Tước chế thời Lê sơ (Phần 1)
Tác giả bài viết: Thạc sĩ PHẠM HOÀNG MẠNH HÀ
(Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
1. Mở đầu
Thời Lê sơ nói riêng và vương triều Hậu Lê nói chung đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà sử học, chính trị, văn học, văn hóa… Các vấn đề như: khởi nghĩa Lam Sơn, “thể chế lưỡng đầu”, giáo dục – khoa cử, chính trị, hệ thống quan chức… các nhân vật như Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông… đã được các nhà nghiên cứu tìm hiểu dưới nhiều góc độ. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu riêng về tước vị. Hệ thống tước vị thời Lê sơ mới chỉ được đề cập rải rác trong các bộ quốc sử, các công trình sử học và nghiên cứu sử học hiện đại, tiêu biểu là các công trình, bài viết sau:
Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng khảo cứu về ba vấn đề: Thiên văn, Địa lý, và Quan chế trong lịch sử dân tộc (Đặng Xuân Bảng 1997). Tổ chức bộ máy Nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 939 đến năm 1884) (Nguyễn Minh Tường 2015) cũng dành dung lượng đáng kể để tìm hiểu về Cách tuyển bổ quan lại và lệ phong tước. Trong phạm vi hẹp – triều Lê Thánh Tông, tước phong được đề cập tương đối kỹ lưỡng trong cuốn Tổ chức chính quyền trung ương dưới triều Lê Thánh Tông (1460 – 1497) (Lê Kim Ngân 1963). Việc phong tước được tác giả nhìn nhận như là một thành tố cấu thành nhân sự chính quyền trung ương đương thời và làm sáng tỏ nhiều vấn đề về tước phong và lệ phong tước đối với quan văn cũng như quan võ dưới triều Lê Thánh Tông như lệ truy phong, lệ ấm phong, lệ nộp tiền để được phong quan tước, chế độ lộc điền, quân điền, hưu trí của quan lại…
Ở góc độ cá nhân, không ít nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về chức, tước Nguyễn Trãi – một trong những công thần của nhà Lê sơ. Đáng kể là bài viết Những chức tước của Nguyễn Trãi trong cuộc đời tận tụy vì nước vì dân của ông (Ngô Thế Long 1980) và Chức quan của Nguyễn Trãi và vị thế của ông trong triều đình nhà Lê (Đinh Khắc Thuân 2002) – đây là những nghiên cứu rất chuyên sâu về chức, tước dưới góc độ một nhân vật. Tước phong thời Lê sơ còn được nhìn nhận như một đối trọng để so sánh trong bài viết Hệ thống quan chức, phẩm trật của Nguyễn Trọng Thường (Nguyễn Đức Nhuệ 2017). Tác giả đã làm sáng tỏ quan chức, phẩm trật của một nhân vật sinh năm 1681 qua các đạo sắc phong chức và liên hệ với định chế tước phong thời Lê Thánh Tông để giải thích các bậc thông tư.
Bài viết này góp phần tìm hiểu tước phong thời Lê sơ dưới các góc độ hệ thống tước vị và định chế phong tước.
2. Các loại hình tước/hiệu điển hình
Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, ít nhất đã xuất hiện ba loại hình tước hiệu.
Thứ nhất là chức/tước của người đứng đầu nước Đại Việt qua Sắc phong của hoàng đế Trung Hoa: Năm 993, nhà Tống phong Lê Hoàn làm Giao Chỉ Quận Vương, năm 997 lại phong làm Nam Bình Vương; năm 1010, Lý Thái Tổ được phong Giao Chỉ Quận Vương; năm 1261, vua Mông Cổ phong vua Trần Thánh Tông làm An Nam Vương, năm 1403, nhà Minh phong Hồ Hán Thương làm An Nam Quốc Vương; năm 1789 nhà Thanh phong vua Quang Trung làm An Nam Quốc Vương… Thời Lê sơ, theo Minh thực lục thì người đứng đầu nhà nước Trung Hoa đã sắc phong cho vua Đại Việt các chức/tước bao gồm: Quyền An Nam Quốc Sự (trông coi công việc ở An Nam), An Nam Quốc Vương (Vua An Nam) (Hồ Bạch Thảo 2010a; Hồ Bạch Thảo 2010b).
Thứ hai là tước vị mang tính xưng hiệu (tước xưng) như: Thân Lợi nổi dậy năm Canh Thân (1140), và đến đầu năm 1141 xưng là Nam Bình Vương; Nguyễn Nộn – nổi dậy năm Canh Thìn (1220), xưng là Hoài Đạo Vương; Nguyễn Kỵ – nổi dậy năm Kỷ Tỵ (1389) xưng là Lỗ Vương Điền Kỵ; Nguyễn Sư Cối xưng vương thời thuộc Minh, cuộc khởi nghĩa của ông bị Trương Phụ dập tắt năm 1410. Thậm chí, ngay cả Lê Lợi, sau khi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn đã xưng vương thì Bình Định Vương thực chất cũng chỉ là xưng hiệu. Ngoài ra, sau khi Lê Thái Tổ lên ngôi vẫn chứng kiến hiện tượng lãnh đạo các cuộc nổi dậy tự xưng vương hiệu, đế hiệu. Chẳng hạn như sự kiện tháng 11 năm Kỷ Tỵ niên hiệu Đoan Khánh thứ năm (năm 1509), Giản Tu Công đã trá xưng là Cẩm Giang Vương (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên 1993: 528). Cẩm Giang Vương – trên thực tế không phải tước phong của Hoàng đế nhà Lê.
Không chỉ xưng “vương”, “đế”, nhiều cá nhân khi nổi loạn, cát cứ còn xưng Công (và các xưng hiệu khác. Ở sự kiện loại mười hai sứ quân diễn ra thế kỷ 10, Ngô Nhật Khánh xưng là Ngô Lãm công, Đỗ Cảnh Thạc xưng là Đỗ Cảnh Công, Lý Khuê xưng là Lý Lãng Công, Nguyễn Thủ Tiệp xưng là Nguyễn Lệnh Công… (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên 1993: 54).
Loại hình thứ ba là những tước vị được người đứng đầu nhà nước quân chủ phong cho hoàng tử, quan lại, quý tộc – tước phong, khởi đầu bằng sự kiện vua Đinh phong tước Định Quốc Công cho Nguyễn Bặc, phong Vương tước cho hoàng tử (Nam Việt Vương Đinh Liễn, Vệ Vương Đinh Toàn). Đây chính là đối tượng tìm hiểu của chúng tôi, phạm vi khảo cứu từ sau khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (1428) đến năm 1527 – đúng 100 năm với 10 vị Hoàng đế thuộc 6 thế hệ.
3. Đối tượng, tiêu chí ban phong
Qua nhiều nguồn tư liệu, chúng ta biết rằng tước vị là một ân điển của người đứng đầu một nhà nước, ban phong cho hoàng tông, trọng thần dựa trên tiêu chí huyết thống hoặc công lao, căn cứ vào tước vị có thể xác định đẳng cấp, vị thế của người được vinh phong. Dưới thời Lê sơ, việc phong tước được áp dụng cho những đối tượng sau:
Nhóm đối tượng hoàng tộc: Tước phong được dựa trên tiêu chí quan hệ huyết thống (Nguyễn Minh Tường 2015: 626), theo nguyên tắc huyết thống càng “cận” thì tước càng cao, trực hệ bề trên (cha, ông) được truy phong “đế”, trực hệ bề dưới (con, cháu) được phong Vương – Công – Hầu – Bá – Tử – Nam (giảm dần theo thế thứ dòng họ). Ở đợt ban phong tháng 2 năm 1428, hai hoàng tử: Lê Tư Tề và Lê Nguyên Long đã được ban tước Quận Công (lần lượt là Khai Quận Công và Lương Quận Công). Năm Thuận Thiên thứ hai (năm 1429), Lê Thái Tổ lập Hữu tướng quốc Khai Quận Công Tư Tề làm Quốc Vương, giúp coi việc nước, lập Lương Quận Công Nguyên Long làm Hoàng thái tử. Đến giai đoạn trị vì của Lê Thánh Tông, lệ phong tước cho người hoàng tộc còn được áp dụng cho tất cả những đối tượng trực hệ bậc dưới, lần lượt là Hoàng tử, Thế tử, Hoàng Thái tử, Hoàng Thái tôn, Công chúa, Thân Công chúa, con trưởng của Thân Công chúa… Hoàng tộc nhà Lê luôn được ban phong tước vị cao nhất.
Công thần dựng vương triều (công thần khai quốc) hoặc trung hưng vương triều (công thần trung hưng): được ban phong theo thể thức thống kê, phân định công lao, không phân biệt thân phận, tuổi tác, công càng cao, tước càng trọng.
Ở triều đại Lê Thái Tổ, công thần dựng vương triều là những người theo Lê Lợi từ buổi đầu dựng nghiệp và có đóng góp lớn lao trong thành công của khởi nghĩa Lam Sơn, số lượng khá đông đảo, bộ quốc sử của nhà Lê cho biết: Tháng 2 (năm 1428), định các mức khen thưởng cho những hỏa thủ và quân nhân của quân Thiết đột có công lao siêng năng khó nhọc ở Lũng Nhai gồm 121 người… (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên 1993: 351). Cuộc binh biến lật đổ Lê Nghi Dân ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn 1460 được thực hiện bởi những công thần trung hưng như Nguyễn Xí, Đinh Liệt (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên 1993: 424). Tương tự như vậy, quá trình lên ngôi của vị Hoàng đế thứ chín nhà Lê sơ (Lê Tương Dực) cũng trải qua nhiều binh biến chính trị. Tháng 12 năm 1509, Lê Oanh tự lập Hoàng đế, lấy niên hiệu là Hồng Thuận. Các tướng lĩnh hưởng ứng cuộc khởi binh của Lê Tương Dực được ghi công đầu và ban thưởng rất hậu.
Công thần tạo dựng/trung hưng vương triều được phong tước rất cao, có thể là cao nhất trong hệ thống tước vị. Thời Lê Thái Tổ là tước Trí tự (Thượng trí tự ban cho 52 người, Đại trí tự được ban cho 72 người, Trí tự ban được cho 94 người). Giai đoạn trị vì của Lê Thánh Tông là các tước Quận Công, Hầu. Lê Tương Dực sau khi lên ngôi đã gia phong cho “những người ứng nghĩa” từ Quận Công lên tước Quốc Công, và ban cho các tước vị: Hầu, Bá: Nghĩa Quận Công Nguyễn Văn Lang được thăng tước Nghĩa Quốc Công; gia phong Thiệu Quận Công Lê Quảng Độ là Thiệu Quốc Công, Lượng Quốc Công Lê Phụ làm Thượng Quốc Công, Uy Quận Công Lê Bá Lân làm Uy Quốc Công, Hộ bộ thượng thư Trịnh Duy Đại làm Văn Quận Công… (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên 1993: 530).
Với quan lại đương triều: Tước vị được xem như một trong những tiêu chí phân cấp, vẫn dựa trên nguyên lý công cao – tước trọng, tước ban lần sau cao hơn lần trước. Trong một số trường hợp, tước vị được sử dụng để ban thưởng đại trà cho quan lại “thâm niên, siêng năng, tài cán” (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên 1993: 380) hoặc nhân một sự kiện quan trọng của triều đình, quốc gia như ghi chép của sử gia Ngô Sĩ Liên: Lê Lợi về bái yết sơn lăng, các tướng và quân nhân theo hầu đều được thăng “mỗi người 1 tước bậc”.
Quan lại về hàng cũng được ban phong tước vị. Năm 1439, Lê Thái Tông ban cho Đạo Miện châu Nam Mã tước Minh tự. Trước đó, tháng 11 năm 1434, con trai của Đèo Cát Hãn (châu Phục Lễ) là Đèo Mạnh Vượng về hàng được ban tước Quan Phục Hầu.
Người đứng đầu nhà Lê sơ còn áp dụng hình thức truy ban/truy phong (ban tước cho người đã khuất). Quý tộc, quan lại sau khi qua đời nếu có công lớn sẽ được thăng tước thí dụ như Lê Lễ được truy ban tước Hương Hầu.
4. Hệ thống tước phong
Trên cơ sở những tiêu chí đã được ấn định, các vị Hoàng đế nhà Lê sơ đã tiến hành ban phong những tước vị sau:
Tước Đại Vương: đặc điểm của tước phong này là truy ban cho người đã mất (không tham gia vào bộ máy chính trị đương thời). Thời Lê sơ, Lê Thạch được phong Trung Vũ Đại Vương, Đình Thượng Hầu Lê Khôi sau khi qua đời được vua Lê Thánh Tông truy phong tước Chiêu Trưng Đại Vương (năm 1464).
Tước Vương: chỉ được ban phong cho người hoàng tộc, thậm chí phải là trực hệ bề dưới của Hoàng đế.
Thời kỳ đầu, Hoàng tử nhà Lê sơ chỉ được phong tước Quận Công (Lương Quận Công, Khai Quận Công). Đây dường như là đặc điểm của một vương triều mới được tạo dựng khi mà vai trò của các văn thần, võ tướng còn rất lớn nên Lê Thái Tổ đề cao “công thần” hơn “hoàng tộc”. Phải đến khi nhà Lê sơ đi vào ổn định thì yếu tố “hoàng tộc” mới được chú trọng. Người đầu tiên được phong Vương dưới thời Lê sơ là Hoàng tử trưởng của Lê Thái Tổ. Sự kiện này được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư và các bộ sử, chí… sau này đều cho những thông tin khá thống nhất: Năm 1429, ngày mùng 7 tháng Giêng, Lê Thái Tổ “sai Nhập nội kiểm hiệu bình chương sự Lê Vấn, Nhập nội đại tư mã Lê Ngân, Nhập nội thiếu phó Lê Văn Linh mang kim sách lập Hữu tướng quốc Khai Quận Công Tư Tề làm Quốc Vương(1), giúp coi việc nước” (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên 1993: 355).
Bước sang giai đoạn trị vì của Lê Nguyên Long thì định chế phong Vương cho người hoàng tộc từng bước được hoàn chỉnh. Sau khi lập rồi phế Nghi Dân, tháng 11 năm 1441, Lê Thái Tông lập Bang Cơ làm Hoàng thái tử và phong Nghi Dân tước Lạng Sơn Vương, phong hoàng tử Khắc Xương phong làm Tân Bình Vương (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên 1993: 397). Đây có thể xem là sự kiện đặt nền móng cho định chế phong Vương cho người hoàng tộc dưới thời Lê sơ. Kể từ thời Lê Thái Tông trở về sau, tất cả hoàng tử của nhà Lê sơ đều được phong tước Vương. Khác biệt căn bản so với thời Lê Thái Tổ là hoàng thân quốc thích lập tức được phong tước vị Vương chứ không phải trải qua tước Công (thăng tước).
Đến niên hiệu Quang Thuận, sau sự kiện Lê Thánh Tông xưng Quốc hoàng, định chế phong Vương cho hoàng thân, quốc thích được văn bản hóa. Ngày 26 tháng 9 năm 1470, Hoàng đế Lê Thánh Tông hiệu định Hoàng triều quan chế. Việc phong Vương (tước) cho hoàng tộc tuân theo tiêu chí: Hoàng tử được phong thân vương, lấy phủ làm hiệu như phủ Kiến Hưng thì hiệu là Kiến Vương. Thế tử (con của Hoàng tử) được phong Thân Tự Vương(2), lấy huyện làm hiệu, như huyện Hải Lăng thì hiệu là Hải Lăng Vương (Viện nghiên cứu Hán – Nôm 2006: 369)
Quan chế cho hoàng tộc cùng với những quy định, cải cách của Lê Thánh Tông trở thành chuẩn mực để các vương triều sau áp dụng.
Tước Công: thấp hơn tước Vương, thời Lê sơ, tước Công được chia thành hai hạng: Quốc Công và Quận Công (nhất đẳng nhị cấp) với những quy định nghiêm ngặt về đối tượng:
Tước Quốc Công: chỉ xuất hiện từ thời Lê Thánh Tông trở về sau với những định chế nghiêm ngặt về đối tượng, tước hiệu. Với người hoàng tộc thì các con của Hoàng thái tử và Thân Vương, dùng mỹ tự làm hiệu như Triệu Khang Công. Huân thần được phong Công tước phải là người “công to đức lớn”, lấy phủ, huyện làm hiệu, chỉ dùng một chữ: Thường Quốc Công – chữ “Thường” để chỉ phủ Thường Tín. Tuyên Quốc Công – chữ “Tuyên” tức phủ Tuyên Quang (Viện Nghiên cứu Hán – Nôm 2006: 369). Người được phong tước vị này thường có công rất lớn điển hình như Nghĩa Quốc Công Nguyễn Văn Lang, Thiệu Quốc Công Lê Quảng Độ, Uy Quốc Công Lê Bá Lân (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên 1993: 533) – những quan lại, tướng lĩnh phò tá Lê Tương Dực lên ngôi. Từ sau vương triều Lê Thánh Tông, các tiêu chí phong Quốc Công vẫn được duy trì, lấy định chế ban phong năm 1471 làm chuẩn mực.
Tước Quận Công: sau Khởi nghĩa Lam Sơn (tháng 2 năm 1428), tước vị này được dùng để ban cho Hoàng tử (Khai Quận Công Lê Tư Tề, Lương Quận Công Lê Nguyên Long). Trải suốt ba triều đại sau (Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân) lệ này vẫn được duy trì và phải đến niên hiệu Quang Thuận, vua Lê Thánh Tông mới ban phong Quận Công cho một số bề tôi có công lớn trong việc đưa Lê Tư Thành lên ngôi: Quỳ Quận Công Nguyễn Xí, Lân Quận Công Đinh Liệt.
Như vậy có thể thấy, bước sang niên hiệu Quang Thuận, người đứng đầu nhà nước Lê sơ đã có những thay đổi nhất định trong định chế tước vị. Tước Quận Công là đặc quyền cho người hoàng tộc dưới thời Lê Thái Tổ, được duy trì suốt ba triều đại sau (Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân); về sau, Lê Thánh Tông dùng để vinh phong cho các công thần có đóng góp lớn trong việc khai mở niên hiệu. Tiến thêm một bước, năm 1470, Lê Thánh Tông ban Sắc dụ hiệu định Quan chế Hoàng triều, quy định: Với hoàng tộc, các con của Hoàng thái tử và Thân Vương, dùng mỹ tự làm hiệu như Triệu Khang công; quan lại được phong Quận Công phải có “công to đức lớn”, lấy phủ, huyện làm hiệu, chỉ dùng một chữ, ví dụ Sùng Quận Công, chữ “Sùng” tức huyện Sùng An (Viện Nghiên cứu Hán – Nôm 2006: 369).
Tước Hầu: Thời kỳ đầu, công thần, tướng sĩ có công lao trong Khởi nghĩa Lam Sơn đều được phong Hầu tước. Lê Thái Tổ chia quân nhân tham gia khởi nghĩa Lam Sơn thành 9 hạng công lao, tương đương với 9 cấp bậc của tước Hầu (một đẳng chín cấp): Huyện Thượng Hầu, Á Thượng Hầu, Hương Thượng Hầu, Đình Thượng Hầu, Huyện Hầu, Á Hầu, Quan Nội Hầu, Quan Phục Hầu, Thượng trí tự Trước phục Hầu (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên 1993: 357)(3).
Sau thời Lê Nghi Dân, dù không giữ tất cả 9 tên gọi này nhưng định chế phong Hầu bằng cách phân cấp vẫn được áp dụng. Quan lại nhà Lê sơ lật đổ Lê Nghi Dân đều được thăng hoặc ban tước Hầu, chúng ta biết được một số tước vị giai đoạn này: Á Quận Hầu (Nguyễn Xí, Đinh Liệt), Á Thượng Hầu (Lê Lăng), Đình Thượng Hầu (Lê Niệm), Á Hầu (Lê Nhân Thuận), Quan Nội Hầu (Lê Nhân Khoái), Quan Phục Hầu (Trịnh Văn Sái).
Đến thời Lê Thánh Tông, tước Hầu, ngoài công thần, quan lại còn được mở rộng cho cả người hoàng tộc và “luật hóa” thành tước phong cho trưởng nam của Tự Thân Vương và người có tước Công, phân biệt bằng hiệu. Hoàng tộc được phong Hầu tước lấy mỹ tự làm hiệu (Vĩnh Kiến Hầu), công thần, quan lại lấy xã làm hiệu (xã Nam Xương – hiệu Nam Xương Hầu) (Viện nghiên cứu Hán – Nôm 2006: 369-370).
Tước Bá: Tước phong dưới tước Hầu, không xuất hiện ở các triều đại trước Lê Thánh Tông. Năm 1970, người đứng đầu nhà nước quân chủ Đại Việt đặt ra những quy định cụ thể trong việc phong Bá tước, gồm hai đối tượng: quan lại lấy xã làm hiệu, dùng cả hai chữ (xã Diên Hà – tước Diên Hà Bá), người hoàng tộc lấy mỹ tự làm hiệu (Tĩnh Cung Bá), gồm các đối tượng: Hoàng thái tôn, các con của Tự Thân Vương, Tự thân công và con trưởng của Thân Công chúa (Viện Nghiên cứu Hán – Nôm 2006: 369-370).
Tước tử và tước nam: chỉ xuất hiện từ thời Lê Thánh Tông trở về sau, là tước phong tập ấm trong hoàng tộc. Vai trò của đối tượng được phong tử, nam rất nhạt nhòa, hầu như không xuất hiện trên vũ đài chính trị. Định chế phong tử, nam được quy định năm 1470, cụ thể như sau: Các con của Thân Công chúa, và con trưởng của người có tước “hầu”, tước “bá” được phong tử tước, lấy mỹ tự làm hiệu (ví dụ Diên Xương tử); con trưởng của Thân Công chúa được truy tặng và các con của tước “hầu”, tước “bá” được phong, lấy mỹ tự làm hiệu (ví dụ: Quảng Trạch nam) (Viện Nghiên cứu Hán – Nôm 2006: 369-370).
Tước (chữ): gồm có chữ Trí (Trí tự) và chữ Minh (Minh tự).
Tước Trí tự được áp dụng khá rộng rãi dưới triều vua Lê Thái Tổ, sau khi Khởi nghĩa Lam Sơn thành công, được chia làm ba hạng. Thượng trí tự: 52 người, Đại trí tự: 72 người và Trí tự: 94 người (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên 1993: 351).
Về tước phong này, hầu hết các nhà nghiên cứu đương đại đều khẳng định: Trí tự là tước nhưng không chứng minh hay đưa ra kiến giải cụ thể. Trong Sử học bị khảo, Đặng Xuân Bảng lại đưa ra luận điểm trái ngược: Trí tự là huân, đồng thời khẳng định: “Lê Quế Đường (tức Lê Quý Đôn) bảo Thượng trí tự là tước thì lầm”. Theo quan điểm này, Thượng trí tự Quan nội Hầu bao gồm Huân (Thượng trí tự) và Tước (Quan nội Hầu) (Đặng Xuân Bảng 1997: 595).
Chúng tôi cho rằng Trí tự là tước, căn cứ vào minh văn của Thụy Cung Vũ chi thạch bi. Tấm bia chất liệu đá ghi chép về nhân vật có tên thụy Cung Vũ (tức Lê Lộng) không chỉ cung cấp nhiều thông tin về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp với vương triều Lê sơ mà còn cho biết quá trình thăng tước của Lê Lộng: Cuối tháng 6 năm Ất Dậu niên hiệu Quang Thuận thứ 6 (1465) thăng chức Nhập nội kiểm hiệu Đại Đô đốc Bình chương sự. Lại được thăng Chưởng Nam đạo Đô đốc phủ, Tả Đô đốc, tước Thượng Trí tự. Từ tước Quan Nội Hầu nhiều lần gia phong đến Huyện Thượng Hầu, rồi đến Thượng Trí tự (Viện Nghiên cứu Hán – Nôm 2006: 336-340).
Nguyễn Trực đặt Quan Nội Hầu – Huyện Thượng Hầu – Thượng Trí tự trong “tương quan thăng tiến” (tự Quan nội Hầu lũy gia chí Huyện thượng Hầu, viết Thượng Trí tự) nên chúng phải tương đương về nội hàm, ý nghĩa (cùng là tước vị). Nếu Thượng Trí tự là huân như quan điểm của Đặng Xuân Bảng, đồng nghĩa Lê Lộng được thăng từ tước lên huân có lẽ chưa thuyết phục.
Và như vậy thì dưới triều Lê Thái Tổ đã xuất hiện hiện tượng song tước. Một cá nhân tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn sẽ được phong Hầu, nhưng nếu thuộc đối tượng “hỏa thủ và quân nhân của quân Thiết đột” sẽ được ban thêm tước Trí tự như các trường hợp Lê Khắc Phục, Lê Hài, Lê Khuê Tước được hưởng song tước: Thượng Trí tự – Trước phục Hầu.
Thời kỳ đầu, Trí tự là tước vị khá đặc biệt, chỉ dùng để ban phong cho quân đội trong Khởi nghĩa Lam Sơn mà ngay cả vương hầu, quý tộc cũng không được phong tặng. Tuy nhiên, đến các triều đại sau, tước Trí tự không còn là đặc quyền cho võ tướng nữa mà văn thần, nếu lập công lớn cũng có thể được phong Trí tự nhưng cũng rất hiếm hoi, dường như chỉ có hai trường hợp là Bùi Ư Đài (triều vua Lê Thái Tông) và Trình Thuấn Du (dưới thời vua Lê Nhân Tông).
Tước Minh tự: được Lê Thái Tông ban phong cho Đạo Miện châu Nam Mã năm 1439 với hàm ý khen ngợi sự “sáng suốt” của người đứng đầu vùng đất trước đây thuộc Ai Lao nhưng tình nguyện quy thuận Đại Việt (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên 1993: 375).
Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. / Thông báo khoa học 2019
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Kính mời Quý độc giả đón xem tiếp: Tước chế thời Lê sơ (Phần 2) – Tác giả: ThS. Phạm Hoàng Mạnh Hà — đang được cập nhật — |