Tinh thần ĐỐI THOẠI VĂN HÓA qua một số CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VIỆT NAM của Phan Ngọc (Phần 2)
LÊ THỊ THANH TÂM
(Tiến sĩ, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, ĐHQG-HN)
3.
Phan Ngọc là một ngòi bút cung cấp những tiềm lực giải mã văn hóa cho cộng đồng khoa học nhân văn và cho người đọc rộng rãi.
Trước hết là luận điểm về chọn lựa. Chọn lựa cách nhận thức, ứng xử là chọn lựa tư thế văn hóa.
Chọn cái gì thì cái được chọn chứng tỏ nguồn gốc, bản chất và triển vọng cũng như đặc điểm hiện tại của chủ thể chọn lựa. Quan niệm đầy tính biện chứng này cho phép người nghiên cứu tiệm cận khả năng phán đoán chính xác sự vật, hiện tượng định hình bởi nguyên nhân trước và sau nó, tiệm cận tính bất khả kháng và tính tất yếu của hiện hữu mà không phụ thuộc vào ý chí của người giải mã nó.
Không phải A chọn B thì mới dẫn đến C, mà có thể vì C có sẵn trong A rồi nên A mới chọn B. Chuỗi nhận định về cách chọn lựa “cái này” mà không phải “cái khác” được lặp lại nhiều lần trong các nghiên cứu của Phan Ngọc:
– “Có những sự lựa chọn về chính trị, bởi vì nó gắn bó thiết thân nhất với đời sống vật chất và tinh thần. Sự lựa chọn này dẫn tới sự hình thành quốc gia, dân tộc và sự thống nhất về ý thức chính trị” (Phan Ngọc, 1994, tr.21).
– Luận điểm thứ 13: “Quá trình Việt Nam tiếp thu văn hóa Hán và do đó tách khỏi văn hóa Đông Nam Á thường bị giải thích thiên lệch. Theo tôi đây là một sự lựa chọn và một sự lựa chọn thông minh” (Phan Ngọc, 1994, tr.41) bởi vì “kinh nghiệm Bắc thuộc đã khiến Việt Nam tiếp thu Nho giáo” (Phan Ngọc, 1994, tr.49) và “Thực tế việc tiếp thu văn hóa Hán là do yêu cầu có một chính quyền vững chắc để chống ngoại xâm” (Phan Ngọc, 1994, tr.53).
Tư duy xuyên suốt trên phù hợp với nhận định của Hồ Liên trong Phan Ngọc trong nghiên cứu văn hóa: “‘Lựa chọn’ là một khái niệm then chốt trong lý thuyết của ông” (Hồ Liên, 2019).
Một người có thể lựa chọn điều này hay điều khác, đó là tự do trong định mệnh. Nhưng một dân tộc, với những chiều thời gian, không gian phức tạp, không thể là một sự tự do ngẫu nhiên, cũng không hẳn là không liên quan đến “định mệnh”. Định mệnh chọn lựa của một dân tộc là điều có thể giải thích được – đó là luận điểm rất quan trọng của Phan Ngọc (so với định mệnh của đời người là điều mà người ta thường nói ra khi bất lực). Trong chuỗi lập luận của Phan Ngọc, yếu tố “chọn lựa” và “chọn lọc” văn hóa của người Việt hé lộ tư thế văn hóa, cái được cái mất, và cao hơn là sự kết tập thành một phẩm tính, phẩm cách dân tộc. Theo ông, đối diện với chồng chất các lý thuyết, người Việt chọn “tổ quốc luận” với một niềm tin vĩnh cửu rằng: “Không một lý thuyết nào có thể kéo người Việt Nam ra khỏi trách nhiệm với đất nước” (Phan Ngọc, 2000b, tr.28). Văn hóa làng cũng được tạo thành một phần từ cách chấp nhận chọn lựa bốn quan hệ: chính trị, học vấn, công lao, tuổi tác (Phan Ngọc, 2000b, tr.43). Cách giải thích như vậy gợi mở và “sung công” cho người đọc rất nhiều, cung cấp một trường tư duy logic và sâu sắc để người ta có thể nghĩ tiếp, đọc tiếp và một niềm hy vọng nào đó ở tương lai là có thể đối thoại tiếp với những gì ông để lại.
Những đề xuất nghiên cứu của Phan Ngọc, ngoài sự nghiêm cẩn vốn có, chứa đựng nhiều ý tưởng rộng rãi, khoáng đạt, thông thái bất ngờ. Nội dung khoa học trong các cuốn sách của ông, kể cả những ý tưởng chủ quan bị tranh cãi thì cái sai (nếu có) cũng tạo thành cảm hứng cho người ta nghĩ tiếp. Đó chính là tinh thần khai phóng đích thực, vì khai phóng là chuẩn bị cho sự phát triển. Các ngành khoa học thuộc về Liberal Art (giáo dục khai phóng) bao gồm cả khoa học nhân văn, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học chính thức, có nguồn gốc sâu xa từ thời cổ đại Hy Lạp với mục đích tạo ra những con người tự do tư tưởng và tự do thích ứng. Sự nghiệp nghiên cứu của Phan Ngọc, dù sắc sảo tinh tường hay bề bộn băn khoăn, cũng đều toát lên tinh thần khai phóng đó.
Ông đề cập những địa hạt khó nói, “kỵ huý” hoặc ít được giới nghiên cứu quan tâm như: việc bỏ qua tiếp xúc chữ Phạn của quảng đại quần chúng theo Phật (Phan Ngọc, 1994, tr.44). Ông cũng luận bàn tuy khiêm tốn nhưng công bằng về đóng góp của Thiên chúa giáo đối với nền văn hóa dân tộc: “Người Việt Nam quen với tâm lý công xã, thờ cúng tổ tiên, không có cái nỗi cô đơn của người cá nhân (LTTT nhấn mạnh) phương Tây cho nên Thiên chúa giáo không làm thành một yếu tố góp phần tạo nên văn hóa Việt Nam trong khi nó là một yếu tố then chốt của văn hóa phương Tây. (…) Tác phẩm công giáo từ thế kỷ XVI đến XVIII có vai trò rất lớn về ngôn ngữ bởi vì người công giáo là người đầu tiên sử dụng chữ Quốc ngữ, đồng thời cái nhìn của họ vào xã hội Việt Nam là hết sức thú vị vì đây là cái nhìn xuất phát từ những người Việt Nam đầu tiên đã tiếp nhận học vấn phương Tây” (Phan Ngọc, 1994, tr.88). Về mặt thực chứng, sử liệu cho phép người ta đề cập vai trò người công giáo trong văn hóa Việt Nam nhưng trên thực tế, không phải ai cũng có được một tư chất nghiên cứu điềm đạm và tự nhiên như ông, để có thể bật ra một ý tưởng ý nhị và sâu sắc về “cái nhìn” của người công giáo vào xã hội Việt Nam với tư cách là “cái nhìn xuất phát từ những người Việt Nam đầu tiên đã tiếp nhận học vấn phương Tây”.
Bàn về Nho giáo, ông thuộc vào hàng ngũ những trí thức khơi nguồn nghiên cứu Nho giáo bằng tinh thần hiện đại, có sự phân tích tư tưởng thận trọng. Kiến văn rộng rãi về văn hóa cho phép Phan Ngọc triển khai nghiên cứu Nho giáo theo hướng so sánh văn hóa, nghiên cứu khu vực học và khởi động một số luận điểm quan trọng như: “Nho giáo và Hán học ở Việt Nam rộng khắp nhưng không sâu như ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên” (Phan Ngọc, 1994, tr.48-49), rằng có sự “vận dụng siêu hình học của Lão giáo và tâm lý học của Phật giáo để giải thích các văn bản Nho giáo” (Phan Ngọc, 1994, tr.47) trong quá trình truyền bá Nho giáo; và chính “Bức tường Tống Nho đẩy học vấn về phía đạo lý, tâm, tính, gạt bỏ thế giới hữu tình” (Phan Ngọc, 1994, tr.57). Theo chuỗi lập luận, ông dẫn giải đến những kết luận: “Văn hóa phương Tây là văn hóa khái niệm” (Phan Ngọc, 1994, tr.72) trong khi “văn hóa Nho giáo là văn hóa của những cách ứng xử” (Phan Ngọc, 1994, tr.72), văn hóa Trung Quốc cũng như của Việt Nam xưa là văn hóa mô hình (Phan Ngọc, 1994, tr.78) phân biệt với văn hóa phương Tây là nguyên lý tính đồng nhất (Phan Ngọc, 1994, tr.78). Tất cả mọi khái quát của ông với bộ công cụ thuật ngữ: văn hóa khái niệm, văn hóa mô hình, nguyên lý tính đồng nhất, văn hóa của những cách ứng xử,… đều có xu hướng tái khẳng định có luận chứng hoặc mở những nhận thức mới mẻ mang tính triết học.
Phan Ngọc tự nhận ông nghiên cứu chủ yếu xoay xung quanh “mẹo” (Phan Ngọc, 2000b, tr.409). Riêng cái ấy đủ thấy ông cá tính, sắc sảo và cũng…rất “đậm đà bản sắc” Việt Nam một cách không thể hợp lý hơn (vì “trong tình hình văn học Việt Nam hiện nay có lẽ cũng phải làm như vậy” (Phan Ngọc, 2000b, tr.409)). Cái mẹo ông thích nhất là cái này làm bật lên cái kia, mọi thứ cần phải rõ ràng, vì khoa học thì vẫn phải đúng và rõ, dù đó là khoa học gì. Có điều, cái đúng và cái rõ ấy cần tuân thủ bản chất của loại khoa học mà ông quan tâm. Cái đúng, cái rõ trong trước tác của Phan Ngọc là biết cách phát hiện, nói ra được cái đã phát hiện và sẵn sàng tiếp nhận, đối thoại những phát hiện khác.
Điều rất cần chú ý ở mảng nghiên cứu văn hóa của ông là quan niệm: văn hóa sống trong một cơ chế biểu tượng, nó chuyển động trong sự ổn định vô hình và ổn định trong sự chuyển động vô hình. Xuất phát từ khái niệm gốc văn hóa nghĩa là “vun trồng” (culture), ông đặt vấn đề rất cơ bản: “Văn hóa trước là trau dồi nhân cách, tu dưỡng bản thân theo đúng nghĩa gốc của từ culture” (Phan Ngọc, 1994, tr.31). Những ý tưởng nhằm định nghĩa về văn hóa bản thân nó cũng làm chứng cho tính động-tĩnh, tính chuyển hóa, tính ứng xử đa diện của văn hóa. Cách nói của Phan Ngọc khiến người đọc được mời gọi vào một sự đối thoại văn hóa rất phong phú, nhiệt thành. Chẳng hạn như, con người ta thực ra là “cùng một lúc sống hai thế giới, thế giới của thực tế và cái thế giới các biểu tượng” (Phan Ngọc, 1994, tr.18); văn hóa vừa phổ biến vừa cá biệt (Phan Ngọc, 1994, tr.21), nó bao chứa và liên đới tinh tế với các lĩnh vực tinh thần và sự phát triển vật chất của con người nhưng tuyệt nhiên “Văn hóa không phải là kỹ thuật, không phải hoạt động tinh thần ở tự bản thân nó, văn hóa không phải là tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, văn học, âm nhạc, v.v., văn hóa không phải hoạt động xã hội, chính trị, văn hóa không phải là tổ chức gia đình, thôn xóm, hôn nhân, pháp chế, quốc hội, chính phủ” (Phan Ngọc, 1994, tr.19). Suy cho cùng, “chẳng có nền văn hóa nào chỉ có ưu điểm và chính vì nền văn hóa nào cũng có nhược điểm cho nên mới có câu chuyện tu dưỡng về văn hóa” (Phan Ngọc, 1994, tr.32). Quan niệm khoa học của Phan Ngọc về văn hóa được đặt song song với cách tiếp cận thiên về nhân cách luận và chọn lọc “thành tựu” để cô đúc thành một giá trị văn hóa. Đó cũng là cái…mẹo nhưng là mẹo của người suy nghĩ lớn. Bởi thế, ông đã góp phần định hướng khái niệm phức tạp kinh điển này bằng một thông điệp khoa học sáng rõ: “văn hóa là một quan hệ. Nó là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng với thế giới thực tại. Quan hệ ấy biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của một tộc người, một cá nhân so với một tộc người khác, một cá nhân khác. Nét khu biệt các kiểu lựa chọn làm cho chúng khác nhau, tạo thành những nền văn hóa khác nhau là độ khúc xạ. Tất cả mọi cái mà một tộc người tiếp thu hay sáng tạo đều có một độ khúc xạ riêng có mặt ở mọi lĩnh vực và rất khác độ khúc xạ ở một tộc người khác…” (Phan Ngọc, 1994, tr.105).
Chuỗi lập luận về “cái đuôi làng xã” là một trong những đóng góp rất đáng giá của Phan Ngọc. Đương nhiên ông không phải là người duy nhất bàn về làng xã (cùng những hệ lụy, hệ giá trị của nó) nhưng phát biểu có tính “gợi dẫn” sắc sảo cho chủ đề này của ông đã tạo ra không ít mối quan tâm lớn của giới nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Trong cái không gian làng xã vốn bao bọc và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa bền vững nhất của nhân cách người Việt, ông chỉ ra những yếu tố đặc biệt “có vấn đề”:
– Sự trì trệ, ấu trĩ: “thành thị bị công xã hóa, chỉ là cái đuôi của nông thôn chứ không phải điều khiển nông thôn bằng kinh tế hàng hóa” (Phan Ngọc, 1994, tr.67); Nhược điểm của Việt Nam là “về văn hóa, họ chỉ nhìn nó trong quan hệ trực tiếp với chính trị, đời sống vật chất, công việc, thiếu cái nhìn thực xa và thực rộng là cơ sở của một nền văn hóa thực sự to lớn và toàn nhân loại” (Phan Ngọc, 1994, tr.87); “Văn hóa tự bó hẹp vào truyền thống là tự sát” (Phan Ngọc, 1994, tr.53).
– Sự hẹp hòi, thành kiến: “Xưa có tâm lý không chấp nhận người thợ lại sướng hơn nông dân” (Phan Ngọc, 1994, tr.68); “Nghệ thuật tinh xảo, khéo léo biến thành một thứ “nghiệp chướng” (Phan Ngọc, 1994, tr.68); “Trong văn học dân gian cũng như trong văn học chính thống, không thấy có người đi buôn trung hậu. Đó là một thành kiến khá tiêu biểu” (Phan Ngọc, 2000b, tr.63).
– Sự hời hợt và mất thăng bằng về quan niệm “nhân cách luận”: trong số 8000 quyển do người Việt viết từ thế kỷ IX đến 1920 thì “sách khảo sát về nghệ thuật, kinh tế, thương nghiệp, kỹ thuật hầu như vắng mặt” (Phan Ngọc, 1994, tr.57); “tại sao các sứ thần người Việt Nam ra nước ngoài, trừ vài ngoại lệ, chẳng ai cho biết về xã hội, kinh tế, kỹ thuật của các nước ấy? Chỉ thấy những tâm trạng chung trong các bài phú, các bài thơ, đành là hay, nhưng phỏng ích gì cho việc hiểu biết thế giới” (Phan Ngọc, 1994, tr.57).
– Sự yếu ớt về ý chí tạo lập tư tưởng và thiếu vắng nền học thuật đích thực: “hưởng dụng là căn cứ vào tôn ti, vào sự tín nhiệm của cấp trên, không căn cứ vào năng suất lao động, kỹ thuật sản xuất, cho nên ngay trong óc người Việt có tâm lý học để làm quan, phấn đấu để làm đàn anh trong công xã chứ không phải để nâng cao kinh tế, học thuật, văn hóa. Học kiệt lực để làm quan, làm quan rồi không học nữa” (Phan Ngọc, 1994, tr.58).
Cái nhìn sắc bén trên của Phan Ngọc không hoàn toàn mới nếu so với “trào lưu” phản tỉnh dân tộc tính, quốc dân tính từ đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, cách nói rất mạch lạc, hiện đại như vậy vẫn là một “thế lực” trong nhận thức “căn tính dân tộc”. Từ năm 1936, Hoài Thanh trong Vấn đề học thuật nước ta chỉ là một vấn đề tâm lý và luân lý (Tạp chí Sông Hương, số ra ngày thứ bảy, 1-1936) cũng đã viết: “Người mình vẫn được tiếng là hiếu học nhưng đúng ra chỉ là hiếu lợi hiếu danh. Khi sự học không đưa đến cho mình lợi và danh thì ít ai còn màng đến nó nữa. Ít ai biết ham học vì sự học. (…) Về học thuật cũng vậy. Nếu ta đặt cho học thuật một cái mục đích ngoài học thuật thì chẳng nên mong gì chuyện thành đạt”. Sự phản tỉnh này bị gián đoạn vì nhiều lý do lịch sử khách quan, bởi thế cách đặt lại vấn đề của Phan Ngọc rất đáng chú ý.
Lại nữa, ở phần nói về vị thế tinh thần người Việt, ông có một nhận định rất dễ mất lòng: “trí thức nông thôn, anh khóa, thầy đồ nghèo mà cuộc sống và tâm hồn không khác gì nông dân” (Phan Ngọc, 1994, tr.61), hay nhận định Việt Nam không chú trọng vai trò tôn giáo (mà thực chất chỉ chú trọng tín ngưỡng) (Phan Ngọc, 1994, tr.64), hay nhận định cái lý tồn tại vững chắc của nền văn hóa làng (chế độ tự quản) là bởi vì nó cũng góp phần kìm hãm sự xa hoa: “Nó không cho phép vua chúa xây dựng cung điện, lăng tẩm ngang với các nước láng giềng và hạn chế sự xa hoa của bộ máy quan lại” (Phan Ngọc, 1994, tr.64), hoặc cách ông điểm xuyết rất trúng, tế nhị kín kẽ về quan niệm thương mại của người Việt: “Thương nghiệp là một ngành đầy sóng gió và gây sóng gió nên đòi hỏi đến sự điều chỉnh không ngừng về chính trị và xã hội để đạt được sự hài hoà” (Phan Ngọc, 1994, tr.66).
Đoạn văn dưới đây kết tinh suy nghĩ và thẩm nhận của Phan Ngọc về mối quan hệ giữa văn hóa và người sáng tạo văn hóa thời hiện đại, tưởng không thể sâu sắc hơn:
Văn hóa dân tộc là do lớp trí thức tự do đại diện(LTTT nhấn mạnh). Lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một nhóm người không sống bằng làm quan hay cày ruộng mà bằng lao động trí óc của mình: dạy tư, viết văn, viết báo, sống bằng chơi nhạc, vẽ tranh, nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật. (…) Chỉ riêng việc họ không chịu đi con đường quan lại dù cho giáo dục của họ và các văn bằng cho phép họ hưởng một cuộc sống yên ổn, sung túc hơn để chịu một cuộc sống bấp bênh, thấp kém và bị mật thám theo dõi cũng đủ chứng minh họ có tinh thần dân tộc vững chãi. Giai đoạn hoạt động có nhiều hiệu quả nhất của họ là từ 1930 đến 1940. Trong vòng 10 năm, một nhóm người ít ỏi nhờ tinh thần dân tộc đã đổi mới toàn bộ văn hóa cũ (LTTT nhấn mạnh): văn học ngôn ngữ, thơ, tiểu thuyết, phê bình, nghiên cứu âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điêu khắc đều hoán cải và mang hình thức đại diện (Phan Ngọc, 1994, tr.85).
LỜI KẾT
Truyền thống tư tưởng phương Tây thiên về “lập thuyết”. “Thuyết” (theory) có bề mặt là diễn giải và cái lõi sâu kín là tư tưởng. Dù là một nhà “nhân cách luận” rất thuyết phục, xét về thành quả nghiên cứu, Phan Ngọc vẫn là một nhà tư tưởng “ẩn mình” mang tính “cá nhân luận” phương Tây rất rõ; ở đó, ông tìm cách “tỏ mình” bằng con đường tìm hiểu, phân tích, đối sánh ngôn ngữ và văn hóa. Tính tư tưởng của Phan Ngọc thể hiện ở một đẳng cấp phản biện độc lập, khai thông đối thoại bằng những luận điểm “gay gắt” về giá trị các quan niệm có tính “mô hình hóa”. Cách lập thuyết của ông rất giống cách ông nói về Nguyễn Tuân, một nhà văn mà ông yêu quý, rằng: “Anh mở ra một môn phái cho đến nay ở Bắc Việt Nam không có môn đệ” (Phan Ngọc, 2000b, tr.203). Quả thực, đến giờ, ai đã xưng mình là môn đệ Phan Ngọc?
Không sợ tranh cãi, tôn trọng khác biệt, mỗi luận điểm khoa học của Phan Ngọc có tư thế đặc biệt: dám tồn tại!
Việt Nam – từ ngôn ngữ, văn hóa, văn học – qua cách nhìn của Phan Ngọc hiện ra như một cơ thể sống, đầy thử thách để nhận biết, đủ sức thu hút những suy tư tầm cỡ. Công lao của Phan Ngọc là biến đối tượng nghiên cứu đau đáu cả đời ông – văn hóa Việt Nam – trở thành một sinh thể biết đòi hỏi, không chịu được “tụng ca”, không thích được ổn định, lúc nào cũng đỏng đảnh đòi được “thức nhận”, vừa quen vừa lạ, vừa có những “vỉa tầng lộ thiên” nhưng cũng có không ít những bí mật nằm sâu trong năng lượng thời gian. Những kiến giải của Phan Ngọc bày ra một thế trận độc đáo của lối tư duy mạnh mẽ trong phân tích, cá tính trong nhận định và thâm trầm trong đối thoại. Cái hay được thể hiện qua những ý tưởng bật ra tuy có phần cực đoan nhưng đang trên đường tìm đến cái sáng. Những ý tưởng ấy có thể chưa phải là chính ánh sáng nhưng làm chứng cho sự sáng *.
Cái khác biệt rõ nhất trong các trước tác của ông là cách ông xử lý và tiếp cận văn bản: từ văn bản chữ nghĩa đến văn bản thời cuộc. Khoa học đích thực không bao giờ né tránh sự uyên bác mà sợ khinh suất, không e ngại đối thoại mà tránh xa hỗn độn. Sự nghiệp nghiên cứu của Phan Ngọc là bảo chứng cho sự uyên bác và không ngừng đối thoại.
Cảm hứng từ trang viết, giọng điệu, tư thế nhận thức của ông là cảm hứng về tinh thần khai phóng mang tính kết nối, hàn lâm – một nguồn năng lượng vẫn đang tìm cách tồn tại thực hơn và phong phú hơn trong nền khoa học nhân văn của người Việt.
___________
* Theo cách nói của Kinh Thánh Tân ước về Gioan tẩy giả: “Ông không phải là ánh sáng nhưng ông đến để làm chứng cho ánh sáng”.
TƯ LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Liên (2019), “Phan Ngọc trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam”, nguồn:
http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-vanhoa/phan-ngoc-trong-nghien-cuu-van-hoa-viet-nam (truy cập ngày 20-4-2019).
2. Lê Ngọc Trà (tập hợp và giới thiệu, 2007), Văn hóa Việt Nam, đặc trưng và cách tiếp cận, NXB Giáo Dục, Hà Nội.
3. Phan Ngọc (1985), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, NXB KHXH.
4. Phan Ngọc (1994), Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
5. Phan Ngọc (1998), “Truyền thống văn hóa và lịch sử Việt Nam”, in trong Việt Nam học – Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần 1, tr.378-386.
6. Phan Ngọc (2000a), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, NXB Trẻ.
7. Phan Ngọc (2000b), Thử xét văn hóa – văn học bằng ngôn ngữ học, NXB Thanh Niên.
8. Phan Ngọc (2018a), Một thức nhận về văn hóa Việt Nam, NXB Thế Giới, Hà Nội.
9. Phan Ngọc (2018b), Sự tiếp xúc của văn hóa Việt Nam với Pháp, NXB Thế Giới, Hà Nội, 2018.
10. Trần Quốc Vượng (1999), Việt Nam, cái nhìn địa – văn hóa, NXB Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay.
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ trang 801 đến trang 814)
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)