Từ kịch bản văn học đến vở diễn sân khấu

FROM A SCRIPT TO A PLAY

Tác giả bài viết: Đạo diễn  DƯƠNG ANH TUẤN
(Trưởng Bộ môn Sân khấu, Trường Đại học Văn hóa,
Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
)

TÓM TẮT

     Nghệ thuật sân khấu là bộ môn nghệ thuật tổng hợp, bao gồm các bộ môn nghệ thuật khác tham gia: văn học, mỹ thuật, âm nhạc, múa… Tất cả các bộ môn nghệ thuật khi tham gia vào vở diễn đều phải tuân thủ theo quy luật của sân khấu. Trong đó kịch bản văn học là khâu đầu tiên cực kỳ quan trọng, nếu không có nó thì đạo diễn và diễn viên sẽ không có việc để dàn dựng và biểu diễn, nhà hát sẽ không hoạt động. Từ kịch bản văn học đến vở diễn sân khấu, phải qua bàn tay nhào nặn của người đạo diễn, sự thể hiện các nhân vật của diễn viên và sự cộng tác của họa sĩ, nhạc sĩ, kỹ thuật viên mới trở thành một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh.

ABSTRACT

     Theatrical Art includes other arts: literature, art, music, dance… . In a play, those arts must follow the rules of the theatrical art. The script is a very important part because without it, director and actors/actresses have nothing to do. Thus, not only director, actors/actresses but also artists, musicians and technicians have to work together to make a script become a perfect play.

x
x x

     Kịch bản văn học, nếu chưa được dàn dựng để diễn trên sân khấu mới chỉ có giá trị như một tác phẩm văn học. Người ta đọc nó như một thể loại ưa thích như đọc truyện, đọc tiểu thuyết… Giá trị văn học kịch cũng chỉ tồn tại trong óc tưởng tượng của người đọc, chưa thể trở thành tác phẩm sân khấu. Từ kịch bản văn học chuyển sang hình thức vở diễn là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật, đòi hỏi sự tham gia của nhiều người, nhiều bộ môn nghệ thuật khác vào vở diễn.

     Jac-Cơ-Cô-Pô (nhà nghiên cứu sân khấu Pháp) coi quá trình chuyển đó là “Từ cuộc sống tinh thần, tiềm ẩn của văn học sang cuộc sống hiện tại, cảm xúc và cụ thể của sân khấu” [1, tr. 7]. Bước chuyển của quá trình đó được giao cho đạo diễn là người tổng chỉ huy, có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức cả một tập thể nhà hát, cũng giống như nhà chỉ huy âm nhạc – nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc, với sự hợp tác của các nhạc công, làm sống dậy bản tổng phổ, mà nếu không có anh ta và các nhạc công thì tác phẩm âm nhạc mãi mãi “nằm chết” trên trang giấy.

     Nếu tác giả là người sáng tác ra kịch bản văn học, thì người đạo diễn là tác giả thứ hai – sáng tạo ra vở diễn sân khấu. Điều đó có thể giải thích ở cảm hứng sáng tác giữa tác giả và đạo diễn có chỗ giống nhau và cũng có chỗ khác nhau. Đạo diễn sáng tạo có phần gò bó hơn tác giả kịch bản, nếu nguồn cảm hứng của tác giả là từ cuộc đời, cuộc sống, thì nguồn cảm hứng của đạo diễn là từ kịch bản mà anh ta chọn dựng. Nếu công việc sáng tạo chỉ liên quan đến một người là tác giả, thì công việc của đạo diễn lại liên quan đến nhiều người như: họa sĩ tham gia thiết kế mỹ thuật sân khấu, thiết kế phục trang, hóa trang, ánh sáng; nhạc sĩ viết nhạc cho vở diễn; biên đạo múa hướng dẫn tập những cảnh múa; các kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng, hậu đài… Trong đó, đạo diễn chủ yếu là làm việc với diễn viên, vì chính họ mới là phương tiện sáng tạo, là ngôn ngữ chính mà người đạo diễn sử dụng trong công việc dàn dựng.

     Khi làm việc với diễn viên muốn có hiệu quả, muốn thuyết phục được các diễn viên trong nhà hát, thì đạo diễn phải chuẩn bị cho mình một hành trang thật đầy đủ về kiến thức và kinh nghiệm sống, hiểu biết chuyên sâu về nghề, làm việc có phương pháp, có hệ thống kỹ năng về nghề và các thủ pháp sáng tạo đạo d iễ n . Càng đi xa, người du khách càng phải chuẩn bị hành trang thật đầy đủ, người đạo diễn cũng vậy “Con đường từ kịch bản đến vở diễn” chính là cung cấp cho đạo diễn những hành trang cần thiết đó.

     Điều trước tiên, đạo diễn tiếp cận với kịch bản, dành thời gian đọc từ đầu đến cuối vở, ghi lại những ấn tượng, cảm xúc mà kịch bản đem lại, cũng giống như lần đầu tiên ta gặp một người nào đó đã để lại trong ta một ấn tượng về con người ấy khiến ta nhớ mãi. Cái ấn tượng đó, cảm giác ban đầu đó khá chính xác – trong nghề đạo diễn gọi là “Thị tượng”. Nghĩa là, người đạo diễn nhìn thấy vở diễn tương lai mặc dù còn chưa rõ nét, tiếp tục nghiên cứu sâu nhiều tầng, nhiều lớp trong kịch bản mà nhà văn đã dày công xây dựng để tìm cho ra phong cách viết, các thủ pháp nghệ thuật được nhà văn sử dụng: tính chất biểu tượng, khoa trương, phóng đại, ẩn dụ cũng như cách nhìn, cách đánh giá các hiện tượng, từ đó xác định ra thể loại: bi kịch hay hài kịch; chính kịch hay kịch tâm lý xã h ộ i. và cũng từ sự tìm tòi đó để tìm cho được chiếc “chìa khóa” mở ra cánh cửa sáng tạo.

     Qua tìm hiểu và nghiên cứu thì kịch bản Hamlet của đại thi hào Sêchx-pia đã được hàng trăm nhà hát trên thế giới dàn dựng và công diễn. Ở Việt Nam cách đây mười năm kịch bản này cũng đã được dàn dựng và công diễn trên sân khấu Nhà hát kịch Hà Nội. Gần đây (tháng 6/2015), Nhà hát kịch Việt Nam lại dàn dựng theo một phong cách mới, đạo diễn đã rút gọn kịch bản từ bốn giờ đồng hồ xuống còn hơn hai giờ, và đã Việt Nam hóa theo cách cảm, cách nghĩ của người xem mà vẫn giữ được cái thần của kịch bản. Đạo diễn đã mạnh dạn đưa trò múa dân gian Xuân Phả của xứ Thanh vào vở diễn.

     Rõ ràng, chúng ta thấy cùng một kịch bản nhưng mỗi đạo diễn lại khai thác chủ đề khác nhau, dàn dựng theo từng phong cách khác nhau sao cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, cuộc sống của người dân trong từng thời kỳ, hơi thở của thời đại, mà vẫn giữ được cái thần thái của kịch bản.

     Sinh thời văn hào Gooc-ky đi xem một buổi diễn kịch do Nhà hát nghệ thuật Matx-cơ-va biểu diễn, vở kịch “Quán vắng”. Sau khi xem xong, ông đã thốt lên: “Chà! Hay thật”.

     Tất nhiên không phải ông ngạc nhiên khen ngợi vở kịch mình sáng tác, mà là ông khen ngợi sự sáng tạo của đạo diễn và diễn xuất của diễn viên và các thành viên tham gia vào vở diễn.

     Qua đây, chúng ta thấy một điều là kịch bản văn học do nhà văn viết mới ở dạng văn tự, tư duy của nhà văn mang tính hình tượng văn học, còn tư duy của đạo diễn là tư duy hình tượng sân khấu, chỉ khi nào vở kịch được trình diễn trước công chúng thì vở kịch – tác phẩm đó mới được coi là hoàn chỉnh.

     Sân khấu kịch hát dân tộc Việt Nam cũng để lại cho chúng ta những kịch bản tiêu biểu. Trong chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”, trích đoạn “Việc làng” chỉ có ba nhân vật: xã trưởng, đồ điếc và Làng (Làng là nhân vật chung chung, chỉ những người có chức sắc trong làng), nhưng khi nghiên cứu để dàn dựng, đạo diễn Trần Bảng đã cụ thể vai Làng là Hương câm và thầy bói mù. Trích đoạn đã trở thành điểm nhấn, mang tính tư tưởng của vở kịch. Trích đoạn “Việc làng” là một trích đoạn hay trong vở, rất xôm trò, cười ra nước mắt mà cũng đau đến “bầm gan tím ruột”. Qua dàn dựng, đạo diễn muốn gửi một thông điệp đến với người xem: Những kẻ có chức sắc trong làng được coi là tiên chỉ nhưng lại câm, điếc, mù, và tham lam, dâm đãng như xã trưởng thì những người nông dân như Mẹ Đốp, Thị Kính, Thị Mầu trở thành nạn nhân của cái chế độ phong kiến thối nát ấy. Do hạn chế về mặt xã hội nên trước kia người đời coi nhân vật Thị Mầu là “con đĩ”, coi nhân vật Súy Vân trong vở chèo “Kim Nham” là “trốn Chúa, lộn chồng”. Thì với cách nhìn tiến bộ của người nghệ sĩ dưới chế độ XHCN đã xây dựng các nhân vật đó tươi đẹp hơn, trở thành những nhân vật điển hình: Bứt phá, đạp đổ, khát vọng yêu đương “là cái tát vào chế độ phong kiến” [4, tr. 82].

     Ngoài công tác dàn dựng của đạo diễn thì việc sáng tạo vai diễn của người diễn viên hết sức quan trọng, cũng có thể ví diễn viên như cầu thủ trong đội bóng đá, người đưa ra đấu pháp, chiến thuật cho trận đấu là huấn luyện viên, người thực hiện, tỏa sáng trên sân cỏ là cầu thủ, một tập thể gắn kết và sáng tạo. Bằng phương tiện – con người anh ta, với giọng hát, tiếng nói của mình, bằng ngôn ngữ hành động người diễn viên hóa thân vào nhân vật một cách sáng tạo. Cùng một nhân vật Hamlet, nhưng mỗi diễn viên của mỗi nhà hát, của mỗi nước lại có cách thể hiện khác nhau. Cùng nhân vật Thị Mầu, Mẹ Đốp, Súy Vân mỗi chiếng chèo, mỗi nhà hát cũng có cách thể hiện riêng biệt.

     Qua đây có thể thêm một lần nữa khẳng định: Nghệ thuật sân khấu là nghệ thuật của hành động – trò diễn, thông qua trò diễn để làm sáng tỏ chủ đề, tư tưởng của vở diễn. Vở diễn có thành công hay không, đúng ý đồ – phương án của đạo diễn hay không còn phải kể đến sự góp sức của họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho sân khấu; nhạc sĩ sáng tác âm nhạc cho vở; biên đạo múa; kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng, hậu đài…

     Các bộ môn nghệ thuật khác: mỹ thuật, âm nhạc, m ú a . khi đứng riêng rẽ là những bộ môn nghệ thuật độc lập tự do lấy cảm hứng từ cuộc sống để sáng tác, khi tham gia vào sân khấu thì phải tuân thủ theo quy luật của sân khấu và chịu sự chỉ đạo của đạo diễn sân khấu. Chúng ta đều biết, nghệ thuật sân khấu là bộ môn nghệ thuật tổng hợp, lấy diễn viên làm trung tâm, cảnh trí được họa sĩ kiến tạo nên không gian từng cảnh, từng màn cũng phải tạo ra điểm tựa, tạo ra đất cho người diễn viên diễn. Có những cảnh được họa sĩ sáng tạo để lại dấu ấn trong lòng người xem như trích đoạn “Việc làng”, họa sĩ vẽ trên phông hậu một cái tháp chùa nghiêng như sắp đổ, qua đó thể hiện sự mục ruỗng, suy tàn của chế độ phong kiến. Trong trích đoạn “Súy Vân giả dại” họa sĩ vẽ con chuồn chuồn ớt bị sa vào cái mạng nhện, để nói lên thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến bị bủa vây, không lối th o át. Bên cạnh đó là sự sáng tạo của nhạc sĩ, viết nên những bản nhạc hào hùng gây không khí cho vở, có lúc là những nét nhạc tâm trạng của nhân vật hay tạo ra âm thanh đột biến trong từng tình huống kịch. Những cảnh múa được biên đạo dàn tập giúp đạo diễn vừa nên thơ lại vừa hiệu quả, thay cho lớp diễn không lời, có lớp diễn đạo diễn chưa tìm ra cách thể hiện, thì múa lại giải quyết một cách dễ dàng, tô điểm đẹp thêm cho vở diễn. Thế nhưng, cũng có đạo diễn của một đoàn A, không biết xử lý múa vào một lớp diễn, đáng ra phải có, như một lớp diễn: Thanh niên xung phong xẻ núi mở đường cho đoàn xe vận chuyển lương thực, đạn dược vào chiến trường, đạo diễn cho sử dụng bằng cuốc xẻng thật và mọi người xúc, cu ố c. trên sàn gỗ sân khấu. Cũng lớp diễn ấy, đạo diễn đoàn B lại sử dụng tạo hình – múa, đem lại cho người xem sự thích thú về cảm quan thẩm mỹ. Chúng ta nên nhớ rằng dù sân khấu có hiện đại đến đâu cũng không thể so sánh được với điện ảnh và truyền hình, vì sân khấu mang tính biểu trưng, ước lệ.

     Ngoài các thành phần tham gia vào vở diễn đã đề cập ở trên thì bộ phận kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng, hậu đài cũng rất quan trọng, họ góp sức vào sự sáng tạo chung của vở diễn. Sân khấu ngày nay đòi hỏi phải có kỹ sư âm thanh, kỹ sư ánh sáng, có tay nghề lại hiểu biết nghệ thuật để giúp đạo diễn thực hiện hết những ý định sáng tạo của mình.

     Từ kịch bản văn học đến vở diễn là một quá trình lao động nghệ thuật vất vả, lao tâm, khổ tứ, “thổ tận can tràng” của những người làm sân khấu – vở diễn, chỉ mưu cầu là được phục vụ khán giả, đem lại cho người xem đương thời một ý nghĩa về mặt xã hội, một cảm quan về nghệ thuật sân khấu, một nỗi niềm mà người xem mong đợi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] . Trần Minh Ngọc (1993), Cơ sở lý luận và kỹ thuật đạo diễn, Nxb Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.

     [2] . Lý Thúc Ty (1962), Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu, Nxb Văn hóa Nghệ thuật.

     [3] . Hà Văn Cầu (sưu tầm 1976), Tuyển tập chèo cổ, Nxb Văn hóa.

     [4] . Trần Bảng (1972), Phấn đấu cho một nền sân khấu hiện thực xã hội chủ nghĩa, tập 2, Nxb Viện Nghệ thuật, Bộ Văn hóa.

Nguồn: TRAO ĐỔI – NGHIÊN CỨU

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Từ kịch bản văn học đến vở diễn sân khấu (Tác giả: Đạo diễn Dương Anh Tuấn)