Tín ngưỡng thờ Mẫu trong sinh hoạt tinh thần của người Việt Nam

Phần 1

  • Tín ngưỡng thờ Mẫu biểu hiện đời sống tâm linh của người Việt

  • Hiện tượng hầu bóng

– – – – – – – – – – – – – – 

     Tín ngưỡng là một hình thái ý thức xã hội xuất hiện hầu hết trong cộng đồng các dân tộc từ xa xưa cho đến nay. Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam cũng không nằm ngoài tính chất đó. Tuy nhiên, thờ Mẫu không chỉ là một tín ngưỡng tức là niềm tin, lòng ngưỡng vọng về Mẫu và chư vị thánh thần mà còn là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian. Đây là hai thành tố cơ bản, có quan hệ hữu cơ và có tác động qua lại với nhau để hình thành loại hình văn hóa tâm linh.

I. Tín ngưỡng thờ Mẫu biểu hiện đời sống tâm linh của người Việt

     Đời sống tâm linh dường như gắn bó chặt chẽ với con người suốt cả cuộc đời. Nó biểu hiện nhiều mặt trong đời sống tinh thần của con người, trong đó tín ngưỡng tôn giáo chiếm một phần quan trọng. Đời sống tâm linh là một phần của đời sống tinh thần, biểu hiện những giá trị thiêng liêng cao cả trong cuộc sống đời thường với những biểu tượng, thần tượng và những kỳ vọng vươn tới chân, thiện, mỹ.

     Tín vọng về Mẫu chính là biểu thị một phần trong đời sống tâm linh của người Việt, mà tâm linh là cái vô thể, cái thần bí, cái niềm tin, trong đó có mê tín. Đời sống tâm linh nhằm hướng đến cái thiêng liêng, cao cả, cái tốt đẹp vĩnh hằng mà trong đời thường, con người thường khó đạt được.

     Đời sống tâm linh được thể hiện bằng hai khía cạnh hình ảnh và biểu tượng, cùng với những ý niệm và hành vi trong các nghi lễ của cá nhân và cộng đồng như cầu nguyện, dâng cúng vật lễ, xướng đọc văn sớ, ca hát… Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng vậy. Như đã nói, Mẫu là một hình tượng được trừu tượng hóa từ bà mẹ cụ thể trong chế độ mẫu hệ, hòa trộn với sự ngưỡng vọng và các hành vi sùng bái, tôn thờ hiện tượng tự nhiên; thần thánh hóa trời, đất, núi rừng, sông nước thành những Thánh Mẫu có nhiều quyền năng, phép thuật.

     Mẫu ở ngôi vị thượng đẳng, vì vậy, để cai quản mọi miền cần có người trợ giúp để đưa quyền năng của Mẫu đến khắp mọi nơi, và do đó hệ thống các chư vị thánh thần: Tứ phủ Chầu bà, Ngũ vị Tôn ông, Tứ phủ Quan ông, Tứ phủ Thánh cô… lần lượt xuất hiện.

     Cùng với những hình tượng, những ý niệm, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nghi lễ như các tín ngưỡng khác. Nhưng đặc biệt ở đây là các lễ hầu bóng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam để nguyện cầu quốc thái, dân an và tiếp nhận sức mạnh tinh thần do chư vị thánh thần ban phát.

     Hai yếu tố trên là những gì tinh túy nhất trong niềm tin về Mẫu, có cội nguồn từ thờ nữ thần trong xã hội người Việt cổ đại, tiếp tục tồn tại qua các giai đoạn lịch sử và phát triển tương đối phổ biến vào thời kỳ Hậu Lê, thế kỷ thứ XVI trở đi.

     Trong quan niệm đa thần của tín ngưỡng dân gian bản địa của người Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu còn tiếp thu các yếu tố ngoại lai, điển hình nhất phải kể đến Đạo giáo. “Việc thờ Mẫu chính là nơi Đạo giáo biểu lộ ảnh hưởng nhiều nhất. Có thể nói đây là biểu hiện của Đạo giáo Việt Nam, thành một tôn giáo với học thuyết, một tăng đoàn và một quần chúng(1).” Việc tiếp xúc với Đạo giáo của tín ngưỡng thờ Mẫu trước hết được thể hiện ở hiện tượng “đồng bóng” (vấn đề này sẽ được trình bày kỹ ở phần sau); ở sự tương đồng trong quan niệm về hệ thống thần tiên của tín ngưỡng thờ Mẫu, hay thiên đình của Mẫu. Trong các vị thần của Đạo giáo Trung Hoa có Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đế Thích, Thiên binh, Thiên tướng,… Trong đó, Ngọc Hoàng Thượng Đế đứng đầu cai quản miền trời. Nhạc ngũ thần vương là năm ông vua cai quản năm ngọn núi nổi tiếng nhất Trung Quốc (Nga My, Hoa Sơn, Ly Sơn, Thái Sơn, Côn Lôn).

     Ngoài Đạo giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu còn tiếp xúc với Phật giáo và Nho giáo. Tuy sự ảnh hưởng của hai tôn giáo này ít sâu đậm hơn Đạo giáo nhưng nó vẫn có một ảnh hưởng nhất định.

     Trong quá trình phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, một điều không thể tránh là sẽ có sự vay mượn, cải biên cho phù hợp với tâm thức của người Việt. Điều này hoàn toàn không phải là sự góp nhặt một cách vô căn cứ, hay là quá trình sao chép nguyên bản những giá trị gốc của các tôn giáo, mà đó cả là một sự sáng tạo không ngừng nghỉ của người Việt.

     Tuy có sự tiếp xúc với những yếu tố ngoại lai, nhưng Thánh Mẫu vẫn là chủ thể của tín ngưỡng thờ Mẫu. Trên cơ sở niềm tin về Mẫu để hướng tới cái thiêng liêng, cao cả, cái tốt đẹp vĩnh hằng. Tín ngưỡng thờ Mẫu còn thể hiện rất rõ tâm thức của dân tộc Việt, một dân tộc luôn mong mỏi hòa bình, một cuộc sống bình dị, được sống dưới mái ấm của gia đình với tình thương bao la của mẹ (Mẫu), những bà mẹ vừa có những sức mạnh phi trần thế song lại rất đời thường. Bằng tình yêu thương bao la đối với con cái, sức mạnh phi trần thế của các bà chỉ nhằm một mục đích là bảo vệ con cái, và những giá trị thiêng liêng của dân tộc.

     * Hiện tượng mê tín trong tín ngưỡng thờ Mẫu

     Mê tín là tin một cách mê muội, mù quáng, ngây ngô, là hiện tượng cực đoan của tín ngưỡng. Hiện tượng này xuất hiện trong nhiều tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu.

     Bên cạnh mặt tích cực là tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị thần thánh hướng đến những điều tốt đẹp, những giá trị vĩnh hằng, cái hạnh phúc mà chúng ta cần bảo tồn và phát huy trong đời sống tâm linh của con người, thì tín ngưỡng thờ Mẫu có nhiều mặt tiêu cực, là nơi sản sinh ra nhiều hiện tượng mê tín, dị đoan.

     Một thực tế đang diễn ra tại các cơ sở thờ Mẫu hiện nay là lợi dụng việc được phép phục hồi và phát triển một số lễ hội dân gian truyền thống, nhiều nơi đã “nhường” nơi thờ Mẫu thành nơi để mê tín dị đoan tồn tại. Có nhiều người dựa vào chính sách này mở điện thờ Mẫu để cúng bái với mục đích mưu lợi cá nhân, làm giàu bất chính với đủ các ngón nghề từ xem bói, thánh hiển linh đến lên đồng, lập phủ. Đặc biệt, hiện nay còn có hiện tượng khá phổ biến trong hoạt động của tín ngưỡng nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, đó là hiện tượng “khấn hộ” trong các cơ sở thờ tự. Hoạt động này được thấy rõ nhất ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đội quân “khấn hộ” này có thể làm dịch vụ “trọn gói” từ sắm sửa lễ vật, viết sớ… khi có yêu cầu của người đi lễ.

     Ngoài ra, còn xuất hiện những đội hầu đồng, hầu bóng “chuyên nghiệp” thành đội “dịch vụ” đến các nơi để xin chầu ở các giá đồng làm giảm bớt sự linh thiêng của hình thức sân khấu tâm linh đặc thù vốn có của nó, làm ô nhiễm môi trường văn hóa. Mặt khác, màu sắc trang phục của những đội dịch vụ này không theo một quy cách nào và khi thực hiện nghi thức tế hay chầu, giọng họ giống như diễn viên chèo, tuồng khiến cho buổi lễ hầu đồng mất đi sự trang nghiêm và khác xa với tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống. Dưới góc độ tinh thần, mê tín làm tổn thương niềm tin Thánh Mẫu và chư vị thánh thần, từ đó có thể dẫn đến sự mai một tín ngưỡng bản địa, một biểu hiện của bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, có một thành phần xã hội bị nô lệ hóa bởi mê tín, từ đó dẫn đến hiện tượng suy thoái, băng hoại tinh thần…

     Hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay có những biểu hiện không đơn giản. Tín ngưỡng thờ Mẫu bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau trong xã hội và hiện tại nó đang tồn tại ở trạng thái vận động, biến đổi, đan xen các yếu tố truyền thống – hiện đại, tiêu cực – tích cực.

     Hiện tượng mê tín trong tín ngưỡng thờ mẫu và những hình thức biến tướng khác còn có nguồn gốc từ sự nhận thức non kém của con người trước những hiện tượng tự nhiên, cũng như các hiện tượng xã hội diễn ra xung quanh. Ngoài ra, tín ngưỡng thờ Mẫu còn chịu ảnh hưởng từ khía cạnh thần bí của Đạo giáo. Bởi tín ngưỡng đa thần của người Việt, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu vốn ẩn chứa nhiều bóng dáng huyền hoặc, một cầu nối cho các hiện tượng ma thuật, phù thủy, bói toán, nhập hồn, nhập cốt… của Đạo giáo thâm nhập.

     Bên cạnh đó, xuất phát từ nguyên nhân trực tiếp, phần lớn tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu từ những thế kỷ trước thuộc lớp người bình dân, ít chữ, nhận thức cả về xã hội và tự nhiên đều rất non kém. Họ là những người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương, chất phác, thật thà… muốn thoát khỏi cảnh khốn khó, nghèo hèn; hay đó là những người làm nghề buôn bán, có tâm lý may rủi, mua may, bán đắt… Họ tin vào những hiện tượng thần bí, những lời phán truyền, những hành vi ban phát tài lộc của chư vị thánh thần để đạt được mục đích của lời cầu nguyện. Hằng tháng, hằng năm, họ thường đến phủ, điện để dâng lễ cúng vật, cầu nguyện dưới nhiều hình thức, có nhiều lúc bất ngờ con người lại đạt được ý muốn như cầu nguyện, từ đó, con người lại càng tin vào sự phù hộ của thánh thần. Hoặc trong gia đình có người bị đau ốm, tai ương nhưng chạy chữa, thuốc thang nhiều nơi chưa khỏi, đi đến nơi thờ Mẫu cầu xin thần linh chữa bằng phép thuật mà hết bệnh, từ đó con người tin là có bàn tay của thánh thần.

     Ngày nay, khi xã hội đang có những biến đổi sâu sắc về kinh tế – chính trị, văn hóa – xã hội thì hình thức hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta vẫn duy trì, phát triển và có những biểu hiện khá phức tạp. Tín ngưỡng thờ Mẫu đang có xu hướng tiến gần tới mê tín dị đoan. Tuy nhiên, xu hướng chính và chủ đạo của tín ngưỡng dân gian nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng và được biểu hiện như một hoạt động mang tính xã hội, giáo dục.

     Xu hướng lịch sử hóa, huyền thoại hóa các nhân vật lịch sử trong các hiện tượng tín ngưỡng là xu hướng chủ đạo, là quy luật của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng nằm trong xu hướng đó, nếu không gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước thì không thể tồn tại lâu dài trong dân gian được.

    Trên đây là những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mê tín dị đoan. Mê tín dị đoan thường mang lại những hậu quả tai hại, khó lường. Tuy vậy, bên cạnh đó cũng xuất hiện những hiện tượng diễn ra khó hiểu và khó giải thích, từ đó càng làm tăng tính kỳ bí của hiện tượng này. Để lý giải thật sự thấu đáo về hiện tượng hầu bóng cũng như biến tướng của nó, đòi hỏi các nhà nghiên cứu cần tập trung thời gian và công sức.

     Vẫn biết mê tín cũng là một hiện tượng của tâm linh, nhưng ở đây là sự mê muội, không sáng suốt. Con người tin vào sự phán truyền, chỉ dẫn của những ông đồng, bà cốt; tin vào những thông tin được mệnh danh thánh thần, dẫn đến nhiều hậu quả, nhiều bi kịch trong đời sống xã hội.

     Những hậu quả nêu trên không những đã xảy ra trong quá khứ, mà trong giai đoạn hiện tại, những hậu quả đáng tiếc về những niềm tin mù quáng vẫn diễn ra. Do vậy, chúng ta phải có phương thức để bảo tồn những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời cũng có những biện pháp để hạn chế những tác động tiêu cực của hiện tượng mê tín.

II. Hiện tượng hầu bóng

     Hiện tượng lên đồng là một hiện tượng phổ biến trên thế giới, nó không phải là đặc trưng duy nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhưng, khi nói đến tín ngưỡng thờ Mẫu thì không thể không nhắc đến hiện tượng lên đồng. “Đồng theo chữ Hán là chỉ những em trai dưới 10 tuổi (nhi đồng) còn ngây thơ trong trắng trong việc cầu tiên giáng bút của Đạo giáo thần tiên. Qua khấn vái, thần tiên nhập vào em bé đó, phát tín hiệu ra bằng cách viết chữ nguệch ngoạc trên cát, trên gạo, hoặc nói những lời khó hiểu nào đó, những ông thầy giỏi chữ, luận đoán những lời nói chữ viết đó ra thành ý tiên thánh dạy(2).” Hiện tượng đó cũng tương tự như lên đồng, ngồi đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Dần dần về sau các em gái, các bà, các cô cũng ngồi đồng, thậm chí nhiều người đàn ông cũng ngồi đồng. Cho nên, người ta gọi những người đàn ông lên đồng đó là “đồng cậu”. “Chữ đồng còn có nghĩa là cùng, người cùng với thần, tiên, thánh, mẫu hòa nhập vào làm một. Đồng gắn liền với bóng, có nghĩa là người đang ngồi đồng, lên đồng là cái bóng của thần linh đang nhập vào người đó, nên “đồng bóng” đi liền với nhau(3).” Khi một người lên đồng sẽ có rất nhiều người phục vụ, người ta gọi là hầu đồng, chầu đồng.

     Chuyện lên đồng là phổ biến ở rất nhiều nơi trên thế giới. Người ta tin rằng linh hồn con người sau khi chết vẫn còn tiếp tục tồn tại và có thể giao tiếp với người sống qua đồng cốt. “Linh hồn không còn xác nữa chỉ là cái bóng. Cái bóng ấy mượn thể xác người đồng như cái ghế (giá), con ngựa, để nó biểu lộ ra ngoài(4).”

     Như vậy, lên đồng được hiểu vừa như là đại diện cho tiếng nói của thần linh, vừa như là thể hiện tâm ý của những người đã chết. “Các nhà nghiên cứu tôn giáo cho đây là hình thức Shaman giáo, có nhiều nơi trong thế giới cổ xưa, một thứ sùng bái thần bộ lạc. Cái thời ấy, sự thiên về thần thánh chưa đa dạng, phức tạp như sau này, xã hội lúc ấy còn đơn giản, người ta quan niệm chỉ có con người với thần. Con người cần tăng sức mạnh để chế ngự thiên nhiên thú dữ, chỉ biết cứu cánh đến sức mạnh của thần linh. Con người mơ ước, khát vọng muốn biến thành thần thánh, muốn biết những điều thần thánh biết(5).”

     Rõ ràng, những hình thức sơ khai buổi ban đầu đó đã không còn sâu đậm, sự nhận thức của con người ngày một tăng cao và thay vào đó hình thức đồng bóng cũng đa dạng và phức tạp hơn nhiều, điển hình chính là lên đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu.

     Tại sao tín ngưỡng thờ Mẫu lại phải mượn đến hình thức nhập thần này? “Để trả lời câu hỏi, không có cách nào khác là trở lại lý thuyết con người trước những bí hiểm của thiên nhiên và nghèo khổ khó khăn của bệnh tật, bất lực không giải đáp được, thì nảy sinh ý thức tín ngưỡng tôn giáo, ý thức cầu khấn thánh thần(6).”

     Thực tế lịch sử Việt Nam, dưới các triều đại phong kiến (đặc biệt từ thế kỷ XVI, XVII trở đi), xã hội rối ren, các phe chém giết lẫn nhau, bên cạnh đó giặc ngoại xâm làm cho đời sống của người dân, đặc biệt là người nông dân ngày càng trở nên bần cùng. Vậy thì niềm tin nào để cho người dân khốn khổ đó đi theo? Lễ giáo phong kiến Nho học đã trói buộc người phụ nữ trong những chuẩn mực hết sức hà khắc, Phật giáo cũng không thể cải thiện được tình hình. Vì vậy, người dân Việt chỉ còn biết phải khơi dậy niềm tin thiêng liêng sẵn có có từ bao đời, đó là “thần mẹ”. Nhưng chỉ thắp nhang cầu cúng như mọi thứ cúng lễ khác thì không đủ.

     Từ kinh nghiệm của cuộc sống, tiềm thức về tín ngưỡng, về cội nguồn đã thúc đẩy họ, “hóa thân” vào thần, muốn có sức mạnh của “thần mẹ” để giải quyết những bức xúc của cuộc sống thực tại. Cho nên, hình thức nhập đồng từ thời bộ lạc được tái hiện lại khi cầu cúng Mẫu. Đây cũng là hình thức cầu tiên giáng bút của Đạo giáo thần tiên biến dạng hợp thành. Như vậy, chẳng phải do tín ngưỡng thờ Mẫu sinh ra đồng bóng mà là do con người tái hiện lại đồng bóng để nhờ sự trợ giúp của Thánh Mẫu.

     Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ.

     Người đứng giá hầu đồng gọi chung là đồng, đồng là nam giới thì được gọi là “cậu” (nghiễn), nữ giới được gọi là “cô hoặc bà đồng” (vu). “Cậu” thường mặc bộ quần áo lụa, mặt tô son điểm phấn (tóc có thể để dài như con gái). Thường có hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo “thanh đồng” để chuẩn bị trang phục, lễ lạt… Trong một buổi lên đồng thường có rất nhiều “giá”. Mỗi lần thay giá, người ta lại phủ lên “cậu” một tấm khăn lụa đỏ, sau đó bỏ ra và lúc này “thanh đồng” đang ở một “giá” mới và phải thay bộ trang phục, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng… sao cho tương xứng với “giá” này.

     Khi đồng hóa thân thành một vị tướng, khi thì một quan lớn uy nghiêm oai vệ, lúc lại hóa thân thành một cô gái đang tung tăng nhảy múa… Điệu múa của đồng cũng được thay đổi theo đặc điểm của “giá”. “Giá” quan thường múa cờ, múa kiếm, long đao, kích; “giá” các chầu bà thì múa quạt, múa mồi, múa tay không; “giá” ông hoàng thì có múa khăn tấu, múa tay không, múa cờ; “giá” các cô múa quạt, múa hoa, chèo đò, múa thêu thùa, múa khăn lụa, múa đàn, múa tay không; “giá” các cậu thường múa hèo, múa lân… Nghi lễ “Thánh giáng” phải theo thứ tự từ cao đến thấp từ Thánh Mẫu đến hàng quan, chầu, ông hoàng, hàng cô và cậu.

     Lên đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu còn có âm nhạc, lời ca phục vụ cho hiện tượng đó, đó là hát chầu văn. Chầu văn là những điệu ví, đờn, phú, nhị, tỳ bà, nguyệt… là vốn âm nhạc truyền thống tích gộp nhiều làn điệu dân ca của nhiều vùng miền.

     Ngày nay, lên đồng vẫn còn là nhu cầu tâm linh, là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của một bộ phận người Việt. Các nghi lễ này thường được tổ chức nhiều lần trong một năm vào các dịp lễ tết, thường là tại các lễ hội đền thánh, phủ Mẫu… Ngoài việc lên đồng để giao tiếp với thần linh, truyền thống tín ngưỡng Việt Nam còn tin tưởng rằng sau khi chết, linh hồn người chết vẫn còn và theo dõi cuộc sống của người thân đang sống. Do đó, khi lên đồng, linh hồn của người chết có thể nhập vào đồng cô, đồng cậu (người gọi đồng) để trò chuyện với thân nhân đang sống. Thông qua cuộc trò chuyện âm – dương này, người sống sẽ biết được những yêu cầu của người thân quá cố về mồ mả để điều chỉnh và cúng xin cho phù hợp. Đồng thời, thông qua cuộc đối thoại này, người sống cũng biết được vận mạng tương lai của mình.

     “Hầu bóng” là sinh hoạt văn hóa tâm linh cần tôn trọng, còn “đồng bóng” biểu hiện tính chất cuồng tín, nhảm nhí… của một số người làm nghề “đồng bóng” lợi dụng tâm lý những người nhẹ dạ, cả tin, những người hay gặp trắc trở trong cuộc sống… để họ phải sắm lễ giải hạn, làm con nuôi của thánh, lập bùa giải vận hạn. Những việc này mất khá nhiều tiền của và công sức, cũng như làm biến dạng những giá trị truyền thống mà các bậc tiền nhân đã dày công vun đắp, vì thế nên bài trừ.

__________
(1)
Phan Ngọc, Sđd, tr. 332 – 333.

(2) Nguyễn Đăng Duy (1998), Văn hóa tâm linh (tái bản có sửa chữa), Nhà xuất bản Hà Nội, tr. 156.

(3) Nguyễn Đăng Duy, Sđd, tr. 156.

(4) Phan Ngọc (2002), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, tr. 333.

(5) Phan Ngọc, Sđd, tr. 159 – 160.

(6) Phan Ngọc, Sđd, tr. 160 – 161.

Còn tiếp:

Mời Quý độc giả đón xem Phần 2: —– đang được cập nhật —–

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)