Tổng quan nguồn tài liệu chữ Hán về lịch sử Văn miếu Vĩnh Yên

Tác giả bài viết:  Phó Giáo sư, Tiến sĩ TRỊNH KHẮC MẠNH
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

     Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử (551- 479 TCN), nhà tư tưởng, nhà chính trị và là người sáng lập học thuyết Nho giáo ở Trung Quốc thời cổ đại. Khởi nguồn từ một ngôi miếu xây dựng vào năm 478 trước Công nguyên tại Khúc Phụ, Sơn Đông (Trung Quốc), là quê hương Khổng Tử, sau nhờ ảnh hưởng của Nho giáo truyền sang Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Ở Việt Nam, Văn miếu được xây dựng từ thời Lý, theo sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) đời Lý Thánh Tông, mùa thu, tháng 8, làm Văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tranh Thất thập nhị hiền, bốn mùa thờ cúng”(1). Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong tiến trình ảnh hưởng của Nho giáo ở nước ta mà Quốc sử đã ghi lại.

     Vĩnh Phúc ngày nay, thời Hùng Vương là bộ Chu Diên, thời Tần thuộc Tượng Quận, thời Hán thuộc quận Giao Chỉ, thời Ngô là quận Tân Hưng thuộc Giao Châu. Thời Tấn thuộc quận Tân Xương, thời Tùy thuộc Phong Châu, thời Đinh, thời Tiền Lê và thời Lý thuộc đạo Đà Giang, cuối thời Trần thuộc châu Tam Đới. Đầu thời Lê (1469) thuộc phần lớn vào phủ Tam Đới cùng một phần phủ Đoan Hùng (huyện Tam Dương) và một phần phủ Phú Bình (huyện Bình Tuyền). Đến năm 1831, thuộc tỉnh Sơn Tây và một phần tỉnh Thái Nguyên (huyện Bình Xuyên). Năm 1890, tỉnh Vĩnh Yên chính thức ra đời và quản 6 huyện Bạch Hạc, Bình Xuyên, Lập Thạch, Tam Dương, Yên Lạc và Yên Lãng.

     Vĩnh Phúc xưa thuộc về không gian văn hóa xứ Đoài, nên từ lâu người dân nơi đây đã có truyền thống hiếu học rất đáng tự hào, với nhiều người thành đạt bằng con đường khoa cử. Nếu ở thời Lý, xứ Kinh Bắc có Lê Văn Thịnh, người làng Đông Cứu huyện Gia Định, đỗ đầu khoa thi Minh kinh Bác học năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075) đời Lý Nhân Tông và trở thành người khai khoa cho các nhà khoa bảng Việt Nam; thì ở xứ Đoài, cũng vào triều vua này, có Phạm Công Bình, người làng Yên Lạc huyện Yên Lạc, đỗ Đệ nhất giáp khoa Giáp Thìn niên hiệu Thiên Phù Duệ Võ năm thứ 5 (1124), làm quan đến chức Thái úy(2). Thời Trần, có Đào Sư Tích, người xã Lý Hải huyện Yên Lãng, đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Dần niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374), làm quan đến chức Nhập nội Hành khiển. Thời Lê sơ, có Triệu Thái, người xã Hoàng Chung huyện Lập Thạch, đỗ đầu khoa Minh kinh, năm Kỷ Dậu niên hiệu Thuận Thiên thứ 2 (1429), làm quan đến chức Thị Ngự sử, tham gia biên soạn bộ Quốc triều điều luật. Đến thời Hồng Đức (1470-1497), vốn là thời kỳ phát triển rực rỡ của chế độ giáo dục khoa cử ở nước ta, nơi đây lại có thêm nhiều người đỗ Tiến sĩ. Chỉ tính đến cuối thế kỷ XVI, theo thống kê trong Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục 鼎 鍥 大 越 歷 朝 登 科 錄(3), số người đỗ đại khoa của 6 huyện Tân Phong, Phù Khang, Bạch Hạc, Lập Thạch, Yên Lạc và Yên Lãng thuộc phủ Tam Đới là 79 vị. Chính vì vậy mà vào thời điểm này, nhiều xã ở phủ Tam Đới đã có hai ba người đỗ Tiến sĩ, trong đó tiêu biểu nhất là xã Sơn Đông huyện Lập Thạch với 12 vị, trở thành ”Làng khoa bảng” của xứ Đoài. Các thế kỷ tiếp theo, ở Vĩnh Phúc truyền thống hiếu học ngày càng phát triển và những người đỗ đạt ngày càng nhiều, như: làng Văn Trưng tổng Kiên Cương huyện Bạch Hạc, làng Nhật Chiêu tổng Nhật Chiêu huyện Yên Lạc, làng Thụ Ích tổng Hương Nha huyện Yên Lạc, v.v…

     Để tỏ lòng tôn sư trọng đạo, biết ơn tiền nhân có công ươm trồng nhân tài thì việc xây dựng Văn miếu để tỏ lòng trọng thị là lẽ thường tình của người dân nhiều địa phương, trong đó có Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về Văn miếu phủ Tam Đới, giới nghiên cứu đều có ý kiến cho là không thấy thư tịch đề cập đến. May mắn là chúng ta còn có nguồn tài liệu khác để minh chứng, đó là tư liệu văn khắc Hán Nôm do Học viện Viễn đông Bác cổ của Pháp sưu tầm vào những năm đầu của thế kỷ XX, hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

     Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu chúng tôi thấy có các nguồn tài liệu sau đây liên quan đến lịch sử Văn miếu Vĩnh Yên:

     Một là văn bia Trùng tu Văn miếu tịnh nghi môn bi ký 重 修 文 廟 並 儀 門 碑 記(4) đặt tại Văn chỉ xã Cao Xá huyện Bạch Hạc tỉnh Vĩnh Yên. Bia dẹt, gồm 2 mặt, khổ 54x92cm, trang trí hoa văn trang nhã, sinh động ở cả mặt hai mặt. Văn bia khắc 40 dòng, toàn văn ước khoảng 2500 chữ, đều còn rõ nét. Bia dựng ngày tốt tháng 10 niên hiệu Cảnh Trị thứ 7 (1669), do Trần Đăng Tuyển, người xã Hoàng Mai huyện Yên Dũng, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1640), giữ chức Binh bộ Thượng thư soạn. Mở đầu bài ký, tác giả viết: Trị sở của phủ Tam Đới đặt tại xã Cao Xá của huyện Bạch Hạc, phía tây của xã là Văn miếu của phủ. Phong cảnh nơi đây như đứng riêng ngoài trời đất. Dòng sông như dải bạc bao quanh phía trước, núi đứng sừng sững đứng phía sau. Có chùa ở trước mặt và chợ Vương ở bên phải liền với sân Hổ Bạn. Văn miếu của phủ xây dựng từ lâu đời, trải đến nay chỉ còn lại là nền, do vậy Tri phủ Nguyễn Duy Chí, Đồng Tri phủ Phương Hữu Luân đứng ra vận động quan chức trong phủ và người dân góp tiền của trùng tu. Đợt trùng tu này, theo ghi nhận của tác giả bài ký, được khởi công vào tháng 10 năm Đinh Mùi (1667), qua một năm (1668) thì hoàn thành, Văn miếu ”điện thờ được làm mới, chế độ hoàn hảo, không phải chạm xà vẽ cột mà tự trang nghiêm, không phải đá đẹp hoa lạ mà tự rạng ngời”.

     Hai là văn bia Tu tập từ vũ bi 修 葺 祠 宇 碑(5) cũng đặt tại địa điểm nêu trên, bia 4 mặt, khổ 60x120cm, không trang trí hoa văn, khắc 98 dòng, toàn văn ước khoảng 4000 chữ. Đây là tấm bia trụ, dựng ngày tốt tháng giêng niên hiệu Chính Hòa thứ 23 (1702), người soạn là Nguyễn Công Đổng, quê xã Đồng Khê huyện Thanh Lâm, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1685), giữ chức Tri Thị nội Thư tả Binh phiên Bồi tụng Hộ khoa Đô cấp sự trung. Ông cho biết Văn miếu phủ Tam Đới vào thời gian này gồm có chính điện, tiền đường và điện thờ Khổng Tử, Tứ phối, quy mô nhỏ hẹp, trải thời gian đã hư hại; nên Tri phủ Đĩnh Sơn nam Nguyễn Sĩ Vinh, Đồng Tri phủ Nguyễn Hữu Danh hiệp cùng Huyện thừa huyện Bạch Hạc Lê Đăng Tương, Huyện thừa huyện Lập Thạch Nguyễn Quang Hoa cùng nhiều quan chức khác trong phủ đứng ra tu tạo. Công việc tiến hành từ năm Đinh Sửu (1697) đến năm Tân Tỵ (1701), qua 5 năm mới hoàn thành, qui mô khá đồ sộ, gồm 5 gian chính điện, 3 gian tiền đường, 2 dải vũ ở hai bên tả hữu, mỗi dải 2 gian; tạo một chiếc cầu vượt 7 gian bắc qua một chiếc ao trong khuôn viên; nội ngoại các tòa nhà đều lợp ngói; xung quanh Văn miếu có tường xây bằng gạch; chỉnh lại nghi môn từ chỗ đặt sát ao, nay đưa ra gần đường; làm thêm 2 cửa son vẽ rồng; đắp thêm 10 tòa Thập triết(6); tạo một biển lớn ghi 3 chữ ”Văn miếu điện” sơn son thiếp vàng treo ở giữa tiền đường. Có thể nói đây là những tư liệu quí giúp chúng ta nhận diện qui mô và cấu trúc của Văn miếu phủ Tam Đới ở đầu thế kỷ XVIII.

     Ba là bài minh khắc trên khánh đồng đặt ở Văn miếu phủ Tam Đới(7). Khánh này không có tiêu đề, khổ 67x94cm, khắc 38 dòng, ước khoảng 600 chữ, nhiều đoạn chữ bị mờ. Bài ký do cựu Huấn khoa Nguyễn Khả Tập, người xã Lũng Xuyên huyện Yên Lạc soạn vào năm Canh Thân (1800), đời Nguyễn Quang Toản, cho biết Văn miếu phủ Tam Đới chưa có khánh, nên Hội Võ chức và Văn thuộc của 4 huyện Yên Lạc, Bạch Hạc, Lập Thạch và Phù Khang cùng nhau bàn bạc, bầu Võ suất Nghiễm Ngọc hầu Nguyễn Văn Khuông đứng ra đốc suất công việc đúc khánh để cung tiến vào Văn miếu của phủ.

     Bốn là minh văn khắc trên chuông mang tiêu đề Vĩnh Tường Văn miếu chung 永 祥 文 廟 鍾(8). Chuông có 4 ô chữ, mỗi ô khổ 23x35cm, toàn văn ước khoảng 4000 chữ, nhiều chỗ cũng bị mờ mòn. Bài minh đề ngày mồng 4 tháng 3 niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841), do Lê Duy Trung người xã Thượng Phúc huyện Thượng Phúc, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838), giữ chức Tri phủ Vĩnh Tường soạn; và Vũ Duy Tân người xã Vũ Liệt huyện Thanh Chương, đỗ Cử nhân khoa Quý Dậu (1813), giữ chức Đốc học Sơn Tây nhuận sắc. Sau phần ca ngợi công lao của các vị Tiên thánh Tiên hiền với sự nghiệp giáo dục, mở mang kiến thức cho người dân, tác giả thuật lại quá trình đúc chuông đúc khánh của Văn miếu phủ Tam Đới trước đây và cho biết lý do đúc chuông lần này, là do chuông cũ của Văn miếu phủ Tam Đới bị hỏng nên các vị quan chức phủ Vĩnh Tường tập hợp mọi người góp công đức, đúc thành chuông mới cung tiến vào Văn miếu phủ Vĩnh Tường. Qua đây cho thấy đến giữa thế kỷ XIX, phủ Vĩnh Tường có Văn miếu của phủ nhưng đây là sự kế thừa từ Văn miếu của phủ Tam Đới thời Lê.

     Năm là văn bia là Vĩnh Tường tế điền ký 永 祥 祭 田 記(9), gồm 2 mặt, khổ 52x93cm, trang trí hoa văn, khắc 47 dòng, ước khoảng 3000 chữ, chữ bị mờ mòn đến quá nửa. Bia dựng ngày 12 tháng 8 niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841), vẫn do Lê Duy Trung soạn, ghi nhận Văn miếu phủ Vĩnh Tường không chỉ thờ Khổng Tử, Tứ phối, mà còn thờ các vị đỗ Đại khoa và Trung khoa của phủ. Tại đây vào ngày đinh của tiết xuân thu hàng năm, diễn ra hoạt động tế lễ do hai Hội là Văn thuộc và Võ thuộc của phủ đảm nhận. Sau đó, bia kê danh sách hội viên trong hai Hội, bắt đầu từ Cử nhân Kiều Năng Thân đến Lê Thế Nghi, tổng cộng khoảng 60 vị. Thứ đến là phần ruộng của Văn miếu dùng vào tế tự, quy định thành các hạng khác nhau, như ”Tư thình tế điền” (Ruộng tế lấy gạo thổi xôi), gồm 2 mẫu tọa lạc tại xã Cao Xá; ”Tuế thời lễ điền” (Ruộng lễ dùng trong năm), gồm 1 mẫu 2 sào; ”Xuân thu tế điền” (Ruộng tế dùng cho tiết xuân thu), gồm 1 mẫu tọa lạc tại xã Định Hương…

     Mặt sau ghi điều lệ của Văn thuộc và Võ thuộc thuộc bản phủ, qui định một số vấn đề nhằm duy trì hoạt động của Hội cũng như của Văn miếu. Đó là lệ áp dụng với người nhận canh tác ruộng của Văn miếu, mà theo quy định đương thời “mỗi mẫu nộp thuế là 12 quan cổ tiền”, hay lệ về lễ vật tại các ban thờ Tiên hiền, Tiên nho, Đại khoa, Trung khoa vào ngày Đinh của tiết xuân thu “dùng bằng lợn, mỗi ban một con”. Hoặc lệ vào các ngày tế “cấm không được ca hát và đốt pháo”…

     Sáu là văn bia Tu tập từ vũ ký 修 葺 祠 宇 記(10), gồm 2 mặt, khổ 46x72cm, trang trí hoa văn, khắc 63 dòng, tổng cộng khoảng 2000 chữ. Bia rất mờ, mất nhiều đoạn, phần niên đại còn đọc được đề ngày 18 tháng 7 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), do Bùi Quang Địch, người xã Thượng Trưng huyện Bạch Hạc, đỗ Cử nhân khoa Tân Sửu (1841) soạn. Nội dung tóm lược như sau: Văn miếu phủ Vĩnh Tường trải lâu năm bị hư hại, các vị Văn thuộc và Võ thuộc của phủ bàn bạc, đứng ra tu sửa. Trong phần kê khai họ tên người đóng góp, thấy có tên của nhiều quan chức, như Bố chánh sứ Lê Văn Địch (người xã Nhật Chiêu), Thự Hình bộ Lang trung Kiều Năng Thân (cũng người xã Nhật Chiêu), Cử nhân Đặng Minh Trân (người xã Văn Trưng)…

     Bảy là văn bia Vĩnh Yên tỉnh Văn miếu bi 永 安 省 文 廟 碑(11) gồm 2 mặt, khổ 77x138cm, trang trí hoa văn, khắc tất cả 45 dòng, ước khoảng 3500 chữ, dựng ngày 27 tháng 5 niên hiệu Bảo Đại thứ 2 (1927). Văn bia do Nguyễn Văn Bân, người xã Hữu Bằng huyện Thạch Thất, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1901), giữ chức Tổng đốc Hải Dương, soạn. Nội dung bia, sau những lời ca ngợi nền văn hiến của dân tộc do Nho giáo mang lại, đã ghi nhận rằng; ”Tỉnh Vĩnh Yên được thành lập từ niên hiệu Thành Thái thứ 11 (1890), các cơ quan đã được phân hoạch, riêng Văn miếu thì chưa có địa điểm. Năm Quý Hợi (1923), tôi phụng mệnh làm Tuần phủ ở đất này bàn bạc với các vị đồng liêu muốn di dời Văn miếu cũ từ Vĩnh Tường về gò Giác Lạc ở phía bắc xã Định Trung thuộc phạm vi tỉnh thành. Sau đó do bận nhiều công việc nên chưa thực thi được. Mùa đông năm Ất Sửu niên hiệu Khải Định (1925), Trung thừa Phạm Công Thúy thay tôi đảm trách công việc di chuyển Văn miếu về đây, sửa sang nội tẩm, ngoại cung, tế đường, bên phải là nơi thờ Khải thánh(12) bên trái là nhà Hội đồng, phía trước là đại môn xây bằng gạch, có tường bao quanh”. Qua nguồn thông tin vừa nêu, chúng ta thấy tỉnh Vĩnh Yên chính thức xây dựng Văn miếu vào năm 1925, tức sau 35 năm khi tỉnh được thành lập, là sự di dời từ Văn miếu hàng phủ của Vĩnh Tường về đặt tại địa phận xã Định Trung huyện Tam Dương, với qui mô và kiến trúc ghi rõ trong văn bia.

     Trên đây là bảy nguồn tư liệu đề cập đến Văn miếu tỉnh Vĩnh Yên mà chúng tôi thu thập được trong quá trình nghiên cứu vấn đề này. Đây là những tư liệu rất đáng tin cậy, văn bản chưa bị khắc lại, đảm bảo tính trung thực của thông tin, nên có giá trị khoa học. Nhờ vào nguồn tài liệu này, giúp chúng ta nhận biết quá trình hình thành và phát triển của Văn miếu tỉnh Vĩnh Yên trong lịch sử qua những nét chính sau đây: bắt đầu từ Văn miếu hàng phủ của phủ Tam Đới thời Lê, phủ này thành lập vào niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), đời Lê Thánh Tông, chưa rõ Văn miếu của phủ thành lập từ bao giờ, chỉ biết đã trải qua hai lần trùng tu vào giữa thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII. Đến năm 1822, khi tên phủ Tam Đới không còn tồn tại nữa; tên phủ Vĩnh Tường ra đời và sau một thời gian, Văn miếu phủ Tam Đới chuyển giao cho phủ Vĩnh Tường, trở thành Văn miếu của phủ Vĩnh Tường; rồi trở thành Văn miếu tỉnh Vĩnh Yên vào đầu thế kỷ XX, sau khi tỉnh được thành lập. Điểm đáng chú ý là, trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, dù ở cấp độ nào quản lý, Văn miếu nơi đây luôn diễn ra hoạt động tế lễ Khổng Tử và các Tiên hiền của Nho giáo vào dịp xuân thu hàng năm theo nghi thức đương thời nhằm giữ gìn phong hóa, chấn hưng việc học, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Thiết nghĩ, Văn miếu tỉnh Vĩnh Yên có lịch sử lâu đời, từng là nơi biểu thị lòng tôn sư trọng đạo, khích lệ tinh thần học tập cho con em trong vùng, nuôi dưỡng nhân tài cho đất nước thì việc khôi phục Văn miếu của tỉnh là cần thiết. Để làm điều này, cần tập trung thu thập tư liệu về lịch sử Văn miếu Vĩnh Yên (văn bia, hoành phi, câu đối, hiện vật chuông, khánh) tiến hành giám định, dịch thuật; trên cơ sở đó phục vụ cho việc khôi phục Văn miếu của tỉnh Vĩnh Yên trong tương lai.

     Chú thích:

     (1) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Nxb. KHXH, H. 1993, tr.275.

     (2) Lê Kim Thuyên, Danh nhân Vĩnh Phúc, Tập 1, Sở Văn hóa – Thông tin Thể thao Vĩnh Phúc, 1999, tr.314-321.

     (3) Sách do bốn nhà khoa bảng là Nguyễn Hoản, Vũ Miên, Phan Trọng Phiên và Uông Sĩ Lãng biên tập, khắc mộc bản năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779), ký hiệu VHv.2140/ 1-3.

     (4) Ký hiệu thác bản N0 5107-5108.

     (5) Ký hiệu thác bản N0 5109-5112.

     (6) Thập triết: tức 10 học trò xuất sắc của Khổng Tử, là Mẫn Tổn (536-97 TCN), Nhiễm Ung (522-483 TCN), Đoan Mộc (520-483 TCN), Trọng Do (542-481 TCN), Bốc Thương (507-420 TCN), Nhiễm Canh (544-505 TCN), Tể Dư (520-481 TCN), Nhiễm Cầu (522-462 TCN), Ngôn Yển (506-443 TCN) và Chuyên Tôn Sư (503-446 TCN).

     (7) Ký hiệu thác bản N014642-43.

     (8) Ký hiệu N014644.

     (9) Ký hiệu N014638-9.

     (10) Ký hiệu N014640-1.

     (11) Ký hiệu N014636-7.

     (12) Khải Thánh: tức Thúc Lương Ngột, cha của Khổng Tử./.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (84) 2007; Tr. 9 – 14

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)