào thì ghi lại như thế. Việc phiên âm tiếng nước ngoài ra tiếng Việt là vấn đề sử dụng thuật ngữ một cách sáng tạo và “đồng hoá vào tiếng Việt”, làm phong phú vốn từ dân tộc. Trên thực tế, chúng ta vẫn chưa có sự thống nhất trong hình thức phiên âm các thuật ngữ nước ngoài. Điều này thể hiện ở chỗ, cùng một thuật ngữ nhưng có nhiều cách phiên âm khác nhau trong các từ điển chuyên ngành và trong cách sử dụng.

     Thuật ngữ chứng khoán chủ yếu là những thuật ngữ từ tiếng Anh và được dịch nghĩa sang tiếng Việt theo phương thức “đối dịch”. Xuất hiện một số trường hợp, cùng một thuật ngữ gốc (tiếng Anh), nhưng có nhiều dạng tồn tại khác nhau ở Việt Nam.

     Sự thiếu thống nhất của phiên âm diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều hình thức khác nhau: lúc viết liền, không có dấu thanh; lúc được viết rời từng âm tiết, dùng dấu gạch nối giữa các âm tiết, có dấu thanh; lúc lại viết rời từng âm tiết, có gạch nối, không có dấu thanh… Để xoá bỏ tình trạng phiên âm thuật ngữ chứng khoán không thống nhất như vậy, cần thống nhất quy tắc chung khi xây dựng thuật ngữ. Muốn thế cần phải dựa vào đặc điểm của tiếng Việt cũng như quy định chung của thuật ngữ về phiên âm. Và những quy định đó được Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam công bố lần đầu tiên vào năm 1965.

     Căn cứ vào các nguyên tắc trong “Những quy định tạm thời về Quy tắc phiên thuật ngữ nước ngoài ra tiếng Việt” [8, tr. 290-295] để chuẩn hoá các thuật ngữ chứng khoán phiên âm đó là: về mặt hình thức chính tả, thống nhất cách viết liền các âm tiết, giữa các âm tiết không có gạch nối, đồng thời bỏ dấu thanh. Bên cạnh đó, có thể lược bớt một số âm tiết cuối nếu như không vi phạm tính chính xác của thuật ngữ để đảm bảo tính ngắn gọn, giúp cho người học tiếp cận thuật ngữ dễ dàng và phù hợp với quy luật ngữ pháp tiếng Việt. Cụ thể:

     dollar → đôla; heller → heolơ; logic → lôgic;

     kilometre → kilômet;

     kilowatt → kilôoat, v.v.

     Thuật ngữ chứng khoán là các thuật ngữ mang tính chuyên ngành sâu nên chủ yếu người trong ngành sử dụng. Việc chuẩn hoá phiên âm như vậy không làm ảnh hưởng đến tính dân tộc bởi “về hình thức, dù phiên âm là axit, axêtilen, atmôtphe, atspirin cũng không dân tộc gì hơn cách viết nguyên dạng: acid, acetilen, atmosphe, aspirin” [5]. Việc chuẩn hoá như trên sẽ đảm bảo tính ngắn gọn, thống nhất của thuật ngữ và mang tính quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập, giao lưu quốc tế hiện nay.

     2.3.5. Vấn đề đưa tên riêng vào từ điển thuật ngữ chuyên ngành

     Khi xác định thuật ngữ chuyên ngành, cần phải phân biệt giữa danh pháp với thuật ngữ. A.A. Reformatxkij đã phân biệt “hệ thuật ngữ trước hết gắn với một hệ thống khái niệm của một khoa học cụ thể, còn danh pháp chỉ “dán nhãn” cho đối tượng của nó và “danh pháp không có quan hệ trực tiếp với khái niệm khoa học” [theo 4, tr. 33-34]. Từ đó có thể thấy, thuật ngữ là những từ hay ngữ biểu thị khái niệm, phạm trù đã được tích hợp trong chính các hoạt động của mỗi ngành hình thành nên các thuật ngữ của ngành đó. Còn danh pháp là tên gọi “riêng hoá” các đối tượng được sử dụng trong một lĩnh vực khoa học hoặc chuyên môn thì không phải là thuật ngữ.

     Trong cuốn Từ điển chứng khoán còn tồn tại một số tên riêng các quốc gia cũng như tên các tổ chức, cơ quan. Cho nên, không nên đưa tên riêng và tên các tổ chức, cơ quan vào từ điển chuyên ngành. Bởi tên riêng là “những từ, ngữ dùng để gọi tên những thực thể vật chất và tinh thần có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá – xã hội, tồn tại với tư cách là những cá thể trong tư duy của từng dân tộc” [5], chứ không phải là thuật ngữ. Đối với tên các tổ chức, cơ quan chuyên ngành có thể lập thành phụ lục tra cứu riêng để ở phần sau cuốn từ điển.

3.  Kết luận

     Như vậy, dựa vào kết quả khảo sát, nghiên cứu cấu tạo và nội dung ngữ nghĩa của thuật ngữ chứng khoán, trên cơ sở lí thuyết chuẩn hoá và lí thuyết điển mẫu, đề tài đã đề xuất một số phương hướng cụ thể để xây dựng và chuẩn hoá thuật ngữ nói chung và thuật ngữ chứng khoán tiếng Việt nói riêng. Khi xây dựng thuật ngữ tiếng Việt, về nguyên tắc “phải được ưu tiên cấu tạo bằng những yếu tố từ vựng sẵn có của ngôn ngữ dân tộc, đi vào ngôn ngữ dân tộc, phải phù hợp với đặc điểm, kết cấu ngữ pháp của ngôn ngữ dân tộc, đi vào ngôn ngữ dân tộc một cách tự nhiên” [6, tr. 16].

THƯ MỤC THAM KHẢO

1.Chuẩn hoá chính tả và thuật ngữ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1984.

2. Nguyễn Trọng Đàn, Từ điển chứng khoán Anh – Việt, NXB Thống kê, Hà Nội, 2007.

3. Dương Kì Đức, Một số vấn đề của thuật ngữ tiếng Việt trong thời kì đổi mới và hội nhập, Ngôn ngữ và đời sống, Số 3 (161), 2009, tr. 41- 42.

4. Lê Thanh Hà, Đối chiếu thuật ngữ Du lịch Việt – Anh, Luận án Tiến sĩ bảo vệ tại Học viện Khoa học Xã hội, 2014.

5. Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002.

6. Lê Khả Kế, Về một vài vấn đề trong việc xây dựng thuật ngữ khoa học ở nước ta, Ngôn ngữ, Số 3, 1975, tr. 15-18.

7. Hà Quang Năng (chủ biên), Thuật ngữ học – Những vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2012.

8. Về vấn đề dùng thuật ngữ khoa học nước ngoài, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1968.

9. Về vấn đề xây dựng thuật ngữ khoa học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977.

DƯƠNG THỊ DUNG 1

__________
1. ThS Ngữ văn, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.