Tri thức VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG qua VÍ DỤ của TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT dành cho HỌC SINH TIỂU HỌC (Phần 1)
HOÀNG THỊ NHUNG
(Thạc sĩ, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)
1. Mở đầu
Trong các từ điển giải thích, linh hồn là các lời định nghĩa cho đầu mục từ. Nhưng bên cạnh đó, có một bộ phận không kém phần quan trọng là các ví dụ. Ví dụ thường được cho là có hai chức năng cơ bản. Một là chức năng làm sáng tỏ định nghĩa, hai là chức năng tạo sinh. Bên cạnh hai chức năng đó, ví dụ còn có thêm một chức năng nữa là lưu giữ và truyền tải văn hoá.
Trong bài viết này, với mối quan tâm về đối tượng người dùng là học sinh tiểu học, xin tìm hiểu sự thể hiện của các tri thức văn hoá truyền thống qua các ví dụ trong một cuốn từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học, cuốn Từ điển giáo khoa tiếng Việt tiểu học [4]. Đây là một trong số rất ít các cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho đối tượng người dùng ở lứa tuổi này có đưa ví dụ với số lượng lớn và đa dạng về kiểu loại. Qua nghiên cứu này, bên cạnh việc tìm hiểu thực trạng việc đưa vào ví dụ các tri thức văn hoá truyền thống, là việc tìm hiểu là sự tương hợp của chúng với lớp người dùng cụ thể là học sinh tiểu học.
2. Ví dụ trong Từ điển giáo khoa tiếng Việt tiểu học với việc phản ánh vốn văn hoá truyền thống của người Việt
2.1. Các kiểu loại ví dụ từ điển
Chúng ta đều biết rằng các ví dụ có thể được chia thành hai loại lớn:
Một là các ví dụ không đánh dấu, là loại ví dụ do người biên soạn tự đặt (hay nói gọn là ví dụ tự đặt), như ví dụ cho các từ đầu mục (in đậm) sau:
anh hùng dt. […] Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc văn võ kiêm toàn.
Loại thứ hai là các ví dụ có đánh dấu, hay ví dụ trích dẫn nguyên văn (gọi tắt là ví dụ trích dẫn). Trong đó, các ví dụ trích dẫn lại từ hai nguồn: những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ (từ nguồn văn học dân gian, không rõ tác giả) và lời trích dẫn từ các tác phẩm (từ nguồn văn học viết, có tên tác giả, tác phẩm). Ví dụ:
Ca dao, tục ngữ:
bát ngát tt. […] Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng bát ngát mênh mông (cd).
chim dt. […] Chim có tổ, người có tông (tng) Trích dẫn từ các tác phẩm:
ba chân bốn cẳng […] Mãi sau, dây thừng cháy đứt, cọp mới vội vàng dậy, ba chân bốn cẳng cút thẳng vào rừng không dám ngoảnh lại nhìn (Văn.L6.T1. 1986).
Thông qua các thành phần tạo nên hai kiểu ví dụ đó, nhiều phương diện văn hoá truyền thống đã vô tình hay hữu ý được bộc lộ, như các nhân vật nổi tiếng hoặc đáng ghi nhớ, các địa danh, các tác phẩm, các tập tục, các đặc trưng vùng miền,… Phần tiếp theo dưới đây, sẽ trình bày rõ hơn những điều này.
2.2. Những phương diện chủ yếu của văn hoá truyền thống được phản ánh qua các ví dụ
Từ điển giáo khoa tiếng Việt tiểu học gồm khoảng 4.440 mục từ, trung bình mỗi mục từ khoảng 3 ví dụ, như vậy sẽ có khoảng 13.320 ví dụ [1]. Vì số lượng các ví dụ khá lớn, cho nên việc thống kê có thể sẽ chưa thật đầy đủ và chính xác. Theo đó, chúng tôi đếm được 675 ví dụ phản ánh các bình diện văn hoá truyền thống (gọi tắt là ví dụ văn hoá) khác nhau. Tỉ lệ các ví dụ văn hoá trên tổng số các ví dụ: 686/13.320 (tức 5%). Chúng được phân bổ như sau:
Nhân danh | Địa danh | Đặc trưng vùng miền | Nhân sinh quan thế giới quan, | Tác phẩm | Tổ chức | Sự kiện | Tổng | |
Số lượng | 199 | 181 | 138 | 75 | 53 | 30 | 10 | 686 |
Tỉ lệ | 29% | 26% | 20% | 11% | 9% | 4% | 1% | 100% |
2.2.1. Nhân danh (199)
a. Nhân vật lịch sử
Các nhân vật lịch sử Việt Nam được đưa vào khá phong phú, trải theo dòng lịch sử từ xưa đến nay và đều nằm trong các câu ví dụ, cả tự đặt lẫn trích dẫn:
anh hùng dt. […] Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc văn võ kiêm toàn. Cùng với sự nghiệp giữ nước vĩ đại đó, xuất hiện các vị anh hùng: Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi mà tên tuổi đời đời khắc sâu trong lòng mỗi người dân Việt Nam (Lịch sử. L7.1987).
biểu tượng dt. […] Bác Hồ là biểu tượng của khối đoàn kết.
b. Tác giả văn học Việt Nam
Có thể thấy hầu hết các tác giả văn học lớn của Việt Nam từ cổ chí kim đều có mặt: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nam Cao, Tố Hữu, Nguyễn Bính, Tô Hoài,… Các tên tuổi này phần lớn được đưa vào dưới dạng phần chú cho các ví dụ trích dẫn, đôi khi mới xuất hiện ở phần chính văn của ví dụ:
bạc như vôi […] Có phải duyên nhau thì thắm lại, Đừng xanh như lá bạc như vôi (Hồ Xuân Hương).
chữ Nôm dt. […] Thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi.
c. Nhân vật trong tác phẩm văn học
Có thể là tên nhân vật khá nổi tiếng là người: Từ Hải, Chị Dậu,… hoặc con vật: Dế Mèn, Ba Bớp,…
nhân vật dt. […] Nhân vật chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố.
tác giả dt. […] Em hãy thử nêu một vài sự việc trong truyện “Dế Mèn phiêu lưu kí” của Tô Hoài để chứng tỏ rằng tác giả đã miêu tả chú Dế Mèn giống như người nhưng vẫn có nét riêng của loài dế (Tiếng Việt.L6.T2.1986).
d. Tên các triều đại
cận thần d. […] Các cận thần nhà Lê.
nghị hoà đgt. […] Thấy tình thế khó khăn, Pháp buộc lòng phải nghị hoà với nhà Nguyễn.
e. Nhân vật thần thoại
lưỡi tầm sét […] Như lưỡi tầm sét của Thiên Lôi. Thiên Lôi cầm lưỡi tầm sét, hùng hổ xông lại (Văn. L6.T1.1986).
phù hộ đgt. […] An Dương Vương hướng ra biển, khấn thần Kim Quy phù hộ cho mình (Văn. L7.T1.1987).
Ngoài ra, còn thấy tên một số ca sĩ, nghệ sĩ như: ca sĩ Thu Hiền, Thanh Hoa,…
Có thể thấy, từ điển này mới chỉ đưa được tên tác giả văn học, các tác giả thuộc các lĩnh vực khác như âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, điện ảnh, các nhà khoa học,… hầu như không có. Các tác giả chuyên viết và sáng tác cho thiếu nhi còn ít. Về tên các nhân vật thì ngoài tên những nhân vật nổi tiếng và đáng ghi nhớ, từ điển này còn đưa vào cả tên những nhân vật mà không phải ai cũng biết: anh Chiến, anh Nha, Bé Lan, Tiêng,…
2.2.2. Địa danh (181)
a. Tên tỉnh thành mỡ màng tt. Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang, Cà Mau mũi đất mỡ màng phù sa (Văn.L5.T1.1985). b. Tên núi sông
lưu vực dt. […] Lưu vực sông Hồng. […] Ở lưu vực sông Mã và vùng biển Thanh Hoá có di chỉ cồn Chân Tiên và Hoa Lộc (Lịch sử.L6.1986).
bao la tt. […] Trường Sơn: chí lớn ông cha, Cửu Long: lòng mẹ bao la sóng trào (Văn. L5.T1.1985).
b. Các di chỉ, di tích lịch sử
di chỉ dt. […] Di chỉ Đông Sơn (Thanh Hoá). Gần đây khi đào di chỉ Làng Vạch (Nghệ Tĩnh), các nhà khảo cổ đã phát hiện được một dao găm bằng đồng.
chiến trường dt. […] Chiến trường Quảng Trị.
2.2.3. Đặc trưng vùng miền (138)
a. Sông nước (55)
bát ngát tt. […] Lúa vàng bát ngát. […]. Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát, Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng bát ngát mênh mông. (cd).
lặn lội đgt. […] Thân cò lặn lội.
b. Tập tục (24)
Tập tục cũng là một nét phản ánh đặc trưng vùng miền đặc sắc. Các ví dụ có thể gợi cho chúng ta thấy khá nhiều tập tục về ma chay, giỗ tết, cưới xin như tục cải táng, mâm ngũ quả, tục ăn trầu, uống trà ướp sen,…
biếu đgt. […] Lúc bà về, mẹ lại biếu một gói trà mạn ướp sen thơm phưng phức (Tiếng Việt. L3.T2.1987)
lương duyên dt.c. […] Miếng trầu thường là đầu câu chuyện để bắt mối lương duyên (Văn. L6.T1.1986).
ngũ quả dt. […] Mâm ngũ quả trên bàn thờ. móm mém tt […] Bà cụ móm mém nhai trầu.
c. Làng xóm (19)
Đối với người Việt Nam, làng, xóm và luỹ tre là một cái gì đó rất thân thiết, ăn sâu vào tiềm thức. Hình ảnh và tác động của cuộc sống làng xã đã đi vào rất nhiều ví dụ:
láng giềng I dt. […] Bán anh em xa mua láng giềng gần (tng).
lệ làng dt. […] Phép vua thua lệ làng (thg).
d. Trang phục, dụng cụ (15)
Các trang phục truyền thống như áo dài, áo the, khăn xếp, nón, khố,… cũng như các vật, các đồ dùng gắn bó với cuộc sống người Việt từ nhiều đời như chum nước, giếng nước,… có thể gặp trong các ví dụ.
chum dt. […] Chum nước mưa. Chum tương. Đựng thóc trong chum.
khố dt. […] Người con trai đóng khố.
phất phơ đgt. […] Tà áo dài phất phơ trong gió.
e. Nghệ thuật (13)
Các loại hình nghệ thuật dân tộc như chèo, tuồng,…, các nghề truyền thống như tranh dân gian, đúc đồng, làm gốm, đồ mĩ nghệ,… cũng được nhắc đến.
chủ nhân dt. […] Chủ nhân của nghệ thuật chèo là người nông dân lao động ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.
thấm thía đgt. […] Mỗi lần Tết đến, đứng trước cái chiếu bày tranh làng Hồ giải trên lề phố Hà Nội, lòng tôi thấm thía một nỗi biết ơn đối với người nghệ sĩ tạo hình của nhân dân (Văn. L5.T1.1985).
huyền thoại dt. […] Huyền thoại về người anh hùng làng Gióng phản ánh sự ra đời của nghề luyện sắt (Lịch sử.L6.1986).
f. Ẩm thực (12)
Ẩm thực là một thành tố văn hoá truyền thống quan trọng phản ánh đặc trưng dân tộc. Các loại món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh giầy, tương, cà, rau dưa,…; các loại hoa trái tiêu biểu như vải, nhãn, sầu riêng,… đều xuất hiện.
bánh tày dt. […] Miền Nam không gói bánh chưng mà gói bánh tét, các dân tộc vùng núi ở miền bắc cũng gói bánh tét, nhưng họ gọi bằng tiếng dân tộc là bánh tày.
cá bống dt. […] Cá bống kho tương.
mặn mà tt. […] Quen với vị mặn mà của rau dưa.
__________
[1] Những con số này là do chúng tôi tự ước lượng tính toán, các tác giả từ điển không nói cụ thể.
Còn tiếp:
Mời xem: Tri thức VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG qua VÍ DỤ của TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT dành cho HỌC SINH TIỂU HỌC (Phần 2)