Vai trò của các Nihonmachi đối với hoạt động thương mại giữa Nhật Bản với Thái Lan và Việt Nam trong thế kỷ XVII
Tác giả bài viết: Tiến sĩ TRẦN THỊ TÂM1
(1. Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế)
TÓM TẮT
Từ năm 1592-1635, thông qua chính sách Châu ấn thuyền, các thuyền buôn của Nhật Bản đã thâm nhập mạnh mẽ đến các thương cảng Đông Nam Á, buôn bán và cạnh tranh quyết liệt với thương nhân Trung Quốc, cũng như thương nhân phương Tây. Do có kỹ năng buôn bán và tiềm lực kinh tế mạnh, các thương nhân Nhật Bản đã mau chóng xác lập được vị trí ở nhiều thương cảng Đông Nam Á, đặc biệt là ở Siam (Ayutthaya), Hội An (Faifo), Tonkin (Đàng Ngoài), Phnom Penh, Manila… Từ các thương cảng này, người Nhật đã thiết lập nên các Nihonmachi (phố Nhật) để sinh sống, buôn bán lâu dài ở các nước sở tại. Bài viết này làm rõ quá trình hình thành, phát triển của các Nihonmachi tại hai quốc gia điển hình bao gồmViệt Nam, Thái Lan giai đoạn cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra những đánh giá về vai trò quan trọng của các Nihonmachi đối với hoạt động giao thương thời trung đại và sức ảnh hưởng, lan tỏa của giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân cư ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Từ khóa: Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam, Nihonmachi.
x
x x
Từ rất sớm, người Nhật đã hoạt động trên các vùng biển thuộc khu vực Đông Nam Á trong nhiều thể kỷ thông qua thám hiểm, thương mại và các lý do khác. Tuy nhiên, vào thế kỷ XVI, làn sóng di dân lớn từ Nhật Bản tới Đông Nam Á đã gia tăng mạnh mẽ. Nguyên do là những cuộc chiến tranh liên miên kéo dài cả thế kỷ của thời kỳ Sengoku đã khiến rất nhiều người, chủ yếu là các samurai, thương nhân nhỏ và những người muốn tìm kiếm vận may và sự đổi đời của họ trên biển. Nhiều samurai chạy trốn khỏi Nhật Bản trong thời gian này là những người bên phía thua cuộc trong các cuộc xung đột lớn khác nhau; một số là ronin3, một số là lính bại trận trong chiến tranh xâm lược Triều Tiên hoặc các cuộc xung đột lớn khác. Đặc biệt, khí Toyotomi Hideyoshi (1537-1598) và sau đó là các tướng quân Mạc phủ Tokugawa ban hành lệnh cấm lặp đi lặp lại đối với Kitô giáo, nhiều tín đồ Kitô giáo đã trốn khỏi đất nước; nhiều người trong số đó đã đến Thái Lan, Việt Nam. Vậy, người Nhật đã có mặt ở Thái Lan, Việt Nam nhiều nhất từ thời điểm nào? Các Nihonmachi chính thức ra đời từ khi nào? Nó là ý muốn chủ quan của chính quyền Nhật Bản hay là sự ra đời một cách tự phát? Các Nihonmachi đóng vai trò gì đối với thương mại giữa Nhật Bản với Thái Lan, Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII?
1. Khái quát về các Nihonmachi ở Thái Lan và Việt Nam
Xuất phát từ động cơ và mưu cầu khác nhau, từ thể kỷ XII-XIII, nhiều người Nhật Bản đã bắt đầu đi sâu xuống vùng biển phía Nam và đặt chân đến vùng biển Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là wako4. Sau đó, trong bối cảnh ngột ngạt bởi binh đao của thời kỳ Sengoku (Chiến quốc)5 ở Nhật Bản, nhiều ronin, những võ sĩ bại trận, bất mãn, muốn khôi phục danh dự đã tìm cách dong thuyền đến những vùng đất mới để tìm kiếm cơ hội. Đặc biệt, từ năm 1592, bằng những nỗ lực không ngừng của Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa leyasu (1543-1616) với mong muốn mở rộng hoạt động ngoại thương đã cho xây dựng một đội thuyền buôn hùng mạnh thông qua chính sách Shuinsen (Châu ấn thuyền 1592-1637), các thương gia và những người nhập cư Nhật Bản đã đến và định cư lâu dài tại các thương cảng phồn thịnh của Philippines (Dilao và San Miguel), Việt Nam (Hội An), Thái Lan (Ayutthaya) và Campuchia (Phnom Penh và Pignalhu). Tại các thương cảng này, những cư dân Nhật Bản luôn sống cùng nhau tại những khu định cư đặc biệt được chính quyền sở tại ban cấp. Đó là nguồn gốc ra đời của các Nihonmachi. Nihonmachi có nghĩa là phố Nhật, khu định cư mà cộng đồng người Nhật Bản từng sinh sống và buôn bán tại một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á7 vào thế kỷ XVII. Tại Nihonmachi, người Nhật được hưởng quyền tự trị dưới sự lãnh đạo của một người đứng đầu do họ cử ra. Và người đứng đầu này phải có mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền và người dân bản địa. Thành phần của Nihonmachi chủ yếu là thương nhân, võ sĩ (nhiều nhất ở Ayutthaya), người làm công và phần đông trong số đó là những người theo Kitô giáo. Theo Ishiwara Yoshiaki, Nhihonmachi được lập ra trước hết là để có sự giúp đỡ, cố kết toàn thể cộng đồng di dân Nhật ở nơi định cư, thứ hai là nhu cầu tất yếu của một nền ngoại thương lúc bấy giờ cần phải có những cơ sở cố định từ các thương cảng chính ở hải ngoại, thứ ba là do chính quyền sở tại càn phải tập trung người nước ngoài đến buôn bán để có thể kiểm soát họ một cách hiệu quả hơn8. Cho đến nay, các nguồn sử liệu phổ biến đều cho rằng có hai Nihonmachi được xây dựng ở Philippines, một ở Thái Lan, hai ở Campuchia và một ở Việt Nam9. Mặc dù chỉ tồn tại trong một đến hai thế hệ tại các thương cảng sầm uất nhất của Đông Nam Á, nhưng Nihonmachi không chỉ đóng vai trò tối quan trọng, vào đầu thế kỷ XVII, mà còn gắn kết mạng lưới thương mại suốt những thập niên cuối của thế kỷ này và lan tỏa văn hóa Nhật Bản một cách sâu rộng. Cho đến nay, nhiều giá trị vật thể, phi vật thể vẫn tiếp tục được gìn giữ và bảo tồn.
Nihontnachi ở Ayutthaya (Thái Lan)
Do những biến động của tình hình trong nước, nhiều cư dân Nhật Bản đã đến và trở thành những chiến binh chiến đấu để bảo vệ Ayutthaya. Khi chính sách Châu ấn thuyền được thực hiện, người Nhật ở Ayutthaya được bổ sung thêm bởi số lượng lớn các thương nhân. Khởi đầu từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, Shogun Tokugawa leyasu đã thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế; từ đây các thương gia Nhật Bản đã bắt đầu buôn bán với Ayutthaya một cách thường xuyên thông qua các kênh chính thức. Một số thành viên trong các gia đình thương nhân giàu có đã quyết định cư trú tại Ayutthaya để mở rộng phạm vi kinh doanh của gia đình họ. Một số người khác là những nhà thám hiểm đã nắm bắt cơ hội và tìm cách kiếm tiền. Họ có vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của mạng lưới buôn bán giữa Nhật Bản và Đông Nam Á lúc bấy giờ. Những thương nhân này không chỉ được hỗ trợ bởi Mạc phủ Tokugawa, mà còn được người Ayutthaya tạo điều kiện trong sinh sống và buôn bán. Do đó, nhiều thương nhân Nhật Bản cư trú tại Ayutthaya cũng tham gia vào các vấn đề chính trị và quân sự của địa phương.
Từ sau trận Sekigahara (1600), cùng với công cuộc thống nhất đất nước, chính sách cấm đạo càng trở nên quyết liệt hơn; vì vậy nhiều tín đồ Kitô đã rời bỏ đất mẹ đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Ayutthaya. Vào khoảng năm 1616, con số người nhập cư Nhật Bản đã tăng lên 300 đến 400 người tập trung trong một khu định cư riêng tại Ayutthaya. Những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng Nhật Bản ở đây là Kiya Kyuzaemon, Tsuda Matazaemon và đặc biệt là Yamada Nagamasa (1590-1630), người nhận được nhiều đặc ân của vua Thái và trở thành Tư lệnh cấm vệ quân cai quản một đội quân lên đến 600 người. Họ hầu hết là những thương gia trong thời bình và tuyển mộ tham chiến khi cần thiết trong các cuộc chiến chống lại Miến Điện. Năm 1629, đội quân của Yamada được chuyển đến Ligor (miền Nam Thái Lan), không lâu sau đó, ông bị ám sát trong nội chiến, cả 2 khu định cư của người Nhật bị phá hủy, cộng đồng người Nhật phải dời sang Campuchia vào năm 1632. Một thời gian sau, họ được phép trở lại Ayutthaya nhưng cho đến năm 1688, khi làn sóng chống đạo Kitô ở đây ngày càng lên cao thì cùng với việc tàn sát các tín đồ, cộng đồng người Nhật cũng dần biến mất khỏi Thái Lan. Bên cạnh các chiến binh samurai và thương nhân, người Nhật ở Ayutthaya còn có một nhóm thứ ba gồm những người làm công. Đó là những người làm việc cho các thương nhân Châu ấn thuyền được cấp phép, một số người Nhật khác được thuê bởi các thương nhân châu Âu và Ayutthaya để làm phiên dịch viên và ở các vị trí khác nhau liên quan đển thương mại. Một thương nhân người Hà Lan sẵn sàng thuê nhân công là người Nhật làm việc cho VOC10 để đóng gói và chuẩn bị hàng hóa. Người phương Tây cho rằng, họ rất thông minh, chăm chỉ mặc dù chỉ được trả một mức lương khiêm tốn11.
Nihonmachi ở Hội An (Việt Nam)
Trong quá trình mở rộng giao lưu và buôn bán ở Đông Nam Á và Việt Nam, để mở rộng việc trao đổi hàng hóa, xây dựng cơ sở hậu cần, những thương nhân Nhật Bản đã xây dựng cho những khu phố riêng của họ. Phố Nhật ở Việt Nam có tên laFaifo được nhắc tới trong sách Hàng hải ký của Adams vào năm 1617 và trong Tường trình xứ Đàng Trong của Ch. Borri vào năm 1618-1622. Các phố Nhật được bắt đầu xây dựng vào khoảng giữa thời Keicho (Khánh Trường)12 và muộn nhất vào năm đầu thời Genna (Nguyên Hòa)13 và phát triển rất nhanh chóng vào những năm tiếp theo của mậu dịch Châu ấn thuyền. Như vậy, phố Nhật ở Hội An được xây dựng sau phố Nhật ở Dilao, San Miguel (Philippines) và Ayutthaya (Thái Lan). Theo nhà nghiên cứu Trịnh Tiến Thuận, phố Nhật Bản được xây dựng ở Hội An xuất phát từ 3 lý do: (i) tạo nên tâm lý yên tâm, sự thuận tiện trong sinh hoạt và hợp tác với nhau trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ và giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn; (ii) việc tổ chức Nihonmachi giúp Nhật kiều thuận tiện trong buôn bán với nước ngoài (phố Nhật Bản ở Hội An là cảng mậu dịch “cận thị, cận giang” và Ayutthaya (Thái Lan) cũng được xây dựng gần sông lớn); và (iii) lý do thứ ba là để chính quyền của chúa Nguyễn ở Đàng Trong dễ dàng quản lý người Nhật cũng như người nước ngoài nói chung. Do khác biệt về phong tục tập quán, nên chính quyền của chúa Nguyễn cũng muốn tập trung người Nhật vào một khu vực để quản lý họ dễ dàng. Khu phố Nhật ở Hội An là thương cảng mậu dịch lớn nhất Đàng Trong và Đông Nam Á, cách xa Thuận Hóa (Huế) hơn 100 km và phủ chúa dinh Chiêm khoảng 9-13 km14. Trong quá trình tồn tại của cộng đồng người Nhật tại Hội An, đã xảy ra hỏa hoạn vào các năm 1633, 1634, rồi những biến động của tình hình chính trị, xã hội, đặc biệt là chiến tranh Trịnh – Nguyễn đã làm cho phố Nhật thay đổi. Năm 1642 số người Nhật sinh sống ở Hội An được ghi nhận là 40-50 người, 10 năm sau có khoảng 60-90 người Nhật ở Hội An và họ thường xuyên qua lại Manila và Ayutthaya buôn bán, đến năm 1695, chỉ còn lại 4-5 gia đình người Nhật ở Faifo, phố Nhật được thay thế bởi phố người Hoa tại đây15. Cuối thế kỷ XVII có thể là thời điểm đánh dấu sự tồn tại của Nihonmachi ở Đàng Trong
2. Vai trò của các Nihonmachi đối với hoạt động giao thương giữa Nhật Bản với Thái Lan và Việt Nam cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII
Có thể nói, trong khuynh hướng quan hệ quốc tế ngày càng trở nên rộng mở, ở các thương cảng Đông Nam Á xuất hiện ngày càng nhiều nhóm cư dân ngoại quốc đến sinh sống và buôn bán. Những người Nhật đã đến đây từ các thế kỷ trước đã đặt nền tảng cho các thương nhân Châu ấn thuyền xây dựng mối liên hệ với các quốc gia sở tại. Tuy nhiên, điều này chưa thể dẫn đến việc hình thành các Nihonmachi. Đến cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, cùng với việc hoàn tất công cuộc thống nhất đất nước, chính quyền Toyotomi Hideyoshi đã nhận thức rất rõ vai trò của hoạt động ngoại thương đối với sự phát triển kinh tế, đồng thời nhằm giải quyết những trở ngại trong buôn bán với Trung Hoa và phá vỡ thế độc quyền trong giao thương với Tây phương; cùng với các hành động kiên quyết loại trừ hải tặc, từ năm 1580, chính quyền Toyotomi đã duy trì chủ trương phái các đoàn thương thuyền chở theo một lượng bạc lớn đến buôn bán trực tiếp ở nhiều nước Đông Nam Á. Đến năm 1592, chính sách Châu ấn thuyền đã chính thức ra đời với sự kiện Tướng quân Toyotomi Hydeyoshi cấp 9 giấy phép cho các thuyền buôn Nhật Bản đi giao dịch ở Đông Nam Á.
Kể từ năm 1600-1637, sau khi Mạc phủ Edo được thiết lập, chính quyền Tokugawa vẫn tiếp tục thi hành chính sách đối ngoại tích cực, duy trì và mở rộng chế độ cấp giấy phép cho các thương nhân ra nước ngoài buôn bán. Trong suốt thời kỳ này, Nhật Bản đã có quan hệ với 18 quốc gia và khu vực, lãnh thổ nhưng chủ yểu là các quốc gia Đông Nam Á, trong đó địa bàn quan trọng nhất là Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Campuchia. Đây cũng chính là địa bàn ra đời nhiều Nihonmachi nhất. Mạc phủ không chỉ cấp dấu Châu ấn cho các thương nhân Nhật Bản mà còn lưu hành cho cả một số thương gia ngoại quốc, trong đó có cả người phương Tây. Thông qua mối giao lưu kinh tế, văn hóa suốt nửa thế kỷ này, Nhật Bản đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức của nhiều dân tộc Đông Nam Á. Chính sách Châu ấn thuyền từ năm 1592 là điều kiện trực tiếp cho việc hình thành các Nihonmachi. Khi các thuyền buôn Nhật Bản đến các thương cảng ở Việt Nam và Thái Lan để buôn bán, nhiều gia đình đã ở lại định cư, kết nối với những người Nhật đã ở đây từ trước, lưu trú lâu dài để thu gom hàng hóa giữa hai mùa mậu dịch. Do quy mô buôn bán ngày càng lớn, nhu cầu về lượng hàng trao đổi nhiều nhưng một số nông, lâm, thổ sản địa phương ngày càng khan hiếm nên việc lưu trú thường xuyên của nhiều thương nhân ở Nihonmachi là để thuận lợi cho công việc buôn bán, thu gom hàng hóa, sản vật từ các nước trong khu vực, tập họp các mặt hàng mua được từ Hoa kiều và phân phối hàng Nhật đến các chủ tiệm nhỏ16. Ở phương diện này, Nihonmachi giữ vai trò là các cơ sở buôn bán, trạm trung chuyển của các thương nhân Nhật Bản tại Đông Nam Á. Đây chính là lý do hầu hết tất cả các Nihonmachi đều được thiết lập tại trung tâm các thương cảng, giao lộ của các tuyến đường thủy theo tiêu chí “nhất cận thị, nhị cận giang”… Ayutthaya và Hội An đều là các khu vực gần cửa sông, rất thuận tiện để thu gom và tập hợp hàng hóa. Chẳng hạn, với trường hợp Hội An, chức năng quan trọng nhất của Nihonmachi ở đây là khai thác nguồn hàng hóa từ Trung Quốc (chủ yếu là các loại tơ lụa có giá trị) nhằm chống lại lệnh cấm của nhà Minh về thương mại của Trung Quốc với Nhật Bản. Hội An là một thương cảng năng động giữ vai trò thương mại trung chuyển giúp Nhật Bản có thể giải quyết nhu cầu khan hiếm hàng hóa từ Trung Quốc, lại là một trong những điểm đến gần nhất mà không chịu sự kiểm soát của người châu Âu, không giống như Macao và Manila17.
Để đảm bảo hoạt động của các thương nhân, Mạc phủ Tokugawa cũng như giới lãnh đạo trong cộng đồng người Nhật ở Thái Lan luôn chủ trương phải thắt chặt hơn nữa quan hệ với chính quyền nước sở tại. Cụ thể, năm 1609, Sumihiro là một thương gia Nhật Bản ở Ayutthaya đã gửi thư về nước cho Kanai Korinori, lãnh chúa vùng Inaba, Nhật Bản và thông báo rằng ông đã đem theo một số tặng phẩm của Inaba như sắt và súng tặng cho một quý tộc người Thái nhằm tranh thủ thiện cảm của họ trong quan hệ thương mại và để có thể mua về thuyền buôn của nước này. Chính Sumihiro sau này được coi là thủ lĩnh của cộng đồng người Nhật trên đất Thái18. Trường hợp điển hình này cho thấy cộng đồng người Nhật ở nói chung và các Nihonmachi nói riêng đã giữ vai trò cầu nối trong việc thắt chặt quan hệ với chính quyền ở Thái Lan và Việt Nam lúc bấy giờ để việc buôn bán, thông thương, trao đổi hàng hóa giữa hai bên được diễn ra thuận lợi.
Trong quá trình buôn bán tại Đông Nam Á, cộng đồng người Nhật luôn phải giao thiệp và cạnh tranh quyết liệt với các thương nhân phương Tây như Tây Ban Nha, Hà Lan, đặc biệt là cộng đồng người Hoa tại khu vực. Mặc dù không tránh khỏi những căng thẳng về thương mại, thậm chí là những xung đột bằng quân sự nhưng với đặc tính nhẫn nại, kiên trì và khéo léo, những cư dân Nhật Bản tại Ayutthaya, Faifo… luôn đặt hiệu quả kinh tế lên trên hết để hành xử cho phù hợp. Nhắc đến cộng đồng người Nhật ở Thái không thể không nhắc đến Yamada Nagamasa (1590-1630). Ông không chỉ có tài năng quân sự mà còn là người điều hành toàn bộ mạng lưới kinh tế thương mại của Nhật Bản ở Ayuttaya. Yamada là cổ đông của nhiều gia tộc có quan hệ thương mại với vương quốc này. Năm 1624, chính ông đã trực tiếp cử nhiều thuyền chở da hươu về Nhật Bản. Bằng những hành động đó thương nhân Nhật bắt đầu thâm nhập vào phạm vi quyền lợi của Hà Lan và một số nước khác nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào giới doanh thương Nhật Bản vẫn cố gắng duy trì sự hòa hiếu, không để cho những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế trở nên đến mức đổi lập. Do vậy, mặc dù có những bất đồng nhưng cộng đồng người Nhật vẫn có khả năng giao thiệp và hợp tác với thương gia các nước. Trên thực tế, trong quan hệ thương mại với Thái Lan, có những năm thuyền buôn của Nhật thương xuất phát từ Ayutthaya đã bán hết hàng hóa ở Nhật Bản nhưng vẫn chưa thể trở về đúng hạn mà phải chờ lấy hàng. Trong những trường hợp đó, Yamada và một số thương nhân Nhật Bản trong cộng đồng thường nhờ tàu buôn của Hà Lan kết hợp chở hàng về Nhật Bản. Ngoài việc tổ chức các đoàn thuyền buôn đưa hàng về Nhật Bản, Yamada cũng cử nhiều thương thuyền đến các nước Đông Nam Á để buôn bán, thu gom hàng hóa. Tàu của ông được tự do đến buôn bán ở Malacca và Batavia năm 1628. Các tàu trở về với thư và quà cho Nagamasa do đích thân toàn quyền voc Jan Pieterszoon Coen (1587-1629) gửi19. Một trường họp khác là nhân vật Chu Thuấn Thủy (1600-1682), vào năm 1657, trước khi bị triệu kiến đi gặp chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635), ông đã ủy thác toàn bộ gia sản cho những người thân tín, ngạc nhiên là, tất cả những người đó đều là người Nhật. Điều này cho thấy, trong quá trình làm ăn, sinh sống ở Đại Việt, cộng đồng người Nhật đã giành được sự tin cậy không chỉ của chính quyền và thương nhân bản địa mà cả nhiều thương gia, giáo sĩ và nhân sĩ ngoại kiều20. Cộng đồng người Nhật ở Ayutthaya, Đại Việt nói riêng và ở Đông Nam Á nói chung không chỉ giữ vai trò cầu nối với chính quyền sở tại như đã đề cập trên đây, mà còn thực hiện việc buôn bán và giao hảo với thương nhân phương Tây và Hoa thương trong quá trình vận chuyển, thu gom hàng hóa Nihonmachi luôn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động ngoại giao giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á. Mối quan hệ giữa cộng đồng với hoạt động ngoại giao và buôn bán tỏ ra tương hỗ mật thiết, nếu hoạt động ngoại giao có vấn đề tất yếu sẽ dẫn đến việc giao thương gặp cản trở. Tháng 10/1630, vua Prasat Thong (1600-1656) đã cho đốt cháy Nihonmachi ở Ayutthaya và ra lệnh giết và xua đuổi người Nhật ra khỏi đất Thái vì nghi ngờ Yamada và cộng đồng người Nhật có liên quan đến sự bất ổn chính trị của nước này. Trước những diễn biến chính trị ở Ayutthaya, năm 1632, Nhật kiều ở đây đã bị tàn sát và trục xuất ra khỏi vương quốc. Tiếp đó, năm 1633, Nihonmachi tại Ayutthaya bị cháy. Ngoài những thiệt hại về nhà cửa, vụ cháy đã thiêu trụi 7.000 tấn da hươu, 2.000 tấm da cá sấu và nhiều tài sản có giá trị khác. Đây là một tổn thất lớn trong hoạt động thương mại của cộng đồng người Nhật trên đất Thái, đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế đối ngoại của vương quốc này. Khi những tin tức từ Ligor và Ayutthaya đến Edo, Tokugawa lemisu (1604-1651) ngay lập tức đã ra lệnh cắt đứt mối quan hệ ngoại giao và thương mại với Ayutthaya21. Theo J. Schouten thì: “Nền kinh tế của Siam đã bị suy sụp cùng với sự tàn lụi của khu định cư của người Nhật vào năm 1633”22. Như vậy, các Nihonmachi trở thành nhân tố gắn kết mối quan hệ giao thương giữa Nhật Bản với Thái Lan, Việt Nam, là cơ sở để đẩy mạnh hoạt động buôn bán, đảm bảo cho ngoại giao và thương mại. Trường hợp dị biệt ở Thái Lan là ngoại giao – thương mại và quân sự. Đến năm 1632, Prasat Thong vì muốn thiết lập lại nền thương mại có lợi với Nhật Bản, đã mời những người Nhật đã chạy thoát sang Campuchia trở lại Ayutthaya. Theo đó, vào năm 1637, có ít nhất 300 người Nhật đã quay trở lại Thái Lan. Mặc dù vậy, cộng đồng người Nhật ở Ayutthaya không bao giờ có thể quay lại quy mô, sự giàu có và quyền lực như những năm 1620. Prasat Thong còn gửi ít nhất 6 viên công sứ đến Nhật Bản nhưng tất cả đều bị Mạc phủ từ chối tiếp kiến. Có thể nói rằng, nếu không có sự thái quá của Prasat Thong, Ayutthaya rất có thể đã trở thành chủ thể duy nhất ở Đông Nam Á được quyền buôn bán trực tiếp với Nhật Bản trong thời kỳ Sakoku (1639-1654) như trường hợp của Hà Lan và Trung Quốc23…
Thời điểm Mạc phủ Tokugawa chính thức ban hành chính sách Tỏa quốc (Sakoku/1633-1639), cấm thuyền buôn xuất ngoại đồng thời không cho phép người Nhật ở nước ngoài trở về, chấm dứt chính sách Châu ấn thuyền cũng là thời điểm suy giảm các thuyền buôn đến buôn bán ở Đông Nam Á. Năm 1635, sổ thuyền buôn đến khu vực này chỉ còn 2 chiếc và hai năm sau thì chấm dứt. Điều này đồng nghĩa với sự suy yếu của cộng đồng người Nhật tại Việt Nam và Thái Lan và ngắt quãng hoạt động buôn bán trực tiếp giữa Nhật Bản với hai quốc gia này. Bước sang nửa cuối thế kỷ XVII, khi hoạt động buôn bán giữa hai bên chuyển sang giai đoạn gián tiếp thông qua các thương nhân Hà Lan và Trung Quốc, những cư dân Nhật Bản còn lại vốn am hiểu thị trường trở thành thông dịch viên, đầu mối đổi tiền hoặc cố vấn thương mại cho thương nhân ngoại quốc. Họ giám sát những người lao động, phân loại, trông coi và đóng gói hàng hóa. Nhiều người Nhật còn tham gia môi giới kinh doanh và bán các mặt hàng như thiếc, chì, gạo… Một số thương nhân khác làm đại lý cho Hà Lan và Trung Quốc với chính quyền địa phương. Ví dụ, ở Hội An những năm cuối thập niên 1630, người đứng đầu phố Nhật là Hirayona Rokubee, nắm quyền điều hành cảng và làm đại lý cho Hà Lan. Cư dân phố Nhật còn tham gia vào việc đầu tư và ký gửi hàng hóa xuất khấu cho các tàu của Hà Lan và Trung Quốc cũng như tham gia vận chuyển hàng hóa trong khu vực Đông Á. Vào năm 1633 và năm 1663, số lượng chuyến đi được thực hiện bởi tàu của người Nhật từ Ayutthaya đến các cảng khác của Đông Nam Á được báo cáo khoảng 20 chiếc. Những con tàu này đến Luzon, Đài Loan, Manila và Campuchia24. Nhờ những hoạt động này mà tiềm lực kinh tể của khối Nhật kiều vẫn tương đối mạnh và giữ được vai trò nhất định trong hoạt động thương mại. Năm 1640, để chuẩn bị tài chính cho việc xây dựng chùa Non Nước, trong số những người tham gia công đức có tên của 10 người Nhật. Lượng tiền mà họ đóng góp chiếm tới 57,2% và số bạc cũng chiếm đến 71,4% tổng lượng bạc quyên được để xây dựng chùa25.
Cộng đồng người Nhật ở Ayutthaya với vai trò lớn của Yamada nhờ mối quan hệ gần gũi của với nhà vua đã giúp ông và người Nhật thắng thế trong hoạt động thương mại trên đất Thái. Chức năng thương mại quan trọng nhất của người Nhật lúc bấy giờ là nắm được độc quyền kiểm soát da hươu của thị trường khu vực để nhập về Nhật Bản. Người Hà Lan, trên thực tế, đã buộc phải để cho người Nhật độc quyền mặt hàng này trên lộ trình thương mại đến Nagasaki và phải dựa vào họ như những người môi giới. Khi số binh lính người Nhật từng phục vụ cho người Thái hoàn thành nhiệm vụ quân sự, họ cũng tham gia vào công việc buôn bán da hươu này. Một người Nhật tên là lyota Taemon, có quan hệ mật thiết với các thương lái Nagasaki, giữ một vị trí lớn trong thu mua và môi giới kinh doanh da hươu, da cá mập và gỗ nhuộm vải đã trở thành người đứng đầu phố Nhật26.
Một trong những mục tiêu quan trọng của chính sách Châu ấn thuyền là tiếp cận và thu mua được hàng hóa của Trung Quốc, trong thời điểm nước này đang ngăn trở việc buôn bán với Nhật Bản. Điều này được thể hiện rõ nét trong vai trò của Nihonmachi ở Đàng Trong. Thương nhân Nhật Bản với các dòng họ nổi tiếng như: Suminokura, Chaya, Sueyoshi, Funamoto, Kiya, Araki, Hirano, Hashimato khi den Hội An mang theo chủ yếu là bạc, đồng, tiền đồng, vũ khí để đổi lấy tơ lụa. Cư dân phố Nhật làm nhiệm vụ thu mua hàng hóa từ các thương nhân Trung Quốc và cư dân bản xứ chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa cho các tàu buôn Nhật Bản. Họ cũng chính là lực lượng vận chuyển và bán hàng cho cư dân bản xứ hoặc thương nhân các nước hàng hóa mà Châu ấn thuyền mang đến. Theo gió mùa, cứ mỗi khi tàu buôn Trung Quốc và Nhật Bản dong buồm đến cảng thì một thị trường sôi động được tổ chức để trao đổi hàng hóa. Nhu cầu của Nhật Bản về mặt hàng tơ lụa quá lớn đến nỗi việc đến và đi của các thuyền Châu ấn đã chi phối lớn giá cả thị trường ở đây. Mặt khác, việc buôn bán tiền đồng và bạc cùng các mặt hàng nói trên, thương nhân Nhật có thể điều khiển được tỉ giá tiền tệ ở Hội An, lũng đoạn thị trường, cạnh tranh buôn bán với các nước khác. Ngoài ra, tại Hội An, chúa Nguyễn còn tin tưởng giao cho người đứng đầu
Nihonmachi phụ trách các công việc thương mại ở cảng như: cảng vụ, thuế vụ và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trong khu phố. Vì vậy, người đứng đầu phố Nhật luôn có vị trí đặc biệt và là thể lực tương đối mạnh trong đời sống kinh tế xã hội của đô thị này. Một số người Nhật khác cũng được chúa Nguyễn tin dùng vào các công việc như phiên dịch và cố vấn thương mại. Họ cũng là người đại diện chúa Nguyễn giao thiệp với các thương nhân nước ngoài đến cảng27. Vai trò của cộng đồng người Nhật đối với nền ngoại thương ở Hội An lớn đến mức khi người Hà Lan đến đây vào năm 1633, họ đã nhanh chóng nhận ra ràng, “các thương nhân Nhật Bản đã thống trị nền kinh tế địa phương”28.
Thông qua sự tồn tại và hoạt động của mình, các Nihonmachi đã góp phần vào sự thành công của chính sách Châu ấn thuyền khi mở rộng buôn bán xuống khu vực Đông Nam Á. Nihonmachi trở thành nhân tố không thể thiếu của nền ngoại thương trung chuyển trong việc tiếp cận với hàng hóa của Trung Quốc và tăng cường khả năng cạnh trạnh với các thương nhân phương Tây như Hà Lan, Tây Ban Nha… Nếu không có Châu ấn thuyền sẽ không có Nihonmachi, do vậy sự suy tàn của hoạt động mậu dịch trực tiếp, chủ động giữa Nhật Bản và Đông Nam Á từ 1641 trở đi cũng đánh dấu sự suy tàn của hệ thống Nihonmachi. Như vậy, Nihonmachi ra đời vì mục đích thương mại và suy tàn cũng bởi lý do thương mại. Do đó, Nihonmachi có vai trò quyết định đổi với hoạt động mậu dịch trực tiếp giữa Nhật Bản với Thái Lan và Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XVII và là cầu nối đổi với hoạt động mậu dịch gián tiếp giai đoạn cuối thế kỷ XVII.
__________
3. Ronin (lãng nhân, những người trôi dạt) là thuật ngữ dùng để chỉ các samurai không còn chủ tướng, xuất hiện từ thời Nara, Heian đến hêt thời Edo.
4. Còn được gọi là Oa khấu, thuật ngữ để chi những cướp biển (hải tặc) có nguồn gốc Nhật Bản hoạt động ở vùng biển Trung Quốc, Triều Tiên, Đông Nam Á… Ngoài ra, thuật ngữ này còn để chỉ đối tượng cướp biển khác, chủ yếu từ Trung Quốc, được gọi là Nụy khấu, Uy khấu cũng hoạt động ở vùng biển Đông Á từ thế kỷ XII trở đi.
5. Là thời kỳ kéo dài từ giữa thế kỷ XV đến nửa cuối thế kỷ XVI với những xung đột quân sự diễn ra liên tục giữa các lãnh chúa ở Nhật Bản.
7. Ngoài các Nihonmachi ở Đông Nam Á, mô hình này còn có ở một số khu vực thuộc Đông Bắc Á.
8. Madalena Riberco (2001), The Japamese Diaspora in the Seventeenth Century (According to Jesuit Sources), New University of Libon, p.53-83.
9. Một quan điểm khác của Thomas Jansen và nhiều sử gia phương Tây cho rằng ở Việt Nam có hai Nihonmachi (Hội An và Đà Nẵng). Một nhà nghiên cứu khác là Geoffrey c.Gunn cũng cho rằng ngoài Nihonmachi ở Philippines, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam thì tại Macau (Trung Quốc) và Batavia (Indonesia) cũng có sự tồn tại của phố Nhật.
10. Vereenigde Oost-Indische Compagnie (Công ty Đông Ấn Hà Lan).
11. Merchants and Workers in the Nihonmachi, the Japanese settlement in Ayutthaya (2012),
http://www.simandan.com/merchants-and-workers-in-thenihonmachi-the-japanese-settlement-in-ayutthaya/, Resources: “Samurai of Ayutthaya – The Historical Land scapeof Early 17lh Century Japan and Siam: Yamada Nagamasa and the Way to Ayutthaya” by Cesare Polenghi (p. 26-35).
12. Niên hiệu Nhật Bản giai đoạn 1596-1615.
13. Niên hiệu Nhật Bản giai đoạn 1615-1624.
14. Trịnh Tiến Thuận, Hội An – Một trung tâm ngoại thương Việt – Nhật thế kỷ XVII, http://www.dinhtranthanhchiem.quangnam.vn/2013/08/hoi-mot-trungtam-ngoai-thuong-viet.html.
15. Nguyễn Văn Kim (2003), Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thể kỷ XV-XVII, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 149.
16. Nguyễn Văn Kim (2003), Tlđd, tr.125.
17. Travis Seifman (2007), Seals of Red and Letters of Gold. Japanese Relations with Southeast Asia in the 17th Century,
https://scholarspace.manoa.hawaii.edu/handle/10125/18229.
18. Nguyễn Văn Kim (2003), Tldd, tr. 132.
19. Cesare Polenghi (2004), “The Japanese in Ayutthayah in the First half of the 17th Century”, https://www. samurai-archives.com/jia.html.
20. Nguyễn Văn Kim (2003), Tlđd, tr. 148.
21. Cesare Polenghi (2004), Tlđd, https://www.samuraiarchives.com/jia.html.
22. Dan theo Nguyễn Văn Kim (2003), Tlđd, tr. 139.
23. Cesare Polenghi (2004), Tlđd, https://www.samuraiarchives.com/jia.htm1.
24. Lê Thị Mai (2011), “Nihonmachi ở Ayutthaya và Hội An vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỳ XVII – Một nghiên cứu so sánh”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong. Moi quan hệ lịch sử”, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 149.
25. Vũ Minh Giang (1991), Người Nhật, phố Nhật và di tích Nhật Bản ở Hội An, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 209.
26. Wray, William (2002), “The 17th Century Japanese Diaspora: Questions of Boundary and Policy”, Thirteenth International Economic History Congress, Buenos Aires 2002, Preconference: Corfu, Greece.
27. Lê Thị Mai (2011), “Nihonmachi ở Ayutthaya và Hội An vào cuối thế kỳ XVI đầu thế kỷ XVII – Một nghiên cứu so sánh”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong. Moi quan hệ lịch sử”, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Tr. 146-147.
28. Travis Seifman (2007), Seals of Red and Letters of Gold. Japanese Relations with Southeast Asia in the 17th Century,
https://scholarspace.manoa.hawaii.edu/handle/10125/18229.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Minh Giang (1991), Người Nhật, phố Nhật và di tích Nhật Bản ở Hội An, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Nguyễn Văn Kim (2003), Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV – XVII, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
3. Lê Thị Mai (2011), “Nihonmachi Ở Ayutthaya và Hội An vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII – Một nghiên cứu so sánh”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong. Moi quan hệ lịch sử”, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
4. “Merchants and Workers in the Nihonmachi, the Japanese settlement in Ayutthaya” (2012),
http://www.simandan.com/merchants-and-workers-in-thenihonmachi-the-japanese-settlement-inayutthaya/, Resources: “Samurai of Ayutthaya – The Historical Landscape of Early 17th Century Japan and Siam: Yamada Nagamasa and the Way to Ayutthaya” by Cesare Polenghi (p. 26- 35).
5. Cesare Polenghi (2004), “The Japanese in Ayutthayah in the First half of the 17th Century”, jia.html. https://www.samurai-archives.com/
6. Madalena Riberco (2001), The Japamese Diaspora in the Seventeenth Century (According to Jesuit Sources), New University of Lisbon.
7. Travis Seifman (2007), “Seals of Red and Letters of Gold. Japanese Relations with Southeast Asia in the 17th Century”, handle/10125/18229.
https://scholarspace.manoa.hawaii.edu/
8. Trịnh Tiến Thuận, “Hội An – Một trung tâm ngoại thương Việt – Nhật thế kỷ XVII”,
http://www.dinhtranthanhchiem.quangnam.vn/2013/08/hoi-mot-trung-tam-ngoai-thuongviet.html.
9. Wray, William (2002), “The 17th Century Japanese Diaspora: Questions of Boundary and Policy”, Thirteenth International Economic History Congress, Buenos Aires 2002, Preconference: Corfu, Greece.
Nguồn: Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 1 (239), 1-2021
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Vai trò của các Nihonmachi đối với hoạt động thương mại giữa Nhật Bản với Thái Lan và Việt Nam trong thế kỷ XVII (Tác giả: TS Trần Thị Tâm) |