Tri thức VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG qua VÍ DỤ của TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT dành cho HỌC SINH TIỂU HỌC (Phần 2)
HOÀNG THỊ NHUNG
(Thạc sĩ, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)
2.2.4. Nhân sinh quan và thế giới quan (75)
a. Nhân sinh quan (59)
Nhiều câu ví dụ nói lên các quan niệm sống của người Việt:
về giàu sang, phú quý:
âm phủ dt. […] Vua Ngô ba mươi sáu tàn vàng, Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì (cd). về lòng hiếu thảo, biết ơn:
báo hiếu đgt […] Đẻ được một đứa con, nuôi cho nó khôn lớn, chỉ mong sau này nó báo hiếu cho mình lúc tuổi già.
bất di bất dịch thng. […] Học sinh phải kính trọng cô giáo, thầy giáo, đó là cái đạo lí bất di bất dịch của xã hội.
về sự tôn kính đối với người cao tuổi:
tôn kính đgt. […] Tôn kính các bậc lão thành. Tôn kính cha mẹ. Có lòng tôn kính đặc biệt đối với người già.
về việc sống hoà hợp với người khác:
được lòng đgt. […] Mất lòng trước được lòng sau (tng).
làm lành đgt. […] Chồng giận thì vợ làm lành (cd). về nguồn cội:
chim dt. […] Chim có tổ, người có tông.
ngạn ngữ dt. […] Ngạn ngữ có câu: “Uống nước nhớ nguồn”. về lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm.
ái quốc đgt. […] Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc (Tiếng Việt.L7.T1.1987).
anh hùng ca dt. […] Cuộc kháng chiến chống xâm lăng của nhân dân Việt Nam là một bản anh hùng ca chói lọi trong lịch sử dân tộc.
b. Thế giới quan (16)
Người Việt Nam sống gần gũi với thiên nhiên, từ đó hình thành nên những cách nói đầy hình ảnh so sánh tinh tế, phản ánh những kinh nghiệm sống lâu đời:
cá ngão dt. […] Miệng cá ngão.
cỏ gà dt. […] Mùa hè đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa. (Tục ngữ, dân ca).
heo may dt. […] Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão (tng).
2.2.5. Tác phẩm (53)
Đại đa số là các tác phẩm văn học, có rất ít các loại hình khác, như sử, phim, bài hát,…, không có tác phẩm hội hoạ, điêu khắc,… Các tác phẩm chủ yếu được đưa vào trong phần chú cho ví dụ trích dẫn, có khi cũng thấy ở phần chính văn.
tác giả dt. […] Nguyễn Du là tác giả Truyện Kiều.
kiệt tác dt. […] “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi là một kiệt tác trong văn học nước ta.
2.2.6. Tổ chức (30)
Các tôn giáo cơ bản ở Việt Nam đều có mặt và các tổ chức có tầm ảnh hưởng đến đời sống văn hoá xã hội cũng vậy. Ví dụ:
tôn sùng đgt. […] Triều đình nhà Lê hạ thấp đạo Phật, tôn sùng đạo Nho.
sáng lập đgt. […] Vào cuối thế kỉ XV, có nhóm Tao đàn do Lê Thánh Tông sáng lập (Lịch sử.L7.1987).
2.2.7. Sự kiện (10)
Các sự kiện được phản ánh thể hiện những sự đổi thay lớn trong lịch sử dân tộc như cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Lam Sơn, Cách mạng tháng Tám,… và cả các sự kiện nhỏ hơn một chút nhưng cũng ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của dân tộc như việc nhà Nguyễn bế quan tỏa cảng, thời kì đổi mới,…
tổng kết đgt. […] Đất nước đã sạch bóng quân thù, Nguyễn Trãi thảo bài “Cáo bình Ngô”, tổng kết lịch sử dân tộc và khởi nghĩa Lam Sơn (Lịch sử.L7.1987).
3. Đôi điều nhận xét
3.1. Thực tiễn khảo sát Từ điển giáo khoa tiếng Việt tiểu học cho thấy:
(i) Mỗi nghĩa từ có từ 1 đến 2 ví dụ tự đặt, thường được sắp xếp theo trật tự như sau: một ngữ hoặc một cụm kết hợp từ, tiếp đến là một câu, cuối cùng là một ví dụ trích dẫn nguyên văn (có thể có chú nguồn hoặc không, đây là điều không nên, đã trích dẫn nguyên văn thì cần chú nguồn đầy đủ). Nhìn chung, số lượng và kiểu loại ví dụ khá phong phú.
(ii) Tỉ lệ 5% ví dụ văn hoá trên tổng số các ví dụ chứng tỏ việc đưa các ví dụ có phản ánh các phương diện văn hoá truyền thống chưa được quan tâm một cách có ý thức và chưa đúng mức.
(iii) Nguồn trích dẫn các ví dụ cũng có nhiều điều đáng nói. Đây là một cuốn từ điển giải thích dành cho học sinh tiểu học, nhưng các ví dụ trong sách giáo khoa lại trải rộng từ lớp 2 cho tới lớp 8 (lớp cuối cùng của bậc trung học cơ sở vào những năm 90 thế kỉ XX), thêm vào đó chỉ có 7/53 (tức 13%) tác phẩm trích dẫn dành cho thiếu nhi. Điều này dẫn đến sự thiếu tương hợp về tri thức văn hoá trong từ điển và người sử dụng, dẫn tới việc ví dụ trong từ điển quá khó hiểu, không hấp dẫn đối với người dùng (trẻ em).
(iv) Trong các ví dụ văn hoá, số lượng các ví dụ theo thứ tự từ nhiều đến ít có thể xếp theo trình tự sau: nhân danh (199); địa danh (181); đặc trưng vùng miền (138); nhân sinh quan, thế giới quan (75); tác phẩm (53); tổ chức (30); sự kiện (10).
Về nhân danh, từ điển dường như mới đưa vào một cách đầy đủ tên các nhân vật lịch sử. Tên các tác giả cũng chưa thật phong phú và còn thiếu nhiều tác giả chuyên sáng tác cho thiếu nhi. Tên các nhân vật chưa được chọn lọc, dẫn đến việc đưa vào nhiều tên nhân vật không ai biết, vừa lãng phí “đất” trong từ điển, vừa không phát huy được giá trị thông tin. Các nhân vật thân thuộc với trẻ em cũng ít xuất hiện nên giảm độ thú vị, hấp dẫn cho các em khi sử dụng từ điển.
Về địa danh, việc xuất hiện nhiều tên các nước tuy cũng cần thiết nhưng nên tăng cường hơn tên các địa danh văn hoá trong nước, như tên các danh lam thắng cảnh, tên các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc,…
Các đặc trưng vùng miền mặc dù cũng đã khá phong phú nhưng vẫn cần phải tăng thêm về số lượng, tăng thêm các ví dụ trích dẫn.
Về nhân sinh quan và thế giới quan, các ví dụ nên khai thác và sử dụng thêm vốn thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca và các câu châm ngôn của các tác giả nổi tiếng. Đó chính là vốn sống, là những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ nhiều đời của cha ông ta để lại cho con cháu. Ý nghĩa giáo dục trong đó vừa dễ tiếp nhận vừa sâu sắc.
Các tác phẩm được đưa vào từ điển có số lượng ít, chủ yếu là tác phẩm văn học dành cho người lớn. Bên cạnh các tác phẩm văn học kinh điển nói chung, thuộc về vốn văn hoá chung của nhân loại, cần chú trọng các tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ,… nổi tiếng viết cho thiếu nhi. Gặp những tác phẩm đó trong khi tra cứu từ điển, các em mới thực sự cảm thấy đó là cuốn từ điển của mình. Việc lựa chọn tác phẩm sẽ giải quyết được những điều nói trên về các ví dụ trích dẫn, tên tác giả,…
Tóm lại, tri thức văn hoá truyền thống tuy đã có mặt trong từ điển này nhưng việc lựa chọn đưa vào cái gì, mức độ và cách đưa như thế nào còn phải nghiên cứu thêm.
3.2.
Việc đưa ví dụ trong các từ điển dành cho học sinh tiểu học là một công việc rất quan trọng nhằm giúp các em nắm được cách sử dụng từ ngữ và thông qua đó tiếp nhận và tự trang bị cho mình những tri thức văn hoá truyền thống của dân tộc và thế giới. Các câu ví dụ có vai trò như là những câu mẫu, từ đó trẻ em biết tạo ra những cách nói chuẩn mực, diễn tả chính xác những suy nghĩ, những nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của mình. Để đạt được điều đó, chỉ nên đưa vào làm ví dụ những gì có liên quan đến các em, các em có thể hiểu được. Các ví dụ tự đặt chỉ nên là những câu nói thông thường trong đời sống hàng ngày mà trẻ thường được tiếp xúc như về đồ chơi, trò chơi, phim ảnh, sách truyện, học tập, bạn bè, gia đình, nhà trường,… Qua đó, lưu ý đan cài việc giới thiệu các phương diện văn hoá truyền thống như các đồ chơi, trò chơi dân gian, các câu ca dao, đồng dao, các loại hình nghệ thuật dân tộc; truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc; tình cảm gia đình, cảnh vật, sản vật, tình yêu quê hương, đất nước. Các ví dụ trích dẫn nên chú trọng lấy từ những tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật kinh điển dành cho trẻ em, sách giáo khoa, sách tham khảo dành cho học sinh tiểu học. Đúng như Quemada nói: “Chúng ta biết vào thế kỉ XVIII và XIX, bên cạnh chức năng từ điển học, người ta đòi hỏi từ điển phải “giáo dục bằng việc gây thích thú, khiến cho việc đọc từ điển sẽ duy trì và lôi cuốn việc đọc mọi tác phẩm khác” (Quemada, 1967, 526) (dẫn theo [5]). Chúng tôi nghĩ, từ việc đọc từ điển, trẻ em không chỉ bị lôi cuốn để đọc các tác phẩm khác mà còn cần được gây dựng hứng thú để tìm hiểu thế giới xung quanh, tìm hiểu các giá trị văn hoá từ thuở xa xưa đến thời hiện tại của dân tộc và thế giới.
Một cuốn từ điển nếu quan tâm và làm được những điều nêu trên cho các ví dụ của mình sẽ là một tác phẩm n trong một. Nó sẽ vừa là một “người thầy về ngôn ngữ”, vừa là một nơi lưu giữ và truyền bá văn hoá, vừa là một tác phẩm giải trí hấp dẫn,… và tác dụng còn có thể nhiều hơn thế nữa.
THƯ MỤC THAM KHẢO
A. Tiếng Việt
1. Nhiều tác giả, Những vấn đề từ điển học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997.
2. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB TP Hồ Chí Minh, 1998.
3. Trần Quốc Vượng (chủ biên) – Tô Ngọc Thanh – Nguyễn Chí Bền,…, Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.
4. Nguyễn Như Ý (chủ biên) – Đào Thản – Nguyễn Đức Tồn, Từ điển giáo khoa tiếng Việt tiểu học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.
B. Tiếng nước ngoài
5. Heinz, Michaela, L’exemple lexicographique à fonction culturelle dans le Robert pour tous, Éla 128, Du Culturel dans le lexique et dans les dictionnaires, 2003.
6. Heinz, Michaela, Dictionnaire maitre de langue: Lexicographie et didactique, Frank & Timme, Berlin, 2012.
7. Surmont, J de., Le traitement de l’information culturelle dans les dictionnaires monolingues, Lexicographica, 16, 2000, pp. 192-207.
Xem lại: Tri thức VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG qua VÍ DỤ của TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT dành cho HỌC SINH TIỂU HỌC (Phần 1)