Triết lý truyền thống ở Việt Nam về vũ trụ

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ   VŨ MINH TÂM
(Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

     Bài viết phân tích triết lý truyền thống của người Việt về vũ trụ, coi vũ trụ là hệ thống toàn vẹn của những mối liên hệ nội tại vừa thống nhất và tập trung, vừa phong phú và đa dạng. Về đại thể, vũ trụ gồm 3 thể: Trời – Đất – Người. Không chỉ làm rõ thêm những đặc điểm chung trên phương diện triết lý về vũ trụ, tác giả còn xác định tính thực tiễn, giá trị thực tiễn của các quan niệm truyền thống về vũ trụ. Theo tác giả, triết lý truyền thống của ông cha ta về vũ trụ là một nhân tố quan trọng góp vào sự phát triển đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một mạch “tinh huyết” làm nên “thần khí” văn hoá phương Đông.

1.

     Triết lý truyền thống của cha ông ta về vũ trụ (thế giới) là một dạng hoạt động nhận thức cao, bao gồm cả trí tuệ và tình cảm, kinh nghiệm và lý tính, là “hạt nhân của thế giới quan” và cũng là “triết học của văn hoá”. Đối với người xưa, triết lý là phương thức, công cụ hữu dụng, hiệu nghiệm để nắm bắt thế giới hiện thực, đưa dẫn nhận thức có tính bách khoa, tổng hợp, khái quát, trừu tượng và dự báo vào đời sống thực tiễn và giáo dục con người. Chính trong triết lý về vũ trụ, con người hiểu được thế giới xung quanh, hiểu được bản thân mình và làm nên một bản sắc nhận thức của dân tộc. Trước khi đến “thời hiện đại” triết lý về vũ trụ là thứ “khoa học” duy nhất để con người Việt Nam tiếp cận tự nhiên, xã hội, bộc lộ ý thức, nhận thức có tính triết học về vũ trụ theo “hệ quy chiếu” hoạt động thực tiễn và văn hoá dân tộc.

2.

     Đối với người Việt “tiền hiện đại”, vũ trụ là một tổng thể nhiều thành phần, một chỉnh thể thống nhất, một hệ thống toàn vẹn với những mối liên hệ nội tại vừa thống nhất và tập trung, vừa phong phú và đa dạng. Sự tồn tại của vũ trụ phụ thuộc vào bản chất, quy luật vốn có của nó.

     Về đại thể, vũ trụ bao gồm ba thể: “Trời – Đất – Người”. Trời là một thể bao quanh Đất và Người, bao gồm khoảng không, mặt trời, tinh tú, có hình tròn, màu sắc thay đổi, tức là “hữu hình”, “vô thuỷ vô chung”, “vô tận, vô hạn”. Trời được tạo lập từ “khí hỗn nguyên” (hỗn hợp và nguyên thuỷ), “khí nhất nguyên”, có bản thể vật chất, vận hành (vận động) vừa trùng lặp, tuần hoàn, vừa biến đổi, vô thường với thời gian của chính nó. Trời là vật chất, vật thể hữu hình nên nó được thể hiện bằng các sự vật, hiện tượng cụ thể – cảm tính mà con người có thể nhận biết được. Đất cũng là một thể của vũ trụ, ở dưới trời, bao gồm và nuôi dưỡng muôn loai, và là nơi con người sinh sống có hình vuông, ranh giới hữu hạn, màu sắc, hình thể bề ngoài phong phú. Đất cũng được tạo lập từ khí hỗn nguyên, có bản thể vật chất, cũng vận hành vừa trùng lặp, vừa biến đổi, được biểu hiện bằng vạn vật cụ thể – cảm tính. Người tồn tại trên đất và ở dưới trời (thiên hạ), là sinh vật cao nhất trong muôn loài vì có “trí khôn” (trí tuệ, lý trí), có tình cảm, biết chế ngự, sai khiến các loài khác, biết tạo ra các vật dụng cần thiết. Người cũng do khí nhất nguyên sinh ra, nhưng tồn tại nhờ Trời và Đất, có thân thể, tức là có bản thể vật chất, từng người thì thân thể sống có hạn, nhưng loài người thì sống mãi. Cái nhân bản là cốt lõi quy định tính người (phân biệt với muôn loài xung quanh) và cũng là điều kiện quy định trực tiếp sự tồn tại của con người: lao động (tạo ra của cải để sống), thương người (nhân nghĩa), cố kết cộng đồng – dân tộc (quan hệ cá nhân – gia đình – làng xã – quốc gia). Hệ thống “Trời – Đất -Người” có mối liên hệ hữu cơ, có tính “chủ toàn” nhất định; song, trong đó, mọi thể cũng quy định lẫn nhau mang tính biện chứng. Mỗi thể tồn tại nhờ mối quan hệ chung của vũ trụ và mối quan hệ giữa từng thể với nhau; trong đó, thể Người – con người phải tự ý thức, biết lợi dụng thế giới xung quanh đáp ứng nhu cầu, lợi ích và mục đích của mình, nhưng vẫn bảo đảm tính hài hoà, hoàn thiện của vũ trụ (Lạy trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm…), vì con người là một phần của vũ trụ. Trước Trời – Đất đầy quyền uy phi thường (bão lụt, hạn hán, động đất, núi lở, thời tiết thất thường, dịch bệnh, sâu keo…), con người phải khẳng định quyền sống của mình bằng trí khôn, sáng tạo để thích nghi và vượt mọi trở ngại. Mặt khác, con người cũng gắn vào thế giới vật chất những thế lực siêu nhiên: Trời có ông Trời, “vị chủ tể của muôn loài”, với thiên mệnh; Đất có Diêm vương (vua địa ngục), âm phủ, có địa linh; Người có số mệnh (định mệnh), linh hồn, kiếp trước kiếp sau; vạn vật có “tinh” (bái vật giáo – tôtem) – tất cả đều thuộc một hệ thống tôn ti, trật tự, “phiên bản ảo” của xã hội con người. Có thể xem đây là biểu hiện dấu vết của “tư duy nguyên thuỷ” hoà trộn với “phản ánh hư ảo”, trong đó “những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế” trong thế giới quan thần linh chủ nghĩa, như quan điểm mácxít đã lý giải(1). Ở đây, cái thế giới siêu nhiên, siêu trần thế không được xem là khởi nguyên của vũ trụ, cũng như chưa bao giờ có vị thế quyết định bản thể vật chất của vũ trụ và con người – cái “ảo” được gắn bên cạnh cái “thật”. Trong không ít trường hợp, niềm tin “hão huyền” nói trên như một thứ “gia vị” của cuộc sống hiện thực.

     Về bản thể của vũ trụ, Thái cực – Khí hỗn nguyên, tức vật chất, tạo nên vũ trụ. Khí có trước vạn vật, sinh ra vạn vật và tồn tại trong chúng, mỗi sự vật riêng lẻ đều sinh thành từ Khí và tồn tại nhờ Khí, trong Khí. Khí tồn tại vĩnh hằng nhưng vô thường, biến hoá khôn lường. Con người có thể nhận biết được Khí thông qua việc hiểu thấu vạn vật trong vũ trụ và cái của chúng. là cái thực hữu ở trong Khí, thuộc tính của Khí. Nói theo thuật ngữ hiện đại, là cái thuộc quy luật, nguyên lý, quy tắc, trật tự có tính chung nhất, phổ biến nhất của mọi sự vật, của vũ trụ nói chung; nó tồn tại vừa hằng thường (độ thường, bất biến), vừa vô thường (chuyển hoá, biến đổi). Từ , người ta mới hiểu được sự vật và hiểu được mọi điều liên quan đến sự vật đó, đồng thời có cơ sở để hoạt động trong cuộc sống vật chất và tinh thần của mình, sáng tạo nên những cái cần thiết cho con người. Con người có thể nắm được “Lý huyền diệu của trời đất”: nhưng phải trải qua kinh nghiệm, thực tiễn với một quá trình dường như bất tận. Hiểu thấu , con người sẽ sống phù hợp với hoàn cảnh bên ngoài cũng như với chính bản tính nhân bản của mình. Nhờ nhận thức được , con người mới tìm ra, tạo nên cái Phải, cái Đúng, cái Đẹp để có được cái Đạo. Trên danh nghĩa, Đạo là cái vốn có ở vũ trụ, nhưng thực chất, nó là sự nhận thức chủ quan của ý thức xã hội, “phản ánh tồn tại xã hội, do tồn tại xã hội quyết định”, là sản phẩm của những quan niệm chính trị, hệ tư tưởng pháp quyền, đạo đức, thẩm mỹ, tôn giáo trong một điều kiện kinh tế – xã hội, văn hoá nhất định. Vì vậy, Đạo mang nội dung xã hội, ý thức xã hội của các giai cấp, đẳng cấp, tầng lớp trong cộng đồng dân tộc trước đây. Đạo là một tổng thể những yếu tố, chuẩn mực, giá trị xã hội đòi hỏi con người phải tuân theo trong các quan hệ xã hội và quan hệ của con người với tự nhiên; nó có tính bền vững tương đối và có sự biến đổi, phát triển nhất định. Nhìn chung, Đạo được phân biệt thành Đạo trời đất (“Đạo trời”), Đạo người (“Đạo làm người”). Đạo trời là hình thái cao nhất, chung nhất, phổ biến nhất của Đạo; trong đó, bao gồm những yếu tố, chuẩn mực, giá trị xã hội đòi hỏi mỗi cá nhân và toàn cộng đồng xã hội phải tuân theo trong mọi quan hệ xã hội và quan hệ của con người với tự nhiên, đặc biệt là trong mối quan hệ của mọi người với vận mệnh của dân tộc, quốc gia. Đạo người được quy định thành nhiều loại tuỳ theo địa vị, vị thế, vị trí xã hội (phụ thuộc vào sự khác biệt đẳng cấp, giai cấp, tầng lớp và kết cấu xã hội nói chung) như Đạo vua tôi, Đạo cha con, Đạo thày trò, Đạo làm con, Đạo làm dân một nước. Như vậy, Đạo là sản phẩm xã hội biểu hiện nhu cầu, lợi ích và mục đích, lý tưởng xã hội nhằm điều hoà, điều chỉnh, ổn định thực trạng cộng đồng dân tộc và các quan hệ xã hội hiện thực. Chính điều đó đã làm cho triết lý thường xem Đạo là cái trục, xương sống của mọi quan niệm, mọi tư tưởng mà triết lý biểu hiện. Tuy nhiên, cả lẫn Đạo, trong mối quan hệ với các quan niệm khác của triết lý (như Trí, Lễ, Văn, Phúc, Thiện, Nhân,…) thường nằm trong “sự vận động của các khái niệm, mối liên hệ giữa chúng, sự chuyển hoá lẫn nhau giữa chúng”(2) như V.I.Lênin đã chỉ rõ.

3.

     Thật khó khẳng định rằng, cha ông ta đã có một tiếng nói chung, thống nhất tuyệt đối  rong quan niệm về vũ trụ (bao gồm cả về nhân sinh). Tuy nhiên, từ nền móng của một tồn tại dân tộc có tính đặc thù, tính riêng biệt nhất định, có thể nhận thấy những đặc điểm chung trên phương diện triết lý về vũ trụ.

     Đối với cha ông ta xưa, thế giới là một tổng thể vật thể (vật chất) liên kết, tổng hoà giữa các bộ phận mà nếu tách rời nhau thì không một cái riêng biệt nào tồn tại như nó vốn có và không còn là nó. Trời, Đất, Người, vạn vật tự nhiên, sản phẩm nhân tạo – tất cả đều nằm trong mạng lưới quan hệ, xâm nhập, quy định, hoà hợp lẫn nhau, với cái riêng vẫn được xác định, trong một tổng thể thống nhất (vũ trụ). Ngay cả đời sống tinh thần, ý thức, tâm linh của con người cũng được “hội nhập” với các vật thể tự nhiên của vũ trụ.

     Quan niệm vũ trụ mang tính toàn vẹn, tính chỉnh thể gắn liền với quan niệm về sự biến đổi của vũ trụ nói chung, của từng vật thể riêng biệt của nó. Sự biến đổi chung và sự biến đổi riêng không tách rời nhau, tác động, quy định lẫn nhau. Sự biến đổi nội tại, bản chất dẫn đến sự biến đổi hình thức, hiện tượng, cũng như sự biến đổi bề ngoài là biểu hiện của sự biến đổi bên trong. Sự biến đổi của vũ trụ cũng như của mỗi thể, mỗi sự vật là khôn lường, có thể tuần hoàn – tăng tiến; đồng bộ – so lệch; nhanh – chậm; ít – nhiều; mất – còn; lớn -nhỏ… Xét toàn cục, mọi biến đổi không làm vũ trụ biến chất, cũng như sự biến đổi của các sự vật chỉ là chuyển cái này thành cái khác, trong khuôn khổ tự điều chỉnh của các vật thể, của vũ trụ (Vật đổi, sao dời – Sống gửi thịt, chết gửi xương); tức là sự biến đổi luôn song hành tĩnh và động, thường và biến. Vì vậy, trời đất (vũ trụ) luôn “đổi thay” (biến đổi, vận động) nhưng luôn vẫn là trời đất; trong đó, mỗi sự vật cũng luôn nằm trong tư thế “có có, không không”.

    Như trên đã nêu, con người là một phần của tự nhiên cùng với cái nhân bản của mình. Ý thức được cái nhân bản chính là cái xã hội, triết lý dân tộc đã hướng vào những quan hệ giữa người với người, quan hệ cộng đồng, dân tộc trong mọi mặt của hiện thực, như quan hệ lao động sản xuất, kinh tế; quan hệ chính trị, pháp luật, đạo đức, thẩm mỹ, văn chương, nghệ thuật, tôn giáo, phong tục, tập quán, sinh hoạt thường nhật, nếp sống xã hội; quan hệ với thiên nhiên, vạn vật xung quanh. Triết lý đặc biệt tập trung vào đạo làm người với tính nhân văn của nó và quốc gia độc lập, tự chủ, tự cường với tinh thần yêu nước của dân tộc. Sự phân chia trên chỉ là tương đối, bởi triết lý của người Việt thường “đa nghĩa”, tính khái quát, tổng hợp, bách khoa của nó có thể được hiểu và vận dụng vào những lĩnh vực, hoàn cảnh cụ thể nhất định, nhưng cũng có thể vào đời sống xã hội chung, hoạt động thực tiễn chung của con người như những nguyên lý, quy luật phổ biến (thường thấy trong tục ngữ, thơ văn ngôn chí). Ngay trong triết lý về tự nhiên, cũng thường mang nội dung, ý nghĩa như triết lý về xã hội; bởi, cả hai đều nằm trong Đạo. Xét cho cùng, muốn hay không, con người đã tự xem mình là “điểm hẹn” của Trời Đất, “tinh hoa” của Tạo Hoá.

     Cơ sở, mục đích, động lực chủ yếu và trực tiếp của triết lý Việt Nam chính là thực tiễn dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tính thực tiễn, giá trị thực tiễn của các quan niệm về vũ trụ được thể hiện: a/ Xác định những tri thức chung cần thiết nhằm làm cho cộng đồng có nhận thức phù hợp với thực tiễn dân tộc (lao động sản xuất, kinh tế – xã hội, bảo vệ đất nước), phòng tránh “thực tiễn mù quáng”; b/ Cảm hoá con người theo chuẩn mực của “Đạo làm người”, giáo dục nhân cách theo tinh thần nhân bản, nhân văn trong quan hệ xã hội mang bản sắc dân tộc; c/ Tạo lập một hình thái tư duy “cao cấp”, vượt lên trên tầm kinh nghiệm nhỏ hẹp, giản đơn để vươn lên nhận thức vũ trụ có tính khái quát, tổng hợp, trừu tượng, đem lại sự hiểu biết sâu hơn, đầy đủ hơn về bản chất thế giới xung quanh, tạo cho con người năng lực cải tạo và dự báo hiện thực; d/ Nội dung của triết lý về vũ trụ chứa đựng không ít yếu tố văn hoá dân tộc; đồng thời, triết lý này lại trở thành “linh hồn” của văn hoá đó; đ/ Quá trình hình thành, phát triển của những quan niệm về vũ trụ là quá trình sáng tạo tương ứng với nhu cầu tồn tại, phát triển của dân tộc, kể cả việc sáng tạo lại, Việt hoá những nhân tố triết học về thế giới quan được tiếp nhận từ bên ngoài (Trung Quốc, Ấn Độ).

     Nhìn chung, quan niệm về vũ trụ cổ truyền của dân tộc ta chủ yếu mang tinh thần của chủ nghĩa duy vật mộc mạc (tiền khoa học hiện đại) và không tránh khỏi sự pha trộn những yếu tố của chủ nghĩa duy tâm, cũng như phương pháp biện chứng “giản đơn” của nó đã xen lẫn phương pháp siêu hình “ngây thơ”. Triết lý truyền thống Việt Nam chủ yếu xuất phát từ kinh nghiệm, nhưng đã đạt tới tri thức lý luận. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”(3). Lý luận về vũ trụ của triết lý thuộc nhận thức của cha ông ta đã đóng vai trò là một trong những nhân tố, yếu tố của sự phát triển đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam từ xưa cho đến cả ngày nay. Phải chăng, đó cũng là một mạch “tinh huyết” làm nên “thần khí” của văn hoá phương Đông?

_________
(1) Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.2. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.437.

(2) V.I.Lênin. Toàn tập, t.29. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.267.

(3) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.8. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.497.

Nguồn: Tạp chí Triết học 2009, http://www.vientriethoc.com.vn/
Trích dẫn tệp PDF từ: Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng 

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

 

Download file (PDF): Triết lý truyền thống ở Việt Nam về vũ trụ (Tác giả: PGS.TS Vũ Minh Tâm)