Tìm hiểu về tình hình quản lý vùng đất bao quanh kinh thành Huế dưới thời nhà Nguyễn

Tác giả bài viết: ĐỖ MINH ĐIỀN
(Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)

TÓM TẮT

      Vùng đất bao quanh Kinh Thành Huế (tính từ mép sông hộ thành vào đến chân tường thành, bao quanh cả bốn mặt thành, sử gọi là Tứ diện quách ngoại) đóng một vai trò trọng yếu đối với tổng thể bố cục của công trình. Ngoài chức năng phòng thủ và giao thông, vùng đất này còn góp phần tạo nên vẻ bề thế, uy nghiêm của trung tâm quyền lực tối cao của đất nước dưới thời nhà Nguyễn. Qua một số sử liệu quan phương nhà Nguyễn và tư liệu đương thời, bài viết này góp bàn một cách khái quát về tình hình quản lý của triều đình đối với dải đất bao quanh Kinh Thành Huế, từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1934.

1. Tình hình quản lý vùng đất bao quanh Kinh Thành Huế vào thế kỷ IX

     1.1. Khởi công xây dựng dưới thời vua Gia Long [1802 – 1820] và cơ bản hoàn thiện dưới triều vua Minh Mạng [1820 – 1841], Kinh Thành Huế là tòa thành khá đồ sộ, với tổng diện tích mặt bằng lên đến 520ha. Đây chính là trung tâm quyền lực tối cao của triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

     Kinh Thành Huế với 3 vòng/lớp tường thành: Kinh Thành (京城), Hoàng Thành (皇城) và Tử Cấm Thành (紫禁城). Bao quanh nó là hệ thống Hộ Thành hà: sông đào An Hòa ở mặt bắc, Sông Hương ở phía nam, sông đào Kẻ Vạn phía tây và sông đào Đông Ba ở phía đông. Qua mô tả của sử liệu nhà Nguyễn, khoảng đất trống kế cận bên ngoài tường thành Kinh Thành được quy hoạch với hai tuyến đường thủy (Hộ Thành hà, Hộ Thành hào) và hai tuyến đường bộ (tuyến Phòng lộ, Thành giai),(1) tạo thành một pháo đài phòng thủ chắc chắn.

     Vùng ngoài/ngoại quách Kinh Thành hay vùng bao quanh Kinh Thành (tứ diện quách ngoại, 四面郭外) là cách mà chính sử nhà Nguyễn định danh, để xác định dải đất men theo tường thành của bốn mặt Kinh Thành, được giới hạn từ chân thành (khu vực Phòng lộ) ra đến Hộ Thành hà. Hệ thống vành đai quanh Kinh Thành được hình thành cùng với quá trình xây dựng Kinh Thành Huế.(2)

     Nếu như khu vực Hoàng Thành là nơi cấm địa, thì nội vi Kinh Thành được triều đình nhà Nguyễn xác định là “vùng đất bất khả xâm phạm”. Ngoại trừ phủ đệ của hoàng tử, hoàng tôn, công chúa, dinh thự quan viên văn võ (tứ phẩm trở lên) và đồn canh, binh xá thì tuyệt đối cấm dân thường cư trú. Không ít lần các vị vua triều Nguyễn nhấn mạnh sự tôn nghiêm tối đa của Kinh Thành: “Kinh sư là nơi vua ở phải nên trấn tĩnh nghiêm túc”,(3) hay “Kinh Thành là nơi căn bản ở giữa nước để mưu nghiệp lớn, phải nên chỉ bảo rõ điều răn cấm”.(4)

     Trong hồi ức của Michel Đức Chaigneau vào đầu thế kỷ XX, ông cho biết “Kinh Thành Huế chỉ là một thành quách rộng mênh mông, ở đó tập trung toàn bộ vương quyền: nơi vua ở, với những binh đội bảo vệ, những đội súng thần công, kho tàng, xưởng đúc súng và kho xưởng. Trong vòng thành thứ nhất, ngoại trừ một số tư thất của quan lại, người ta không thấy nhà người dân thường nào cũng như dịch vụ buôn bán gì bên trong, nếu có thì chỉ là những quán bán trà lá hay thực phẩm cho lính tráng và gia nhân quan lại. Người buôn bán kiểu này thường ở trong những căn nhà tạm bợ tồi tàn, bằng tre có mái rơm, thay vì làm đẹp thành phố thì chỉ làm thêm xốn mắt. Mọi dịch vụ buôn bán, mọi nghề nghiệp cũng như nhà cửa phú hộ đều nằm hết ở những thị trấn hay ngoại thành lân cận”.(5)

     1.2. Dải đất bao quanh Kinh Thành Huế do Nha Hộ Thành (護城衙)(6) chịu trách nhiệm toàn bộ về vấn đề an ninh. Phân phối lực lượng binh lính tuần phòng sẽ do Bộ Binh trực tiếp quản lý. Cả hai đơn vị này, đều đặt dưới quyền kiêm quản (hoặc phối hợp) bởi phủ Thừa Thiên.

     Kể từ triều vua Gia Long trở đi, địa bàn này được phân chia “địa phận” cho các doanh, vệ. Trong đó, khu vực mặt tiền (phía nam) là binh xá của đội Long Thuyền (龍船兵), xưởng Tài Mộc (材木司),(7) trường tập võ (武場), sở Tể Sanh (宰牲),(8) trường trồng dâu. Phía đông là trường tập võ của các bảo Kỳ Võ/Vũ (耆武場), lò nung vôi, xưởng thuyền các vệ: Cẩm Y (錦衣衛), Kim Ngô (金吾衛), Kỳ Võ (耆武衛). Khu vực phía tây là trường tập võ của vệ Cấm Binh (禁兵衛武場), trường tập bắn pháo Thần Cơ (神機衛砲演), công xưởng vệ Tuyển Phong (選鋒衛廠), Võ Học đường (武學堂), các trại sở nuôi trâu và phía bắc (mặt hậu) là các sở xưởng thuyền các vệ.(9)

     Về việc tuần tra, kiểm soát ở bốn mặt ngoài quách Kinh Thành, phân chia làm 4 đạo, “đêm nào mỗi đạo cũng đều phái Suất đội, Đội trưởng 5 người và 50 lính chuyên đi tuần kiểm”.(10) Đạo Đệ Nhất từ cửa Đông Nam (cửa Thượng Tứ) đến cửa Tây Nam (cửa Hữu), giao cho lính Tuyển Phong thuộc vệ Kỳ Vũ, doanh Vũ Lâm (羽林). Đạo Đệ Nhị từ cửa Đông Nam đến cửa Đông Bắc (cửa Kẻ Trài), giao cho lính tuyển Tuyển Phong ở các bảo. Đạo Đệ Tam từ cửa Tây Nam đến cửa Tây Bắc (cửa An Hòa), giao cho lính Tuyển Phong thuộc các bảo Cấm Binh. Đạo Đệ Tứ từ cửa Đông Bắc đến cửa Tây Bắc giao cho biền binh hai vệ tả hữu Thừa Dũng (承勇). Vùng đất ngoài quách, bên cạnh chức năng là tuyến phòng hộ bảo vệ toàn bộ khu vực Kinh Thành, còn đảm nhận vai trò [1] để cho quân lính thao diễn, luyện tập, ranh giới tuần tra; [2] làm nơi chăn thả trâu ngựa của các vệ binh; [3] trú đóng các binh xá, công xưởng quân đội. Có tất cả 4 trục đường (tương ứng bốn phía) chạy song song giữa Hộ Thành hào với Hộ Thành hà. Bản đồ sách Đại Nam nhất thống chí biên soạn dưới triều Duy Tân, cho biết 4 con đường này chính là “Quan lộ” (官路),(11) có vai trò rất quan trọng trong hoạt động tuần phòng, đi lại của quan dân và giao thông vận tải. Cùng với hệ thống cầu bắc qua Hộ Thành hà, đường Quan lộ có nhiệm vụ kết nối địa bàn Kinh Thành với vùng dân cư lân cận.

     Trong giai đoạn thịnh trị của vương triều Nguyễn, với chế tài xử phạt nghiêm khắc và hệ thống giám sát chặt chẽ, hoạt động quản lý ở khu vực ngoài quách Kinh Thành được triều đình ban hành rất nhiều điều khoản quy định có tính chất bắt buộc chung và được “pháp lý hóa” bằng hàng loạt các văn bản, tống đạt đến tất cả cơ quan đơn vị (Phủ Thừa Thiên, Bộ Binh, Bộ Hộ, Nha Hộ Thành…) yêu cầu nghiêm túc thực thi.

     Dưới thời vua Gia Long [1802 – 1820], toàn bộ “bốn mặt chân quách ngoài thành cho đến chân Kinh Thành đều không được làm lều quán, trồng hoa màu, ai trái lệnh thì phạt 50 roi, bắt phải dỡ đi, san bằng như cũ”.(12) Khảo sát từ các bộ chính sử, dễ dàng nhận thấy nhà Nguyễn nghiêm cấm tuyệt đối với 5 nhóm hành vi vi phạm dưới đây: [1] không được xây nhà, làm lều quán trên địa phận bốn mặt ngoài Kinh Thành; [2] cấm đào giếng, đào hồ, tự tiện xây cầu, lập bến; [3] cấm chăn thả gia súc, gia cầm, cấm đơm thả lưới bắt cá; [4] cấm người dân trồng rau, trồng khoai và các loại hoa màu nói chung; [5] cấm ca xướng hát hò gây ồn ào, cấm đốt pháo, trộm cắp.(13)

     Dù đã định hẳn chế tài xử phạt, nghiêm cấm dân thường lén lút tá túc, xây dựng nhà cửa, nhưng xem ra, đến thời vua Tự Đức hoạt động nhập cư trái phép vẫn tái diễn, đôi lúc lại nằm ngoài sự kiểm soát. Bản Tấu năm 1870 cho thấy nỗ lực của triều đình nhằm chấn chỉnh tình hình dân ẩn lậu: “Kính xét năm Tự Đức thứ 21 [1868], Bộ chúng thần hội đồng với Phủ làm phiến tâu đã đi khám các chỗ tả, hữu, hậu bên ngoài quách. Trong đó các sở, sảnh, thự, xưởng, xá, chuồng trâu của nhà nước xây dựng xin cứ cho làm như cũ, còn ngoài ra các nhà ngói tạp nham của quân dân xây dựng riêng tư, xin tuân theo lời phê tiến hành triệt bỏ, di dời”.(14)

     Quản lý địa bàn có diện tích khá rộng, đòi hỏi lực lượng binh lính khá đông đảo thường trực. Tuy vậy, từ cuối thế kỷ XIX trở đi, triều đình Huế mất dần quyền kiểm soát, quyền lực bị giới hạn đáng kể. Trong đợt khám đạc vào cuối thời vua Tự Đức, Nội Các triều Nguyễn cho biết số liệu về đất đai “bỏ không” ở bốn mặt thành: “đất bỏ không dài 1 ngàn 78 trượng, đất đã thành thổ 80 mẫu 5 sào hơn. Trong đó, mặt trước dài 159 trượng, thành thổ 11 mẫu 2 sào 11 thước; mặt tả dài 370 trượng, thành thổ 31 mẫu 6 sào 14 thước; mặt hậu dài 209 trượng, thành thổ 15 mẫu 12 thước; mặt hữu dài 340 trượng, thành thổ 22 mẫu 6 sào 10 thước”.(15)

     Trước những khó khăn về tài chính lẫn nhân lực,(16) để hạn chế việc hoang hóa đất đai, xâm thực cỏ dại, triều đình cho thực hiện song song hai biện pháp: [1] Ở các chỗ đất hoang, giao cho binh dân phân chia canh tác hoa màu: cây gai, lúa nếp, đậu, ngô…, đồng thời thay phiên nhau phát dọn; [2] ngoại trừ khu vực mặt tiền Kinh Thành (từ cầu Lợi Tế đến giáp chân cầu Gia Hội), 3 mặt còn lại căn cứ theo địa phận từng doanh, vệ để trồng các loại cây: mít, xoài, mai.(17)

      Như vậy, cho đến cuối triều vua Tự Đức, ngoài khu chợ Đông Gia(18) do triều đình thiết lập ở phía đông Kinh Thành, tuyệt nhiên không có bất kỳ người dân nào tự tiện xây dựng nhà cửa trên địa bàn ngoài quách Kinh Thành. Sang đến triều vua Đồng Khánh [1885 – 1889], phố Cửa Đông (phố Đông Ba), rồi sau đó là phố Trường Tiền [1899] lần lượt ra đời, dân cư từ khắp nơi bắt đầu tụ về.

2. Tình hình quản lý vùng đất bao quanh Kinh Thành Huế vào nửa đầu thế kỷ XX

     Sau ngày hiện diện trên bán đảo Đông Dương, cùng với việc củng cố bộ máy cai trị, đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa, người Pháp nhanh chóng bắt tay tổ chức điều chỉnh địa giới hành chính. Trong bối cảnh đó rất nhiều thị xã, thành phố trong cả nước lần lượt ra đời: Sài Gòn được thành lập theo Sắc lệnh ngày 08/01/1877, Chợ Lớn [20/10/1879], Hà Nội [18/7/1888] rồi Hải Phòng [19/7/1888].(19)

     Gần 10 năm sau đó, kế hoạch thiết lập các đô thị ở Trung Kỳ chính thức được khởi động. Căn cứ vào bản báo cáo do Cơ Mật Viện đệ trình vào ngày 06 tháng 9 năm 1898, ngày 05 tháng 6 năm Thành Thái thứ 11 [12/07/1899], vua Thành Thái ban hành “Dụ chỉ” công bố quyết định thành lập các thị xã ở Trung Kỳ (Thanh Hóa, Vinh, Huế, Hội An, Quy Nhơn và Phan Thiết). Trên Công báo Đông Dương thuộc Pháp (Journal officiel de l’Indochine Française) ngày 15 tháng 02 năm 1912 (sic) đăng tải nguyên văn Nghị định ngày 30/8/1899 do Boulloche (Khâm sứ Trung Kỳ) và Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương) đặt bút ký, chuẩn y “về việc thành lập các trung tâm và ngân sách đô thị ở Trung Kỳ”.(20) Theo đó, những điều quy định trong các Dụ chỉ của triều đình sẽ chính thức có hiệu lực. Tất cả chính sách đô thị: ngân sách, nhân sự, thuế má, an ninh, hạ tầng… sẽ được thông qua bằng một Nghị định của Khâm sứ Trung Kỳ.

     Sự kiện thiết lập các phường ở bên ngoài Kinh Thành Huế được sử quan nhà Nguyễn ghi chép rất cụ thể: “Năm Mậu Tuất, Thành Thái thứ 10 [1898], đặt phường ấp bên ngoài Kinh Thành. Bên ngoài Kinh Thành vốn do Nha Hộ Thành tuần phòng, gần đây phố xá chen chúc, hào nước quanh thành bẩn thỉu. Công sứ Thừa Thiên nghĩ trong thành vẫn do Nha Hộ Thành tuần phòng gìn giữ như cũ, còn ngoài thành đổi giao cho Phủ Thừa Thiên nghĩ lập phường ấp, đều đặt Phường trưởng, Phố trưởng sai tuần phòng kiểm soát. Khâm sứ bàn do Cơ Mật Viện tâu lên, chuẩn cho thi hành”.(21)

     Đợt điều chỉnh này được rất nhiều tư liệu ở các phường phản ánh, như trường hợp văn bia “Đệ Nhất phường sáng tạo đình vũ ký sự bi” (第一坊創造亭宇記事 碑) cho biết: Đất đai bổn phường khai thác đã từ xưa rồi. Khi quốc triều định đô ở Phú Xuân đã cắt dải đất bên trên của Sông Hương bao quanh Kinh Thành để làm vùng ngoài quách. Vào đời vua Tự Đức [1848 – 1883] đã cho dân cư tụ tập bốn phía, tạm thành phường ấp. Năm Kỷ Hợi, triều vua Thành Thái [1899] đội ơn quý quan lớn bảo hộ thúc giục thành lập ở vòng quanh ngoài thành, từ đường quan giáp cầu đá cửa Đông Nam [cửa Thượng Tứ] dọc theo sông [Sông Hương, sông Đông Ba] cho đến phía đông cầu Thanh Long, bao gồm 5 giáp lập nên phường Đệ Nhất, thuộc thành phố. Phường có tên Đệ Nhất cũng từ đó vậy, được ban con dấu, đặt Lý trưởng, cử Hương bộ chia lo việc của phường để sung thuế nhà nước.(22)

     Đối với Huế, trung tâm quyền lực của thực dân Pháp ở Trung Kỳ, cơ cấu địa giới hành chính nhằm quy hoạch đô thị Huế thành trung tâm đa chức năng (hành chính, quân sự, kinh tế, văn hóa…), xác lập khu vực ảnh hưởng, hoàn thiện hệ thống chuỗi các đô thị trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, phục vụ nhu cầu cai trị lâu dài. Đợt mở rộng không gian đô thị Huế [1899] ra đời trong ý tưởng của người Pháp, nhưng hơn hết nó cho thấy sự thiết lập nền bảo hộ của thực dân Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

     Hai năm sau [31/12/1901], Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định phân hạn ranh giới thị xã Huế. Sau đó, vào ngày 09/5/1908 vua Duy Tân xuống Dụ và Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y [24/7/1908] chấp thuận việc mở rộng địa hạt Huế lần 2. Đợt mở rộng này về cơ bản phân chia ranh giới thị xã Huế thành 3 khu vực:

     [1] Khu vực ngoại quách Kinh Thành Huế: gồm các phường Đệ Nhất (1e Quartier, 第一坊), Đệ Nhị (2e Quartier, 第二坊), Đệ Tam (3e Quartier, 第三坊) và Đệ Tứ (4e Quartier, 第四坊), ngày nay thuộc địa phận các phường Phú Hòa, Phú Bình, Phú Thuận.

     [2] Khu vực cồn Gia Hội: gồm có các phường Đệ Ngũ, Đệ Lục và Đệ Thất. Đây là vùng đất nằm về phía đông bắc của Kinh Thành, là dải đất thấp trũng được bao bọc bởi Sông Hương và sông đào Đông Ba. Khu vực cồn Gia Hội ngày nay thuộc địa phận của ba phường Phú Cát, Phú Hiệp và Phú Hậu.

     [3] Khu vực hữu ngạn Sông Hương: phường Đệ Bát (về sau mở rộng thêm khu vực miếu Lịch Đại Đế Vương và xung quanh nhà ga Huế, lập thêm phường Đệ Cửu).(23)

     Trên cơ sở các Đạo dụ của chính quyền Nam triều(24) vào ngày 12 tháng 12 năm 1929, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định “về việc nâng cấp trung tâm đô thị Huế lên thành thành phố và về Tổ chức hành chính cũng như tài chính”. (25) Bản Nghị định gồm 7 phần với 42 điều, trong đó có việc thành lập Ủy ban thành phố gồm 4 thành viên, do Công sứ-Đốc lý đứng đầu. Đồng thời thông qua quyền hạn của Ủy ban thành phố, xem xét về ngân sách, an ninh, sửa đổi ranh giới, xây dựng đường sá…

     Ngày 15 tháng 10 năm Bảo Đại thứ 9 [21/11/1934], dưới sự chỉ đạo của Công sứ Thừa Thiên và Khâm sứ Trung Kỳ, Bộ Lại dâng bản Tấu đề nghị định lại giới hạn và sắp xếp các phường hiệu trong thành phố. Đúng hai ngày sau, vua Bảo Đại xuống Chỉ số 41 chuẩn y việc điều chỉnh địa giới thành phố Huế. Đợt điều chỉnh này “về cơ bản giữ nguyên địa giới, nhưng các đường phân thiết và giới hạn giữa các phường, làng và một phần làng trong thành phố bị cắt bỏ. Toàn bộ thành phố Huế chia làm 11 đơn vị hành chính, gọi là 11 phường,(26) lấy chữ Phú làm nền chung cho toàn bộ tên các phường”.(27)

     Kinh Thành Huế (gồm khu vực Nội thành(28) và vùng ngoài quách Kinh Thành) đến triều vua Duy Tân [1907 – 1916] có tổng cộng 14 phường tất cả. Trước năm 1945, 10 phường Nội thành nằm ngoài không gian quy hoạch đô thị Huế, độc lập về mặt hành chính, hoàn toàn do triều đình quản lý, riêng 4 phường ngoài quách (gồm các phường từ Đệ Nhất đến Đệ Tứ) chịu sự kiêm quản bởi các viên quan người Pháp. Trải qua hơn 35 năm liên tục được điều chỉnh, diện mạo đô thị ở khu vực ngoại quách thay đổi nhanh chóng. Từ 4 phường được quy hoạch dưới triều vua Thành Thái, đến năm 1934, dồn lại làm 3 phường (Phú Hòa, Phú Bình và Phú Thạnh), cũng từ đó tên gọi các phường bắt đầu bằng chữ “Đệ” chính thức xóa bỏ trên bản đồ hành chính.

3. Một số nhận xét (Thay lời kết)

     3.1.

     Huế là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử. Sau khi được sáp nhật vào Đại Việt [1306], đây là địa bàn dừng chân và phân phối lực lượng di dân vào Nam lập nghiệp. Hơn 200 năm, Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn [1558 – 1774], rồi kinh đô nước Việt Nam thống nhất [1802 – 1945]. Dưới thời kỳ Pháp thuộc, thị xã Huế được thành lập vào năm 1899, đúng 30 năm sau [1929] được nâng cấp thành thành phố. Đô thị Huế trải qua một khoảng thời gian khá dài, với biết bao thăng trầm và biến động.

     Sau đợt mở rộng thành phố Huế dưới triều vua Thành Thái, địa bàn các phường thuộc vùng cồn Gia Hội và bờ nam Sông Hương cơ bản nằm chồng lấn, xen kẻ đất đai các làng xã, như: làng An Quán, Xuân Dương, Thọ Hàm, giáp Hạ Phú Xuân,(29) Thế Lại Thượng, An Mỹ, Lạc Hồ, Dương Xuân Thượng – Hạ. Trong khi đó, khu vực Nội thành và vùng ngoại quách Kinh Thành trước đó vẫn được xem là vùng đất “cấm” đối với dân thường. Việc xuất hiện các phường ở khu vực ngoại quách Kinh Thành chính là quá trình “hành chính hóa” các đơn vị tụ cư trước đó. Sau đợt điều chỉnh nói trên, hoạt động nhập cư, xây dựng nhà cửa của người dân chính thức được triều đình hợp pháp hóa. Dẫu rằng, 4 phường bắt đầu bằng chữ “Đệ” ở vùng ngoại quách Kinh Thành Huế chỉ hiện diện trên bản đồ hành chính chưa đầy 40 năm, nhưng đây là dấu mốc vô cùng quan trọng, phản ánh tiến trình phát triển của đô thị Huế.

     3.2. Phường vào giai đoạn này với tư cách là đơn vị hành chính cấp cơ sở.

     Một số văn bản hành chính đang lưu giữ tại phường Đệ Nhất, Đệ Tam và Đệ Tứ cho thấy, tuy sáp nhập vào địa giới thành phố Huế, nhưng vẫn thuộc địa hạt quản lý bởi huyện Hương Trà. Hai đạo sắc phong thần ở phường Đệ Nhị đều ghi rõ: Thừa Thiên phủ, Hương Trà huyện (承天府,香茶縣). Đứng đầu mỗi phường, ban đầu là chức Lý trưởng (về sau gọi là Phường trưởng), ngoài ra còn có Hương bộ. Lý trưởng được cấp ấn triện, chịu trách nhiệm trước nhà nước về việc vận hành sự vụ ở nội phường. Về cơ cấu tổ chức, dưới phường là “giáp” và đứng đầu giáp là chức Giáp trưởng. Nhìn chung, bộ máy quản lý cấp phường khá tương đồng với các làng xã bấy giờ.

     Thiếu hẳn một bề dày văn hóa truyền thống và những chuyển biến mau lẹ của quá trình đô thị hóa, bức tranh dân cư ở bốn phường ngoại quách qua những trang hồi cố hiện lên với một khung cảnh “nửa làng nửa phố”. So với những tổ chức tự quản truyền thống ở các làng xã vùng Huế, bộ máy tự quản cấp phường hình thành khá muộn, nhưng nhanh chóng bị thay thế sau đó. Trong bối cảnh đó, sự gắn kết của các dòng họ, đôi khi chỉ dừng lại ở việc chăm lo tế tự.

     Làng bạ hay dân tứ chánh/chiếng, là những “khái niệm” được người dân nơi đây sử dụng rất phổ biến nhằm thừa nhận tổ tiên của họ có một “lai lịch” khá phức tạp. Khảo sát từ 19 bộ gia phả, cho thấy quá trình tụ cư, lập nghiệp của cư dân bốn phường ngoại quách khá muộn màng, với đầy đủ giai tầng. Hai (họ Trần Hữu, Huỳnh) trong số năm dòng họ được coi là “cựu trào” ở phường Đệ Tam; Lục tộc ở Đệ Nhị và ba họ đầu tiên ở phường Đệ Tứ, gia phả hiện nay đều chép đến đời thứ 7. Họ Lâm, họ Châu Văn, Châu Công ở phường Đệ Nhất(30) cho biết tiên tổ đời trước cư trú ở Thanh Hà và Bao Vinh. Đến gần cuối triều vua Đồng Khánh mới dời lên phố Hàng Bè (đường Huỳnh Thúc Kháng) xây nhà, mở cửa hiệu buôn bán. Trong sự đối sánh với các tộc họ ở những làng quê xứ Huế, “tuổi đời” các dòng tộc nơi đây thực sự là quá non trẻ. Vì thế, việc xác định “họ nhất, họ nhì” trong nội bộ các phường không quá nặng nề như ở một số làng xã và dấu ấn của thần hiệu “Khai canh, Khai khẩn” cũng rất mờ nhạt. Ngược lại, “Bổn thổ Thành Hoàng” chính là “chủ thần” trong chốn Đình trung.

     3.3.

     Sau ngày triều Nguyễn cáo chung, địa bàn ngoài quách Kinh Thành Huế đón nhận khá nhiều đợt nhập cư mới, với thành phần chủ yếu: nông dân từ các làng quê, dân vạn đò, lực lượng cửu vạn… Ở khu vực mặt tiền Kinh Thành, những khu dân cư mới mọc lên san sát, như: xóm Thượng Tứ, xóm Bờ Hồ, xóm Bờ Hồ Bến Xe.(31) Một số đoạn ở tuyến Phòng lộ người dân lấn chiếm làm lều tạm, chuồng trại chăn nuôi gia cầm và chôn cất mồ mả.

     Một thời gian khá dài sau năm 1945, Kinh Thành Huế rơi dần vào quên lãng, cung điện sụp đổ, miếu mạo dột nát. Dân cư tự phát khắp nơi đổ về, tùy nghi sử dụng, bao chiếm đất đai. Sau ngày đất nước Đổi mới, tình hình nghiên cứu và nhìn nhận công lao triều Nguyễn cũng như di sản do triều đại này để lại ngày càng khởi sắc, chuyển biến rõ rệt. Năm 1991, Quần thể Di tích Huế đã được nhà nước khẳng định là một trong những khu di tích trọng điểm của quốc gia. Hai năm sau [1993], Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh, đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới. Tiến trình tái thiết cũng từ đó được quan tâm thấu đáo hơn. Cùng với quá trình đô thị hóa, sức ép của sự gia tăng dân số,(32) hoạt động sản xuất và sinh hoạt các hộ dân xâm hại nghiêm trọng khu vực Hộ Thành hào (khu vực phía đông, phía tây bên ngoài Kinh Thành). Năm 1995, Ủy ban Nhân dân thành phố Huế ký quyết định di dời, giải tỏa 108 hộ xây dựng nhà cửa trái phép ở khu vực Bến Me (đoạn trước cửa Nhà Đồ lên đến cầu Bạch Hổ). Đây là động thái được báo giới bấy giờ đánh giá rất cao, cho thấy nỗ lực của lãnh đạo Thừa Thiên Huế nhằm phong quang một phần của mặt tiền Kinh Thành Huế.

     Khác với những gì mà chúng ta thấy ở các dãy phố mặt tiền trên vùng đất bao quanh Kinh Thành Huế hiện nay, ẩn khuất sau các ngôi nhà bề thế, các cửa hàng cửa hiệu tấp nập buôn bán, là cảnh tượng chen chúc của những ngôi nhà mà chiều ngang của chúng không quá ba sải tay và hệ thống Hộ Thành hào ô nhiễm đến mức đáng báo động. Trả lại diện mạo cho Kinh Thành Huế, giải quyết tình trạng xâm phạm di tích và ổn định vấn đề dân sinh, đó thực sự là bài toán vô cùng nan giải đối với tất cả những người đang trực tiếp công tác trong lĩnh vực bảo tồn di tích, cũng như chính quyền sở tại.

     Chú thích:

     (1) Nội Các triều Nguyễn mô tả “cấu trúc” của hệ thống phòng thủ bên ngoài tường thành Kinh Thành như sau: Đất thừa ngoài chân thành rộng 2 trượng 5 thước [10,625 m]. Bờ hào chạy quanh qua 11 cửa thành, rộng 5 trượng 7 thước [24,225 m], sâu 1 trượng [4,25 m]. Ở mỗi cửa đều bắc cầu đá, ngoài cầu đặt một nhà vuông. Hai bờ hào đều xây bằng đá núi. Ngoài có hộ thành đắp bằng đất, mặt hữu dài 338 trượng 5 thước [1.438,625 m], hai mặt tả hữu dài 715 trượng [3.038,75 m]. Ngoài nữa có Hộ Thành hà bao quanh 3 mặt tả, hữu, hậu, rộng 18 trượng 5 thước [78,625 m]. Hai bên xây bằng đá núi, cùng giáp với Sông Hương ở mặt trước. Dẫn theo: Phan Thuận An (1999), “Kinh Thành Huế”, Nxb Thuận Hóa, tr. 235. Như vậy, theo thứ tự từ ngoài vào trong sẽ bao gồm: [1] Hệ thống Hộ Thành hà (4 con sông bao bọc 4 phía Kinh Thành); [2] Tiếp đến là hệ thống Thành giai (được tính từ mép ngoài của Hộ Thành hà vào đến Hộ Thành hào, đây là dải đất bằng phẳng và rộng rãi); [3] Hộ Thành hào là tuyến phòng thủy đường thủy chạy quanh ngoài thành; [4] Phòng lộ, dải đất nhỏ nằm giữa tường thành với Hộ Thành hào.

     (2) Bước đầu khảo sát và tiến hành đo đạc, chúng tôi tạm xác định kích thước (mang tính tương đối) của toàn bộ khu vực ngoại quách Kinh Thành Huế như sau: Mặt bắc, Phòng lộ rộng khoảng 13,2m; Hộ Thành hào 30m; Thành giai 135m (nơi rộng nhất); Hộ Thành hà (sông An Hòa) 51m. Mặt tây: Phòng lộ rộng 9,6m; Hộ Thành hào 30,2m; Thành giai 121m (nơi rộng nhất); Hộ Thành hà (sông Kẻ Vạn) 53m. Mặt đông: Phòng lộ rộng khoảng 10,2m; Hộ Thành hào 27m; Thành giai 161m (nơi rộng nhất); Hộ Thành hà (sông Đông Ba) 53m. Mặt nam: Phòng lộ rộng khoảng 8,42m (nơi hẹp nhất là 7m); Hộ Thành hào 45m (đoạn cửa Quảng Đức); Thành giai 131m (khu vực từ Phu Văn Lâu đến bến Nghênh Lương Đình); Hộ Thành hà (Sông Hương) 337m. [Tư liệu điền dã tháng 6 năm 2019].

     (3) Nội Các triều Nguyễn. (2005). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập V [Chính biên, Bộ Binh, quyển 163, Lệnh cấm, Điều cấm ở Kinh Thành], bản dịch Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, tr. 490.

     (4) Nội Các triều Nguyễn. (2005). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập V, Sđd, tr. 487.

     (5) Michel Đức Chaigneau. (2016). “Kinh Thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau”, bản dịch của Lê Đức Quang, Trần Đình Hằng. Nxb Thuận Hóa. Huế, tr. 215 – 216.

     (6) Hộ Thành nha (Hộ thành Binh mã ty) được thiết lập vào năm 1826, đây là cơ quan chuyên trách về vấn đề an ninh toàn bộ khu vực trong và ngoài Kinh Thành Huế. Theo quan chế triều Nguyễn, Ty Hộ thành Binh mã thuộc quyền kiêm quản của Đề đốc Kinh Thành. Về nhân sự, Ty Hộ thành Binh mã đặt Chánh, Phó sứ (1 viên), Chánh sứ ngạch võ quan, Phó sứ thuộc văn giai. Phụ tá gồm có: Chủ sự, Tư vụ, Thư lại. Ấn ký bằng đồng, khắc 7 chữ: Hộ thành Binh mã ty đồ ký (護城兵馬司圖記) và một ấn kiềm bằng ngà khắc 2 chữ: Hộ thành (護城). Đến năm Đồng Khánh thứ 1 [1886], biên chế chính thức của Nha Hộ Thành gồm có: Đề đốc (Chánh nhị phẩm), Phó sứ (Tòng tứ phẩm), Bát Cửu phẩm (1 viên), Thư lại (2 viên), Quản vệ (1 viên), 2 Suất đội và 100 lính. Ấn quan phòng khắc: Kinh Thành Đề đốc quan phòng (京城提督關防), dấu kiềm: Đề đốc (提督). Bài ngà (2 cái), khắc: Kinh Thành Đề đốc (京城提督), Hộ thành Binh mã ty Phó sứ (護城兵馬司副使). Bài sừng (2 cái), khắc: Hộ thành Bát phẩm Thư lại (護城八品書吏) và Hộ thành Cửu phẩm Thư lại (護城九品書吏). Xem thêm: Nội Các triều Nguyễn. (2005). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập V. [Chính biên, Bộ Binh, quyển 139]. Bản dịch Viện Sử học. Nxb Thuận Hóa. Tr. 61. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập X. [Tục biên, quyển 60, Hộ Thành nha]. Bản dịch Viện Sử học. Nxb Thuận Hóa. Tr. 155 – 159.

     (7) Tài Mộc tức Sở Mộc Thương, là công xưởng của triều đình, do Bộ Công quản lý. Năm Tự Đức thứ 6 [1853] đổi Nha Mộc Thương thành Ty Tài Mộc. Ban đầu đặt tại phía tả ngoài quách phía đông nam Kinh Thành. Đến năm Minh Mạng thứ 10 [1829] mới chuyển về phía hữu cửa Quảng Đức.

     (8) Sở Tể Sanh, nguyên ủy nằm ở phường Bảo Hòa, sau chuyển ra phía ngoài cửa Chánh Nam (tức cửa Nhà Đồ). Năm Thành Thái thứ 2 [1890] dời qua phường Thanh Long đến năm 1904 lại chuyển về phía cầu Bạch Hổ. Năm Thành Thái thứ 18 [1906] đưa về lại phường Thanh Long. Về sau lại dời qua phường Vĩnh An. Xem thêm: Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, bản dịch Hoàng Văn Lâu, Nxb Lao Động, tr. 80.

     (9) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập X. Sđd. Tr. 160

     (10) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập X. Sđd. Tr. 168.

     (11) Tuyến đường chạy dài mặt bắc, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa mang tên Lê Văn Duyệt, nay là đường Tăng Bạt Hổ. Phía tây là đường Thống Nhất (thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa), nay là đường Lê Duẩn. Phía đông gồm có: đường Huỳnh Thúc Kháng (thời Pháp là đường Đông Ba), đường Đào Duy Từ (thời Pháp là đường Thiệu Trị), đường Phan Bội Châu (thời Pháp là đường Gia Long, nay là đường Phan Đăng Lưu), đường Đào Duy Anh (trước 1945 người Pháp gọi là đường Bờ Sông Đông Ba, trước 1955 là đường Ba Đình, đường Bao Vinh, trước 1995 là đường Huỳnh Thúc Kháng nối dài). Phía nam là đường Trịnh Minh Thế và đường Trần Hưng Đạo (thời Pháp là đường Paul Bert). Thời Pháp đường Paul Bert nối dài từ chân cầu Gia Hội lên đến cầu Bạch Hổ. Sau năm 1956 đoạn đường từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền là đường Trần Hưng Đạo, còn từ cầu Trường Tiền lên đến Cửa Ngăn là đường Nguyễn Hoàng. Sau năm 1960, đường Trần Hưng Đạo vẫn giữ nguyên, đường Nguyễn Hoàng đổi thành Trịnh Minh Thế. Xem thêm: Bản đồ Huế và vùng phụ cận [1910];Hué et ses environs [1930];Hué et ses environsdo nhà in Đắc Lập xuất bản năm 1932;Ville de Hue [1946];Bản đồ vùng Huế [L909] do Sở Đồ bản Quân đội Hoa Kỳ tại Viễn Đông (USAMSFE), Nha Địa dư Quốc gia thực hiện năm 1961;Bản đồ Thị trấn Huế do Phân cục Địa dư Công binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa điều chỉnh năm 1968; Dương Phước Thu (2004), “Huế tên đường phố xưa và nay”, Nxb Thuận Hóa.

     (12) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập X. Sđd. Tr. 160.

     (13) Nội Các triều Nguyễn. (2005). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập V, Sđd. Tr. 487 – 494.

     (14) – 大南國史館. (1917). 欽定大南會典事例. [續編護城衙, 職掌.卷六十]. Tờ 10A. Ký hiệu: HV.99. – Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập X. Sđd. Tr. 160.

     (15) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập X, Sđd, tr. 160.

     (16) Kể từ triều vua Đồng Khánh về sau, triều đình nhiều lần thực hiện việc “tinh giảm biên chế” đối với một số doanh, vệ… trú đóng tại kinh đô. Đến năm 1925, vua Khải Định buộc phải đặt thêm binh ngạch ở Nha Hộ Thành. Sách Đại Nam thực lục cho biết, “lúc bấy giờ đường sá, hào hồ ở bốn phía Kinh Thành rất rộng mà số binh đinh Hộ Thành chỉ có 132 người, lâm thời sai phái điều bát chỉnh lý không xuể, trong thành không được thật sạch sẽ. Bộ Binh đem việc tâu lên, phụng lời phê chuẩn cho chước lượng giảm số lính ở Thanh Hóa 10 người, Hà Tĩnh 5 người, Quảng Trị 10 người, Quảng Nam 20 người, Quảng Ngãi 8 người, Bình Định 15 người, cộng 68 người điền bổ vào quân Hộ thành cho đủ số 200 người. Từ đó việc điều động thu dọn đường sá hơi có thay đổi”. Xem thêm: Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục [Chính biên, Đệ Thất kỷ]. Bản dịch Cao Tự Thanh, Nxb Văn hóa Văn nghệ, tr. 499 – 500.

     (17) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập X. Sđd. Tr. 161.

     (18) Nằm về phía đông Kinh Thành, chợ Đông Gia/Đông Ba được xây dựng dưới thời vua Gia Long. Đến năm Thành Thái thứ 11 [1899] dời chợ ra khu vực hiện nay.

     (19) Dưới thời Pháp thuộc, phân cấp các thành phố thành 3 dạng, [1] Thành phố loại I (Municipalité de première classe) hay thành phố lớn (Grande municipalité), thành lập theo Sắc lệnh của Tổng thống Pháp, gồm: Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng; [2] Thành phố cấp II (Municipalité de deuxième classe) ngang cấp tỉnh, thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, gồm: Chợ Lớn (Municipalité de Cholon, 20/10/1879); Đà Nẵng (24/05/1889); Nam Định (17/10/1921); [3] Thành phố cấp III (Commune), thành lập theoNghị định của Toàn quyền Đông Dương và trực thuộc tỉnh, do viên Công sứ đầu tỉnh kiêm nhiệm chức Đốc lý (tức Thị trưởng), gồm: Đà Lạt, Thái Nguyên, Hải Dương, Thanh Hóa, Huế, Quy Nhơn, Phan Thiết…

     (20) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục [Chính biên, Đệ Lục kỷ phụ biên] bản dịch Cao Tự Thanh. Nxb Văn hóa Văn nghệ. Tr. 791.

      (21) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục [Chính biên, Đệ Lục kỷ phụ biên], Sđd. Tr. 327.

     (22) Trần Đại Vinh. (2006). Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế. Nxb Thuận Hóa. Tr. 198 – 199.

     (23) Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2013). Địa chí Thừa Thiên Huế – Phần Dân cư và Hành chính. Nxb Thuận Hóa. Tr. 288.

     (24) Đạo dụ ngày 20/10/1898. Đạo dụ 12/7/1899, Đạo dụ 31/12/1901, Đạo dụ 22/6/1903, Đạo dụ 09/5/1908 và Đạo dụ 04/11/1921.

     (25) Arrêté du 12 décembre 1929 du Gouverneur général de l’Indochine érigeant en commune le centre urbain de Hué et portant organisation administrative et financière de la nouvelle commune. Journal officiel de l’ Indochine Française (JOIF), 1929, p. 4699 – 4703. Xem thêm: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (2013), Tổ chức bộ máy các cơ quan trong chính quyền thuộc địa ở Việt Nam qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1862 – 1945). Nxb Hà Nội. Tr. 472 – 476.

     (26) Trong đó, [1] vùng Tả ngạn Sông Hương (Ngoại quách Kinh Thành) gồm có 3 phường: phường Phú Hòa (với địa giới toàn bộ phường Đệ Nhất), phường Phú Bình (chuyển từ phần đất đai phường Đệ Nhị và Đệ Tam cũ), phường Phú Thạnh (một phần phường Đệ Tứ); [2] vùng cồn Gia Hội gồm 4 phường: phường Phú Cát (chuyển từ phần đất phường Đệ Ngũ), phường Phú Mỹ (chuyển từ phần đất phường Đệ Lục với đất làng Xuân Dương, nay là phường Phú Hiệp), phường Phú Thọ (chuyển từ phần đất phường Đệ Thất), phường Phú Hậu (chuyển từ phần đất làng An Quán và một phần làng Thế Lại Thượng); [3] vùng Hữu ngạn Sông Hương, gồm các phường: phường Phú Ninh (gồm đất đai phường Đệ Bát, Đệ Cửu cũ), phường Phú Vĩnh (chuyển một phần đất đai phường Đệ Bát), phường Phú Hội và phường Phú Nhuận (chuyển một phần đất đai phường Đệ Bát). Xem thêm: Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Địa chí Thừa Thiên Huế. Sđd. Tr. 291 – 292.

     (27) Văn bia “Thành phố Phú Cát phường kiến tạo đình vũ bi sự” 城舖富吉坊建造亭宇碑事 ở phường Phú Cát xác nhận về đợt điều chỉnh này như sau: Bốn phường thuộc thành phố, từ năm Thành Thái 11 [1899] được phê chuẩn phân chia làm thành 9 phường, phường ta là phường Đệ Ngũ thuộc về thành phố, đến năm Bảo Đại thứ 10 [1935] cắt thêm đất đai phường Đệ Lục sáp nhập vào và đổi thành tên hiện nay [tức phường Phú Cát], ấy cũng là tùy địa phận mà quy hoạch cho tiện dân vậy.

     (28) Vào năm 1909, triều đình ban hành quy định tu chỉnh tổ chức hành chính địa bàn nội vi Kinh Thành, thiết lập làm 10 phường, do nha Hộ Thành quản lý: Thái Trạch (泰澤坊), Vĩnh An (永安坊), Trung Tích (忠積坊), Phú Nhơn (富仁坊), Trung Hậu (忠厚坊), Tây Linh (西靈坊), Tây Lộc (西祿坊), Tri Vụ (知務坊), Thuận Cát (順吉坊) và Huệ An (惠安 坊). Xem thêm: Đỗ Minh Điền (2018), “Bước đầu xác định địa giới hành chính một số phường thuộc nội vi Kinh Thành Huế (đầu thế kỷ XX – 1945)”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 5 (148), tr. 7.

     (29) Giáp Hạ làng Phú Xuân, đây là một trong ba giáp thuộc làng Phú Xuân: giáp Thượng nay thuộc phường Kim Long, giáp Trung nay thuộc phường Xuân Phú, được hình thành sau đợt giải tỏa xây dựng Kinh Thành Huế.

     (30) Nhân đây, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến quý bác: Lâm Viễn Thành (đường Bạch Đằng), Châu Hữu Sum (đường Phan Đăng Lưu), Châu Công Thiện (đường Huỳnh Thúc Kháng), Trần Đại Ngọc (đường Đào Duy Anh), Huỳnh Văn Chung (đường Đào Duy Anh), Trần Hữu Ngọc (đường Tăng Bạt Hổ), Lê Viết Thảo (đường Tăng Bạt Hổ), Nguyễn Văn Bá (đường Lê Duẩn)… đã nhiệt tình chỉ bảo và cho phép chúng tôi tiếp cận nguồn tư liệu. Mọi sai sót về nội dung trong bài viết, chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.

     (31) Trong hồi ức về xóm Thượng Tứ ngày xưa, tác giả Hồ Đăng Định cho biết thêm: “Kể từ cửa Ngăn chạy dọc theo bờ Hồ (thực chất đây là Hộ Thành hào – ĐMĐ), tuy không có sự phân chia chính thức, nhưng người Huế chúng tôi thường quen gọi tên Bờ Hồ Bến Xe (sau lưng bến xe Nguyễn Hoàng), Bờ Hồ Thượng Tứ (sau lưng trường Tiểu học Thượng Tứ và đường Thượng Tứ), Bờ Hồ Trần Hưng Đạo và Gia Long sau lưng hai con đường mang cùng tên đó. Từ một hai căn xiêu vẹo lúc ban đầu của những năm 49 – 50, nhà cửa và cư dân xóm Bờ Hồ Thượng Tứ và Hậu Bổ đã phát triển mau lẹ theo cường độ khốc liệt của chiến tranh”. Xem thêm: Quế Chi Hồ Đăng Định (2013), Thượng Tứ ngày xưa, nhớ nhớ quên quên. Nxb Thuận Hóa. Tr. 169, 170.

     (32) Diện tích phường Phú Bình: 0,62 km2, phường Phú Hòa: 0,63 km², phường Phú Thuận: 1,22 km². Theo một số thống kê thì năm 1994 dân số phường Phú Hòa: 8.571 người, phường Phú Bình: 9.821 người và Phú Thuận là 8.617 người. Đến năm 2004, thì dân số phường Phú Hòa là 19.768 người, phường Phú Bình là 19.747 và phường Phú Thuận 19.744 người. Như vậy, thử tính riêng phường Phú Hòa, thì cuối thế kỷ XX, mật độ dân số nơi đây là 13,61 người/km², nhưng đúng 10 năm sau lên đến 31,37 người/km².

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. (2013). Tổ chức bộ máy các cơ quan trong chính quyền thuộc địa ở Việt Nam qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1862 – 1945). Nxb Hà Nội.

     – Đỗ Minh Điền. (2018). “Bước đầu xác định địa giới hành chính một số phường thuộc nội vi Kinh Thành Huế (đầu thế kỷ XX – 1945)”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên Huế. Số 5 (148). Dương Phước Thu. (2004). Huế tên đường phố xưa và nay. Nxb Thuận Hóa.

     – Hồ Vĩnh. (2003). “Phố Cửa Đông”, in trong Nghiên cứu Huế. Tập V. Trung tâm Nghiên cứu Huế xuất bản.

     – L. Cadière. (1933). “La Citadelle de Hué: Onomastique”. Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH).

     – Michel Đức Chaigneau. (2016). Kinh Thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (bản dịch của Lê Đức Quang). Trần Đình Hằng. Nxb Thuận Hóa.

     – Nguyễn Bá Trác. (1963). Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu. Tủ sách Viện Khảo cổ học. Bộ Quốc gia Giáo dục. Sài Gòn xuất bản.

     – Nguyễn Lý Tưởng. (2001). Thuyền ai đợi bến Văn Lâu. California, USA.

     – Nguyễn Quang Trung Tiến. (1999). “Đơn vị hành chính Huế trước năm 1945”. Tạp chí Huế Xưa và Nay. số 35.

     – Nguyễn Quang Trung Tiến (Chủ nhiệm đề tài), Biến đổi văn hóa xã hội và đời sống đô thị trong quá trình đô thị hóa ở Huế, 1975 – 2012, Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở Đại học Huế, 2016.

    – Nguyễn Thế Anh. (2017). Việt Nam thời Pháp đô hộ. Nxb Khoa học Xã hội.

     – Nguyễn Văn Khánh. (2000). Cơ cấu kinh tế, xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858 – 1945), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

     – Nội Các triều Nguyễn. (2005). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập V, [Chính biên, Bộ Binh, quyển 163, Lệnh cấm, Điều cấm ở Kinh Thành]. Bản dịch Viện Sử học. Nxb Thuận Hóa.

     – Nội Các triều Nguyễn. (2005). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập V [Chính biên, Bộ Binh, quyển 139]. Bản dịch Viện Sử học. Nxb Thuận Hóa.

     – Paul Doumer. (2016). Xứ Đông Dương. Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy dịch. Nxb Thế giới.

     – Phan Thuận An. (1999). Kinh Thành Huế. Nxb Thuận Hóa.

     – Quế Chi Hồ Đăng Định. (2013). Thượng Tứ ngày xưa, nhớ nhớ quên quên. Nxb Thuận Hóa.

     – Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam nhất thống chí. Bản dịch Hoàng Văn Lâu. Nxb Lao động

     – Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục,[Chính biên, Đệ Thất kỷ]. Bản dịch Cao Tự Thanh. Nxb Văn hóa – Văn nghệ.

     – Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục, [Chính biên, Đệ Lục kỷ phụ biên]. Bản dịch Cao Tự Thanh. Nxb Văn hóa – Văn nghệ.

     – Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập X [Tục biên, quyển 60, Hộ Thành Nha]. Bản dịch Viện Sử học. Nxb Thuận Hóa.

     – Sogny. (1943). “M. Rheinart, premier chargé d’affaires à Hue: journal, notes et correspondance”. Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH).

     – Thái Văn Kiểm. (1994). Cố đô Huế, di tích, lịch sử, danh thắng. Nxb Đà Nẵng.

     – Trần Đại Vinh. (2006). Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế. Nxb Thuận Hóa.

     – Trần Thanh Tâm, Huỳnh Đình Kết. (2001). Địa danh thành phố Huế. Nxb Văn hóa Dân tộc.

     – Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2013). Địa chí Thừa Thiên Huế – Phần Dân cư và Hành chính. Nxb Thuận Hóa.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (155), năm 2020

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tìm hiểu về tình hình quản lý vùng đất bao quanh kinh thành Huế dưới thời nhà Nguyễn (Tác giả: Đỗ Minh Điền)