Tìm hiểu ý nghĩa bức tranh thờ Thập Nhị Thánh Mẫu ở miếu bà An Thuận, xã An Thủy-huyện Ba Tri-tỉnh Bến Tre
Tác giả bài viết: Thạc sĩ DƯƠNG HOÀNG LỘC
(Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM)
TÓM TẮT
Miếu Bà An Thuận hiện tọa lạc tại xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ở gian chánh điện của ngôi miếu có bức tranh thờ Thập Nhị Thánh Mẫu. Bức tranh này gồm hình ảnh mười hai vị mẫu: Quan Âm, Chúa Tiên, Cửu Thiên, Chúa Ngọc, Thiên Hậu, Kim Hoa, Chuẩn Đề, Hoàng Mẫu, Phật Mẫu, Long Mẫu, Địa Mẫu. Phần lớn trong mười hai vị mẫu này được thờ phổ biến ở vùng đất Nam bộ. Đồng thời, bức tranh mang nhiều ý nghĩa trên phương diện văn hóa, đặc biệt phản ánh mối quan hệ giao thoa văn hóa, sự thâm nhập qua lại giữa tín ngưỡng và tôn giáo tại ngôi miếu này. Vì vậy, việc đi sâu tìm hiểu bức tranh này nhằm góp phần hiểu hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây nói riêng và Nam bộ nói chung.
ABSTRACT
An Thuan shrine is now located in An Thuy village, Ba Tri District, Ben Tre Province. The painting, which represents the twelth Holy Mothers (Thap Nhi Thanh Mau) is worshiped at the central chamber of the shrine. These twelth Holy Mothers are Quan Am, Chua Tien, Cuu Thien, Chua Ngoc,, Thien Hau, Kim Hoa, Chuan De, Hoang Mau, Phat Mau, Long Mau, Dia Mau. Most of them have currently been worshiped by people in the South of Vietnam. The painting contains lots of valuable cultural meanings. It particularly shows the acculturation and integration between beliefs and religion. Deeply studying the meaning of the painting will partly contribute to the enrichment of our knowledge on the belief of worshiping the Holy Mothers in Ben Tre in particular and in the Southern part of Vietnam in general.
1. Đặt vấn đề
Miếu Bà An Thuận hiện tọa lạc tại ấp An Thuận, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại ngôi chánh điện của miếu, ở gian thờ chính, chúng tôi thấy có bức tranh kiếng được thờ khá lớn, màu đỏ, chiều dài khoảng một mét và ngang nửa mét, phần phía trên bức tranh có khắc chữ Hán khá rõ: “Thập Nhị Thánh Mẫu”. Bức tranh vẽ chân dung mười hai vị phật, bồ tát và mẫu. Phía dưới mỗi hình ảnh là dòng chữ Hán ghi rõ tên mỗi vị. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu của chúng tôi, bức tranh thờ này khá mới và lạ, cho nên việc tìm hiểu bức tranh chắc chắn mang lại nhiều điều thú vị về tín ngưỡng thờ Mẫu.
2. Nội dung
2.1. Thập Nhị Thánh Mẫu là ai?
Để rõ hơn vị trí và tên gọi của từng vị trong bức tranh, chúng tôi đã vẽ sơ đồ như sau:
Sơ đồ bức tranh Thập Nhị Thánh Mẫu
Với mười hai vị này, mỗi vị có một lai lịch khác nhau:
– Quan Âm: Đây là vị bồ tát của Phật giáo với tên gọi đầy đủ Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara). Trong Phật giáo, đây là vị bồ tát có hạnh từ bi, có đại nguyện cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh và tiếp dẫn họ về Tây phương cực lạc. Ở Việt Nam, bồ tát được thờ phổ biến và đi sâu vào đời sống tâm linh của người Việt. Dân gian còn gọi Bà là Mẹ Quan Âm, Phật Bà Quan Âm để cầu khấn, vái van… như một vị mẫu linh ứng. Ở Nam bộ, Quan Âm- theo cách gọi dân gian, còn là vị thần độ mạng cho nữ giới, được thờ trên trang đặt nơi cao ráo trong nhà. Đặc biệt nhất, trong bức tranh này, Quan Âm ở vị trí trung tâm. Hình được vẽ sinh động: Bồ tát mặc bạch y, ngồi trên đài sen, tay cầm bình tịnh thủy, hai bên có Thiện Tài và Long Nữ theo hầu.
– Chuẩn Đề: Theo Từ điển Phật học Huệ Quang cho biết: “Chuẩn Đề là vị bồ tát hộ trì phật pháp và hộ mạng cho chúng sinh có tướng chết yểu được sống lâu. Mật tông rất tôn sùng Chuẩn Đề và xếp vào một tôn vị trong Quán Âm bộ”1. Dạng tượng này còn có tên gọi khác là Quan Âm Chuẩn Đề (Quán Thế Âm Bồ Tát kết ấn Chuẩn Đề). Do vậy, tượng Quan Âm Chuẩn Đề là một dạng tượng quan trọng. Trong một số ngôi chùa ở Nam bộ, tượng Quan Âm Chuẩn Đề được đặt ở bàn thờ Tổ hay ở nhà trai (trai đường). Loại tượng này được tạc có nhiều tay (12, 14,16 và 18 tay), mỗi tay cầm một binh khí khác nhau, thể hiện chức năng hàng phục tà ma, trừ diệt yêu quái, uy lực rộng khắp để cứu khổ, cứu nạn. Ngoài ra, Phật giáo quan niệm với người hành trì pháp tu Chuẩn Đề sẽ được đèn quang minh soi sáng, tất cả tội chướng được tiêu diệt, sống lâu, tăng phước huệ và được chư phật, bồ tát che chở, đời đời lìa đường ác, mau chứng vô thượng bồ đề2 . Ai mà hành trì theo Chuẩn Đề sẽ dễ dàng đạt đến thành tựu hơn các phương pháp khác, nên pháp tu này đứng đầu, là mẹ của các pháp. Bởi thế, người ta còn gọi đây là Phật Mẫu Chuẩn Đề.
– Phật Mẫu: Trong bức tranh này, Bà được vẽ theo dạng ngồi trên ngai, mặc áo màu vàng, tay cầm hốt, có 2 người hầu và khuôn mặt già nua. Theo chúng tôi, tên gọi Phật Mẫu thường gắn với Diêu Trì Phật Mẫu (hay còn gọi là Diêu Trì Địa Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu,…), hoặc là Phật Mẫu Chuẩn Đề như đã trình bày. Ngoài ra còn có thể là Phật Mẫu của Đức Phật Thích Ca: “Ma Da phu nhân, mẹ của Đức Thích Tôn, hoặc chỉ cho Bà Ma ha Bà xa Ba đề, dì của Đức Thích Tôn, người đã thay thế Ma da phu nhân nuôi dưỡng Ngài sau khi phu nhân qua đời”3. Trong bức tranh này đã có hình ảnh riêng của Chuẩn Đề và Diêu Trì Phật Mẫu (sẽ được trình bày tiếp theo). Phải chăng đó là Phật Mẫu của đức Phật Thích Ca?
– Địa Mẫu: Ở Nam bộ, ngoài tên gọi Địa Mẫu, người ta còn gọi bà là Diêu Trì Kim Mẫu, Diêu Trì Phật Mẫu, Diêu Trì Địa Mẫu. Vị này là thần trong thần thoại cổ đại Trung Quốc, được Đạo giáo tôn đứng đầu các vị nữ thần. Dân gian tôn Bà là vị thần tượng trưng cho sự trường sinh bất tử. Đạo giáo Trung Quốc còn gọi bà là Tây Vương Mẫu, Vương Mẫu Nương Nương, Kim Mẫu. Sách Từ điển Văn hóa Cổ truyền Trung Hoa cho biết chi tiết: “Lại có truyền thuyết cho rằng Tây Vương Mẫu là vợ của Phù Tang Đại Đế (hoặc Ngọc Hoàng đại đế), sinh ra 7 người con gái, cô út tự tiện xuống hạ giới lấy một chàng trai nghèo tên là Đổng Vĩnh, bị Ngọc Hoàng và Tây Vương Mẫu bắt trở lại thiên đình. Chuyện này lưu truyền từ đời Hán và đời Tấn, sau đó ngày càng được lưu truyền rộng hơn”4. Đạo Cao Đài ở Nam bộ tôn thờ Diêu Trì Địa Mẫu cùng với Cửu Vị Tiên Nương theo hầu. Ở một số thánh thất lớn, người ta còn lập thêm điện thờ Bà. Ngày rằm tháng tám hằng năm, tín đồ Cao Đài tổ chức lễ vía Diêu Trì Địa Mẫu khá lớn tại Tòa thánh Tây Ninh và tại các hội thánh, thánh thất khác thuộc tôn giáo này. Ngoài ra, tín ngưỡng Địa Mẫu ảnh hưởng khá lớn đối với tín đồ đạo Tứ Ấn Hiếu Nghĩa, đạo Minh Sư. Trong một số gia đình, người ta thờ Địa Mẫu trên trang thờ theo dạng tranh kiếng. Hình Bà là một người phụ nữ tóc búi cao, đứng thẳng trên quả địa cầu, mặc áo đen, một tay cầm tịnh bình, một tay bắt ấn. Nhưng trong bức tranh này, Bà được vẽ theo dạng ngự trên ngai, mình mặc áo màu xanh lá đậm, tay cầm hốt và có 2 người đứng hầu.
– Thiên Hậu: Trong bức tranh, Bà được vẽ theo dạng ngồi trên ngai, mặc áo đỏ, tay cầm hốt, người hầu cầm ấn có chữ “Thiên Hậu” đứng kề bên. Trần Hồng Liên, trong bài viết Nghi lễ và lễ hội Bà Thiên Hậu ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, đã cho biết cụ thể lai lịch vị thần này. Truyền thuyết kể rằng Bà là con thứ sáu của Lâm Nguyện, một thương nhân trên biển. Khi mới lọt lòng vào đời Tống Kiến Long nguyên niên (năm 960) tại làng My Châu, huyện Bồ Điền, phủ Hưng Hoá, tỉnh Phúc Kiến, người Bà đã tỏa hào quang và có hương thơm, cho đến ngày đầy tháng mà không biết khóc nên có tên gọi là Lâm Mặc. Bà quyết chí ở vậy và không lập gia đình, nguyện suốt đời làm việc thiện. Vì lớn lên ở bờ biển nên Bà thông hiểu khí tượng thuỷ văn, thông thuộc luồng nước, biết dự báo thời tiết. Các tàu đánh cá, thương thuyền đều được Bà chỉ dẫn, cứu giúp. Bà đã dùng phép thuật cứu được nhiều người bị nạn trên biển. Năm 987, đời Tống Ung Hy năm thứ tư, Bà từ giã cõi đời, hưởng thọ 28 tuổi. Từ đó về sau, những người đi biển và cư dân ven biển đều hoạ hình Bà để thờ cúng, cầu xin Bà phù hộ được bình an, thuận lợi trên hải trình5 . Ở Nam bộ, Bà Thiên Hậu được người Hoa và người Việt tin tưởng thờ cúng. Với người Hoa, Bà còn là vị phúc thần phù hộ cộng đồng, ban tài lộc,… cho họ.
– Long Mẫu: Theo quan niệm của người Trung Quốc, vợ của Nam Hải Long Vương là Long Mẫu, con gái của cả hai thần là Long Nữ. Đây là vị thần có chức năng cai quản, cứu hộ những người đi trên sông, biển. Tác giả Nguyễn Ngọc Thơ, trong bài viết Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hoa Nam, có nhắc đến xuất thân của vị thần này. Long Mẫu tên thật là Ôn Long Cơ, người tộc Âu Việt, quê quán Đằng Huyện, Quảng Tây. Bố mẹ chẳng may bị cuốn trôi, duy chỉ có Long Mẫu được lão đánh cá vùng Duyệt Thành (Triệu Khánh, Quảng Đông) tên là Lương Tam Công cứu sống từ một chiếc thuyền thúng trôi giữa dòng sông. Long Mẫu sắc xảo thông minh, nhờ nuôi 5 con rồng nên được gọi là Long Mẫu. Về sau, bà hợp nhất 5 bộ lạc Âu Việt vùng trung du và thượng lưu sông Tây Giang. Sau khi qua đời, bà được suy tôn thành nữ thần cai quản dòng Tây Giang và vùng đất rộng lớn thuộc thượng và trung lưu sông Tây Giang. Hiện có các ngôi tổ miếu Long Mẫu ở Duyệt Thành, Triệu Khánh, Nam Hải (Quảng Đông), Đằng Huyện (Quảng Tây). Cũng có thuyết cho rằng Long Mẫu là hình ảnh của vua Dịch Hu Tống-lãnh tụ quân Tần thất bại năm 281 TCN, đã “nữ thần hóa” theo truyền thống Âu Việt6. Trong tranh, ảnh Bà được vẽ theo dạng ngồi trên ngai, tay cầm hốt, áo màu cam, người hầu cầm ấn có chữ “Long Mẫu” đứng kề bên.
– Kim Hoa: Đây là vị thần của tín ngưỡng dân gian người Hoa ở Nam bộ. Ở Trung Quốc, Kim Hoa phu nhân còn gọi là Dưỡng Dục phu nhân, Chuyển Hoa phu nhân, Tống Tử phu nhân, Hồng Hoa phu nhân, Bảo Thai phu nhân, là nữ thần cai quản chuyện sinh nở trong tín ngưỡng dân gian một số nơi ở đồng bằng Châu Giang. Tương truyền Bà là một vu nữ nổi tiếng vùng Châu Giang thời xưa. Phu nhân của quan tuần phủ Quảng Châu Trần Liêm khó sản, đêm nằm mơ thấy thần tiên mách “nên mời cô Kim Hoa đến giúp”. Việc thành, Cô Kim Hoa trở nên nức tiếng. Song chính vì cô là một vu sư nổi tiếng nên không ai dám ngỏ lời cầu hôn. Kim Hoa buồn nhảy hố tự vẫn. Mười mấy ngày sau, thi thể nổi lên, mùi hương tỏa khắp vùng. Từ đó trở đi, vùng Quảng Châu hình thành tín ngưỡng Kim Hoa phu nhân7 . Ở Nam bộ, người Hoa và cả người Việt tin tưởng Kim Hoa Thánh Mẫu trong việc cầu tự và phù hộ các bà mẹ sinh nở được “mẹ tròn con vuông”. Trong tranh này, Bà được vẽ theo dạng ngồi trên ngai, người hầu cầm ấn “Kim Hoa” đứng bên cạnh, mặc áo màu xanh, trong tay áo có đứa trẻ chui ra.
– Hoàng Mẫu: Hiện vẫn chưa rõ lai lịch của vị thần này. Nhưng có thể Bà là vị thần của Trung Quốc. Hình Bà được vẽ ngồi trên ngai, có người hầu cầm ấn “Hoàng Mẫu” đứng hầu, tay cầm hốt.
– Linh Sơn: Danh hiệu đầy đủ của Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu, còn có tên gọi khác là Bà Đen và được thờ ở núi Bà Đen (Tây Ninh). Đây là một dạng thờ Mẫu đặc trưng của người Việt ở Nam bộ. Hiện phổ biến hai truyền thuyết liên quan đến vị thần này: Câu chuyện nàng Đênh từ hôn con quan tri huyện Trảng Bàng bỏ trốn lên núi bị cọp ăn, về sau hiển linh và câu chuyện nàng Lý Thị Thiên Hương trên đường lên núi lễ Phật, bị con trai tri huyện bức hiếp đã tự tử và linh thiêng từ đó. Dân gian còn truyền tụng Bà đã phù hộ cho Nguyễn Ánh trong lúc bôn ba. Khi lên ngôi, nhớ ơn cứu mạng, Vua Gia Long sắc phong Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu. Hằng năm, người ta tổ chức lễ hội vía Bà vào ngày mùng 5, 6 tháng 5 âm lịch tại Núi Bà Đen – một điểm hành hương nổi tiếng ở Nam bộ. Trong bức tranh, Bà mặc áo xanh, ngồi trên ngai, đầu đội mão, có người hầu cầm ấn “Linh Sơn”.
– Cửu Thiên: Dân gian còn gọi là Cửu Thiên Huyền Nữ. Đây là vị thần mà Đạo giáo tôn sùng. Sách Từ điển Văn hóa Cổ truyền Trung Hoa có ghi rõ: “Nữ thần mà Đạo giáo tín cử. Còn gọi là “Nguyên nữ”, “Huyền nữ”, “Cửu Thiên Nương Nương”. Vốn là nữ thần trong thần thoại cổ đại Trung Quốc, sau được Đạo giáo tín cử. Theo các sách Vân Kiềm Thất Giám, Cửu Thiên Huyền Nữ truyện, Hoàng Đế Nội Kinh, thì Cửu Thiên Huyền Nữ đầu người thân chim, từng là nguyên soái của Hoàng Đế, đệ tử của Thánh Mẫu Nguyên Quân. Hoàng Đế giao chiến với Si Long mãi không thắng. Một hôm Cửu Thiên Huyền Nữ cưỡi chim phượng đỏ, mặc bộ y phục chín màu, đáp xuống hạ giới, trao cho Hoàng Đế lá bùa dùng binh lục Giáp Lục Nhâm và sách sai khiến quỉ thần, đồng thời chế ra 80 cái trống mà đánh bại Si Long”8. Ngoài ra, Bà còn được xem là vị tiên nữ cai quản chín tầng Trời có tên: Quân Thiên, Thượng Thiên, Biến Thiên, Huyền Thiên, U Thiên, Hiệu Thiên, Chu Thiên, Viên Thiên và Dương Thiên. Ở Nam bộ, Cửu Thiên Huyền Nữ thường được người Việt thờ trong nhà với chức năng độ mạng cho nữ giới. Trong bức tranh, hình Bà được vẽ ngồi trên ngai, đầu cài trâm, tay cầm hốt, có người hầu cầm ấn “Cửu Thiên”.
– Chúa Tiên: Hiện tại có nhiều giải thích khác nhau về lai lịch của vị thần này. Các tác giả của Đình Nam bộ xưa và nay cho biết: “Nếu Thiên Y A Na từ Nha Trang trực tiếp đi vào Nam thì gọi là bà chúa Tiên. Còn nếu từ Nha Trang ra Huế rồi trở vào Nam thì gọi là bà chúa Ngọc”9. Trong công trình Đạo Mẫu (tập 1) do Ngô Đức Thịnh chủ biên, phần Thờ Mẫu ở Nam bộ do Nguyễn Chí Bền, Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Duy Hinh viết đã đề cập: “Bà Chúa Tiên có lẽ là dấu vết của tầng văn hóa trong tiềm thức, được mang từ đồng bằng sông Hồng vào tới nơi này”10. Trần Đại Vinh, trong Tín ngưỡng Dân gian Huế, có nhắc đến chi tiết: “Xét theo văn sớ cầu cúng của tín ngưỡng Tứ phủ cộng đồng ở Huế thì mỗi cõi đều có một thánh mẫu cai quản: Thượng thiên có Thiên Y A Na Diễn Ngọc phi thánh mẫu, thượng ngàn có Quản cai sơn nhạc cửu châu Lê Mại đại vương, trung thiên có Tây cung vương mẫu bổn mạng chúa Tiên, thủy phủ có Thủy phủ Long cung thánh mẫu”11. Như vậy, lai lịch của Bà Chúa Tiên cần được tiếp tục nghiên cứu. Tuy vậy, Bà là vị thần Việt, được người Việt ở Nam Bộ thờ cúng phổ biến. Trong gia đình, Bà là vị thần bổn mạng của nữ giới. Trong tranh, Bà được vẽ mặc áo màu vàng, ngồi trên ngai, có người hầu cầm ấn “Chúa Tiên”.
– Chúa Ngọc: Là tên gọi tắt của Thiên Yana Diễn Ngọc Phi Nương Nương. Bà vốn có nguồn gốc là Bà mẹ xứ sở của người Chăm: Pô Inư Nagar. Lai lịch của Bà được ghi lại trong văn bia do Phan Thanh Giản soạn tại Tháp Bà Pô Na Gar ở Nha Trang. Qua đây, được biết nhà Nguyễn phong tặng mỹ hiệu cho Bà là Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng Thượng Đẳng Thần. Người Việt ở Trung bộ trong quá trình đi về phương Nam lập nghiệp đã mang theo tín ngưỡng này, Bà trở thành vị Mẫu được thờ ở Nam Bộ. Cũng như Bà Cửu Thiên, Địa Mẫu, Quan Âm,… Bà có chức năng để độ mạng cho phái nữ trong gia đình. Hình Bà trong bức tranh mặc áo màu hồng nhạt, ngồi trên ngai, có người hầu cầm ấn “Chúa Ngọc”.
2.2. Một số nhận định
Như vậy, qua việc tìm hiểu lai lịch của các vị thần được thờ trong bức tranh này cũng như vị trí ngồi, chúng tôi có một số nhận định ban đầu như sau:
– Thứ nhất, bức tranh có 3 trục rõ rệt: Trục giữa gồm các vị phật và bồ tát của Phật giáo (Quan Âm, Chuẩn Đề), Đạo giáo (Phật mẫu, Địa Mẫu). Trục bên phải bao gồm các vị thần của người Hoa (Thiên Hậu, Long Mẫu, Kim Hoa, Hoàng Mẫu), trục bên trái là các vị thần của người Việt (Linh Sơn, Cửu Thiên, Chúa Tiên, Chúa Ngọc). Như vậy, trục quan trọng nhất của bức tranh chính là trục giữa với Quan Thế Âm Bồ Tát ở vị trí cao nhất. Bồ Tát Quán Thế Âm và Chuẩn Đề trong bức tranh này mang ý nghĩa cứu khổ cứu nạn, đặc biệt với những người thường xuyên mưu sinh nơi biển cả. An Thủy là một cộng đồng ngư dân có hơn một trăm năm hình thành và phát triển tại Bến Tre. Hiện tại, số lượng ghe tàu tại đây có 645 chiếc, sản lượng đánh bắt hằng năm là 26.000 tấn12. Là một trong tổng số 5 ấp của xã An Thủy, An Thuận là địa bàn có nhiều ngư dân sinh sống. Nghề đánh bắt thường xuyên hoạt động ở biển khơi vốn dĩ có nhiều bất trắc xảy ra như nhận định của Malinowski: “Vấn đề quan trọng nhất là ở chỗ đối với việc đánh bắt cá ở phá, khi con người hoàn toàn dựa vào kiến thức và kỹ năng của mình, ma thuật không tồn tại, trong khi đối với việc đánh bắt cá ngoài khơi, đầy nguy hiểm và bất trắc, người ta sử dụng một hệ thống nghi lễ ma thuật với phạm vi rộng lớn để đảm bảo an toàn và kết quả cao”13. Những người đi biển thường cầu nguyện Quán Thế Âm Bồ Tát vì: “Gió đông đi biển chìm thuyền, Niệm danh bồ tát sóng tan hết liền”. Do đó, vị bồ tát này được đưa lên vị trí cao nhất trong bức tranh. Đây là một minh chứng về sự ảnh hưởng, thâm nhập của Phật giáo vào tín ngưỡng Việt Nam.
– Thứ hai, ở trục bên phải và bên trái là 2 hệ thống thần Hoa và Việt. Điều này thể hiện được tính giao lưu văn hóa giữa người Việt và Hoa trên địa bàn xã An Thủy. Có thể nhắc qua về tình hình dân cư tại địa phương. Hiện nay dân số toàn xã là 3.502 hộ với 16.590 nhân khẩu, trong đó người Hoa có 64 hộ và 208 nhân khẩu14. Người Hoa đã bắt đầu có mặt ở An Thủy vào khoảng đầu thế kỷ XX, phần lớn có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông- Trung Quốc. An Thủy là nơi mà trữ lượng tôm, cá khá nhiều, nên người Hoa đã tìm đến: “Bà Hiền Tân Thuỷ hằng hà cá tôm”. Họ góp phần khai phá vùng Tiệm Tôm (ấp An Thuận) ngày nay nhanh chóng trở thành một nơi sầm uất với nghề chài lưới và buôn bán, mà trước đó những ngư dân người Việt chưa làm được. Người Hoa tập trung vào nghề chài lưới với hình thức đóng đáy sông cầu là phổ biến và nghề chế biến tôm khô, cá khô để chuyển về Chợ Lớn buôn bán. Vì vậy, ở địa phương có quá trình giao thoa tiếp biến văn hóa qua lại giữa hai cộng đồng người Việt và Hoa, trong đó có lĩnh vực tín ngưỡng. Ngoài ra, theo quan niệm của phương Đông, bên trái (dương) vốn quan trọng hơn bên phải (âm), nên phải chăng các vị mẫu của người Việt quan trọng hơn các mẫu của người Hoa?
– Thứ ba, bức tranh Thập Nhị Thánh Mẫu mang một số thông tin về đời sống kinh tế tại địa phương. Trong bức tranh có xuất hiện các vị bồ tát và mẫu có chức năng phù hộ độ trì cho nghề sông biển như Quan Âm, Thiên Hậu, Long Mẫu, Chúa Ngọc. Như đã trình bày, An Thủy là cộng đồng ngư dân nằm kề cửa Sông Hàm Luông chảy ra Biển Đông. Ngày trước, họ tập trung đánh bắt ven bờ bằng các hình thức truyền thống như đóng đáy, kéo lưới, xiệp, câu kiều, lưới sỉ,…và ngày nay tiến dần ra biển bằng lối đánh bắt bằng ghe cào, ghe câu, ghe lưới. Điều này bắt buộc họ phải thờ cúng các hình thức tín ngưỡng liên quan đến nghề nghiệp, trong đó có các vị mẫu đã nêu.
– Thứ tư, bức tranh này gắn liền với con số 12 và vì vậy, nó mang ý nghĩa riêng. Theo Ngô Đức Thịnh, trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc bộ, sự xuất hiện của Tứ Vị Thánh Mẫu, Tứ Vị Chầu Bà, rồi có thể tăng lên Bát Vị Chầu Bà, thậm chí 12 vị chầu. Đối với hàng Cô, ta cũng thường gặp các con số 4, 6, 8, 12. Như vậy, thuộc dòng Thánh Mẫu, ta thấy số lượng các vị thần ở mỗi hàng là chẵn: 4, 6, 8, 1215. Các con số này phản ánh quan niệm về con số thiêng. Phải chăng con số 12 trong bức tranh này là một biểu hiện tập hợp khá đông đảo các vị mẫu ở vùng đất Nam bộ?
3. Kết luận
Bức tranh Thập Nhị Thánh Mẫu đã cho thấy một tập hợp khá đầy đủ chân dung của các vị mẫu ở Nam bộ, phản ánh được quá trình giao thoa văn hóa Việt – Hoa trong lĩnh vực tín ngưỡng, sự kết hợp chặt chẽ giữa tín ngưỡng với tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của cư dân vùng đất mới. Đặc biệt, đây cũng là đặc điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền đất phương Nam: “Có thể thấy, thờ Mẫu ở Nam bộ không mang tính khuôn mẫu như ở Bắc bộ, không trở thành một đạo Mẫu, vì trong quá trình du nhập và phát triển Nam bộ, do giao lưu văn hóa với nhiều vùng miền khác nhau, thờ Mẫu ở Nam bộ đã mang tính thoáng, mở, đã tích hợp nhiều loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu khác nhau…”16.
Ngoài ra, tín ngưỡng Thập Nhị Thánh Mẫu trong mối quan hệ với Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Miếu Bà An Thuận là độc đáo, phản ánh được sự biến đổi về kinh tế, mối quan hệ tộc người tại địa bàn cũng như là nhu cầu tâm linh. Như giả thuyết mà chúng tôi đưa ra, đó là vai trò của người Hoa trong việc thúc đẩy khai thác và chế biến, phân phối nguồn lợi thủy hải sản, tiến trình vươn ra khơi đánh bắt ngày một xa nên ngư dân cần sự độ trì của một vị mẫu luôn bên cạnh họ mỗi khi xuống ghe dong ruỗi nơi biển cả mênh mông. Như vậy, bức tranh Thập Nhị Thánh Mẫu trở nên có giá trị về phương diện lịch sử, là tín ngưỡng trung tâm của ngôi miếu vào buổi đầu hình thành.
Năm 2009, chúng tôi có dịp trở lại Miếu Bà An Thuận vào dịp lễ kỳ yên. Cũng tại gian chánh điện, chúng tôi thấy bức tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu khá lớn, được đặt phía trước bức tranh Thập Nhị Thánh Mẫu. Hỏi thăm các vị chức sắc trong ban khánh tiết thì được biết một người dân vừa cúng cho miếu vì miếu chưa có tượng Bà để thờ. Phải chăng đây là sự tiếp tục, dù có muộn màng nhưng rất quan trọng, cho việc khẳng định vị trí thần chủ của Thiên Hậu Thánh Mẫu tại Miếu Bà An Thuận? Còn bức tranh này dần lùi vào quá khứ, nó là kết quả của sự biến đổi đời sống tín ngưỡng của người dân địa phương và nên chăng gọi đó là “di sản văn hóa” của Miếu Bà An Thuận?
Chú thích:
1. Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang (tập 1), NXB. Tổng hợp TP.HCM, 2003, Tr.963.
2. Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang (tập 1), NXB. Tổng hợp TP.HCM, 2003, Tr.962.
3. Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang (tập 4), NXB.Tổng hợp TP.HCM, 2003, Tr.3640.
4. Doãn Hiệp Lý (chủ biên), Từ điển văn hóa cổ truyền Trung Hoa, NXB.Văn hoá Thông tin, 1994, Tr.2211.
5. Trần Hồng Liên, Nghi lễ và lễ hội Bà Thiên Hậu ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. In trong: Hội Folklore Châu Á, Giá trị và tính đa dạng của Folklore Châu Á trong quá trình hội nhập, NXB.Thế Giới. 2006, Tr. 355.
6,7. Nguyễn Ngọc Thơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hoa Nam, Tạp chí phát triển khoa học và công nghệ, số x2/2011, tập 14, Tr.53-54.
8. Doãn Hiệp Lý (chủ biên), Từ điển văn hóa cổ truyền Trung Hoa, NXB.Văn hoá Thông tin, 1994,Tr.2211.
9. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Đình Nam bộ xưa và nay, NXB.Đồng Nai, 1999, Tr.144.
10. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Đạo Mẫu (tập 1), NXB.Khoa học xã hội, 2007, Tr.316.
11. Trần Đại Vinh, Tín ngưỡng dân gian Huế, NXB.Văn hóa Thông tin, 2006, Tr. 153.
12,14. Số liệu này do Ủy ban Nhân dân xã An Thủy cung cấp.
13. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Những vấn đề Nhân học tôn giáo, Tạp chí Xưa và Nay. NXB.Đà Nẵng, 2006, Tr.159.
15. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, NXB.Khoa học xã hội, 2001,Tr.149.
16. Trần Hồng Liên, Giá trị tinh thần truyền thống trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ (nghiên cứu so sánh với Bắc và Trung bộ). In trong: Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Nam bộ đất và người (tập 8), NXB. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2011, Tr. 321.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Doãn Hiệp Lý (chủ biên), Từ điển văn hóa cổ truyền Trung Hoa, Hà Nội, NXB.Văn hoá Thông tin, 1994.
2. Hội Folklore Châu Á, Giá trị và tính đa dạng của Folklore Châu Á trong quá trình hội nhập, Hà Nội, NXB.Thế Giới. 2006.
3. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Những vấn đề Nhân học tôn giáo, Đà Nẵng: Tạp chí Xưa và Nay. NXB.Đà Nẵng, 2006.
4. Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Nam bộ đất và người (tập VIII), Thành phố Hồ Chí Minh, NXB. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2011.
5. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Hà Nội, NXB. Khoa học xã hội, 2001.
6. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam (tập 1), Hà Nội, NXB.Tôn giáo, 2009.
Ghi chú: Hình ảnh minh họa bài viết: Kính mời Qúy độc giả xem ở tệp PDF.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Trà Vinh,
Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 07, tháng 12/2012
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tìm hiểu ý nghĩa bức tranh thờ Thập Nhị Thánh Mẫu ở miếu bà An Thuận, xã An Thủy-huyện Ba Tri-tỉnh Bến Tre (Tác giả: ThS Dương Hoàng Lộc) |