Tín ngưỡng Krishna qua di vật khảo cổ học Champa: Giải mã di vật thuộc di tích Khương Mỹ thuộc thế kỷ 10
KRISHNA CULT THROUGH CHAMPA’S OBJECTS:
AN ICONOGRAPHIC INTERPRETATION FOR OBJECTS
FROM THE 10TH CENTURY OF KHƯƠNG MỸ SITE
Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ TÚ ANH
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, (VNU-HCM))
TÓM TẮT
Bài viết này xem xét hai tác phẩm điêu khắc thể hiện đề tài đấu vật và cỗ xe ngựa kéo. Dù hai tác phẩm được phát hiện tại di tích Champa Khương Mỹ bởi các học giả Pháp từ cuối thế kỷ 19, nhưng cho đến nay hai tác phẩm này vẫn còn là bí ẩn chưa giải mã của giới khảo cổ học về di vật tìm thấy tại di tích Khương Mỹ nói riêng và nghiên cứu về Champa nói chung. Bài viết chỉ ra rằng điêu khắc đấu vật thể hiện chủ đề “Krishna tiêu diệt Kamsa”, và điêu khắc cỗ xe ngựa là biểu trưng của “cỗ xe ngựa trắng của thần Arjuna do Krishna điều khiển”. Cả hai nội dung này được diễn giải qua văn khắc Champa, và cổ thư Bà-la-môn giáo, đồng thời qua hệ thống các di vật đã được giải mã cũng được tìm thấy tại di tích này; từ đó, nhận định cư dân Champa có thể đã từng thực hành tín ngưỡng thờ thần Krishna tại di tích Khương Mỹ.
Từ khóa: di tích Khương Mỹ, điêu khắc đá, khảo cổ học Champa, tín ngưỡng Krishna.
ABSTRACT
This paper examines the iconography of two stone sculptures, including: a sculpture depicting the wrestlers, and, the other evoking a chariot. Although both sculptures were found at Khương Mỹ site by French scholars since late of the 19th century, the iconography of these two masterpieces remains a mystery to scholars in studying Khương Mỹ monument, and Champa culture as well. This paper indicates that the wrestler sculpture might be illustrated the theme “Krishna killing Kamsa”, and, the image of chariot can be demonstrated the topic “white-horsed chariot of Arjuna with the divine charioteer, Krishna”. Those ideas are also mentioned in the Champa inscriptions, which may lead to the hypothesis that Krishna cult was once practiced in Champa, and Khương Mỹ temple could be an example.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Bài viết này lựa chọn, và diễn giải lần đầu tiên về ý nghĩa tiếu tượng học hai điêu khắc đá được tìm thấy tại di tích Khương Mỹ, gồm: bàn thờ ngoài trời (bali-pitha) kích thước lớn; và điêu khắc đấu vật. Lý do bởi, có rất nhiều di vật được tìm thấy ngay tại di chỉ khảo cổ này, diễn tả hình ảnh nhân vật khác nhau, chúng có thể là đầu mối đưa đến nhận định về chức năng của di tích Khương Mỹ trong quá khứ; tuy nhiên, ý nghĩa tiếu tượng học của chúng hiện nay vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Trong khuôn khổ bài viết này, hai di vật nêu trên hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (BTĐKCĐN) sẽ chủ điểm chính được xem xét ý nghĩa biểu tượng, các minh chứng được viện dẫn từ cổ thư Bhagavata Purana niên đại khoảng thế kỷ 6-10, từ đó chứng minh điêu khắc đấu vật là minh họa cảnh “Krishna tiêu diệt Kamsa”. Các chương/hồi thuộc sử thi Ấn Độ là trường ca Mahabharata và Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita) sẽ được chỉ ra nhằm xác định rằng “cỗ xe ngựa trắng của thần Arjuna do Krishna điều khiển” được minh họa qua điêu khắc “cỗ xe” Khương Mỹ.
Hai di vật quan trọng này sẽ là nền tảng để đi sâu hơn phân tích các vấn đề về mối liên hệ giữa di vật và di tích Khương Mỹ trong các chuyên luận tiếp theo.
2. Cơ sở khoa học và phương pháp nghiên cứu
Hầu hết các loại hình di vật tượng thờ, điêu khắc tôn giáo được tìm thấy trong các nền văn hóa cổ nói chung và tín ngưỡng Bà-la-môn giáo nói riêng, chúng là sản phẩm của quá trình hiện thực hóa hình ảnh các vị thần được mô tả trong kinh sách Vệ-đà, gắn liền với tín ngưỡng Bà-la-môn giáo. Để giải mã được ý nghĩa tiếu tượng học của các di vật này, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu nghi thức thờ cúng các vị thần này mà các cư dân cổ xưa đã thực hành và lưu truyền lại cho các thế hệ sau.
Tuy nhiên, các di vật điêu khắc tôn giáo thuộc văn hóa Champa được tạo tác trong khoảng thiên niên kỷ 1-2 Công nguyên (CN), cùng với sự biến động của lịch sử khách quan tại Việt Nam nói chung, nên các cứ liệu đề cập như trên đã bị phá hủy không còn dấu vết. Bên cạnh đó, nhiều văn bia Champa chất liệu đá lưu giữ các thông tin có thể để tìm hiểu về lịch sử, và lý giải ý nghĩa các loại hình tín ngưỡng tôn giáo đã từng được cư dân cổ Champa thực hành trong lịch sử; các nội dung đó được viết bằng tiếng Sanskrit hoặc cổ ngữ Champa. Mặc dù nhiều minh văn đã bị mòn mờ hoặc bị đập vỡ, một phần trong số các minh văn còn được lưu giữ đến ngày nay đã được nghiên cứu và dịch ra tiếng Anh, nhưng đó vẫn là những thông tin rời rạc chưa liền mạch.
Do vậy, bài viết này sẽ kết nối các thông tin rời rạc đó với kinh thư Vệ-đà, và di vật tín ngưỡng Bà-la-môn giáo thuộc văn hóa Champa, từ đó giải mã hai di vật tôn giáo quan trọng được tìm thấy tại di tích Khương Mỹ có niên đại thế kỷ 10 CN.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Điêu khắc đấu vật
Điêu khắc trang trí chất liệu sa thạch, ký hiệu BTC273-24.2 (Hình 1), được tìm thấy tại di tích Khương Mỹ; qua hình ảnh diễn đạt trên tác phẩm, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng điêu khắc này thể hiện hình tượng hai người đang đấu vật. Nhưng điều quan trọng là các nhân vật trong đó vẫn chưa được diễn giải ý nghĩa tiếu tượng học, và chưa lý giải vì sao nội dung điêu khắc này lại gắn với di tích Khương Mỹ, các ghi nhận đó được công bố theo trình tự thời gian, gồm: Parmentier (1909); Boisselier (1963); Guillon (2001); Nguyễn Hoàng Hương Duyên (2018).
Điêu khắc cảnh đấu vật được thể hiện trên một khối đá nguyên, không ghép nối, kích thước 140cm × 110cm × 150cm, các dấu vết điêu khắc rìa cạnh cho phép nhận định chức năng của nó là tay vịn cầu thang, niên đại khoảng thế kỷ 10 (Boisselier, 1963). Mặc dù cả hai nhân vật đều có sự giống nhau về trang phục và hình thể, nhưng khuôn mặt hai nhân vật được đặc tả khác nhau, một người có khuôn mặt hiền hòa và đội vương miện hình cánh sen (?) với hoa tai hình kim cương, đặt ở bên phải hướng người xem; trong khi nhân vật còn lại có khuôn mặt dữ tợn, với đôi mắt lồi và hai chiếc răng nanh nhô ra dưới bộ ria mép rậm rạp, đeo hoa tai tròn lớn và đeo vương miện không hoa văn, đặt bên trái hướng người xem; các đặc điểm trên khuôn mặt của nhân vật dữ tợn này có thể là của một con quỷ (Parmentier 1909; Boisselier 1963).
Theo lý thuyết về hình tượng của Dehejia (1998, 1991) thì các hình tượng điêu khắc được trưng bày/diễn tả trong một ngôi đền đều nhằm thể hiện những sự kiện quan trọng nhất, có liên quan đến vị thần được thờ trong ngôi đền đó. Do vậy, đây là cơ sở để nhận định nội dung điêu khắc nhằm minh họa cho một sự kiện, có liên quan đến một trong những vị thần Bà-la-môn giáo, được thờ tại một trong ba ngôi đền của nhóm kiến trúc Khương Mỹ.
Xem xét trong cổ thư, Bhagavata Purana là sử thi Bà-la-môn giáo nói về các vị thần linh thiêng được sáng tác bởi Vyasadeva, niên đại từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 10 (Bryant, 2007; Sheridan, 1986). Những vần thơ thiêng liêng đó được cho là sẽ mang lại hạnh phúc và kiến thức cho những người nghe hoặc đọc chúng, do vậy còn được gọi là Srimad Bhagavatam (viết tắt là SB), hay còn gọi là “Câu chuyện của một người may mắn” trong Sử thi số X (Canto X). Tại chương 44 của SB nhan đề “Trận đấu vật và tiêu diệt Kamsa”, có thể văn bản nổi tiếng này là cảm hứng cho tác phẩm điêu khắc Chăm.
Những câu thơ đầu tiên mô tả một trận đấu vật giữa Chúa tể Madhusudhana và võ sĩ Canura; theo đó, Madhusudhana là một trong những danh hiệu của Vishnu (Gupta 1993), và đặc biệt gắn liền với Krishna, người đã đánh bại quỷ Madhu. Các câu thơ mô tả chuyển động của các võ sĩ đấu vật, tạm dịch như sau: “… tay khóa tay, chân khóa chân, khuỷu tay chống vào khuỷu tay, đầu gối chống lại đầu gối, đầu đối đầu… họ ra đòn cho nhau”. (SB: X. 44). Nội dung này rất gần với những gì được mô tả trong bức phù điêu Khương Mỹ. Hơn nữa, hình bên trái của người xem dường như bị đối phương nhấc chân trái lên mà chỉ có gót chân chạm đất, khiến anh ta mất thăng bằng. Do đó, võ sĩ ở bên phải của người xem dường như sẽ giành phần thắng.
Cần nhấn mạnh rằng, Parmentier (1909) cũng ghi nhận hai nhân vật cầm trong tay một vật giống sợi dây (lanière), vật cầm tay này được nhận định có thể là một vật dụng trang bị cho đấu sĩ trong các trận đấu vật Champa truyền thống, mà ngày nay đã bị lãng quên (?).
Yếu tố “vũ khí” chỉ được nhắc đến khi Kamsa rút kiếm và chiến đấu với Krishna, một cảnh được đề cập từ câu 34 đến câu 37, tạm dịch: “Nhìn thấy Ngài [Krishna], Kamsa ngay lập tức đứng dậy khỏi chỗ ngồi và cầm kiếm lên … Kamsa, kiếm trong tay, di chuyển từ trái sang phải nhanh như diều hâu trên trời…”(SB: X. 44). Các câu thơ này dường như phù hợp với điêu khắc duy nhất diễn tả cảnh đấu vật truyền thống của Khương Mỹ, đến nay mới chỉ có một tác phẩm này được phát hiện tại Champa, và chưa có hình ảnh tương tự ghi nhận trong nghệ thuật tạo hình Đông Nam Á.
Các minh chứng viện dẫn từ cổ thư nêu trên, chứng tỏ điêu khắc này có khả năng diễn tả chủ đề nêu trong Vaishnava, nội dung điêu khắc kể về cuộc chiến giữa thiện và ác, hay còn gọi là Deva và Asura. Như vậy, nội dung cổ thư đã được trình bày nhằm lý giải điêu khắc minh họa trận đấu vật giữa Krishna và Kamsa; và Krishna chính là nhân vật ở bên phải người xem.
3.2. Bàn thờ ngoài trời bali-pitha
Minh chứng tiếp theo cho sự hiện diện của việc tôn thờ thần Krishna, thuộc tín ngưỡng Vishnu tại Khương Mỹ tiếp tục được củng cố. Điêu khắc thực hiện trên một khối đá vuông kích thước lớn, như một loại hình bàn thờ đặt ngoài trời (bali-pitha) ngay phía trước ngôi đền chính, các hình ảnh tôn giáo được tạo hình trên bốn mặt của khối đá, mà đường nét thẩm mỹ phản ánh kỹ thuật điêu khắc thế kỷ 10 của Champa (Hình. 2a-b-c-d). Hình tượng ngươi cỡi ngựa được điêu khắc đối xứng qua hai cạnh vuông của bàn thờ, đặt ở giữa hai bánh xe lớn. Mặt sau của khối đá diễn tả hoa sen nở to, bao phủ bởi những chiếc lá và nụ xung quanh; hai con rùa đặt đối xứng qua hoa sen, nằm dưới chân hoa sen có tư thế như đang bơi. Cuối cùng, là hình đầu ngựa điêu khắc ở mặt trước của khối đá tạo nên sự độc đáo cho di vật này (Parmentier, 1909; Guillon, 2001; Võ V.Thắng, 2018).
Các hình ảnh thể hiện trên khối đá được đối chiếu qua bộ sử thi Ấn Độ là trường ca Mahabharata và Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita) được mệnh danh như “Đền thờ trên những bánh xe”. Tóm tắt nội dung của bản trường ca này nói về cuộc đối thoại giữa Krishna và Ajurna, nội dung xoay quanh mối quan hệ gia đình, bạn bè, kẻ thù, và các mối quan hệ xã hội; trong đó những câu trả lời của thần Krishna chính là những khái niệm triết học, và trở thành cốt lõi của Bhagavad Gita. Bản sử thi này như một sự ngợi ca thần Krishna, do đó các nghệ nhân Champa có thể đã lựa chọn và minh họa trên hình tượng điêu khắc của di tích Khương Mỹ.
Theo cổ thư Vệ-đà, trong chương Một của Bhagavad Gita, có tựa đề tạm dịch là “Quan sát các đội quân trên chiến trường Kurukshetra” (Texts 21-22), phản ánh cuộc đối thoại giữa Krishna và Arjuna ngay trước khi bắt đầu cuộc chiến Kurukshetra ở Mahabharata (Bhaktivedanta, 1972b). Trong đó kể rằng, Arjuna là hoàng tử của Pandavas, đã yêu cầu người đánh xe của mình là Krishna, đánh xe đến trung tâm của chiến trường “Ở giữa, giữa hai đội quân, hãy ở lại chiến xa của tôi, O Achyuta [Krishna]” (Besant, Das, 1905). Arjuna muốn “quan sát những người đàn ông này, đang háo hức chiến đấu, người mà tôi phải chiến đấu trong cuộc giao tranh vất vả này” (Fosse, 2007). Arjuna quan sát thấy rằng những người thân, bạn bè và nhiều người đáng kính của anh đã được tập hợp trong đội quân của Kauvaras, kẻ thù của Arjuna. Arjuna đã hỏi Krishna cho lời khuyên về những gì anh ta nên làm và các câu trả lời và lời khuyên của Krishna dựa trên các khái niệm mang ý nghĩa triết học. Cuộc đối thoại này giữa Krishna và Arjuna đã trở thành chủ đề chính của Bhagavad Gita.
Do thông điệp cốt lõi của Vaishnava tập trung vào Krishna, nên có thể nó đã được chọn làm chủ đề điêu khắc cho bàn thờ chính ở Khương Mỹ. Tác phẩm điêu khắc chiến xa có thể mô tả chiến xa ở trung tâm của chiến trường. Hai người cưỡi ngựa ở hai bên của bàn thờ có thể đại diện cho hai đội quân của Pandavas và Kauvaras. Mở rộng suy luận, đầu của một con ngựa được chạm khắc ở phía trước của bàn thờ sẽ là của Arjuna, ngồi trong “cỗ xe ngựa trắng” với người đánh xe thần thánh, Krishna (Besant, 1906).
Hai con rùa được chạm khắc ở mặt sau có hình dạng khác nhau. Bởi vì con rùa được liên kết với Vishnu, nên sự hiện diện của chúng có thể là một dấu hiệu khác của tín ngưỡng Vaishnavism. Con rùa bên phải của người xem có chân, móng vuốt và đuôi ngắn hơn con rùa bên trái của người xem. Theo các nhà sinh vật học, giới tính của rùa biển và rùa nước ngọt được quyết định bởi các yếu tố bao gồm kích thước, chiều dài móng, và chiều dài đuôi (McKnight và nnk., 2017) nên có thể kết luận là rùa đực ở bên trái, và cái ở bên phải. Ở Ấn Độ, động vật đóng một vai trò không thể thiếu trong tín ngưỡng tâm linh. Con rùa được biết đến là một trong những hóa thân của thần Vishnu (Gupta, 1993; Gonda, 1993). Một trong những văn bản Veda cổ đại nghi nhận Kasyapa là vua rùa, còn được gọi là Chúa tể của sự sáng tạo. Thần Vishnu được cho là đã hóa thân thành cá và rùa, tượng trưng cho mặt trời và nước, để cứu chuộc thế giới (Desai, 1973).
Trong Mahabharata, (Quyển Sáu, Bhishma Parva, Bhagavat-Gita Parva, Phần xxxii, Chương VIII), con rùa được đề cập đến với cái tên “Kurmavyuha”, một đội hình quân kiểu rùa được sử dụng bởi quân đội Kauvaras. Vào ngày thứ 8 trong trận chiến Kurukshetra, Bhishma dàn quân theo đội hình rùa, trong khi Pandavas dàn quân theo “Trishulavyuha” (đội hình cây đinh ba), mà mỗi mũi đinh ba được chỉ huy bởi Bhima, Yudhishtira và Satyaki, những người đã hết lòng vì Krishna và Arjuna (Ganguli, 2003). Truyền thuyết này có thể cho rằng những hình ảnh con rùa tượng trưng cho cuộc chiến giữa “sự hình thành con rùa” của Bhishma và “sự hình thành cây đinh ba” của Bhima, trong đó Bhima đạt được chiến thắng vào ngày thứ tám của cuộc chiến Kurukshetra, nhờ lời khuyên của Krishna.
Về hình tượng hoa sen, hoa sen còn gọi là “Padmavyuha”, hoặc “Chakravyuha” trong tiếng Phạn, và được biết đến như một trong những đội hình quân sự mà Krishna đã sử dụng trong Quyển 7 của “Abhimanyu-badha parva”. Đội hình này cũng được dàn trận vào ngày thứ mười ba. Abhimanyu là cháu trai của Krishna, người đã muốn giết Krishna trong kiếp trước của mình. Abhimanyu không thể thoát khỏi đội hình hoa sen, và anh ta bị tiêu diệt ngay trong thế trận “Chakravyuha” tại Kurukshetra. Thế trận “Padmavyuha” cũng đã giúp Krishna thoát khỏi lời nguyền Abhimanyu đã ám ảnh Krishna trong đời. Điều này có thể giải thích tại sao hoa sen cũng như rùa được chạm khắc trên cùng một khối đá – bàn thờ Khương Mỹ.
Qua những vấn chủ điểm nêu trên, cổ thư Bhagavad Gita đã cung cấp một số manh mối để giải thích các hình tượng rùa, hoa sen, ngựa và người cưỡi ngựa được đặt giữa các bánh xe, và đầu ngựa được chạm khắc quanh bàn thờ được tìm thấy tại Khương Mỹ. Những hình ảnh đó đã đưa đến kết luận rằng bàn thờ Khương Mỹ mô tả chiến xa Krishna trong cuộc chiến Kurukshetra.
Giải mã ý nghĩa tiếu tượng học kể trên chứng tỏ, hệ thống các di vật được tìm thấy tại di tích Khương Mỹ đã phản ánh trào lưu tôn thờ thần Krishna, và thực hành tín ngưỡng Vishnu ở Đông Nam Á trong giai đoạn thế kỷ 9-10.
Điều quan trọng hơn, xem xét trong minh văn Champa, tên của các vị thần của cổ thi Bhagavata Purana như Govardhana, Madhu, Kamsa, Kesi, Canura… tất cả đều được đề cập đến trong bia Glai Lamov [C.24] viết bằng tiếng Sanskrit, đã được tìm thấy trên một cánh đồng lúa thuộc vùng Phan Rang ngày nay; bia Glai Lamov được khắc chữ ở cả hai mặt dưới thời vua Indravarman I, niên đại vào khoảng năm 801 Công nguyên, tức khoảng năm 723 theo lịch Saka (Majumdar, 1927; Golzio, 2004). Một điểm cần lưu ý, cổ thi Bhagavata Purana là một trong những văn bản cổ rất phổ biến nói về tín ngưỡng Vishnu (Vaishnavas) được viết bằng tiếng Sanskrit cũng có niên đại vào khoảng thế kỷ 9-10 (Thompson, 2007; Williams, 2003).
Các chủ điểm trên đã minh chứng rằng cư dân Champa có thể đã thực hành tín ngưỡng Krishna trong thế kỷ 10, bên cạnh tín ngưỡng thờ Shiva – Vishnu – Brahma như có thể thấy tại thánh địa Mỹ Sơn. Nhận định này được củng cố thêm qua minh văn Champa được tìm thấy và công bố trước đây.
4. Kết luận
Hai điêu khắc đá thuộc văn hóa Champa nêu trên đã được làm rõ ý nghĩa tiếu tượng học của chúng. Trong đó, các cổ thư quan trọng và nổi tiếng của văn hóa Ấn Độ cổ đại đã được tiếp nhận một cách có chọn lọc và thể hiện trên các điêu khắc Khương Mỹ. Vấn đề quan trọng còn lại cần được lý giải chính là mối liên hệ giữa di tích và di vật thuộc di tích Khương Mỹ, để từ đó đi đến nhận định rằng di tích Khương Mỹ từng được dâng hiến cho tín ngưỡng Vishnu; trong đó, ba kiến trúc gạch của Khương Mỹ có thể được dâng hiến và thờ ba vị thần quan trọng thuộc tín ngưỡng này là Vishnu – Krishna – Rama. Nhận định này khác với các quan điểm trước đây về các di tích kiến trúc tôn giáo Champa, với ba công trình gạch được cho là thờ thần Shiva – Vishnu – Brahma. Để có được sự minh định đó cần có thêm thời gian, bởi các di vật thuộc di tích Khương Mỹ hiện cũng được ghi nhận đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, do vậy cần có thời gian kiểm tra và lý giải mối liên hệ giữa chúng trong các chuyên luận tiếp theo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Besant, Annie & Das, Bhagavan (1905). The Bhagavad-Gita. Theosophical Publishing Society: Benares and London.
[2] Besant, Annie (1906). Hints on the Study of the Bhagavad-Gita. Theosophical Publishing Society: Benares and London.
[3] Bhaktivedanta, Swami Prabhupada (1972). Bhagavad-gita As It Is. Los Angeles: Bhaktivedanta Book Trust International. [Online version, Published 2004].
https://www.yogasandesh.com/wp-content/uploads/Bhagavad-gita_As_It_Is.pdf.
[4] Boisselier, J. (1963). La Statuaire du Champà: recherches sur les cultes et l’iconographgie. Publications de l’École Française d’Extrême-Orient 54. Paris: École Française d’Extrême-Orient.
[5] Bryant, Edwin Francis (2007). Krishna in the Tenth Book of the Bhagavata Purana’. Krishna: A Sourcebook, pp: 111-136, (ed. Edwin F. Bryant). Oxford University Press US.
[6] Dehejia, Vidya (1991). Aniconism and the Multivalence of Emblems. Ars Orientalis, Vol. 21: 45-66. Published by: Freer Gallery of Art, The Smithsonian Institution and Department of the History of Art, University of Michigan.
[7] Dehejia, Vidya (1998). The Very Idea of a Portrait. Ars Orientalis, Vol. 28: 40-48, 75th Anniversary of the Freer Gallery of Art (1998). Published by: Freer Gallery of Art, The Smithsonian Institution and Department of the History of Art, University of Michigan.
[8] Desai, S. Kalpana (1973). Iconography of Visnu: In northern India, up to the Mediaeval period. New Delhi: Abhinav Publications.
[9] Fosse, Lars Martin (2007). The Bhagavad Gita: The original Sanskrit and an English Translation. Manufactured in the United States of America. British Library Cataloguing in Publication data.
[10]Ganguli, Kisari Mohan [dịch] (2003). The Mahabharata of Krishna – of Dwaipayana Vyasa, (1883-1896). Translated into English Prose from the Original Sanskrit Text, [online version-full text].
https://holybooks-lichtenbergpress.netdna-ssl.com/wpcontent/uploads/MahabharataOfVyasa-EnglishTranslation By KMGanguli.pdf.
[11]Golzio, Karl-Heinz (2004). Inscriptions of Campa [Based on the editions and translations of Abel Bergaigne, Etienne Aymonier, Louis Finot, Edouard Huber and other French scholars, and of the work of R.C. Majumdar]. Germany: Shaker Verlag.
[12] Gonda, Jan (1993). Aspects of early Visnuism. Delhi: Motilal Banarsidass Publisher. [In lại].
[13]Guillon, Emmanuel (2001). Cham Art– Treasures from the Dà Nang Museum, Vietnam. English translation by Tom White. London: Thames & Hudson, Ltd.
[14]Gupta, M. Shakti (1993). Vishnu and his incarnations. New Delhi: Somaiya Publications PVT. Ltd. [In lại]
[15]Majumdar, R.C. (1927). The inscriptions of Champa (Book III). Ancient Indian colonies in the Far East. Lahore: The Punjab Sanskrit Book Depot.
[16]Mcknight, D. T.; Howell, H. J.; Hollender, E. C.; Ligon, D. B. (2017). Good vibrations: a novel method for sexing turtles. Acta Herpetologica 12(1), 117-121. Italy: Firenze University Press. Available at
http://www.fupress.net/index.php/ah/article/view/19982. Accessed on 8/7/2019.
[17]Nguyễn, Hoang Hương Duyen (2018). Wrestlers. Vibrancy in Stone: Masterpieces of the Danang Museum of Cham Sculpture, pp. 212-13, (CB. Trần, Kỳ Phương; Võ, V. T. ; Peter. D. Sharrock). Bangkok: River Books.
[18] Parmentier, Henri (1909). Inventaire descriptif des monuments Cams de l’Annam: vol. I. Description des monuments. Publications de l’École Française d’Extrême-Orient. Paris: Leroux.
[19]Sheridan, Daniel (1986). The Advaitic Theism of the Bhāgavata Purāṇa. Columbia, Mo: South Asia Books.
[20]Thompson, L. Richard (2007). The Cosmology of the Bhagavata Purana: Mysteries of the Sacred Universe. Delhi: Motilal Banarsidass Publishers.
[21]Võ Văn Thắng (2018). Offering altar – Vedi. In Vibrancy in Stone: Masterpieces of the Danang Museum of Cham Sculpture. pp. 150-51, (CB. Trần Kỳ Phương; Võ V. T.; Peter. D. Sharrock). Bangkok: River Books.
[22]Williams, M. George (2003). Handbook of Hindu Mythology. New York: Oxford University Press.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một, Số 1(56)-2022
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tín ngưỡng Krishna qua di vật khảo cổ học Champa: Giải mã di vật thuộc di tích Khương Mỹ thuộc thế kỷ 10 (Tác giả: Nguyễn Thị Tú Anh) |