Tổ chức quân đội thời chúa Nguyễn
Tác giả bài viết: Thạc sĩ ĐOÀN ANH THÁI
I. Mở đầu
Xuất phát từ tính chất của vùng đất đang trong quá trình ly khai và mở rộng quản lý lãnh thổ nên chúa Nguyễn rất chú trọng đến việc võ bị. Trong một đánh giá về Đàng Trong, Choisy đã viết: “Bởi lẽ vương quốc Đàng Trong được tạo lập và tồn tại do chiến tranh nên kỷ luật quân đội rất được tuân thủ…”[1]. Thích Đại Sán đến Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Chu cũng cho biết: “Trong nước hay bàn việc võ bị, chẳng chuộng văn đức”[2]. Tác giả Li Tana cho rằng tất cả mọi điều ở Đàng Trong đều có thể thay đổi và khó quản lý, nhưng điều duy nhất mà chính quyền Đàng trong nắm được đó là quân đội[3]. Những nhận định đó đã cho thấy phần nào việc tập trung xây dựng quân đội của chúa Nguyễn. Chính vì vậy mà quân đội Đàng Trong là một lực lượng hùng mạnh trong khu vực thời bấy giờ.
Quân đội Đàng Trong được chia thành các đơn vị cơ, đội, thuyền. Thuyền là đơn vị nhỏ nhất, mỗi thuyền có từ 20 – 80 người[4]. Từ 3, 5 đến 10 thuyền tập hợp lại thành một đội, do Đội trưởng hoặc Cai đội đứng đầu; nhiều đội tập hợp thành một cơ do Cai cơ hoặc Chưởng cơ đứng đầu. Tuy vậy, ít khi dưới cơ là đội mà phần lớn dưới cơ là thuyền. Hầu hết từ 3 thuyền trở lên làm một cơ, số lượng người của một cơ đôi khi bằng một đội. Ngoài ra, có một số trường hợp dưới cơ, đội chỉ có một thuyền, như trường hợp thủy quân dinh Quảng Bình có cơ Hữu nhị là thuyền Thạch xá 57 người[5]. Điều này thể hiện không có sự quy định một cách rõ ràng số lượng người của thuyền, đội và cơ. Ở lực lượng tượng binh thì từ 7 – 10 người làm một đội, từ 49 – 64 người làm một cơ. Kỵ binh cũng là một lực lượng quan trọng trong quân đội chúa Nguyễn, nhưng chỉ có đơn vị đội với 40 người. Bên cạnh đó, còn có một số binh lính nằm trong các ty như ty thợ rèn, ty thợ đúc… từ 30 – 60 người làm một ty.
Ngay khi vào trấn nhậm vùng đất Thuận Hóa rồi Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng đã không ngừng xây dựng và phát triển mạnh lực lượng quân đội. Lúc đầu đội quân của Nguyễn Hoàng chỉ có 1000 quân, nhưng với những chính sách thu phục nhân tâm, nên có rất nhiều quan quân của nhà Lê-chúa Trịnh theo về. Đồng thời ông được kiêm quản luôn vùng đất Quảng Nam làm cho không những lực lượng quân đội tăng lên đáng kể mà còn có vật lực rất lớn để phát triển nghiệp lớn.
Người tiếp nối Nguyễn Hoàng là chúa Nguyễn Phúc Nguyên, một vị chúa rất tài giỏi, được Lê Quý Đôn đánh giá: “Đến con là Thụy quận công [Nguyễn Phúc Nguyên] kế nghiệp, uy tín khắp, khí thế mạnh, đoái nhìn sông núi, bỗng nảy ra có chí truyền đất đai cho con cháu, mới không triều cống nữa”[6]. Để xây dựng cơ đồ ở Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Nguyên tiếp tục xây dựng đội quân hùng mạnh, gồm bộ binh, thủy binh, tượng binh, kỵ binh và quân do thám thông tin. Lực lượng này đủ sức đối phó với Đàng Ngoài, mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam và trấn áp các thế lực có ý đồ xâm phạm lãnh thổ. Cùng với đó, chúa biết thu dùng những người có tài kinh bang tế thế như Nguyễn Hữu Dật (người rất giỏi văn chương, vừa là một tướng tài về quân sự), Đào Duy Từ (là bậc thầy trong quân sự, chính ông là người đã tạo ra những thành lũy ngăn bước tiến của quân chúa Trịnh trên đất Quảng Bình, cũng như soạn thảo binh thư để phục vụ cho việc quân), Nguyễn Hữu Tiến (một vị tướng tài giỏi trong việc điều quân và dụng binh)… Các chúa tiếp theo từ Nguyễn Phúc Lan đến Nguyễn Phúc Khoát đều xây dựng quân đội hùng mạnh.
Quân đội của chúa Nguyễn được chia thành ba loại là quân túc vệ, chính binh và quân đội tại địa phương.
II. Cơ cấu tổ chức quân đội thời chúa Nguyễn
1. Quân túc vệ
Quân túc vệ hay còn gọi là thân quân có nhiệm vụ bảo vệ cho sự an toàn của chúa và thủ phủ (đô thành) ở Chính dinh. Lực lượng của đội quân này được tuyển từ con cháu của các võ tướng ở bản huyện Tống Sơn, Thanh Hóa (quê hương của chúa Nguyễn), để đảm bảo lòng trung thành đối với chúa[7].
Đội quân này được chia làm hai vệ, mỗi vệ 50 người ở bên cạnh phủ chúa gọi là Tả tiệp và Hữu tiệp. Trong một mô tả của Rochon đánh giá đây là đội quân tinh nhuệ nhất: “Quân túc vệ [bảo vệ vua] bao gồm những người thiện chiến nhất trong vương quốc, đội quân ưu tú nhất được phân biệt bằng danh hiệu “kim đao” [sabres d’ or hay golden sabres]. Người trong đội này được tuyển lựa từ những đội quân khác, đã khỏe lại can trường, và do đó cũng nhiều uy quyền nhất”[8]. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) sau khi xưng vương năm 1744, đội quân này được đổi thành quân Vũ lâm và số lượng cũng được tăng từ một vệ 50 người lên 100 người. Trong cuốn Hồi ký về Đàng Trong khi đề cập đến quân đội, Pierre Poivre mô tả rất chi tiết đội quân này như sau: “Những người lính ưu tú trong quân đội của nhà vua [chúa] hình thành nên đội cấm vệ quân, bảo vệ bên trong lẫn bên ngoài. Họ có hai đội, mỗi đội có 100 người, gọi là đội Kim đao (Golden swords) và Ngân đao (Silver swords). Đội quân này là đội quân hàng đầu trong vương quốc và tinh nhuệ nhất; có những người lính cận vệ không bao giờ rời khỏi nhà vua [chúa] và luôn luôn thực hiện mệnh lệnh của ngài”[9].
2. Chính binh
Chính binh là lực lượng quân chính quy thường trực, được bố trí thường trú tại các dinh, trấn, phủ. Đây là đội quân chính và trực tiếp tham gia vào các cuộc chiến, được điều động đến chiến trường khi có chiến tranh xảy ra nên được tổ chức rất chặt chẽ. Tùy vào từng dinh mà các chúa cho đặt số lượng quân phù hợp. Ở các dinh từ Quảng Nam ra đến Quảng Bình thì số lượng đội quân này lớn hơn rất nhiều so với các dinh còn lại. Ở Chính dinh và Cựu dinh (dinh Cát), lực lượng này được gọi là binh bên trong (trung ương), còn các dinh khác gọi là binh bên ngoài. Quân lính chính binh được lĩnh lương hàng tháng ở kho nhà nước.
Thường trực bên cạnh phủ chúa luôn có đội quân chính binh đủ các binh chủng để bảo vệ vương phủ và điều động chi viện: “nhà vua [chúa] giữ một đạo quân từ 12.000 đến 15.000 người phòng ngự cung điện, vừa bảo vệ hoàng gia, vừa giữ nước; và gần 300 chiến thuyền mà vào thời chiến được dùng để di chuyển lính từ nơi này sang nơi khác, còn thời bình thì để cho quốc vương du ngoạn vì chưng ngài khôn bảo giờ ra khỏi kinh thành mà không đi thuyền. Những thuyền ngự mà quốc vương dùng đều cực đẹp, được sơn son thếp vàng, nhất là thuyền dành cho cung tần mà khi ngài đi đâu đều có một số theo hầu. Tiểu vương này còn nuôi khoảng 400 con voi chiến và số lượng voi này nói lên sức mạnh của vương quốc”[10]. Năm 1765, một mại biện người Anh là James Bean đến Đàng Trong cho biết: “Quân sĩ trong vương phủ là 1000, 4000 ở kinh thành và lực lượng vũ trang hiện dịch của Phú Xuân có thể lên tới 40.000”[11]. Số quân mà Lê Đản cho biết trước năm 1772, chúa Nguyễn có 5 vạn quân[12].
Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã ghi chép một cách đầy đủ quân số và các cơ, đội, thuyền đóng ở các dinh, trấn:
Stt | Dinh/trấn | Số cơ | Số đội | Số thuyền | Số người |
1 | Chính dinh | 30 | 27 | 460 | 30.160[13] |
2 | Dinh Cát (Cựu dinh) | 6 | 1 | 28 | 1.328[14] |
3 | Lưu Đồn | 11 | 87 | 4.485 | |
4 | Quảng Bình (Dinh Trạm) | 12 | 3 | 60 | 2.664 |
5 | Dinh Ngói | 1.148 | |||
6 | Quảng Nam | 7 | 3 | 34 | ?[15] |
7 | Bình Khang | 4 | 5 | 30 | ? |
8 | Bình Thuận | 1 | 4 | 12 | ? |
9 | Trấn Biên | 1 | 3 | 18 | ? |
10 | Phiên Trấn | 1 | 2 | 17 | ? |
11 | Long Hồ | 4 | 14 | ? | |
12 | Hà Tiên | 3 | 14 | ? |
Lực lượng bộ binh của Đàng Trong tập trung nhiều nhất ở Chính dinh, sau đó đến các dinh ở trên đất Quảng Bình. Các dinh trên đất Quảng Bình làm tiền đồn trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của Đàng Ngoài nên ở đây được xem như những dinh quan trọng bậc nhất trong việc bố phòng quân sự. Bên cạnh các đồn lũy được bố trí xây dựng một cách kiên cố thì quân số lính đồn đóng ở các dinh giữ một vị trí quan trọng trong việc ngăn quân của Đàng Ngoài. Dinh Lưu Đồn, nằm trên con đường bộ nối thông giữa Nam Bắc, mà thường gọi là con đường thiên lý. Vì vậy, quân số ở đây đã được chúa Nguyễn cho bố trí rất đông. Sau cuộc chiến vào năm 1648, dinh Lưu Đồn được thành lập. Lúc này 3.000 quân đặt dưới sự chỉ huy của Nguyễn Hữu Tiến. Sau đó đến năm 1653, số quân được tăng cường thành 4.485 lính. Các tướng tài và người tâm phúc đều được chúa Nguyễn cho trấn giữ ở đây như Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Cửu Kiều. Nếu như dinh Lưu Đồn có nhiệm vụ ngăn quân bộ, thì dinh Quảng Bình nằm ở quảng giữa vừa ngăn quân bộ vừa ngăn đường thủy từ biển xâm nhập vào. Điều đặc biệt ở đây là sự phân công giữa quân bộ và quân thủy dễ dàng nhận ra, khi quân thủy ở đây được phiên chế rõ ràng với 607 lính. Tổng cộng quân lính được bố phòng ở dinh Quảng Bình 3271người[16]. Ở Dinh Ngói châu Bố Chánh , từ sau năm 1630 (sau khi Đào Duy Từ về với chúa Nguyễn Phúc Nguyên) đã cho tiến hành xây dựng nơi đây trở thành một chiến lũy quan trọng để ngăn quân đội Đàng Ngoài vượt sông Gianh[17], xâm nhập vào lãnh thổ Đàng Trong. Dinh đóng trên mũi giáp tuyến nơi thường diễn ra sự giao tranh và xung đột giữa hai bên, nằm bên bờ Nam của sông Gianh. Vì vậy, chúa Nguyễn bố phòng rất cẩn mật với số lượng 1.148 lính, trong số lính này có cơ Hữu tuần hà và đội thủy sai lấy những người rất giỏi về hoạt động trên biển từ các làng Lý Hòa và Thanh Hà[18].
Sau khi mở rộng lãnh thổ hết vùng Nam Trung Bộ, các chúa Nguyễn tiếp tục cho mở rộng xuống phía Nam. Với một vùng đất mới kiêm quản nên chúa Nguyễn luôn duy trì một lượng lớn binh lính ở đây để vừa quản lý, vừa đảm bảo sự ổn định cho dân an cư, lạc nghiệp. Đây là một việc làm rất cần thiết. Mặc dù lực lượng chính binh ở đây ít hơn so với các vùng khác, nhưng đổi lại lực lượng thổ binh lại rất đông đảo.
Từ dinh Bình Thuận trở vào, chính binh đôi khi chỉ bố trí có 1 cơ còn lại là đội và thuyền. Dinh Long Hồ, trấn Hà Tiên không có đơn vị cơ mà chỉ có đội và thuyền.
Gần về nửa sau thế kỷ XVIII, lực lượng quân đội trong đó quân chính binh ở các dinh dần bị suy yếu không phải về số lượng mà về cách tổ chức tập luyện và lựa chọn người tài trong việc dùng quân làm cho quân sĩ ít có nhuệ khí để chiến đấu.
3. Thuộc binh
Quân đội địa phương còn gọi là thổ binh, tạm binh hay thuộc binh. Dưới thời chúa Nguyễn, quá trình mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam diễn ra mạnh mẽ nên thổ binh chiếm một vị trí rất quan trọng. Thổ binh không chỉ giúp cho các chúa Nguyễn đối phó lại với nạn thổ phỉ, cướp bóc, mà còn giúp dân an cư lạc nghiệp, đây cũng chính là bộ phận tiên phong trong việc khai phá vùng đất mới. Khi có chiến trận thì lực lượng này tham gia hỗ trợ cho chính binh, khi ổn định thì cày cấy, giúp phát triển kinh tế, khai phá mở rộng đất đai ở Đàng Trong. Lực lượng này góp phần bảo vệ và làm chỗ dựa cho người dân đi khai phá vùng đất mới. Vì thế, thổ binh được các chúa Nguyễn chú trọng phát triển. Do đó, số lượng thổ binh từ vùng đất Quảng Nam đi vào ở Đàng Trong rất lớn, nhiều hơn cả chính binh. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Qúy Đôn cho biết: “Quân xứ Quảng Nam do quan trấn phát lương có định số, chính binh rất ít; còn quan trấn lấy thổ binh canh giữ các nơi rất nhiều, hoặc gọi là tạm binh, hoặc gọi là thuộc binh. Như phủ Gia Định, cai bạ phủ ấy là Hiến Đức hầu Nguyễn Khoa Thuyên ở trấn 16 năm, tháng 5 năm Bính Thân [1776] gặp loạn, vượt biển đến hàng, hỏi về thực số quân dân xứ ấy, thì hắn khai rằng binh thuộc phủ ấy thổ binh kể có mấy vạn là bởi họ Nguyễn từ trước đến giờ dốc lòng mở mang miền Nam, chiếm lấy đất màu mỡ, mộ dân gọi quân, chia ruộng, chứa thóc, để trấn áp các nước phiên Chiêm Thành, Cao Miên, chế ngự nước Xiêm La, cho nên đóng quân ở xứ ấy, xếp đặt rất kỹ, mà sau khi bôn ba sở dĩ có thể dừng chân giữ yên được cũng bởi thế”[19].
Do xuất phát từ nhu cầu thực tế nên thổ binh chủ yếu được đặt từ dinh Quảng Nam vào đến trấn Hà Tiên. Càng về phía Nam thì số lượng đội quân này càng nhiều. Ở dinh Trấn Biên, thuộc binh được miễn tiền gạo bao gồm 20 thuyền, mỗi thuyền 50 người cộng 1000 người, chiến thuyền 20 chiếc. Tạm binh được miễn sưu chừng 100 thuyền, mỗi thuyền 40 người tổng 4000 người, chiến thuyền chừng 100 chiếc. Số thôn huyện Phúc Long là hơn 250 thôn, có 20 chiếc chiến thuyền. Các nậu về thuộc Ô Tất, chừng 30 nậu, có 10 chiếc chiến thuyền. Đối với các cửa biển, chúa Nguyễn đều cho quân địa phương đóng. Thủ cửa Tắc khái, quân 3 đội, mỗi đội 3 thuyền, cộng 9 thuyền, mỗi thuyền 40 người, cộng 360 người. Thủ cửa Cần Giờ, thủ nguồn Đồng Môn, thủ Nước sông cũng có số lượng tương đương. Các thủ Quảng hóa, thủ Tuyên uy, thủ Bà Rịa, thủ Mô Xoài mỗi thủ đều có 5 đội, mỗi đội 3 thuyền, cộng 15 thuyền, mỗi thuyền 48 người, cộng 720 người.
Dinh Phiên trấn, thuộc binh được miễn tiền gạo bao gồm 20 thuyền, mỗi thuyền 50 người cộng 1000 người, chiến thuyền 20 chiếc. Tạm binh được miễn sưu chừng 100 thuyền, mỗi thuyền 40 người, tổng 4000 người, chiến thuyền chừng 100 chiếc. Số thôn huyện Tân Bình hơn 350 thôn, có chiến thuyền 50 chiếc. Số thôn thuộc Tam Lạch, 100 thôn chiến thuyền 70 chiếc. Số thôn 3 trại Bả Canh, Bà Lai, Rạch Kiến 100 thôn, chiến thuyền 70 chiếc. Thủ cửa Soài Rạp quân 3 đội, mỗi đội 3 thuyền, cộng 9 thuyền, mỗi thuyền 40 người, cộng 360 người. Thủ cửa Đồng Tranh, thủ cửa Đại cửa Tiểu, thủ cửa Bà Lai cũng có số lượng tương tự. Các thủ Trường đồn ở Mỹ Tho, thủ Đường sử nguồn Ba Can đều có 5 đội, mỗi đội 3 thuyền, mỗi thuyền 48 người, cộng 720 người.
Dinh Long Hồ, tạm binh có hơn 300 thuyền, quân số chừng 1200 người, có 75 chiến thuyền[20].
Có nhiều đơn vị dân cư đã được chúa Nguyễn cho thành lập các thuyền như một đơn vị quân đội để vừa sản xuất, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ và mở rộng lãnh thổ. Như trường hợp ở vùng phía Tây Quảng Trị bị quân của Ai Lao qua cướp phá, chúa Nguyễn đã cho thành lập ở đây các đơn vị thuyền để đối phó lại tình trạng trên. Điều đó không những giúp cho vững bền biên giới mà còn giúp khai phá vùng đất mới.
Sau khi gần như hoàn thành công cuộc mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, đội quân này bắt đầu có những dấu hiệu đi xuống. Nguyên nhân của tình trạng này là chính quyền Đàng Trong ít quan tâm, nhiều quan lại địa phương đi vào còn đường ăn chơi, không chú tâm phát huy tính năng của thổ binh. Hơn nữa, lúc hết chiến trận và công cuộc mở rộng lãnh thổ gần như kết thúc thì vai trò của thổ binh cũng mờ nhạt dần. Thêm vào đó, chính quyền Đàng Trong suy yếu cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho thổ binh không thể mạnh như trước. Vào nửa sau thế kỷ XVIII, rất nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân diễn ra đã làm cho đội thổ binh này không thể kháng cự, trong đó khởi nghĩa Tây Sơn là một điển hình.
Chú Thích:
1. Cadière, L. (1929), Những người châu Âu đã thấy Huế xưa : mục sư De Choisy, tạp chí BAVH, bản dịch năm 2003, Nxb Thuận Hóa, Huế, t.16, tr.264-266.
2. Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, tr.107.
3. Li Tana (2014), Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, Nguyễn Nghị dịch, Nxb trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.65.
4. Ngoại trừ những thuyền gọi là tạp binh là những binh lính dùng để sai phái các việc như canh giữ các từ đường, phủ…. có khi 10 hoặc 100 người làm một thuyền.
5; 6, 19, 20. Lê Quý Đôn (1964), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã Hội, Hà Nội, tr.207, 103; tr.212; tr.212-214.
7. Nhất là từ sau năm 1620, vụ mưu phản của hai người em của chúa Nguyễn Phúc Nguyên là Thạch Xuyên và Văn Nham (Nguyễn Phúc Hiệp và Nguyễn Phúc Trạch) cấu kết với họ Trịnh Đàng Ngoài để đánh Thuận Quảng nhưng việc không thành.
8, 10. Nguyễn Duy Chính tuyển dịch (2016), Đàng Trong thời chúa Nguyễn, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, tr.38-39; 38.
9. Pierre Poivre (2008), Miêu tả xứ Đàng Trong, 1749-1750 (nhật ký hành trình của Pierre Poivre đến xứ Đàng Trong), Huỳnh Thị Anh Vân dịch, tạp chí Huế Xưa & Nay, số 87,88,89, tr.62.
11. Bean, J., (2001), Nhật ký du hành gặp vua xứ Đàng Trong, Nguyễn Sinh Huy dịch, tạp chí Nghiên cứu Huế, Trung tâm nghiên cứu Huế, Huế, t.2, tr.157.
12. Lê Đản (2012), Nam Hà tiệp lục, Dịch và khảo chú Trần Đại Vinh, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3-4 (92-93), Huế, tr.51.
13. Bên cạnh đó còn có 2.498 lính (tạp binh).
14. Cộng với 21 lính tạp binh, Tất cả tổng cộng 1349.
15. Nếu tính bình quân mỗi thuyền 45 người, nhân với số thuyền sẽ ra số lượng quân trung bình ở các dinh.
16. Con số này là chưa kể số lính ở đội Hữu bộ bao gồm hai thuyền Kiên nhất, Kiên nhị, thứ đội trưởng 2 người. Nếu tính bình bình quân mỗi thuyền thêm 50 lính nữa thì con số lính được bố phòng ở đây là 3371 lính.
17. Sông Gianh hay còn gọi là sông Linh Giang, sông Ranh.
18. Hiện nay ở đây vẫn là những làng biển nổi tiếng, đặc biệt là làng Lý Hòa (thuộc huyện Bố Trạch). Làng Thanh Hà hiện nay chỉ có duy nhất thôn Văn Phú là gắn liền với nghề đi biển, thuộc xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn.
Nguồn: Tác giả gửi bài viết đến thanhdiavietnamhoc.com
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tổ chức quân đội thời chúa Nguyễn (Tác giả: ThS Đoàn Anh Thái) |