Tìm hiểu tín ngưỡng Quan Âm Nam Hải ở cộng đồng ngư dân ven biển Tây Nam Bộ
STUDYING THENANHAI GUANYIN
OF THE SOUTHWESTERN COASTAL COMMUNITY
Tác giả bài viết: DƯƠNG HOÀNG LỘC
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (VNU-HCM))
TÓM TẮT
Bài viết trình bày niềm tin và thực hành nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng Quan Âm Nam Hải ở cộng đồng ngư dân ven biển Tây Nam Bộ qua hai trường hợp nghiên cứu ở xã An Thủy (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) và thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Kết quả nghiên cứu cho thấy trong quan niệm của ngư dân, Bồ Tát phù hộ cho họ ra khơi thuận lợi, bảo toàn tính mạng và nghề cá sung túc, thịnh vượng. Những thực hành nghi lễ liên quan đến Quan Âm Nam Hải cho thấy tính đa dạng trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của ngư dân địa phương. Tín ngưỡng Quan Âm Nam Hải ngày càng được ngư dân địa phương sùng kính. Điều đó cho thấy, tín ngưỡng này tiếp tục gắn bó với đời sống tinh thần của ngư dân ven biển Tây Nam Bộ.
Từ khóa: Quan Âm Nam Hải, niềm tin, nghi lễ, ngư dân, Tây Nam Bộ.
ABSTRACT
The paper aims to present the beliefsand practices relatedtoNamHaiBodhisattva (Nanhai Guanyin) of the fishermen in the Southwest coastal area, which based on the research data in two specific communities: An Thuycommune (Ba Tridistrict, Ben Treprovince) and Song Doctown (Tran Van Thoidistrict,Ca Mauprovince). Research results show that in the conception of people there, the Bodhisattvahas blessed them with a smooth journey at sea and a prosperous fishery. The practice related toNam Hai Bodhi-sattva (Nanhai Guanyin)is showing its uniqueness and diversity in the religious activities of the community, especially the local group of Chinese people. Due to the developing and expanding fishery along with its risks, the beliefs of Nam Hai Bodhisattva (Nanhai Guanyin) have become more worshipped by the local fishermen than ever before. Since then, these beliefs continue to stick with the spiritual life of the fishermen in the Southwest coastal region.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Quan Âm Nam Hải là vị Bồ Tát được cộng đồng ngư dân ven biển ở Việt Nam nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng tôn sùng, thờ phụng với mong ước phù hộ ghe tàu ra khơi được thuận buồm xuôi gió, thu hoạch tôm cá dồi dào, ngư nghiệp luôn sung túc. Cho nên, thực hành tín ngưỡng Quan Âm Nam Hải của ngư dân cần được nghiên cứu, qua đó góp phần nhận diện tính đa dạng của tín ngưỡng Quan Âm trong đời sống văn hóa-xã hội của người dân Việt Nam. Ngoài ra, tìm hiểu tín ngưỡng Quan Âm Nam Hải nhằm làm rõ hơn bức tranh sinh hoạt tín ngưỡng,tính chất dung hợp giữa tín ngưỡng và tôn giáo, cũng nhưnhu cầu tinh thần của ngư dân ven biển Tây Nam Bộ hiện nay. Hiện tại, Quan Âm Nam Hải được cộng đồng ngư dânven biển Tây Nam Bộthờphổbiến ởcác chùa, miếu và nhất là trên các ghe tàu đi đánh bắt, gắn liền với ngư nghiệp. Ngoài ra, họkhông chỉthực hành tín ngưỡng này trong phạm vi cộng đồng mà còn đến Quan Âm Nam Hải Phật Đài (Bạc Liêu) cũng nhiều ngôi chùa khác ởngoài địa phươngđểcầu nguyện. Điều này cho thấy, vai trò và vịtrí của hình thức tín ngưỡng này rất mạnh, ảnh hưởng trực tiếpđến nhu cầu tâm linh của ngư dân Tây Nam Bộhiện tại, cũng như tạo ra tính độc đáo của hình thái tín ngưỡng này.
2. Tổng quan tài liệu và phương pháp nghiên cứu
Là vị bồ tát quan trọng của Phật giáo Bắc Tông, đồng thời có sức ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng Phật giáo, nên việc giới thiệu nguồn gốc, công hạnh lẫn sự phát triển hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm được các nhà nghiên cứuPhật học, mỹ thuật giới thiệu qua nhiều công trình. Tiêu biểu là Từ điển Phật học Huệ Quang (2014) giới thiệu khá rõ về Quán Thế Âm Bồ tát, điều này hữu ích công việc khảo cứu. Ngoài ra, dưới góc nhìn khảo cứu về mỹ thuật, các học giả phương Tây, phương Đông qua nghiên cứu rồi khái quát toàn diện các hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm qua các nền văn hóa khác nhau. Cần nhắc đến Louis Frédéric với sách Tranh tượng và thần phổ Phật giáo được dịch ra tiếng Việt vào năm 2005. Tác giả dành nhiều trang viết khảo cứu về sự du nhập hình tượng bồ tát ở Tây Tạng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, nhất là ở Trung Quốc. Tại quốc gia này, sự sáng tạo các hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tỏa sáng giá trị nghệ thuật Phật giáo độc đáo của cư dân Trung Hoa. Ở Việt Nam, trong các nghiên cứu văn hóa Phật giáo trước nay đã có nhiều công trình công bố liên quan hoặc độc lập về Bồ tát Quán Thế Âm nhằm giải thích rõ quá trình du nhập, phát triển và niềm kính ngưỡng của người dân đối với bồ tát. Có thể tham khảo sách Chùa Việt Nam của Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Cự, Phạm Ngọc Long đã tái bản nhiều lần, sách Sáng giá chùa xưa mỹ thuật Phật giáo của Chu Quang Trứ (2012) hoặc công trình chuyên sâu Trí tuệ tạo hình người Việt từ hình tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay do Đoàn Thị Mỹ Hương (2014) thực hiện công phu. Về Quan Âm Nam Hải, để hiểu rõ nguồn gốc hình thành hình tôn tượng, việc thờ cúng trong các chùa lẫn niềm tin của tín đồ cần tham khảo sách Văn hóa nghệthuật chùa Việt vài nét cơ bản của nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền vừa xuất bản (2020). Tác giả phân tích bối cảnh sự xuất hiện tượng Quan Âm Nam Hải ở các chùa Bắc bộ, nhất là gắn liền bối cảnh buôn bán trên sông phát triển của cư dân đồng bằng Bắc bộ vào thế kỷ XV và XVI. Bên cạnh đó, sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang (2010) đã phân tích rõ nguồn gốc lẫn ý nghĩa của tích truyện Quan Âm Nam Hải ở Việt Nam qua hình tượng Quan Âm Diệu Thiện ởnúi Hương Tích. Nhờ đó, chúng ta biết được quá trình Việt hóa Bồ tát Quan Âm Nam Hải trong tâm thức người Việt. Việc thờ cúng Quan Âm Nam Hải ở vùng ven biển, hải đảo Nam Bộ đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Trương Thu Trang(2017) giới thiệu và phân tích quá trình hình thành Chùa Quan Âm Phật Đài cũng như niềm kính ngưỡng của ngư dân vùng biển Bạc Liêu đối với bồ tát thông qua những truyền thuyết, lễ hội,….Tôn tượng Quan Âm Nam Hải tại chùa này có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh của người dân Nam Bộ hiện tại. Phan Thị Yến Tuyết (2014), nhấn mạnh đến chức năng quan trọng của bồ tát đối với ngư dân là phù hộ độ trì họ vững vàng niềm tin trên hành trình mưu sinh đầy bất trắc trên biển, là một hình thức tín ngưỡng–tôn giáo đặc thù của cư dân ven biển nơi đây. Tuy vậy, những công trình này mang tính giới thiệu, làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp tục nhằm là sáng tỏ hơn nữa vai trò, chức năng của Quan Âm Nam Hải thông qua phương diện niềm tin,nghi lễ ở cộng đồng ngư dân ven biển Tây Nam Bộ. Nghiên cứu sử dụng phương pháp điền dã dân tộc họcbao gồm quan sát và tham dự, phỏng vấn sâu và nghiên cứu trường hợp, phỏng vấn sâu các chủ ghe, ngư dân và chủ đại lý thu mua thủy hải sản. Nghiên cứu được giới hạn ở tín ngưỡng Quan Âm Nam Hải của hai cộng đồng ngư dân ven biển Tây Nam Bộ, thuộc xã An Thủy (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) và thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) gắn liền với sựhình thành, phát triển nghề đánh bắt thủy hải sản từven bờ đến xa bờ. Xã An Thủy nằm cạnh cửa sông Hàm Luông có 960 ghe tàu, thu hút 7.000 lao động (tính đến năm 2015). Kề cửa biển Sông Đốc là thị trấn sầm uất, đông đúc ghe tàu từ nhiều tỉnh, thành khác đến lưu trú để ra biển Tây Nam khai thác. Năm 2015, thị trấn có 1.373 ghe tàu với hàng chục ngàn lao động ra khơi khai thác. Đây là hai cộng đồng ngư dân gắn với hoạt động ngư nghiệp lâu đời, khoảng 100 năm trở lại. Ngư dân tại hai cộng này thường xuyên cúng bái Quan Âm Nam Hải trên ghe tàu, tại miếu, chùa ở địa phương.
3. Kết quảvà thảo luận
3.1. Về tôn hiệu “Quan Âm” và “Quan Âm Nam Hải”
Quan Âm, gọi một cách đầy đủlà BồTát Quán ThếÂm (Avalokitesvara), là một trong những vị đại bồ tát được tín đồ Phật giáo thuộc các nước theo truyền thống Phật giáo Bắc Truyền, trong đó có Việt Nam, thờ tự với nhiều hình tượng khác nhau. Quán Thế Âm là vị bồ tát biểu trưng cho lòng từ bi của Phật giáo. Ngài thần thông và có năng lực cứu khổ cứu nạn rộng lớn. Ngoài ra, trong Kinh Hoa Nghiêm, ngài có tôn hiệu khác là Quán Tự Tại. Quán Tự Tại hay Quan Âm là một người thể hiện đầy đủ bi và trí, vì Quán Tự Tại tiêu biểu cho trí và Quan Âm tiêu biểu cho bi (Thích Trí Quảng, 2019). Bồ tát Quán Thế Âm có vai trò tiếp dẫn con người đang trầm luân trong nỗi khổ đau đi đến sự giải thoát, được về với thế giới Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà thông qua bộ tượng Tây Phương Tam Thánh (Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát) được thờ phổ biến ở các chùa. Ở Ấn Độ, trong giai đoạn hưng thịnh của Phật giáo, Bồ Tát được người dân tín kính. “Bồ Tát Quán Thế Âm là một trong các vịbồtát hiếm hoi được quần chúng suy tôn phổbiến ở Ấn Độ. Kể từ lúc khởi điểm cho đến khi Phật giáo Ấn Độ gần như diệt vong vào cuối thế kỷ XII, song những chứng cứ còn lại vẫn cho phép chúng ta khẳng định được hình tượng Quan Âm đã từng được các Phật tử Ấn Độ hết sức tôn thờ” (Đoàn Thị Mỹ Hương, 2014). Theo Louis Frédéric (2005), giới tính của Ngài lúc đầu là nam, nhưng ở Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, Ngài là nữ. Do những nước này khuynh hướng gán nữ tính cho những vị thần mang những đức tính thuộc về phụ nữ như lòng từ ái, dịu dàng, thiện tâm hay trong trắng. Trên phương diện đó, ngài được thờ phụng trong hình tướng nữ bồ tát. Được tin tưởng và tôn thờ trong dân gian, tín ngưỡng Quán ThếÂm hòa nhập và dung hợp với tín ngưỡng của người dân Việt. Bồ Tát còn được xem là một vị thánh mẫu giúp đỡ con người, được thờ cúng trong gia đình, các miếu, điện và đền thờ Mẫu. Danh hiệu Quan Âm Nam Hải ở Trung Quốc gắn liền với sự tôn thờ Bồ Tát Quán Thế Âm tại Phổ Đà Sơn tọa lạc tại huyện Định Hải, tỉnh Chiết Giang, thuộc vùng biển phía đông nam của Trung Quốc. Phổ Đà Sơn, ngọn núi cao vút, có bốn mặt là biển và nhiều hang động kì bí, đã trở thành một đạo tràng lớn của Phật giáo Trung Quốc, thánh địa tôn thờ Bồ tát Quán Thế Âm (Thích Minh Cảnh, 2014). Tại miền Bắc Việt Nam, danh hiệu Quan Âm Nam Hải được gắn với sựtích Quan Âm Diệu Thiện, là con gái của Vua Diệu Trang Vương, tu hành và chứng quả ở núi Hương Tích (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Sự tích này nhằm ca ngợi lòng tín tâm với Phật pháp, tinh thần hiếu đạo cao cả với vua cha, sự nhẫn nhục và khổ hạnh của công chúa Diệu Thiện nên sau này công chúa được chứng quả. Theo Trần Lâm Biền (2020), ở Việt Nam, hình thái Quan Âm Nam Hải mới xuất hiện thế kỷ XVI. Trong các chùa miền Bắc, dạng tượng thuộc dạng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, điển hình Chùa Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội), Chùa Thượng Trưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), Chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội), Chùa Động Ngọ (Thanh Hà, Hải Dương),… Pho Quan Âm Nam Hải ở Chùa Đa Tốn có 42 tay lớn và 652 tay nhỏ, các tay nhỏ được phân bố thành năm lớp theo từng cặp cân xứng ở hai bên sườn. Đây là pho tượng Quan Âm Nam Hải được cho là sớm nhất ở Việt Nam. Tượng Quan Âm Nam Hải được thờ ở đây là do thương nghiệp phát triển, việc đi lại chủ yếu bằng sông nước, người dân thờ Quan Âm và Quan Âm Nam Hải ở các chùa ven sông để cầu cho sự yên lành khi đi thuyền bè.
3.2. Niềm tin và thực hành nghi lễ Quan Âm Nam Hải
Quan Âm Nam Hải là vị BồTát được người dân các địa phương ven biển, hải đảo Nam bộ tôn kính. Thông thường, ngư dân thờ phụng bồ tát ngay trên ghe tàu để được phù hộ. Hầu hết ghe tàu ra khơi đánh bắt đều thờ bồ tát, tin vào quyền năng cứu khổ cứu nạn của ngài. Ở xã An Thủy, các chủ ghe tàu thỉnh tranh Quan Âm Nam Hải mang đến các chùa để “khai quang điểm nhãn”, sau đó đến chùa nhờ nhà sư xem ngày tốt để thỉnh bồ tát an vị trên ghe tàu. Trên địa bàn Sông Đốc, không có chùa, nên một số chủ ghe, sau khi xem ngày tốt tự đặt tranh thờ và bày lễ vật (bông, trái cây, bánh, xôi chè,…), thắp đèn hương tại bàn thờ nơi ca bin ghe thành tâm khấn nguyện bồ tát phù hộ công việc đánh bắt của họ. Một số chủ ghe khác, có quen biết với một số ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đã đến chùa nhờ khai quang điểm nhãn, chọn ngày tốt rồi tiến hành nghi thức an vị tranh thờ Quan Âm Nam Hải trên ghe. Đặc biệt, trên cabin nhiều ghe ở xã An Thủy và thị trấn Sông Đốc, Quan Âm được thờ cạnh tranh thờ Bà Thủy Long -vị thần phù hộ việc đi lại trên sông biển. Người tài công thắp hương, dâng trà bánh cầu nguyện bồ tát phù hộ họ vững tin hơn mỗi khi lênh đênh trên biển, đối diện với sóng to gió lớn cũng như bày tỏ mong muốn khi thả lưới, thả cào xuống biển đều thuận lợi, thu hoạch tôm cá dồi dào. Ngày rằm và mùng một hằng tháng, họ cúng trái cây, hoa tươi và bánh, trà tại bàn thờ trong cabin. Không chỉ được thờ trên ghe tàu, ngư dân địa phương thờ Quan Âm Nam Hải tại sân chùa, miếu trên địa bàn Sông Đốc, An Thủy. Tại thị trấn Sông Đốc, tượng Quan Âm Nam Hải được tôn trí trong khuôn viên Thiên Hậu Cung và Hưng Hải Tự. Ở xã An Thủy, ba ngôi chùa Thắng Quang, Tân Bửu và Bửu Sơn đều có đặt tôn tượng Quan Âm Nam Hải để đáp ứng nhu cầu tâm linh của phật tửlẫn người dân địa phương. Cần nhắc đến tượng Quan Âm Nam Hải được thờ tại Thiên Hậu Cung– thị trấn Sông Đốc. Tượng này được an vị vào năm 2008 thông qua nghi thức “xin keo” Thiên Hậu Thánh Mẫu của Ban Quản trị Thiên Hậu Cung với mong muốn được Bà Thiên Hậu “cho phép” thỉnh tượng bồ tát về thờ tại miếu để phù hộngư nghiệp ở địa phương sung túc, đời sống nhân dân khấm khá. Nhiều chủ ghe, chủ đại lý thu mua thủy hải sản ở địa phương thường xuyên tổ chức đi cúng bái ở Chùa Quan Âm Phật Đài (phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu). Vì vậy, theo đại diện Ban Quản trị Thiên Hậu Cung, để thuận lợi cho việc lễ bái, cần có thêm tôn tượng Quan Âm Nam Hải tại thị trấn Sông Đốc nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng, bên cạnh việc thờ cúng bồ tát trên ghe cũng như tại các chùa. Tại xã An Thủy, tượng Quan Âm thờ trong sân Chùa Thắng Quang, Chùa Bửu Sơn, Chùa Tân Bửu. Đặc biệt, Miếu Quan Âm (1) nằm cạnh cửa sông Ông Đốc là nơi cầu nguyện của một số chủ ghe và ngư phủ địa phương. Tranh và tôn tượng Quan Âm Nam Hải được hai cộng đồng ngư dân An Thủy và Sông Đốc thờ cúng phản ánh rõ tính chất cứu khổ cứu nạn ngư dân trên biển của bồ tát. Phần nhiều tranh được vẽ theo mẫu Quan Âm hàng phục long ngư. Trong tranh, Quan Âm Bồ Tát là một người phụ nữ có khuôn mặt hiền hậu, đầu đội mũ, thân mặc áo bào trắng, hai bàn chân đứng trên đầu rồng giữa biển khơi đang cuồn cuộn sóng. Ý nghĩa của tranh này cho thấy bồ tát đã chứng đạo, hàng phục được tâm mình, đồng thời khuất phục cả sự hung dữ và sân hận của long ngư đang gây ra cuồng phong bão tố. Mặt khác, một tay bồ tát cầm bình tịnh thủy rưới nước cam lồ xoa dịu khổ đau của chúng sinh, còn tay kia thì kiết ấn tam muội để vận thần thông cứu nạn các sinh linh bịphiêu dạt trên biển. Một số ghe khác thỉnh tranh bồtát đứng trên tòa sen giữa biển cảmênh mông, tay cầm bình tịnh thủy và tay lấy nhành dương liễu rưới nước cam lồ, phía sau có con két ngậm chuỗi anh lạc. Ngoài ra, tượng Quan Âm Nam Hải trong khuôn viên Thiên Hậu Cung (thị trấn Sông Đốc), Chùa Tân Bửu (xã An Thủy) được tạc mình đứng trên thân rồng, một tay bắt ấn còn tay kia cầm bình tịnh thủy, khá giống với tranh thờ trên một số ghe. Còn lại, ở các chùa, miếu khác, tượng bồ tát trong tư thế đứng trên tòa sen, tay trái kiết ấn tam muội và tay phải cầm bình tịnh thủy. Qua đây cho thấy rõ niềm tin, ước vọng của ngư dân địa phương vào uy lực cứu khổ cứu nạn của Quan Âm Nam Hải. Tính thống nhất của tranh, tượng thờ Quan Âm Nam Hải tại đây là tư thế đứng, tức luôn sẵn sàng cứu giúp người gặp nạn trên biển. Nhiều chủ ghe ở Sông Đốc, An Thủy cho biết nơi họ thường xuyên đến cầu nguyện Quan Âm Nam Hải là Chùa Quan Âm Phật Đài (phường Nhà Mát). Theo Trương Thu Trang(2017), nguồn gốc của Chùa Quan Âm Phật Đài có rất nhiều giả thuyết. Thứ nhất, trước đây là một ngôi miếu nhỏ do người dân lập nên để thờ Công Chúa Thủy Tề và sau mới lập tượng Quan Âm Nam Hải. Thứ hai, một giả thuyết khác lúc đầu đây là ngôi miếu nhỏ thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, nhưng sau này người ta thỉnh tôn tượng Quan Âm Nam Hải để thờ phụng. Thứ ba, tượng Quan Âm Nam Hải do Bác sĩ Nguyễn Tú Vinh nằm mộng thấy bồ tát thị hiện ở vùng biển Bạc Liêu nên đã vận động các mạnh thường quân đóng góp tiền thỉnh tượng về an vị tại đây dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Trí Đức. Nhiều năm qua, Quan Âm Phật Đài trở thành một điểm hành hương mang màu sắc văn hóa Phật giáo tọa lạc bên bờ biển Bạc Liêu. Tôn tượng bồ tát Quán Thế Âm được xây dựng từ năm 1973 do chủ trương của Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Bạc Liêu. Với kích thước hơn 11m, tượng được dựng bên bờ biển Đông, mặt hướng ra biển. Từ các nơi, hàng năm du khách về chiêm bái, thời gian gần đây lên đến gần hai trăm ngàn lượt người (Trần Hồng Liên, 2014). Những người tham gia ngư nghiệp ở An Thủy và Sông Đốc đến đây cầu nguyện BồTát không cố định về mặt thời gian. Có người đi hành hương mỗi năm một lần vào dịp đầu năm, nhưng nhiều người mỗi tháng tổ chức thành nhóm đi lễ bái Quan Âm Nam Hải một lần với mục đích trả lễ Bồ Tát sau chuyến ra khơi thành công và cầu nguyện cho chuyến tiếp theo trúng nhiều tôm cá. Việc tôn thờ lẫn cầu nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm trên nhiều ghe tàu của ngư dân An Thủy lẫn Sông Đốc cho thấy sự hỗn dung giữa tín ngưỡng với Phật giáo. Đồng thời, việc thiết lập tôn tượng bồ tát trong khuôn viên Thiên Hậu Cung (thị trấn Sông Đốc) thể hiện rõ tính chất dung hợp mạnh mẽ giữa Phật giáo với tín ngưỡng Thiên Hậu. Bên cạnh đó, ở thị trấn Sông Đốc, bồ tát được thờ với tư cách là vị thần chủ trong ngôi miếu nằm cạnh cửa Sông Ông Đốc–nơi ra vào của ghe tàu để ngư dân thuận lợi cúng bái. Trong tiến trình thực hiện nghi thức cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu trong ngày hai ba tháng ba âm lịch của Thiên Hậu Cung, toàn bộ ban quản trị và người dân hành lễ trước tiên ở ban thờ Thiên Địa Phụ Mẫu, kế đến là ban thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, sau mới tế lễ Thiên Hậu Thánh Mẫu và chư vị thần linh phối thờ trong miếu. Điều này cho thấy sự quan trọng của bồ tát được phụng thờ trong ngôi miếu Hoa này. Trong quan niệm của nhiều người Hoa ở Nam bộ, Thiên Hậu được Quan Âm điểm đạo, thu nhận làm đệ tử và truyền dạy phép thuật để cứu dân độ thế. Sách Bồ tát ngoại truyện chép: Theo tương truyền, thánh mẫu còn là đệ tử của Quan Âm Bồ Tát nên được bồ tát truyền đạo, dạy phép thuật để trừ ma quái và cứu nhân độ thế. Từ khi được Quan Âm tặng cho hộp gấm có nhiều pháp bảo trấn yêu giải nạn, tạo phúc cho dân, chữa bệnh bệnh khỏi, đóng giếng giếng đầy, vô cùng linh nghiệm (Dương Thu Ái, Nguyễn Kim Hanh, 2007). Qua quan sát của chúng tôi, tại Lễ vía Thiên Hậu, lễ vật cúng Quan Âm Nam Hải gồm nhiều món truyền thống của người Hoa như: chè ỉ đỏ, phước cốm, mì sụa, bánh đào,…Mỗi món dâng lên cho bồ tát thể hiện ý nghĩa khác nhau, chè ỉ là ước vọng mọi sự đều viên mãn, may mắn, mì sụa cùng bánh đào với mong muốn được trường thọ, phước cốm nghĩa là cầu được nhiều phước,… Nghi thức cúng Quan Âm Nam Hải tại Thiên Hậu Cung mang đậm sắc thái văn hóa tộc người Hoa, cho thấy tính độc đáo so với cách thờ cúng bồ tát ở nhiều nơi của cộng đồng. Bên cạnh đó, tính dung hợp giữa tín ngưỡng với tôn giáo còn được biểu hiện qua xu hướng “dân gian hóa” việc thờ phụng Bồ tát Quán Thế Âm. Tại Miếu Quan Âm (thị trấn Sông Đốc), Quan Âm Nam Hải được người dân tôn xưng là Mẹ Nam Hải, có ban thờ Tả Ban và Hữu Ban chầu hầu hai bên. Ông L.V.Đ, người giữ miếu này, cho biết: Lễ vía Quan Âm Nam Hải diễn ra vào ngày mười chín tháng mười hằng năm. Khi cúng, ở bàn thờ Quan Âm, người ta chỉ dọn trái cây, xôi chè do bồ tát chỉ ăn chay, còn phía ngoài sân miếu dọn bàn cúng có trái cây, gà, vịt. Ngoài ra, một số chủ ghe mang heo quay đến miếu để cúng cho binh tướng của Quan Âm Nam Hải và Bà Cậu lẫn chư vị khuất mặt khuất mày–theo quan niệm của họ. Như vậy, việc thực hành tín ngưỡng Quan Âm Nam Hải tại ngôi miếu này thể hiện rõ yếu tố dân gian, khác hẳn với các ngôi chùa có thờ cúng bồ tát hoàn toàn diễn ra theo nghi thức Phật giáo gồm có khóa lễ tụng kinh cầu nguyện và chỉ dâng cúng thực phẩm chay. Các chùalàm lễ vía Quan Âm Bồ Tát vào ba ngày: Ngày 19 tháng hai âm lịch (vía đản sinh), ngày 19 tháng sáu âm lịch (vía thành đạo) và ngày 19 tháng chín âm lịch (vía xuất gia). Ngoài ra, đối với các vong linh ngư phủ mất trên biển, khi tiến hành làm lễ vớt vong, người chủ lễ phải cầu nguyện Quan Âm Nam Hải với ý nghĩa bồ tát từ bi phóng quang, giúp đưa vong linh người mất vềlại với gia đình của họ. Thượng tọa T.M.C, trụ trì Chùa Thắng Quang, xã An Thủy, cho biết thêm: Khi đi ghe ra biển, đến nơi ngư phủ bị mất tích, nhà sư thắp hương thành tâm cầu nguyện Quan Âm Nam Hải, Địa Tạng Vương BồTát. Thực hiện khoa nghi vớt vong xong thì nhà sư tiếp triệu linh hồn người mất, tiếp đó thả lá phan xuống nước để vớt vong hồn dưới biển lên. Lúc này, gia đình múc nước biển đổ vào chai đem về nhà để thờ. Nhờ đó, vong linh người mất có thể về đoàn tụ được với gia đình của họ. Mặt khác, cũng trên địa bàn An Thủy, qua lời kể lại của Thượng tọa T.M.C, một số ghe có ngư phủ chẳng may mất tích ngoài biển, chủ ghe đến chùa thỉnh thượng tọa này đến ghe cúng tẩy uế bằng nghi thức Mật tông là trì Chú Đại Bi. Trong Phật giáo, bài chú này phổ biến, liên quan đến uy lực của Bồ tát Quán Thế Âm với công năng giải trừ mọi ác chướng tai nạn, đem lại bình an cho con người. Sau khi tụng chú xong, thượng tọa dùng nước đã gia trì để sái tịnh, tẩy uế ghe. Sau đó, chủghe dùng dao cạo bỏ lớp mặt bên ngoài phía trước mũi ghe để không còn bị xui xẻo, hoàn toàn yên tâm xuất hành ra khơi.
4. Kết luận
Thông qua việc ngư dân tôn thờ và cầu nguyện, đặt trọn niềm tin tưởng vào vị bồ tát quan trọng, phổ biến của Phật giáo Bắc tông-Quán Thế Âm đã cho thấy sự hội nhập lẫn tác động sâu sắc của Phật giáo vào thực hành tín ngưỡng của ngư dân địa phương trong thời gian qua. Mặt khác, Quan Âm Nam Hải, qua cách tôn xưng gần gũi của ngư dân là Mẹ Nam Hải, đã trở thành một vị mẫu che chở, giúp đỡ con người, gắn với nhu cầu thiết thực trong cuộc sống của họlà cầu mong cho ghe tàu được thuận lợi, thu hoạch thủy hải sản dồi dào, kinh tế ngày càng sung túc hơn. Điều này thể hiện xu hướng dân gian hóa tín ngưỡng Quan Âm ở Việt Nam do tính chất dung hợp lẫn sự thâm nhập mạnh mẽ của Phật giáo vào văn hóa Việt Nam trước nay. Với ngư dân đánh bắt trên biển, niềm tin tưởng vào uy lực, thần thông của bồtát chuyên cứu khổ cứu nạn sẽ bảo vệ và ngăn chặn nhiều rủi ro, tai nạn của hoạt động đánh bắt giữa biển khơi mênh mông hết sức mạnh mẽ. Ngày nay, ngư dân An Thủy, Sông Đốc nói riêng và Nam bộ nói chung không ngừng mở rộng phạm vi đánh bắt, ngày càng tiến ra khơi xa để khai thác. Vì vậy, họ phải đương đầu, chịu đựng với rất nhiều thách thức, rủi ro từ yếu tố tự nhiên lẫn xã hội. Những thách thức, rủi ro tác động đến sự phát triển bền vững của ngư nghiệp là thiếu ý thức bảo vệ tài nguyên dẫn đến việc khai thác theo lối tận diệt làm cạn kiệt nguồn tôm cá, việc ô nhiễm môi trường biển, một bộ phận ngư dân xâm phạm ngư trường các nước láng giềng. Những vấn đề này đã và đang tác động mạnh đến đời sống xã hội lẫn tâm lý của ngư dân tại vùng biển Nam bộ. Vì thế, họ không chỉ bảo tồn, lưu giữ sinh hoạt tín ngưỡng mà còn tăng cường, phát triển thêm niềm tin thông qua việc cùng đóng góp khởi tạo tôn tượng Quan Âm Nam Hải thờ trong khuôn viên một số lăng, miếu và thường xuyên tổ chức đi dâng hương tại Chùa Quan Âm Phật Đài (Bạc Liêu). Phải chăng đây là một xu hướng nổi bật trong sinh hoạt tín ngưỡng của ngư dân Nam bộ trong thời gian qua với mục đích ổn định tâm lý, vững vàng đối phó với bao thách thức phát sinh mà họ không thể lường trước được? Điều này đã tạo nên một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, nếu không nói đến sự mạnh mẽ, để trở thành một sắc thái văn hóa biển khá nổi bật, độc đáo ở vùng đất Nam bộ hiện nay.
Chú thích:
(1) Miếu Quan Âm ở khóm 1 thị trấn Sông Đốc, được xây dựng thô sơ với phần mái lợp tole, tường gạch nhưng chưa được tô xi măng. Trong miếu, tượng và ảnh Quan Âm Bồ Tát đứng trên tòa sen ở ban thờ chính giữa còn Tả Ban, Hữu Ban, Trăm Quan và Trăm Họ ở hai bên. Giữa sân miếu là ban thờ Thiên Địa Phụ Mẫu, hai bên là miếu thờ Vạn Ban Ngũ Hành và Thần Hoàng Bổn Cảnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Dương Thu Ái & Nguyễn Kim Hanh (2007). Bồtát ngoại truyện.NXBVăn hóa Thông tin.
[2] Đoàn Thị Mỹ Hương (2014). Trí tuệ tạo hình người Việt từ hình tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. NXB Chính trị Quốc gia.
[3] Louis Fredric (2005). Tranh tượng và thần phổ Phật giáo. NXB Mỹ thuật.
[4] Trần Hồng Liên(2014). Lễhội Quán Thế Âm–Đà Nẵng: Truyền thống và hiện đại. In trong: Lễ hội cộng đồng: Truyền thống và biến đổi. NXB Đại học Quốc gia TPHCM.
[5] Trần Lâm Biền (2020). Văn hóa nghệ thuật chùa Việt vài nét cơ bản. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[6] Trương ThịThu Trang (2017). Tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân vùng biển Bạc Liêu. Luận án tiến sĩ Văn hóa học. Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
[7] Thích Minh Cảnh (chủbiên) (2014).Từ điển Phật học Huệ Quang (tập 1). NXB Tổng hợp TPHCM.
[8] Thích Trí Quảng (2019). Cảm hạnh Quan Âm, tương thông Quan Âm, mọi việc tự tốt đẹp. In trong. Báo Giác Ngộ, số 1020.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một, Số 5(48)-2020
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tìm hiểu tín ngưỡng Quan Âm Nam Hải ở cộng đồng ngư dân ven biển Tây Nam Bộ (Tác giả: Dương Hoàng Lộc) |