TÍNH HIỆN THÂN với việc Ý NIỆM HOÁ các PHẠM TRÙ TÌNH CẢM trong TRUYỆN KIỀU (Phần 1)
NGUYỄN THU QUỲNH
(Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Thái Nguyên)
1. Đặt vấn đề
Các học giả Trung Quốc và phương Tây xưa và nay đã bàn bạc rất nhiều về quá trình trải nghiệm hiện thân như quan điểm dĩ nhân vi trung (lấy con người làm trung tâm), cận thử chư thân, viễn thử chư vật (gần thì lấy thân thể, xa thì lấy các vật để tham chiếu). Tiền đề lí thuyết của các quan điểm này là chủ nghĩa kinh nghiệm (experientialism). Theo G. Lakoff, ngôn ngữ học tri nhận dựa trên cơ sở kinh nghiệm để nghiên cứu vấn đề ý niệm hoá và phạm trù hoá thế giới. Chủ nghĩa kinh nghiệm thừa nhận sự phụ thuộc của tư duy vào tổ chức của cơ thể con người và sự biểu hiện ra bên ngoài thông qua các hành vi tác động lên cơ thể trong môi trường mà con người đã trải qua. Chính kinh nghiệm của con người về cơ thể giúp con người có cách lí giải thế giới thông qua các bộ phận trên cơ thể của mình (hiện thân). Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến tri nhận hiện thân với việc ý niệm hoá các phạm trù tình cảm (PTTC); từ đó tìm hiểu quá trình ý niệm hoá các PTTC cơ bản trong Truyện Kiều.
2. Cơ sở tri nhận hiện thân với việc ý niệm hoá các PTTC
Tình cảm, với tư cách là các sự kiện bên trong thế giới tinh thần của con người và mang tính riêng tư nên không ai có thể tiếp cận và không thể nào truyền đạt được một cách trực tiếp. Những gì có thể truyền đạt chính là sự miêu tả những kinh nghiệm hiện thân của mỗi người thông qua ngôn ngữ. Con người cũng không thể tiếp cận một cách trực tiếp với các trải nghiệm tình cảm của người khác nên phải nhờ ngôn ngữ làm phương tiện chính yếu để đóng gói các trải nghiệm của cá nhân và dùng ngôn ngữ để thể hiện các tình cảm đó. Mỗi biểu hiện tình cảm của con người là kinh nghiệm hiện thân sâu sắc mà người mang cảm xúc đó có được. Dựa trên cơ sở của sự trải nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm hiện thân của con người về thế giới tình cảm, các ý niệm tình cảm được tạo nên. Chính vì vậy, kinh nghiệm hiện thân trong việc ý niệm hoá các PTTC luôn được gắn liền với sự thể hiện của cơ thể con người qua nét mặt (chau mày, tái mặt, tít mắt, há mồm,…); cử chỉ, điệu bộ (lắc đầu, nhún vai, rụt cổ,…) hay hành động (vung tay, đấm, đá, chạy,…) hoặc ngôn ngữ (âm thanh, giọng điệu,…).
Đi theo hướng tiếp cận của ngữ nghĩa học tri nhận khi cho rằng các cấu trúc ý niệm nói chung và cấu trúc ý niệm về tình cảm nói riêng đều mang tính tri nhận hiện thân, dưới đây, chúng tôi sẽ tập trung tìm hiểu cách thức tri nhận hiện thân với việc ý niệm hoá một số PTTC cơ bản của con người trong Truyện Kiều.
3.Tri nhận hiện thân với việc ý niệm hoá các PTTC trong Truyện Kiều
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát các biểu thức ngôn ngữ (BTNN) liên quan đến các bộ phận của cơ thể người, các chất dịch tiết ra từ một số bộ phận cơ thể, giọng nói và phần “hồn” của con người được Nguyễn Du sử dụng để ý niệm hoá 6 PTTC cơ bản là: “yêu”, “ghét”, “buồn”, “vui”, “giận” và “sợ”. Kết quả khảo sát cho thấy có 16 BTNN với 186 lượt xuất hiện đã được Nguyễn Du dùng để mã hoá 6 PTTC trên. Kết quả này được thể hiện trong bảng sau đây:
Bảng: Các BTNN có liên quan đến việc ý niệm hoá các PTTC trong Truyện Kiều
STT | BTNN có liên quan | Lượt xuất hiện | Tỉ lệ (%) | Ví dụ |
1 | lòng, ruột | 56 | 30,1 | Bẽ bàng mây sớm đèn khuya, Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng. |
2 | nước mắt | 27 | 14,5 | Lại càng ủ dột nét hoa, Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài. |
3 | tay/ chân | 15 | 8,1 | Thoắt thôi tay lại cầm tay, Càng yêu vì nết càng say vì tình. |
4 | đầu | 13 | 7,0 | Khi tựa gối khi cúi đầu Khi vò chín khúc khi chau đôi mày. |
5 | mặt | 12 | 6,5 | Nàng càng mặt ủ mày chau, Càng nghe mụ nói càng đau như dần |
6 | thân | 11 | 5,9 | Canh khuya thân gái dặm trường, Phần e đường sá phần thương dãi dầu. |
7 | hồn | 10 | 5,4 | Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu, Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca. |
8 | mày | 8 | 4,3 | Thực tang bắt được dường này, Máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng. |
9 | mình | 7 | 3,8 | Gieo mình vật vã khóc than, Con người thế ấy thác oan thế này. |
10 | tóc | 7 | 3,8 | Tóc thề đã chấm ngang vai, Nào lời non nước nào lời sắt son . |
11 | gan | 7 | 3,8 | Sinh thì gan héo ruột đầy, Nỗi lòng càng nghĩ càng cay đắng lòng. |
12 | âm thanh | 5 | 2,7 | Tiểu thư vội thét: Con Hoa! Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn |
13 | tim (tâm) | 4 | 2,2 | Lửa tâm càng dập càng nồng, Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa. |
14 | mắt | 2 | 1,1 | Cánh hồng bay bổng tuyệt vời, Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm. |
15 | da | 1 | 0,4 | Ấy mới gan ấy mới tài, Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời! |
16 | mồ hôi | 1 | 0,4 | Thúc Sinh trông mặt bấy giờ, Mồ hôi chàng đã như mưa ướt đầm. |
Tổng | 186 | 100 |
Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày cụ thể những nội dung liên quan đến việc ý niệm hoá các PTTC của Nguyễn Du trong Truyện Kiều trên cơ sở tính hiện thân.
3.1. Tri nhận hiện thân liên quan đến toàn bộ cơ thể người
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng các BTNN liên quan đến mình, thân để ý niệm hoá các tình cảm. Nói đến tình cảm “yêu”, Nguyễn Du đã sử dụng các BTNN như: nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai, làmthântrâungựa đền nghì trúc mai,… Trong các cách nói trên, tác giả Truyện Kiều đã khúc xạ thân hai lần qua hình ảnh thân bồ liễu và thân trâu ngựa đến thân mình nhằm thể hiện tình yêu của Kiều dành cho Kim Trọng. Các BTNN khác liên quan đến thân còn được Nguyễn Du dùng để ý niệm hoá tình cảm “buồn” như thui thủi một thân, ngậm ngùi cho thân, thân sao bướm chán ong chường bấy thân,… Tình cảm “giận” được ý niệm qua BTNN quen thân; tình cảm “sợ” cũng được ý niệm qua các BTNN là: thân lươn, thân ta, thân gái dặm trường,… Trong Truyện Kiều, tri nhận hiện thân liên quan đến mình được Nguyễn Du dùng để ý niệm hoá tình cảm “ghét” trong BTNN bực mình, tình cảm “buồn” trong BTNN gieo mình vật vã, vật mình, hao mòn mình ve và tình cảm “sợ” trong BTNN ẩn mình hay mình dường dẽ run. Cách tri nhận hiện thân để ý niệm hoá các PTTC liên quan đến thân và mình là cách tri nhận được Nguyễn Du ưa dùng trong Truyện Kiều. Có lẽ chính vì vậy nên ấn tượng của nhiều nhà nghiên cứu và bạn đọc khi đọc Truyện Kiều đều cho rằng Truyện Kiều là một tác phẩm thương thân và xót thân sâu sắc.
3.2. Tri nhận hiện thân liên quan đến các bộ phận lộ diện ra bên ngoài của cơ thể
3.2.1. Đầu
Cách tri nhận hiện thân liên quan đến đầu được Nguyễn Du dùng để ý niệm hoá tình cảm “buồn”, “vui” và “sợ”. Để diễn tả tình cảm “vui” của Từ Hải khi gặp Kiều, Nguyễn Du đã miêu tả Từ Hải là Lặng nghe vừa ý gật đầu. Khi ý niệm hoá tình cảm “buồn”, Nguyễn Du lại dùng các BTNN như: cúi đầu, gieo đầu. Nỗi sợ hãi cũng được Nguyễn Du ý niệm hoá thông qua hàng loạt các BTNN như: cúi đầu luồn xuống mái nhà, cúi đầu nép xuống sân mai một chiều, cúi đầu quỳ trước sân hoa. Sau này, khi Hoạn Thư gặp lại Thuý Kiều tại đại doanh của Từ Hải, nỗi sợ hãi của Hoạn Thư cũng được Nguyễn Du ý niệm hoá thông qua hình ảnh khấu đầu dưới trướng. Như vậy, trong cách thức tri nhận của Nguyễn Du, đầu được Nguyễn Du quan niệm là nơi chứa đựng các tình cảm và chủ yếu được dùng để ý niệm hoá các tình cảm âm tính như tình cảm “buồn” và tình cảm “sợ”.
3.2.2. Tóc
Trong quan niệm xưa của người Việt, tóc vẫn được xem là có mối quan hệ mật thiết với thân thể kể cả khi đã tách rời thân thể nên các đôi trai gái yêu nhau thường cắt trao nhau một mớ tóc để làm tin và luôn giữ bên mình như một kỉ vật. Vì vậy, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng sử dụng cách thức tri nhận này để ý niệm hoá tình yêu trong các BTNN như: tóc mây một món, tóc thề, tóctơ,… Và khi buồn, con người thường không quan tâm tới hình ảnh của mình, tóc không buồn chải nên thành khô se lại đã được Nguyễn Du tri nhận như chính mối sầu làm cho tóc khô đi trong BTNN Áo dầm giọt lệ tóc se mái sầu. Như vậy, trong cách thức tri nhận của Nguyễn Du, tóc được Nguyễn Du dùng để ý niệm hoá các tình cảm “yêu” và “buồn”.
3.2.3. Mày
Để ý niệm hoá tình cảm “buồn”, Nguyễn Du cũng sử dụng các BTNN có liên quan đến mày như: chau đôi mày, mặt ủ mày chau,… nhằm miêu tả tâm trạng buồn của Kim Trọng khi nghe Kiều gảy đàn và nỗi buồn của Kiều khi nàng bị Bạc Bà ép duyên với Bạc Hạnh ở Châu Thai. Và đặc biệt, Nguyễn Du đã nhắc đến cảnh Kiều gảy đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe. Phải chăng vì tiếng đàn này của Kiều đã cảm động được viên quan tổng đốc trọng thần nên Hồ Tôn Hiến đã phải nhăn mày rơi châu. Cách thức tri nhận của Nguyễn Du trong ngữ cảnh này đặc biệt rất tinh tế bởi với Hồ Tôn Hiến dù có chút “buồn” khi nghe Kiều đàn nhưng với bản chất của một viên quan tàn bạo và phản trắc, xót xa cho thân phận Kiều nhưng ngay sau đó có thể buông lời ve vãn trên nỗi đau tan nát của đời Kiều và làm nhục nàng thì Nguyễn Du chỉ có thể miêu tả là nhăn mày chứ không phải là chau mày khi “buồn” như đối với các nhân vật khác.
Ngoài ra, BTNN liên quan đến mày cũng được Nguyễn Du sử dụng để ý niệm hoá tình cảm “giận” ở cách nói máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng. Trong suy nghĩ của người Việt Nam, người phụ nữ thường được gắn liền với quan niệm Ớt nào mà ớt chẳng cay/ Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng. Người đàn bà khi ghen thường vô vùng tức giận, có thể không kiểm soát được hành vi và có các biểu hiện khác như chau mày, nghiến răng,… Từ cơ sở tri nhận hiện thân này, Nguyễn Du đã liên hệ đến cơn giận của Hoạn Thư khi nàng bắt được quả tang chồng mình lẻn đến Quan Âm các để tình tự với Thuý Kiều. Khi giận dữ, con người có thể chau mày, nghiến răng là điều bình thường; nhưng ở Hoạn Thư thì không hẳn thế. Nàng vẫn Chào mời vui vẻ, nói năng dịu dàng. Chính điều này đã thể hiện được khả năng tri nhận sâu sắc tâm lí nhân vật của Nguyễn Du. Sự giận dữ của Hoạn Thư được Nguyễn Du miêu tả Giận dầu ra dạ thế thường/ Cười này mới thực khôn lường hiểm sâu mới thật chính xác với nhân vật này. Như vậy, trong cách thức tri nhận của Nguyễn Du, mày được Nguyễn Du dùng chủ yếu để ý niệm hoá tình cảm âm tính (tình cảm “buồn”, “giận”).
3.3.4. Mặt
Khi nói đến tình cảm “yêu”, Nguyễn Du dùng BTNN: đầu mày cuối mặt, mặt tơ tưởng mặt,…; khi nói đến tình cảm “vui”, Nguyễn Du dùng BTNN: mặt nhìn mặt càng thêm tươi, nở nang mày mặt, nở mặt nở mày, trông mặt cả cười,…; khi nói đến tình cảm “buồn”, Nguyễn Du dùng BTNN mặt ủ mày chau,… Trong những cách ý niệm hoá ba loại tình cảm này, Nguyễn Du thường gắn sự tri nhận giữa bộ phận cơ thể mặt với mày có lẽ bởi mày nằm trên khuôn mặt và đây cũng là cách thức tri nhận chung của người Việt khi nói mặt mày để chỉ khuôn mặt. Để ý niệm hoá tình cảm “giận”, Nguyễn Du dùng BTNN văng vào mặt. Đây là cơn giận dữ của Tú Bà – một người đàn bà lõi đời trong nghề buôn phấn bán hương – khi Tú Bà biết chuyện ăn vụng của Mã Giám Sinh. Tú Bà đã trút thẳng vào mặt Kiều những lời chửi thô tục một cách trắng trợn khi vốn liếng của mụ có cơ mất hết. Nguyễn Du đã thể hiện được phần nào cơn tam bành lục tặc thông qua cách thức tri nhận hiện thân ở BTNN liên quan đến bộ phận cơ thể mặt. Ngoài ra, để ý niệm hoá tình cảm “sợ”, Nguyễn Du cũng dùng các BTNN có liên quan đến mặt là: mặt nhìn ai nấy đều kinh, mặt nhìn hồn bay,… Đặc biệt, để đặc tả nỗi sợ hãi của Thúc Sinh trước cảnh ba quân gươm lớn giáo dài của đại quân Từ Hải, Nguyễn Du đã dùng cách tri nhận hiện thân liên quan đến mặt trong BTNN mặtnhưchàmđổ. Cách tri nhận này bắt nguồn từ kinh nghiệm hiện thân là khi quá sợ hãi, con người thường có biểu hiện mặt tái mét, mặt tái xanh hoặc mặt trắng bệch,… Với cách tri nhận này, Nguyễn Du đã bộc lộ được bản chất nhút nhát, nhu nhược đến thảm hại của Thúc Sinh. Chúng ta cũng bắt gặp cách tri nhận như vậy trong cách nói của người bình dân Việt Nam qua các câu thành ngữ như mặt xanh nanh vàng, mặt xanh như chàm đổ,… khi nói về nỗi sợ hãi. Như vậy, trong cách thức tri nhận của Nguyễn Du, mặt được Nguyễn Du dùng để ý niệm hoá tương đối phong phú các tình cảm như tình cảm “yêu”, “buồn”, “vui”, “giận” và “sợ”.
3.2.5. Mắt
Mắt là cơ quan thị giác của con người và hầu hết mọi dân tộc trên thế giới đều coi mắt là biểu tượng của sự tri giác trí tuệ. Trong cách tri nhận của người Việt, mắt còn là cửa số của tâm hồn. Người Việt quan niệm tình cảm của con người có thể dồn cả vào đôi mắt. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã lấy bộ phận mắt là cơ sở tri nhận hiện thân để thể hiện tình cảm “vui” thông qua BTNN: rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao. Đặc biệt, để thể hiện tình cảm “yêu”, Nguyễn Du đã sử dụng cách biểu đạt mòn con mắt. Cách tri nhận này của Nguyễn Du vừa xác thực vừa rất tinh tế bởi Nguyễn Du vừa nêu được phương tiện (con mắt), vừa nêu được cách nhìn (nhìn lâu, nhìn chăm chú đến mòn) trong một kết hợp độc đáo mòn con mắt, qua đó nói lên được tình cảm, sự ngóng trông, chờ đợi mỏi mòn của Thuý Kiều dành cho Từ Hải. Như vậy, trong cách thức tri nhận của Nguyễn Du, mắt được Nguyễn Du dùng để ý niệm hoá tình cảm dương tính “yêu” và “vui”.
3.2.6. Da
Người Việt dựa vào cơ sở hiện thân là những nốt nhỏ li ti nổi trên bề mặt của làn da để ý niệm hoá tình cảm “sợ” bằng BTNN sợ nổi da gà. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã dùng cách thức tri nhận dựa trên tính hiện thân này để ý niệm hoá tình cảm “sợ” của Thuý Kiều khi nàng biết được việc Hoạn Thư đã đứng hồi lâu nghe Thúc Sinh và mình tâm sự qua BTNN Ấy mới gan, ấy mới tài/ Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời. Cách thức tri nhận này chỉ xuất hiện 1 lượt trong Truyện Kiều, chiếm 0,4%.
3.2.7. Tay/ chân
Trong Truyện Kiều, để ý niệm hoá tình cảm “yêu” trên cơ sở tri nhận hiện thân liên quan đến bộ phận tay, Nguyễn Du đã sử dụng các BTNN như: trao tay, chưa nỡ rời tay, tay chẳng nỡ rời, dan tay, tay lại cầm tay. Tình cảm “buồn” được ý niệm hoá thông qua các BTNN có liên quan đến bộ phận cơ thể tay như: đôi tay lạnh đồng, chia tay. Tình cảm “vui” được ý niệm hoá qua các BTNN như: cờ đã đến tay, dắt tay, cầm tay. Tình cảm “giận” được ý niệm hoá qua BTNN như: đang tay vùi liễu dập hoa và tình cảm “sợ” được ý niệm hoá qua một BTNN là mắc tay,… Có thể thấy, cùng là các BTNN có liên quan đến tay nhưng ở mỗi tình cảm khác nhau lại được Nguyễn Du tri nhận và thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau. Những tình cảm dương tính thường được gắn với kinh nghiệm hiện thân là sự gắn bó chặt chẽ, không nỡ rời của hai tay hoặc tay trong tay; còn những tình cảm âm tính lại thường gắn với kinh nghiệm hiện thân là sự chia tay, rời tay; đặc biệt tình cảm “giận” và “sợ” hay gắn với những hành động mạnh mẽ, dứt khoát, có khả năng tàn phá của tay như vùi, dập, mắc,… Như vậy, trong cách thức tri nhận của Nguyễn Du, tay được Nguyễn Du dùng để ý niệm hoá cả tình cảm dương tính và tình cảm âm tính.
Còn tiếp:
Mời xem: TÍNH HIỆN THÂN với việc Ý NIỆM HOÁ các PHẠM TRÙ TÌNH CẢM trong TRUYỆN KIỀU (Phần 2)