Tìm lại những từ tiếng Việt bị thất truyền
IN SEARCH OF LOST VIETNAMESE WORDS
Tác giả bài viết: BÙI BẮC
(Thành phố Hà Nội)
TÓM TẮT
Tác giả bài viết phát hiện và chứng minh rằng, từ prince trong tiếng Anh hoàn toàn tương đương với từ vương trong tiếng Việt. Nghĩa phổ quát của prince là vương. Hoàng tử = king’s son chỉ là một trong nhiều nghĩa dẫn xuất của từ prince. Cho đến nay, khi dịch ra tiếng Việt, chưa thấy ai dùng từ vương để dịch từ prince, mọi prince đều biến thành hoàng tử. Các từ điển Anh Việt gọi Charles là Hoàng tử xứ Wales, Reiner là Thái tử! Hậu quả của tình trạng này là dịch sai hàng loạt cụm từ tiếng Anh, đem lại những lời dịch mà nghĩa hiển ngôn trong tiếng Việt hoàn toàn mâu thuẫn với thực tế. Đồng thời, một số từ tiếng Việt bị thất truyền. Bài này giải quyết triệt để cách dịch từ prince và princess của Anh ra tiếng Việt, trong tất cả các ngữ cảnh nhờ vào những từ tiếng Việt được cho là đã biến mất khỏi sử dụng, chỉ còn lại trong từ điển. Bài viết cũng cảnh báo tình trạng rất nhiều người trong giới cầm bút không hiểu nghĩa ngay cả những từ Hán Việt thông dụng nhất.
ABSTRACT
The English word Prince is equivalent to the Vietnamese word Vương. However, in general, the translation of Prince into Vietnamese is always Hoàng tử. (In Vietnamese, Hoàng tử only means a king’s son). As a result, many English expressions are incorrectly translated into Vietnamese. Even in English-Vietnamese dictionaries Prince of Wales turns into son of the king of Wales, and Prince Reiner of Monaco is called a king’s crown son. At the same time, some Vietnamese words have disappeared in use, existing only in Vietnamese dictionaries. This article also deals with the right translations of the words “prince” and “princess” in all contexts.
Vừa rồi, trên một tờ báo(1) có bài mang tên và nội dung được trích đoạn như sau (những chữ gạch dưới do tác giả bài viết nhấn mạnh):
“Anh thay đổi quy định về công chúa
Trong ngày sinh nhật của công nương Catherine, vợ hoàng tử Anh William, Nữ hoàng Elizabeth II ra chiếu chỉ thay đổi quy định lâu nay về “công chúa”. Theo báo The Telegraph, con gái của vợ chồng hoàng tử Wiliam sẽ được gọi là “công chúa” chứ không phải là “tiểu thư”. Trước khi điều chỉnh quy định này, luật lệ từ thời vua George V ghi rõ chỉ có con trai cả của con trai đầu hoàng tử Charles mới được nhận tước hiệu hoàng tử và nếu là con gái thì chỉ được gọi là tiểu thư…”
Là người đọc, tôi ngạc nhiên ngay từ cái tít. Trong tiếng Việt từ xưa đến nay từ công chúa chỉ có nghĩa là con gái của vua (trừ nghĩa bóng). Các từ điển tiếng Việt và Hán Việt cũng đều ghi rõ như vậy. Con gái của vua là do vợ vua đẻ ra, ông Trời an bài như vậy, quy định sao được!
Tương tự như vậy, từ hoàng tử có nghĩa hiển ngôn trong tiếng Việt chỉ là con trai vua! Mà tôi cũng chưa thấy từ điển tiếng Việt nào dám ghi nghĩa khác! Hoàng tử không phải là tước hiệu mà chỉ là từ Hán Việt (từ tiếng Việt gốc Hán) có nghĩa là con trai vua mà thôi.
Vậy mà trong vòng vài thập niên qua, trong sử dụng tiếng Việt, hai từ này bị ép mang những nghĩa rất khác. Nguyên do nào đưa đến tình trạng này?
Đồng âm khác nghĩa là một hiện tượng phổ biến trong mọi ngôn ngữ. Thí dụ, trong tiếng Việt từ đường có nhiều nghĩa: 1) đường (để ăn); 2) đường (để đi); 3) giảng đường; 4) đường hoàng v.v…
Khi cần dịch ra tiếng nước ngoài thì phải chọn đúng nghĩa trong ngữ cảnh mà dịch. Ngôn ngữ nào cũng thế thôi.
Trong tiếng Anh từ prince và princess ngoài nghĩa hoàng tử và công chúa còn có nhiều nghĩa khác.
Các từ điển thông thường của Anh nêu lên 5 nghĩa chính của từ prince: 1) Vua (thời cổ); 2) Người trị vì công quốc và thành viên nam trong gia đình họ; 3) Thành viên nam trong gia đình vua, trừ vua; 4) Ở một số nước châu Âu, là cách tôn xưng nhà quý tộc; 5) Người xuất chúng trong một lĩnh vực nào đó.
Từ vương của ta có 2 nghĩa chính: 1) Vua (thời cổ), 2) Tước quý tộc cao nhất chỉ để phong cho con trai, anh em ruột của vua và những người có công hết sức to lớn.
Đọc cả 5 nghĩa của từ prince ghi trong từ điển của Anh thì không thấy có nghĩa nào là tước vương cả. Nhưng suy cho kỹ thì cả 5 nghĩa của prince đều là các nghĩa của từ vương hoặc suy diễn từ đó mà ra.
Từ prince có nguồn gốc Latinh là prĩnceps có nghĩa là người cầm đầu. Điều này đủ giải thích cho nghĩa 1: vua, nghĩa nguyên sơ của từ này.
Ở Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng là người đầu tiên xưng Hoàng đế. Còn trước đó, tất cả các ông vua chỉ xưng là vương: Việt Vương Câu Tiễn, Ngô Vương Phù Sai v.v… Nước ta cũng vậy: An Dương Vương, Trưng Vương… Lý Bí là người đầu tiên xưng Lý Nam Đế. Như vậy, trong tiếng ta, nghĩa ban đầu của từ vương cũng là vua. Rõ ràng trong nghĩa 1: Prince = Vương (= vua).
Khi chế độ phong kiến chuyển sang giai đoạn tập quyền, hoàng đế là vua to, prince trở thành vua nhỏ. Đó chính là nghĩa thứ 2 của từ prince, cũng là nghĩa thứ 2 của từ vương. Dẫn chứng là Quận vương Reiner của Monaco và Hán Trung Vương Lưu Bị thời Tam Quốc.
Ở phương Tây, vua thường phong cho con trai hoặc các anh em ruột của vua tước prince. Ở phương Đông, vua cũng thường phong cho các hoàng tử và anh em ruột của vua tước vương. Đây là sự tương đương nghĩa thứ 3 của prince và vương.
Như vậy cả 3 nghĩa chính của từ prince đều tương đương với từ vương trong tiếng ta. Nghĩa thứ tư của từ prince chỉ là một sự mở rộng, còn nghĩa thứ 5 rõ ràng là nghĩa bóng. Ta có thể khẳng định rằng prince là vương, hai từ đó hoàn toàn tương đương. Gọi con trai vua là prince chẳng qua là cho rằng con vua thì phải phong tước vương mà thôi. Hoàng tử chỉ có thể xem là một trong nhiều nghĩa của từ prince.
Ai còn không tin, xin đọc tiểu sử các thành viên Hoàng gia Anh. Bao giờ cũng có mục Titles (Tước vị) và trong đó liệt kê Prince (Vương tước) cùng với các tước khác như Công tước, Bá tước…
Vậy mà khi dịch từ prince ra tiếng Việt, trong mọi ngữ cảnh dù trong tiếng Anh mang nghĩa nào thì trong tiếng Việt tôi thấy người ta đều dịch là hoàng tử hoặc thậm chí là thái tử! Đó là cái sai có thể nói là của hầu như tất cả những người dịch chứ không phải riêng bài báo được trích đoạn.
Đoạn trích in nghiêng ở trên gồm chỉ 108 chữ, có vẻ không có gì khác so với tài liệu gốc(2) nhưng thực ra, về tiếng Việt có đến 10 chỗ dùng từ sai (gạch dưới). Người hiểu tiếng Việt đọc sẽ thấy rất kỳ cục.
Ta hãy nói về cái anh William. Anh này là cháu nội của vua chứ không phải là con vua. Gọi cháu vua là hoàng tử (= con vua) dĩ nhiên là sai! Các dịch giả ta nghĩ thật đơn giản: Nếu từ hoàng tử dịch ra tiếng Anh là prince thì từ prince dịch ra tiếng Việt phải là hoàng tử mà không hề bận tâm từ prince trong tiếng Anh có bao nhiêu nghĩa! Dịch thế khác nào từ sugar dịch ra tiếng Việt là đường thì đường Thanh Niên dịch ra tiếng Anh là Thanh Nien sugar!
Bài gốc đăng trên The Telegraph gọi William là Công tước Cambridge. Như vậy trong tiếng Việt ta chỉ có thể gọi anh này là công tước hoặc hoàng tôn mà thôi. Gọi hoàng tử là vô căn cứ, là mạo danh.
Còn cô vợ Catherine, gọi là công nương có đúng không? Bài báo gốc gọi chị này là công tước phu nhân. Vậy tốt nhất ta cứ thế mà gọi, hoặc gọi nữ công tước hoặc chỉ đơn giản là phu nhân cũng không sai.
Tiểu thư là cách gọi trước đây, một cách trịnh trọng, lịch lãm đối với một cô gái không nhất thiết phải là con quan. Trong ngữ cảnh này từ lady chỉ có thể dịch là công nương.
Trong tiếng Anh, con gái, con dâu, cháu gái của vua và nhiều trường hợp khác được gọi là princess. Còn trong tiếng Việt chắt gái của vua chắc chắn không phải là công chúa. Chắt gái vua mà xưng là công chúa thì cũng là mạo danh!
Tôi đã giải thích rõ 9 chỗ dùng từ sai, còn một cụm 3 chữ được gạch dưới ở gần cuối: Quy định của vua George V là dành cho tất cả các thái tử Anh Quốc chứ không phải cho riêng hoàng tử Charles, người chắt của George V mà 30 năm sau đó mới ra đời.
Cuối cùng, căn cứ vào bài viết trên The Telegraph, trích đoạn bài báo tiếng Việt ở trên phải sửa lại là:
Thay đổi quy định về tước vị của thành viên nữ trong hoàng gia Anh
Trong ngày sinh nhật phu nhân Catherine của hoàng tôn Anh William, Nữ hoàng Elizabeth II ra chiếu chỉ thay đổi quy định lâu nay về thừa kế tước vị của thành viên nữ trong hoàng gia. Theo báo The Telegraph, cả con trai và con gái của vợ chồng hoàng tôn Wiliam đều sẽ được tôn xưng là điện hạ gọi kèm với tước vương và sau đó là tên. Trước khi điều chỉnh quy định này, luật lệ từ thời vua George V ghi rõ chỉ có con trai cả của con trai đầu thái tử Anh Quốc mới được nhận tước vương còn nếu là con gái thì chỉ được gọi là công nương…
Người đọc biết tiếng Anh phải tự hiểu tước vương gọi như thế nào trong tiếng Anh. Còn người không biết tiếng Anh sẽ không cần quan tâm.
Trong tiếng Việt ta hay gọi Thái tử Charles, có nghĩa là Hoàng tử Charles đã được chọn để kế vị ngai vàng. Nhưng người Anh lại rất ít khi dùng cách gọi này. Người Anh hay gọi là Prince of Wales hoặc đơn giản là Prince Charles. Nếu dịch ra thì Prince of Wales có nghĩa là Quận vương xứ Wales. Trên thực tế, theo truyền thống hoàng gia Anh, tước này thường phong cho người sẽ kế vị ngôi vua. Cho nên Prince of Wales được hiểu là thái tử Anh Quốc. Tiếc thay rất nhiều người Việt lại dịch ra là thái tử xứ Wales. Ông ấy đường đường là thái tử Anh Quốc (sẽ là vua Anh) chứ đâu phải thái tử xứ Wales (sẽ là vua xứ Wales)!
Một kiểu nhầm lẫn khác cũng không kém phần hài hước là nhiều người thấy trong tiếng Anh người ta hay gọi tắt là Prince Charles trong khi tiếng Việt hầu hết đều gọi là thái tử Charles thì tưởng rằng prince có nghĩa là thái tử (từ prince đứng riêng không hề có nghĩa là thái tử). Những người này hễ cứ thấy ở đâu có chữ prince thì đều dịch là thái tử. Cụm từ “giới thái tử Đảng” mà BBC Việt ngữ hay dùng để chỉ đám con em các công thần của Đảng Cộng sản Trung Quốc chứng tỏ họ tưởng prince có nghĩa là thái tử còn thái tử là gì trong tiếng Việt thì họ hiểu sai hoàn toàn!
Một hậu quả thảm hại khác của hiểu nhầm này là tôi đã từng thấy có người viết chồng Nữ hoàng Anh là Thái tử Philip! Hoặc rất gần đây, có người đã viết ông Xuphanuvông là thái tử (vì thấy báo chí phương Tây gọi là prince). Trong cuộc đời mình, ông này chưa bao giờ được chọn để kế vị ngôi vua. Tệ hơn, cha con ông Reiner của Monaco thường xuyên bị gọi oan là thái tử!
Ông Philip lúc cưới Công chúa Elizabeth (năm 1947) thì được vua Anh George VI phong tước Quận công Edinburgh. Nữ hoàng Anh Elizabeth lên ngôi năm 1952 và đến năm 1957 thì phong cho chồng tước vương nên ông được gọi là Prince Philip. Như vậy, ta phải gọi chồng Nữ hoàng Anh là Vương tước Philip hay Quận vương Philip hoặc Vương gia Philip. Vương tước là nghĩa phổ quát của từ prince trong tiếng Anh. Tước vương là tước cao nhất trong các tước quý tộc, trên cả tước công (vương, công, hầu, bá, tử, nam là các tước vị phong kiến chính ở phần lớn các nước phong kiến, không kể hoàng đế). Hiện nay, Wikipedia tiếng Việt và vài tài liệu khác gọi người này là Ông hoàng Philip, Hoàng thân Philip. Gọi như thế cũng chưa đúng.
Những ví dụ tiêu biểu về người được phong tước vương ở nước ta là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Ở Trung Quốc, Ngô Tam Quế được vua nhà Thanh phong là Bình Tây Vương. Bát Vương gia thời Tống trong phim Bao Thanh Thiên cũng mang tước vương. Có một nhân vật lịch sử sống rất xa chúng ta, cả về không gian lẫn thời gian, nhưng lại vô cùng quen thuộc với mỗi chúng ta. Đó là Ngụy Vương Tào Tháo. Ông này từng cậy mạnh, ép vua Hiến Đế phong tước vương cho mình.
Ông Philip, ông Reiner, ông Albert và cả Prince of Wales đều mang tước vị ngang với năm ông ta, Tàu vừa nêu nhưng tôi chưa thấy ai gọi bốn ông Tây này là quận vương, vương gia hoặc vương tước như trong từ điển cả. Chỉ vì tước vương trong tiếng Anh lại là prince, mà prince trong mọi trường hợp đều đã bị mọi người tưởng là hoàng tử.
Cái ông Prince Reiner of Monaco mới thật sự oan ức dưới tay các dịch giả Việt Nam! Hơn nửa thế kỷ ngồi trên ngôi báu để trị vì một công quốc lừng danh như Monaco mà báo chí Việt Nam, từ trước đến nay chỉ gọi ông là thái tử hoặc hoàng tử, cứ như ông này không phải là vua mà chỉ là con vua! Reiner đã chết từ năm 2005 nhưng cho đến bây giờ báo chí ta vẫn tiếp tục gọi là Thái tử Reiner! Con trai ông ấy là Albert kế vị cha đã được 8 năm, cũng vẫn cứ bị gọi là Thái tử hoặc Hoàng tử Albert.
Cha con ông này đều được gọi là prince do họ trị vì một công quốc (quốc gia nhỏ). Khi mà họ chưa lên ngôi thì ta có thể gọi họ là thái tử vì sẽ kế vị. Còn khi lên ngôi rồi thì phải gọi theo tước vị là quận vương. Còn nếu gọi theo cương vị, người cai trị một công quốc là công quốc vương. Đó chính là nghĩa thứ 2 của từ prince trong tiếng Anh.
Trong khi ông bố chịu thiệt thòi thì bù lại, hai cô con gái là Caroline và Stephanie lại được báo chí của ta đề cao quá mức, gọi họ là công chúa. Trong tiếng Việt, con gái của quận vương thì chỉ là quận chúa mà thôi.
Tôi có xem vài quyển từ điển Anh-Việt hiện hành thì thấy những người biên soạn không hiểu và dịch sai nghĩa 2 và 3 của từ prince. Họ đều gọi Charles là Hoàng tử xứ Wales và Reiner là Thái tử (!). Điều này cũng chứng tỏ họ không hiểu hoàng tử và thái tử nghĩa là gì trong tiếng Việt.
Nữ hoàng Anh phong tước Quận vương xứ Wales cho con cả Charles khi ông con tròn 10 tuổi. Việc này y hệt Đinh Bộ Lĩnh khi lên ngôi Hoàng đế đã phong cho trưởng nam Đinh Liễn tước Nam Việt Vương.
Ông Charles mà là Hoàng tử xứ Wales thì người đọc sẽ suy đoán là ông này chắc có một ông bố nuôi hoặc bố dượng gì đấy làm vua xứ Wales! Vì bố mẹ đẻ của Charles cả thế giới đều đã biết!
Từ tiếp theo ta sẽ đem ra bàn là công nương. Trong đoạn trích của bài báo, từ này cũng bị đặt nhầm chỗ! Từ công nương xưa nay trong tiếng Việt được hiểu là người phụ nữ quyền quý, con nhà quan. Khoảng chục năm lại đây từ này đã được sử dụng trong một trường hợp khá là bi hài.
Số là một dịch giả nào đó phải dịch từ Princess Diana. Nhiều người trước đó đã dịch bừa là công chúa Diana, nhưng dịch giả này vì cũng có chút kiến thức nên cảm thấy lúng túng: “Công chúa là con vua, còn đây lại là con dâu, biết dùng từ nào đây?” Anh ta nghĩ: “Thôi, không biết từ con dâu vua thì ta dùng tạm từ công nương cũng được. Con dâu vua thì dĩ nhiên là quyền quý rồi, không chính xác nhưng cũng chẳng sai mấy”. Thế là vợ thái tử Anh Quốc được lên mặt báo Việt Nam với cách gọi Công nương Diana!
Người thạo tiếng Việt cảm thấy chưa ổn lắm nhưng có rất nhiều người lại tưởng công nương có nghĩa là con dâu vua. Từ đó, không chỉ trường hợp Diana mà bất cứ đâu, cứ hễ thấy con dâu (cả cháu dâu) của vua thì người ta dịch là công nương. Một người làm sai, cả làng bắt chước. Một trong những nạn nhân tiếp theo của việc dùng sai từ này là vợ của thái tử Thái Lan. Người này cũng lại bị gọi là công nương!
Trong tiếng Việt, vợ cả của thái tử được gọi là (vương) phi. Một số vợ thứ của vua được gọi là (hoàng) phi. Riêng từ vương phi, không phải tôi là người đầu tiên đưa lên báo! Cách đây khoảng mươi năm, học giả Lê Mạnh Chiến đã một lần phê phán cách gọi Công nương Diana. Có lẽ tờ báo ông Chiến gởi đăng không có nhiều độc giả nên sau đó vẫn không thấy ai sửa sai để gọi Diana là Vương phi.
Ông Chiến còn cho biết, trước đó, có người gởi cho chương trình “Hỏi gì đáp nấy” của Đài Truyền hình Trung ương câu “Con dâu vua thì gọi là gì?” GS Nguyễn Lân Dũng, người phụ trách chương trình liền gọi điện hỏi GS Sử học Trần Quốc Vượng. GS Vượng đáp: “Có lẽ là công nương”. Câu trả lời không chắc chắn đó đã được dùng làm đáp án cho khán giả và phát trên truyền hình. Theo như tôi biết thì cụm từ Công nương Diana đã xuất hiện trên báo chí vào giữa những năm 90 thế kỷ trước, khi chưa có sự kiện truyền hình này. Đáp án của hai vị giáo sư nổi tiếng dường như củng cố thêm lòng tin cho các dịch giả để họ mạnh dạn gọi Diana là Công nương.
Ở xã hội phong kiến thì vương phi, vợ thái tử là hoàng hậu tương lai, chỉ đứng dưới một người. Đó là hoàng hậu đương triều. Vương phi dĩ nhiên là cao hơn công chúa, công chúa cao hơn quận chúa, quận chúa lại cao hơn công nương!
Thiên hạ chỉ biết bi kịch của Vương phi Diana là thiếu hạnh phúc gia đình và chết trẻ vì tai nạn giao thông, nhưng ít ai biết là ở Việt Nam bà này còn bị hạ thấp tước vị đến ba bậc. Đường đường là vương phi của một đại cường quốc lại chỉ được gọi là công nương! Nếu đại sứ Anh Quốc tại Việt Nam mà biết tiếng Việt đến nơi đến chốn, có lẽ ông ấy đã gởi công hàm phản đối cách gọi này.
Thật thú vị, cũng một từ princess trong tiếng Anh mà khi dịch ra tiếng Việt, ta được năm từ hoàn toàn khác nhau: Vương phi Diana, Công chúa Anne, Quận chúa Stephanie, nữ Vương tước Grace Kelly và Hoàng tôn Phu nhân Catherine. Buồn thay, ngoài Công chúa Anne, chưa thấy ai dịch đúng trong bốn trường hợp còn lại.
Cũng cần nói thêm rằng, ở các triều đại phong kiến Á Đông, ngoài một số vợ thứ của vua ra, chỉ có vợ chính của hoàng thái tử mới được gọi là phi. Vợ của tất cả các vương và các hoàng tử đều chỉ là phu nhân mà thôi. Khi Lưu Bị đã là Hán Trung Vương thì ba bà vợ của ông là Cam, My, Tôn đều chỉ là phu nhân. Con trai của các vương chỉ là công tử, con dâu của các vương dĩ nhiên cũng chỉ là phu nhân. Như vậy, Princess Catherine chỉ có thể dịch là phu nhân mà thôi.
Ở nước ta, chúa Trịnh là một hiện tượng đặc biệt của chế độ phong kiến. Chúa được cho là một dạng của tước vương (dưới hoàng đế) nhưng thực chất lại nắm toàn bộ quyền cai trị. Vợ chính của chúa cũng được phong là phi, về danh nghĩa là dưới hoàng hậu nhưng thực chất là trên hoàng hậu.
Dịch từ prince của Anh đơn giản hơn nhiều so với princess. Trong những ngữ cảnh thuộc nghĩa 2 và 3, bao gồm ông Reiner và con trai, chồng, con trai, cháu đích tôn, chắt thừa tự của Nữ hoàng Anh, ta sẽ hoàn toàn đúng khi dịch prince thành vương tước, quận vương hoặc vương gia. Chỉ có ba ông con trai của bà, mà cũng phải trong ngữ cảnh nhất định ta mới được dịch là hoàng tử. Chứ gọi ông Charles là Hoàng tử xứ Wales thì nguy quá!
Nhiều người cả quyết, từ Hán Việt chiếm không dưới 70% kho từ vựng tiếng Việt. Vậy mà, xem ra thì lớp trẻ ngày nay biết quá ít từ Hán Việt, đến mức nhầm tử với tôn (nhầm con với cháu), không hiểu nghĩa hoàng tử, thái tử… là gì. Có lẽ nên đưa Tam thiên tự, một trong những cuốn sách vỡ lòng của các cụ kỵ chúng ta ngày xưa, vào chương trình tiểu học: “… tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước, tiền trước, hậu sau, ngưu trâu, mã ngựa…”
Chỉ đọc một mẩu tin con con đăng trên báo mà đã gặp cả loạt từ dùng sai nghĩa và qua đó mà phát hiện ra bốn từ tiếng Việt có lẽ đã hoàn toàn biến mất khỏi sử dụng. Đó là hoàng tôn, vương tước, quận vương, công quốc vương. (3) Các mục từ này đều có trong Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh và/ hoặc Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, là những cuốn từ điển phổ thông, không lớn. Như vậy cũng đủ biết trong tiếng Việt, số từ bị mất tích và đã bị các từ nghĩa khác chiếm chỗ là không ít!
Trong tiếng Việt chỉ cần một chữ vương hoặc một chữ phi để chỉ người mang tước đó: Ngụy Vương, Quý Phi, Nguyên Phi… Khi dịch từ tiếng châu Âu ta không thể nói Wales Vương, Diana Phi được mà phải gọi là Quận vương xứ Wales, Vương phi Diana… Vô hình trung, những từ quận vương, vương tước, vương phi… hầu như sinh ra chỉ để dùng trong dịch thuật. Các dịch giả không dùng thì những từ này không còn cơ hội ra mắt công chúng nữa.
Việc dịch sai các cụm từ Prince of Wales, Prince Reiner of Monaco, Princess Diana, Prince Philip, Prince William, Princess Stephanie of Monaco v.v… dẫn đến gọi sai tước vị của những người nổi tiếng này, đồng thời một số từ tiếng Việt bị mất vai diễn, “thất nghiệp” kéo dài rồi bị lãng quên và cuối cùng là bị thất truyền. Dịch thuật có những trường hợp không dễ như người ta tưởng. Ngoài kiến thức, cần biết phân tích, lý giải để thẩm tra, chỉnh sửa sản phẩm dịch thuật; không nên hoàn toàn dựa vào cách dịch của người đi trước, kể cả từ điển. Trách nhiệm người soạn từ điển lại còn cao hơn. Dịch sai rõ ràng góp phần làm cho tiếng Việt xuống cấp. Người cầm bút cần hết sức cẩn trọng, có trách nhiệm.
Chú thích:
(1) Tác giả không nêu tên tờ báo là vì hoàn toàn không có ý phê phán riêng tờ báo này. Đây không phải là lỗi của riêng tờ báo này mà ngày nay khắp nơi đều dùng từ như vậy, kể cả Ban Việt ngữ đài BBC tại chính Anh Quốc.
(2) Nguồn của bài viết được trích đoạn: The Telegraph 9/1/2013 Using Letters Patent, a method by which the sovereign can give orders without the involvement of Parliament, the Queen decided that from now on “all the children of the eldest son of the Prince of Wales” should be given the title of Royal Highness “with the titular dignity of Prince or Princess prefixed to their Christian names”. Until now, only the eldest son of the eldest son of the Prince of Wales was entitled to the honour, following a decree made by George V in 1917, meaning that if the Duke and Duchess of Cambridge have a daughter later this year she would have been known as “Lady”…
(3) Công quốc vương là một từ ghép có bổ ngữ, gồm hai thành tố mà cả hai thành tố là công quốc và vương đều có trong từ điển. Về mặt cấu tạo, từ ghép này có cấu trúc đúng quy tắc ngữ pháp đối với các từ ghép Hán Việt, giống như các từ quan sát viên, ý thức hệ, xã hội học, kiến trúc sư, phẫu thuật gia, thẩm mỹ viện… Khi quốc vương là người đứng đầu một nước có vua thì nghĩa hiển ngôn của từ ghép công quốc vương là người đứng đầu công quốc. Giả sử Prince Albert sang thăm Việt Nam. Để xưng hô đúng cương vị của ông, ta không thể gọi ông là quốc vương, vì ông không phải đứng đầu một nước, cũng không thể gọi là ông hoàng như có người gần đây không tìm được từ đành phải gọi nôm na và không đúng nghĩa như vậy. Gọi quận vương thì không sai nhưng đó chỉ là cái tước chứ chưa phải là cương vị… Từ duy nhất để gọi người trị vì công quốc một cách đúng đắn và đầy đủ tôn kính chỉ có thể là công quốc vương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Từ điển Hán-Việt, Đào Duy Anh. Xin đọc các mục từ sau: Vương, Vương công, Vương hầu, Công chúa, Công nương, Hoàng tử, Hoàng tôn, Thái tử, Quận chúa, Vương tước, Phi.
Mục từ Vương được định nghĩa: 1) Vua, có ý được mọi người thần phục. 2) Lớn…
Mục từ Vương tước được định nghĩa: Một tước phong trên cả năm tước: công, hầu, bá, tử, nam.
Mục từ Phi ghi rõ là vợ của vua hoặc vợ chính của thái tử. Mục từ Công nương được giải thích: Con gái nhà quan.
2. Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học. Xin đọc các mục từ:
Vương, Vương hầu, Công chúa, Công nương, Hoàng tử, Hoàng tôn, Thái tử, Quận chúa, Quận vương, Vương phi, Công quốc.
Mục từ Vương định nghĩa: 1) Vua, 2) Tước cao nhất trong bậc thang chức tước phong kiến.
Mục từ Quận vương định nghĩa: Tước vương phong cho đại quý tộc trong hoàng tộc.
Mục từ Vương phi ghi là Vợ của vua, chúa. Về mục từ Phi, theo tôi, Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh định nghĩa chính xác hơn, khái quát hơn.
Mục từ Công nương định nghĩa: Từ dùng để gọi con gái nhà quyền quý thời phong kiến, ý coi trọng.
3. Nhiều từ điển của Anh, Nga, tư liệu lịch sử, tác phẩm văn học và các tài liệu tra cứu rải rác trên Internet.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6-7 (104-105), năm 2013
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tìm lại những từ tiếng Việt bị thất truyền (Tác giả: Bùi Bắc) |