Tính dân tộc và đại chúng của NGÔN NGỮ GIAO THÔNG ĐƯỜNG THUỶ nội địa (Phần 2)
… tiếp theo Phần 1: … Những từ đơn nhiều âm tiết gốc Ấn – Âu này không có khả năng chuyển loại, mà chỉ có thể dùng phương thức ghép để tạo nên từ ghép phân nghĩa.
2.2. Đặc trưng cơ bản của các ngữ cố định
Theo kết quả mà chúng tôi thống kê từ hai trường từ vựng đã lựa chọn, có 13 ngữ cố định được dùng với tần suất cao trong GTNT.
2.2.1. Cấu tạo của các ngữ cố định
Về mặt cấu tạo, ngữ cố định nào cũng có một từ loại làm đơn vị trung tâm. Từ loại của đơn vị trung tâm đó sẽ quy định tên gọi của ngữ. Trong những ngữ cố định đã được liệt kê, chúng ta có thể phân chia thành những loại ngữ khác nhau.
– Ngữ danh từ với đơn vị trung tâm là danh từ:
Đầu sông ngọn nguồn
Đầu sóng ngọn gió
Lưới sông lông chim
– Ngữ động từ với đơn vị trung tâm là động từ:
Lên thác xuống ghềnh
Ra khơi vào lộng
– Ngữ tính từ với đơn vị trung tâm là tính từ:
Bắt nước bắt gió (bắt ở đây có nghĩa là tính chất thuận buồm xuôi gió, cũng như ăn lái vậy).
Mưa thoảng gió dừng: gió đã hết và mưa rất nhẹ.
Những ngữ cố định nêu trên đều được hình thành từ 4 yếu tố (hay hình vị). Chúng được tạo nên bằng những phương thức sau:
Dùng từ gần nghĩa:
đầu – ngọn
thoảng – dừng,…
Đối nghĩa:
lở > < bồi đi >
< vào ngược >
< xuôi
lên > < xuống,…
Những ngữ cố định này đều có đặc điểm chung là được tạo nên bởi những yếu tố nằm trong cùng một trường nghĩa, ví dụ:
sóng – gió
sông – nguồn
thác – ghềnh
mưa – gió,…
2.2.2. Ngữ nghĩa của các ngữ cố định
Trong ngôn ngữ chuyên ngành GTNT, những ngữ cố định này chỉ đơn nghĩa, nhưng khi sử dụng trong ngôn ngữ toàn dân sẽ mang nhiều nét nghĩa khác nhau, tuỳ thuộc vào ngữ cảnh cụ thể.
Sau đây xin xem xét ngữ cố định theo từng trường từ vựng, tức là dựa vào những nét ngữ nghĩa chính mà chúng phản ánh:
– Ngữ cố định chỉ hành trình
(1) Đi ngược vào xuôi hoặc đi xuôi vào ngược: hướng hành trình của phương tiện khi qua một ngã ba sông.
(2) Lên thác xuống ghềnh: phương tiện di chuyển trong dòng chảy nhỏ, có nhiều độ dốc và bãi ngầm giữa hai lạch nước sâu (đặc điểm của hành trình).
(3) Bắt nước bắt gió: phương tiện đi xuôi theo nước và gió.
(4) Ra khơi vào lộng: phương tiện hành trình theo hai hướng, lúc khởi hành và lúc trở về. Các ngữ cố định trên đây xuất hiện rất nhiều trong ngôn ngữ dân gian và trong văn thơ. Có những ngữ được sử dụng để nói lên sự vất vả, gian nan trong cuộc sống:
“Thuyền em lên thác xuống ghềnh
Nước non là ngãi là tình, ai ơi…”
(Hò Sông Lam)
Ngữ cố định số (3) ít được sử dụng với người không làm nghề sông nước. Khi nói đến sự thuận lợi của chuyến đi, người dân ta dùng một ngữ cố định khác, đó là thuận buồm xuôi gió.
– Ngữ cố định chỉ đặc điểm dòng chảy
(5) Bên lở bên bồi: đặc điểm chung của các dòng chảy trong hệ thống giao thông nội thuỷ.
(6) Lưới sông lông chim: hệ thống giao thông gồm một sông chính ở giữa, các dòng phụ lưu đổ vào hai bên bờ đối ngạn,…
Trong ngôn ngữ toàn dân, ngữ số (5) được sử dụng để nói lên một quy luật tất yếu, một sự vật, hiện tượng trong thực tế cuộc sống không thể xảy ra theo cách khác. Trong văn chương, đôi khi nó được sử dụng để so sánh với nỗi nhớ thương day dứt, canh cánh:
“… Sông Bến Hải bên bồi bên lở
Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương”
Ngữ số (6) chỉ đơn thuần muốn so sánh lưới ở dưới sông nhiều như lông chim trên trời (nhiều không đếm được).
– Ngữ cố định chỉ các yếu tố tự nhiên
(7) Đầu sóng ngọn gió: phương tiện đang ở vị trí không thuận lợi, hành trình có nhiều nguy hiểm.
(8) Mưa thoảng gió dừng: mưa tạnh và gió nhẹ (đã qua lúc gió mưa dữ dội).
Trong ngôn ngữ giao tiếp, đại đa số người Việt sử dụng ngữ số (7) để nói lên sự gian truân, vất vả của con người; ngược lại, ngữ số (8) thể hiện sự khó khăn, gian khổ đã đi qua.
– Ngữ cố định chỉ các hoạt động của người và phương tiện
(9) Đứng mũi chịu sào: nhiệm vụ của người đứng phía trước của một phương tiện truyền thống (nhỏ, thô sơ).
(10) Đầu sông ngọn nguồn: phương tiện đang ở vị trí bắt đầu của dòng chảy.
Trên thực tế, ngữ số (9) được dùng với nghĩa rộng hơn, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong bất cứ một tổ chức nào, cho dù là lớn hay nhỏ. Ngữ số (10) thường được sử dụng như một trạng từ bổ nghĩa cho hành động nói.
– Những ngữ cố định mới
Bên cạnh những ngữ cố định đã đi vào ngôn ngữ toàn dân, trong quá trình hành chức, các đơn vị từ vựng của ngôn ngữ GTNT đã hình thành những ngữ cố định mang nét khu biệt:
(11) Chỉnh trị sông ngòi: những tác động của con người làm thay đổi đặc tính tự nhiên của dòng chảy.
(12) Hành trình không tải: chuyến đi không chở hàng (hoặc khách).
(13) Đới triều đáy cát: vùng nước có hai mức thuỷ triều khác nhau do ảnh hưởng của cồn cát ở phía dưới dòng chảy.
3. Kết luận
Ở ngôn ngữ GTNT, từ đơn ở hai trường từ vựng lớn là trường tên gọi, cấu tạo và hoạt động của các phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa; trường các yếu tố tự nhiên ảnh hưởng đến giao thông đường thuỷ nội địa (địa hình, thuỷ văn,…) là những đơn vị được sử dụng rộng rãi trong ngôn ngữ toàn dân.
Những từ đơn là danh từ có tính năng sản lớn, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của một ngôn ngữ chuyên ngành hẹp. Hầu hết các từ này đều là những từ quen thuộc trong tiếng Việt, nhưng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực GTNT. Chúng có nguồn gốc rất đa dạng, là từ toàn dân hay địa phương, hoặc là những từ vay mượn. Chính vì vậy, chúng được sử dụng không những trong giao tiếp hàng ngày, mà còn được sử dụng ở nhiều địa phương và nhiều ngành nghề khác. Đây chính là tính đại chúng của ngôn ngữ GTNT.
Ngữ cố định tuy không có số lượng lớn so với từ đơn, nhưng đã góp phần thể hiện tính đại chúng, tính dân tộc của ngôn ngữ GTNT trong ngôn ngữ toàn dân. Có đến 10/13 ngữ cố định của ngôn ngữ GTNT được người Việt sử dụng phổ biến trong những tình huống khác nhau: khi giao tiếp hàng ngày, khi răn dạy con cái,… Qua các ngữ cố định này, đất nước và con người Việt Nam được thể hiện khá rõ với những hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò. Những dòng sông có thác, có ghềnh, có bên bồi, bên lở; con người phải gánh vác trách nhiệm của mình khi “đứng mũi chịu sào”; cách ăn nói thì phải “đầu sông ngọn nguồn”, v.v.
Về cấu tạo, những ngữ cố định dùng trong chuyên ngành GTNT đảm bảo được tính chất không chêm xen. Đơn vị từ vựng này ngắn gọn, súc tích và dễ nhớ, dễ thuộc nên tần suất sử dụng cao. Những từ đơn tạo nên các ngữ cố định đó rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người Việt, có nhiều từ là ngôn ngữ toàn dân đã được thuật ngữ hoá và đi vào ngôn ngữ GTNT. Với khả năng diễn tả phong phú, trong tương lai sự cấu tạo các ngữ này có xu hướng trở thành nổi trội trong việc tăng số lượng các từ ngữ của GTNT.
XEM LẠI PHẦN 1: Tính dân tộc và đại chúng của NGÔN NGỮ GIAO THÔNG ĐƯỜNG THUỶ nội địa (Phần 1)
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Đỗ Hữu Châu, Tuyển tập – tập một: từ vựng – ngữ nghĩa, Đỗ Hữu Châu, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005.
2. Đỗ Hữu Châu, Giáo trình Từ vựng học tiếng Việt, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2006.
3. Trần Văn Chín – Lãi Thế Kì, Khai thác vận tải sông, tài liệu lưu hành nội bộ, trường TH Hàng Giang TWII, 1999.
4. Nguyễn Thiện Giáp, Vấn đề từ trong tiếng Việt, Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2011.
5. Mai Xuân Hạnh, Luồng Lạch, Trường TH Hàng Giang TWII, lưu hành nội bộ, 2007.
6. Đỗ Việt Hùng, Giáo trình Từ vựng học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2011.
7. Thùy Linh, Thành ngữ – tục ngữ Việt Nam, NXB Lao động – Xã hội, Hà Nội, 2007.
8. Hà Quang Năng (chủ biên), Thuật ngữ học – Những vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2012.
9. Mai Thị Kiều Phượng, Các bình diện của từ và ngữ cố định trong tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011.
10. Nguyễn Đức Tồn, Tìm hiểu đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2002.
TỪ ĐIỂN
1. Đỗ Thái Bình (biên soạn), Từ điển Hàng hải Anh – Việt, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2011.
2. Nguyễn Văn Phòng – Vũ Phi Hoàng, Từ điển Hàng hải Anh Việt, NXB Giao thông Vận tải, Hà Nội, 1995.
3. Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 2007.
4. Ngô Xuân Sơn (chủ biên), Từ điển Thuật ngữ đường thuỷ nội địa, NXB Giao thông Vận tải, Hà Nội, 2002.
5. Lã Thành, Từ điển thành ngữ Anh – Việt, NXB Khoa học và Kĩ thuật, Hà Nội, 1988.
NGUYỄN THỊ HẢI HÀ 1
__________
1. Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh.