TÍNH HIỆN THÂN với việc Ý NIỆM HOÁ các PHẠM TRÙ TÌNH CẢM trong TRUYỆN KIỀU (Phần 2)
NGUYỄN THU QUỲNH
(Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Thái Nguyên)
3.3. Tri nhận hiện thân liên quan đến các cơ quan nội tạng của cơ thể
3.3.1. Tim (tâm)
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng tâm trong các BTNN như: tâm phúc tương cờ, tâm phúc tương tri, tâm phúc ruột rà để ý niệm hoá tình cảm “yêu”. Đặc biệt, để ý niệm hoá tình cảm “giận”, Nguyễn Du đã sử dụng BTNN lửa tâm. Y học Trung Hoa quan niệm “tâm” là chủ hoả nên lửa tâm là lửa đốt trong lòng. Cách nói của Nguyễn Du Lửa tâm càng dập càng nồng vì thế ám ảnh và thể hiện được bản chất hiểm sâu, cay độc của tiểu thư vốn dòng “họ Hoạn danh gia”. Như vậy, trong cách thức tri nhận của Nguyễn Du, tim (tâm) được Nguyễn Du dùng để ý niệm hoá cả tình cảm dương tính (tình cảm “yêu”) và tình cảm âm tính (tình cảm “giận”).
3.3.2. Bụng (lòng, dạ)/ ruột
Trong Truyện Kiều, để ý niệm hoá tình cảm “yêu” trên cơ sở tri nhận hiện thân liên quan đến bộ phận bụng (lòng, dạ)/ ruột, Nguyễn Du đã sử dụng các BTNN như: canh cánh bên lòng, lòngngaongánlòng, nặnglòng, cởitấmlòng, tráchlòng,tạlòng, lòngxuân, thưathớtlòng, lòng đương thổn thức, cầm lòng, động lòng, bào lòng son, lòng tạc đá ghi vàng, tơ tình đứt ruột, dạ ngẩn ngơ,… Để ý niệm hoá tình cảm “buồn”, Nguyễn Du dùng các BTNN như: thiểu não lòng người, dột lòng mình, nao nao lòng người, đau lòng, chia tấm lòng, ôm lòng đòi đoạn, tan nát lòng, cay đắng lòng, buồn cả ruột,… Để ý niệm hoá tình cảm “vui”, Nguyễn Du dùng các BTNN như: thoả lòng, mừng lòng,… Để ý niệm hoá tình cảm “giận”, Nguyễn Du dùng các BTNN như: lòng trêu ngươi, lòng lòngcũnggiận,… Và để ý niệm hoá tình cảm “sợ”, Nguyễn Du dùng các BTNN như: nặnglònge ấp, nát ruột,…
Có thể nói bụng (lòng, dạ)/ ruột là bộ phận được dùng một cách khá phổ biến trong việc quy chiếu tình cảm của người Việt. Qua cách Nguyễn Du tri nhận về các PTTC liên quan đến bộ phận cơ thể bụng (lòng, dạ)/ ruột có thể nhận thấy một đặc điểm văn hoá thuần Việt rất đáng quan tâm trong cách tri nhận của Nguyễn Du là người Việt thường dùng các chữ như lòng, bụng, dạ để diễn tả các tình cảm của mình mà rất ít khi dùng chữ tâm cũng vốn để chỉ tâm tư, tình cảm con người. Như vậy, rõ ràng nếu người Trung Quốc để tình cảm ngự trị ở tâm (tim) thì người Việt đã kéo tình cảm xuống tận lòng (bụng, dạ). Vì vậy, các nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du thành kiểu nhân vật tâm trạng, thành nhân vật tỏ lòng.
3.3.3. Gan
Theo quan niệm của nhiều nền văn hoá, gan thường gắn liền với những cơn giận. Ở Trung Quốc cổ đại, người ta ăn gan quân địch, đó cũng là cách lấy cho mình lòng dũng cảm của kẻ thù. Trong Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn cũng nói đến chuyện ăn gan uống máu quân thù. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng dùng các BTNN có liên quan đến bộ phận cơ thể này để ý niệm hoá tình cảm “giận” như: sốt gan, gan càng tức tối,… Khi Sở Khanh biết được tình cảnh trớ trêu của Kiều, Nguyễn Du đã để Sở Khanh kêu than oán giận chẳng khác nào một hiệp khách Sốt gan riêng giận trời già. Khi Thúc ông trở về biết con trai mình đã lấy thêm vợ bé, ông đã hết sức nổi giận: Sốt gan ông mới cáo quỳ cửa công. Ngoài ra, Nguyễn Du còn dùng các BTNN có liên quan đến gan trên cơ sở tri nhận hiện thân để ý niệm hoá tình cảm “yêu” như: nung gan sắt bào lòng son, để ý niệm hoá tình cảm “buồn” như: lửa phiền cháy gan, gan héo; để ý niệm hoá tình cảm “sợ” như: thổn thức gan vàng, gan nào chẳng kinh,… Như vậy, trong cách tri nhận của Nguyễn Du, ngoài cách thức hiện thân phổ quát của nhân loại là gan được ý niệm hoá với tình cảm “giận”, Nguyễn Du còn tri nhận gan trên cơ sở hiện thân để ý niệm hoá các tình cảm khác như tình cảm “yêu”, “buồn” và “sợ’.
3.4. Tri nhận hiện thân liên quan đến các chất dịch tiết ra từ một số bộ phận của cơ thể; âm thanh, giọng nói của con người
3.4.1. Các chất dịch tiết ra từ một số bộ phận của cơ thể
Trong cách thức tri nhận của Nguyễn Du, nước mắt được xem là có khả năng biểu thị tình cảm tương đối phong phú. Khi miêu tả tình cảm thương xót của Kiều dành cho Đạm Tiên – người kĩ nữ tài hoa nhưng yểu mệnh, Nguyễn Du đã sử dụng BTNN đầm đầm châu sa. Chứng kiến trận đòn ngứa ghẻ hờn ghen của vợ mình là Hoạn Thư, Thúc Sinh không những “sợ” bà vợ cả Hoạn Thư mà còn rất “thương” nàng Kiều. Chỉ có điều, người đàn ông nhút nhát, sợ vợ và bạc nhược như Thúc Sinh thì chỉ có thể thể hiện tình cảm của mình bằng nước mắt. Khi sợ thì Thúc Sinh giọt dài giọt ngắn; lúc thương Kiều thì cũng giọt châu lã chã, đến khi lẻn ra Quan Âm các để gặp Kiều thì anh chàng này cũng giọt châu tầm tã. Kim Trọng cũng được gắn nhiều với ý niệm nước mắt không kém gì Thúc Sinh. Nỗi buồn của Kim Trọng trước cảnh ngộ của Kiều đã được Nguyễn Du thể hiện qua các BTNN: dầm dề hạt ngọc, máu theo nước mắt, tuôn châu đòi trận,… Nước mắt còn được Nguyễn Du sử dụng để ý niệm hoá tình cảm “buồn” của Kiều trong các BTNN: dầm dề giọt mưa, châu sa mấy hàng, áo dầm giọt lệ, lệ tràn thấm khăn, lệ rơi thấm đá, lã chã giọt hồng, dòng thu,… Dường như, khi xây dựng nhân vật Thuý Kiều, Nguyễn Du đã gắn đời nàng với nước mắt. Cuộc đời của nàng bị phổ vào bản đàn bạc mệnh khi định mệnh khắc nghiệt đã liên tiếp đẩy nàng vào những đoạn đường tủi nhục của mười lăm năm lưu lạc. Để ý niệm hoá cho những cung bậc tình cảm của Kiều trong suốt hành trình này, Nguyễn Du đã sử dụng rất nhiều BTNN gắn với nước mắt trong những sự thể hiện vô cùng phong phú như giọt châu, giọt hồng, giọt lệ, giọt Tương, châu sa, giọt ngọc, giọt mưa,…
Cơ thể con người còn có một chất dịch khác được bài tiết ra ngoài qua các lỗ chân lông của da đó là mồ hôi. Với cơ sở tri nhận xuất phát từ hiện tượng mồ hôi toát ra nhiều làm cho cơ thể lạnh đi hoặc những mồ hôi hột vã ra trên trán và trên mặt, người Việt có cách dùng từ biểu đạt tình cảm “sợ” thể hiện qua các cụm từ: mồ hôi ướt đẫm như mưa,… Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng dùng cách tri nhận mang tính hiện thân này để ý niệm hoá tình cảm “sợ”: mồ hôi chàng đã như mưa ướt đầm. Ngoại hình thiểu não cùng nỗi sợ hãi của Thúc Sinh trong phiên toà ở Lâm Tri đã được Nguyễn Du khắc hoạ hết sức sinh động. Nhân vật Thúc Sinh trong Truyện Kiều không chỉ sợ vợ, sợ cái uy quyền của gia đình họ Hoạn mà còn run sợ trước quân tướng của Từ Hải. Điều này cũng chứng tỏ Thúc Sinh không bao giờ nghĩ Kiều là kẻ chịu ơn mình và việc mình phải đến phiên toà ở Lâm Tri không phải để Thuý Kiều tạ ơn mà để mình đền tội.
3.4.2. Âm thanh, giọng nói của con người
Để ý niệm hoá tình cảm “buồn” của Kiều sau khi gặp Đạm Tiên, Nguyễn Du đã dùng BTNN giọngKiềurềnrĩ. Đặc biệt, khi nói về sự giận dữ của Hoạn Thư trong trận đòn ghen với Thuý Kiều, Nguyễn Du đã hai lần dùng tới BTNN liên quan đến tiếng thét: Tiểu thư vội thét: Con Hoa!, Tiểu thư lạithét lấy nàng. Có thể nói, tiếng thét chính là đỉnh cao của cơn giận dữ khi Hoạn Thư bắt Thuý Kiều phải mời rượu và gảy đàn mua vui cho vợ chồng mình. Dù không có một lời lẽ bắt bẻ nào, cũng không một lời cạnh khoé, nhưng chỉ bằng một vài hành động được Nguyễn Du miêu tả cũng đủ thấy lòng căm tức dữ dội, sự tức giận ghê gớm của người phụ nữ vốn được tiếng Ở ăn thì nết cũng hay/ Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
Như vậy, trong cách tri nhận của Nguyễn Du trên cơ sở tính hiện thân, các chất dịch tiết ra từ một số bộ phận của cơ thể như nước mắt, mồ hôi và âm thanh, giọng nói của con người cũng là cơ sở để tác giả Truyện Kiều ý niệm hoá các PTTC. Những PTTC được ý niệm hoá dựa trên cơ sở hiện thân này là năm PTTC cơ bản: “yêu”, “vui”, “ghét”, “giận” và “sợ”.
3.5. Tri nhận hiện thân liên quan đến phần “hồn” của con người
Trong Truyện Kiều, để ý niệm hoá tình cảm “sợ”, Nguyễn Du đã dùng các BTNN gắn với phần “hồn” của con người như: phách lạc hồn bay, phách lạc hồn xiêu, hồn lạc phách xiêu, hồn kinh phách rời, thất kinh, tán hoán, hồn bay, tan hồn,… Cách tri nhận này mang tính đặc trưng của dân tộc Việt tương đối sâu sắc. Người Việt cho rằng con người có phần hồn và phần phách. Hồn cũng là phách nhưng hồn nhẹ hơn phách. Khi thân thể đã chết, phách vẫn còn và từ từ tan biến còn hồn vẫn còn nguyên. Do quan niệm như vậy nên khi gặp tình huống nguy hiểm, người Việt thường mã hoá sự sợ hãi thông qua các ý niệm hồn và phách. Vốn bản chất sợ vợ nên khi nhận ra Kiều và phải chứng kiến trận đòn ghen “ba máu sáu cơn” của vợ mình là tiểu thư con gái viên quan Bộ Lại, Thúc Sinh đã phách lạc hồn xiêu. Nỗi sợ ghê gớm này còn được thể hiện thông qua BTNN: hồn lạc phách xiêu khi Hoạn Thư phải ra trước toà án ở Lâm Tri và phải đối mặt với phu nhân của Đại vương họ Từ – người mà nàng đã từng trút giận bằng một trận đòn “ngứa ghẻ hờn ghen”. Ngoài ra, tình cảm “yêu” cũng được ý niệm hoá trên cơ sở tri nhận hiện thân thông qua các BTNN như: hồn còn mang nặng lời thề, hồn ngất; tình cảm “buồn” được ý niệm thông qua BTNN hồn lìa chiêm bao. Như vậy, trong cách tri nhận của Nguyễn Du trên cơ sở tính hiện thân, phần “hồn” của con người cũng là cơ sở để tác giả Truyện Kiều ý niệm hoá các PTTC. Qua đây, có thể thấy trong Truyện Kiều, thông qua cách tri nhận hiện thân, các PTTC có mối liên hệ chặt chẽ đến cơ thể và sự trải nghiệm, biểu hiện của cơ thể con người.
4. Kết luận
Để thể hiện trạng thái tâm lí tình cảm của các nhân vật trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã sử dụng rất nhiều các BTNN có liên quan đến cơ thể và các bộ phận của cơ thể người (bộ phận lộ diện ra bên ngoài như: đầu, tóc, mặt, mày, mắt, da, tay,…; bộ phận nội tạng của cơ thể như: bụng (lòng, dạ)/ ruột, tim, gan,… ); các chất dịch tiết ra từ một số bộ phận của cơ thể (nước mắt, mồ hôi,…); âm thanh, giọng nói và phần “hồn” của con người. Trong số các BTNN được Nguyễn Du sử dụng trên cơ sở tri nhận hiện thân, BTNN liên quan đến bộ phận cơ thể là bụng (lòng, dạ)/ ruột xuất hiện nhiều nhất với 56 lượt, chiếm 30,1%. Đây cũng là bộ phận được dùng một cách phổ biến trong việc quy chiếu tình cảm của người Việt. Cách Nguyễn Du tri nhận về các phạm trù tình cảm liên quan đến bụng (lòng, dạ)/ ruột cho thấy một đặc điểm văn hoá rất đáng quý của người Việt là lối sống coi trọng tình cảm sâu sắc khi kéo tình cảm xuống tận đáy lòng.
Xét về mặt ngôn từ biểu đạt, Nguyễn Du thường xuyên sử dụng các từ ngữ liên quan đến cơ thể và các bộ phận của cơ thể như thân, mình, tóc, đầu, lòng (ruột), mắt, tay/ chân, gan, tim (tâm),… Các phản xạ sinh lí hay các phản xạ biểu lộ cảm xúc của con người cũng thường xuyên xuất hiện để thể hiện tâm lí – tình cảm của các nhân vật như nước mắt, mồ hôi, hồn, phách,… Đặc biệt, có những BTNN như “nước mắt” nhưng được Nguyễn Du dùng với tần suất cao và với các biểu đạt rất phong phú như giọt hồng, giọt Tương, mạch Tương, giọt châu, châu, lệ, dòng châu, máu, lệ hoa, giọt riêng, giọt ngọc,…
Như vậy, rõ ràng cách thức tri nhận của Nguyễn Du về các PTTC vừa mang những đặc điểm phù hợp với cách thức tri nhận chung của nhân loại khi lấy con người và các bộ phận của cơ thể người làm trung tâm quy chiếu cho tình cảm, vừa mang những nét riêng trong cách tri nhận của ông ở việc thể hiện các tình cảm bằng các BTNN phong phú, giàu hình ảnh và gợi nhiều liên tưởng. Chính điều này đã góp phần khẳng định Nguyễn Du chính là Đại thi hào của dân tộc và Danh nhân văn hoá của nhân loại. Tác phẩm Truyện Kiều trở thành một thiên cổ kì bút và là tấm gương phản chiếu đời sống tâm lí – tình cảm của thế giới nhân vật trong tác phẩm nói riêng và của con người nói chung.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2009.
2. Jean Chevalier – Alain Gheerbrant, Từ điển Biểu tượng văn hoá thế giới, NXB Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, 2002.
3. Trần Văn Cơ, Ngôn ngữ học tri nhận (ghi chép và suy nghĩ), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007.
4. Trần Văn Cơ, Ngôn ngữ học tri nhận – Từ điển (Tường giải & Đối chiếu), NXB Phương Đông, TP Hồ Chí Minh, 2011.
5. Trần Trương Mĩ Dung, Tìm hiểu ý niệm “buồn” trong tiếng Nga và tiếng Anh, Ngôn ngữ, số 8, 2005.
6. Nguyễn Thiện Giáp, Về ngôn ngữ học tri nhận, Ngôn ngữ, số 9 (268), 2011, tr. 44 – 50.
7. Nguyễn Thiện Giáp, Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2012.
8. Ly Lan, Về các ý niệm và phạm trù tình cảm cơ bản của con người (trên dẫn liệu tiếng Anh), Ngôn ngữ & đời sống, số 6, 2009, tr. 21-25.
9. Ly Lan, Biểu trưng tình cảm bằng các bộ phận cơ thể từ góc nhìn tri nhận của người bản ngữ trong tiếng Anh và tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 12, 2009, tr. 25-36.
10. Ly Lan – Lý Toàn Thắng, Chiếu xạ trong các ẩn dụ ý niệm về tình cảm, Từ điển học & Bách khoa thư, số 6 (14) 2011, tr. 89 – 99,.
11. Ly Lan, Ngữ nghĩa và cơ sở tri nhận của các từ biểu đạt tình cảm trong tiếng Anh (liên hệ với tiếng Việt), Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2012.
12. Nguyễn Tất Thắng, Áp dụng lí thuyết về tính hiện thân trong việc phân tích một số hiện tượng của ngôn ngữ, Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007.
13. Lý Toàn Thắng, Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt (tái bản, có sửa chữa, bổ sung), NXB Phương Đông, 2009.
14. Nguyễn Đức Tồn, Tìm hiểu đặc trưng văn hoá – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008.
Xem lại: TÍNH HIỆN THÂN với việc Ý NIỆM HOÁ các PHẠM TRÙ TÌNH CẢM trong TRUYỆN KIỀU (Phần 1)