Trước tác của LÊ QUÝ ĐÔN

THE WRITINGOF LE QUY DON

Tác giả bài viết: TRỊNH NGỌC ÁNH
(Trường Đại học Thủ đô Hà Nội)

TÓM TẮT

     Lê Quý Đôn là một gương mặt tiêu biểu của văn hóa Việt Nam. Ngoài đóng góp về chính trị, ông còn để lại cho đời khối lượng đồ sộ những trước tác Hán Nôm về nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở bài viết này, chúng tôi giới thiệu các trước tác của Lê Quý Đôn hiện đang được lưu giữ tại kho sách của Viện nghiên cứu Hán Nôm, từ đó rút ra một số nhận xét cơ bản về những văn bản này trên các phương diện: chất lượng, nội dung, hình thức, chữ viết, kết cấu, truyền bản.

Từ khóa: Lê Quý Đôn, trước tác, kho sách, Viện nghiên cứu Hán Nôm.

x
x x

ABSTRACT

     Le Quy Don is one of the representative faces of Vietnamese culture. In addition to political contributions, he also has an enormous number of writings in Chinese characters and Sino-Nom in different fields. In this report, we would like to introduce someof his writings kept in the library of Han Nom Research Institute and make some comments on these writings in these following terms: quality, content, forms, characters, structure and edtions.

Keywords: Le Quy Don, writings, library, Han Nom Research Institute.

x
x x

1. Mở đầu

     Lê Quý Đôn (1726-1784) khi nhỏ có tên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường. Ông được sinh ra tại phường Bích Câu, Thăng Long. Cha ông là Lê Trọng Thứ, người làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), làm quan đến Binh bộ Thượng thư, được phong tước hầu. Lê Quý Đôn từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, cường ký. Khoa thi năm Nhâm Thân niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752) đời Lê Hiển Tông, ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh (Bảng nhãn), khi đó mới 26 tuổi và sau đó được bổ làm quan đồng triều với cha. Trong suốt cuộc đời làm quan, Lê Quý Đôn đã đảm nhận nhiều trọng trách: chức Thị thư ở Viện hàn lâm, chức Thị giảng (năm 1757), Phó sứ sứ bộ sang nhà Thanh (năm 1760), khi trở về được thăng chức Thừa chỉ, tước Dĩnh Thành bá, rồi làm Học sĩ ở Bí thư các, Đốc đồng xứ Kinh Bắc (năm 1764), Tham chính xứ Hải Dương (năm 1765). Ông từng tham gia biên tập Quốc sử, giữ chức Tư nghiệp Quốc tử giám, thăng đến chức Phó Đô ngự sử, Hữu Thị lang Bộ Công, rồi được bổ làm Bồi tụng (năm 1773), được bổ Hành Tham tụng (năm 1778). Ông mất ngày 14 tháng tư năm Giáp Thìn (1784), hưởng thọ 58 tuổi, được truy tặng Thượng thư bộ Công, tước Dĩnh Quận công.

     Về trước tác học thuật, Lê Quý Đôn là một trong những học giả uyên bác và đa dạng nhất. Ông để lại cho đời một di sản văn hóa vô cùng quý giá, bao gồm gần 40 bộ sách mà nội dung đề cập đến hầu hết mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, triết học, lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn học,… Trong đó có nhiều bộ nổi tiếng như: Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Bắc sứ thông lục,Vân Đài loại ngữ, Quần thư khảo biện, Dịch kinh phu thuyết, Toàn Việt thi lục, … Tác phẩm của Lê Quý Đôn phần lớn được viết bằng chữ Hán, ngoài ra, ông cũng sử dụng chữ Nôm để sáng tác văn thơ, để diễn nghĩa kinh sách, như Tứ thư ước giải, Thư kinh diễn nghĩa. Với sự nghiệp trước tác học thuật, Lê Quý Đôn là gương mặt tiêu biểu của văn hóa Việt Nam. Hiện ở kho sách Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được khoảng 20 tên sách do Lê Quý Đôn biên soạn, với 55 đầu sách. Tất cả số sách này đều đã được ghi ký hiệu và bảo quản nghiêm cẩn. Ở bài tham luận này, chúng tôi giới thiệu cơ bản về số sách này trên các phương diện như: truyền bản, hình thức văn bản, chữ viết sử dụng trong văn bản, bố cục và nội dung chủ yếu.

2. Nội dung

     2.1. Trước tác về lịch sử, địa lý

     – Đại Việt thông sử 大越通史 là bộ thông sử triều Lê (nên còn được gọi là Lê triều thông sử), được viết theo lối kỷ truyện. Căn cứ vào bài tựa của chính tác giả viết năm Cảnh Hưng 10 đời Lê (1749) thì sách chép sử nhà Lê từ khi vua Lê Thái Tổ dựng cờ khởi nghĩa (1418) đến thời vua Lê Cung Hoàng (1527). Tuy nhiên, tất cả các bản được lưu giữ ở Viện Hán Nôm đều không có bản nào đầy đủ. Hiện ở Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được 06 bản Đại Việt thông sử, gồm các ký hiệu: A.1389, A.2759, A.18, VHv.1555, VHv.1685, VHv.1330, trong đó bản A.1389 là bản đầy đủ nhất. Bản này gồm 304 tờ viết tay, khổ 31 cm x 21 cm, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng 19 đến 20 chữ, chữ viết rõ ràng, có vết chấm câu bằng son. Ngoài bài tựa đầu sách với tiêu đề Đại Việt thông sử tự của chính tác giả (tờ 1a -4b), viết vào giữa mùa thu năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) và Thể lệ viết sử (Tác sử yếu chỉ) (tờ 5a -tờ 8b), sách gồm các phần:

     Đế kỷ: có 2 quyển, đều chép về Thái Tổ Lê Lợi. Quyển 1: Thái Tổ thượng (tờ 9a – 38b), chép về Lê Lợi từ ngày dựng cờ khởi nghĩa (1418) cho đến hết chiến tranh chống Minh. Quyển 2: Thái Tổ hạ (tờ 39a -62a), chép về Lê Lợi từ năm Giáp Thân niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1428) đến khi ông mất (1433).

     Nghệ văn chí (tờ 63a -78b): gồm bài tựa của tác giả và Hiến chương loại chép về sách vở văn chương.

     Liệt truyện, gồm: Hậu phi truyện (tờ 79a -95b), chép về các Hậu phi triều Lê, từ Hiển tổ Nguyễn Hoàng hậu cho đến Cung Hoàng Nguyễn Quý phi; Đế hệ truyện (tờ 96a -105a), chép về các thế hệ hoàng tử nhà Lê, từ Chiêu Hiếu Đại Vương đến An Vương; Công thần truyện (tờ105b -154a), chép về các công thần nhà Lê, từ Lê Thạch, Lê Lai cho đến Lê Thận; Nghịch thần truyện (tờ155a -304a), chép truyện các nghịch thần từ cuối đời nhà Trần (như Trần Phong, Vũ Hộ) cho đến các đại nghịch thần là các thế hệ vua nhà Mạc như Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp.

     – Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄 là sách ghi chép về địa lí, lịch sử xứThuận Hóa và Quảng Nam, được tác giả soạn khi được cử làm Hiệp trấn Tham tán quân cơ ở phủ Thuận Hóa vào năm 1776. Hiện ở Viện Hán Nôm còn lưu giữ được 05 bản Phủ biên tạp lục với các ký hiệu: VHv.1371, A.184, A.1175, A.1263, VHv.1181, trong đó bản A.184 là bản dày dặn nhất. Bản này gồm 2 tập, tập 1 (204 tờ) gồm các quyển 1,2,3, tập 2 (135 tờ) gồm các quyển 4,5,6, tổng cộng 339 tờ, mỗi tờ 2 trang, khổ 32cm x 22,5 cm, mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng 20 chữ, chữ viết theo lối chữ Khải, dễ đọc. Ngoài bài tựa của chính tác giả (tờ 1a -5a) viết vào sau rằm tháng Tám năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776), Mục lục (tờ 5a -5b) và bài bạt ở cuối sách (tờ 33b -35b, thuộc quyển 6) của Thanh Oai Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ Thế Lộc viết ngày một tháng mười năm Cảnh Hưng thứ 38 (1777), còn lại 6 quyển với nội dung như sau: Quyển 1 (tờ 6a -80b): chép việc mở mang, khôi phục hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam và ghi chép các phủ huyện tổng xã thôn phường của hai xứ này.

     Quyển 2 (từ tờ 81a đến tờ113b): ghi chép về hình thế núi sông, thành lũy, trị sở, đường sá, trạm dịch ở hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam.

     Quyển 3 (từ tờ114a đến tờ 206a): ghi chép về điền trang, bãi đất và tổng số trưng thu lúa gạo theo lệ cũ ở hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam; lệ cũ về các ti, quan thuộc chức và thủ binh sĩ ở hai xứThuận Hóa, Quảng Nam; số ngạch nhân đinh, các hạng duyệt tuyển, các hạng giản tuyển và lệ cũ về tổng số phân bổ quân hiệu thuộc hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam.

     Quyển 4 (45 tờ): ghi chép về lệ thuế đầu nguồn, tuần ti, ao đầm, sông bến, thuế chợ và thuế chuyên chở vàng, bạc, đồng, sắt hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam.

     Quyển 5 (52 tờ): ghi chép về nhân tài, thơ văn hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam.

     Quyển 6 (33 tờ): ghi chép về sản vật, phong tục hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam.

     – Bắc sứ thông lục 北使通錄 là cuốn sách Lê Quý Đôn ghi chép mọi việc trong chuyến đi sứ nhà Thanh, như: những sự việc xảy ra trên đường đi của sứ bộ, danh sách nhân viên trong sứ bộ, sản vật tiến cống, lễ nghi vào chầu vua Thanh và các cuộc tiếp xúc với sứ thần Trung Quốc, các văn kiện trao đổi giữa hai bên; những tư liệu bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc; thơ, văn, câu đối về quan hệ giữa hai nước; thơ, văn, xướng họa với sứ thần Đông Quốc (Triều Tiên). Trong sách còn có bài “Khải” bằng văn xuôi.

     Hiện trong Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ 01 bản duy nhất với ký hiệu A.179. Sách chép tay, chữ Khải, mỗi tờ 8 dòng, số chữ các dòng không thống nhất, dài nhất 24 chữ, ít nhất 1 chữ, thỉnh thoảng có phần chú thích chữ nhỏ theo dạng lưỡng cước phía dưới chính văn. Sách được chép thành hai quyển thượng và hạ. Quyển thượng, ngoài bài tựa (tờ1a-2a) của tác giả viết vào tháng tám năm Cảnh Hưng Quý Mùi (1763), bài đề từ của tác giả viết vào rằm tháng tám năm Cảnh Hưng 41 (1780), phần nội dung (5a-91a) ghi chép các việc theo thời gian (tính đến ngày), từ năm Nhâm Dần Thiên triều Càn Long 23 (1758) (tương ứng với năm Cảnh Hưng 19 nước ta) đến ngày 20 tháng 12 năm Cảnh Hưng 20 (1759). Quyển hạ, gồm 84 tờ ((1a-84a), chép việc từ tháng sáu năm Tân Tỵ Càn Long 26 (1760) cho đến hết đợt đi sứ. Cuối sách có bài Quần thư khảo biện tự của Chu Bội Liên. Điểm đặc biệt là trong phần này có bài Khải viết bằng chữ Nôm.

     – Kiến văn tiểu lục 見聞小錄là tập sách ghi chép về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Trong sách, tác giả đã đề cập tới nhiều lĩnh vực chính trị, giáo hóa, tài đức, phẩm hạnh, lễ nghi, luật pháp, khoa mục, quan chế và một số thơ ca, từ, vãn, câu đối, bia, minh,… Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu các bản: A.32, VHv.1322, VHv.1156, trong đó bản A.32 đầy đủ nhất. Bản này gồm 321 tờ, mỗi tờ 2 trang, chép tay, khổ 32 cm x22 cm, mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng 20 chữ, có phần chú thích dạng lưỡng cước. Ngoài bài tựa (tờ1a –2b) của chính tác giả viết năm Cảnh Hưng Đinh Dậu (1777), Mục lục (tờ 3a), sách chia thành 9 quyển với các nội dung: Quyển 1: Châm cảnh (1a-25b), Quyển 2+3: Thể lệ thượng, Thể lệ hạ (25a-110b), Quyển 4: Biên chương (37 tờ, 1a-37b), Quyển 5: Tài phẩm (20 tờ, 1a-20b), Quyển 6,7,8: Phong vực (81 tờ, 1a-81b), Quyển 9: Thiền dật (34 tờ, 1a-34a), Quyển 10: Linh tích (12 tờ, 1a-12b), Quyển 11: Phương thuật (chỉcó tiêu đề, không có nội dung), Quyển 12: Tùng đàm (3 tờ, 1a-3a).

     – Lê triều công thần liệt truyện 黎朝功臣列傳, ký hiệu VHv.1295 là bản viết, dày 51 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 24 chữ, khổ 26 cm x 15 cm, chữ viết thảo, khó đọc. Ngoài các phần: Tiểu sử Lê Thái Tổ (1 trang 1b); Mục lục (2a-2b), nội dung sách ghi chép tiểu sử của19 công thần triều Lê như Lê Trạch, Lê Lai, Nguyễn Xí, Trần Nguyên Hãn,…

    2.2. Trước tác khảo cứu, diễn nghĩa, chú giải, bàn giảng các kinh điển, cổ thư

     – Âm chất văn chú 陰騭文註là sách biên chú cho sách Âm chất văncủa Văn Xương Đế Quân do Lê Quí Đôn biên tập. Ở Viện Hán Nôm còn lưu giữ 01 bản với ký hiệu AC.30. Thực trạng sách như sau: sách dày 179 tờ, mỗi tờ 2 trang, khổ 28 cm x 17 cm, khắc in tháng mười năm Kỷ Hợi, Minh Mệnh 20 (1839), 2 quyển, đầu mỗi quyển ghi rõ: Diên Hà Quế Đường Lê Quý Đôn biên tập, Nam Quý Thuần, Quý Tá, Quý Nghi, môn nhân Thanh Trì Đỗ Văn Tuân, Hoằng Hóa Nguyễn Quý Hoằng đồng hiệu. Phần đầu sách có bức vẽ Đế quân thánh tượng, bài tựa của Diên Hà Quế Đường Lê Quý Đôn, Văn Xương đế quân bảo ngữ. Quyển 1 với tiêu đề Âm chất văn chú quyển chi nhất (80 tờ), quyển 2 với tiêu đề Âm chất văn chú quyển chi nhị (75 tờ), biên chú sách Âm chất văn, có đính chính, sửa chữa, thêm bớt, những bài văn giáng bút của Văn Xương Đế Quân khuyên tránh điều ác, cố làm việc thiện, cứu người trong lúc nguy cấp, thương người cô quả, nghèo khổ, kính trọng người trên, thực hành và phổ biến rộng rãi đạo Nho, đạo Lão, đạo Thích… Cuối sách còn có các bài: Âm chất văn chú đề từ của Lê Quý Đôn viết năm Càn Long 46 (1781), nhân một buổi chiều mùa xuân năm Tân Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 42 (1782) tác giả tại Kính Nghĩa đường ngóng về quê hương; Đan Quế tịch nguyên tự của Thẩm Đức Tiềm viết vào mùa hè năm Tân Tỵ niên hiệu Càn Long 26 (1761); Đan Quế Tịch nguyên tự do Hàn Lâm viện Hiệu thảo Liêu Hồng Chương viết vào ngày mồng một tháng tư năm Càn Long 26 (1761); Tân tập Âm chất văn chú hậu tự do Lê Trọng Thứ viết năm Càn Long 47, ứng với Đại Việt Cảnh Hưng 43 (1782); Tân tập Âm chất văn chú bạt do Bùi Huy Bích Hy Chương viết vào tháng mười hai năm Cảnh Hưng 42 (1781). Cuối sách khắc tên người viết chữ, người khắc chữ.

     – Tứ thư ước giải 四書約解 là bộ sách dịch bộ Tứ thư của Nho gia Trung Quốc sang chữ Nôm, có kèm chú giải bằng chữ Hán. Hiện ở kho sách Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ một bộ duy nhất với ký hiệu AB.270, gồm 5 tập. Sách là bản khắc in, gồm 458 tờ, mỗi tờ 2 mặt, tổng cộng 916 trang, chữ khắc dễ đọc. Sách có bìa, khắc tên sách Tứ thư ước giải 四書約解 với cỡ chữ lớn. Bên phải bìa sách có dòng chữ Hoàng triều Minh Mệnh nhị thập niên Quến guyệt cát nhật trùng san 皇朝明命貳拾年桂月吉日重刊, cho biết đây là bản trùng san vào ngày lành tháng tám năm Minh Mệnh thứ 20 (1839). Bên trái, phía trên có dòng chữ Diên Hà Bảng nhãn quan hiệu đính 延河榜眼官校訂, cho biết người hiệu đính của sách là Lê Quý Đôn người Diên Hà, phía dưới có dòng chữ Úc Văn đường tàng bản 郁文堂藏板, cho biết Nhà in Úc Văn giữ ván khắc.

     Bố cục sách như sau: Tập 1 (71 tờ): bài tựa của Lê Quý Đôn, Mục lục, Quyển 1 (dịch và chú giải Đại học), Quyển 2 (dịch và chú giải Trung dung); Tập 2 (94 tờ): Quyển 10,11,12 (dịch và chú giải Luận ngữ), Quyển 13 (dịch và chú giải Mạnh tử); Tập 3 (90 tờ): Quyển 14,15 (dịch và chú giải Mạnh tử); Tập 4 (94 tờ): Quyển 16,17 (dịch và chú giải Mạnh tử); Tập 5 (109 tờ): Quyển 18,19 (dịch và chú giải Mạnh tử).

     – Quần thư khảo biện 群書考辨 là sách khảo cứu, bình luận về các nhân vật, sự kiện trong sử sách. Viện Hán Nôm đang lưu giữ 3 bản, với các ký hiệu VHv.90, A.252, A.1872, trong đó bản A.1872 đầy đủ nhất. Đây là bản chép tay, chữ rõ ràng, dễ đọc, khổ 25 cm x14 cm, gồm 202 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 6 dòng, mỗi dòng từ 24 đến 27 chữ. Sách có 4 bài tựa, gồm: Bài tựa của Chu Bội Liên, Đề đốc Học chính các xứ Quảng Tây nước Đại Thanh (1a -4a); Bài tựa của Tần Triều Vu, Lễ bộ Viên ngoại lang nước thiên triều (Đại Thanh) (4a -6a); Bài tựa của Hồng Khải Hy, Chánh sứnước Triều Tiên viết vào tháng Giêng năm Tân Tỵ, niên hiệu Càn Long 26 (1761) (6a -8a); Bài tựa của chính tác giả Diên Hà Lê Quý Đôn Doãn Hậu viết vào sáng ngày mồng một tháng tám năm Đinh Sửu, niên hiệu Càn Long thứ 22 (1757). Phần nội dung chính của sách gồm 2 quyển, đầu mỗi quyển đều có ghi rõ: Ngô Huyện Chu Bội Liên, Giang Tô Tần Triều Vu bình duyệt, Diên Hà Lê Quý Đôn Doãn Hậu soạn. Quyển 1, gồm 104 tờ (208 trang); Quyển 2 gồm 84 tờ (167 trang). Nội dung 2 quyển khảo cứu, bình luận các nhân vật, sự kiện trong sử sách Trung Quốc từ đời Hạ, Thương, Chu đến đời Tống. Cuối quyển 2, đồng thời cũng là cuối sách có phần Hậu ngữ (5 trang), ghi rõ năm Tân Tỵ tác giả về nước và lý do viết thêm phần Hậu ngữ để đính kèm theo sách.

     – Thánh mô hiền phạm lục 聖謨賢范錄 là sách ghi chép, bàn luận về mẫu mực của các bậc thánh hiền. Hiện ở Viện nghiên cứu Hán Nôm có hai bản với ký hiệu A.846 và VHv.275. Bản A.846 là bản đầy đủ hơn, với 656 trang (328 tờ, mỗi tờ2 trang), kích thước 32 cm x21 cm, mỗi trang 9 dòng, dòng tối đa 23 chữ, đôi chỗ có chú giải dạng lưỡng cước. Ngoài Thánh mô hiền phạm mục lục(1/2 trang); Thánh mô hiền phạm lục tự(1a-4a) của Chu Bội Liên soạn; Thánh mô hiền phạm lục tự (4a-6a) do Tần Triều Vu viết năm Càn Long 26 (1759); Thánh mô hiền phạm lục tự (6a-7b) do Hồng Khải Hy viết năm Càn Long 26 (1759), sách gồm 12 quyển, đầu mỗi quyển đều có dòng chữ Diên Hà Quế Đường Lê Quý Đôn tập. Cụ thể các quyển như sau: Quyển 1: (tờ 8a -20a): Thành trung đệ nhất (sống trung thực và thành khẩn); Quyển 2: (tờ 21a-35b): Lập hiếu đệ nhị (xây dựng đức hiếu thảo với người trên); Quyển 3: (tờ36a -57a): Tu đạo đệ tam (chăm lo tu dưỡng đạo đức); Quyển 4: (tờ 58a -77b): Nhàn tà đệ tứ (không chơi bời lêu lổng); Quyển 5: (tờ78a -105a): Đạt lý đệ ngũ (thấu đạt lẽsống); Quyển 6: (tờ 106a -126b): Vệ sinh đệ lục, có thêm phần Phụ lục gồm 7 bài ca về Vệ sinh (giữ vệ sinh sạch sẽ); Quyển 7: (tờ 127a -155a): Quan thủ đệ thất (làm quan phải giữ mình cho ngay thẳng và giáo dục cấp dưới làm theo); Quyển 8: (tờ156a –204a): Tòng chính đệ bát (phục tùng chính quyền); Quyển 9: (tờ 205a -245b ): Khiêm thận đệ cửu (khiêm tốn và thận trọng); Quyển 10: (tờ 246a -273b): Thù tiếp đệ thập (biết cư xử với mọi người); Quyển 11: (tờ 274a -282a): Tôn nghị đệ thập nhất (tôn trọng điều tốt); Quyển 12: (tờ283a -328a): Khổn huấn đệ thập nhị, có thêm phần Phụ Khổn huấn (phụ nữ phải nghiêm túc trong cuộc đời thường).

     – Vân Đài loại ngữ 雲薹類語là sách loại thư, có tính chất bách khoa, viết về các vấn đề trong xã hội. Sách chia thành 9 chương, mỗi chương lại chia làm nhiều điều, trích dẫn các sách quý hiếm của Trung Hoa, sau đó có lời bàn riêng của chính mình. 8 bản được lưu giữ trong kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm gồm các ký hiệu: A.141, A.1338, VHv.1483, VHv.1807, VHv.1809, VHv.1168, VHv.1808, VHv.2436. Bản VHv.1808 thiếu Điển vựng, Văn nghệ, Âm tự. Bản VHv.2436 chỉ có Lí khí, Hình tượng, Khu vũ. Bản A. 141 là bản đầy đủ nhất với 344 tờ, mỗi tờ 2 trang chép tay, khổ 30 cm x 22 cm, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 20 chữ, chép theo lối Khải thư, rõ ràng, dễ đọc. Ngoài bài tựa (tờ1a -3b) do chính tác giả viết vào ngày sau rằm tháng bảy năm Cảnh Hưng Quý Tỵ (1773); bài Mục lục dẫn (tờ 4a -5a) viết về thể lệ chia mục và Mục lục (tờ 5b -6b) ghi đủ 9 quyển, tương ứng với 9 mục, mỗi mục ghi rõ số điều, phần nội dung chính, gồm: Quyển 1: Lý khí, 54 điều; Quyển 2: Hình tượng, 38 điều; Quyển 3: Khu vũ, 93 điều; Quyển 4: Điển vựng, 120 điều; Quyển 5: Văn nghệ, 48 điều; Quyển 6: Âm tự, 111 điều; Quyển 7: Thư tịch, 107 điều; Quyển 8: Sĩ quy, 76 điều; Quyển 9: Phẩm vật, 320 điều.

     – Dịch phu tùng thuyết 易膚叢說 là sách bàn vềnghĩa lý Kinh Dịch. Hiện với tên Dịch phu tùng thuyết, Viện nghiên cứu Hán Nôm lưu giữ4 bản với các ký hiệu: AC.189, VHv.2016, VHv.2652, A.2474. Bản AC.189 còn có tên Quế Đường Dịch phu tùng thuyết 桂堂易膚叢說, 238 trang, chữ viết theo lối Khải, gồm hai quyển:

     Quyển 1: 124 trang, gồm 120 đoạn vấn đáp, chia thành 6 phần: Trình Tử truyện tự, Chu Tử đồ thuyết, Phục Hi bát quái thứ tự dĩ hạ, Chu Tử Chu dịch ngũ tán dĩ hạ, Chu Tử phệ nghi dĩ hạ, Dịch thuyết cương lĩnh dĩ hạ.

     Quyển 2: 114 trang, gồm 9 phần: Hà đồ, Tiên thiên bát quái Hoành đồ thuyết, Tiên thiên bát quái Viên đồ thuyết, Hậu thiên bát quái Viên đồ thuyết, Thiên địa Tứ tượng ca, Thái cực, Viên đồ giải, Lữ luật bản nguyên, Ứng Khê tiên sinh tu tập.

     – Thư Kinh diễn nghĩa 書經演義 được Lê Quý Đôn soạn năm Cảnh Hưng 33 (1772). Hiện nay Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ 01 bản mang ký hiệu A.1251. Sách chép tay, chữ Khải, dễ đọc, 143 tờ, mỗi tờ2 trang, khổ 27 cm x 16cm, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 19 đến 20 chữ (bài tựa chữ to, mỗi trang 6 dòng, mỗi dòng 15 chữ). Ngoài bài tựa của tác giả viết vào tháng tám năm Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 33 (1772) ở đầu sách và bài bạt (tờ142a-143b) của Lý Trần Quán, viết năm Cảnh Hưng 39 (1778) ở cuối sách, sách chia làm 3 quyển. Quyển 1 (tờ 2a –47b), quyển 2 (tờ 48a -103b), quyển 3: (tờ 104a –141a). Toàn bộ 3 quyển là suy nghĩ của Lê Quý Đôn dựa vào 58 điều trong Kinh Thư, viết ra 342 đoạn liên quan đến việc thực thi và điều hành chính sự của các bậc đế vương thời xưa.

     – Kim Quang Minh Tối Thắng Vương kinh 金光明最勝王經 là bản Kinh Phật, khuyên mọi người giữ thanh tịnh thì nghiệp ác sẽ tiêu biến, mọi tai nạn sẽ qua, con người sẽ lên được cõi Cực Lạc và một số bài tụng niệm cuối mỗi quyển. Hiện Viện nghiên cứu Hán Nôm lưu giữ một bản với ký hiệu AC.457. Đây là bản khắc in, phần tựa chữ nhỏ (7 dòng, mỗi dòng 17 chữ) viết đài các chữ Thánh, Lê, Hoàng, phần Kinh chữ to (6 dòng, mỗi dòng tối đa 15 chữ), tổng cộng 820 trang (410 tờ), khổ 28 cm x 18 cm. Thứ tự các phần như sau: Kim Quang minh tối thắng vương kinh ngự chế tự viết năm Chính Hòa 12 (1691), Tân san Kim Quang Minh Kinh tự do Lê Quý Đôn viết ngày 18 tháng 11 năm Nhâm Dần, Cảnh Hưng 43 (1782). Nội dung phần Kinh gồm 5 quyển. Sách ghi rõ được in tại chùa Liên Phái tháng 2 năm Tân Mão Thành Thái 3 (1891) và Bản lưu tại chùa Trấn Quốc.

     2.3. Trước tác về sưu tập thi ca

     – Toàn Việt thi lục 全越詩錄là bộtổng tập thơ đề vịnh phong cảnh, tiễn tặng, mừng viếng, họa đáp với nhiều thể thơ khác nhau (nhiều bài có kèm theo tiểu dẫn) của các giả thuộc các triều Lí, Trần, Hồ, Lê nước Việt. Sách chưa được in, hiện nay chỉ có một số bản chép tay. Hiện ở Viện nghiên cứu Hán Nôm có các bản như sau: A.3200; A.1262, A.132, VHv.117, VHv.777, VHv.1450, VHv.116, A.1334, A.393, A.2743. Bản A.1262 gồm 15 quyển, đóng thành 5 tập, 996 trang, khổ 22 cm x 13 cm, chữ viết thảo. Sách có phần Lệ ngôn, Mục lục, sau Mục lục có dòng chữ Hàn lâm viện thừa chỉ Dĩnh Thành bá thần Lê Quý Đôn phụng biên. Bản này chép thơ từđời Lý đến đầu đời Lê, tổng cộng 175 nhà, 1779 bài thơ. Quyển 1,2,3,4: chép thơ Lý, Trần, Hồ, Hậu Trần. Quyển 5-15: chép thơ thời Lê sơ. Nguyên tắc sắp xếp là dựa vào lịch đại, nhưng trong mỗi thời đại, thơ của vua chúa được chép lên đầu, sau đó mới đến thơ của các nhà sư, nữ sĩ, sứ thần Trung Hoa, Triều Tiên. Đối với từng tác giả thì trật tự tác phẩm xếp theo thể thơ: từ cổ thể tới cận thể, trong mỗi loại đó lại theo thứ tự: ngũ tuyệt, thất tuyệt, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn bát cú. Xuất xứ tác giả, tác phẩm được chú giải khá kĩ lưỡng, cẩn thận. Bản này được cho là văn bản đáng tin cậy nhất vì chữ viết cũng như khuôn khổ sách đều cổnhất, đúng theo lối đời Lê.

     – Ca trù các điệu 歌籌各調, còn có tên là Tạp văn ca khúc. Sách có 1 bản với ký hiệu VNb.15, bản viết, 1 quyển, dày 76 tờ, mỗi tờ 2 trang, khổgiấy 14 cm x 11 cm, chép ca từ theo 11 làn điệu trong ca trù, trong đó riêng làn điệu Hát nói có 8 bài, như: Anh giả điếc, Mẹ Mốc, Tỳ bà hành, Xích Bích, Hồng Hồng Tuyết Tuyết và thể cách của 11 làn điệu ca trù, như: Cung bắc, Gửi thư, Ngâm vọng, Nói mưỡu, v.v.

     2.4. Trước tác là thơ văn do tác giả sáng tác

     – Quế Đường thi vựng tuyển toàn tập 桂堂詩彙選全集 là tổng tập thơ chữ Hán của Lê Quý Đôn, còn được gọi là Quế Đường thi tập 桂堂詩集. Hiện ở Viện nghiên cứu Hán Nôm có 2 bản viết với các ký hiệu VHv.2341 và A.576. Bản VHv.2341 viết theo lối Hành thảo, gồm 155 tờ, mỗi tờ 2 trang, tổng cộng 310 trang, mỗi trang 6 dòng, số chữ mỗi dòng không cố định, không có tờ bìa. Đầu sách có một Mục lụcvới tiêu đề QuếĐường thi vựng tuyển toàn tập mục lục (tờ1a-10b), ghi theo quyển, ghi rõ tên từng mục trong mỗi quyển, mỗi mục có bao nhiêu loại, mỗi loại có bao nhiêu bài, có khi còn ghi rõ cả thể loại thơ và số lượng bài của mõi thể loại. Phần nội dung chính gồm 2 quyển. Quyển 1 (tờ11a –75a) đầu quyển ghi rõ: Diên Hà Bảng nhãn quan trước, hậu học Thiên Lộc Phan Lâm Khanh, Liêm Giang Nguyễn Khát Kiến tập đính, gồm các bài thơ mừng (sinh con trai thứ hai, trí sĩ,…), thơ tiễn tặng, họa đáp giữa tác giảvới sứ thần Triều Tiên như Lí Huy Trung, Hồng Khải Hy và một số bạn bè Trung Quốc trong thời gian tác giả đi sứ nhà Thanh, thơ đề vịnh,… Quyển 2 (tờ 76a-155b) gồm các bài thơ đề vịnh các danh thắng, đền miếu, di tích lịch sử như chùa Hải Hưng, chùa Vạn Phúc, núi Lạn Kha, miếu Quan Thánh, lầu Nhạc Dương, hồ Động Đình, lầu Hoàng Hạc, đền Ông Đại Tư Đồ, núi Dục Thúy,…. Kết thúc quyển 2, đồng thời kết thúc tập thơ với dòng chữ Quế Đường vựng tuyển thi quyển chi nhị chung.

     – Thơ văn chữ Nôm của Lê Quý Đôn không nhiều và không được tập hợp thành tập mà được chép trong các sách khác, cùng với thơ văn của nhiều tác giả khác. Một số bài văn thơ Nôm tiêu biểu gồm: Bài Khải dâng lên triều đình bằng văn xuôi được chép trong Bắc sứ thông lục của chính tác giả. Bài dài trên 1000 chữ, nội dung tường trình công việc của sứ bộ trong chuyến đi sứvào năm 1760, trong đó có sự kiện đấu tranh bảo vệ quốc thể, chống lại thái độ coi thường sứ thần ta là “di quan” của một số quan lại nhà Thanh. Với việc sử dụng chữ Nôm – thứ chữ viết của dân tộc để diễn đạt vấn đề chính trị có tính chất tôn nghiêm, chứng tỏ tác giả đã có ý thức cao trong việc thể hiện lòng tự cường, tự tôn dân tộc. Một số bài bằng chữ Nôm theo lối kinh nghĩa và văn sách như: Lấy chồng cho đáng tấm chồng, Mẹ ơi con muốn lấy chồng, Mẹ khuyên con lúc về nhà chồng và bài thơ Nôm Rắn đầu biếng học được chép trong Quốc văn tùng ký 國文叢記, bản viết, dày 224 tờ, mỗi tờ2 trang, mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng 20 chữ, khổ28 cm x 18 cm, ký hiệu AB.383. Sách do Hải Châu Tử biêntập. Đây được coi là bộ sưu tập đầu tiên về Quốc văn Nôm ở nước ta một cách hệ thống nhất (có chủ đích, số lượng lớn và nhiều thể loại). Sách gồm một bản kê tên các tác giả, một bài dẫn, phần tuyển quốc văn Nôm lịch đại, ngoài ra còn sưu tầm phương ngôn ngạn ngữ và ca dao bằng Quốc văn Nôm. Phần tuyển quốc văn lịch đại, theo như ý đồ của người biên tập, được phân thành các thể loại như: thơ, phú, văn, bát cổ, câu đối, hát, hát nói, văn sách, tạp văn và được chia thành hai quyển thượng và hạ. Quyển thượng gồm 102 tờ, từ tờ 11a đến 112b, chép thơ của các tác gia trung đại. Phần Bổ di của quyển thượng chép bổ sung tác phẩm của các tác giả và các tác phẩm khuyết danh. Quyển hạ gồm 113 tờ, từ tờ 113a đến hết, chép câu đối, thế tục phú, văn tế, phương ngôn phú, phương ngôn ngạn ngữ, ca dao, tập Kiều, ca, bài hát, gia huấn, phú cải lương, văn sách,… Phần các bài văn thơ của Lê Quý Đôn nằm trong quyển hạ.

     Bài Lấy chồng cho đáng tấm chồng được làm theo lối văn sách, với đầu đề và câu hỏi: “Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công trang điểm má hồng răng đen“. Bài văn thể hiện quan điểm của cô gái: không tham ruộng cảao liền, chỉ mong gặp được xuân xanh phải lứa, trai tài gái sắc như đàn sắt đàn cầm.

     Bài Mẹ ơi con muốn lấy chồng là một bài kinh nghĩa, diễn tả lời một người con gái nói với mẹ, thể hiện lòng mong muốn được lấy chồng đã lên đến tột bậc. Tâm sự của cô gái với mẹ có đại ý rằng: một khi có âm thì phải có dương, đó là lẽ thường của trời đất xưa nay. Tâm sự của cô gái thể hiện nỗi lòng chung của người con gái trong chế độ xưa và quan niệm của Nho gia: “con gái nhất thời” và lấy chồng phải đúng tuổi, hợp thời thì mới gia đình thuận hòa, ấm êm, hạnh phúc.

     Bài Mẹ khuyên con lúc về nhà chồng là lời dặn dò của một bà mẹ đưa tiễn con ra cổng về nhà chồng, làm theo lối “kinh nghĩa bát cổ”. Câu nguyên văn được lấy trong Kinh Lễ: “Vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử” (Con về nhà chồng, phải kính phải răn, chớ trái lời chồng). Lời người mẹ dặn con về đạo làm dâu phải giữ ý tứ lời ăn tiếng nói, siêng năng chăm chỉ, kính cẩn, hợp lễ, giữ nết thảo hiền, tam tòng tứ đức. Bài thơ Rắn đầu biếng học được Quốc văn tùng ký chép về bối cảnh ra đời của bài thơ: Lê Quý Đôn mới lên năm sáu tuổi đã biết làm thơ, tính hay đùa nghịch, bố mắng là rắn mày rắn mặt, nhân mới lấy làm đầu bài ra cho, mà hẹn mỗi câu phải có một giống rắn, ông ứng khẩu mà đọc ngay bài thơ. Cái tài tình của bài thơ là ở chỗ vừa tả được anh học trò lười biếng lại cứng cổ, vừa tả được các loài rắn, toàn bài là một lối chơi chữ rất khéo léo, tinh tế.

     2.5. Trước tác về các đề tài khác

     – Thái Ất dị giản lục 太乙易簡錄 là sách viết về 4 phép bói cơ bản dựa vào hành độ và cung độ của sao Thái Ất: Tuế kế (tính năm), bói về họa, phúc của quốc gia, vua quan; Nguyệt kế (tính tháng), bói về sự tài, hèn của các bậc khanh tướng; Nhật kế (tính ngày), bói về họa, phúc của nhân dân; Thời kế (tính giờ), bói về việc tốt, xấu của quân ngũ. Các bản được lưu giữ ở Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm gồm: A.919, VHv.284, VHv.365. Bản đầy đủ nhất là A.919, với 114 tờ chép tay, chữ viết rõ ràng, dễ đọc, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng tối đa 19 chữ, có cả chữ giản thể. Sách có một bài tựa với nhan đề Thái Ất dị giản lục tự (1a-2a) do Diên Hà Quế Đường Lê Quý Đôn viết vào ngày lành tháng 9 năm Bính Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng 27 (1766). Nội dung chính chia làm 2 quyển. Quyển 1: (2b –70a): Thời kế, Nhật kế. Quyển 2: (70b-114b): Tuế kế, Nguyệt kế.

     – Lê triều Cảnh Hưng lũy quan công thần nhất vị Đại vương phả lục 黎朝景興累官功臣一位大王譜錄, được đăng ký trong Di sản thư mục đề yếu là Thần tích Bắc Ninh Từ Sơn Phù Lưu xã Nội thôn 神跡北寧慈山芙留社內村với ký hiệu A.762. Đây là bản chép tay, khổ 27 cm x 14 cm, 10 trang, mỗi trang 6 dòng, mỗi dòng 22 chữ, có chú thích theo dạng lưỡng cước, chữ Hán có xen một số chữ Nôm. Bản phảlục chép sự tích vị Phúc thần thờ ở thôn Nội, làng Phù Lưu, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tên thật của thần là Phạm Ngũ Đức, văn võ đều giỏi, đậu Tiến sĩ năm 26 tuổi, có công giúp vua Lê Hiển Tông (1740 –1786) trấn áp cuộc nổi dậy của Quận He (Nguyễn Hữu Cầu) ở Hải Dương, được phong Thượng thư, tước Quận công, khi mất được phong là Ngũ Đức Phụ Chính Dực Thánh, gia phong Triệu Phù Xiển Thụy Thùy Hưu. Cuối cùng có dòng chữ Lê triều hoàng đế Cảnh Hưng mạnh xuân cát nhật, Sơn Nam Diên Hà tiến sĩ Lê Quý Đôn phụng soạn cho biết bản phả lục được Lê Quý Đôn soạn vào tháng Giêng năm Cảnh Hưng triều Lê.

     – Đông Hồ huyện Công tổng đình thần tích 東湖縣公總亭神跡, ký hiệu A.817 là bản viết dày 12 tờ, mỗi tờ 2 trang, khổ 26 cm x 16 cm. Sách gồm: Đường Cao đô hộ Bột Hải quận vương thi truyện 唐高都護渤海郡王詩傳(1a-3b), soạn vào năm Tự Đức 15 (1862), ghi chép sự tích viên Đô hộ họ Cao, Quận vương Bột Hải, tức Cao Biền, được triều đình nhà Đường cử sang Việt Nam làm Đô hộ sứ, có dẹp giặc Nam Chiếu. Phần này có các lời bình luận của một số nhà sử Việt Nam như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ; Sử luận tiết yếu (tờ 4a-4b); Kiến văn lục (tờ 4a) ghi rõ Lê Quý Đôn biên tập; Cao Vương thi (tờ 5a-9a) ghi rõ 22 bài và bài bạt (tờ 9a-10a) ghi rõ Văn Thân đồng bối cẩn bạt.

     – Lê Quý Đôn gia lễ 黎貴惇家禮, ký hiệu VHv.271 là bản chép tay, chữ Hành Khải, khó đọc. Sách gồm 49 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 25 chữ, có chú giải dạng lưỡng cước. Sách gồm 1 Mục lục (2 trang, tờ 1a-1b), Bài tựa của Bảng nhãn Lê Quý Đôn (7 trang, 2a-5a), nêu rõ nguyên do biên soạn, không ghi năm; phần còn lại là nội dung sách, gồm: cách thức để tang những người thân thuộc, nghi lễ đám tang (tống táng, tế lễ, văn tế, …) và một số bài văn tế bằng chữ Nôm.

     – Toán học đề uẩn 算學題薀được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm với ký hiệu A.156. Nội dung sách đề cập đến các vấn đề: dạy cách cân đo, tính toán, bình phương, lập phương, cách tính thể tích, cách lấy mẫu cột nhà, xà nhà, nóc nhà; hình vẽ các loại ruộng đất, mẫu nóc nhà, xà nhà; các quy định của triều đình về thuế khóa, ruộng đất, thóc gạo, lương bổng.

     2.6. Một vài nhận xét

     – Các tác phẩm được viết nghiêm túc, cẩn trọng, đáng tin cậy về các thông tin đưa ra.

     – Nội dung bao quát hầu như tất cả các lĩnh vực khoa học: văn, sử, triết, ngôn ngữ, thiên văn, địa lý, toán học, giáo dục, thư mục, kinh tế, chính trị, ngoại giao, nghệ thuật, bói toán,…

     – Hình thức đa dạng, phong phú: có sáng tác, biên tập, chủ giải, bút ký đọc sách, khảo sát thực địa, ghi chép tổng hợp, thơ, văn, biện luận, dịch, văn sách, kinh nghĩa,…

     – Chữ viết chủ yếu dùng chữ Hán nhưng cũng có một số xen kẽ chữ Nôm và có một văn bản viết riêng bằng chữ Nôm. Đặc biệt, ông là người đầu tiên dùng chữ Nôm trong các văn bản hành chính (bài Khải trong Bắc sứ thông lục).

     – Kết cấu các sách chặt chẽ, hoàn chỉnh, đa phần các tác phẩm có bài tựa (của chính tác giảvà một số nhân vật nổi tiếng) nói rõ mục đích soạn sách, phương pháp biên soạn, giá trị của sách, một số sách có mục lục chi tiết, một số sách có bài bạt. Phần ghi ngày tháng, niên hiệu thường đầy đủ, rõ ràng (những trước tác soạn khi đi sứ thường ghi đầy đủ cả niên hiệu hai nước Đại Thanh và Đại Việt, có chỗ ghi cụ thể đến từng ngày), tiện cho việc tra cứu và xác định niên đại.

     – Về truyền bản, các sách được lưu giữ tại kho sách Viện nghiên cứu Hán Nôm chủ yếu là bản chép tay, đa phần viết theo lối chữ Khải, dễ đọc, một số bản khắc in (chủ yếu là các bản kinh). Một số bản còn ởdạng tồn nghi, vì có chép thêm phần của thời sau (như Thái Ất dị giản lục có cả phần ghi chép vềnhững năm thuộc niên hiệu Gia Long, Thành Thái; Đông Hồ huyện công tổng đình thần tích có bài dẫn viết năm Tự Đức 15 (1862) hoặc không ghi rõ người biên soạn (Lê triều công thần liệt truyện, Ca trù các điệu, Đông Hồ huyện công tổng đình thần tích, Toán học đề uẩn) hoặc không ghi rõ năm biên soạn (Lê Quý Đôn gia lễ).

3. Kết luận

     Trước tác của Lê Quý Đôn (đặc biệt là những tác phẩm lớn) đã được nhiều học giả dịch thuật, nghiên cứu. Tuy nhiên, theo như khảo cứu của chúng tôi, vẫn còn nhiều tác phẩm chưa được khai thác hoặc nghiên cứu một cách toàn diện, triệt để. Mong rằng, những giới thiệu sơ bộ của chúng tôi sẽ là những gợi ý để các học giả tiếp tục khai thác và nghiên cứu sâu hơn về những trước tác quý giá này của Lê Quý Đôn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) và Học viện Viễn đông bác cổ (Paris)(1993). Di sản Hán Nôm Việt Nam –Thư mục đề yếu. Nxb. Khoa học xã hội.

     2.Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Âm chất văn chú《陰騭文註》.AC.30.

     3.Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Bắc sứ thông lục《北使通錄》.A.179.

     4.Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Ca trù các điệu《歌籌各調》.VNb.15.

     5. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Dịch phu tùng thuyết《易膚叢說》.AC.189.

     6. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Đại Việt thông sử《大越通史》.A.1389.

     7. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Đông Hồ huyện công tổng đình thần tích《東湖縣公總亭神跡》.A.817.

     8. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Kiến văn tiểu lục《見聞小錄》.A.32.

     9. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Kim Quang Minh Tối Thắng Vương kinh《金光明最勝王經》.AC.457.

     10. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Lê Quý Đôn gia lễ《黎貴惇家禮》.VHv.271.

     11.Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Lê triều Cảnh Hưng lũy quan công thần nhất vị Đại vương phả lục《黎朝景興累官功臣一位大王譜錄》.A.762.

     12.Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Lê triều công thần liệt truyện《黎朝功臣列傳》.VHv.1295.

     13. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Phủ biên tạp lục《撫邊雜錄》.A.184.

     14. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Quần thư khảo biện《群書考辨》.A.1872.

     15. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Quế Đường thi vựng tuyển toàn tập《桂堂詩彙選全集》.VHv.2341.

     16. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Quốc văn tùng ký《國文叢記》.AB.383.

     17. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Thái Ất dị giản lục《太乙易簡錄》.A.919.

     18.Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Thánh mô hiền phạm lục《聖謨賢范錄》.A.846.

     19. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Thư Kinh diễn nghĩa《書經演義》.A.1251.

     20. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Toàn Việt thi lục《全越詩錄》.A.1262.

     21. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Toán học đề uẩn《算學題薀》.A.156.

     22. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Tứ thư ước giải《四書約解》.AB.270.

     23. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (nd). Vân Đài loại ngữ《雲薹類語》.A.14

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Số 71/Tháng 4(2023)

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Trước tác của Lê Quý Đôn (Tác giả: Trịnh Ngọc Ánh)