Vài nét VĂN HOÁ trong VĂN HỌC DỊCH và SỰ TIẾP NHẬN CHÚNG trong THỜI KÌ HỘI NHẬP (qua cách chuyển dịch các đơn vị từ ngữ xưng hô trong tác phẩm Gone with the wind và Cuốn theo chiều gió)
TRẦN THỊ KIM TUYẾN
(NCS, Trường PTTH Phan Đăng Lưu, TP Hồ Chí Minh)
1. Dẫn nhập
Với sự phát triển nhanh chóng của con người và xã hội trong thời kì hội nhập hiện nay, vấn đề văn hoá là vấn đề vô cùng quan trọng trong hoạt động chuyển dịch từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến vài nét văn hoá được thể hiện trong cách chuyển dịch các đơn vị từ ngữ xưng hô giữa hai ngôn ngữ Anh – Việt qua tác phẩm Gone with the wind (tác giả Margaret Mitchell) và bản dịch Cuốn theo chiều gió (tác giả Vũ Kim Thư), nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề ngôn ngữ và văn hoá liên quan. Từ đó, rút ra những ứng dụng trong hoạt động chuyển dịch cũng như trong công tác giảng dạy cho người học tiếng.
2. Các khái niệm có liên quan
2.1. Khái niệm về xưng hô
Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê (chủ biên), 1994) “Xưng hô là tự xưng mình và gọi người khác là gì đó khi nói với nhau để biểu thị tính chất của mối quan hệ với nhau” (9, tr. 1124). Như vậy, khi tham gia giao tiếp, các nhân vật phải dùng từ xưng hô. Ngoài ra, khái niệm từ xưng hô đã được các tác giả khác như: Nguyễn Tài Cẩn, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Văn Chiến, Đỗ Thị Kim Liên,… đề cập đến nhiều.
Từ xưng hô là một lớp từ đặc biệt được sử dụng khi thực hiện hành vi giao tiếp trong các ngôn ngữ. Chúng được các nhân vật sử dụng với nhiều chức năng như định vị, thiết lập quan hệ liên nhân và biểu lộ thái độ tình cảm, tâm lí, nhận thức khi tham gia giao tiếp trong gia đình và ngoài xã hội.
2.2. Khái niệm về chuyển dịch
Cho đến nay, dịch đã được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Theo Peter Newmark (1988) trong quyển A textbook of translation (Sách học về dịch thuật), “dịch thuật là việc chuyển một văn bản này sang một văn bản khác theo cách tác giả muốn thể hiện khi viết văn bản đó”. Còn theo Phan Ngọc thì “nghề dịch chỉ tóm lại trong một câu: Nhập gia tuỳ tục. Khi dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh thì ta phải theo tục Pháp, tục Anh. Còn khi dịch sang tiếng Việt lại phải theo tục Việt”. Và theo Dương Tường thì: “Dịch là 100% trung thành và 100% sáng tạo”.
2.3. Khái niệm về văn hoá
Theo như E.B.Tylor thì “Văn hoá là một thể thức phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, luân lí, luật pháp, phong tục và tất thảy những năng lực khác nhau và tập quán khác nhau” [dẫn theo 3, tr. 17]. Theo Margaret Mead thì “Văn hoá là toàn thể những hình thức ứng xử mà một nhóm cá nhân được hợp nhất bởi truyền thống chung, truyền lại cho con cháu họ…” [dẫn theo 3, tr. 17]. Ngoài ra, khái niệm về văn hoá đã được các tác giả khác đề cập đến nhiều như: Phạm Đức Dương, Nguyễn Lai, Trần Quốc Vượng,… Tóm lại, văn hoá là một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, trong từng giai đoạn lịch sử về những kết quả, những thành tựu về vật chất và tinh thần của con người và xã hội.
3. Những nét văn hoá được thể hiện qua cách chuyển dịch các đơn vị từ, ngữ xưng hô trong tác phẩm Gone with the wind và bản dịch Cuốn theo chiều gió
Khi nói đến đơn vị từ, ngữ xưng hô trong tiếng Anh và tiếng Việt, đều có hai nhóm chính là đại từ nhân xưng (ĐTNX) và các danh từ (DT). Do giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ bàn thêm về những nét văn hoá được thể hiện và chi phối sự chuyển dịch các đơn vị từ, ngữ xưng hô là ĐTNX ở ngôi thứ nhất I/ me (biến thể của ĐTNX I) và ngôi thứ hai You trong tiếng Anh sang tiếng Việt.
3.1. Về số lượng
Ở đây, chúng tôi chỉ nêu số lượng ĐTNX ở ngôi thứ nhất I / me (biến thể của ĐTNX I) và ngôi thứ hai You được các nhân vật sử dụng trong 10 chương đầu ở bản gốc (tiếng Anh) khi được chuyển sang bản dịch (tiếng Việt) như bảng sau:
Bảng 1: Bảng thống kê số lượng ĐTNX I, you ở 10 chương đầu [1] và [2]
Bảng thống kê trên cho thấy số lượng ĐTNX có sự chênh lệch đáng kể. Trong 10 chương đầu của bản gốc tiếng Anh, ĐTNX I có 710 từ = 100%, khi chuyển sang bản dịch tiếng Việt thì có 419 ĐTNX chiếm 59%, 164 DT chiếm 23,1%, 1 biểu thức chiếm 0,1% và 126 trường hợp lướt qua chiếm 17,8%. Đối với ĐTNX Me có 196 từ = 100%, khi chuyển dịch sang bản dịch tiếng Việt thì có 107 ĐTNX chiếm 54,6%, 42 DT chiếm 21,4%, 9 biểu thức chiếm 4,6% và 38 trường hợp lướt qua chiếm 19,4%. Còn đối với ĐTNX You thì có 756 từ, khi chuyển dịch sang bản dịch tiếng Việt thì chỉ có 55 ĐTNX (7,2%), còn DT thì có tới 481 DT (63,6%), có 90 biểu thức (11,9%) và có 139 trường hợp lướt qua (18,3%).
3.2. Về ngữ nghĩa
ĐTNX ngôi thứ nhất I/ me, trong tiếng Anh, ĐTNX I làm chủ ngữ trong câu và me (biến thể của I) làm tân ngữ (bổ ngữ cho động từ) trong câu. Cả hai được xem là ĐTNX số ít và có nghĩa tương đương ở tiếng Việt là ĐTNX tôi, nhưng trong nhiều trường hợp các danh từ thân tộc là cô, em, anh,… được sử dụng để chuyển dịch, nhằm diễn tả những sắc thái biểu cảm, mối quan hệ liên nhân trong từng tình huống, lời nói của nhân vật. Như khi Rhett Butler gặp lại Scarlett O’ Hara thì nói:
(1) “Permit me 1,” he said blending over and disentangling the flounce. “I hardly hope that you would recall me, Miss O’Hara” [1, tr. 250], được chuyển dịch sang tiếng Việt:
(2) “Xin vô phép. Hắn vừa nói vừa cúi xuống gỡ chỗ áo bị vướng. Tôi không mấy hi vọng là cô nhận ra tôi, cô Scarlett O’ Hara” [2, tr. 182]
Ở (1), đại từ I/ me, với sắc thái trung hoà, không phân biệt giới tính, được dịch tương ứng sang tiếng Việt là đại từ tôi với sắc thái trung hoà.
Ngoài ra, trong (1), đại từ me 1 được dịch lướt qua như (2). Còn khi Scarlett đã tự xưng khi nói chuyện với Ashley:
(3) “I couldn’t ever hate you. I tell you I love you and I know you must care about me
because-” [1, tr. 162], được chuyển dịch sang tiếng Việt:
(4) “Em không bao giờ ghét anh đâu. Em đã nói với anh là em yêu anh và em biết anh có để ý tới em bởi vì…” [2, tr. 121]
Ở (3), đại từ I/ me, với sắc thái trung hoà, không phân biệt giới tính, được dịch sang (4) là danh từ thân tộc em, với sắc thái thân mật, nhiều tình cảm, không phân biệt giới tính, có phân biệt tuổi tác (nhỏ tuổi hơn), để tự xưng với người lớn tuổi hơn hoặc với người yêu hay đặc biệt là với chồng như ở trường hợp khác của tiếng Việt.
Trong tiếng Anh, ngôi thứ nhất số ít, ĐTNX I/ me, với sắc thái trung hoà, không phân biệt giới tính. Khi chuyển dịch sang tiếng Việt có thể sử dụng đại từ tôi với sắc thái trung hoà, không phân biệt giới tính hay danh từ mình với sắc thái trung hoà, không phân biệt giới tính hoặc các danh từ thân tộc em, con với sắc thái thân mật, nhiều tình cảm, cũng không phân biệt giới tính và các danh từ thân tộc khác có phân biệt giới tính rõ ràng như anh, chị,… để chuyển dịch tương đương.
ĐTNX ngôi thứ hai you, có khả năng làm chủ ngữ hoặc tân ngữ trong câu, không phân biệt giới tính, với sắc thái trung hoà được dịch sang tiếng Việt, phải sử dụng các danh từ thân tộc, chỉ một người: em, anh, chị,… chỉ nhiều người (thêm từ các, mấy,…): các em, các anh,… để diễn tả mối quan hệ giữa người nói với người nghe, với sắc thái biểu cảm trong từng ngữ cảnh. Như Scarlett đã gọi Rhett Butler:
(5) “You aren’t fit to wipe his boots!” she shouted in rage [1, tr. 168], được chuyển dịch sang tiếng Việt:
(6) “Nàng hét lớn: Ông không đáng lau giày cho anh ấy”. [2, tr. 126].
Ở (5), ĐTNX you không phân biệt giới tính, với sắc thái trung hoà. Nhưng ở (6) thì danh từ thân tộc ông, có phân biệt giới tính (nam), lớn tuổi, với sắc thái trang trọng, nhiều tình cảm. Scarlett gọi Rhett là ông, với sắc thái coi thường, giận dữ.
Bên cạnh đó, ĐTNX you, cũng được sử dụng cho số nhiều như trường hợp:
(7) “My dear ladies – how could I! You must forgive me. But permit a stranger to offer the comfort of saying that to die for one’s country is to live forever.” [1, tr. 252], được chuyển sang bản dịch tiếng Việt là:
(8) “Thưa hai bà … tôi không thể nào ngờ được! Các bà nên tha thứ cho. Nhưng xin cho phép một kẻ xa lạ như tôi được an ủi hai bà rằng chết vì tổ quốc tức là sống muôn đời vậy [2, tr. 183].
ĐTNX you, không phân biệt giới tính, với sắc thái trung hoà ở (7) được dịch sang (8) theo biểu thức: các + bà để chỉ nhiều người, có phân biệt giới tính (nữ), với sắc thái lịch sự, trang trọng.
Nói chung, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của cuộc thoại mà có sự chuyển dịch phù hợp, không chỉ về nghĩa mà còn về văn hoá giao tiếp, ở đây là tiếng Anh sang tiếng Việt, văn hoá giao tiếp của người Anh sang văn hoá giao tiếp của người Việt.
4. Những nét văn hoá cần lưu ý trong hoạt động chuyển dịch và giảng dạy đơn vị từ ngữ xưng hô trong thời kì hội nhập đất nước
Từ những miêu tả, phân tích trên, cho thấy từ ngữ xưng hô được sử dụng ở hai ngôn ngữ không chỉ là nội dung chỉ ngôi, số mà còn thể hiện thái độ tình cảm, nhận thức, thói quen, văn hoá,… của nhân vật tham gia giao tiếp. Trong tiếng Anh, từ xưng hô ít bị chi phối quy định về địa vị, tuổi tác, tình cảm, mối quan hệ liên nhân của người tham gia giao tiếp và không chứa đựng màu sắc biểu cảm như trong tiếng Việt.
Trong tiếng Anh, ĐTNX thường không thể hiện rõ sắc thái tình cảm đi kèm nghĩa (lịch sự/ không lịch sự) như trong tiếng Việt. Do người Âu – Mĩ đề cao chuyện riêng tư cá nhân và thể hiện rất rõ cái tôi của chính bản thân mình. Trong bối cảnh giao tiếp trang trọng, lễ nghi cũng như khi thân mật, thân tình, cởi mở hay suồng sã thì họ cũng chỉ tự xưng là I/ me (ngôi thứ nhất) và gọi người nghe là you (ngôi thứ hai) nên khi chuyển dịch sang tiếng Việt phải sử dụng từ ngữ xưng hô “linh hoạt” cho tương ứng, phù hợp theo hoàn cảnh giao tiếp, tình huống câu chuyện.
Trong hoạt động chuyển dịch, bản sắc văn hoá thể hiện về tính lịch sự trong sử dụng từ ngữ xưng hô của hai dân tộc Việt và Anh. Từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt rất đa dạng, phong phú. Ngoài các ĐTNX như: tôi, chúng tôi, mình,… còn có các danh từ thân tộc, các từ chỉ chức danh, tên riêng, biểu thức xưng hô,… có thể thay thế ĐTNX, thậm chí được dùng lấn át các ĐTNX. Điều đó làm cho cách xưng hô của người Việt mang sắc thái văn hoá riêng, khác với cách xưng hô của các dân tộc khác. Và, có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có kiểu xưng hô thật độc đáo này.
5. Kết luận
Tóm lại, khi chuyển dịch tương đương đơn vị từ ngữ xưng hô từ tiếng Anh sang tiếng Việt, thì nên đưa yếu tố văn hoá và yếu tố sắc thái tình cảm lên hàng đầu. Khi dịch ĐTNX thì không thể dịch tương đương “một đối một” được mà buộc người dịch phải thay đổi từ, ngữ xưng hô cho phù hợp với từng mức độ của hoàn cảnh, tình huống, trạng thái và bản sắc văn hoá theo từng loại hình ngôn ngữ khác nhau để đảm bảo nội dung và sắc thái biểu cảm của nó.
Do sự khác biệt ít nhiều về ngôn ngữ và văn hoá giữa tiếng Anh và tiếng Việt thể hiện qua đơn vị từ ngữ xưng hô như trên nên khi chuyển dịch qua văn bản hay khi giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Anh hay tiếng Việt với người nước ngoài cũng như trong dạy và học ngoại ngữ, chúng ta phải luôn chú ý tới vấn đề tương ứng, tương đồng và sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá giữa hai hay nhiều thứ tiếng thể hiện qua từ, ngữ xưng hô trong giao tiếp ngôn ngữ của tiếng Anh và tiếng Việt.
TƯ LIỆU
1. Margaret Mitchell, Gone with the wind, Macmillan Publisher, 2005.
2. Vũ Kim Thư, Cuốn theo chiều gió, NXB Thời đại, Hà Nội, 2009.
THƯ MỤC THAM KHẢO
A. Tiếng Việt
1. Đỗ Hữu Châu, Dụng học và Dịch thuật. Những vấn đề ngôn ngữ và dịch thuật, NXB ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, 1993.
2. Nguyễn Văn Chiến, Từ xưng hô trong tiếng Việt (Nghiên cứu ngữ dụng học và dân tộc học giao tiếp), Kỉ yếu Những vấn đề Ngôn ngữ và Văn hoá, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, 1993, tr. 61-65.
3. Hữu Đạt, Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao tiếp tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2009.
4. Đỗ Thị Kim Liên, Từ xưng hô trong hội thoại, Ngữ học trẻ 98, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, 1998, tr. 12-18.
5. Phan Ngọc, Văn hoá Việt Nam và cách tiếp cận mới, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1994.
6. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.
B. Tiếng nước ngoài
7. Michael Rundeel, Macmillan English Dictionary, Macmillan, 2002.