Tìm hiểu hoạt động ngoại thương của cộng đồng người Hoa ở Hội An (XVI – XVIII)

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  TRƯƠNG TUẤN VŨ

1. Vài nét về quá trình di cư của người Hoa ở Hội An

     Để thiết lập tốt hệ thống kiểm soát vùng biển Nam Trung Hoa, từ năm 1371 (Hồng Võ thứ tư), Minh Thái Tổ đã ra chiếu chỉ nghiêm cấm nhân dân miền duyên hải Trung Quốc xuất ngoại. Từ đó đến giữa thế kỷ XVI, trải qua một khoảng thời gian dài hai trăm năm, triều đình nhà Minh thi hành chính sách bế quan tỏa cảng, gọi là “một tấc gỗ cũng không cho ra ngoài hải ngoại(thốn bản bất hạ hải). Mãi cho đến năm 1567 (Long Khánh nguyên niên), Minh Mục Tông ra lệnh mở “hải cấm” và cho phép thường dân xuất dương ra nước ngoài buôn bán. Tuy nhiên, việc bãi bỏ cấm vận hàng hải lại không được áp dụng đối với Nhật Bản, vì thế việc xuất khẩu qua đất nước này những hàng hóa có giá trị về mặt quân sự lẫn kinh tế như: Quặng sắt, đồng, diêm sinh, tơ sống v.v… thì vẫn tiếp tục bị nghiêm cấm1. Chính điều này đã thúc đẩy rất nhiều thương nhân Trung Quốc đi xuống khu vực Đông Nam Á để tìm kiếm thị trường buôn bán và trao đổi hàng hóa với các nước trong và ngoài khu vực, nhất là đối với thương nhân Nhật Bản.

     Ở nước ta, từ sau những cuộc hành quân Nam tiến, di dân để mở mang bờ cõi như của nhà Hồ vào năm 1402; sau chiến công của Lê Thánh Tôn (1470), dải đất từ Cửa Hàn đến đèo Cù Mông trở thành trấn Quảng Nam; cho đến việc trấn thủ Thuận Hóa của Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) vào năm 1558 rồi đến năm 1570 kiêm lãnh trấn Quảng Nam2. Do mâu thuẫn giữa nhà Trịnh và nhà Nguyễn ngày một gay gắt hơn, kể từ sau năm 1570, nhằm đối đầu với nhà Trịnh ở Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn đã tích cực thi hành các chính sách như khai hoang ruộng đất, thành lập các làng xã, phát triển công thương nghiệp, đặc biệt là khuyến khích phát triển ngoại thương bằng đường lối mềm dẻo, cởi mở và khôn khéo để nhanh chóng làm giàu cho Đàng Trong. Từ đây, Đàng Trong, đặc biệt là xứ Quảng nổi lên như một trung tâm kinh tế và chính trị. Chính sự phát triển ấy cùng với chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn đã thu hút rất nhiều thương nhân trong và ngoài nước đến vùng đất này, cũng chính điều này đã thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt các đô thị – thương cảng ở Đàng Trong, đáng chú ý nhất là Đô thị – thương cảng Hội An, thuộc xứ Quảng: “Có vài hải cảng ở Đàng Trong, cửa biển đáng kể nhất là nơi mà dân ở đó gọi là Hội An (Hoyan), còn người Bồ Đào Nha thì gọi là Faifo. Cửa biển đó ở tỉnh Chàm, vĩ tuyến 16, cách cung vua vài ngày đường. Cửa biển này có nước khá sâu, tàu bè có thể bỏ neo rất an toàn. Nơi đây rất thuận tiên cho khách thương vì thuyền có thể đậu gần các nhà kho. Lối vào là một cửa sông rộng chảy từ hướng Lào xuống, chảy ngang tỉnh Chàm rất thuận tiện. Faifo là nơi buôn bán thịnh vượng nhất Đàng Trong…”1. Với các điều kiện vô cùng thuận lợi: có Cửa Đại Chiêm (Đại Chiêm môn hay Đại Chiêm hải khẩu), đây là cửa ngõ thông ra biển2 và ngoài khơi có Chiêm Bất Lao (Cù Lao Chàm) trấn giữ, làm tiền tiêu và là nơi dừng đỗ của các thương thuyền vùng Viễn Đông trên con đường hàng hải quốc tế nối liền Đông – Tây; nằm ở vùng hạ lưu của ba con sông lớn đó là sông Thu Bồn, Vu Gia và Chiên Đàn, đồng thời thông với Cửa Hàn – Đà Nẵng bởi sông Đế Võng – Lộ Cảnh Giang3. Về địa giới hành chính: Đô thị – thương cảng Hội An cách Dinh trấn Thanh Chiêm (Dinh trấn Quảng Nam), thủ phủ thứ hai của Đàng Trong khoảng 8 km, rất thuận tiện cho việc trao đổi buôn bán hàng hóa ở bên trong và bên ngoài khu vực4.

     Theo tác giả Đinh Trọng Tuyên trong cuốn biên khảo “Dinh Trấn Thanh Chiêm”, thì sau khi xây dựng xong Dinh trấn Thanh Chiêm, công việc đầu tiên của các chúa Nguyễn là phát triển cảng thị Hội An ở tổng Phú Chiêm nằm trên cửa Đại Chiêm, bờ bắc sông Chợ Củi (Sài Thị Giang) để trao đổi và xuất nhập khẩu hàng hóa. Phát triển một trung tâm thương mại tại khu vực Hội An có Đại Chiêm hải khẩu với ý đồ phục hưng lại cảng thị Champapura đã từng vang bóng một thời của Chiêm Thành, qua đó cho thấy các chúa Nguyễn đã có một cái nhìn rất thoáng đối với quá trình hội nhập thương mại quốc tế.

     Nhờ vào điều kiện tự nhiên, vị trí địa lí thuận lợi và những chính sách khuyến mãi hợp lí mà Hội An nhanh chóng trở thành một thương cảng sầm uất nhất ở nước ta vào thế kỷ XVII và XVIII. Sự kế thừa một cách khôn ngoan mô hình kinh tế theo đường sông của người Chiêm đã giúp cho các chúa Nguyễn biến vùng đất Quảng Nam thành một nguồn dự trữ dồi dào về sức người, sức của5.

     Xuất phát từ những nguyên nhân trên, vào khoảng cuối thế kỷ XVI, nhiều thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu tìm đến Hội An. Với sự ưu ái, cho phép của các chúa Nguyễn trong việc chọn đất xây cất nhà cửa, xây dựng đình, chùa, hội quán, từ đó những khu phố của thương nhân người Hoa và thương nhân Nhật Bản bắt đầu ra đời tại vùng đất này. Theo ghi chép của giáo sĩ dòng Tên người Ý là Cristophoro Borri trong chuyến đi Đàng Trong khoảng từ năm 1618 -1622 đã miêu tả khá rõ nét về Hội An lúc bấy giờ: “Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Trung Quốc chọn một địa điểm và nơi thuận lợi để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán. Thành phố ấy gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ có thể nói là có đến hai thành phố, một phố của người Tàu, một phố của người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu, người Nhật cũng vậy1. Khoảng giữa thế kỷ XVII, một làn sóng di cư lớn thứ hai của cư dân Trung Hoa đến Hội An. Không giống như giai đoạn trước kia, khi mà sự di cư xuất phát từ mục đích giao thương buôn bán, tìm kiếm thị trường, tìm các nguồn lợi kinh tế thì trong giai đoạn này, nguyên nhân chính yếu xuất phát từ những sự bất ổn trong nền chính trị ở Trung Quốc, đó là khi người Mãn lật đổ nhà Minh lập nên triều đại nhà Thanh đã thi hành một số chính sách khắt khe, độc tài như bắt buộc dân chúng phải cạo tóc, thắt bím, ăn mặc như người Mãn. Tiếp đó là những chính sách cấm biển, di huyện, dời dân làm cho dân chúng vô cùng khốn khổ, mâu thuẫn giữa dân chúng và triều đình đã đến mức không thể giải quyết được. Một số dân chúng ở vùng Phúc kiến, Quảng Đông, Sơn Đông, Hà Bắc, Giang Tô, Triết Giang… và các vùng hải đảo đã phải rời bỏ quê hương của mình cùng với các “di thần”, “cựu thần” nhà Minh và các thương nhân, thợ thủ công, dân nghèo và kể cả tù binh… tìm đến các quốc gia Đông Nam Á khác để làm ăn sinh sống trong đó có Hội An thuộc xứ Quảng – Đàng Trong của Việt Nam. Cũng từ đây, các tổ chức làng xã, các bang hội theo nguồn gốc quê quán của cộng đồng cư dân người Hoa đã được hình thành tại nơi này.

2. Hoạt động ngoại thương của cộng đồng người Hoa ở Hội An từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII

     Người Hoa ở Hội An lúc bấy giờ gồm nhiều thành phần giai tầng xã hội khác nhau, phần lớn là những thương nhân; thợ thủ công; sĩ phu; thầy thuốc; thầy địa lý; thầy đồ; lao động phổ thông; binh lính; quan lại; quý tộc… bằng những tri thức và kinh nghiệm đã đúc kết được, người Hoa đã sớm phát huy khả năng, vai trò của mình trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, họ đã sớm nhận được những sự ưu ái của các chúa Nguyễn trong việc trọng dụng nhân tài để duy tân đất nước (Đàng Trong) như những chính sách “tôn hiền” đối với danh sĩ, những người dày dạn kinh nghiệm trong việc quản lý thương mại, thông ngôn hay “lai bách công” (thu hút thợ trăm nghề).

     Do sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và sự kế thừa những tiến bộ khoa học kỹ thuật của thời kỳ Phục Hưng ở Châu Âu đặc biệt là trong các lĩnh vực thiên văn học, bản đồ học hàng hải, kỹ thuật đóng tàu buồm v.v… mà từ cuối thế kỷ XVI, cùng với các thương nhân người Hoa, Nhật Bản, Philippines, Xiêm La, các thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp cũng đã đổ xô đến Hội An để buôn bán và trao đổi hàng hóa. Tất cả các hàng hóa từ khắp các nơi ở trong nước, từ nhiều khu vực lãnh thổ, quốc gia khác nhau đều quy tụ về đây, từ đó các hoạt động kinh tế thương mại nơi đây càng trở nên nhộn nhịp hơn. Nhận thấy được điều đó, người Hoa đã nhanh chóng bắt tay vào khai thác triệt để những nguồn lợi này, họ đã chủ trương mở các cửa hiệu đại lý, các hoạt động bao mua, mãi biện với nhân dân ở nhiều địa phương, các thương nhân trong, ngoài khu vực và ngoại quốc. Chính những điều này đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho người Hoa, đồng thời cũng thu về cho chính quốc của họ những mặt hàng có giá trị lớn. Bên cạnh đó, những hoạt động kinh tế của người Hoa cũng đã góp một phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự hình thành và phát triển của Đô thị – thương cảng Hội An.

     Đến đầu thế kỷ XVII, do việc thực thi chính sách tỏa quốc (sakoku) của Nội các Nhật Bản đã làm cho thế lực người Nhật ở ngoại quốc bị suy giảm dần. Ở Hội An, người Hoa nhân cơ hội này đã chiếm cứ các khu vực cư trú của người Nhật và dần dần chiếm lấy toàn bộ thị trường thương mại của người nhật trước kia: “Faifo gồm một con đường phố trên bờ sông và hai dãy nhà, có khoảng 100 nóc nhà của người Trung Quốc, cũng có 4, 5 gia đình người Nhật Bản. Xưa kia người Nhật là cư dân chính và làm chủ việc thương mại ở hải cảng này, nhưng số ấy đã giảm bớt và của cải của họ cũng sút kém, sự quản trị công việc buôn bán hiện nay lọt vào tay người Trung Quốc, họ có ít nhất độ mười, mười hai chiếc thuyền hàng năm từ Nhật, Quảng Đông, Xiêm, Cambodia, Manila và từ Batavia tới”1. Như vậy, trong thời kỳ này người Hoa hầu như nắm trong tay hầu hết những mối thương mại quan trọng không chỉ ở tại Hội An mà kể cả ngoài khu vực xứ Quảng – Đàng Trong. Từ những điểm thương mại lớn nhỏ, ở những vùng núi xa xôi, hẻo lánh cho đến các cảng thị sầm uất đều thấy bóng dáng của người Hoa. Một vài minh chứng cho thấy rõ các hoạt động ngoại thương của người Hoa với các nước trong và ngoài khu vực lúc bấy giờ, như theo ghi chép của Thomas Bowyear, một thương nhân người Anh khi đến Hội An ngày 18/8/1695 đã miêu tả khá rõ nét: “Các thuyền mua (đem đến Đường Trong) từ Quảng Đông: Tiền đồng được lãi rất nhiều, cũng như hàng tơ lụa hoa các kiểu, lĩnh lụa, đồ gốm Trung Quốc, chè, kẽm, thủy ngân, nhân sâm, long não và các vị thuốc khác; từ Xiêm: Lá trầu không, gỗ đỏ (dùng để nhuộm), sơn, xà cừ, ngà voi, thiếc, chì, gạo; từ Campuchia: Thư hoàng (dùng làm thuốc vẽ), cánh kiến trắng, sa nhân, sáp, sơn, xà cừ, gỗ đỏ, nhựa thông, da trâu, da và gân hươu, ngà voi, sừng tê v.v…; từ Bata-vi-a: bạc, bạch đàn, trầu không, vải cát bá đỏ và trắng, thuốc màu đỏ; từ Ma-ni: bạc, diêm sinh, gỗ đỏ, vỏ sò, thuốc hút, sáp, gân hươu. Còn “Đường Trong” bán ra: vàng, sắt, tơ và hàng dệt như lĩnh, lụa…kỳ nam, trầm hương, đường, đường phèn,…yến sào, hạt tiêu,bông…”2. Cũng như Thiền sư Trung Hoa phái Tào Động là Thích Đại Sán đã đến Hội An khoảng năm 1695 – 1696 để truyền bá đạo Phật theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu đã ghi lại trong Hải ngoại ký sự: “Vì Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập họp của khách hàng các nước, thẳng bờ sông một con đường dài ba bốn dặm, gọi là Đại Đường nhai, hai bên hàng phố ở liền nhau khít rịt… cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phô, cách bờ bên kia tức Trà Nhiêu nơi đình bạc của tàu ngoại quốc. Nhân dân đông đúc, tôm cá rau quả tập hợp mua bán suốt ngày3. Một điểm đáng chú ý là, về nguồn gốc dân cư, những người Hoa di cư đến vùng đất Hội An hầu hết chủ yếu từ các vùng duyên hải Nam Trung Hoa như Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam,… đây là những cư dân dày dạn kinh nghiệm trong việc sử dụng tàu thuyền đi biển, một phương tiện gắn liền với hoạt động kinh tế thương mại của người Hoa. Thêm vào đó, lợi thế về vị trí địa lý nằm trên con đường hàng hải giao thương quốc tế vô cùng thuận lợi đó là “con đường tơ lụa”; “con đường hương liệu”; “con đường gốm sứ”, chính vì thế Đô thị – thương cảng Hội An hội đủ mọi yếu tố cốt yếu để trở thành một trạm trung chuyển hàng hóa bậc nhất, mang tầm quốc tế lúc bấy giờ, cho nên người Hoa vừa buôn bán, trao đổi hàng hóa ở tại nơi này, đồng thời vừa đảm nhận luôn nhiệm vụ chuyển vận hàng hóa từ chính quốc của họ đến Hội An hay từ Hội An đi các quốc gia khác của khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, hay đi đến các tàu buôn phương Tây vào mùa mậu dịch hàng năm.

     Qua thế kỷ XVIII, tuy không còn phát triển mạnh như những giai đoạn trước kia nhưng Hội An vẫn là trung tâm thương mại lớn của Đàng Trong và của cả khu vực. Trong Phủ Biên tạp lục của Lê Qúy Đôn có dẫn rằng: “Những thuyền từ Sơn Nam trở về (Sơn Nam tức vùng Nam Định), người ta chỉ mua được một món hàng hóa là củ nâu mà thôi. Thuyền từ kinh thành Thuận Hóa về cũng chỉ mua được một thứ hàng hóa là vị hồ tiêu mà thôi. Còn thuyền từ miền Quảng Nam về thì trăm thứ hàng hóa, thứ gì cũng có. Các thuyền từ các phiên bang trở về cũng không có nhiều hàng hóa bằng thuyền từ Quảng Nam về. Đại phàm những hóa vật được sản xuất từ các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn, Quảng Nghĩa, Bình Khang cùng dinh sở Nha Trang, chỗ thì người ta chuyên chở hàng hóa bằng thuyền theo đường thủy, hay chở bằng ngựa theo đường bộ, đều đổ xô dồn về phố cổ Hội An. Ở nơi đây, vì các khách buôn Trung Quốc đều tới mua hàng đưa về tàu nên buổi trước hàng hóa rất nhiều, dẫu có 100 chiếc thuyền lớn chuyên chở hàng hóa trong một lúc cũng không thể chở hết được1 . Với mạng lưới rộng khắp trong, ngoài khu vực, bằng ngôn ngữ và khả năng ngoại giao tốt, người Hoa đã tạo được nhiều mối làm ăn ở nhiều địa phương, từ đó họ có thể thực hiện được các chính sách mua tận gốc, bán tận ngọn hiệu quả. Rất nhiều sản vật có giá trị ở nhiều miền khác nhau như ngà voi, trầm hương, sừng tê giác, gỗ, tơ lụa, mật gấu và các hải sản có giá trị v.v… đã được người Hoa bao mua một cách triệt để, sau đó cung cấp cho thuyền buôn ngoại quốc mỗi khi cập cảng thị Hội An. Như thế, suốt nhiều thời kỳ khác nhau người Hoa đều nắm và chi phối hầu hết các hoạt động kinh tế thương mại, nhất là đối với ngoại thương. Bên cạnh đó, trong thời kỳ này các chúa Nguyễn cũng đã chủ động giao cho người Hoa đảm nhận những trọng trách quan trọng trong việc quản lý Ty Tàu vụ ở cảng thị Hội An, một số người Hoa đã được các chúa Nguyễn phong làm quan Cai phủ tàu để kiểm soát tàu thuyền xuất – nhập cảng; thu thuế; cân đo; định giá hàng hóa hay thông ngôn v.v… Qua đó, cũng cho thấy được sự tài tình, khéo léo của các chúa Nguyễn trong việc quản lý nền kinh tế thương mại, nhất là ngoại thương đối với một thương cảng trọng yếu như Hội An.

     Vốn có thế mạnh về hoạt động kinh tế thương mại, ngay từ những buổi đầu có mặt tại vùng đất Hội An, người Hoa đã sớm tận dụng được những điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý hết sức thuận lợi của thương cảng Hội An, đồng thời người Hoa cũng đã nắm bắt tốt các cơ hội từ những chính sách ưu ái của các chúa Nguyễn trong việc phát triển nền kinh tế, chính vì thế người Hoa đã sớm nắm giữ và chi phối toàn bộ nền kinh tế thương mại, đồng thời trở thành một lực lượng quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế thương mại tại Hội An và kể cả khu vực xứ Quảng – Đàng Trong, nhất là về ngoại thương. Cũng cần nói thêm rằng, những hoạt động ngoại thương của người Hoa đã góp phần không nhỏ vào việc đưa nền kinh tế hàng hóa của cả khu vực phát triển vượt bậc ra bên ngoài, đi đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới, từ đó, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển hưng thịnh của Đô thị – thương cảng Hội An trong suốt nhiều thế kỷ qua.

__________
1. Lê Văn Hảo, Sự hình thành và phát triển của Đô thị thương cảng Hội An trong bối cảnh sự phát triển của hàng hải thế giới và thương nghiệp quốc tế ở Đông Nam Á trong các thế kỷ XVI – XVII, Kỷ yếu Hội nghị khoa học về Khu phố cổ Hội An 23 – 24/7/1985.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn (1964), Đại Nam thực lục tiền biên; Tập 1, Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội – Tr 33.

1. Nguyễn Duy Chính (tuyển dịch), Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2017, Tr 48.

2. Dưới các triều đại Vương quốc Chăm Pa, đây là cửa ngõ của miền Amaravati, nằm cách không xa là Thánh địa Mỹ Sơn và các kinh đô Sinhapura (Trà Kiệu) và Indrapura (Đồng Dương).

3. Nguyễn Chí Trung, Cộng đồng người Hoa ở Hội An trong lịch sử, Bản tin số 03 – 2017, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

4. Nhận thấy vị trí chiến lược quân sự vô cùng quan trọng, tháng 7 năm Nhâm Dần (1602), Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) cho lập Dinh trấn Quảng Nam và sai Nguyễn Phước Nguyên trấn giữ.

5. Đinh Trọng Tuyên – Đinh Bá Truyền, Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam, UBND xã Điện Phương xuất bản năm 2010, Tr 17 – 18.

1. Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, NXB Thành phố Hồ Chí Minh năm 1999, Tr 92.

1. Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong 1558 – 1777, NXB Văn học, 2001, Tr 421.

2. Thành Thế Vỹ, Ngoại thương Việt Nam hồi đầu thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX, Tr 227.

3. Thích Đại Sán – Hải ngoại kỷ sự, Q3, Viện Đại học Huế, 1963, Tr 154.

1. Lê Qúy Đôn, Phủ Biên tạp lục, Tập 2, Tr 72 – 73.

Trích dẫn tệp PDF: từ CSDL Khoa học & Công nghệ Đại học Huế

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tìm hiểu hoạt động ngoại thương của cộng đồng người Hoa ở Hội An (XVI – XVIII) – Tác giả: ThS. Trương Tuấn Vũ